Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Đỗ Tiến Thụy với Vết thương thành thị

Vết thương thành thị (NXB Trẻ) tập hợp tám truyện ngắn. Là tập truyện ngắn hay khi truyện nào cũng có được cái tứ đặc sắc và chinh phục độc giả ngay từ cái tứ ấy. Lấy tên truyện Vết thương thành thị làm nhan đề chung, nhưng cả tập truyện vẫn là bi kịch của nông thôn.

Họ nhà Vòn, Người trong núi, Gió đồng se sắt, Sóng ao làng, Sang mùa..., mỗi câu chuyện đều cắt một vết dao rất ngọt vào lòng người đọc về những nỗi buồn chưa bao giờ dứt, bởi chiến tranh, bởi đói nghèo, bởi cả sự bần cùng trong ý thức. Những phận người rách tươm, trôi dạt. Những u nhã thanh tao mất dần bởi những xô bồ ô trọc. Những bủa vây chật hẹp của lòng người. Cái tình tìm thấy được, sự bảo bọc nhỏ nhoi có được, vì thế, vẫn mang mùi đắng đót...

Nhưng bi kịch của nông thôn từ lâu không chỉ có ở làng. Cái bi kịch mới hơn trải dài ra phố thị, ra tận xứ người với những thân phận tha hương. Sự đổi đời thì xa vời vợi, chỉ có công việc quần quật, sự tủi hổ và những đổi chác chết người giăng mắc. Tâm thức “làm thuê” được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhập nhoạng giữa cái đói, cái nghèo. Cái bi kịch mới ấy làm người đọc xót hết lòng qua chuyển tải của tác giả trong hai truyện ngắn Lênh đênh Vết thương thành thị.

Trong khi không ít tác giả trẻ khác loay hoay khai thác cái tôi - nhiều day dứt mà ít trải nghiệm, Đỗ Tiến Thụy lại có ào ạt những câu chuyện kể đầy chất hiện thực, ngồn ngộn chi tiết đời sống. Những câu chuyện dường như đi ra từ chính cánh đồng quê chiêm trũng Bắc bộ - nơi anh sinh ra và từ núi rừng Tây nguyên - nơi anh gắn bó một thời trong quân ngũ. Văn phong vì thế cũng có chất khoáng đạt của núi rừng, cái khí khái của người lính, lẫn cái nồng ấm thao thiết của thôn quê.

"Tôi một chú cua đồng vụng dại/ Nguệch càng trên thửa ruộng làng Bùi/ Những con chữ ngoi ra từ bùn đất/ Vương mồ hôi và nước mắt em tôi"... Đỗ Tiến Thụy “giới thiệu” về mình trên blog bằng những dòng ngắn ngủi ấy. Sau tập truyện ngắn Gió đồng se sắt (NXB Thanh Niên) và tiểu thuyết Màu rừng ruộng (NXB Trẻ), tập truyện thứ ba này khẳng định thêm sự định vị mà bạn bè trong giới đã gọi “gã cua đồng”: cây bút trẻ của nông thôn. Nhưng không chỉ thế, Đỗ Tiến Thụy còn hứa hẹn anh có thể bứt phá nhiều hơn ở các không gian khác, với những câu chuyện trẻ trung chua cay hóm hỉnh của thời đại ảo, như "Nơi không có sóng xì phôn" trong tập sách này.

P.S: Bài đã in Tuổi Trẻ ngày 24-4-2009

2 nhận xét:

  1. Nhưng đôi khi cái tâm thức "làm thuê" không đáng sợ bằng cái tâm thức "làm chủ" -- loại tâm thức "tiểu tư sản nông dân" của người Việt Nam, chủ cái gì cũng được, miễn sao "làm chủ"!!

    Trả lờiXóa
  2. vâng, đôi khi lẫn nhiều khi :)

    Trả lờiXóa