Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Đi

Trích đoạn lấy lại cho cuốn "Chim rừng Chorao và các bạn" (dự tính viết) ;)):

 

Tối qua, ta xem show của Chanh, có Siu Black và Hồng Nhung, ở Sài Gòn, đi một mình. Ta, bao giờ cũng là những chuyến đi một mình. Ta, những chuyến đi bao giờ cũng trống hoác một khoảng sau lưng. Một mình ta, khoan khoái tan biến vào gió bụi, tan vào những con đường.

Thèm ghê những con đường, Tây Nguyên ơi. Ta về với đại ngàn. Chỉ chạm khẽ, là lăn quay ra vì nhớ.

Mùa xưa, đâu mà phải mùa hoa. Chỉ toàn ngửi thấy hương thơm ngan ngát của hoa cà phê và hoa điều lộn hột. Những bông cúc quỳ quá lứa, thì vàng đến buồn ứa ruột. Những cây gạo đỏ hoe trơ trọi và ngơ ngác. Ngơ ngác và nao lòng như mắt đứa trẻ Tây Nguyên đi nhờ xe ta về làng.

Những đứa trẻ bé như cái kẹo, tóc cháy nắng, người khét khét, mà môi mắt long lanh như sương đọng vệt cỏ vào buổi tinh mơ bên hồ Dak Mil. Đứa ở Dak Song, tiếng trọ trẹ, bé bé mà cũng nói trọ trẹ, đích thị là gia đình kinh tế mới. Đứa ở Gia Nghĩa, chóp má hây hây, quần xanh áo trắng, khăn quàng xộc xệch, giơ bàn tay bé xíu vẫy xe trong chiều lạnh gió núi trông thương thương. Đứa ở Ea Wer thì nhát đến đỗi chạy bán sống bán chết mỗi khi ta giương máy ảnh về phía chúng. Đứa ở KonTum thì bạo dạn quá, cũng biết giơ hai ngón chào khách lạ, mau thân thiết ghê, dẫn ta đi chỗ này chỗ kia trong buôn. Những em ấy, đã nhớn thêm tẹo nào chưa, và có còn gặp lại không nhỉ?

Thấy được chăng, vệt xe ngoằn ngoèo dẫn ta vô những khoảng rừng già âm u vắng vẻ. Ta và miên man. Lần kia nhỉ, lần ngồi chuẩn bị tĩnh tọa trên hòn đá to trong rừng ấy chứ, đang hoan hỉ hưởng thụ, tự nhiên nghe con khỉ hú hét, rồi có con nhện thòng thòng trước mắt, xong đến mấy con ong rừng cứ lượn qua lượn lại trước mũi mình. Chu cha, kế tới nghe tiếng chim hót hót gù gù, không rõ chim chi, đoán là Chơ rao, ha ha. Thì chỉ biết ở Tây Nguyên có hai con thôi, con chim Kơ tia với con chim Chơ rao, sau vô nhà mồ mới thấy chim Chơ rao là cái con chi mô, trời ơi chim gì mà cái mặt buồn như nước mắm vậy á. Chim ấy thì buồn, nhưng mà là chim, thì phải bay lên trời được chứ gì. Lúc thinh lặng giữa rừng, ta phởn chí giống như cái con chim Chơ rao ấy đấy, bay lên bay lên. Chà chà, sướng gì đâu. Nhắn cho ai đó muốn ngồi vô cái khoảng trống hoác sau lưng ta trong những chuyến tới, chớ đánh động con chim Chơ rao là ta, khi đang thăng thiên, kẻo biết thế nào là khỉ hú, nhá.

Ừ, còn cái đận mê rừng Ea Sô quên mất có một ánh chiều đang rơi, ta đã phải lao ù ù trong đêm để về được phố núi Pleiku, vì thèm quá đi những em gái ướt như mây chiều xứ ấy. Cực kỳ đã, nhưng cũng cực kỳ dã man. Đường tối thui tối mò, và lạnh như quỷ. Ta chạy mà đố có dám nghe hơi mình thở sau tai. Đêm, đến là dễ sợ.

Đêm trọ ở phố núi, hay đêm ngủ trong buôn, hoặc đêm tá túc ở xã ven đường, vẫn cứ văng vẳng tiếng nước, xa xăm, từ những dòng suối trong ngần, từ những con thác ầm ào trắng xóa, hay từ sâu thăm thẳm lòng hồ cao nguyên. Những bờ suối bờ thác bờ hồ, rồi chẳng còn nữa bước chân ta qua. Đã xa. Chân quen tìm về, chân vẫn nghe nức nở chuyện tình ngọn nguồn thác núi. Mùa tới, thác suối và hồ sẽ xanh, bướm sẽ nhiều, hoa và lá sẽ phủ kín những dấu chân ta. Mưa nguồn làm thác càng cuồng nộ hơn. Nước về ngập tràn con suối, và những con hồ, sẽ sóng sánh sóng sánh, ...

Nhớ hoài những ráng chiều đỏ quạch trên những con hồ ta đến. Hồ Dak Mil. Hồ Lak. Hồ thủy điện Serepok. Hồ Tơ nưng. Đi trong hoàng hôn bao giờ cũng tâm trạng (hừm, lãng tử giang hồ), đến hồ lại càng tâm trạng hơn. Thích quá, chiều cao nguyên. Nhất là ánh mặt trời đỏ bồng bềnh cứ dõi theo ta mãi, và có gió chiều hun hút thổi qua những rặng thông. Nghe đâu đó, Hoàng hôn dốc của lão Phú Quang, hay Nghiêng nghiêng rừng chiều của ông Nguyễn Cường.

Nhớ, lần nghỉ đêm nơi rừng Trường Sơn thâm nghiêm hùng vĩ. Ta và những con người nơi này sẻ chia bữa cơm đạm bạc bên bếp lửa ở trạm xá. Những cô gái, những chàng trai, da thịt tươi tắn (ướp lạnh mà lị), à, cả con chó vàng của trạm bưu điện xã Hiếu, con chó đen và con mèo trắng ở gần đó nữa, hì, mau chóng quen thân gần gũi. Đâu cần đến lớp sương mù dày cùi cụi bên ngoài bếp lửa. Đâu cần đến cái lạnh kinh hoàng của núi của rừng. Đâu cần đến bập bùng tiếng cồng tiếng chiêng trong buôn vọng lại. Hay cần chi đâu men rượu ngần ngật. Ấy rồi, sáng tới chia tay, mỗi người mỗi ngả, tan vào màn sương buốt giá trắng đến say lòng. Ta đi trong dằng dặc sương với mây trên núi, như từng mơ. Mà còn hơn thế. Không nghe được tiếng con alpha của mình. Cái rì rầm trầm mặc của Trường Sơn đã nuốt chửng nó tự bao giờ.

Mùa tới, đại ngàn sẽ xanh.

 

Heo rừng

 

P/S: Đây là entry khiến bạn Heo có thêm biệt danh Chơrao. Từ lúc nhóm PR ra đời, Chơrao nhà ta trong những chuyến - đi - nhiều - mình, khó mà có được khoảng trống hoắc sau lưng ;). Nhưng ai lấp vào khoảng trống đó, phải nói là chấp hận hi sinh, vì hắn mà "thăng thiên" thì có nước văng mất người ngồi sau, như Peka, Maika lo sợ (trừ Neco quá nặng) :))

 

Post cho những chuyến đi  - những phần đời rất đẹp nhóm chúng mình đã có với nhau sau này.

4 nhận xét:

  1. coi bộ các nàng ráo riết cái khoảng trống sau lưng của tên Heo, để xem con chim chorao có thăng thiên hay chập choạng liểng xiểng (khi khoảng trống được lấp), hahahaha

    Trả lờiXóa
  2. Làm gì có vụ chập choạng, vẫn "thăng thiên" nàng ơi, hắn mà chạy là ko biết gì đến ai sau lưng hết. Nhất là đợt đi từ Đà Lạt ra Nha Trang, đường tối mò vẫn lao như bay, tội nghiệp mí bạn nữ quá chừng (trừ người lì như ta, haha). Sau này không muốn bị nói "dở hơi" nên mới đi chậm lại đó! ;)

    Trả lờiXóa
  3. "hắn mà chạy là ko biết gì đến ai sau lưng hết"-----> bởi vậy mà cứ trống hoắc sau lưng :)
    Ờ, mà không biết buồn như nước mắm là buồn ra sao?

    Trả lờiXóa
  4. Ai bảo k ôm chầm lấy hắn làm chi, ôm vô là hắn liểng xiểng liền hà...heheheh

    Trả lờiXóa