Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Sáng nay ta thèm vô núi sâu

Tẻ vui bởi tại lòng này (Nguyễn Du)

Sao chúng ta cứ mải mê đi tìm kiếm niềm vui ở bên ngoài, ở những cái vỏ, những ảo giác, ở một đối tượng mà ta nghĩ có thể mang lại hạnh phúc cho ta?

Mấy hôm nay, trong tâm trạng bất an vì những công việc chưa làm trọn, những lời hứa chưa thực hiện, ta càng thấy, thật  đúng làm sao: "tẻ vui bởi tại lòng này". Và chế tác an, hỷ và lạc khó vô cùng...khi ta đã không Định.

Sống như vầy, có phãi là bừa bãi lắm không? Có trân quý thì giờ đang có không?

Sáng nay ta thèm vô núi sâu
Sáng nay ta thèm lên núi xanh
Ta cấy lòng ta - đất nhiệm mầu
một hạt Tùng thơm biếc mây trong...

Mà "núi" hay "không núi", chẳng phải ở ngay trong tâm thức mi đó sao, Nâu? :D

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Người trên đường

http://hanoigrapevine.com/2013/12/hcmc-music-night-uk-band-rubylux/#.UrbMOdIW3h4

http://www.youtube.com/watch?v=8Yfs0qLMpZ4#t=134

Nghe khúc ca này hơi... xao xuyến. Và xem ban nhạc này chơi, bỗng dưng nhớ đến cậu bé chơi nhạc ở Lào. Một đêm trời trong mát ở nhà hàng Max'sHôm đó em mặc áo đỏ, đội chiếc mũ nỉ đen, đi đôi giày đen cổ cao, đôi mắt đen nhánh cứ bẽn lẽn cười khi thấy mình giương ống kính máy ảnh về phía em suốt. Biết em ngượng ngùng mà chẳng... tha được. Bởi cách em ngồi, cách hai tay em "chơi" với cái hộp gỗ của mình, đôi mắt biết nói của em trông vừa lãng tử, vừa trẻ thơ, vừa gần gũi....

Ai đi Vientiane, ghé lại Max trên đường Setthathirath dùng bữa tối và nghe nhạc mộc ở đây, biết đâu sẽ nhìn thấy chàng trai bé nhỏ có đôi mắt đen ấy  "của mình" ;))

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Đãy da xương bọc kiếp con người

...
Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng
Thiên hồi khổ ải xúc phù tung
Phong trần đội lý lưu bì cốt
Khách chẩm tiêu tiêu lưỡng mấn bồng
(trích Trệ khách - Nguyễn Du)

...Ta nay cùng lộ, không còn mộng 
Biển khổ trời đưa giục chuyển rời
Xơ xác tóc mai xoà gối khách
Đãy da xương bọc kiếp con người
(Khách ở lỳ)

Hôm "ngắm nghía" tủ sách của thầy N.M., vô tình lật một trang sách trong cuốn Đọc và dich thơ chữ Hán của Nguyễn Du, bắt gặp bài này, ấn tượng mạnh, nhất là câu thơ cuối. Và từ đấy đến nay, câu thơ ấy cứ vang vang mãi trong đầu. Nghĩ "thương" Nguyễn Du quá chừng chừng.

Nhưng hôm đó vội đi, chỉ đọc mỗi bài thơ. Hôm nay search lại "anh Google" thấy có bài này: http://chimviet.free.fr/vanco/phamthaonguyen/pthaong054_trekhach.htm. Tác giả nói thật đúng cảm giác của mình: "Lời thơ đẹp lạ lùng đập ngay vào tim óc, chiếm lĩnh hồn người đọc lập tức, tràn đầy, không suy nghĩ".

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Chú Bách







Ảnh 1 là khoe hình chú Nguyễn Tường Bách - tác giả của nhiều đầu sách mà tôi cực yêu thích. Sách nào của chú "ra", tôi cũng..."gối đầu giường" và mua tặng mọi người. Không ít tác phẩm đã mua trên 10 bản, cũng như với sách của chú Cao Huy Thuần.

Ảnh 2 là khoe...tay nghề ...nhiếp ảnh của bạn tui, biết làm nhòe mơ chân dung cần outnet ;))

Lần thứ hai gặp chú, lòng rất tươi, rất vui...Cảm ơn chú vì một buổi sáng được nghe Pháp. (Dù như chú nhắc: tất cả Pháp hữu vi/ như mộng huyễn, bào ảnh...)

Nghĩ về chú Bách, lúc nào tôi cũng nhớ một câu đã thuộc lòng: "Ta càng bất toàn thì càng có khuynh hướng thấy sai trái nơi người khác". Không nhớ đã đọc từ cuốn sách nào của chú, sáng tác hay biên dịch, nhưng tôi từng note lại hồi thời 360. Và mỗi lần trong tâm khởi...ghét ai, tôi lại nhớ câu nớ, lại tự nhắc mình.

Thật lòng biết ơn những bậc thiện tri thức, những "người thầy" như chú.

P/S: Sáng nay chú Bách cũng nói đến "tâm ngôn", làm nhớ một bài chú viết cho một giai phẩm Xuân: http://paramitalt.blogspot.com/2011/06/bat-tieng-noi-tham.html

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Từ Boston



Từ "tình yêu đang ở trên đường" - tình yêu đang "ngừng tất cả để sống giấc mơ nhỏ của đời mình - đi du lịch một năm".

Mất 22 ngày để "em" về tới Sài Gòn. Đó là bưu thiếp thứ tư nhận từ H., sau bưu thiếp từ Tây Tạng, Mông Cổ và Philippines. Cũng nét chữ be bé ấy, cũng tinh thần hân hoan và cả sự tự tại ấy...

H. viết: "...Cái nhà mái đỏ trong hình là thư viện Boston, chỗ yêu thích nhất của con ở thành phố này. Trong đó rất ấm áp, đẹp, bàn đọc dài và thoải mái, đầy sách, ngồi viết sẽ rất thích. Nhớ thầy lắm. Mai mốt tụi mình lại cùng đi đâu he".

Có thể mường tượng ra gương mặt đáng yêu của H. khi ngồi ở đấy.

Hôm qua vừa xem lại hình H. lúc chúng mình ngồi chờ xe cấp cứu ở phá Tam Giang. Vẫn đáng yêu thế. Nhớ...

"Năm tháng như nụ cười trong mộng", có phải không? Nhưng còn hơn cả thế.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Nuôi dưỡng chân tánh

Suy táp hình hài khởi túc vân
Phi quan lão hạc tị kê quần
Thiên thanh vạn thúy mê hương quốc
Hải giác thiên đầu thị dưỡng chân


(Dưỡng chân, Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Hình hài suy yếu đâu phải là chuyện đáng bàn
Cũng không phải chuyện chim hạc lánh đàn gà
Nghìn màu xanh, muôn vẻ thúy tràn ngập làng nước
Góc bể chân trời là nơi nuôi dưỡng chân tánh của ta

Tôi đọc bài thơ này từ khách sạn V. ở Đà Nẵng tuần trước, trong quyển sách Đường về núi cũ chùa xưa của thầy PA. Thầy gửi tặng từ Nha Trang, năm 2008 nhưng đến 5 năm sau tôi mới nhận được, từ một sư thầy khác, trong một ngôi chùa ở Quảng Trị...

"Nhân duyên" với quyển sách và bài thơ đọc được trong lúc thân thể có phần suy nhược mà tâm cảm chỉ thèm chốn vắng yên khiến tôi cảm động vô ngần...

Tôi về Đà Nẵng để đưa tang Mẹ của một anh bạn vong niên thân quý. Rồi không hẹn mà về Quảng Trị. Cảm động, cũng có thể vì những dư vị khó quên từ chuyến về Ái Tử, Triệu Phong của Quảng Trị - một chuyến đi nằm ngoài dự liệu mà đánh thức trong tôi một suối nguồn an lạc. 

Hiện pháp lạc trú. Hiện pháp lạc trú. Tôi đã có một ngày trực nhận được điều đó. Trong những khoảnh khắc ngồi bán già uống trà với hai sư, trong những giờ phút ngồi đọc Triết học về Tánh không của thầy Tuệ Sỹ, trong buổi cơm chay ở quán Cọ Dầu, trong giấc ngủ dưới mái chùa bên một mệ chưa quen, trong những bước chân vòng quanh sân chùa buổi sớm còn đầy hơi sương, trong khi mở hộp thư đọc được bài thơ đầy thiền vị của anh T.: Nghĩ chồng lên nghĩ/ Tạo thành rừng si/ sớm tối li bì/ Biết đâu nguồn cội...

Thư phòng ấm cúng đầy kinh sách của thầy N.M, nụ cười của ba vị Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát và Phạm Công Thiện trong bức ảnh ngay bàn trà, cỏ cây xanh mát trong mưa ngoài khung cửa...Một khung cảnh "đường trung đoạn tọa tịch vô ngôn"...khiến tôi thành thật nói: "Tịnh độ là đây rồi".

"Tịnh độ" đó khiến sư T. nhớ Trịnh Công Sơn: Tôi mời em về/ đêm gội mưa trong/ em ngồi bốn bề/ thơm ngát hương trầm... Chưa bao giờ lời ca của Đóa hoa vô thường lại hay đến vậy, trong "cảnh giới" trùng ngộ kỳ diệu đến vậy. Và chúng tôi gọi mưa của ngày đêm không dứt ở Triệu Phong  hôm đó là "mưa trong". Mưa trong cứ rơi hoài cũng được, chúng tôi lép nhép thăm Sông cũng không sao, vì những nụ hoa trong trẻo đã không ngừng bung nở trong lòng, như có nắng xuân...

Tôi nghiệm ra, tôi luôn tìm thấy năng lượng an lạc khi "sống" dưới mái chùa. Sao không hạnh phúc cho được,  khi đi, đứng, nằm, ngồi đều "nhắc" mình có chánh niệm. Như thầy dặn khi thức dậy, đặt bước chân xuống nền đất đã nghĩ đến những sinh linh ở dưới bàn chân ấy... Và càng quán niệm, lòng ta càng đầy biết ơn...Biết ơn để hồi hướng niềm an lạc đến tất cả chúng sinh.

Không cần "ngoại cảnh" là "góc bể chân trời", tôi chỉ mong mình luôn có dịp được "trở về" với những ngôi chùa làng. Im vắng và im vắng, giữa những tiếng chuông. Kiếp này còn nặng nợ (!), tôi sẽ nguyện cho một kiếp nào, không gian sống của mình là một ngôi chùa làng - nơi có thể giúp những kẻ sơ cơ như tôi tìm lại và nuôi dưỡng được chân tánh của mình, nuôi dưỡng từng ngày, từng sát na....



Nụ xanh dưới mái chùa...

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Trầm lặng tuyệt vời

Cô đơn chính là độc lập! Tôi đã từng ao ước và đạt được điều này trong bao năm ròng. Nó lạnh lẽo, đúng thế, nhưng cũng trầm lặng, trầm lặng tuyệt vời và mênh mông như bầu không gian yên ắng, giá lạnh, nơi các tinh tú chuyển dịch. (Hermann Hesse)

Hermann Hesse là một trong những tác giả mình yêu thích nhất. Càng đọc càng thích ông. Đọc câu trên của ông trong Sói đồng hoang (bản dịch mới của Nhã Nam có nhan đề là Sói thảo nguyên) rất thấm, dù mình không đồng ý lắm chữ "lạnh lẽo".

Cũng vì sự "trầm lặng tuyệt vời", mình đã tạm thời khóa FB, hy vọng khóa được lâu, dù bình thường mình cũng ít khi update hay chia sẻ điều gì trên Face. Nguồn thông tin trên FB thật sự cần thiết cho công việc của mình, nhưng vì đó là một nguồn thông tin quá khổng lồ, dù mình có "lọc" thì vẫn bị chi phối về thời gian lẫn tâm trí. Mình thử dứt ra, để tập trung cho những việc có chủ đích hơn, thay vì theo thói quen, "nỗi sợ lạc hậu" với nguồn tin, và cả nỗi áy náy khi không quan tâm đến một status hay hình ảnh nào đấy bạn bè vừa chia sẻ, mình lại dành một khoảng thời gian đi dạo giữa biển thông tin, giữa biển tâm tư của bao người, và trong lúc ấy, nhiều khi tâm mình cứ bị lôi đi...

Không có "kẻ" nhiều chuyện khủng khiếp do bạn Mark Zuckerberg tạo ra ấy, đời sống những ngày qua an tĩnh hơn nhiều. Có phải áy náy với ai không, nếu mình không cập nhật được tình hình vui buồn sướng khổ nơi đến nơi đi của anh - chị - bạn? Có lẽ không, chúng ta vẫn sẽ có nhiều cách để quan tâm đến nhau mà không cần FB, phải không?

Như hôm kia lúc ở Vientiane, trong khi ngồi chờ xe đi Vangvieng, thay vì mở điện thoại ra đã thấy hàng chục notifications từ FB nhắc xem, mình viết được bốn lá thư (tình) cho những người bạn thiết. Lòng cứ ấm áp dần lên theo những chữ gõ cho riêng nhau đọc...

Yên ắng trong tâm hồn thật sự là niềm hạnh phúc.

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Lần đầu thấy trăng

Lần đầu thấy trăng - tiểu thuyết của nhà văn Võ Diệu Thanh. Bạn nào quan tâm đến lĩnh vực giáo dục hay chuyện học chữ của trẻ nghèo, một lát cắt của đời sống miền Tây nên đọc. Đây là lần thứ hai mình phỏng vấn chị Thanh. Làm việc với chị ấy rất vui và dễ chịu. 

Có một nhân vật mình thích nhưng không nhắc đến trong bài (bản full) này. "Anh ý" tên Nhiều :)

Nhức nhối câu chuyện “trồng người”

Từ khi đoạt giải nhì Văn học tuổi 20 lần 4, hai năm qua, mỗi năm Võ Diệu Thanh đều đặn ra mắt một tập truyện ngắn, tập nào cũng có truyện làm người đọc ám ảnh. Và ai theo dõi bút lực của cô giáo ở An Giang này hẳn sẽ không bất ngờ khi chị lại vừa “chào sân tiểu thuyết” một cách ấn tượng với cuốn sách thứ năm: Lần đầu thấy trăng (NXB Phụ Nữ).

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với tác giả:

* Tiểu thuyết đầu tay mà chị viết không “gồng” một chút nào, tất cả như là rút ruột viết ra. Dường như chị đã “để dành” đề tài tâm huyết nhất – câu chuyện giáo dục và hệ quả của những đề án giáo dục quá nhiều sai lầm – cho cuốn sách “nặng ký” nhất này của mình?

Tôi không phải để dành đề tài này cho tiểu thuyết. Vốn dĩ tôi đã từng viết về nó ở những dạng ngắn. Nhưng đụng tới đề tài giáo dục nói ngắn không ra chuyện mà lại dễ bị hiểu lệch đi. Giống như một bài báo nào đó nói chương trình giáo dục quá tải. Thế là người ta thi nhau giảm tải. Nhưng lại giảm kiểu dỡ bao gạo khỏi lưng con lừa rồi chất lên con lừa cả người và gạo.

Trong đầu tôi luôn cuộn chảy những ý nghĩ về nền giáo dục. Vì sao nó lại đi đến điểm này, nó sẽ về đâu, có đường nào cho nó không. Đứng trên bục nhìn những dáng dấp, những gương mặt nhỏ nhoi tôi luôn nghĩ về thời gian. Rất mau chúng sẽ thành người lớn.  Sản phẩm của nền giáo dục hiện nay có thể thấy trên từng nẻo đường quê, trên những khu công nghiệp của những đô thị lớn. Những sản phẩm đó đang như thế nào? Ào ào tất bật với guồng máy của vật chất. Nội lực hiếm hoi và cứ ngày một hao mòn. Tôi phải làm gì để những lời giảng của mình có thể đồng hành với các em vào tương lai?

*“Sản phẩm” của nền giáo dục hiện nay đang như thế nào chị cũng đã dẫn ra trong tiểu thuyết này. Là những học trò cứ được đẩy lên lớp non rồi đẩy lên một cái ghế nào đó nhờ bằng cấp như “núi” ngoài kia, những học trò lớn lên không “tay trắng” thì cũng “hồn trống”, dặt dẹo sống hoặc chăm chăm thu vén cho mỗi cái “tổ” của mình... Chị mong mỏi điều gì khi bày ra một phần những sự thật nhức nhối đó?

Thầy cô giáo đang bị tước mất quyền làm thầy. Những quy chế chuyên môn được cho là pháp lệnh, nhưng cái pháp lệnh ấy có khi chỉ hôm trước hôm sau đã thay đổi một trăm tám mươi độ. Người thầy muốn trụ được phải là cái máy được lập trình chặt chẽ và tấy xóa liên tục. Họ giẫy giụa, bứt phá trong những trói buộc. Tôi nói thay tiếng nói của đồng nghiệp mình. Cải cách giáo dục trong thời gian qua thật đáng ngại. Càng sửa càng xa rời thực tế. Tôi mong giáo dục đừng tính toán tủn mủn như một người nội trợ ít tiền. Hãy trả thời gian cho thầy cô. Để thầy cô trở về vẻ điềm đạm cao quý, cho họ được thư thả ngồi nhìn, lắng nghe học trò mình, hiểu được tiếng học trò, được dạy nó bằng tiếng nói của nó. Tôi chỉ muốn đánh một tiếng trống để những tiếng nhốn nháo tranh cãi ngoài kia lắng xuống. Và dành thời gian cho người thầy được nói tiếng nói của mình.

* Hẳn chị đã dành nhiều thời gian “lắng nghe học trò” trong 20 năm gắn bó với nghề giáo. Nên có thể thấy chị là nhà văn đầu tiên đi sâu vào miêu tả tâm lý học trò ở bậc tiểu học - đặc biệt là những học trò cá biệt ở nông thôn hiện nay – thật sống động và đầy thấu hiểu. Chị có thể chia sẻ thêm về chuyện học chữ của những đứa trẻ nghèo?

Khi dạy tôi nghiên cứu từng em. Tôi thích trò chuyện với các em và với phụ huynh. Đó là cách tốt nhất để thấu hiểu. Tôi thích dạy những em cá biệt và có cách đưa chúng hòa nhập trở lại.

Học trò nghèo phần đông vất vả trong học hành. Học nhưng biết chắc là không có đủ tiền để đi xa trên con đường học vấn.  Quanh các em, gía trị của con người được định qua bề ngoài. Trí tuệ không được chú tâm rèn giũa.  Từ thời tiểu học, nhìn cách đối đãi của xã hội, các em sớm nhận ra cái xuất phát điểm thấp kém của mình là một trở ngại không tài nào vượt qua được. Chưa bước đã run chưa đi đã vấp. Các em ngồi học với tâm thế nhấp nhỏm. Chữ nghĩa vào đầu như gió vào nhà trống. Chỉ cần một lý do vụn vặt đã có thể kéo các em rời trường không luyến tiếc. Với những dây chuyền sản xuất công nghiệp, chỉ cần một chút cơ bắp cộng với tính cần cù chịu khó đã có thể kiếm được tiền, chữa cháy cho cái nghèo đang đeo đẳng. Rồi kiếm tiền kiểu ăn xổi ở thì nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Cứ như thế cái vòng lẩn quẩn ngày một dầy thêm.

* Nếu bỏ qua cách kể và văn phong của tiểu thuyết, đọc sách của chị đôi lúc có cảm giác như đang đọc một phóng sự đầy ắp những chi tiết từ đời sống thật, phận người thật, như khi đọc những trang về chuyện trẻ em nghèo đi bán vé số, chuyện một đứa bé 14 tuổi sa vào chuyện bán trinh như thế nào. Chị có hư cấu nhiều không, hay vì chị đã chứng kiến nhiều học trò của quê mình trầy trật mưu sinh đủ cách?

- Tôi mượn nhiều chi tiết từ cuộc sống. Nếu tôi đưa cuốn sách này cho những người từng biết những nguyên mẫu của Lưu manh tự, nhà trọ Tình, trường học Dương Đôi họ sẽ nói, ủa sao vụ này thấy quen quen. Mà không phải là quen hẳn, vì nó được được gói lại bằng một hình thức khác, mang màu chữ nghĩa rồi trộn vào cái khối chung của thế giới truyện. Chuyện vận chuyển gái lúc đêm khuya, vụ bán trinh giá rẻ mạt, bán vé số với đủ chiêu trò, thầy trò “đấu tố” nhau trong vô thức hay chuyện học trò nghèo nhấp nhổm trên ghế nhà trường rồi trầy trật mưu sinh đều là những hình ảnh lướt qua mắt tôi rồi để lại những vết cào xước.

Trước lúc tôi trả lời những dòng này mười phút tôi vẫn còn đang vật lộn với những tình huống mà nhân vật trong tiểu thuyết đã nếm trải. Đối với tôi văn là nơi người ta được bày tỏ đầy đủ sự thật nhất trong hư cấu.

* Còn điều gì ... đắng hơn quanh câu chuyện giáo dục mà chị sẽ viết?

- Giáo dục là một dòng chảy đồng hành cùng cuộc sống. Chính  vì dòng sống nên nó biến chuyển không ngừng. Lở bồi cũng không lường trước được. Tôi không vội bồi thêm cho bữa cơm giáo dục đang ngắc ngứ bằng những món ăn đắng chát. Còn viết gì về nó thì tôi phải coi nó đi tới đâu mới tính.

Box: 

Cuốn tiểu thuyết ba trăm trang – gai góc mà không thiếu dịu dàng - xoay quanh cuộc đời của Dẫu  trong bộ ba Dẫu – Dị - Hậu, từ những ngày đầu học chữ đến lúc bước vào đời. Sự chênh chao của những gia đình thiếu hơi ấm, cái bất cập của nền giáo dục chỉ chú trọng thành tích ở nhà trường ...đẩy cuộc đời người ta xuống hố nhầy nhụa, đẩy những chán ngán lên mức ráo hoảnh, bất cần...

Võ Diệu Thanh đặt câu chuyện “trồng người” đầy bi hài trong ba bối cảnh: trường tiểu học Dương Đôi với những thầy trò “siêu đối phó”, quăng và hốt “xác chữ”; bên phải là nhà trọ Tình – chốn mua bán thú vui xác thịt và bên trái là Lưu manh tự -  nơi người ta níu giữ lại những gì chực đổ nhào...

Ở đó, những cuộc đời buồn, tối cứ xoay mặt vào nhau. Vậy trăng đã ở đâu để Dẫu nhìn thấy lần đầu? Dẫu tìm thấy ở đâu cái hồn của chữ, ở đâu cái “đầm nước mắt” cho cô rón rén dựa vào xoa dịu vết thương? Người đọc sẽ tìm thấy, và sẽ còn nhớ lâu, khi đọc Lần đầu thấy trăng...

P.S: Bài đã in trên Tuổi Trẻ nhật báo.

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Duy biểu học

Tôi vẫn còn nhớ những ngày tháng nghiền ngẫm cuốn Duy biểu học, trong ánh sáng chưa bao giờ đuổi được hết bóng tối, nơi căn nhà cũ ở Cư xá Đô Thành.

Nhưng mà ánh sáng trong lòng tôi đã được thắp lên từ đó, khi tôi đọc sách. Cuộc sống phàm phu bề bộn có lẽ khiến tôi lần hồi đánh mất chút ánh sáng trong lòng, nếu tôi không được nhắc nhở bằng cách nghe lại, đọc lại, đọc thêm những lời Bổn sư đã dạy, dù đọc lại nhiều lần vẫn khó mà lĩnh hội hết.

Mỗi lời dạy là một tiếng chuông gióng lên, khiến ta nhắc mình an trú,  nhắc mình đừng nhìn sự vật bằng con mắt lưỡng nguyên, nhị kiến; nhắc mình không hẹn ngày giờ nào khác để hạnh phúc, mà phải là chính giây phút này, bây giờ, ở đây, trong "tiếng chuông đang ngân" này.

Với tôi, đây là môt cuốn sách cực kỳ nên đọc, cho những ai có cơ duyên muốn nhận diện Tâm, hiểu được bản chất của các Thức. Một cuốn sách có thể dành đọc cả một đời:

http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/duy-bieu-hoc-hieu-su-van-hanh-cua-tam

P/S: Nhân reply thư của "thiền giả rừng sim"

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Thư từ 2

Từ email anh LĐT, 27.10:

Chuyện nắng mưa (Pháp Xa)

http://www.youtube.com/watch?v=u8XS1ffnjKM

Và mình vừa nghe vừa gõ lại đây:

Em không nên phàn nàn
vì hôm nay không nắng
Anh không nên thở dài
vì hôm nay mưa nhiều
nắng cũng theo mưa về kìa
nắng cũng theo mưa về


Em ơi em nhìn kìa
ngoài kia bao cây cối
trong cơn mưa rộn ràng
mầm tươi non lên rồi
lá hát trong mưa rào kìa
lá hát trong mưa rào


Đời cần nắng cần mưa
đời cần những vui buồn
để cho tiếng hát ca
cùng mạch sống trào tuôn


Từ những lớp bùn sâu
đời vươn đóa sen hiền
từ những nắng với mưa
đời cho trái thần tiên...


Bài hát dễ thương thật. Cảm ơn tác giả Pháp Xa và "thiền giả rừng sim" :).

Nghĩ, những lúc mệt mỏi thế này, có một người yêu dấu hát cho nghe thế này, đời sẽ... lành quá không đau được :)

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Thư từ

Gởi LT

Em người con gái phiêu bồng
Tình sông nghĩa núi thinh không như là
Ta về lặng lẽ nghe ra
Vịn vai ngày tháng ngọc ngà gương soi

(PTC)

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Guitar

Đêm qua mua vé vào nghe Keshi Sumi chơi guitar. Lần đầu tiên mình thấy cây đàn mộc mạc ấy có thể tạo nên những âm thanh lạ lùng quyến luyến rộn rã đến vậy, khi gặp đúng bàn tay..., dù đã nghe vài nghệ sĩ guitar khác.

Mình gặp lại những khán giả quen của TTVHPN như thầy H. N. Phương, anh D. T. Hoài...Thấy ấm áp hơn giữa khán phòng vắng đến ¾ khán giả.

Sumi chơi rất hay, chơi nhạc của đất nước anh lại hay hơn hẳn những bản nhạc kinh điển. Có lẽ là đồng điệu quê hương?

Đêm Sumi làm mình nhớ đêm guitar bập bùng ở Côn Đảo...Lúc ngồi ở hàng ghế cao sau cùng trong sân khấu, mình bỗng nghĩ giá mình được nghe những tiếng đàn này bên bờ biển, giữa một vòng tròn mươi người...Một vòng tròn đủ phả ấm nhau bằng hơi thở.

Guitar có lẽ vẫn không thích hợp cho lắm với không gian khán phòng. Guitar đúng là guitar hơn khi cầm thủ « chơi » chứ không phải trình diễn, trong một không gian của tình bằng hữu... Tiếng đàn càng gợi cảm khi có tiếng sóng, tiếng gió, tiếng người ngân nga....

Lúc gõ note này, mình cũng đang nghe CD guitar cổ điển Thất cầm một thuở. Tiếng đàn qua CD sẽ bay mất ít hồn? Nghe ở đâu ra, sự lãng tử, phong trần mình đã gắn cho guitar?

Nhưng, với người không rành âm nhạc như mình, câu chuyện mình đang nói là câu chuyện của cảm giác, hơn là câu chuyện của âm nhạc :)

Điều đáng nhớ hơn, guitar - với anh em mình giờ đây - còn là âm nhạc của kỷ niệm, trong ngày cưới của ba mẹ...Guitar là chú Xuân - người bạn trong nhóm du ca của mẹ đã đàn hát say sưa đêm ấy. Đêm tân hôn đã thay bằng đêm guitar mê mải, với những ca khúc mà mỗi khi mẹ hát, tụi mình lại im lặng nghe...

Đêm - guitar- của - cuộc - đời ấy, anh em mình ở đâu? :)

P/S: Chú Xuân ơi, sự ra đi đột ngột của chú tô đậm thêm ký ức ngày cưới của ba mẹ con. Chú đi rồi, trở lại làm người, chú có còn chơi guitar?

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Tình. Nghèo.

Truyện ngắn Mắc lõm của Alice Munro mình đọc cách đây ba ngày. Nhưng cuộc đời của Robin trong câu chuyện cứ trở đi trở lại trong tâm trí mình. Người ta có thể có nhau vì một sự tình cờ. Người ta có thể mất nhau chỉ vì một lý do mà cả đời có thể không hiểu ra hoặc hiểu nhầm...

Đó là truyện ngắn thứ hai dạo gần đây làm mình nhớ lâu đến vậy. Tháng trước là 17 cây số đường ma của chị Võ Diệu Thanh. Mình đã chảy nước mắt, và khi bảo một người khác đọc đi, mình lại chảy nước mắt...Mình nhớ chuyến đi hồi tháng 5. Nhớ những căn nhà trống hoác ở huyện Phú Tân, An Giang... Nhà này cha đi làm thợ hồ ở Sài Gòn, Bình Dương. Nhà kia mẹ đi gặt mướn bên đồng Campuchia...Những đứa trẻ ít cười... Những người già thu xếp thân mình trong một góc chật hẹt dưới sàn... 

Và mình nghĩ đến Tuyền. Em đã phải từ bỏ ước mơ tu học, rời ngôi chùa đã giúp em có những tháng ngày an lạc để “bước chân ra đời”, để bươn chải làm công nhân, phụ giúp cha mẹ đang mang bệnh...Mà em tăng ca thế nào cũng không đủ...

Và Mình nghĩ đến anh C., thu xếp làm một chuyến đi cũng khó khăn vì mẹ già đau yếu, vì rất nhiều khi thiếu lộ phí...Phụ mẫu tồn, bất viễn du...

Mình nghĩ đến cô bé lớp 9 ở Q.8, không có một quyển sách nào cho riêng mình ngoài sách giáo khoa, đó sẽ là một thứ xa xỉ cho mức sống của gia đình em,...

Mà làm sao kể xiết...

Cái nghèo, sự buồn trong truyện chị Thanh gợi nhiều cái nghèo khác. Day dứt. Mình có thể giúp mãi được từng người? Mình ghi lại đây như một lời tự hứa, mình phải “cho đi” nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Mình phải dốc sức nhiều hơn nữa cho Kirakira (*)

(*) quynguyenhienle.org

Camille. Thơ. Bạn

 1. Camille Huyền hát Đôi bờ (thơ: Quang Dũng, nhạc: Cung Tiến) hay quá! Lần nào nghe mình cũng xao động không thôi, ngay từ chữ “thương nhớ” còn nằm trong cuống họng của cô, rồi bật ra vừa thanh thoát, vừa huyền ảo ưu tư..., khởi đầu cho một ca khúc vừa ấm vừa lạnh, buồn thương vô lượng..

Nhạc dìu lời. Tiếng hát dìu tiếng lòng. Bay sâu vào tâm cảm người nghe.

Đã định ngủ trước 1g, mà tiếng hát của cô làm mình phải bật dậy viết. Mình nghĩ đến H., bạn ấy vừa nhắc hôm qua kỷ niệm 25 ngày mất của Quang Dũng. Mình muốn nhìn thấy sự xúc động trên gương mặt bạn ấy khi nghe Đôi bờ trong tiếng đàn của W.Giger ... “Không có gì dễ làm tao xúc động như thơ (hay)”. Đầu giường của H. luôn có sẵn các tập thơ của những nhà thơ bạn yêu thích, đặc biệt là Lưu Quang Vũ. Nghĩ đến cảnh mỗi tối H với tay mở tập thơ, đọc lại một bài nào đó, để nỗi xúc động dịu êm lan nhẹ trong lòng....mà mình cảm động. Thơ vẫn ở lại, vẫn nâng đỡ bọn mình như thế...

2. Hôm qua vui, vì cuộc trò chuyện với K.TH. – người bạn mới quen bên VOV. Và vì có 45 phút cafe quán cóc với “nhỏ yêu” – tên của cô bạn thân mình lưu trong danh bạ từ thời vừa có được chiếc mobile đầu tiên. Vui vì cuộc ngồi đó ngẫu nhiên mà.. .thành, giữa thời buổi hẹn hò cứ phải sắp xếp. Đi ngang cơ quan bạn, đột nhiên muốn ngồi với bạn một lúc, dừng lại gọi điện, và 5 phút sau hai đứa đã tíu tít đủ chuyện, dưới cái lều bạt, bên thức uống chung hai đứa cùng yêu thích - cafe "nhiều cafe ít sữa", bên con đường LCT nhộn nhịp xe cộ. Những câu chuyện mình đã nói với nhau giữa nắng SG trưa nay rốt cuộc chẳng có gì quan trọng để nhớ, quan trọng là tụi mình đã có mặt với nhau, ngồi lại với nhau, giữa muôn vạn dòng người..., phải không nhỏ yêu?

2g, 15.11.13

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Làm cụm tro tàn...

Chê lòng đất không về nơi cố hữu
Xin đốt lên chút lửa cuối đời thôi
Làm cụm tro tàn trong tiềm nhỏ
Để ngày sau con cháu nhớ xa xôi...


Thơ của papa, đọc cho mình nghe đêm qua, khi hai cha con nói về chuyện xác thân con người khi nằm xuống, có cần phải về với đất rồi mục rữa dần dần không...

Ba bảo đã viết lâu rồi, nhưng lần đầu mình nghe...

"Đốt lửa" cuối đời. Cả nhà mình giống nhau chuyện này. Nghĩa trang trông buồn lắm. Đất rồi cũng không đủ đón người. Cứ thành tro cho nhẹ... Hiến xác được càng hay.

Lúc gõ lại những dòng thơ này của ba, mình mới nhớ ra hồi xưa mình cũng từng viết một bài thơ có tên Làm hạt tro bay...Ôi, cũng là tro, nhưng mình lại (từng) muốn nó bay sao?...:) Phiêu lưu đến cuối đời...?

Rồi cũng thế thôi. Nên mong mình, mong người giữ tâm thật an để xác thân này cũng nhẹ, khi chưa thành bụi tro...

Mái nhà xưa

Bạn bè của em ai đến thăm, cũng đùa một mái nhà tranh hai quả tim vàng. Còn lũ trẻ ở phố: “A! Tụi bây ơi, ở đây có cái chuồng bò.”

Có lẽ tụi nhỏ nói đúng, vì trước đó một ngày, bác Tư và ta vừa lợp xong mái nhà bằng những liếp rạ được đan dày. Mái rạ chưa kịp cắt bằng, nên rủ xuống lòa xòa không thứ tự và bốn vách nhà cũng chỉ cũng chỉ mới được kẹp vài sườn bằng những cây le xanh mướt. Trẻ con ở phố chắc không bao giờ thấy một cái nhà như thế, nên chúng gọi chuồng bò cũng có lý. Gọi là “lều cỏ của chúng ta” như em thường nói, cũng hay.

Vâng, chỉ là cái lều cỏ của đôi vợ chồng mới cưới, mà ta như con chim tha mồi về làm tổ, phải “tha” từ rừng về nào cột, nào tre, nào le… suốt 4 tháng trời mới đủ để xây một cái tổ 30 m². Lại còn lên ruộng cắt rạ về đan thành từng miếng, thay thế tranh để lợp. Những buổi chiều gánh rạ về nhà, con đường dài hơn 2,5 km, nhưng vì ngược gió nên ta chỉ có thể bước đi từng bước nặng nề, chậm chạp. Đồng trống, gió lồng lộng thổi, gió như muốn lật quang gánh ra phía sau, suýt mấy lần tuột khỏi vai. Gió xoáy thổi hai đầu gánh xoay vòng vòng, khiến ta cũng chuệnh choạng quay theo. Ta phải dang đôi tay, đè mạnh hai đầu gánh xuống vai và có cảm tưởng như ta đang dùng vai và tay kéo gánh rạ ra khỏi cánh đồng gió.

Rồi túp lều cỏ cũng lợp xong, ta lợp, em nhắc ghế cao đưa từng tấm rạ lên nóc nhà. Lúc đó, em đã có thai Nam Quốc được hai tháng, vừa lợp, ta vừa nhắc em cẩn thận, khéo té …

Nhà lợp xong, nhưng mãi vài tháng sau vẫn chưa có tiền mua lá về dừng vách. Mẹ em dùng bao cát may lại thành một tấm bạt đủ che chung quanh cái giường tre vừa mới mua. Còn thì bốn bề trống hoắc, mặc cho trăng sao, nắng gió vào nhà; mặc cho cát bụi và lá vàng thăm viếng; mặc cho những chú sẻ nâu ríu rít trên khung vách và rắn lục bò vào trú ẩn khi trời mưa. Mái rạ khi trời nắng thì nở bung giòn khấu, nhưng khi trời mưa thì se lại xẹp lép nên nước dột tứ bề, dột như ở dưới một tán lá cây. 

Mỗi lần trời mưa, em chỉ còn biết lật đật ôm gối mền, chun xuống ngồi dưới bàn thờ Phật. Còn ta, loay hoay che chỗ này, hứng chỗ kia. Cũng may, khi mùa mưa đến, ta đã dừng xong bốn vách lá nên cũng đỡ lạnh. Bàn thờ nhỏ, một mình em với mền gối áo quần là chật. Còn ta, đội nón nhìn thềm nhà ướt sủng, loay hoay tìm một góc ít dột nhất để ngồi. Em vừa kêu trời vừa cười đùa với ta. Có lúc cả hai còn đọc thơ để khỏi phải suy nghĩ, để khỏi nghe gió mưa, sấm sét vần vũ ngoài trời. Nhưng, có thật là chúng ta an nhiên tự tại không hở em? Có thật là em không mệt mỏi vì ngồi thu lu dưới bàn thờ với cái thai trong bụng? Có thật là lòng ta không nặng trĩu bởi những hạt mưa rơi? Có thật là em không khóc vì tủi cực? Có thật là lòng ta nhẹ nhàng như những vần thơ ta đọc cho em nghe?

Thế đấy, một tình yêu ta với em nuôi dưỡng hơn 5 năm, một mối tình kỳ ngộ của duyên nghiệp đã đưa ta – một kẻ lãng tử - về với em. Và rồi, lịch sử năm 1975, ông tơ bà nguyệt đã “giam” đôi ta trong túp lều cỏ dột nát này.

Túp lều mà suốt 25 năm, ta cùng em chia sẻ ngọt bùi bởi gió giông nắng táp. Đêm ngủ thấy trăng sao, ban ngày ngắm hoa nắng nhảy múa khắp nền nhà. Từ mái rạ đến mái tranh, rồi lá già, sang lều bạt, sang giấy dầu… Hai mươi lăm năm, 12 cây cột căm-xe nhỏ bé vẫn đứng vững thật kiên cường, làm tổ ấm mầu nhiệm cho ba đứa con lần lượt ra đời trên chiếc giường tre mua sau ngày cưới. Những cô mụ đến nhà đỡ đẻ, những tiếng khóc oe oe chào đời từ Nam Quốc, Linh Thoại rồi Lan Nhã. 

25 năm ta và em cày cục tất bật để nuôi con khôn lớn nên người. Cho đến đầu năm 2001, Nam Quốc ra trường làm ở Bưu điện Dak Lak được hai năm, Linh Thoại còn vài tháng nữa làm luận văn tốt nghiệp khoa Báo chí, Lan Nhã năm thứ 3 khoa Trung Văn, thì túp lều cỏ tự mục, vài chân cột đong đưa như chiếc võng. Đã đến lúc giã từ nó, xây một ngôi nhà bằng gạch cấp bốn 24 m² bằng sự trợ cấp từ bạn bè của em và Nam Quốc.

Hết rồi những đêm mất ngủ vì mưa. Hết rồi những tấm ni-lon giăng chằng chịt khắp nhà để đỡ dột và đỡ mọt từ giàn le đổ xuống. Hết rồi những lo âu vì sợ trộm đào đất chun vào nhà ăn trộm hết hàng hóa của cái quán tạp hóa nhà mình. Hết rồi cửa lá then cài, giăng lon, giăng thùng ngừa trộm.

Và 2002, Lan Nhã ra trường, tất cả 3 anh em đều có công ăn việc làm ổn định. Túp lều cỏ không còn, ngôi nhà cấp 4 đón thêm một thành viên mới, vợ Nam Quốc – Tường Vi. Ngôi nhà mà chỉ một lần sum họp rồi mãi mãi chia xa…

(Trích nhật ký ba mẹ)


Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

September 34

Cuối ngày của ngày cuối tháng 9.  Thấy như sắp rời xa một chuỗi nhỏ thời gian êm đềm. Không còn gì để nắm níu. 

Lại nghe Greenday cho ngày ni và tự "wake up" mình".

Tháng 9 có gì cho Nâu? Những đóa cát tường. Tangrams. Suối...

Những cuộc gặp thân, những cuộc gặp quý, những cuộc găp thương...Hầu như đủ cả.

16.9, có một cuộc tiễn đưa bạn yêu quý...Để thấy thèm ôm bạn. Để lúc nghe thấy giọng bạn trong video sau đó, chợt ngớ ra thanh âm của tiếng nói quen thuộc không cần đường sóng nào truyền dẫn này sẽ vắng bặt một năm... Một năm dài hay ngắn? Cứ đi và đừng ngoái lại nhiều...Chúc bạn một năm “bay khinh khí cầu” thật tuyệt diệu, nhưng điều tuyệt diệu đã có sẵn trong bạn rồi đó...

Tháng 9 này, lá sử quân tử xanh non và hoa bung hồng khoảng trời bé trước nhà...

Có ba mở cổng mỗi bận đi về. Có mẹ sắc thuốc chờ con gái sáng tối.

Có Haydn chải cho đêm thật mượt...

Có nhiều lần ra bưu điện để chuyển sách, chuyển tiền cho người này người nọ. Thấy từng ngày, từng ngày đáng sống hơn...

Tuy nhiên, tri kỷ à, có cả nỗi thất vọng đã ươm mầm, và có vẻ sẽ còn lớn lên... Biết làm sao, mỗi người có một cuộc đời, có những yếu mềm riêng...

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Bjork

Tháng chín thân yêu sắp qua rồi...

Và nghe bạn ấy hát, có cảm hứng... viết ghê luôn.

Nhưng đến giờ phải... yoga rồi ;)

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Buổi sáng đầu tuần

Ban công của Mây. Bạn N. chỉ cho mình một con chim chào mào vừa đậu lại, rồi bay đi. Bây giờ, nhớ đến khoảnh khắc hai người bạn ngắm một cánh chim, mình nhớ một buổi sáng sớm ở Sing, khi bạn N bảo vừa phát hiện ra một quán cafe sách đối diện khách sạn, rủ mình qua xem. Hai anh em băng qua đường, đi dọc cái quán dòm ngó "sách vở", cách xếp đặt sách ở đó, rồi vội vã quay về khách sạn để đi với đoàn.

Mình nghĩ, mình và N. đã gần như lạc lõng ở nhũng trung tâm mua sắm hào nhoáng. Nhưng Sách, ở một nơi xa lạ, dùng một thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của chúng ta, thì vẫn không thôi ... quyến rũ. Nên nhớ đến Sing, là mình nhớ buổi sáng đồng điệu hôm ấy, khi hai người bạn có chung một tình yêu để tìm đến ...Cũng như, buổi sáng đầu tuần này, mình nhớ nơi đây - cây lá lên xanh - một cánh chim tìm đến...



Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Cây cỏ khuyên nguôi

Tìm thơ có hình ảnh cây lá, thấy Bùi lão có: "Em về ngắm lá đầu cây/ Một mai từ giã ngàn cây muôn vàn" (Gửi lá đầu cây).

Một bài ngắn mà cảm động của Hoàng Trần Cương:

Có những mùa bặt gió
Mà sao lá rụng đầy
Ngang qua em có thấy
Nỗi buồn còn run cây


Tô Thùy Yên trong bài Giã biệt cũng có câu nhắc đến cỏ cây mà mình thích:

Anh mong em cất được ngôi nhà
Lưu trữ những giấc mộng
Gìn giữ em yên ấm một đời
Cây cỏ khuyên nguôi
Dù thế nào, hạnh phúc trong đầu mình vẫn có thật…
Hứa đi em
Nghe im lặng mà sống
Nhìn trời đất mà vui




                                                                        Rừng Sác, Cần Giờ





Vòm me đường Nguyễn Văn Bình, Q.1


Từ bên trong taxi, đường 3-2, Q.10

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Đi bên đời nhau

Yêu là ta câu bóng em trên hồ xa...Yêu là bâng khuâng trước bóng em vụn vỡ, bóng em điệp trùng...(Người câu bóng)"

Có những lời mình thích (như thế) trong Cánh cung 3 của Đỗ Bảo. Và cả cảm động, khi  một đêm tháng tám, nghe câu ca này:

"Làm bạn, một mai gặp nhau thưa vắng hơn khi cạnh cô có bóng hình ai"..

"Làm bạn, là họ còn bao năm tháng đi bên đời nhau cho dẫu về đâu"...(Kế hoạch làm bạn)

Còn gì có thể đánh đổi được điều tuyệt diệu ấy?

Cảm ơn bạn, Chơrao.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Cũng vì người mà trổ hết mùa bông

Ngã ba Lâm Anh.

Nguyễn Hàng Tình gọi đó là ngã ba "văn võ song toàn". Năm ở xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

(http://laodong.com.vn/Lao-Dong-hang-ngay/Nga-ba-van-vo-song-toan/110033.bld)

Tôi đang muốn đi xé máy đến chốn này, ngắm "bầu trời như cái thúng đựng khuya", nghe "dế ré những tiềng buồn trên cỏ"....Và gặp hai ông già 70 ở đấy. Hi vọng các ông vẫn khỏe, còn viết thơ và còn hát ca...

Thơ đọc cho hôm nay, của người - thơ làm nên cái tên Lâm Anh cho ngã ba này:

Loài chim khôn còn hót được trong lồng
Thì dù ta chỉ còn đôi cánh lá
Cũng vì người mà trổ hết mùa bông
(Lâm Anh)

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Từ bỏ...

1. Có lẽ cũng hơn nửa năm rồi, tôi đã quen với một đời sống không còn nhiều ríu rít. Không có nhu cầu PHẢI nói với ai đó tôi đang đọc cuốn sách gì, đang xem phim gì, vừa gặp gỡ những ai...Hay đoạn nhạc nào đã làm tôi mềm môi cả tối...

Hóa ra, từ bỏ một thói quen - hay một tình cảm kết dính từ thói quen - cũng không khó lắm...

Tôi không biết một người con trai cảm thấy thế nào khi một ai đó từng "líu lo bên đời" rồi một ngày ngưng bặt....Còn tôi, có bản lĩnh hay không (?), khi thôi ríu rít để không bận lòng người khác, lòng tôi vẫn khe khẽ hát với riêng mình, những đoạn ngày thấy rõ tình yêu bình lặng đang dâng lên nhè nhẹ, trong lòng. Một lòng không oán ghét.

Tôi nghĩ bình yên giản dị thế thôi, là lòng không oán ghét một ai.

2. Rạng sáng nay, tôi có môt giấc mơ hơi kỳ lạ. Tôi thấy một-người-không- phải-mình -yêu - cũng- không-yêu-mình  hôn lên nơi nước mắt mình rơi...Tỉnh giấc, tôi muốn mình "khóc thật", và cứ nằm đó để nước mắt chảy. Lòng vừa buồn rượi vừa nhẹ nhõm... Trong tàng thức, tôi đã cần một nụ hôn như thế sao? Tôi có từ bỏ được chăng, những đam mê cố hữu của con người?

3. Gạch đầu dòng này để nhắc, tôi sẽ viết một bài thơ về bàn tay để ngỏ - nơi ta giữ người ta yêu. Bàn tay không cầm nắm, bàn tay mở ra về hướng bầu trời....

(cont)

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Bữa cơm hạnh phúc

Gần đây phát hiện ra mình hạnh phúc khi ăn cơm một mình, trong những buổi trưa từ chỗ làm chạy ra quán chay. Có lẽ vì một mình giúp mình "giữ chánh niệm" tốt hơn. Cũng có lẽ vì quán nớ đã là một chốn quen thuộc với mình .Ở đó có những nụ cười mình đã rất quen, có chị đứng quán người miền Tây luôn trò chuyện thân mật như người chị hai....Hôm nay, chị bảo với mình, "ở đây chị cười nhiều vậy chứ tháng bảy này, tối về chị nhớ mẹ, chị buồn lắm". Cách đây hai tháng là ngày giỗ đầu tiên của mẹ chị...

Chị tên là Thủy, làm ở quán 27, Phan Xích Long. Mình ghi lại đây, vì biết đâu trí nhớ suy tàn khiến sau này mình quên mất tên chị - tên một người đã nấu những bữa cơm trưa ngọt lành, tên một người có nụ cười khai mở nụ cười người khác...

Hôm nay mình tặng chị vài đĩa nhạc Phật giáo để mở ở quán, từ nguồn đĩa của chị Diệp. Chỉ có vậy mà mình thêm vui. Nên nghĩ đến những gì chị Diệp (nay đã là Thích Nữ Đức Tâm) làm, mình cảm phục quá. Hôm nay đến thăm chị ở Quan Âm Tu viện. Chị thật đẹp với chiếc đầu không có tóc. Ngồi với chị một chút, mà năng lượng an lạc từ chị đã lan sang mình...

A Di Đà Phật! Thiện tri thức đâu có thiếu nếu mình muốn gặp...

Nguyện cho nụ cười chị Thủy luôn nở trên môi, nguyên cho chị Diệp gặp nhiều thuận duyên trên đường tu tập, và những hạnh nguyện của chị đều thành tựu.

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Thương tưởng miền Tây

Trăng tàn gió tạt sao thưa
Tôi nằm nghe sóng lắc lư mạn thuyền

...
Hò ơi, ghe lui khỏi bến còn dầm

Người thương vắng bặt chỗ nằm còn đây

http://www.mediafire.com/play/ai47h1mjydb837v/Con+trai+nguoi+ban+chieu.mp3

Hôm nay Xàm huynh gửi cho link này. Nghe cả một buổi, càng nghe càng thấy hay, càng thương (hồn) người miền Tây quá đỗi...;))

Và nổi cơn thèm đi miền Tây. Một chuyến nào, được nằm ngủ trưa trên một con đò ở một mé sông...?

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Cafe

Đó lá "thứ" duy nhất tôi nghĩ đến nhiều nhất trong những buổi chiều của tháng ngày này.

Như chiều nay, tôi cứ nghĩ mãi trong đầu "mình phải có thêm một ly cafe", "mình sẽ đi lấy cafe"...Lưỡi tôi nhớ cafe, não tôi cũng nhớ, và lòng tôi cần nó như cần một sự đồng hành đầy ủi an, khích lệ...

Những buổi tối của tháng ngày này, tôi lại chỉ mong xong sớm mọi sinh hoạt thường nhật để xem phim. Dường như nếu không xem phim, tôi không còn một thế giới nào để "trốn" vào mà không cần phải bỏ công lĩnh hội...Và rồi, những bộ phim cũng chỉ để làm tôi cảm thấy cuộc sống là những dòng chảy mụ mị, những đam mê đầy quyến rũ mà cũng vô nghĩa biết nhường nào...

Dấu hiệu của cô độc đấy chăng?

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Vài đầu dòng cho hôm nay

- Cafe cóc ở trước cổng NXB Trẻ mà vô tình gặp được nhà văn "trẻ" Nguyễn Trí và bà xã của chú. Hai vợ chồng chạy hai tiếng xe máy từ Đồng Nai lên Sài Gòn để mua thêm 6 (nếu mình nhớ không lầm) tập Bãi vàng, đá quý và trầm hương tặng bạn bè. Thật là "duyên", vì đọc chú lâu nay, nghĩ còn làm PV đã đi Đồng Nai phỏng vấn chú, và vì vẫn cùng chị Việt Linh, chị So nhắc về chú, rồi nay mới gặp, lại rất tình cơ. Hôm nay đã "đặt hàng" cho chú viết về bà xã, vì nhìn cô thấy cảm mến quá, có nét gì đó rất đằm thắm và nhân hậu... Câu chuyện giữa hai chú cháu dường như không muốn dứt, cho đến khi nắng trưa soi vào góc ngồi....

- Nhờ anh 5 Xu mà có được quyển Hoàng tử bé bản dịch mới với lời đề tặng của dịch giả Trác Phong, nhưng đến tận hôm nay mới biết Trác Phong là ai (!).

- Trưa nay giai điệu của Something's gotten hold of my heart ở đâu vọng lại trong đầu. Và hình như phải 5 năm rồi mới nghe lại bài này, sau một hồi luýnh quýnh search. Rưng rưng...

http://www.youtube.com/watch?v=OmM5eIY9-rw.

- Có nhiều chuyện nữa muốn ghi lại mà ngồi lại để viết thì lại cơm nước trễ, rồi lại "tham đêm mà phụ sớm" (từ của  anh S), thôi cứ bỏ bê cái chốn hoang vu đang vỗ về chút "mình" này vậy.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Chút màu tri kỷ



Lang thang trên máy, gặp ảnh này, không khỏi bật cười (lần nữa).

Ảnh này bạn gửi trong một email từ H.P, đầu tháng 7 năm ngoái, với tiêu đề là "Chân dung anh": 

Mấy chữ "ba trợn" vừa xem lại, giữa một loạt hình: Và đây là hình anh. Tuyệt lắm!

Vậy là một năm rồi đó. Mong anh lúc nào cũng vui như thế, có thể tếu táo như thế, dù gương mặt anh giờ đây không "tròn um" như vầy nữa, và anh cũng ít cười hơn....

P/S: Đã viết dài hơn, đã post dài hơn, nhưng rồi chỉ giữ nhiêu đây, sợ "đương sự" đọc thì khóc thét vì cảm động :))

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Đổi địa chỉ

Địa chỉ blog này mình không cho ai ngoài bạn Xixi - người đã đề nghị mình viết trở lại. Nhưng mình vẫn thấy có những lượt đọc từ xa. Nay mình muốn đổi địa chỉ, nên thông báo trước với bạn đọc nào đó thầm lặng của mình: Địa chỉ của trang này những ngày tới sẽ là http://paramitalt.blogspot.com.

Cảm ơn ai đó chịu khó đọc những ba lăng nhăng của mình :)

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Trong quán cafe

Dường như đó là không gian của những khoảnh khắc vui vẻ nhất, bên những người bạn đồng điệu nhất...

Như trưa nay. Với anh S., anh T., anh A.Q, anh K.Q. 

Vui gì đâu là vui!

Mình bị làm "mẫu" bất đắc dĩ cho các anh. "Mẫu" đã chả đẹp lại không ăn ảnh nhưng các "tay máy" vẫn không thèm tuyệt vọng mà say mê sáng tác :)). Và đây là một tác phẩm của anh T:


Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Cơm chay

Đêm qua gần 20g rời cơ quan, định ghé quán chay nhưng rồi lại ghé chợ mua rau.

Gần 21g thì có được tô canh rau dền và đĩa giá xào hẹ. Chấm với nước tương cay. Cùng một chén cơm nguội hấp lại. Vậy mà ngon tuyệt trần. Nghĩ mình ăn uống thế này đủ hạnh phúc, đâu cần làm nhiều ta, sao không vào núi mà sống với cỏ cây? :)

Nhưng lại nghĩ, nếu không có tiền thì có "chia sẻ" được gì với ai không? Nhưng tiền đang kiếm được, có dốc hết mà lo cho tha nhân đâu, hỗ trợ những người thân, người này một chút, người kia một chút, một phần nhỏ cho các hoạt động thiện nguyện. Vậy để dành làm gì? Sao lại để dành? Để có cảm giác an toàn về tương lai? Để khi chết rồi mới xung vô quỹ từ thiện?

Vậy làm việc - kiếm tiền để làm gì, trong khi hiện tại, bây giờ, ở đây, mình có được bao thời gian để dành riêng cho việc chăm sóc Tâm mình?

Vậy thì nên thế nào? Luẩn quẩn ghê chưa!

Viết đến đây thì chép lại đoạn này để tự rầy mình

Cuộc sống bận rộn dĩ nhiên đòi hỏi bạn phải tiêu hao năng lượng rất nhiều, nhưng trên thực tế, đấy là một cuộc sống hữu ích và may mắn. Bạn hãy nhìn lại sự khó khăn của những người thất nghiệp, không có công ăn việc làm hay không có điều kiện để lo cho chính mình cũng như lo cho con cái hay tha nhân. Có khi họ muốn làm một vài nghĩa cử cao đẹp như giúp đỡ bạn bè, bố thí cho người nghèo một vài xu cũng không thể làm được. Do vậy, bạn nên tự nhủ rằng có được việc làm, có cơ hội để sống, và nhất là có cơ hội để phụng sự là một điều may mắn lớn cho chính mình...

...Bạn nên cố gắng chỉ làm mỗi việc một lúc, không làm hai việc một lúc! Và hãy tuận tụy cho bất kỳ công việc nào mà mình đang làm, như quét dọn, mua sắm, chăm sóc con cái... Hãy an trú một cách toàn triệt trên từng công việc nhỏ nhoi hàng ngày...(Khải Thiên)

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

28.7.13

Đêm. Chạy xe trên những con phố dài. Gió Sài Gòn vỗ trong lưng áo rộng. Mềm những nhớ nhung.

Thân thương à, góc phố nào có hơi thở thân thương quyện trong cơn gió...?

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

...hay mình đã lạc loài

...Không còn thấy loài người/ Vây phủ quanh đời/ Nói tiếng yêu thương...

- Sáng nay thức sớm, nghe gần hết một CD trước khi đi làm, đến bài Xa dấu mặt trời, nước mắt rơi hồi nào không hay biết...

Lạ là Hồng Nhung hát Cuộc tình chìm xuống/ xa vắng tiếng cười. Nhưng trong một version khác, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát: Bạn bè giỡ đã/ xa bước chân dài (nhiều version khác lại ghi là Bạn bè giỡ đã/ xa vắng tiếng cười, nhưng ông Sơn không hát như vậy: http://nhacso.net/nghe-nhac/xa-dau-mat-troi.WllVU0Nc.html ).

- Hôm nay cũng là ngày đầu tiên coi suất phim chiếu sớm - 9g15, thay vì chỉ coi vào ban trưa. Amour & Turbulences. Cả rạp có mình mình với hai cặp đôi. Xem Pee Mak mà thiên hạ ùn ùn kéo đến và cười vang rạp thì chẳng cười được chút nào. Xem phim vắng khán giả này thì cứ cười khúc khích. Mê phim mà bỏ cuộc cafe với hai anh bạn quý, dù mình mong gặp để được hai anh chọc cười. Nhưng tiếng cười ở rạp cũng đã giúp khoảng trống trong lòng mình vơi bớt...

- Hôm nay cũng là ngày có buổi cơm trưa đầu tiên trong năm với hai đứa em nuôi. Mình bảo: Chị đã bắt đầu nghĩ đến chuyện đổi việc. Em D nói: chắc loay hoay là chị về hưu rồi, nghe mà thêm nghĩ, công việc đã khiến mình mỏi mòn biết bao nhiêu...

- Hôm nay nhận được một email này, xin phép share ở đây, vì muốn ghi nhớ để nhắc mình đừng "tha hóa":

Em rất thích comment này của chị: "Nhớ hoài lời MĐ nói, mình đã tha hóa rồi , không đủ chánh niệm để không cần "giải trí ", chỉ cần "lặng nhìn thời gian xe từng sợi to óng ánh/ dệt thành bức lụa không gian..." trong tấm hình trên FB của chị [chụp chị và một số người đang ngồi đọc sách và xài ipad]. Đúng là từ ngày tập thiền, em bớt hẳn nhu cầu giải trí, kể cả đọc sách văn học, nhất là đọc sách trên và trong những chuyến đi. Những lúc như vậy, em chỉ đơn giản tập trung vào hơi thở. 

Để có một cái thấy như vậy, chị và Mít Đặc cũng phải công phu tu tập lắm đó chứ. :)

Tiếc là mình chỉ mới "thấy", chứ chưa có được "cái thấy" như Na nói...

Mộng đời lên thao thức

Về núi thăm cây, xong lòng cứ thơ thơ thẩn thẩn, đồng vọng hoài những câu thơ hồi nhỏ rất mê:

"...vườn ổi tuổi thơ, giấc mộng hoang đường chưa tỉnh
hôm qua môi dại cắn vào vỏ xanh
những trái xoài non mới hái
những mảnh xoài chua chấm lòng bàn tay muối ớt
bạn bè mấy đứa xuýt xoa nhăn mặt
bờ sông hàng trúc vọng tiếng nô đùa.
cũng mới hôm qua bến nước trong cô gái nhỏ soi bóng một mình
những chiếc kẹp tóc tuổi mười hai nằm lẫn bút chì, bút mực,
chuỗi ngọc cườm cổ tay
mộng đời lên thao thức
ai hay giông bão tơi bời!..."

Sư ông à, chắc con "thương" Sư ông nhất là ở những bài thơ.


Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Dịu

...là từ để nói về thời tiết của mấy hôm nay. Ở một con hẻm Gò Vấp, Sài Gòn. Và vô tình, còn ở một  góc phố nào đó của người anh, người bạn, người chị đang ở xa đây.

"Trời rất dịu"...Mấy chữ đó thôi từ một email đã đủ gợi lên trong mình một niềm yêu đời nhè nhẹ, vì đời có bầu trời, có mặt trời những ngày long lanh nắng lẫn những ngày trìu mến bao dung...

Như một ánh mắt buồn nhưng vẫn đong đầy tình nhỏ...

Nhưng mấy hôm nay Sài Gòn cũng hay mưa người ạ.

Để lòng mình cũng một góc rưng rưng...

Nhiều khi muốn quát mình: Mày có thôi đi không?

Thôi nghĩ đến những tia nắng ấm đã lạc...Những mất, còn vì tế nhị nguyên

Nhưng trời dịu thế, mình dịu thế, rồi ngày cứ qua...  Khối băng ấy bao giờ tan chảy được?

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Đờn ông iu

"Quyến rũ một người phụ nữ là ở trong tầm tay của một kẻ ngu ngốc vớ vẩn nào đó. Nhưng còn phải biết thoát khỏi cô ta nữa, điều này đòi hỏi phải là một người đàn ông chín chắn". (Milan Kundera)

Là phụ nữ, sao mình lại tâm đắc câu này của Kundera chớ?

Mình nghĩ đến hai người đờn ông có thể nói là đặc biệt trong đời. Một đã "biết thoát" và một không. Nhưng với cả hai, bảo ai "chín chắn" hơn ai thì mình không chắc. "Trẻ con" thì dường như đờn ông không ai thiếu :). Mà từ gốc của ông Kundera là gì nhỉ? Chữ "chín chắn" không đắt.

Mình nghĩ, tri giác sai lầm đeo bám chúng ta, không thoát một ai, dù kẻ lụy tình, dù người phụ bạc, dù người ham níu kéo, kẻ biết dừng đúng lúc...Và với mình, đã là tình yêu (đôi lứa), dù lạ lùng say đắm hay tỉnh táo chừng mực thế nào, khó thể phủ nhận được mức độ "sai lầm" của tri giác khi yêu...

Nhưng mà, cứ phải thế, cứ níu (lấy) nhau, để trùng trùng tiểu vũ trụ vô minh, trùng trùng nỗi cô đơn...luân hồi.

Gửi người mít ướt

Ta chỉ mong người giữ cho ta một chỗ ngồi bên cạnh
Lỡ khi nào người ...khóc
Ta biết mà cùng đau
15.6.13