Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Nở hoa tiếng cười

Cả một buổi sáng nghĩ về bốn bông sứ đỏ ngoài ban công, hẹn nhau nở cùng một lúc, ngay khi ba mẹ vắng nhà...

 

Hai chị em cứ đùa: gọi bông từ “bạn” qua “cụ”. “Bạn ráng tươi cho đến ngày ba mẹ ta về nhá!”. “Không không, nó là bon sai, lớn tuổi rồi, chị phải gọi nó bằng cụ!” :)) Những cánh hồng rung rinh gật gật, tin ko? ;))

 

Ngày cả nhà dọn về cách đây hơn chín tháng, cây sứ chết khô. Ba chặt bỏ nửa thân cây, trong hi vọng mong manh. Rồi có thêm bạn bè từ các chậu khác, rồi nhận nước, nhận nắng, vậy mà lặng lẽ hồi sinh. Tám tháng trời chỉ lơ thơ vài chiếc lá, bỗng nhiên một hôm xòe ra nụ đỏ trong sự ngỡ ngàng của hai cô nhỏ. Đó là điều bất ngờ lớn nhất của ngày, là niềm vui của tuần, là tin tức sốt dẻo nhất hai chị em tranh kể với ba mẹ, vì hoa nở cũng là lúc hai bạn lớn vắng nhà.

 

Giờ thì, sau sự kiện bông hoa cô độc ấy, có cả bốn bạn nhỏ riu ríu nở bên nhau.

 

Không chỉ thế, cạnh đó còn một cái nụ đang chờ ngày hé. Em Nhol bảo sao có thêm chi một nụ, là “tứ quý” được rồi. “Ê, nó nghe thấy nhỉ? Xin lỗi nha!”. “Ừ, nó nghe thấy sẽ buồn đó!”. “Chết, em phải xin lỗi lần nữa quá”. “Xin lỗi, xin lỗi nha, Haha”.

 

Cứ thế, cây sứ đã - chết - mà - không - chết nở hoa tiếng cười…

 

Và lạ thế, cuối tuần đi làm, cứ ngồi nhớ thương bốn cái hoa, thật nhiều, như thương một hồi đáp mong manh, đỏ thắm của tình yêu…

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

The soloist

What i remember most about this movie: the shadows of the flying birds in water, on the wings of music. That scene reminds me deeply believe: The beauty of the world always exists, whether or not you see...

And the thing the soloist knocks at my soul: He has the (whole) world on 2 strings!

And I? "I've never loved anything the way he loves music", where's my world?

Day in and day out, me out...?

(Anyway, I can console myself: I got a question ;p)

P/S: Thanks D. - a world of mine ;)

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

Về thời trang

Rating:★★
Category:Books
Genre: Nonfiction
Author:Randy Pausch

Tôi luôn coi trọng một người chân thành hơn là một người hợp thời, bởi hợp thời thì ngắn ngủi, còn chân thành thì dài lâu.

Sự chân thành hay bị đánh giá quá thấp, bởi nó đến từ tận đáy lòng, đôi khi khó nhận ra, trong khi hợp thời lại dễ thấy bởi nó là sự cố gắng gây ấn tượng với vẻ bề ngoài.


Nhân thể, nhắc tới thời trang, đó là thứ mà thương mại lừa bịp cho là sự hợp thời. Tôi không mảy may quan tâm tới thời trang, do vậy tôi rất ít mua quần áo mới. Thực tế là thời trang mất tính thời trang và rồi lại quay trở lại thành thời trang chỉ tùy thuộc vào một số ít người ở đâu đó nghĩ họ có thể bán được chúng. Với tôi, đó là một sự điên rồ.

Cha mẹ tôi đã dạy: Con mua quần áo mới khi quần áo cũ của con hỏng. Những ai đã thấy đồ tôi mặc tới buổi giảng cuối cùng thì hiểu tôi đã sống với lời dạy này!

Quần áo của tôi còn xa mới là hợp thời. Đó là một kiểu chân thành. Nó theo đi cùng tôi, hoàn toàn không có vấn đề gì.

(Trích Bài giảng cuối cùng của Randy Pausch)

P/S: Trong một thế giới quá nhiều phù phiếm, yêu bác Randy ghê với những dòng này.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Không hát được

Không hát được nửa bài ca sự thật
Những tụng ca cướp hết mọi loa rồi
Thì ta nhé, vỗ tay mình nhu nhược
Lặng im cười muôn chủ nghĩa thiu ôi
Thì thôi nhé ta lờ bao phiền trược
Nghe mỗi đất lành cây cỏ sinh sôi

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Câu chuyện dòng sông


Rating:★★★
Category:Books
Genre: Literature & Fiction
Author:Hermann Hesse
Nghe lần nữa “câu chuyện dòng sông”

Đọc lại một cuốn sách cũ, lại là sách hay, vừa được in mới lại, cảm giác bao giờ cũng lạ. Như một người bạn cũ, lên đường đi rất xa, anh về gặp ta trong một hình dạng mới, làm ta say sưa những điều ta chưa biết hay gợi ta lại điều ta đã bỏ quên.

Người bạn này là Tất Đạt, là Thiện Hữu hay chính là dòng sông luôn chảy hướng của mình, bất chấp biến dịch, bể dâu trên mỗi phận người hay trên toàn bộ thế gian nhỏ bé.

Trong dòng miên viễn của đời sống, của khát khao hiểu biết mình, trong nỗ lực chống lại tính hữu hạn và tiều tụy dần của kiếp sống thì Tất Đạt là ai, người bạn hữu thân thiện hiền lành Thiện Hữu là ai nếu không phải là mỗi người trong chúng ta và phần thiện lương trong tâm hồn, đang đi trong hành trình tìm kiếm sự an lạc của riêng mình.

Trong hành trình ấy, người thanh niên Tất Đạt từ giã nhung lụa của gia đình quý tộc Bà La Môn, dấn thân vào gió sương Sa Môn, khổ hạnh ở rừng già, rồi quay lưng trước các phép thôi miên để đến rừng Lộc Uyển đối thoại với đức Cồ Đàm. Nhưng anh khước từ con đường vạch sẵn và lần nữa tìm kiếm trí huệ nơi dục vọng của kỹ nữ Kiều Lan; nơi khát khao địa vị, tiền bạc, gia sản của doanh gia Vạn Mỹ. Để cuối quãng đường, khi đã bước qua đời sống thế tục, Tất Đạt tìm kiếm sự bình an bên bài hát vĩnh cửu của dòng sông mát lành cùng Vệ Sử. Khi dòng sông bị vấy đục bởi đứa con lần đầu tiên thấy mặt, Tất Đạt chứng ngộ tình yêu thương, nở nụ cười viên mãn....

Hành trình của Tất Đạt (hay chính chúng ta) cũng là một vòng tròn đời người, chia nhỏ ra cho mỗi chu kỳ sống: những khát khao hiểu biết đầu đời; lúc tìm kiếm và rời xa thần tượng; những nhu cầu sở hữu, dục vọng nảy sinh khi tráng kiện; lúc tìm an ủi lúc xế chiều nơi con cái… Và rồi tất cả chỉ để học lấy một nụ cười nhẹ nhàng, một tình yêu trong sạch không toan tính, không phân biệt.

Bạn có thể là bất kỳ ai trong những chu kỳ ấy, chỉ xin nhớ rằng không bao giờ muộn để học lấy một nụ cười bình an và yêu thương. Đó là điều dòng - sông - cuộc - đời muốn giữ lại cho tâm hồn người tìm kiếm khi đã cuốn trôi tất cả lỗi lầm, buồn khổ.

87 năm khi tác phẩm Câu chuyện dòng sông hoàn thành, dòng sông và câu chuyện của mình vẫn luôn thế khi thì thầm vào mỗi con người. Mỗi người nhận từ dòng sông những tiếng chỉ dẫn khác nhau nhưng luôn đi về chung sự bình an, tính thường trụ và lòng yêu thương. “Tất cả đều hỗ trợ nhau, yêu, ghét, hủy diệt nhau và trở lại sơ sinh”, Hermann Hesse nói thế nhưng cũng luôn nhắc “đừng lệ thuộc vào những danh từ”. Đọc, để thấy lại mình bình an, tươi mới, sơ sinh trong mỗi thời khắc sống.

VƯƠNG THUẤN

-----------------------------------

"Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse, Phùng Khánh - Phùng Thăng dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn tháng 9-2009

http://tusach.tuoitre.com.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=339279&ComponentID=1

P/S: Sorry sư tổ của mình vì lỡ một lời hứa, hic. Đa tạ em Thuấn đã viết dùm mình dù bận rộn cho ngày cưới. Đa tạ món quà bất ngờ của bé Đoàn thị CR.

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Biết không

Tình cảm thật khó lường, như hàng vạn lời bông đùa đã nói với nhau...

Khó lường ngay trong chính ta, như chẳng thể biết nhân duyên gì đã dẫn mình vào một con đường thăm thẳm quanh co, càng đi càng thấy nhầm lẫn, mịt mù...

Thấy thế, vẫn không muốn vội vã quay về..., kiểu như chưa học đủ bài học về nỗi cô đơn, và tất nhiên, sự hiểu lòng...

Để nhớ Mũi Né...

Trích lại những ghi chép cũ, từ đoạn chat này của Tris:

...Thật ra ấn tượng nhất với em là lúc lên chỗ Đồi Cát Trắng, chỗ đó vẫn thuộc Bình Thuận hả chị? Giờ nhìn trẻ con thành phố to lớn/ mà đến đó thấy trẻ con nhỏ xíu/ Đường đến khu đồi cát trắng rất đẹp/ mà biển thì toàn bị xới lên để khai thác titan và cát đen/ Khu đồi cát có một cu bé dẫn bọn em đi trượt cát/ cu đó 13 tuổi/ mà nghỉ học từ năm lớp 3/ sáng đi bộ 3 km từ lúc 6h sáng/ đến bãi cát để kiếm tiền/ ăn sáng ở nhà, mẹ cho 2.000 đồng để ăn bánh thêm/ trưa ăn một gói mì trụng 4.000 đồng/ chiều lại đi bộ về/ cái xóm nó nhỏ toàn nhà mái tôn, mái lá/ có điện nhưng nhà ko có TV/ tối 7h-8h đã đi ngủ...

Thằng bé thông minh và rất có tư chất/ thế mà phải nghỉ học/ em thấy thương ghê/ Mà ko có nước XHCN nào giống VN/ trẻ con ko thể đến trường vì ko có tiền đóng học phí/ trong khi ở các nước tư bản, học phổ thông là miễn phí/ ko đưa con đi học bố mẹ có thể còn gặp vấn đề với pháp luật....Chuyện về thằng bé là một trg những chuyện khiến em thấy day dứt nhất trong chuyến đi...


Những đứa trẻ quê nhà

Em tên là Đào, học lớp 5 tại trường Hòa Thắng, xã Hòa Thắng, Bắc Bình. Em là “hướng dẫn viên” của tôi khi tôi đến Bàu Sen, trong chuyến họp lớp Báo chí 97 ở Mũi Né. Lúc đầu tôi đi theo em nhưng về sau em đi theo tôi. Tôi đi giày, em đi chân đất. Tôi tròn vo còn em gầy guộc. Em với tôi là đồng hương, vậy mà tôi đã quên nói cho em biết – chị cũng là người ở đây. Có lẽ vì, tôi đã về với quê nhà như một người xa lạ. Xa lạ, trong rất nhiều điều lẽ ra tôi phải biết…

Mùa hè không đi học, Đào lang thang khắp đồi cát cả ngày để mời du khách thuê ván trượt. Trung bình em kiếm được khoảng 10.000 mỗi ngày, khi đã chia bớt 70% khoản tiền cho các trẻ lớn mà em bảo “đất này của nó”. Em diễn đạt không rành mạch nên tôi không hiểu rõ lắm sự chia chác mà em nói.

Chỉ biết là thương em – hai bàn tay đan vào nhau, hiền lành, ít nói…

Chỉ biết là thương em, vì em là người đầu tiên chỉ cho tôi thấy đồi Trinh Nữ, bằng cách diễn giải chân phương: “Kia là cái đầu, kia là hai cái vú, dì có nhìn thấy không?”

Khi đến nơi trượt cát, em cũng rụt rè: “Dì có trượt không, để con lấy ván cho dì”… Về sau, tôi mới biết, em đã trả 5.000 đồng cho cậu bé mà em mượn ván, vì ván của em đã hư hết mà em chưa để dành được đủ tiền để mua lại.

Và thương em, vì em thật thà. Khi các chị bạn “đồng nghiệp” gặp trên đường hỏi với theo “sáng giờ được bao nhiêu?”, em quay lại cười, giơ 2 ngón tay và nói đúng số tiền mà tôi đã đưa cho em…

Trưa hôm ấy, khi chúng tôi lên xe trở về khu resort, Đào không về nhà vì nhà ở khá xa mà quay lại quán nhỏ dưới chân đồi cát để ăn trưa. Buổi trưa của em là một gói mì. “Tô mì của mấy dì thì 7000 nhưng của tụi con thì 2000″, em trả lời hồn nhiên…

Nhưng Đào còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác, vì ba mẹ em chỉ có mỗi mình em, và chắc em sẽ không có nguy cơ phải bỏ học…

Em may mắn hơn cậu bé bán sao biển mà chúng tôi gặp ngay cổng vào khu resort Sông Lam. Tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt cậu bé. Giá mà có một nụ cười trên gương mặt em, để tôi không phải nhớ gương mặt em nhiều như vậy; và nhớ nhiều như vậy, cái cách em xoa đôi bàn tay rộp đỏ khi đặt cái rổ sao biển xuống đất. Giá mà em cười một cái, để tôi tự an ủi rằng cái rổ kia không nặng lắm đâu, tay em không đau lắm đâu, và em chẳng hề ghét cái việc bưng bán này. Giá mà tôi được nhìn thấy nét vô tư trên gương mặt em, để tôi tin rằng niềm vui không chạy trốn em được, dù chiếc áo em mặc đã đứt nút, dù em phải lắc đầu khi ai đó hỏi em có đi học không…

Có những lúc, tôi đã không cho phép mình…buồn, nhưng mà khi gõ những dòng này, tôi ứa nước mắt..

Trong năm đứa trẻ quê nhà tôi hỏi chuyện trong chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” của mình, chỉ có mỗi Đào là có đi học. Ba cậu nhóc cho thuê ván ở đồi cát hồng, cũng như cậu bé bán sao biển, đều không được đến trường. Khi thấy tôi chụp ảnh, các nhóc bảo sẽ biểu diễn cho tôi xem một điệu nhảy hip-hop “tự sáng tác”. Đó là một màn biểu diễn mà tôi biết mình còn nhớ mãi, vì sau đó là những tiếng cười vang trong nắng cháy. Niềm vui có mặt. Thơ trẻ! Niềm vui lăn trên cát. Niềm vui đọng lại trong khung ảnh tôi.

Trẻ thơ, hơn ai hết, “cần có một tiếng cười”. Cần biết bao!…Để dù em là ai, dù em không được học hành, em sẽ vẫn tin ở cuộc đời – cuộc đời bao dung, và mình cũng vậy, không oán giận cuộc đời, khi mình vẫn đàng hoàng lớn lên, vẫn tìm thấy những niềm vui bé nhỏ trong cuộc sống hằng ngày bé nhỏ…

Còn hơn, em ạ, khi mà mình giường chiếu rộng, nhưng lại tự chôn mình trong những nỗi buồn vụn vặt, để rồi “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”….

Những lời muộn màng này viết cho các em, để mong được làm một người chị, “người dì” không xa lạ…

P/S: Thế đó, từ chuyến đi năm 2006 của mình, cho đến chuyến đi mới đây của Tris, nỗi day dứt vẫn còn nguyên đó, những đứa bé vẫn gầy guộc nhỏ xíu, trường học vẫn xa; chỉ khác là cát lẫn thêm màu đen, và tô mì của các em tăng giá từ 2000 đến 4000 đồng...