Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

28.6.11

"...cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi"

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Bặt tiếng nói thầm

Rating:★★★★
Category:Other
Một ngày nọ tại sân bay quốc tế Bangkok, trong khu vực nghỉ ngơi của doanh nhân, kẻ viết bài này bắt gặp một người lạ. Với khuôn mặt nghiêm túc, áo quần tươm tất của một giám đốc công trình, ông vội vã xách cặp bước vào phòng. Sau khi uống một ly nước, ông xếp bằng tĩnh tọa trong một góc phòng. Chỉ năm bảy phút sau, thân ông dãn ra, tâm ông dường như tươi mới, nét mặt phảng phất một sự bình an nội tại. Một điều ít thấy trong giới doanh nhân.


Một điều ta cũng ít thấy nhưng hoàn toàn ngược lại là có những người mắc bịnh, luôn luôn nói lãi nhãi. Chúng ta gọi họ là điên khùng. Nhưng hãy công bằng mà xét, tâm của chúng ta cũng luôn luôn nói năng, luôn luôn có nhận định, đối thoại, suy xét, đánh giá…trong tâm. Tâm của chúng ta cũng luôn luôn “lãi nhãi”, chỉ khác kẻ điên kia ở chỗ nó không phát ra tiếng. Ta hãy gọi tiếng nói trong tâm đó là tâm ngôn.


Nếu khéo quan sát ta sẽ thấy tâm ngôn hay “bàn” về quá khứ. Nó ưa lôi chuyện quá khứ ra để thẩm định, khen chê. Thỉnh thoảng nó cũng suy tư về tương lai, từ chuyện ngày mai mình đi chơi ở đâu đến chuyện thế kỷ sau điều gì sẽ xảy ra cho nhân loại. Nhưng khi nói chuyện tương lai, tưởng là chuyện sẽ xảy ra, nhưng thực ra tâm ngôn đều phải dựa trên kinh nghiệm của quá khứ, từ những cái đã biết. Do đó thực tế là tâm ngôn luôn luôn quanh quẩn với quá khứ. Vì lẽ đó Krishnamurti[1] nói tâm chúng ta “bị quá khứ qui định”. Govinda[2] ví tâm chúng ta như người ngồi ngược chiều hướng xe chạy, anh ta chỉ thấy biết những gì đã trôi ra đằng sau. Thế giới của chúng ta là thế giới đã là, do tâm ngôn tái hiện trong đầu.


Thế thì phải chăng tâm ta lúc nào cũng đầy ngập tâm ngôn? Có lúc nào nào tâm ngôn ngưng bặt không? Có, nhưng rất ngắn, ngắn đến mức chúng ta không nhận biết. Đó là một vài khoảnh khắc trước cảnh đẹp của hoa lá và thiên nhiên, một thoáng chú tâm khi xúc chạm với sự vật, một phút xuất thần trong sáng tạo nghệ thuật và khoa học, một giây tập trung tỉnh giác trong hoạt động thể lực, một ý nghĩ hồn nhiên của trẻ con. Đó là những lúc tâm trí còn tinh khôi, nó vận hành hồn nhiên và không bị qui định. Nhưng nó lập tức bị tư tưởng lèo lái ngay vào những khuôn mẫu có sẵn, bị quá khứ suy xét và theo đó mà phản ứng. Thường thì chúng ta không biết đến những khoảnh khắc tinh khôi đó, nó chấm dứt quá nhanh. Ngoài ra nếu biết đến nó ta cũng chẳng coi trọng, nhất là trong một thời đại mà ta xem kiến thức và kinh nghiệm là cao quí nhất, tôn thờ cái bác học của một triết gia hơn xa lòng hồn nhiên của tâm. Ý thức bị tâm ngôn qui định chiếm hầu hết thời gian trong ngày của ta, kể cả trong giấc ngủ. Ta thật sự yên nghỉ chỉ với giấc ngủ không mơ, những giấc mơ của chúng ta đều là do tâm ngôn tiếp tục “lãi nhãi”.


Dù vậy những chớp nhoáng ngắn ngủi vắng bặt tâm ngôn là nguồn gốc của mọi năng lượng và sáng tạo của ta. Những lúc đó tâm trở về nguồn cội đong đầy năng lượng cho mình. Những sáng tạo bất ngờ trong nghệ thuật hay phát minh khoa học thường được xuất phát trong các tia chớp tuệ giác lúc đó. Theo ni sư Ayya Khema[3], chính tâm ngôn lãi nhãi đó ngăn cách chúng ta với thực tại. Kinh Phật có một câu đáng chú ý: “Chúng sinh ra vào cảnh Phật mà không tự biết”. Khi tâm ngôn phát sinh là khi chúng ta “ra khỏi cảnh Phật”.


Nhưng tại sao ta có thể chế ngự lời nói lãi nhãi mà không kiểm soát được tâm ngôn? Câu trả lời thông thường là, vì tâm ngôn là chính… chúng ta, nếu không có tâm ngôn thì ta cũng không tồn tại. Câu trả lời khác hơn một chút là, tâm ngôn là hoạt động của cái tôi trong ta. Cái tôi tồn tại nhờ nó nói liên tục, khi thì to tiếng thành ngôn ngữ ra ngoài, khi thì nhỏ tiếng thành tâm ngôn bên trong. Cái tôi nhờ quá khứ mà được khẳng định, do đó nói như Krishnamurti, cái tôi được cái đã biết qui định. Nó không bao giờ biết đến cái tinh khôi của thực tại, cái đang là đang hiện rõ trước mắt, một thực tại không bao giờ lặp lại.


Trăm sự đổ vào đầu cái tôi nhưng nó chỉ là một ảo giác, chỉ là một sự hiểu nhầm do tâm ngôn sinh ra. Tâm ngôn và cái tôi tay trong tay sinh thành lẫn nhau. Nhưng khi một cái diệt thì cái kia cũng diệt. Những ai đã từng nếm trải những chớp nhoáng vắng bặt tâm ngôn hẳn đã thấy trong đó không có ai cả, chỉ có một sự nhận biết đang vận hành. Những người đó thường sẽ thấy khoảnh khắc đó là tuyệt diệu và muốn lặp lại. Nhưng than ôi, họ thất bại. Cái ý muốn lặp lại thánh thiện đó cũng là do cái tôi nêu lên. Cái tôi không chỉ ích kỷ và tự hào, nó cũng biết hướng về đạo lý, giác ngộ và giải thoát. Nhưng hóm hỉnh thay, cái dục tưởng cao đẹp đó chính là chướng ngại. Đem cái tôi đi tìm thực tại cũng như vào cửa với cái sào cầm ngang.


Nếu gọi tình trạng ngưng bặt tâm ngôn là “Thiền” thì cái nghịch lý xưa nay của Thiền là ngồi xuống gối thiền nhưng không mong cầu gì cả. Tinh tấn nhưng không dụng công. Có lòng tinh tấn nhưng không được có người dụng công. Khó thay!


Nhưng nhìn hoa nở mùa xuân ta có thể hiểu một phần. Cây cũng miên mật hút chất bổ dưỡng trong lòng đất để sinh hoa, nhưng tự nhiên không chút dụng công. Có lẽ ta cũng thế, giữ lòng lặng yên, giữ tâm trống trải và chú ý. Bặt tiếng nói thầm, cái tôi vắng bóng và chỉ có sự tỉnh giác đang hiện tiền. Ngay lúc đó có thể trong tâm “nở” ra một cái khác thường, mới mẻ, tinh khôi, đơn lẻ, riêng biệt, không do quá khứ qui định.


Người ta có thể hỏi, “cái khác thường” đó là cái gì. Hẳn nhiên đó là một điều rất riêng tư, nhưng ở giai đoạn ban đầu ta có thể nói, nó là sự bình an nội tại, như trên mặt nhà doanh nhân nọ đã phản chiếu.


(Tinh khôi như mùa xuân – Nguyễn Tường Bách)

______________


[1] Krishnamurti, 1895-1986, đạo sư người Ấn Độ
[2] Govinda, 1898-1985, tu sĩ Phật giáo người Đức
[3] Ayya Khema, 1923-1997, ni sư Phật giáo người Đức

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

15.6.11

Người sợ đưa nhanh nhát chổi
làm bóng hoa tan...
(LTL)

15.6.11

Ta đã yêu em nhiều hơn dự định... (A)