Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Để nhớ Mũi Né...

Trích lại những ghi chép cũ, từ đoạn chat này của Tris:

...Thật ra ấn tượng nhất với em là lúc lên chỗ Đồi Cát Trắng, chỗ đó vẫn thuộc Bình Thuận hả chị? Giờ nhìn trẻ con thành phố to lớn/ mà đến đó thấy trẻ con nhỏ xíu/ Đường đến khu đồi cát trắng rất đẹp/ mà biển thì toàn bị xới lên để khai thác titan và cát đen/ Khu đồi cát có một cu bé dẫn bọn em đi trượt cát/ cu đó 13 tuổi/ mà nghỉ học từ năm lớp 3/ sáng đi bộ 3 km từ lúc 6h sáng/ đến bãi cát để kiếm tiền/ ăn sáng ở nhà, mẹ cho 2.000 đồng để ăn bánh thêm/ trưa ăn một gói mì trụng 4.000 đồng/ chiều lại đi bộ về/ cái xóm nó nhỏ toàn nhà mái tôn, mái lá/ có điện nhưng nhà ko có TV/ tối 7h-8h đã đi ngủ...

Thằng bé thông minh và rất có tư chất/ thế mà phải nghỉ học/ em thấy thương ghê/ Mà ko có nước XHCN nào giống VN/ trẻ con ko thể đến trường vì ko có tiền đóng học phí/ trong khi ở các nước tư bản, học phổ thông là miễn phí/ ko đưa con đi học bố mẹ có thể còn gặp vấn đề với pháp luật....Chuyện về thằng bé là một trg những chuyện khiến em thấy day dứt nhất trong chuyến đi...


Những đứa trẻ quê nhà

Em tên là Đào, học lớp 5 tại trường Hòa Thắng, xã Hòa Thắng, Bắc Bình. Em là “hướng dẫn viên” của tôi khi tôi đến Bàu Sen, trong chuyến họp lớp Báo chí 97 ở Mũi Né. Lúc đầu tôi đi theo em nhưng về sau em đi theo tôi. Tôi đi giày, em đi chân đất. Tôi tròn vo còn em gầy guộc. Em với tôi là đồng hương, vậy mà tôi đã quên nói cho em biết – chị cũng là người ở đây. Có lẽ vì, tôi đã về với quê nhà như một người xa lạ. Xa lạ, trong rất nhiều điều lẽ ra tôi phải biết…

Mùa hè không đi học, Đào lang thang khắp đồi cát cả ngày để mời du khách thuê ván trượt. Trung bình em kiếm được khoảng 10.000 mỗi ngày, khi đã chia bớt 70% khoản tiền cho các trẻ lớn mà em bảo “đất này của nó”. Em diễn đạt không rành mạch nên tôi không hiểu rõ lắm sự chia chác mà em nói.

Chỉ biết là thương em – hai bàn tay đan vào nhau, hiền lành, ít nói…

Chỉ biết là thương em, vì em là người đầu tiên chỉ cho tôi thấy đồi Trinh Nữ, bằng cách diễn giải chân phương: “Kia là cái đầu, kia là hai cái vú, dì có nhìn thấy không?”

Khi đến nơi trượt cát, em cũng rụt rè: “Dì có trượt không, để con lấy ván cho dì”… Về sau, tôi mới biết, em đã trả 5.000 đồng cho cậu bé mà em mượn ván, vì ván của em đã hư hết mà em chưa để dành được đủ tiền để mua lại.

Và thương em, vì em thật thà. Khi các chị bạn “đồng nghiệp” gặp trên đường hỏi với theo “sáng giờ được bao nhiêu?”, em quay lại cười, giơ 2 ngón tay và nói đúng số tiền mà tôi đã đưa cho em…

Trưa hôm ấy, khi chúng tôi lên xe trở về khu resort, Đào không về nhà vì nhà ở khá xa mà quay lại quán nhỏ dưới chân đồi cát để ăn trưa. Buổi trưa của em là một gói mì. “Tô mì của mấy dì thì 7000 nhưng của tụi con thì 2000″, em trả lời hồn nhiên…

Nhưng Đào còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác, vì ba mẹ em chỉ có mỗi mình em, và chắc em sẽ không có nguy cơ phải bỏ học…

Em may mắn hơn cậu bé bán sao biển mà chúng tôi gặp ngay cổng vào khu resort Sông Lam. Tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt cậu bé. Giá mà có một nụ cười trên gương mặt em, để tôi không phải nhớ gương mặt em nhiều như vậy; và nhớ nhiều như vậy, cái cách em xoa đôi bàn tay rộp đỏ khi đặt cái rổ sao biển xuống đất. Giá mà em cười một cái, để tôi tự an ủi rằng cái rổ kia không nặng lắm đâu, tay em không đau lắm đâu, và em chẳng hề ghét cái việc bưng bán này. Giá mà tôi được nhìn thấy nét vô tư trên gương mặt em, để tôi tin rằng niềm vui không chạy trốn em được, dù chiếc áo em mặc đã đứt nút, dù em phải lắc đầu khi ai đó hỏi em có đi học không…

Có những lúc, tôi đã không cho phép mình…buồn, nhưng mà khi gõ những dòng này, tôi ứa nước mắt..

Trong năm đứa trẻ quê nhà tôi hỏi chuyện trong chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” của mình, chỉ có mỗi Đào là có đi học. Ba cậu nhóc cho thuê ván ở đồi cát hồng, cũng như cậu bé bán sao biển, đều không được đến trường. Khi thấy tôi chụp ảnh, các nhóc bảo sẽ biểu diễn cho tôi xem một điệu nhảy hip-hop “tự sáng tác”. Đó là một màn biểu diễn mà tôi biết mình còn nhớ mãi, vì sau đó là những tiếng cười vang trong nắng cháy. Niềm vui có mặt. Thơ trẻ! Niềm vui lăn trên cát. Niềm vui đọng lại trong khung ảnh tôi.

Trẻ thơ, hơn ai hết, “cần có một tiếng cười”. Cần biết bao!…Để dù em là ai, dù em không được học hành, em sẽ vẫn tin ở cuộc đời – cuộc đời bao dung, và mình cũng vậy, không oán giận cuộc đời, khi mình vẫn đàng hoàng lớn lên, vẫn tìm thấy những niềm vui bé nhỏ trong cuộc sống hằng ngày bé nhỏ…

Còn hơn, em ạ, khi mà mình giường chiếu rộng, nhưng lại tự chôn mình trong những nỗi buồn vụn vặt, để rồi “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”….

Những lời muộn màng này viết cho các em, để mong được làm một người chị, “người dì” không xa lạ…

P/S: Thế đó, từ chuyến đi năm 2006 của mình, cho đến chuyến đi mới đây của Tris, nỗi day dứt vẫn còn nguyên đó, những đứa bé vẫn gầy guộc nhỏ xíu, trường học vẫn xa; chỉ khác là cát lẫn thêm màu đen, và tô mì của các em tăng giá từ 2000 đến 4000 đồng...

3 nhận xét:

  1. Đọc lại entry này của chị, vẫn buồn ... đỏ cả mắt, thấy mình như nợ chi đó với những em bé không chỉ ở quê nhà:(

    Biết bao giờ..., chị nhỉ! Những chuyến Kira chẳng thấm vào đâu, chẳng thấm vào đâu cả:(

    Trả lờiXóa
  2. ừ, chẳng thấm vào đâu, nhưng có còn hơn không, hix

    Trả lờiXóa