Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

Nhìn khói bay lên

- Ngày đôi khi rất tuyệt, dù là lúc uống phải ly nước chanh quá đắng: đó là lúc ngồi nhìn khói bay lên rất đẹp, một vệt màu trăng trắng khiêu vũ mãi trên miệng ly, bay lên, bay qua, bay mất....

- Ngày đôi khi rất tình (tình có nhiều loại tình), đó là một người chưa bao giờ dám hoặc muốn... hôn ta (và thừa biết ta chỉ toàn hun... con nít) bày đặt nhắn tin: "Sự thật thật đau lòng. Anh chỉ là người hôn em sau nhiều người khác"!!!

- Đời hư hư thực thực, như làn khói nhỏ đang tan dần. Nhưng có gì khác nhắc ta An Trú hơn, nếu không phải là những gì gần như ảo ảnh ấy của cuộc đời?

- Đời rất hài rất hước, như cái tin nhắn kia. Em nào nhẹ dạ cứ rung rinh, nghĩ ngợi, hoặc rầy la "khiếp quá", ta thì ta biết đơn giản chúng mình cần "mua vui" cho nhau, cho những ngày đôi khi mệt mỏi nụ cười...

Phải không chúng mình?

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

Buổi sáng qua rồi

Mưa "như cầm chĩnh đổ" khi "con bé" (của mẹ) đang mỏi gối trong bệnh viện. Cái balô bị ai đó kéo dây kéo, bèn chuyển từ phía sau ra phía trước. Người chút ẻn di qua đi lại với cái ba lô ngược, nếu tự dòm được mình chắc cũng thấy buồn cười.

Bệnh viện quá đông để có một chỗ ngồi, nó cũng chẳng muốn ngồi vì tin nó ngồi thì ai đó khác sẽ đứng. Nếu có ai đó ít được ưu tiên nhất, thì đó phải là nó. Không hiểu sao, khi phải lựa chọn, bao giờ con bé cũng nghĩ nó xứng đáng nhận lãnh phần (tạm cho là) thiệt thòi. Có điều gì đó, như một lời sám hối...

Con bé thương mẹ, một đời kém lạc quan vì quá nhiều cơn đau trong người. Mà nói chữ "thương", nó lại thấy ngượng vì chẳng chăm sóc được gì cho mẹ. Đến được bệnh viện bao giờ cũng là "thành tựu" sau một cuộc lưỡng lự lo âu buồn rầu của mẹ. Bởi mẹ sợ bệnh viện, bởi mẹ phiền con bé bận bịu ham ngủ ham chơi, bởi mẹ ghét mấy cha bác sĩ lạnh lùng vô cảm. Mà sao mẹ lại sợ chứ? Con thì mỗi lần ở bệnh viện về, lại thấy yêu quý cuộc đời này hơn. - Vì con không đến như là một người bệnh. Ừ, sao nó lại không hiểu kia chứ! Nó có từng đau như mẹ đâu!

Mà thiệt, con bé chẳng bao giờ ghét bệnh viện. Ở đó, nó thấy ai cũng như ai, rồi bệnh, rồi lão, rồi tử. Ở đó, nó thấy người dìu nhau, nâng nhau, bao bọc nhau. Ở đó, người ta cần có nhau hơn bao giờ. Và ở đó, người ta biết đợi chờ...

Buổi sáng ở bệnh viện, thấy thương quá những người là người. Những cái bao da chứa đầy bệnh tật. Những ẩn mật vô thường của thất vọng rồi hy vọng, của quỵ ngã rồi hồi sinh...

Buổi sáng mẹ sợ qua rồi. Nhớ mắt mẹ sáng niềm vui lúc ra khỏi phòng khám. Ôi! mẹ đã là  tiên tri... "dỏm" ;)

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Trẻ

Lần đầu tiên nhận được tin nhắn thoại. Cứ ngỡ không phải bạn Vinaphone thì cậu nào đó bày trò. Ai ngờ, một giọng trẻ con vang lên. Trong trẻo tận cùng! Nghe ngơ ngẩn hết người. Tiếng nói trẻ con - chắc đó là âm thanh đẹp nhứt trên đời, không gì khác.

Thương quá đi! Kiểu này phải nung nấu cái ước mơ làm trại trẻ quá! (Lạy trời cho con có xiềng). Sẽ dụ dỗ hết các cô nàng độc thân về nuôi trẻ, hihi. Các cô ơi, cô nào thích em bé cũng chớ phải lấy chồng nhá! ;)

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Rượu nào muốn chuốc...

Có điều gì em muốn nói
Mà không biết nói điều gì
Sợ điều gì như bóng tối
Ập vào cả tiếng em thưa...

Cơn say, ừ cũng nắng - mưa
Mà chén tràn men hiu quạnh
Rượu nào muốn dốc thơ ngây
E cũng chảy vào thinh lặng...

Ta dám cùng nhau say?

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Thanks the moon

Đó là lúc vừa rửa chén xong thì phải. Ra ban công thăm cây trúc và nhìn trăng chưa rằm. Người ơi, "chết" đứng! Có lẽ khoảnh khắc đó của đêm qua là vầng trăng sáng nhất đến nay mình thấy. Vầng sáng êm dịu mà "khốc liệt". Một đường viền màu xanh dương bọc quanh cái bát vàng, đường nét rõ như được chạm khắc trên nền trời, như ai vừa lấy kiếm tém một đường sắc lẹm vòng quanh.

Lần đầu tiên mình bị ánh sáng của trăng làm cho chóa mắt. Mình thấy rõ một "đường ánh sáng" bay từ trời tới mi mắt, đẹp và mạnh mẽ lạ kỳ.

Chừng nửa giờ quay lại, bầu trời như vừa có tay kiếm sĩ chém ra làm ngàn nhát mây, trăng mờ hẳn ánh vàng, viền xanh dương cũng biến mất.

Hai khoảnh khắc đó của một đêm bỗng nhiên làm mình thấy cuộc đời thật đáng sống. Thiên nhiên chẳng nói gì, sao thiên nhiên dạy con người ta nhiều thế, dạy cả cách yêu - một cách an nhiên - cõi đời vô thủy vô chung này...

Thi thoảng nhớ (quài)

1. Nhớ cái đêm xin ngủ lại qua đêm trong một ngôi chùa lạ ở Đà Nẵng. Rón ra rón rén trèo lên hai cái đơn. Nằm rồi lại bật dậy khi tiếng chuông vang lên, hai đứa cứ thế ngồi bán già chắp tay cho đến hết thời công phu tối của các sư cô. Đêm ấy mình ngủ rất ngon nhỏ nhỉ? Đêm đẹp như cái đêm mình ngủ cạnh sông Hàn, không tròn giấc mà thấy đời rộng rang trời nước, chờ mình ngắm, mình yêu.


2. Nhớ buổi chiều bên hồ Xuân Hương với ba người con gái “trọng đại” của đời mình. Người người tất bật lo tết nhứt, bốn đứa mình thì thênh thang không biết giờ giấc là gì. Đó là chuyến đi kết thúc cuộc đời độc thân của một đứa. Là chuyến giang hồ đầu tiên đáng nhớ của cô gái “út ít”. Chuyến đó vui là vui! Như bốn bông hoa nở cùng một lúc. Nghĩ lại, đời sống mà không tìm thấy những phút giây thảnh thơi và tự do bên nhau như thế thì mới là buồn.

3. Nhớ buổi trưa Côn Đảo ngồi tựa cửa đọc Vô ngã vô ưu (đây là quyển kiểu đọc xong mình bèn...(muốn) sống tử tế hơn ;). Hơi mưa giữa trưa làm mát rượi cái lan can nhỏ tầng 3. Giấc trưa lặng cả căn phòng. Cây ướt xanh ngoài nớ, bạn yên giấc trong này. Lòng thì rỗng rang (đột xuất). Người giời, Mèo, Heo - giờ phút đó thấy ai cũng đáng yêu quá chừng, yêu nhiều hơn mình đã…

4. Có khoảnh khắc không nằm trong một chuyến đi, ở thành phố này, ngay gần "lầu xanh", mình vẫn hay nhớ, là khoảnh khắc bạn Mít Đặc bay đến chỗ mình, ngồi vắt một tá lát chanh vào ly nước - thuốc đặc trị (cảm) của bé ý. Đấy, tình iu trong sáng rất thật và giản dị thế thôi, mà cảm động sụt sịt ấy, hơn mọi lời có cánh của trai với gái. (Mình nói thiệt, ai mà cưới được Đặc nhà mình, sướng lắm luôn, trừ phải dọn dẹp nhà cửa thôi!) ;))

Nhớ gì nữa a? Trên những chặng hành trình thì còn nhiều, nhiều lắm... (còn típ, nhưng ko biết khi nào viết típ ;).

Cảm ơn những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ quán xá đã bện thêm sợi dây gắn kết tụi mình. (Ây da, ai mới lãnh xiền thì cứ gọi mình ra gặp nhé! ;))

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

Trời trống mây thì trăng mới sáng


"Trời trống mây thì trăng mới sáng" (Chuyện thiền). Ai có trí đều biết điều hiển nhiên ấy, nhưng làm sao để "trời trống mây" - ở đây có thể hiểu là làm tâm sáng lại, lau bụi cho tâm - là cả một sự thực nghiệm lâu dài. Những tản văn trong tập sách Thấy Phật là những "cái thấy" của Cao Huy Thuần từ những kinh nghiệm học và hành Phật của ông.

Linh hoạt trong ngôn ngữ; khúc chiết, phân minh trong triết luận, Cao Huy Thuần cứ "vén mây" dần dần trong mỗi câu chuyện kể bằng tất cả sự uyên thâm và hóm hỉnh của mình. Trò chuyện với người trẻ, ông có những câu chuyện về bình đẳng nam nữ, về tình yêu, đám cưới, về chiếc nhẫn đôi lứa trao nhau để chia sẻ cách yêu nhau thế nào cho... bớt khổ, để hiểu chính gia đình "là chỗ để học và để hành hai chữ vô ngã"... (Quà tết, Ðám cưới, Nhẫn). Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sau "sự cố" nhà văn bị kiểm điểm, ông nói về "cái giận" một cách thâm thúy, để dù ai đang giận cũng phải vứt giận mà cười... mình (Vẽ cây vẽ chim).

Từ bài thơ Ði chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Cao Huy Thuần kết nối sang câu chuyện tín ngưỡng của dân tộc để nhắc mình, nhắc người đừng đánh mất cái tâm bình dị (Chùa Hương) vì "Tâm bình dị, dạ chân chất, nhìn đâu cũng thấy Phật". Từ khả năng tập trung chú ý của học sinh, ông diễn giải thật thơ về "định" và "tuệ" (Trên ghế nhà trường). Từ câu chuyện với "người quét chùa", ông đặt ra câu hỏi cho người trí thức về nghĩa vụ "làm sạch cho đất nước" (Tặng người quét chùa trên núi Túy Vân).

Trách nhiệm của người trí thức ở đời, cách thức gánh vác số phận chung cũng là cái tứ bàng bạc trong nhiều bài viết của Cao Huy Thuần. Cũng vậy, ẩn hiện sau những tinh túy của triết học Phật giáo được chuyển hóa nhuần nhuyễn trong mỗi câu chuyện còn là một tình yêu với đất nước, với dân tộc VN - một dân tộc may mắn có "một văn hóa hòa bình" mang truyền thống hiền hòa của Phật giáo: làm lành, tránh ác.

Bay trên đôi cánh của lòng tin và trí tuệ, những câu chữ cứ mở ra những nụ cười đạo vị, có nụ cười tủm tỉm, thâm trầm; có nụ cười sảng khoái, khinh an. Sự tự tại từ tác giả cứ tự nhiên mà chuyển lưu sang người đọc để càng đọc càng thấy "sáng" ra một niềm hoan hỉ.

Nếu ví trăng như một hình ảnh của sự tỉnh thức, tác giả đã "nhìn trăng", "theo trăng" và cả đùa được với trăng bằng cái thấy của một thiện tri thức thật hiểu, thật tin vào Phật tính nơi mỗi người, biết làm cho "trống" những tạp niệm, tham dục trong tâm. Và Thấy Phật, không hề siêu hình, rốt ráo nhắc ta học chữ "không" - trước mắt là không với lợi, không với danh bởi chính sự vướng mắc, tham đắm vào đó làm ta che phủ mất bản tính vốn trong sáng như mặt trời, mặt trăng nơi mình - Phật ở trong tâm mình.

Sách do Phương Nam và NXB Tri Thức ấn hành nhân mùa Phật đản Phật lịch 2553.

P/S: Bài đã in trên Tuổi Trẻ nhật bào ngày 8-5-2009
Đây là quyển sách không chỉ dành cho người Phật tử, nó cần thiết cho tất cả những ai muốn "lau chùi" tâm của mình, nuôi dưỡng và mở rộng từ tâm ;)

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Như nỗi yêu tàn...

...còn ai muốn ngỏ thưa (nhại thơ ai đó)

Chẳng hiểu nữa, giờ ngại viết cái gì có sau - có trước, cái gì dịu êm, cái gì nồng nàn…

Ngại cả nghĩ.

Cất tiếng, thả lời, nhiều khi chỉ tổ “bắn súng vào mặt hồ đang yên tĩnh”.

Tào lao cho vui thì được.

Ngày cứ qua, ngày qua.

Chẳng có gì để níu giữ. Chẳng muốn có gì. Chỉ mong mỗi ngày có vài phút giây mình ngừng “trôi”, mình “dừng lại” "ngó" mình ở góc nào đó ít chán nhất, thơ trẻ nhất, và vui. Vui thiệt tình. Tình không một, không hai :)