Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Thiên Thiên

Đó là hai âm từ mà đạo diễn Việt Linh hy vọng rồi sẽ có người nhớ đến, mỗi khi họ cần được lắng nghe, cần một niềm tin để tựa vào...

http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-hoa-nghe-thuat/590468/viet-linh-va-cuoc-loi-nguoc-dong.html

Việt Linh và cuộc lội ngược dòng

Thiên Thiên - vở kịch đầu tay của đạo diễn Việt Linh và đạo diễn Phạm Hoàng Nam đang “tượng hình” ngay giữa những ngày cuối năm bận rộn, chờ ngày... gặp khán giả. Và không ít khán giả cũng đang chờ gặp Thiên Thiên trong năm mới...

Khán giả chờ đợi gì ở Thiên Thiên? Có người tò mò hai vị đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh và sân khấu ca nhạc sẽ bày biện gì ở địa hạt mới toanh này. Có khán giả muốn ủng hộ thể nghiệm của kịch nói. Giản dị hơn, có người muốn xem vì yêu mến tài năng của đạo diễn, hoặc hâm mộ diễn viên Minh Trang sau Lôi Vũ, Hà Mi của tôi, Tôi và chúng ta, Một cuộc đời bị đánh cắp... mà 20 năm rồi chưa gặp lại trên sàn diễn.

Và không chỉ có Minh Trang, trong Thiên Thiên khán giả còn gặp nhiều diễn viên tên tuổi khác như: Thanh Thủy, Hồng Ánh, Cát Tường, Vân Trang, Khánh Hoàng, Lê Bình, Mai Huỳnh, Quý Bình, Quốc Thảo...

“Tân đạo diễn” gan dạ

Là một trong những nữ đạo diễn thành danh với người yêu điện ảnh, là tác giả luôn được độc giả chờ đợi với hàng trăm bài viết đầy rung cảm, nay Việt Linh lại là... tân đạo diễn của sân khấu. Nhưng thật ra chị không hề xa lạ với sân khấu, bởi không chỉ có những kiến thức sân khấu lĩnh hội trong hai năm đầu đi học ở Nga, Việt Linh còn “học” miệt mài qua nhiều vở kịch trong, ngoài nước.

Kịch Idecaf, Hoàng Thái Thanh, 5B, Hồng Vân, kịch Bắc lưu diễn, cả kịch của sân khấu Bệt..., chị đều xem và... xem kỹ mỗi khi về nước. Việt Linh nhìn ra, ghi nhớ điểm mạnh, điểm yếu của nhiều diễn viên, vì vậy hầu hết nhân vật trong Thiên Thiên đều được chị “nhắm” rất nhanh.

Thiên Thiên được chọn cho “cô Câm” của Mê Thảo - thời vang bóng không chỉ vì sự thân thiết lâu nay giữa họ, mà còn vì Việt Linh cần một giọng khác cho vai diễn này, giữa dàn diễn viên nói giọng Nam.

Việt Linh cho biết sẽ rất khó để có được một kịch bản chị thật sự đắm đuối như Thiên Thiên - một kịch bản không nhiều nhân vật liên đới nhưng vẽ được một bức tranh xã hội đa màu. Ở đó, có nỗi cám cảnh trí thức, nỗi tái tê thân phận phụ nữ; có những giá trị con người tự tước đoạt hoặc bị tước đoạt, có cái nhìn vừa khinh bỉ vừa vị tha trước sự rách nát của lương tâm, có nỗi khát khao hơi ấm cốt nhục...

Một kịch bản mà Việt Linh nói vui: “phù hợp với khán giả từ 15 đến 90 tuổi”. Cảm hứng để Việt Linh bắt tay vào Thiên Thiên là từ nhân vật cùng tên trong truyện ngắn Hạnh phúc là cùng của tác giả Vũ Hồi Nguyên. Ấn tượng với một người “chuyên” lắng nghe tâm tư của người khác, cũng như với nhân vật “tôi” đầy tinh tế trong truyện ngắn Xoa của tác giả Tăng Song Nam, chị đã nối và thổi thêm vào đó tính tư tưởng, tinh thần nghệ sĩ - công dân để làm nên một Thiên Thiên mang dấu ấn riêng mình.

Vì vậy với những ai đã đọc hai truyện ngắn này vẫn sẽ thấy khác và lạ. “Lạ” cũng là lý do khiến kịch bản cuốn hút Minh Trang. Chị nói mình đồng ý nhận vai Thiên Thiên vì “quý sự gan dạ của Việt Linh”, và vì sự thách thức thú vị của vai diễn: một nhân vật tưởng như chỉ có mặt để lắng nghe, đối thoại không nhiều, nhưng ngay cả cái lưng, Việt Linh cũng “bắt” phải cất được “tiếng nói”.

Duyên tình hội tụ

Thiên Thiên - như được êkip khẳng định trước: “Không kể một câu chuyện mà để lại một cảm xúc” - là kịch bản không có thắt - mở như truyền thống, đã khiến vài người đoán định đây là một thể nghiệm mới của sân khấu Việt đương đại.

Việt Linh dè dặt với nhận xét “mở đường” ấy, cũng như dè dặt, cảm thông khi được hỏi về chất lượng sân khấu quê nhà: “Tôi không nghĩ các đồng nghiệp mình không muốn đổi mới, họ chỉ chưa dám đối diện với một công chúng bất trắc, trong khi phải bảo đảm sinh nhai. Tôi “dám” tự thử thách vì đam mê và thấy dự án vừa sức. Vả chăng, Thiên Thiên hoàn toàn dễ hiểu, không đánh đố khán giả”.

Không đánh đố khán giả, nhưng Việt Linh đã khiến tất cả nghệ sĩ tham gia vở kịch hào hứng “lội ngược dòng” - cảm tưởng của nghệ sĩ Thanh Thủy (vai Si trong Thiên Thiên) mà Việt Linh tâm đắc. Một cuộc lội ngược dòng... thương mại khi tất cả dồn tâm huyết cho cuộc trình diễn không vì gì khác ngoài nghệ thuật.

Hơn nửa tỉ đồng dốc túi và đi mượn cho vở kịch trước mắt chỉ có ba suất diễn, Việt Linh gần như không còn rộng hầu bao để mua vé tặng ai, ngay cả người thân. Nhưng nếu có tài lực, con thuyền Thiên Thiên cũng khó ra khơi nếu không có “tay chèo” sẻ chia của đạo diễn Phạm Hoàng Nam.

Đã có nhà phê bình sân khấu khen kịch bản nhưng cho rằng vở kén người dựng, người diễn. Đã có đạo diễn từ chối vì không có thời gian và có thể vì không thích, nhưng Phạm Hoàng Nam, khi đọc những gì Việt Linh viết, đã hào hứng chung tay. Thiên Thiên vì vậy hứa hẹn thu hút bởi yếu tố thị giác.


Thật lòng cảm ơn đồng nghiệp, Việt Linh bảo đó là sự “chống lưng” nhau. Tiếng gọi đã cất lên, tri âm đã tìm được, chị không chỉ vui cho mình mà còn vui cho cả bạn, bởi đây là cơ hội để anh bung được hết tư chất đạo diễn từ lâu tiềm ẩn. Phạm Hoàng Nam là tiếng ơi đầu tiên để kéo theo nhiều tiếng ơi khác như nhà thiết kế Li Lam, Nhà hát TP.HCM, studio Galaxy, Đại học Hoa Sen, Hãng phim Đạt...

Tất cả như những duyên lành bất ngờ hội tụ để Thiên Thiên sớm lên sàn.

Box 1:

“Cuộc phiêu bạt” dũng cảm


Sau ba suất diễn vào ngày 14, 15, 16-2-2014, Thiên Thiên có tiếp tục không vẫn còn là ưu tư của cả đoàn, nhưng Việt Linh thì vẫn... vô tư, bởi với chị đây là cuộc chơi thỏa thích đam mê và tình cảm với khán giả yêu sân khấu. Tất nhiên không khỏi thoáng chút ngậm ngùi. Làm nghệ thuật quá khó - Việt Linh bảo vậy - e sau Thiên Thiên mình không còn đủ tiền, đủ sức lẫn hào hứng đi tiếp.

Say mê mà tỉnh táo, chị nói không thể biết trước điều gì khi chưa bước lên đường. Cũng như sau sự cố sức khỏe năm 2005, giờ đây, dù đam mê, người nữ đạo diễn một thời “cùi cụi” trên trường quay cũng không thể đổ lửa nghề cho một tác phẩm điện ảnh nghiêm túc.

Dù Việt Linh vẫn sát cánh với điện ảnh từng ngày qua những công việc ngắn và những dự án dài hơi, hiển hiện là Tủ sách điện ảnh hay mới nhất như kịch bản Mét vuông tình yêu (phát sóng tháng 4-2014), kịch bản điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Thiên Thiên liệu có là cuộc phiêu lưu cuối? Trong một tạp bút, Việt Linh từng viết: Nghệ thuật vốn ngẫu hứng và phiêu bạt. Thiên Thiên đang là “cuộc phiêu bạt” dũng cảm của chị.

Điện ảnh hay sân khấu xét cho cùng cũng chỉ là phương tiện để người nghệ sĩ trình hiện những suy tư, tâm cảm muốn sẻ chia. Ngôn từ, đôi lúc... bật ra chỉ vì người trí thức không muốn im lặng nhìn vết thương, nhìn những cái đẹp, niềm tin vào cái đẹp của đời sống này cứ mất dần, lặng lẽ... Cảm hứng đó có lẽ cũng là cảm xúc Thiên Thiên muốn để lại.

_____________________

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: Chỉ có thể nói là “rất phê”!

* Vì sao anh quyết định dựng Thiên Thiên ngay sau khi đọc kịch bản, nhất là khi anh chưa “làm kịch” bao giờ? Có phải vì đó là “một kịch bản kích thích sáng tạo” như anh nói trong buổi họp báo?

- Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: Làm nghề mà không vì kích thích sáng tạo thì còn gì thú vị! Đúng hơn là tôi quyết định góp sức sáng tạo vào phần nhìn của Thiên Thiên ngay từ khi chị Việt Linh kể về kịch bản.

Tôi nhìn thấy trước mắt một sân khấu ước lệ, một không gian lắp ghép đa dạng và phong phú từ một mảnh ghép lớn của kịch bản, những mảnh ghép từ cuộc đời làm nên bức tranh đầy màu sắc của cuộc sống đương đại, một cuộc sống nửa ảo nửa thực, nửa đời nửa thiền và nửa lý trí nửa tinh thần pha trộn nhuần nhuyễn tới mức không biết đâu là ranh giới.

Sau khi thao thao bất tuyệt vẽ những ý nghĩ ấy ra thì chị Việt Linh lại đột ngột mời làm đồng đạo diễn. “Ca” này quá khó và quá thử thách, không chỉ là vì tưởng tượng sẽ lao đầu vào lĩnh vực mới mẻ khó nhằn mà còn vì chưa biết tìm cách từ chối với bà chị ra sao.

Và nhìn chị Linh tâm huyết với đứa con mới của mình, nghe chị say sưa với đời sống tương lai của nó, câu từ chối tự nhiên biến mất, thay vào đó là một cảm xúc tràn trề sáng tạo ập đến, đánh thức trong tôi ham muốn thử thách, dấn thân vào cuộc chơi mới.

* Bắt tay vào rồi, anh có thấy việc “lấn sân kịch nói” thú vị không?

- Sân khấu dưới mọi hình thức luôn rất thú vị với tôi. Thật ra thì tôi thích chơi trò sắp đặt, thích mọi thứ tượng trưng, tượng hình, thích những ngôn ngữ biểu đạt ngoài lời nói. Dù là sân khấu ca nhạc hay kịch nói, sở thích sắp đặt mảng miếng sân khấu, mảng miếng ánh sáng để tạo cảm xúc và gửi gắm những thông điệp cuộc sống luôn khiến tôi đam mê đến không thể kiềm chế được.

Vì vậy sự kết hợp và phân công nhiệm vụ lần này giữa hai chị em trong Thiên Thiên có vẻ như là rất hợp lý. Nhận lời rồi thì trách nhiệm với chị Việt Linh, với Thiên Thiên, với khán giả ngày càng lớn dần theo chiều quay đồng hồ đếm ngược đến giờ diễn. Tuy nhiên cái sự lo lắng kiểu này rất sướng, rất đã chứ không phải lo lắng ưu tư hay sợ hãi. Tóm lại nó chỉ có thể nói là rất “phê”.

Hiện nay sân khấu đã dần hình thành và cả êkip nóng lòng muốn nó hiện ra thực tế trên sân khấu Nhà hát thành phố trong ngày Valentine sắp tới, như một món quà của êkip về tình yêu cho cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét