Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Xa một nẻo về

Thiệt tình là mình nhớ Từ Hiếu. Nhớ riêng Từ Hiếu, trong tất cả những nơi mình đã ngồi, đã đứng, đã yêu thiệt nhiều...

Nhớ cái cảm giác đất này, cỏ cây này đâu khác máu thịt mình, nên đi đứng một mình mà nhẹ, yên khôn xiết. Nhớ khi đứng giữa hàng thông lạnh. Thương từng hơi thở, tiếng lá và tiếng chuông đang tan vào nhau. An nhiên và điềm tĩnh như chưa bao giờ...

Và mình đã hẹn, với riêng mình, nhưng đã hơn 5 năm rồi đấy, mình xa...

ngày cuối năm

Ngày cuối năm tin nhắn
đến từ số...hơi quen
Nhắc thời gian đang mất
và đang có bên em

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Dilute

Làm sao pha loãng anh trong em
những ngày đậm - đặc - anh trong từng ý nghĩ

P/S: Các tình yêu cứ đoán mò đi nhá! ;))

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

21.12.09

Làm sao ngưng nối lời cho nhau
bằng ngón tay, bằng đôi môi
khi lời vô nghĩa cũng làm ngày đầy thêm bóng mát...

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

20.12.09

Chân lý sắp ló ra nó lại quăng thêm cái mền (chị Nguyệt bảo mình :))

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Tự nhiên trời đổ mưa trưa

- Định ra ngoài nửa giờ thì trời đổ mưa, đành ngồi lại.

- Định đi xem Avatar chiều nay mà cũng có thể là nhường vé lại. Ai biết được, nửa tiếng sau còn không biết được chuyện gì sẽ đến, rằng trời còn hay hết mưa, mình còn ngồi lại bao lâu...

- Cũng vậy đó, định thôi yêu (nhau) mà lại thành thương dã man. Ai biết được.

Và lúc bấm "add to blog" cũng vậy, có biết sẽ viết gì đâu, ngoài cái title, he

Ghét thật! :D

xin lỗi

Cho tôi xin lỗi mọi người
Đã không đem đến nụ cười nhiều hơn
(của ai người ấy biết ;)

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

Tĩnh vật gia đình

Chỉ cần nhìn thấy cái tạp dề trên người em gái, anh hai từ Ban Mê xuống, bước vào cửa nhà đã reo lên: "Nhà mình đang nấu món gì à?"

Giọng reo vui của anh trước... cái tạp dề - chỉ bấy nhiêu thôi , đủ làm mình nhớ...cái tạp dề hết sức! ;)

Và vì vậy mà có ý tưởng chụp một bộ ảnh tĩnh vật - đồ vật mang tên Gia đình. Trong bộ ảnh đó, sẽ có rất nhiều hình ảnh im lặng ấm áp, những hình ảnh ướp đầy hương vị quấn quýt của gia đình:

- Cái rổ đựng kẹp phơi quần áo.
- Ly đựng bốn chiếc bàn chải đánh răng (lỡ có hai chiếc cùng màu thì sẽ có một chiếc cột dây thun :)).
- Những chiếc khăn tắm và khăn lau mặt treo bên nhau.
- Bình hoa giả mẹ đã "tuyển" về từ khu chợ cũ.
- Chiếc nón lưỡi trai ba vẫn hay đội để đi chợ với mẹ.
- Cái hộc tủ đầu giường đầy các loại thuốc, hộp Combizar để cạnh hộp Salonbas, một viên Combizar vừa được tách vỉ...
- Tủ kinh - sách của mẹ. Những chồng thư tay nhiều nét chữ. Em búp bê mẹ chơi từ thời thơ ấu.
- Chồng nhật ký của ba. Đồ cạo râu út mua cho ba, zoom luôn mấy sợi râu bạc :))
- Cái chuông gió các con mua nhân kỷ niệm ngày cưới ba mẹ, từ khi còn ở Phan...
- Mấy cái cuốn uốn tóc màu hồng từng khiến Nhã Tâm nói không chớp mắt: "Trông bà nội buồn cười quá đi!".
- Ảnh một chiếc tủ mở, bên trong là những bộ quần áo đã được mẹ ủi thẳng thớm, cả những chiếc khẩu trang cũng được xếp riêng sau khi là sạch...
- Góc tường Út treo cái móc khóa màu nâu. Dây cột tóc xanh dương xanh lá rơi trên giường :p
- ...

Và tất nhiên, không thể thiếu cái tạp dề. Một cái tạp dề bé móc cạnh một cái tạp dề không bé - bếp lửa ở đó, mẹ và em ở đó. Hơi ấm gia đình ở khắp nơi. Mơ gì hơn...

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

chớ chấp

Lay ý thức chớ chấp trằng trằng
Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc
 
(Trúc Lâm đại sĩ)

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Viết khi ngâm gió


Gió khuya. Sao sáng. Muốn ngồi mãi ở ban công, đếm những chuyện tình....

Viết đến đây nhớ hai câu của N.A, treo ở mục Interest trên trang 360 của chàng: Lang thang xuống phố một mình/ Vừa đi vừa đếm (những) chuyện tình đã qua. Sở thích của N.A. bây giờ có khác hơn không, có vớ vẩn như ngồi ngâm gió đêm và ngắm một hành tinh ngàn tỉ năm xa như mình?

Không gian êm vang những giai điệu giáng sinh của Richard Clayderman Panda (Panda là tên cái anh dễ thương soạn và gửi CD ;))

Gió và nhạc xô dạt cơn buồn. Mà buồn quái gì buồn hoài nhỉ, chỉ là mệt nhoài, và bỗng nhiên hiu quạnh, muốn thở than khe khẽ với một ai đó không nghe thấy mình. Để không khiến ai đó phải reply mình - vì giả bộ yêu hay vì hào phóng yêu...

Nên những suy nghĩ dồn ứ trong đầu hôm nay, mình "nói" với một hành tinh xa - như N.A.

Có một dãy màu bị lạc trên chiếc rubic của mình. Nhưng mình cũng không buồn vui với chuyện sắp xếp lại nó rồi.

Mình tiếp tục Sống, bằng cách đi ngủ, Nâu à.

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2009

Nhủ

...Thưa em đời vẫn éo le/ Chiều nay lại lấy vần vè làm vui (TNT)

Thôi quên những đối thoại buồn
nói xong nghe lòng chực khóc

Thôi quên những điều phải học
kệ thay vạn sự vụng về

Thôi quên hết mọi bồi hồi
tình gần - lơi trong gang tấc

Thôi em, sá gì được - mất
Mà quên với nhớ mệt lòng!

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Rạn...

1. Việc nhiều nên xong muộn. Hoặc đi dự ... dạ đàm. Hoặc đi xem phim. Hoặc đi xem kịch. Rồi hẹn hò vì tình nghĩa ... Cả tuần rồi chỉ có một hai bữa cơm tối với gia đình. 0g đêm rửa bát, khẽ cỡ nào cũng nghe tiếng chén muỗng va vào nhau. Thấy mình như một cái chén rạn, ngày càng rộng những vết vỡ.

Sáng ra ngái ngủ không kịp nhìn kỹ mặt ba, không nhớ mẹ mặc đồ gì đi chợ. Tối về chỉ kịp thấy dáng ba còng ở góc bàn, nghe tiếng mẹ rên đau hai đầu gối. Thấy mình như chiếc tách cạn. Không chứa được điều gì.

May mà có Út luôn giữ bàn chân em ở nhà, lấy tay đau dọn rửa thay chị. Em cũng hiểu công việc cần phải "xem - nghe" của chị nên cũng không phàn nàn trách móc chi. Thương những tối về muộn, chỉ còn kịp giăng chiếc mùng cho em.

2. Đêm nay em mở Serenade, nhắc mình tắt máy dùm. Nhưng tiếng nhạc ủ ê này lại khiến mình muốn "trốn" vào mạng. Online nhiều khi là một cách "chạy trốn thực tại", một căn bệnh (nói đại - thời đại). Online, lại thấy mình như hạt bụi bị cuốn đi trong thế giới ảo trùng trùng những nỗi cô đơn lẫn những niềm vui bầy đàn.

Chỉ có điều, online, offline, đi, ở.....ở đâu cũng không trốn được mình, trốn được nỗi buồn cần quay lưng, dù đã quyết không chơi trò chơi mang tên nỗi buồn đó nữa...

3. Nhắc chữ "nỗi buồn", thương bạn mình muốn khóc. Bạn đang có một gia đình nhỏ. Nhưng gia đình - với không ít người - là cái kén chứa những nỗi cô đơn vô tận. Là cái tổ của những cãi vả tủn mủn và những nỗi lo triền miên cho con cái. Bạn có vẻ kiệt sức để bao dung và chăm sóc tiếp tục tình yêu trong bạn. Mình chỉ biết cầu mong bạn không bị dồn nén đến mức vỡ tung, làm đau thêm chiếc kén. Không phải đánh mất mình, nhưng "quên mình" đi - theo kiểu vô ngã, mỗi thành viên có thể giữ được hơi ấm cho ngôi nhà mà, phải không?

Buồn cuộc chat quan trọng của bạn mà mình cũng làm cho ngắt đoạn vì ban trưa quá bận. Lúc này đây ước ngồi bên bạn,  ôm vai bạn, nghe được tiếng bạn khóc. Sẽ không tìm cái khăn giấy nào cho chúng mình. Bởi khóc dường như là cách đơn giản nhất để giải thoát nỗi buồn, giữa những rối ren...

Người yêu ơi khóc đi, và tin là có ta bên cạnh, để cùng cảm ơn và chúc mừng đôi mắt ướt...

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Em trai

Chị vừa ăn bánh em nướng. Bỗng muốn  ghi lại đôi dòng để nhớ những gì chị nghĩ lúc này. Hình như chị chưa viết một entry nào riêng cho em cả.

 

Có lẽ vì chị biết, sẽ không bao giờ đủ - những gì chị muốn nói.

 

Như chị đã muốn chụp ảnh chiếc bánh em làm nhưng rồi lại thôi. Vị chocolate không thể tan….Và cái màu nâu ấy đẹp hơn hình ảnh có thể lưu giữ. Và làm sao mà chị miêu tả được – bằng hình - cảm xúc của chị lúc em lững thững ở sân cơ quan, tay cầm bánh…

 

Sẽ còn nhớ, đêm sinh nhật em dầm mưa đến ngồi với chị. Nhớ một chiếc đèn rước trăng. Một ngôi sao may mắn. Tiếng sóng và tiếng hát qua điện thoại. Nhiều mes sẻ chia...

 

Và sẽ không thể nào quên trong đời, một niềm vui em đã lặng lẽ mang đến. Mỗi lần nghĩ đến, chị không khỏi không thấy mình hạnh phúc. Điều em đã làm, người con trai nào từng hoặc sẽ nói yêu chị cũng không nghĩ đến được, nhóc à. Đó là một bí mật đẹp không cần câu hỏi, câu trả lời và cả lời cảm ơn.

 

Có đôi lần khi em chưa kịp trưởng thành - em đã dùng từ "bỏ rơi"? Nhưng em không biết, chị chưa và không bao giờ nghĩ đến việc không dõi theo em, mất dấu với em, dẫu chị không thích em chửi thề, dẫu chị thấy em "hư" mà không “la mắng” được.

 

Có những tình cảm không bao giờ mang đến cảm giác thiếu - vắng - người - mình - yêu (như tình yêu)... Chị yêu sự có mặt của em, nhóc à.

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

26.11.09

Đàn ông hèn - đểu thiệt nhiều
Làm sao đọc hết câu Kiều không đau? ;p

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Đêm nằm nghe tóc rơi mềm

....Nghe tình tan chảy giữa thềm hoặc nghi

Tớ từng không nghĩ mình còn có thể viết, dù là đôi dòng, ở những "ngôi nhà" kiểu này – ngôi nhà dù có dùng bao nhiêu ổ khóa, tớ vẫn nhìn thấy mình, trên con đường đi ngược lại sự vắng mặt.

Mà tớ đã từng muốn tan biến biết bao…Thôi tin yêu, thôi hao mòn, thôi cả trống rỗng…

Có thể có một bông - hoa - không - bao -  giờ - buồn - chán không hở cậu?

Đêm qua chạm phải tóc mình trên gối, cứ ngỡ không phải của mình, thảng thốt hỏi mình biết gì về mình giữa thế gian rộng lớn và chật hẹp này, và hỏi cậu – có cuộc tình nào đủ dài rộng không, khi “sông 10 năm cũng hóa thành dâu bể”…

Có điều gì đó lẩn quẩn đến buồn, và may ra, sẽ cười sau chót.

Mà thôi, chúng mình hãy nhắc đến những mùi hương, những trang sách, sẽ mãi tôn vinh những khoảnh khắc một mình, những khoảnh khắc không nghĩ về những rộn ràng, không cả ý niệm về thanh thản, không lạc lõng, không mơ hồ - Những khoảnh khắc mình yêu mình…cậu nhỉ!

P/S: Entry này viết tặng Xanh lá – một hương nhài ở xa :)

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Hương vị của du hành, và tình yêu..


Một cô gái Trung Quốc làm một cuộc hành trình đơn độc qua Việt Nam, Campuchia, Hong Kong rồi Tây Tạng... Đi chỉ để nhìn thấy mình đang đi. Trong sắc màu của âm thanh, ánh sáng, mùi vị. Trong rực rỡ, xôn xao mà hoang vắng.

Nhưng thật ra, khung cảnh ở mỗi chốn dừng chân ngắn ngủi của cuộc đời này đều không quan trọng. Khi mỗi chuyến đi là một sự trở về với nội tâm, một sự nhận biết mình và con đường nối với thế giới. Tình cảm thế gian ở đâu cũng như nhau và nỗi cô đơn của con người thì ở đâu cũng vậy. Nên đi, cũng là để nhìn thấy mình trong tất cả và tất cả trong mình.

Du hành vì vậy cũng là bắt đầu cuộc phiêu lưu của tâm tưởng.

Chuyến du hành của riêng tác giả còn là một hành trình soi lại ký ức. Ký ức trĩu nặng một tình cảm sâu sắc và dở dang, với BỐ. Có những khoảnh khắc như một nhát dao chém, vết thương còn lại mãi. Khoảnh khắc chuyển đổi từ thân phận này sang thân phận khác khi chấm dứt một kiếp luân hồi. Khoảnh khắc rơi vào tình yêu và giây phút giã từ. Những khoảnh khắc ấy, từ trang sách, ta bắt gặp âm thanh của nội tâm vang vọng chân thành.

Đảo Tường Vy còn là một sự tìm kiếm chính mình trong tình yêu. "Tình cảm là bài học suốt đời của chúng ta", nên đây mới là chuyến du hành không có điểm dừng. Tình yêu dường như chỉ là ảo giác. Trong tình yêu, hoặc là an toàn, hoặc là tự do, không thể cùng một lúc nắm được cả hai, và "thứ mà chúng ta yêu vẫn chỉ là bản thân tình yêu". Có những tổn thương phải trả giá. Nhưng tình yêu mãi là một khát khao êm ả của con người, như nỗi khát khao của linh hồn cần một nơi cập bến. Tuy nhiên, linh hồn cứ mãi lang thang. Lang thang nên bất an thường trực. Tìm sự tĩnh tại thật dễ dàng mà cũng rất không.

Triết lý về tình yêu và cuộc sống đan xen nhuần nhị trong những ghi chép nhỏ. Cuốn sách vì vậy đẫm một hương vị quyến rũ. Quyến rũ như bản thân những cuộc du hành và tình yêu.

Đọc An Ni Bảo Bối, tìm thấy một tâm hồn Á Đông gần gũi, khác lạ với những nhà văn nữ đương đại cùng thế hệ cô. Không có những nổi loạn, không có cái tôi căng phồng. Nhẹ nhàng và đằm thắm. Tĩnh lặng và kiềm chế. Và vẫn sáng trong trong những nhiệt thành.

Có thể rồi bạn sẽ quên tất cả những gì tác giả viết, về một VN dịu dàng và trầm lắng qua cái nhìn của một cô gái nước ngoài, về những chốn dừng chân khác, về cuộc tình của cô. Nhưng hương vị đẫm sâu của một linh hồn đã đi vào trong bạn. Và ở lại cùng bạn, ủi an...

Ngôn từ, rốt cuộc cũng không cần mô tả cho một cốt truyện nào. Từ ngữ, cũng chỉ là một cuộc kiếm tìm. Bạn có thể mượn nó để vỗ về một nỗi đau hay phơi khô một cuộc tình. Rồi thời gian cũng xóa nhòa, bạn chỉ còn lại mình.

Sao gọi tên quyển sách này là Đảo Tường Vy? Có lẽ, trong nỗi cô đơn tinh sạch, tâm hồn con người như một hoang đảo nở hoa - những bông hoa thuần khiết. Sóng đời xô dạt vào, nặng mà nhẹ như không.

Tháng 4. 2006

P/S: Bài đã in trên Tuổi Trẻ nhật báo. Bài điểm cho Đảo Tường Vy là một trong (số ít, hic) những bài review mình yêu quý. Trích post lại cho những nụ hoa mới quen, cho cô bé Xanh lá và những "thiếu nữ buồn" chưa bao giờ thôi yêu...

This is it

Rating:
Category:Movies
Genre: Documentary
Yêu thương là sự thật cuối cùng

This is it tập hợp những gì tuyệt vời nhất trong âm nhạc của Michael Jackson. Hơn thế, bộ phim là một hình ảnh Michael Jackson không phải ai cũng từng được biết. Một Michael nói những lời của chính anh chứ không phải lời của người khác buộc cho mình. Chính vì vậy, This is it có thể làm bạn ứa nước mắt vì cảm phục, lẫn vì bạn - trong mối bòng bong của các tin tức truyền thông - có thể chưa bao giờ hiểu đúng Michael.

Chọn lọc những thước phim quay các buổi luyện tập của vua nhạc pop cho show diễn This is it, bộ phim của đạo diễn Kenny Ortega khiến khán giả như được có mặt ở khán đài của tổ hợp sân khấu O2 Arena (London, Anh) xem buổi diễn chính thức của Michael Jackson. Nhưng khán giả, may mắn hơn cả thế, vì không chỉ được nhìn thấy Michael trên sân khấu mà cả trong đời thật của anh - trong công việc, qua những hành xử của anh với êkip làm việc.

"Hãy dạo đoạn này chầm chậm như anh đang lê ra khỏi giường", "Ðừng, đừng đánh nốt đó", "Xin lỗi, tôi chưa quen với việc đeo máy trợ tai...", "đừng bắt tôi hát to hơn, tôi cần giữ giọng", "sao mọi người lại làm thế với tôi?", "Chúa cầu phúc cho các bạn"... - trao đổi với dàn nhạc, tổ ánh sáng, bộ phận âm thanh... Michael nói những lời ấy với tất cả sự dịu dàng và khiêm tốn, không có cái bóng của hào quang, của danh hiệu "ông vua" nào trong cách anh giao tiếp. Và thật buồn khi phải nói dường như có thể nhìn thấy, đằng sau tất cả sự cẩn trọng đầy ấm áp của anh, còn là cái bóng của những tổn thương, va đập mà anh từng chịu đựng...

Không chỉ hiểu âm nhạc của mình đến từng nốt, cầu toàn trong từng bước nhảy, chính sự nhẹ nhàng trong giọng nói, sự tử tế trong cử chỉ, thái độ của Michael khiến người xem cảm được trái tim tràn đầy tình yêu của anh với mọi người xung quanh, với những cộng sự mà anh xem như một gia đình và với chính khán giả.

Những thước phim 3D nào đã được quay cho ca khúc Thriller, những thông điệp ý nghĩa nào Michael đã lồng vào ca khúc Earthsong, những điệu nhảy sáng tạo nào cho Beat it, những nốt nhạc cần cao "không thể cao hơn" cho I just can’t stop loving you...Tất cả sẽ được hé mở đằng sau sự hoành tráng của show diễn - giấc mơ chưa thành sự thật của Michael. Nhưng một sự thật khác đã được nhìn thấy: một tinh thần làm việc đầy trách nhiệm và sáng tạo mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng nên học hỏi.

"...Tình yêu như sự thật cuối cùng của trái tim", Michael từng nói như thế về ước mơ và ngày mai. Nhưng người hâm mộ của anh, đợi đến khi anh qua đời, có thể mới tin từ tận cùng trái tim: Michael đã hết lòng cho thông điệp ấy đến thế nào. Và sự thật cuối cùng về anh không gì khác là lòng yêu thương - với âm nhạc, con người và hành tinh đang cần được cứu rỗi này.

(*) Tên tiếng Việt: Ðó là anh, công chiếu tại VN từ 6-11.

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Closer

Như ngày của tháng
Như từ của câu
Như ta của nhau
Làm sao tách biệt?

Mùa yêu bất tuyệt
Trong từng nói thưa…

:p

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Nếu có lời thơ đã viết...

...mà không muốn quên:

Hãy cho tôi hôn bằng đôi môi em
Để thấy tình còn thơm như môi thơ dịu ngọt

Hãy cho tôi khóc bằng mắt người hoạn nạn
Để gian nan phận người trọn đời không quên lãng

Hãy cho tôi nghe bằng đôi tai bất nhị
Thế sự bùng nhùng tâm vẫn nhất như

Hãy cho tôi yêu bằng trái tim Bát Nhã
Dù đớn đau không thù hận, oán than 

Tôi muốn ôm em bằng hai bàn tay ấm
Còn vạn kiếp luân hồi còn nối những thương yêu
Tôi muốn bước đi bằng đôi chân không bao giờ quỵ ngã!
Khi hào khí non sông còn thắm đỏ máu đào
Em đi cùng tôi chứ, thôi buồn những dối gian…

(Nụ hôn mùa biến động, 21.5.2008)

Giấc tuổi em

Chép lại cho ngày sinh nhật út:

Giấc mơ sẽ hồng như thiếu nữ mùa xuân
dẫu ngoài kia thu đang vàng đến độ
em mở tay ra để sao trời kịp nở
thành nụ cười hăm bốn tuổi trong veo

Em đừng trở mình cho giấc ngủ dài theo
gác lại nhịp đời xuống lên trong đục
hơi thở ấm như thủy triều kịp lúc
đón nguồn sông từ thăm thẳm non cao

Gửi lại mùa qua, chiếc lá mỏng bên rào
em giữ nhé tuổi làng quê dạo trước
rồi tỉnh thức để nghe đời xuôi ngược
đếm tuổi mình theo những bước xa quê

Em cứ ngủ ngon cho giấc mộng đi về
cho lời ru dài thêm mi mắt khép
để sớm mai tiếng gió về cũng đẹp
thổi ngập trời đón bước tuổi vừa sang

(Thơ Lam Điền sư huynh tặng em Lan Nhã, 1.11.2004)

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Nở hoa tiếng cười

Cả một buổi sáng nghĩ về bốn bông sứ đỏ ngoài ban công, hẹn nhau nở cùng một lúc, ngay khi ba mẹ vắng nhà...

 

Hai chị em cứ đùa: gọi bông từ “bạn” qua “cụ”. “Bạn ráng tươi cho đến ngày ba mẹ ta về nhá!”. “Không không, nó là bon sai, lớn tuổi rồi, chị phải gọi nó bằng cụ!” :)) Những cánh hồng rung rinh gật gật, tin ko? ;))

 

Ngày cả nhà dọn về cách đây hơn chín tháng, cây sứ chết khô. Ba chặt bỏ nửa thân cây, trong hi vọng mong manh. Rồi có thêm bạn bè từ các chậu khác, rồi nhận nước, nhận nắng, vậy mà lặng lẽ hồi sinh. Tám tháng trời chỉ lơ thơ vài chiếc lá, bỗng nhiên một hôm xòe ra nụ đỏ trong sự ngỡ ngàng của hai cô nhỏ. Đó là điều bất ngờ lớn nhất của ngày, là niềm vui của tuần, là tin tức sốt dẻo nhất hai chị em tranh kể với ba mẹ, vì hoa nở cũng là lúc hai bạn lớn vắng nhà.

 

Giờ thì, sau sự kiện bông hoa cô độc ấy, có cả bốn bạn nhỏ riu ríu nở bên nhau.

 

Không chỉ thế, cạnh đó còn một cái nụ đang chờ ngày hé. Em Nhol bảo sao có thêm chi một nụ, là “tứ quý” được rồi. “Ê, nó nghe thấy nhỉ? Xin lỗi nha!”. “Ừ, nó nghe thấy sẽ buồn đó!”. “Chết, em phải xin lỗi lần nữa quá”. “Xin lỗi, xin lỗi nha, Haha”.

 

Cứ thế, cây sứ đã - chết - mà - không - chết nở hoa tiếng cười…

 

Và lạ thế, cuối tuần đi làm, cứ ngồi nhớ thương bốn cái hoa, thật nhiều, như thương một hồi đáp mong manh, đỏ thắm của tình yêu…

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

The soloist

What i remember most about this movie: the shadows of the flying birds in water, on the wings of music. That scene reminds me deeply believe: The beauty of the world always exists, whether or not you see...

And the thing the soloist knocks at my soul: He has the (whole) world on 2 strings!

And I? "I've never loved anything the way he loves music", where's my world?

Day in and day out, me out...?

(Anyway, I can console myself: I got a question ;p)

P/S: Thanks D. - a world of mine ;)

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

Về thời trang

Rating:★★
Category:Books
Genre: Nonfiction
Author:Randy Pausch

Tôi luôn coi trọng một người chân thành hơn là một người hợp thời, bởi hợp thời thì ngắn ngủi, còn chân thành thì dài lâu.

Sự chân thành hay bị đánh giá quá thấp, bởi nó đến từ tận đáy lòng, đôi khi khó nhận ra, trong khi hợp thời lại dễ thấy bởi nó là sự cố gắng gây ấn tượng với vẻ bề ngoài.


Nhân thể, nhắc tới thời trang, đó là thứ mà thương mại lừa bịp cho là sự hợp thời. Tôi không mảy may quan tâm tới thời trang, do vậy tôi rất ít mua quần áo mới. Thực tế là thời trang mất tính thời trang và rồi lại quay trở lại thành thời trang chỉ tùy thuộc vào một số ít người ở đâu đó nghĩ họ có thể bán được chúng. Với tôi, đó là một sự điên rồ.

Cha mẹ tôi đã dạy: Con mua quần áo mới khi quần áo cũ của con hỏng. Những ai đã thấy đồ tôi mặc tới buổi giảng cuối cùng thì hiểu tôi đã sống với lời dạy này!

Quần áo của tôi còn xa mới là hợp thời. Đó là một kiểu chân thành. Nó theo đi cùng tôi, hoàn toàn không có vấn đề gì.

(Trích Bài giảng cuối cùng của Randy Pausch)

P/S: Trong một thế giới quá nhiều phù phiếm, yêu bác Randy ghê với những dòng này.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Không hát được

Không hát được nửa bài ca sự thật
Những tụng ca cướp hết mọi loa rồi
Thì ta nhé, vỗ tay mình nhu nhược
Lặng im cười muôn chủ nghĩa thiu ôi
Thì thôi nhé ta lờ bao phiền trược
Nghe mỗi đất lành cây cỏ sinh sôi

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Câu chuyện dòng sông


Rating:★★★
Category:Books
Genre: Literature & Fiction
Author:Hermann Hesse
Nghe lần nữa “câu chuyện dòng sông”

Đọc lại một cuốn sách cũ, lại là sách hay, vừa được in mới lại, cảm giác bao giờ cũng lạ. Như một người bạn cũ, lên đường đi rất xa, anh về gặp ta trong một hình dạng mới, làm ta say sưa những điều ta chưa biết hay gợi ta lại điều ta đã bỏ quên.

Người bạn này là Tất Đạt, là Thiện Hữu hay chính là dòng sông luôn chảy hướng của mình, bất chấp biến dịch, bể dâu trên mỗi phận người hay trên toàn bộ thế gian nhỏ bé.

Trong dòng miên viễn của đời sống, của khát khao hiểu biết mình, trong nỗ lực chống lại tính hữu hạn và tiều tụy dần của kiếp sống thì Tất Đạt là ai, người bạn hữu thân thiện hiền lành Thiện Hữu là ai nếu không phải là mỗi người trong chúng ta và phần thiện lương trong tâm hồn, đang đi trong hành trình tìm kiếm sự an lạc của riêng mình.

Trong hành trình ấy, người thanh niên Tất Đạt từ giã nhung lụa của gia đình quý tộc Bà La Môn, dấn thân vào gió sương Sa Môn, khổ hạnh ở rừng già, rồi quay lưng trước các phép thôi miên để đến rừng Lộc Uyển đối thoại với đức Cồ Đàm. Nhưng anh khước từ con đường vạch sẵn và lần nữa tìm kiếm trí huệ nơi dục vọng của kỹ nữ Kiều Lan; nơi khát khao địa vị, tiền bạc, gia sản của doanh gia Vạn Mỹ. Để cuối quãng đường, khi đã bước qua đời sống thế tục, Tất Đạt tìm kiếm sự bình an bên bài hát vĩnh cửu của dòng sông mát lành cùng Vệ Sử. Khi dòng sông bị vấy đục bởi đứa con lần đầu tiên thấy mặt, Tất Đạt chứng ngộ tình yêu thương, nở nụ cười viên mãn....

Hành trình của Tất Đạt (hay chính chúng ta) cũng là một vòng tròn đời người, chia nhỏ ra cho mỗi chu kỳ sống: những khát khao hiểu biết đầu đời; lúc tìm kiếm và rời xa thần tượng; những nhu cầu sở hữu, dục vọng nảy sinh khi tráng kiện; lúc tìm an ủi lúc xế chiều nơi con cái… Và rồi tất cả chỉ để học lấy một nụ cười nhẹ nhàng, một tình yêu trong sạch không toan tính, không phân biệt.

Bạn có thể là bất kỳ ai trong những chu kỳ ấy, chỉ xin nhớ rằng không bao giờ muộn để học lấy một nụ cười bình an và yêu thương. Đó là điều dòng - sông - cuộc - đời muốn giữ lại cho tâm hồn người tìm kiếm khi đã cuốn trôi tất cả lỗi lầm, buồn khổ.

87 năm khi tác phẩm Câu chuyện dòng sông hoàn thành, dòng sông và câu chuyện của mình vẫn luôn thế khi thì thầm vào mỗi con người. Mỗi người nhận từ dòng sông những tiếng chỉ dẫn khác nhau nhưng luôn đi về chung sự bình an, tính thường trụ và lòng yêu thương. “Tất cả đều hỗ trợ nhau, yêu, ghét, hủy diệt nhau và trở lại sơ sinh”, Hermann Hesse nói thế nhưng cũng luôn nhắc “đừng lệ thuộc vào những danh từ”. Đọc, để thấy lại mình bình an, tươi mới, sơ sinh trong mỗi thời khắc sống.

VƯƠNG THUẤN

-----------------------------------

"Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse, Phùng Khánh - Phùng Thăng dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn tháng 9-2009

http://tusach.tuoitre.com.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=339279&ComponentID=1

P/S: Sorry sư tổ của mình vì lỡ một lời hứa, hic. Đa tạ em Thuấn đã viết dùm mình dù bận rộn cho ngày cưới. Đa tạ món quà bất ngờ của bé Đoàn thị CR.

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Biết không

Tình cảm thật khó lường, như hàng vạn lời bông đùa đã nói với nhau...

Khó lường ngay trong chính ta, như chẳng thể biết nhân duyên gì đã dẫn mình vào một con đường thăm thẳm quanh co, càng đi càng thấy nhầm lẫn, mịt mù...

Thấy thế, vẫn không muốn vội vã quay về..., kiểu như chưa học đủ bài học về nỗi cô đơn, và tất nhiên, sự hiểu lòng...

Để nhớ Mũi Né...

Trích lại những ghi chép cũ, từ đoạn chat này của Tris:

...Thật ra ấn tượng nhất với em là lúc lên chỗ Đồi Cát Trắng, chỗ đó vẫn thuộc Bình Thuận hả chị? Giờ nhìn trẻ con thành phố to lớn/ mà đến đó thấy trẻ con nhỏ xíu/ Đường đến khu đồi cát trắng rất đẹp/ mà biển thì toàn bị xới lên để khai thác titan và cát đen/ Khu đồi cát có một cu bé dẫn bọn em đi trượt cát/ cu đó 13 tuổi/ mà nghỉ học từ năm lớp 3/ sáng đi bộ 3 km từ lúc 6h sáng/ đến bãi cát để kiếm tiền/ ăn sáng ở nhà, mẹ cho 2.000 đồng để ăn bánh thêm/ trưa ăn một gói mì trụng 4.000 đồng/ chiều lại đi bộ về/ cái xóm nó nhỏ toàn nhà mái tôn, mái lá/ có điện nhưng nhà ko có TV/ tối 7h-8h đã đi ngủ...

Thằng bé thông minh và rất có tư chất/ thế mà phải nghỉ học/ em thấy thương ghê/ Mà ko có nước XHCN nào giống VN/ trẻ con ko thể đến trường vì ko có tiền đóng học phí/ trong khi ở các nước tư bản, học phổ thông là miễn phí/ ko đưa con đi học bố mẹ có thể còn gặp vấn đề với pháp luật....Chuyện về thằng bé là một trg những chuyện khiến em thấy day dứt nhất trong chuyến đi...


Những đứa trẻ quê nhà

Em tên là Đào, học lớp 5 tại trường Hòa Thắng, xã Hòa Thắng, Bắc Bình. Em là “hướng dẫn viên” của tôi khi tôi đến Bàu Sen, trong chuyến họp lớp Báo chí 97 ở Mũi Né. Lúc đầu tôi đi theo em nhưng về sau em đi theo tôi. Tôi đi giày, em đi chân đất. Tôi tròn vo còn em gầy guộc. Em với tôi là đồng hương, vậy mà tôi đã quên nói cho em biết – chị cũng là người ở đây. Có lẽ vì, tôi đã về với quê nhà như một người xa lạ. Xa lạ, trong rất nhiều điều lẽ ra tôi phải biết…

Mùa hè không đi học, Đào lang thang khắp đồi cát cả ngày để mời du khách thuê ván trượt. Trung bình em kiếm được khoảng 10.000 mỗi ngày, khi đã chia bớt 70% khoản tiền cho các trẻ lớn mà em bảo “đất này của nó”. Em diễn đạt không rành mạch nên tôi không hiểu rõ lắm sự chia chác mà em nói.

Chỉ biết là thương em – hai bàn tay đan vào nhau, hiền lành, ít nói…

Chỉ biết là thương em, vì em là người đầu tiên chỉ cho tôi thấy đồi Trinh Nữ, bằng cách diễn giải chân phương: “Kia là cái đầu, kia là hai cái vú, dì có nhìn thấy không?”

Khi đến nơi trượt cát, em cũng rụt rè: “Dì có trượt không, để con lấy ván cho dì”… Về sau, tôi mới biết, em đã trả 5.000 đồng cho cậu bé mà em mượn ván, vì ván của em đã hư hết mà em chưa để dành được đủ tiền để mua lại.

Và thương em, vì em thật thà. Khi các chị bạn “đồng nghiệp” gặp trên đường hỏi với theo “sáng giờ được bao nhiêu?”, em quay lại cười, giơ 2 ngón tay và nói đúng số tiền mà tôi đã đưa cho em…

Trưa hôm ấy, khi chúng tôi lên xe trở về khu resort, Đào không về nhà vì nhà ở khá xa mà quay lại quán nhỏ dưới chân đồi cát để ăn trưa. Buổi trưa của em là một gói mì. “Tô mì của mấy dì thì 7000 nhưng của tụi con thì 2000″, em trả lời hồn nhiên…

Nhưng Đào còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác, vì ba mẹ em chỉ có mỗi mình em, và chắc em sẽ không có nguy cơ phải bỏ học…

Em may mắn hơn cậu bé bán sao biển mà chúng tôi gặp ngay cổng vào khu resort Sông Lam. Tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt cậu bé. Giá mà có một nụ cười trên gương mặt em, để tôi không phải nhớ gương mặt em nhiều như vậy; và nhớ nhiều như vậy, cái cách em xoa đôi bàn tay rộp đỏ khi đặt cái rổ sao biển xuống đất. Giá mà em cười một cái, để tôi tự an ủi rằng cái rổ kia không nặng lắm đâu, tay em không đau lắm đâu, và em chẳng hề ghét cái việc bưng bán này. Giá mà tôi được nhìn thấy nét vô tư trên gương mặt em, để tôi tin rằng niềm vui không chạy trốn em được, dù chiếc áo em mặc đã đứt nút, dù em phải lắc đầu khi ai đó hỏi em có đi học không…

Có những lúc, tôi đã không cho phép mình…buồn, nhưng mà khi gõ những dòng này, tôi ứa nước mắt..

Trong năm đứa trẻ quê nhà tôi hỏi chuyện trong chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” của mình, chỉ có mỗi Đào là có đi học. Ba cậu nhóc cho thuê ván ở đồi cát hồng, cũng như cậu bé bán sao biển, đều không được đến trường. Khi thấy tôi chụp ảnh, các nhóc bảo sẽ biểu diễn cho tôi xem một điệu nhảy hip-hop “tự sáng tác”. Đó là một màn biểu diễn mà tôi biết mình còn nhớ mãi, vì sau đó là những tiếng cười vang trong nắng cháy. Niềm vui có mặt. Thơ trẻ! Niềm vui lăn trên cát. Niềm vui đọng lại trong khung ảnh tôi.

Trẻ thơ, hơn ai hết, “cần có một tiếng cười”. Cần biết bao!…Để dù em là ai, dù em không được học hành, em sẽ vẫn tin ở cuộc đời – cuộc đời bao dung, và mình cũng vậy, không oán giận cuộc đời, khi mình vẫn đàng hoàng lớn lên, vẫn tìm thấy những niềm vui bé nhỏ trong cuộc sống hằng ngày bé nhỏ…

Còn hơn, em ạ, khi mà mình giường chiếu rộng, nhưng lại tự chôn mình trong những nỗi buồn vụn vặt, để rồi “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”….

Những lời muộn màng này viết cho các em, để mong được làm một người chị, “người dì” không xa lạ…

P/S: Thế đó, từ chuyến đi năm 2006 của mình, cho đến chuyến đi mới đây của Tris, nỗi day dứt vẫn còn nguyên đó, những đứa bé vẫn gầy guộc nhỏ xíu, trường học vẫn xa; chỉ khác là cát lẫn thêm màu đen, và tô mì của các em tăng giá từ 2000 đến 4000 đồng...

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

29.9.09

"Bên em giữa hội trăng vàng/ Thoáng giây mà ngỡ như ngàn năm yêu"
(s1)

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Bây giờ ngồi đây...

1. Bây giờ ngồi đây nhớ cái mùng trên dây phơi. Xinh tươi và mong manh trong gió sớm. Như một lát biển đang bay.

Dây phơi vẫn là thứ mình hay ngắm nhìn - nơi tinh tươm sắc màu sau giặt giũ, nơi người ta phơi phóng mọi điệu đàng, lam lũ. Mình đã vừa gặm ổ bánh mì màu vàng vừa ngắm cái dây phơi màu xanh ấy, vừa nghĩ đến cơn bão. Ăn ổ bánh mì mà như ăn... cái mùng với miền Trung dấu yêu ren rét nỗi niềm.

Bão đang nhích dần. Lý Sơn giờ không thể liên lạc được :(

2. Bây giờ ngồi đây nhớ tiếng chuông cửa buổi sáng. Mở cửa thì không thấy ai. Là vì papa đùa chơi. Để rồi cười mỉm mỉm bước vào khi con gái la lên: “Ba trốn con à?”.

Papa đùa chơi, làm mình nhớ một mùa trung thu xa lăng lắc của thời thơ bé. Trung thu đầu tiên của mình ở Sài Gòn, một chuyến thăm cô. Trò vui của ban ngày là đi nhấn chuông các ngôi nhà rồi ù té chạy, chỉ vì thích nghe tiếng chuông cửa – cái thứ lạ lùng ngoài quê mình chưa hế nhìn thấy, nghe thấy, chạm đến. Và mình không nhớ đã nhấn chuông bao nhiêu ngôi nhà ở cư xá Đô Thành nữa. Ngày trẻ nít, không hề quan tâm đến những nỗi phiền toái giận dữ của người lớn, thế mà vui. Không có những trò đó, làm sao mình nhớ mình đã bé dại hồi hộp ngây thơ quậy tưng như thế nào! :))

Còn ban đêm, trò vui là kéo đèn loanh quanh các con hẻm ở cư xá. Cái đèn của chúng mình là một lon sữa bò đục hàng chục lỗ, một lon sữa bò làm cái bánh xe đẩy. Những chiếc đèn trung thu tự chế ấy - ánh sáng phát ra lung linh hơn mọi chiếc đèn bày bán ở chợ, lung linh như những niềm vui mọc từ mảnh đất làng, mọc từ trái tim thơ trẻ. Ánh sáng ấy, mình tin mãi chưa hề tắt trong ký ức chúng mình, dù mấy trăm mùa trăng đi qua…

Bây giờ ngồi đây nhớ vài gương mặt trẻ nít đã gặp, ở đồi cát quê nhà, ở Mỹ Hiệp, ở Cổ Lũy cô thôn…Em có gì chơi với Tết chị Hằng này, hay em co ro với ngày mưa bão…

3. Bây giờ ngồi đây ước mình đang đi…

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Cho những thiếu nữ buồn

Sao những cái giếng sâu nhất mà ta biết, là những cái giếng buồn đến vậy?

Buồn như sợi dây gàu, rơi trong lòng giếng cũ, tự mục rữa dần trong nước lạnh – nước của tù đọng nào chưa được mở phơi.

Sao không sập cửa đi em, khi bóng tối tràn vào.

Và thắp đi em nhé, chút sáng bên trong. Thứ ánh sáng không sự - bên – ngoài nào làm tắt được.

Thử tình khả đãi thành truy ức. Là lời thơ, là tình, hay là bóng hở em?

Ký ức nào em? Những vầng trăng nơi đáy giếng hoang tàn..

 Không nước. Không trăng. Em lục nhìn chi nữa?

Tôi chờ em – một tiếng sập cửa về dĩ vãng.

Tôi chờ em một nụ cười thơ trẻ, bặt tưởng suy.

Tôi chờ em lung linh ánh sáng bên trong.

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Đi

Trích đoạn lấy lại cho cuốn "Chim rừng Chorao và các bạn" (dự tính viết) ;)):

 

Tối qua, ta xem show của Chanh, có Siu Black và Hồng Nhung, ở Sài Gòn, đi một mình. Ta, bao giờ cũng là những chuyến đi một mình. Ta, những chuyến đi bao giờ cũng trống hoác một khoảng sau lưng. Một mình ta, khoan khoái tan biến vào gió bụi, tan vào những con đường.

Thèm ghê những con đường, Tây Nguyên ơi. Ta về với đại ngàn. Chỉ chạm khẽ, là lăn quay ra vì nhớ.

Mùa xưa, đâu mà phải mùa hoa. Chỉ toàn ngửi thấy hương thơm ngan ngát của hoa cà phê và hoa điều lộn hột. Những bông cúc quỳ quá lứa, thì vàng đến buồn ứa ruột. Những cây gạo đỏ hoe trơ trọi và ngơ ngác. Ngơ ngác và nao lòng như mắt đứa trẻ Tây Nguyên đi nhờ xe ta về làng.

Những đứa trẻ bé như cái kẹo, tóc cháy nắng, người khét khét, mà môi mắt long lanh như sương đọng vệt cỏ vào buổi tinh mơ bên hồ Dak Mil. Đứa ở Dak Song, tiếng trọ trẹ, bé bé mà cũng nói trọ trẹ, đích thị là gia đình kinh tế mới. Đứa ở Gia Nghĩa, chóp má hây hây, quần xanh áo trắng, khăn quàng xộc xệch, giơ bàn tay bé xíu vẫy xe trong chiều lạnh gió núi trông thương thương. Đứa ở Ea Wer thì nhát đến đỗi chạy bán sống bán chết mỗi khi ta giương máy ảnh về phía chúng. Đứa ở KonTum thì bạo dạn quá, cũng biết giơ hai ngón chào khách lạ, mau thân thiết ghê, dẫn ta đi chỗ này chỗ kia trong buôn. Những em ấy, đã nhớn thêm tẹo nào chưa, và có còn gặp lại không nhỉ?

Thấy được chăng, vệt xe ngoằn ngoèo dẫn ta vô những khoảng rừng già âm u vắng vẻ. Ta và miên man. Lần kia nhỉ, lần ngồi chuẩn bị tĩnh tọa trên hòn đá to trong rừng ấy chứ, đang hoan hỉ hưởng thụ, tự nhiên nghe con khỉ hú hét, rồi có con nhện thòng thòng trước mắt, xong đến mấy con ong rừng cứ lượn qua lượn lại trước mũi mình. Chu cha, kế tới nghe tiếng chim hót hót gù gù, không rõ chim chi, đoán là Chơ rao, ha ha. Thì chỉ biết ở Tây Nguyên có hai con thôi, con chim Kơ tia với con chim Chơ rao, sau vô nhà mồ mới thấy chim Chơ rao là cái con chi mô, trời ơi chim gì mà cái mặt buồn như nước mắm vậy á. Chim ấy thì buồn, nhưng mà là chim, thì phải bay lên trời được chứ gì. Lúc thinh lặng giữa rừng, ta phởn chí giống như cái con chim Chơ rao ấy đấy, bay lên bay lên. Chà chà, sướng gì đâu. Nhắn cho ai đó muốn ngồi vô cái khoảng trống hoác sau lưng ta trong những chuyến tới, chớ đánh động con chim Chơ rao là ta, khi đang thăng thiên, kẻo biết thế nào là khỉ hú, nhá.

Ừ, còn cái đận mê rừng Ea Sô quên mất có một ánh chiều đang rơi, ta đã phải lao ù ù trong đêm để về được phố núi Pleiku, vì thèm quá đi những em gái ướt như mây chiều xứ ấy. Cực kỳ đã, nhưng cũng cực kỳ dã man. Đường tối thui tối mò, và lạnh như quỷ. Ta chạy mà đố có dám nghe hơi mình thở sau tai. Đêm, đến là dễ sợ.

Đêm trọ ở phố núi, hay đêm ngủ trong buôn, hoặc đêm tá túc ở xã ven đường, vẫn cứ văng vẳng tiếng nước, xa xăm, từ những dòng suối trong ngần, từ những con thác ầm ào trắng xóa, hay từ sâu thăm thẳm lòng hồ cao nguyên. Những bờ suối bờ thác bờ hồ, rồi chẳng còn nữa bước chân ta qua. Đã xa. Chân quen tìm về, chân vẫn nghe nức nở chuyện tình ngọn nguồn thác núi. Mùa tới, thác suối và hồ sẽ xanh, bướm sẽ nhiều, hoa và lá sẽ phủ kín những dấu chân ta. Mưa nguồn làm thác càng cuồng nộ hơn. Nước về ngập tràn con suối, và những con hồ, sẽ sóng sánh sóng sánh, ...

Nhớ hoài những ráng chiều đỏ quạch trên những con hồ ta đến. Hồ Dak Mil. Hồ Lak. Hồ thủy điện Serepok. Hồ Tơ nưng. Đi trong hoàng hôn bao giờ cũng tâm trạng (hừm, lãng tử giang hồ), đến hồ lại càng tâm trạng hơn. Thích quá, chiều cao nguyên. Nhất là ánh mặt trời đỏ bồng bềnh cứ dõi theo ta mãi, và có gió chiều hun hút thổi qua những rặng thông. Nghe đâu đó, Hoàng hôn dốc của lão Phú Quang, hay Nghiêng nghiêng rừng chiều của ông Nguyễn Cường.

Nhớ, lần nghỉ đêm nơi rừng Trường Sơn thâm nghiêm hùng vĩ. Ta và những con người nơi này sẻ chia bữa cơm đạm bạc bên bếp lửa ở trạm xá. Những cô gái, những chàng trai, da thịt tươi tắn (ướp lạnh mà lị), à, cả con chó vàng của trạm bưu điện xã Hiếu, con chó đen và con mèo trắng ở gần đó nữa, hì, mau chóng quen thân gần gũi. Đâu cần đến lớp sương mù dày cùi cụi bên ngoài bếp lửa. Đâu cần đến cái lạnh kinh hoàng của núi của rừng. Đâu cần đến bập bùng tiếng cồng tiếng chiêng trong buôn vọng lại. Hay cần chi đâu men rượu ngần ngật. Ấy rồi, sáng tới chia tay, mỗi người mỗi ngả, tan vào màn sương buốt giá trắng đến say lòng. Ta đi trong dằng dặc sương với mây trên núi, như từng mơ. Mà còn hơn thế. Không nghe được tiếng con alpha của mình. Cái rì rầm trầm mặc của Trường Sơn đã nuốt chửng nó tự bao giờ.

Mùa tới, đại ngàn sẽ xanh.

 

Heo rừng

 

P/S: Đây là entry khiến bạn Heo có thêm biệt danh Chơrao. Từ lúc nhóm PR ra đời, Chơrao nhà ta trong những chuyến - đi - nhiều - mình, khó mà có được khoảng trống hoắc sau lưng ;). Nhưng ai lấp vào khoảng trống đó, phải nói là chấp hận hi sinh, vì hắn mà "thăng thiên" thì có nước văng mất người ngồi sau, như Peka, Maika lo sợ (trừ Neco quá nặng) :))

 

Post cho những chuyến đi  - những phần đời rất đẹp nhóm chúng mình đã có với nhau sau này.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

30

- Là tuổi liên tục khất hẹn cafe với các chàng trai U40 vào mỗi sáng thứ bảy, dù đó là các chàng bạn hâm mộ về tài lẫn sắc ;). Để rồi tự pha cafe uống một mình vào mỗi buổi trưa.

- Là tuổi vừa quẹt nước mắt xong đã có thể quay qua vỗ về người đã làm bạn rơi nước mắt.

- Là tuổi đã đủ chín chắn để biết mình nhẹ dạ hay chắc ý, nhưng không đủ niềm tin để yêu say đắm một ai đó nữa.

- Là tuổi vừa thấy thương vừa buồn cười các phận gái luôn nghĩ một người đàn ông mới là chỗ dựa cho cuộc đời mình, dù là những người đã phụ ta ("Đời mênh mông thế, gọi làm chi những tên người đã xa") 

- Là tuổi mỗi ngày nghỉ trong tuần, nếu không chọn "ngồi yên dưới mái nhà", thì chỉ ưu tiên việc ra ngoài đi thăm bé con các bạn gái thân yêu :)

- Là tuổi đã thôi  hoang mang, đã đủ vững chãi để độc lập, không "lãng - bỏ - mạng" để chờ đợi những điều cổ tích.  Bình yên thế còn gì?

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

16.9.09

Bán một căn nhà cất giữ cả tuổi thơ chúng mình, cất giữ mấy mươi năm tình yêu của ba mẹ...
Bạn hỏi buồn không?
- Thôi, đời vô thường mà. Để dành nỗi buồn cho chuyện khác. Như chuyện mày bỏ tao đi lấy chồng chẳng hạn :))
Bạn cũng cười: Vậy thì sao tao đủ dũng khí có bồ đây? :))
Khuya nay về Phan. Ghi vội vài dòng để nhớ... có những chia ly cần nhớ. Không phải chia lìa.
Đằng sau chuyện ở rồi đi, gần rồi xa, quen rồi lạ, còn lại điều gì cần vẽ, nếu không là nụ cười như nhiên, của tất cả chúng mình...

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Rồi năm tháng chảy tràn trên vạn nẻo

Rồi năm tháng chảy tràn trên vạn nẻo
Hong cỏ rơm hanh hắt mộng qua đầu
Triền núi ấy rêu phong về thắc thẻo
Khi biển nhà chuẩn bị hóa nương dâu


Chân chạm mối ân tình nghe muối mặn
Lửa tàn tro gửi gắm ngún chiều thu
Kìa nửa núi mây treo thành khoảng lặng
Nửa đèo cao thu xếp biệt sa mù

Tay vén lại tóc tơ ngày trở bộ
Đợi gió về trên áo đẫm phong sương
Lạnh sau trước dạ ai rền thác đổ
Bước quan san còn thủ thế qua đường

Cành nhân quả đêm qua vừa nảy lộc
Nhựa nhân gian ươm thắm những hình hài
Đất vẫn sẵn bao mạch ngầm ngang dọc
Chưa biết chừng duyên nghiệp gọi tên ai…


Lam Điền


P/S: Mỗi ngày 13-9, mình lại có một bài thơ do anh LĐ viết tặng. Anh tặng em, mà cũng là người - thơ tặng fan - thơ ;) Đã gần 10 bài rồi nhỉ, từ ngày anh em biết nhau. Có nhiều bài, thường không hiểu ngay với một lần đọc. Mà hiểu hết cũng chưa chắc...

Bài này thì càng đọc càng thấm, càng thương "biển nhà", càng nhớ quá những đèo, những núi, những miền đất đã đi qua, chạm đến... Đồng cảm thế, dù nẻo giang hồ hai anh em chưa có dịp đi cùng.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Thô ráp, tinh tế và hoang dại

(không phải nhạc Ngọc Đại)

Thô ráp của yêu thương
Là những sợi râu cằm
Bố cạ lên má ta ngày nhỏ

Tinh tế như tình yêu
Cũng những sợi râu cằm
cho ta ước mình bé lại
khi trốn vào tránh mắt người thương…

Ơi hoang dại nào
cắm vào nỗi nhớ
tế vi

P/S: Này chúng anh, cứ để râu đi ;)

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Mây ủ

Ta có thể nói những câu đùa nghịch
trong những ngày chẳng biết vịn vào đâu
Ta có thể nào ngăn những giọt ngâu
từ mắt em ủ một trời mây ngả?

11.09.09

P/S:

Làm thơ, đối với tôi bây giờ dễ hơn viết văn xuôi rất nhiều […] Văn xuôi đối với tôi khó hơn nhiều. Mà tôi lại cảm thấy viết văn xuôi quá rủi ro, người đọc dễ dàng hiểu những gì tôi viết, nhìn thấu cả tôi. Thế nên tôi vẫn thường thích viết thơ hơn, cho dù khi làm thơ tôi cũng cô đơn hơn rất nhiều. (Trích Golmund)

Thật là đồng cảm với ý trên, nếu mà lâu nay những thứ mình gõ cũng gọi là viết, cũng được gọi là thơ… Mà không chỉ văn xuôi, ngay cả thể thơ tự do mình yêu thích, cũng lâu rồi ngại viết hoặc không viết được. Thế nên, chỉ còn nương vào nhịp điệu, à, ơi, à...

Ngày càng nhiều, những lời, những khổ dở dang – như chính mình.

Nhìn ra ngoài từ bên trong...

Rating:★★★
Category:Other
Tối thứ hai tuần trước tôi nhìn thấy đôi mắt Phật. Đôi mắt mở khẽ, đôi mắt không nồng ấm và không dửng dưng, không ôm ấp và không từ bỏ một thứ gì.

Thật ra không phải tôi nhìn thấy đôi mắt Phật, mà tôi thấy cái nhìn của Phật từ bên trong. Cái nhìn biến mọi thứ nó chạm đến thành một giọt nước trong lòng một đại dương toàn vẹn. Đại dương không nguội, không ấm, và không có bến bờ.

Hình như không có đôi mắt nào và không có thế giới nào được nhìn thấy, mà chỉ có cái nhìn. Cái nhìn của Phật làm nên thế giới. Nếu Phật nhắm mắt lại, thế giới sẽ tan đi.

Có lẽ còn lâu lắm, không biết đến bao giờ, tôi mới được thấy cái nhìn của phật một lần nữa.

Vậy mà mới sáng thứ ba, tôi lại thấy nụ cười của phật. Và cũng như vậy, tôi không thấy gương mặt Phật, không thấy đôi môi, mà tôi thấy nụ cười ấy từ bên trong. Nụ cười như lời hẹn ước của tất cả những nụ hoa trên mặt đất. Từng nụ hoa một, từng thế kỷ một, sẽ nở vì tôi, dù đêm hay ngày và dù tôi có thấy chúng hay là đang bận khóc, ăn cơm hay là ngủ trưa.

Lời hẹn ước của tất cả những nụ hoa trên mặt đất, nằm trên đôi môi khẽ cười như không cười của Phật, thật ra tôi đã thấy một lần rồi. Nó được em vẽ lên một chiếc chiếu, và treo ở một mảng tường mà vào ban đêm, dù mở đèn, chỗ đó vẫn không đủ sáng. Tôi nằm dưới đất, ngó nghiêng lên.

Đáng lẽ tôi không nên viết lại điều không thể viết. Nhưng tôi sợ tôi quên những khoảnh khắc mong manh này, nên tôi đã tìm lời, vì nếu không có lời, tôi không biết lấy gì để đọc lại những điều tôi thấy hồi đầu tuần, trong khi đang nhắm mắt.

***

Tôi không thể được nhìn thấy. Tôi mà bạn nhận ra, nó chập chờn, huyễn hoặc. Nếu có một tôi thật, an định, nó yên lặng, nó nhìn ra ngoài từ bên trong và không thể được nhìn thấy từ bên ngoài.

Người ta yêu nhau dựa trên ý niệm có về nhau, thường bất an vì ý niệm là những đám mây luôn trôi nổi và biến đổi. Nếu bạn yêu Phật qua những gì bạn thấy ở Phật, tình yêu đó rồi sẽ mất. Bạn chỉ thật yêu phật khi bạn trở thành phật.

(Đoàn Minh Phượng)

http://doanminhphuong.wordpress.com

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Và cười đi em ơi


Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!...

Tại sao Nga ơi, tại sao...
Ðôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến
Hơi thở trùng như sợi chỉ không căng
Bước chân không đều như chiếc thưóc kẻ ai làm cong
Ai dám để ở ngoài mưa, ngoài nắng!

Nói cho anh đi, Nga ơi...
(em làm ơn chóng chóng)
Lại bên anh đi - bằng một lối rõ thật gần
Bằng một lối gần hơn con đường cong
Bằng một lối gần hơn con đường thẳng
Bằng đôi má hồng non, bằng mắt nhìn trinh trắng
Bằng những lời yêu mến tan trên đôi môi...

Và cười đi em ơi,
Cười như sáng hôm qua,
Như sáng hôm kia...
Cười đi em,
Cười như những chiều đi học về
Em đố anh Paris có bao nhiêu đèn xanh đèn đỏ
Và anh đố em: Em có nhớ
Mỗi ngày bao nhiêu lần anh hôn em?...

Cười đi em,
Cười rõ thật nhiều đi em...
Rồi đố anh
Cho anh không kịp đếm
Cho anh tan trong niềm vui
Cho bao nhiêu ngọn đèn xanh, đèn đỏ thi nhau cười
Vì hai bàn tay chúng mình sát lại
(tay anh và tay em)
Nhớ hai giãy phố chạm vào nhau
Hai giãy phố chúng mình vẫn đi về
Em nhớ không?...

Em nhớ không, đã có một lần anh van em
Ðã có một lần lâu hơn cả ngày xưa
Em sợ thời gian buồn như mọt nhấm từng câu thơ
Em sợ thời gian ác như lửa thiêu từng thanh củi
Mắt e ngại như từng con chỉ rối
Em sợ những ngày trời nắng như hôm nay
Em sợ những đường tàu vướng víu như chỉ tay
Không dám chọn lấy một ga hò hẹn


Em nhớ không, anh đã van em
(và anh còn van em như ngày xưa...)
Em đừng buồn như những chiếc lá tre khô
Em đừng buồn như những nóc nhà thờ không có tuổi
Anh van em đừng nhìn anh và đừng cười gượng gạo
Em đừng cười như ngọn bấc gần hao
Những nụ cười vướng trên đôi gò má xanh xao
Những nụ cười vướng trên mắt nhìn trắng đục
Ðừng để anh nhìn em rồi nghẹn ngào chớp mắt
Như hai vì sao le lói trong đêm sương mù
Ðừng để thời gian dầy như trăm vạn lớp chấn song thưa
Về xen giữa hai bàn tay sầu tủi!...


Em nhớ không, anh đã van em đừng buồn
Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối
Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu
Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau
Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm!...

Em nhớ không cả một hôm trời mưa
Một hôm trời mưa tấm tức
Một hôm trời mưa không ướt cánh chuồn chuồn
Những hạt mưa không đan thành mắt áo len
Những hạt mưa không làm phai màu nước mắt
Em đã khóc, anh đã khóc và chúng mình đã khóc
Bước chân lê trên những hè phố không quen
Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai con chim
Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưới, lễ xin


Và em nhớ không, chúng mình đã hỏi nhau:
Tại sao phải làm lễ tơ hồng
Tại sao phải nhờ người ta buộc chỉ vào chân
Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh
Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em
Người ta làm thế nào cắt được
Bốn bàn tay chim khuyên!...
 

Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
Anh sẽ hôn đền em
Và anh bảo em soi gương
Nhìn vết môi anh trên má
Môi anh tròn lắm cơ
Tròn hơn cả chữ O
Tròn hơn cả chiếc nhẫn
Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay!...


Chúng mình lấy nhau
Cần gì phải ai hỏi...
Cả anh cũng không cần phải hỏi anh
"Có bằng lòng lấy em?..."
Vì anh đã trả lời anh
Cũng như em trả lời em
Và cũng nghẹn ngào nước mắt!...


Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!...


Em sẽ cười phải không em
Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau!...
Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
Với một chữ N
Với một chữ G
Và với một chữ A
Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
Người ta có thể không thích
(thì người ta không thích một mình)
Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh


(Nga, Nguyên Sa)


http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=8290


P/S: Sao mà nhiều hình ảnh đẹp thế, người thơ ơi! Yêu nặng từng lời nói!

Cái đẹp và nỗi trong lành ngày xưa ấy, khó mà tìm thấy lại trong thơ nay...

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Những Blog đọc mà thán phục!

Rating:★★★
Category:Other
Thế giới blog khiến người ta choáng váng vì sốc, vì scandal, nhưng có một loại choáng váng khác, ấy là trước tầm hiểu biết của những nhân vật mà không có blog chắc chẳng ai biết ngoài một thiểu số thân hữu. Chắc chắn rằng có vô số hot blog mà tôi chưa từng đọc, nhưng những blog tôi ấn tượng vẫn là sự miệt mài đến thán phục của các chủ nhân trong khát vọng hiểu đến cùng và tinh thần chia sẻ kiến thức, dù nhiều khi họ viết chỉ cho riêng họ.

Blog mọt triết - Rem hay Cà Rem: Thật bất ngờ khi được biết đây là một chàng trai 28 tuổi, kỹ sư cơ khí điện tử. Ấy vậy mà căn cứ vào các bài điểm sách cũng như bình luận về chữ nghĩa, người ta phải tự hỏi bằng cách nào anh ta thu nạp được nhiều thế? Nói là khoe kiến thức, nhưng có gì để khoe cũng đã là vấn đề! Từ những sách triết học đầu bảng của Bertrand Russell đến chú giải Phật học, radar của Rem nhắc người ta nhớ đến những trí thức ở đời có hai bồ chữ thì gã đã gánh một nửa. Có điều, gã chỉ viết trên blog để hả nỗi vui đọc sách và chia sẻ với... 25 người bạn kết nối.

Blog chữ - Khuê Việt: Một nhân vật từng khiến mọi người hoảng hốt vì khả năng dụng điển theo lối giễu nhại và ẩn ý cao siêu. Từng viết truyện ngắn, nhưng lại là dân học kỹ thuật, blog của Khuê Việt viết không nhiều và đều, nhưng là những lớp lang dưới góc nhìn ký hiệu học của câu chữ. Tôi đã rất muốn giới thiệu một câu của Khuê Việt lên đây nhưng cái khó là các câu đầy tính trật tự không tài nào chặt đứt được.

Anh có tài dẫn chuyện từ điếu văn Derrida đến băm chặt một câu tựa truyện Đêm ngủ ở tỉnh là khuôn sáo ra sao, là chi phối tưởng tượng thế nào... vắt qua chuyện tự trào mình lẩm cẩm chữ nghĩa. Ý thức của một người trong vòng vây của những khuôn mẫu xã hội, của mớ kiến thức áp đặt trường sở luôn cựa quậy mạnh mẽ. Một phong cách chữ rất đáng yêu, có gì đó như nhà văn Đỗ Kh., nhưng có lẽ u uẩn hơn.

Blog ca nhạc - TMH: Một tâm hồn lãng mạn yêu âm nhạc Việt Nam không có ranh giới. Hễ ai cần tìm bài hát nào, chỉ cần bảo “vào blog TMH” là có. Không có nghĩa là TMH biết hết các ca khúc Việt Nam, mà có lẽ là cách phân loại của anh chàng này rất có gu: mỗi entry là một tuyển chọn đi theo chủ đề, từ những bài hát kháng chiến sôi nổi một thời, cho đến những bài hát lãng mạn đắm đuối. Quan trọng nhất là người ta vào đây có thể được nghe những bài hát thành công nhất với các phiên bản khác nhau, và đặc biệt là chủ nhân blog rất ý thức về sản phẩm nguyên thủy với niềm hãnh diện không che giấu vì “của độc”. Tuy đa phần giới hạn trong số những bài hát đã lâu, nhưng ta như gặp lại những niềm hưng phấn mà chỉ những tác phẩm âm nhạc hay đem lại được.

Blog văn học cô đơn - Hải Ngọc: Xuất thân là một giảng viên đại học, nhưng qua những gì viết trên blog, Hải Ngọc không bao giờ bằng lòng với những khái niệm trường ốc. Cần mẫn đến khổ sở trong tìm tòi những dòng văn học ngoại biên, cũng như các khía cạnh sáng tạo trong văn học phương Tây và Việt Nam, là cảm nhận của tôi. Mặc dù tính khắc khổ “sư phạm” làm cho entry của Hải Ngọc không dễ đọc với người ưa giải trí, nhưng việc tác giả này mày mò các thi pháp văn bản học và diễn đạt bằng cách sáng sủa nhất, theo tôi là “mở mắt” cho rất nhiều người quan tâm. Điều trở đi trở lại trong blog này là tinh thần làm sao để mình không định kiến, điều ngỡ như là hiếm hoi trong thế giới blog.

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

P/S: Anh Trương Quý viết đúng ghê, với hai "trường hợp" trên, hai blog dưới mình chưa đọc (!).

Đọc Khuê Việt - cho dù thảng hoặc (mới) âm u như cành cây mùa thu đâm xuyên cổ, lúc nào mình cũng tủm tỉm cười, nhứt là với các comment bên dưới entry (chữ không - sáng - tác)

"Anh thợ giày" chắc sắp lấy vợ, lâu quá không "nói chuyện ký hiệu" cho giang hồ nghe chơi! ;)

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Có những điều ta không dự liệu

Nhớ em! Nhớ em! Nhớ em!....

Vô tình search một file khác trong máy mà mình nhìn thấy lại những lời cuối của A., những "nói cười như chuyện một đêm mơ" giữa hai đứa cùng lạc loài ở chốn này, nhưng đã không rủ nhau cùng đi...

Cái hồ nước anh đổ vào em chưa bao giờ cạn, nhưng em không thả con thuyền hay ném một hòn đá nào vào lòng hồ nữa. Chỉ còn vài chiếc lá mùa thu rơi rụng. Em để nó bình lặng, như niềm mong mỏi sự bình yên nơi anh.

Bình yên không đấy? Chỉ cần thế thôi, em sẵn sàng biến mất trong mọi hoài niệm...

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

buồn suông

Bởi vì em chẳng yêu ta
Buồn trăm năm cũng chỉ là buồn suông
 (A.)

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Nghìn trùng như vết sương

Ta đã ở đâu, những ngày tình yêu câm nín
Ta khóc hay cười, những hân hoan bên bờ vực
Ta bước qua hay dừng lại, một khe cửa mở ngập ngừng...

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

Tưới & hong...

Sớm nhìn nước lăn trên lá
Đủ một ngày xanh

Tối ngăn nước nhòe môi má
Đủ một khuya lành

Xanh đi em!

P/S: Cảm ơn papa... vắng nhà để con được tưới cây ;))

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2009

Vẫn...

Vẫn yêu người rất nhẹ
mỗi đêm nhìn bầu trời

Vẫn còn lại nụ cười
như đóa sao đậu lại
chưa bay...

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Lơ đãng


1. Em biết chứ chẳng ai lơ đãng cả
Hòn than kia đang đỏ đến hết lòng

Mấy hôm trước đọc hai câu này trên blog chị So, nhìn lại một nhóm tro tàn chờ gió thổi bay, và đốm lửa mới nhóm, tự nhiên mà buồn.

2. Nhắc thơ Nguyễn Duy, nhớ một lần duy nhất "làm việc" với ông , một ngày giáp tết, bài thơ Đánh thức tiềm lực vang vang trong cái phòng thu chỉ có hai người nhỏ bé. Ngày đó mình rụt rè thấy ghê. Như cái thời sinh viên cơ khổ, lúc nào cũng “đi men tường”, y như hình ảnh bác Nhàn tả về Tế Hanh.

3. Nhớ ND trả lời trong bài phỏng vấn gần đây trên SGTT, đại ý: có những nỗi buồn tôi tẩy rửa, có những nỗi buồn tôi giữ lại, vì đôi khi cái buồn đồng nghĩa với cái đẹp.

Ừ thôi, cảm ơn một nỗi buồn.

4. Đêm dài, lại nhớ hai câu thơ từ ngày cũ:

Có ai đang nhớ ai không nhỉ
Đêm thì dài thế biết làm chi?

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2009

quét nhà mùa mưa

Quét nhà thương đám rác
đầy xác mỏng Thiêu thân

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

Lull 2

Ta tự ru ta một giấc nồng
Để trời trong mộng cũng xanh trong
Để ta thức dậy thương ngày mới
Xếp lại lòng yêu đã rối bời...

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009

Em là nghìn trận gió

Anh gửi nơi em những mối tình ngày qua mà anh không còn nữa
Anh gửi nơi em những mối tình ngày mai mà anh không thể có
Em là nghìn trận gió
Anh là một làn mây
 (Tế Hanh)

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009

bàn cơm

Thương người làm ruộng sớm hôm
bàn tay làm ấm bàn cơm mỗi nhà (L.Đ.)

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2009

Chỉ một bên má ướt

Còn hai con mắt khóc người một con. Thiệt tình là vậy, cả nghĩa đen!

Nước mắt có thể dồn hết vào một con mắt thôi, con ở trong bóng tối, ở phía không ai nhìn thấy nước mắt ta đang ứa ra, đơn độc một dòng…

Tin không? Bạn có thể ngồi ngay cạnh ai đó ở con mắt bên phải của người đó, mà không hề hay biết con mắt bên trái kia đang rớt hạt…

Đôi khi đời buồn thế, buồn đến nỗi ta bày trò chơi với nước mắt...

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

bừa

Có những người mình yêu
Nhưng mà không... lừa được
Có những người yêu mình
Nhưng mà không bừa được
(Designer C.A chế lại của văn sĩ Nomad ;))

Còn ai trong cũi

Bỗng dưng mà nhớ Nguyễn Du
Mà thương sông Dịch gót tù mơ qua

Biết mình để tránh bệnh tự mê hoặc

Rating:★★
Category:Other
Có một truyện cười dân gian Việt Nam, ý khá sâu sắc, tôi dựa theo bản trong tập sách in ra ở NXB Văn học từ 1985, tạm kể tóm tắt như sau: Một anh ngủ mê đến nỗi anh em bạn đùa cạo trọc đầu rồi khiêng bỏ ra chùa cũng không biết. Anh ta tỉnh dậy, thấy mình đầu trọc, lại nhìn cảnh chùa chung quanh, tự hỏi không biết mình là ai, có liên quan gì tới con người hôm qua.

“Ta hay sư?... Ta hay sư?”. Miệng lẩm bẩm mà lòng anh canh cánh một nỗi lo, lo rằng chính mình không còn là mình.

Muốn khỏi phân vân, anh ta nghĩ, cứ về nhà thì biết. Quả nhiên lo là đúng. Con chó thấy anh đầu trọc khác thường xô ra cắn.

Anh biết từ nay mình không còn là mình nữa, nên bỏ nhà đi thẳng.

Phần lớn truyện cười ở ta dành để chế nhạo thói xấu lặt vặt của con người, những anh chàng nói phét gặp thời, những thầy đồ ăn vụng... Khi tiếng cười cất lên quá dễ dãi cũng là lúc ta nhận ra đời sống tinh thần con người vừa cười đó nhiều phần nông nổi, tẻ nhạt.

Sau cái vẻ hơi khó cười - may lắm chỉ gây những tiếng cười thầm - truyện trên đây đặt vấn đề về tự nhận thức. Con người ta có khi không còn là mình mà không hay biết. Người tỉnh táo phải biết ghi nhận những đổi thay đã tới với bản thân. Phải nhìn vào chung quanh để tự kiểm tra lại.

Vấn đề tự nhận thức ấy cũng được đặt ta trong một truyện ngắn của Thạch Lam mang tên Người bạn cũ in trong tập Gió đầu mùa (1937).

Nhân vật xưng tôi trong truyện ngắn này từ chỗ hăng hái trên con đường dấn thân vào hoạt động cho tiến bộ xã hội, quay trở lại đời sống trưởng giả nơi tỉnh lẻ. Bỗng một người đồng chí cũ (chữ đồng chí này là của Thạch Lam trong nguyên bản) gõ cửa ngôi nhà yên ấm của anh. Bạn gái Lệ Minh trong cảnh khốn quẫn đến tìm anh, trông chờ sự giúp đỡ.

Nhân vật chính sau khi lặng lẽ khước từ người bạn ấy, quay về đối diện với mình. Anh ta lặng lẽ đặt câu hỏi, giữa con người tranh đấu của mình hôm qua và con người trưởng giả hôm nay, đâu là con người thực?

“Tôi không dám trả lời”. Thiên truyện kết thúc bằng một câu lửng lơ như vậy.
Mỗi khi nhắc tới Thạch Lam, người ta hay nhắc Gió đầu mùa, Cô hàng xén, Nhà mẹ Lê hay Hà Nội băm sáu phố phường. Còn Người bạn cũ thuộc loại ít ai đọc và nhớ. Nhưng tôi cho rằng thiên truyện có giá trị ở chỗ đã ghi nhận một mẫu tư duy hiện đại khi mà, từ xã hội trì trệ hôm qua bước ra, các cá nhân trải qua những thăng trầm khiến cho nhiều khi trong một cuộc đời thành ra có nhiều cuộc đời, dưới một cái hình hài tên tuổi nhãn mác chung thực ra nối tiếp tồn tại những con người khác, thậm chí đối lập nhau nữa.

Thông thường trong khi giải quyết đề tài này, các nhà văn chỉ đặt vấn đề đạo đức. Đại khái là sau khi rơi vào tình thế rất kịch như trên, nhân vật có thoáng qua một chút hối hận, để rồi lại tìm ra đủ thứ lý do biện hộ, và mọi chuyện đâu vẫn vào đấy.

Nhân vật trong truyện của Thạch Lam không chỉ đối phó với cái tình thế trước mắt. Mà sau một cuộc kiểm chứng, anh ta muốn có một cái nhìn chung về con người bản thân. Khi tự thú rằng chưa biết trả lời ra sao - một suy nghĩ rất lương thiện - thật ra anh ta đang đi dần tới sự tự chủ để có được cách hành động thích hợp trong quãng đời còn lại. Kể cả khi cứ con đường cũ mà đi thì đó vẫn cứ là một nhân cách đáng trọng.

Con người thời nay đã quá khôn ngoan. Giả sử bây giờ tôi ngớ ngẩn lên tiếng khuyên ai đó hãy lo tự nhận thức, thì người ấy sẽ lập tức đáp trả lại rằng “biết người biết mình là chuyện tối thiểu trong trường đời, có ai còn lạ mà ông phải dạy đĩ vén váy”.

Thế nhưng theo sự quan sát của tôi thì trước nhu cầu tự nhận thức hiện nay thường có mấy đáp án phổ biến:

Một là, nói cho xong chuyện, chứ thực ra người ta rất ngại ngồi đối diện với mình, tự vấn lương tâm mình. Trong khi mải mê hành động, họ coi chuyện tự tìm hiểu chính mình chỉ là chuyện xa xỉ của những người rỗi hơi ngồi mà nghĩ quẩn.

Hai là, nhiều người tự mê hoặc, tin chắc rằng mình sống chỉ có đúng, làm việc gì chỉ có lương thiện tốt đẹp vì những điều cao cả. Với họ con người ta chỉ cần xuất phát từ một “cái tâm trong sáng” là đủ, không thể có chuyện một động cơ đúng đắn, nếu không biết thực hiện, lúc nào cũng có thể dẫn đến những kết quả tai hại.

Ba là, mỗi người chỉ công nhận có một con người duy nhất ở mình, lại tưởng hôm qua thế nào hôm nay vẫn thế. Có thể họ cũng từng có một quá khứ tốt đẹp. Chỉ có điều sau đó, trước những hư hỏng không thể chối cãi, thì họ lảng tránh. Làm nền cho mọi sự dối trá càn rỡ là một lối nghĩ khô cứng. Những khái niệm như tha hóa không thể có chỗ đứng trong suy nghĩ của họ về bản thân.

Xin miễn bình luận về tác hại của những con người như thế trong đời sống. Họ khá đông đảo. Về mặt văn hóa, tôi chỉ muốn nói trình độ làm người của họ là thấp hơn so với nhân vật của Thạch Lam, thậm chí là thấp hơn cả nhân vật trong truyện cười dân gian trên đây vừa kể.

Vương Trí Nhàn (http://www.thesaigontimes.vn/Home/vanhoadulich/vanhoa/20446/)

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

Niềm vui của ngày của tháng của em

Là một con gấu chổng mông. Con gấu bé (anh thấy em bé xíu anh thương ;). Cỡ hai gang tay thôi. Chẳng thèm ngồi đàng hoàng giơ hai tay (!) hai chân ra như các bạn gấu khác, hắn bò như bé sơ sinh, mông chổng lên (trời) nhìn ngây thơ thấy ghét. Cái đầu ngoắc qua phải, ngơ ngơ ngác ngác.
Thấy thích quá nên muốn có (!), nhưng tự đi mua cho mình thì thấy …sao sao đó, bèn dụ người dễ dụ ;))
Kết quả là mình đang có một con gấu chổng mông, nhìn thương quá chừng!
Giữa tháng năm già cỗi, cảm ơn một niềm vui con nít. Cảm ơn có người chịu bị mè nheo!

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

nhớ táo

Quả táo xanh đã bỏ mảnh vườn
Gió vẫn thổi trong vòm cây bé

Chữ

Vườn vườn rậm chữ
Hàng hàng văn tự đá xô nhau
Tung tẩy trò huyễn hóa
Gieo hề gieo

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

19.6.09

Đời sống hỡi thăng trầm như khóc được
Mà sao lòng còn tơ sợi thơ ngây (Hà Thúc Sinh)

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2009

Tự do khỏi nỗi khiếp sợ

Rating:★★★
Category:Other
Sự dũng cảm của một số ít người dũng cảm đang (và luôn) bị thử thách.

Post lại bài tiểu luận (trích) của Aung San Suu Kyi - người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1991:

Không phải quyền lực làm cho tha hóa, mà chính là sự khiếp sợ. Sự khiếp sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa những kẻ đang nắm trong tay quyền lực và sự khiếp sợ bị quyền lực trừng phạt làm tha hóa những người đang nằm dưới tay quyền lực.

[...] Không có gì phải ngạc nhiên là ở bất kỳ xã hội nào, khi sự khiếp sợ lan tràn, tha hóa dưới mọi hình thức sẽ bám rễ sâu trong lòng xã hội.

[...] Bogyoke Aung San coi mình là một nhà giải phóng và không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho những trở ngại mà Miến Điện gặp phải trong thời khắc thử thách của dân tộc. Ông hô hào đồng bào mình hãy can đảm hơn: “Hãy đừng lệ thuộc vào lòng can đảm và tinh thần dũng cảm của người khác, mỗi người trong các bạn hãy biết hi sinh để trở thành một anh hùng và tạo dựng sự dũng cảm và can đảm của chính mình. Chỉ đến khi đó chúng ta mới có thể cùng chung hưởng tự do thực sự”.

Nỗ lực cần thiết để tránh không bị tha hóa - trong một môi trường mà sự khiếp sợ là một phần máu thịt của sự tồn tại hàng ngày - không tức khắc rõ ràng với những người có may mắn sống trong những nhà nước có sự hiện diện của pháp quyền (rule of law). Luật pháp công minh không chỉ ngăn chặn sự tha hóa thông qua việc trừng phạt không thiên vị những kẻ phạm pháp. Luật pháp còn giúp tạo dựng một xã hội mà trong đó mọi người có thể thỏa mãn những yêu cầu căn bản - vốn thiết yếu cho việc bảo tồn nhân phẩm con người mà không cần phải cầu viện đến những hành vi tha hóa. Khi thiếu vắng luật pháp như thế, gánh nặng gìn giữ các nguyên tắc của công lý và sự đoan chính chuyển sang vai những con người bình thường. Chính hiệu ứng tích lũy những nỗ lực bền bỉ và sự nhẫn nại sẽ thay đổi một dân tộc - nơi lý trí và lương tri bị bóp méo bởi sự khiếp sợ - sang một xã hội mới - nơi luật pháp tồn tại là để đáp ứng khát vọng của con người về sự hòa hợp và công lý, trong khi giúp ngăn chặn những tính ác trong bản chất thiên bẩm của con người.

Trong một thời đại mà sự phát triển lớn lao của kỹ nghệ đã tạo ra những vũ khí chết người - những thứ có thể được, và đang được, những kẻ nắm quyền vô đạo dùng để thống trị kẻ yếu và không có khả năng tự vệ, có một đòi hỏi cấp thiết về mối quan hệ gần gũi hơn giữa chính trị và đạo đức, trên cả cấp độ dân tộc và quốc tế.

Tuyên Ngôn Nhân Quyền Toàn Cầu của Liên Hợp Quốc khẳng định rằng tất cả mọi người và mọi hợp phần của xã hội phải đấu tranh nhằm thúc đẩy tự do và các quyền cơ bản mà theo đó mọi người, bất kể chủng tộc, quốc gia và tôn giáo đều được hưởng. Tuy nhiên, chừng nào còn tồn tại các chính quyền được thiết lập dựa trên sự áp bức thay vì sự chấp thuận của công chúng, chừng nào còn tồn tại các nhóm lợi ích chỉ biết đặt lợi ích trước mắt lên trên hòa bình và thịnh vượng lâu dài, thì hành động phối hợp quốc tế bảo vệ và phát huy quyền con người bất quá chỉ là một nửa cuộc đấu tranh. Vẫn sẽ có những đấu trường nơi các nạn nhân của bạo quyền phải tự dựa vào những nội lực của chính họ để bảo vệ các quyền bất khả nhượng với tư cách là những thành viên của gia đình nhân loại.

Cuộc cách mạng rốt ráo là cuộc cách mạng trong tinh thần, được khai sinh từ niềm tin trí tuệ về nhu cầu cần phải thay đổi các thái độ và các giá trị - những thứ định hình tiến trình phát triển của một dân tộc. Một cuộc cách mạng chỉ tập trung vào thay đổi các chính sách của nhà nước và các thể chế, với mục tiêu cải thiện các điều kiện vật chất, sẽ chỉ có rất ít cơ hội thành công thực sự.
Thiếu vắng cuộc cách mạng trong tinh thần, nguồn gốc tạo ra cái vô đạo của trật tự cũ vẫn sẽ tiếp tục vận hành, gây ra một đe dọa thường trực cho quá trình cải cách và phục hồi. Sẽ không đủ nếu chỉ cổ súy cho tự do, dân chủ và các quyền con người. Cần có quyết tâm thống nhất nhằm duy trì cuộc đấu tranh, chấp nhận hi sinh vì chân lý vững bền, chống lại các ảnh hưởng tha hóa của lòng ham muốn, của ác ý, của si đần và sự khiếp sợ.

[...] Trong số những sự tự do cơ bản mà con người mong ước nhằm tạo dựng một cuộc sống tràn đầy và không bị trói buộc, tự do khỏi khiếp sợ nổi lên là một phương tiện, đồng thời là mục đích. Một dân tộc muốn xây dựng một đất nước mà trong đó các thể chế dân chủ mạnh được xây dựng bền vững như là một bảo đảm chống lại sự lạm quyền của nhà nước thì trước hết phải học cách giải phóng tâm mình khỏi sự vô cảm và sự khiếp sợ.

[...] Nehru, người nhìn nhận việc lan truyền lòng can đảm trong dân chúng Ấn là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của Gandhi, là một nhà chính trị canh tân, nhưng khi ông tiếp cận với các đòi hỏi của phong trào đòi độc lập trong thế kỉ hai mươi, ông đã nhận thấy là mình quay trở về với triết học cổ điển Ấn: “Món quà lớn nhất cho một cá nhân hay một dân tộc… là Abhaya, không khiếp sợ, không thuần túy là sự can đảm bề ngoài, mà còn là sự vắng bóng sự khiếp sợ trong tâm”.

Sự can đảm có thể là một món quà, nhưng có lẽ còn quý giá hơn nếu can đảm được khơi lên từ sự nỗ lực, thứ can đảm đến từ việc gieo trồng thói quen không để sự khiếp sợ kiểm soát hành vi của mình, thứ can đảm có thể được miêu tả bằng “tự tại trước áp lực” – sự tự tại được làm mới liên tục ngay khi đối mặt với những áp lực căng thẳng và dai dẳng.

Trong một hệ thống chính trị luôn chối bỏ sự tồn tại của các quyền con người cơ bản, sự khiếp sợ có vẻ như là thuộc tính nổi bật. Sợ tù đày, sợ tra tấn, sợ cái chết, sợ bị mất đi những bạn bè, gia đình, tài sản hay phương tiện sống, sợ đói nghèo, cô lập, trước thất bại. Hình thức quỷ quyệt nhất của sự khiếp sợ là hình thức ngụy trang dưới mặt nạ common sense (lẽ thường) hoặc thậm chí là sự thông thái, kết án những hành vi can đảm bé nhỏ thường nhật – những hành vi giúp bảo toàn niềm tự trọng và phẩm giá ẩn chứa trong mỗi con người – là [những hành vi] ngu ngốc, khinh suất, không đáng giá hoặc vô ích. Không dễ dàng để quần chúng đang khiếp sợ dưới sự cai trị hà khắc hiểu rằng họ có thể tự giải thoát mình khỏi bầu khí độc của sự khiếp sợ hãi đang làm họ kiệt sức. Ấy thế mà ngay cả khi dưới sự đàn áp của những bộ máy cai trị hà khắc nhất, tinh thần can đảm vẫn trỗi dậy hết lần này qua lần khác, vì sự khiếp sợ không phải là trạng thái tinh thần tự nhiên của một người văn minh.

Suối nguồn của lòng can đảm và sự vững vàng trước bạo quyền vô hạn độ thường là lòng tin son sắt vào các giá trị đạo đức thiêng liêng kết hợp với sự hiểu biết lịch sử rằng dù cho mọi khó khăn, lịch sử loài người được đặt trên một lộ trình duy nhất là sự tiến bộ cả về tinh thần lẫn vật chất. Chính khả năng tự cải biến và sửa sai là yếu tố quan trọng nhất phân biệt con người với con vật. Cội rễ của trách nhiệm người là khái niệm hoàn mỹ, sự khao khát đạt được nó, sự thông tuệ để tìm đường đến với nó, và sự sẵn lòng đi theo con đường đó cho tới đích cuối cùng, hoặc ít ra cũng đi được khoảng cách cần thiết để vượt lên trên các giới hạn cá nhân và các trở ngại của môi trường.

Chính viễn kiến của con người về thế giới tương thích với nhân tính duy lý và văn minh đã dẫn chúng ta đến chỗ dám chịu đựng mất mát để xây dựng các xã hội tự do khỏi đói nghèo và khiếp sợ.

Các khái niệm như sự thực, công lý và lòng trắc ẩn không thể bị loại trừ vì lặp đi lặp lại quá nhiều trong khi chúng thường là những bức tường thành duy nhất hiên ngang chống lại bạo quyền.

Aung San Suu Kyi - Lâm Yến dịch

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2009

chế

Người quá chừng lưỡng lự
Hay sợ em nửa chừng do dự
người hùng ơi! ;))

10.6.09

...bầu trời có thể mọc lông tơ như mênh mông một tấm da người (Lãng Thanh)

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2009

Thơ Goldmund

Đã bao lần ta trúng thương, bởi những ngọn giáo múa xiên ký ức, những ngọn gió thổi mềm ký ức - là thơ? 

Đi lang thang được gặp, ở blog một người quen tên:

Con chim trúng thương
Ngày sắp thức dậy
Anh đi ra đường không no không đói
Khoác trên vai dăm ba trò đùa
Một lời tỏ tình bị từ chối
Và những cơn ác mộng đêm qua
Anh đi đến bao giờ gặp đêm
Cỏ, sương, sao ngấn ánh trăng mềm
Chiếc lá thiền môn rụng canh gà gáy
Ngày khẽ bảo:
- Về đi! Con chim trúng thương.

Nỗi Buồn
1.
Con gián lưng nâu, bụng nâu nhấm nhấm ngón chân tôi
Hệt như tôi nhấm nhấm nỗi buồn
Nỗi buồn không có gì vĩ đại
Quẳng được đi mà sống thì hơn
2.
Nỗi buồn làm tổ không cần nguyên cớ
Tôi quất nó vài roi, nó bỏ đi rồi lại quay về
Đời thiếu chi nơi trú ngụ
Hay tại tôi quá chừng quyến rũ
Nỗi buồn ơi
3.
Tôi ôm chầm nỗi buồn không nói năng chi
Nó ngước mắt bảo tôi đừng buồn nữa!
Ôi lời khuyên cắc cớ
Khiến lòng tôi úa đi như cỏ
Khiến lòng tôi day nhớ
Một người đã quá xa.

Tiếng Chuông
1.
Khi nào chợt không vui
Em hãy dang tay gõ vào ký ức
Sẽ vang lên tiếng chuông ngần
2.
Nếu cộng anh vào nỗi buồn
Sẽ thành: nỗi buồn gấp bội
Sao em đang tay đánh vào trái tim
Anh còn bao điều chưa nói
Đã lịm vào hoài niệm
Đậm đầy sương khói
3.
Khi nào em ghé thăm
Chỗ trú anh và cất giấu nỗi buồn
Bức tường găm đầy mảnh chai nói rằng anh đi vắng
Em sẽ làm gì sau tiếng chuông?

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

Nhìn khói bay lên

- Ngày đôi khi rất tuyệt, dù là lúc uống phải ly nước chanh quá đắng: đó là lúc ngồi nhìn khói bay lên rất đẹp, một vệt màu trăng trắng khiêu vũ mãi trên miệng ly, bay lên, bay qua, bay mất....

- Ngày đôi khi rất tình (tình có nhiều loại tình), đó là một người chưa bao giờ dám hoặc muốn... hôn ta (và thừa biết ta chỉ toàn hun... con nít) bày đặt nhắn tin: "Sự thật thật đau lòng. Anh chỉ là người hôn em sau nhiều người khác"!!!

- Đời hư hư thực thực, như làn khói nhỏ đang tan dần. Nhưng có gì khác nhắc ta An Trú hơn, nếu không phải là những gì gần như ảo ảnh ấy của cuộc đời?

- Đời rất hài rất hước, như cái tin nhắn kia. Em nào nhẹ dạ cứ rung rinh, nghĩ ngợi, hoặc rầy la "khiếp quá", ta thì ta biết đơn giản chúng mình cần "mua vui" cho nhau, cho những ngày đôi khi mệt mỏi nụ cười...

Phải không chúng mình?

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

Buổi sáng qua rồi

Mưa "như cầm chĩnh đổ" khi "con bé" (của mẹ) đang mỏi gối trong bệnh viện. Cái balô bị ai đó kéo dây kéo, bèn chuyển từ phía sau ra phía trước. Người chút ẻn di qua đi lại với cái ba lô ngược, nếu tự dòm được mình chắc cũng thấy buồn cười.

Bệnh viện quá đông để có một chỗ ngồi, nó cũng chẳng muốn ngồi vì tin nó ngồi thì ai đó khác sẽ đứng. Nếu có ai đó ít được ưu tiên nhất, thì đó phải là nó. Không hiểu sao, khi phải lựa chọn, bao giờ con bé cũng nghĩ nó xứng đáng nhận lãnh phần (tạm cho là) thiệt thòi. Có điều gì đó, như một lời sám hối...

Con bé thương mẹ, một đời kém lạc quan vì quá nhiều cơn đau trong người. Mà nói chữ "thương", nó lại thấy ngượng vì chẳng chăm sóc được gì cho mẹ. Đến được bệnh viện bao giờ cũng là "thành tựu" sau một cuộc lưỡng lự lo âu buồn rầu của mẹ. Bởi mẹ sợ bệnh viện, bởi mẹ phiền con bé bận bịu ham ngủ ham chơi, bởi mẹ ghét mấy cha bác sĩ lạnh lùng vô cảm. Mà sao mẹ lại sợ chứ? Con thì mỗi lần ở bệnh viện về, lại thấy yêu quý cuộc đời này hơn. - Vì con không đến như là một người bệnh. Ừ, sao nó lại không hiểu kia chứ! Nó có từng đau như mẹ đâu!

Mà thiệt, con bé chẳng bao giờ ghét bệnh viện. Ở đó, nó thấy ai cũng như ai, rồi bệnh, rồi lão, rồi tử. Ở đó, nó thấy người dìu nhau, nâng nhau, bao bọc nhau. Ở đó, người ta cần có nhau hơn bao giờ. Và ở đó, người ta biết đợi chờ...

Buổi sáng ở bệnh viện, thấy thương quá những người là người. Những cái bao da chứa đầy bệnh tật. Những ẩn mật vô thường của thất vọng rồi hy vọng, của quỵ ngã rồi hồi sinh...

Buổi sáng mẹ sợ qua rồi. Nhớ mắt mẹ sáng niềm vui lúc ra khỏi phòng khám. Ôi! mẹ đã là  tiên tri... "dỏm" ;)

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Trẻ

Lần đầu tiên nhận được tin nhắn thoại. Cứ ngỡ không phải bạn Vinaphone thì cậu nào đó bày trò. Ai ngờ, một giọng trẻ con vang lên. Trong trẻo tận cùng! Nghe ngơ ngẩn hết người. Tiếng nói trẻ con - chắc đó là âm thanh đẹp nhứt trên đời, không gì khác.

Thương quá đi! Kiểu này phải nung nấu cái ước mơ làm trại trẻ quá! (Lạy trời cho con có xiềng). Sẽ dụ dỗ hết các cô nàng độc thân về nuôi trẻ, hihi. Các cô ơi, cô nào thích em bé cũng chớ phải lấy chồng nhá! ;)

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Rượu nào muốn chuốc...

Có điều gì em muốn nói
Mà không biết nói điều gì
Sợ điều gì như bóng tối
Ập vào cả tiếng em thưa...

Cơn say, ừ cũng nắng - mưa
Mà chén tràn men hiu quạnh
Rượu nào muốn dốc thơ ngây
E cũng chảy vào thinh lặng...

Ta dám cùng nhau say?

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Thanks the moon

Đó là lúc vừa rửa chén xong thì phải. Ra ban công thăm cây trúc và nhìn trăng chưa rằm. Người ơi, "chết" đứng! Có lẽ khoảnh khắc đó của đêm qua là vầng trăng sáng nhất đến nay mình thấy. Vầng sáng êm dịu mà "khốc liệt". Một đường viền màu xanh dương bọc quanh cái bát vàng, đường nét rõ như được chạm khắc trên nền trời, như ai vừa lấy kiếm tém một đường sắc lẹm vòng quanh.

Lần đầu tiên mình bị ánh sáng của trăng làm cho chóa mắt. Mình thấy rõ một "đường ánh sáng" bay từ trời tới mi mắt, đẹp và mạnh mẽ lạ kỳ.

Chừng nửa giờ quay lại, bầu trời như vừa có tay kiếm sĩ chém ra làm ngàn nhát mây, trăng mờ hẳn ánh vàng, viền xanh dương cũng biến mất.

Hai khoảnh khắc đó của một đêm bỗng nhiên làm mình thấy cuộc đời thật đáng sống. Thiên nhiên chẳng nói gì, sao thiên nhiên dạy con người ta nhiều thế, dạy cả cách yêu - một cách an nhiên - cõi đời vô thủy vô chung này...

Thi thoảng nhớ (quài)

1. Nhớ cái đêm xin ngủ lại qua đêm trong một ngôi chùa lạ ở Đà Nẵng. Rón ra rón rén trèo lên hai cái đơn. Nằm rồi lại bật dậy khi tiếng chuông vang lên, hai đứa cứ thế ngồi bán già chắp tay cho đến hết thời công phu tối của các sư cô. Đêm ấy mình ngủ rất ngon nhỏ nhỉ? Đêm đẹp như cái đêm mình ngủ cạnh sông Hàn, không tròn giấc mà thấy đời rộng rang trời nước, chờ mình ngắm, mình yêu.


2. Nhớ buổi chiều bên hồ Xuân Hương với ba người con gái “trọng đại” của đời mình. Người người tất bật lo tết nhứt, bốn đứa mình thì thênh thang không biết giờ giấc là gì. Đó là chuyến đi kết thúc cuộc đời độc thân của một đứa. Là chuyến giang hồ đầu tiên đáng nhớ của cô gái “út ít”. Chuyến đó vui là vui! Như bốn bông hoa nở cùng một lúc. Nghĩ lại, đời sống mà không tìm thấy những phút giây thảnh thơi và tự do bên nhau như thế thì mới là buồn.

3. Nhớ buổi trưa Côn Đảo ngồi tựa cửa đọc Vô ngã vô ưu (đây là quyển kiểu đọc xong mình bèn...(muốn) sống tử tế hơn ;). Hơi mưa giữa trưa làm mát rượi cái lan can nhỏ tầng 3. Giấc trưa lặng cả căn phòng. Cây ướt xanh ngoài nớ, bạn yên giấc trong này. Lòng thì rỗng rang (đột xuất). Người giời, Mèo, Heo - giờ phút đó thấy ai cũng đáng yêu quá chừng, yêu nhiều hơn mình đã…

4. Có khoảnh khắc không nằm trong một chuyến đi, ở thành phố này, ngay gần "lầu xanh", mình vẫn hay nhớ, là khoảnh khắc bạn Mít Đặc bay đến chỗ mình, ngồi vắt một tá lát chanh vào ly nước - thuốc đặc trị (cảm) của bé ý. Đấy, tình iu trong sáng rất thật và giản dị thế thôi, mà cảm động sụt sịt ấy, hơn mọi lời có cánh của trai với gái. (Mình nói thiệt, ai mà cưới được Đặc nhà mình, sướng lắm luôn, trừ phải dọn dẹp nhà cửa thôi!) ;))

Nhớ gì nữa a? Trên những chặng hành trình thì còn nhiều, nhiều lắm... (còn típ, nhưng ko biết khi nào viết típ ;).

Cảm ơn những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ quán xá đã bện thêm sợi dây gắn kết tụi mình. (Ây da, ai mới lãnh xiền thì cứ gọi mình ra gặp nhé! ;))

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

Trời trống mây thì trăng mới sáng


"Trời trống mây thì trăng mới sáng" (Chuyện thiền). Ai có trí đều biết điều hiển nhiên ấy, nhưng làm sao để "trời trống mây" - ở đây có thể hiểu là làm tâm sáng lại, lau bụi cho tâm - là cả một sự thực nghiệm lâu dài. Những tản văn trong tập sách Thấy Phật là những "cái thấy" của Cao Huy Thuần từ những kinh nghiệm học và hành Phật của ông.

Linh hoạt trong ngôn ngữ; khúc chiết, phân minh trong triết luận, Cao Huy Thuần cứ "vén mây" dần dần trong mỗi câu chuyện kể bằng tất cả sự uyên thâm và hóm hỉnh của mình. Trò chuyện với người trẻ, ông có những câu chuyện về bình đẳng nam nữ, về tình yêu, đám cưới, về chiếc nhẫn đôi lứa trao nhau để chia sẻ cách yêu nhau thế nào cho... bớt khổ, để hiểu chính gia đình "là chỗ để học và để hành hai chữ vô ngã"... (Quà tết, Ðám cưới, Nhẫn). Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sau "sự cố" nhà văn bị kiểm điểm, ông nói về "cái giận" một cách thâm thúy, để dù ai đang giận cũng phải vứt giận mà cười... mình (Vẽ cây vẽ chim).

Từ bài thơ Ði chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Cao Huy Thuần kết nối sang câu chuyện tín ngưỡng của dân tộc để nhắc mình, nhắc người đừng đánh mất cái tâm bình dị (Chùa Hương) vì "Tâm bình dị, dạ chân chất, nhìn đâu cũng thấy Phật". Từ khả năng tập trung chú ý của học sinh, ông diễn giải thật thơ về "định" và "tuệ" (Trên ghế nhà trường). Từ câu chuyện với "người quét chùa", ông đặt ra câu hỏi cho người trí thức về nghĩa vụ "làm sạch cho đất nước" (Tặng người quét chùa trên núi Túy Vân).

Trách nhiệm của người trí thức ở đời, cách thức gánh vác số phận chung cũng là cái tứ bàng bạc trong nhiều bài viết của Cao Huy Thuần. Cũng vậy, ẩn hiện sau những tinh túy của triết học Phật giáo được chuyển hóa nhuần nhuyễn trong mỗi câu chuyện còn là một tình yêu với đất nước, với dân tộc VN - một dân tộc may mắn có "một văn hóa hòa bình" mang truyền thống hiền hòa của Phật giáo: làm lành, tránh ác.

Bay trên đôi cánh của lòng tin và trí tuệ, những câu chữ cứ mở ra những nụ cười đạo vị, có nụ cười tủm tỉm, thâm trầm; có nụ cười sảng khoái, khinh an. Sự tự tại từ tác giả cứ tự nhiên mà chuyển lưu sang người đọc để càng đọc càng thấy "sáng" ra một niềm hoan hỉ.

Nếu ví trăng như một hình ảnh của sự tỉnh thức, tác giả đã "nhìn trăng", "theo trăng" và cả đùa được với trăng bằng cái thấy của một thiện tri thức thật hiểu, thật tin vào Phật tính nơi mỗi người, biết làm cho "trống" những tạp niệm, tham dục trong tâm. Và Thấy Phật, không hề siêu hình, rốt ráo nhắc ta học chữ "không" - trước mắt là không với lợi, không với danh bởi chính sự vướng mắc, tham đắm vào đó làm ta che phủ mất bản tính vốn trong sáng như mặt trời, mặt trăng nơi mình - Phật ở trong tâm mình.

Sách do Phương Nam và NXB Tri Thức ấn hành nhân mùa Phật đản Phật lịch 2553.

P/S: Bài đã in trên Tuổi Trẻ nhật bào ngày 8-5-2009
Đây là quyển sách không chỉ dành cho người Phật tử, nó cần thiết cho tất cả những ai muốn "lau chùi" tâm của mình, nuôi dưỡng và mở rộng từ tâm ;)

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Như nỗi yêu tàn...

...còn ai muốn ngỏ thưa (nhại thơ ai đó)

Chẳng hiểu nữa, giờ ngại viết cái gì có sau - có trước, cái gì dịu êm, cái gì nồng nàn…

Ngại cả nghĩ.

Cất tiếng, thả lời, nhiều khi chỉ tổ “bắn súng vào mặt hồ đang yên tĩnh”.

Tào lao cho vui thì được.

Ngày cứ qua, ngày qua.

Chẳng có gì để níu giữ. Chẳng muốn có gì. Chỉ mong mỗi ngày có vài phút giây mình ngừng “trôi”, mình “dừng lại” "ngó" mình ở góc nào đó ít chán nhất, thơ trẻ nhất, và vui. Vui thiệt tình. Tình không một, không hai :)

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Quên - nhớ đồng quê

"Tôi biết khóc cũng vô ích vì tất cả phải chờ đợi..."

Mình không nhớ có khóc khi đọc truyện của ông Thiệp không, nhưng phim của ông Minh thì làm mình khóc, cái phim Thương nhớ đồng quê.

Mình nhớ mãi cảnh Nhâm đạp xe trên đồng, và những câu thơ vang lên, với cái giọng 17 âm ấm, trầm buồn, buồn chảy nước mắt: Ai nhặt cho tôi buổi sáng mai này/ Nhặt được ánh hoang vắng trong mắt em gái tôi/ Nhặt được sợi tóc bạc trên đầu mẹ tôi/ Nhặt được niềm hy vọng hão huyền trong lòng chị dâu tôi/ Và nhặt được mùi vị nghèo nàn trên cánh đồng quê...

Mình chưa bao giờ có cảm giác "đói đồng" như những người sinh ra ở làng, lớn lên ở làng. Dù những ngày mình còn oe oe khóc (khóc suốt vì xấu tính :(), là những ngày từng miếng khoai, hạt gạo trong nhà được đổi bằng những buổi cúi mặt trên đồng. Những nhọc nhằn cũng giấu biệt trên đồng.

Khi nước mắt đã biết chảy ngược vào trong, thi thoảng mình cũng "nhớ đồng" qua nỗi nhớ của người khác. Để luôn luôn, thấy mình vô dụng trước bao lầm lụi của phì nhiêu. Thấy nhiều việc mình làm vô nghĩa.

Xa Phan hơn 10 năm, chẳng còn thương nhớ. Biết cuống rốn mình chôn ở đâu, sao nhiều lúc hoang mang thấy mình thiếu một quê hương thật sự ở trong lòng. Đất không bạc, thì chắc là mình bạc? Vì đâu?

Đỗ Tiến Thụy với Vết thương thành thị

Vết thương thành thị (NXB Trẻ) tập hợp tám truyện ngắn. Là tập truyện ngắn hay khi truyện nào cũng có được cái tứ đặc sắc và chinh phục độc giả ngay từ cái tứ ấy. Lấy tên truyện Vết thương thành thị làm nhan đề chung, nhưng cả tập truyện vẫn là bi kịch của nông thôn.

Họ nhà Vòn, Người trong núi, Gió đồng se sắt, Sóng ao làng, Sang mùa..., mỗi câu chuyện đều cắt một vết dao rất ngọt vào lòng người đọc về những nỗi buồn chưa bao giờ dứt, bởi chiến tranh, bởi đói nghèo, bởi cả sự bần cùng trong ý thức. Những phận người rách tươm, trôi dạt. Những u nhã thanh tao mất dần bởi những xô bồ ô trọc. Những bủa vây chật hẹp của lòng người. Cái tình tìm thấy được, sự bảo bọc nhỏ nhoi có được, vì thế, vẫn mang mùi đắng đót...

Nhưng bi kịch của nông thôn từ lâu không chỉ có ở làng. Cái bi kịch mới hơn trải dài ra phố thị, ra tận xứ người với những thân phận tha hương. Sự đổi đời thì xa vời vợi, chỉ có công việc quần quật, sự tủi hổ và những đổi chác chết người giăng mắc. Tâm thức “làm thuê” được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhập nhoạng giữa cái đói, cái nghèo. Cái bi kịch mới ấy làm người đọc xót hết lòng qua chuyển tải của tác giả trong hai truyện ngắn Lênh đênh Vết thương thành thị.

Trong khi không ít tác giả trẻ khác loay hoay khai thác cái tôi - nhiều day dứt mà ít trải nghiệm, Đỗ Tiến Thụy lại có ào ạt những câu chuyện kể đầy chất hiện thực, ngồn ngộn chi tiết đời sống. Những câu chuyện dường như đi ra từ chính cánh đồng quê chiêm trũng Bắc bộ - nơi anh sinh ra và từ núi rừng Tây nguyên - nơi anh gắn bó một thời trong quân ngũ. Văn phong vì thế cũng có chất khoáng đạt của núi rừng, cái khí khái của người lính, lẫn cái nồng ấm thao thiết của thôn quê.

"Tôi một chú cua đồng vụng dại/ Nguệch càng trên thửa ruộng làng Bùi/ Những con chữ ngoi ra từ bùn đất/ Vương mồ hôi và nước mắt em tôi"... Đỗ Tiến Thụy “giới thiệu” về mình trên blog bằng những dòng ngắn ngủi ấy. Sau tập truyện ngắn Gió đồng se sắt (NXB Thanh Niên) và tiểu thuyết Màu rừng ruộng (NXB Trẻ), tập truyện thứ ba này khẳng định thêm sự định vị mà bạn bè trong giới đã gọi “gã cua đồng”: cây bút trẻ của nông thôn. Nhưng không chỉ thế, Đỗ Tiến Thụy còn hứa hẹn anh có thể bứt phá nhiều hơn ở các không gian khác, với những câu chuyện trẻ trung chua cay hóm hỉnh của thời đại ảo, như "Nơi không có sóng xì phôn" trong tập sách này.

P.S: Bài đã in Tuổi Trẻ ngày 24-4-2009