Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Lời đẹp của quê


Bạc tóc trở về quê / Bỡ ngỡ tìm đò bến mới / Nhìn dáng lạt bó rau / Nhận được người làng (Người làng). Mở ngay trang đầu của Xem đêm - tuyển tập thơ vừa ra mắt của Phùng Cung (1928-1997), đọc bài thơ ấy mà... giật mình rung động. Ấn tượng mà tác giả để lại trong người đọc bền chặt như tình làng trong thơ ông.

Và Phùng Cung, với những câu chữ thật hàm súc, cứ làm người đọc xao xuyến qua từng trang thơ. Như những ai đã qua những chuyến - đò - thiếu - nữ trong đời, giờ sông quê xa ngái, có thể thấy cả một thời tóc gió như gần lại khi đọc những câu giản dị này: Em về bên ấy / Thăm quê kẻo muộn / Mùa đang đẹp gió / Nón đội qua đò / Đừng để gió bay (Qua đò).

Mỗi bài thơ thường chỉ vài đôi câu, vậy mà khó một bức tranh nào, một thước phim nào có thể lột tả trọn vẹn được cảnh và tình thẳm sâu trong những câu thơ tự do đẹp và mới ấy. Chỉ có thể là những con chữ kỹ lưỡng của Phùng Cung. Cánh bèo, gà con, dế nâu, sáo diều, dòng sông, bến đò, và gió, và nắng, và mưa...; tất cả đều trở nên sống động, nhân bản và tinh tế đến bất ngờ qua đôi mắt của ông: Lênh đênh muôn dặm nước non / Dạt vào ao cạn / Vẫn còn lênh đênh (Bèo),...Gió bấc về / Gà con lên cơn sốt / Nhong nhóc đi, đứng / Chen nhau tìm chỗ ấm / Cẳng gầy lội gió... (Chùm gió bấc),...

Riêng “gió”, người đọc sẽ gặp rất nhiều gió. Gió không chỉ đẹp, gió trở thành những sinh thể có thần lạ lùng trong thế giới chữ của nhà thơ: Vườn thơm gió quẩn, gió đi (Bánh trôi), Sáo diều ai hóc - gió ven sông (Đêm ven sông), Tiếng tù và bết - gió (Bữa đẹp), Đom đóm bay ngang/Ngọn đèn gió - bẻ (Đêm xuân), Đường thiên lý gió khua (Giọt lụy)... Phùng Cung với thiên nhiên như một. Ông là gió để nghe “hương cau gió liệm” (Tang), nghe “nát - gió đường làng” (Đường làng). Là ao khuya để biết “nước thở thì thầm”, là lá để nghe mưa gõ trên mình, là chính đêm khi “trở giấc xem đêm / Cuối trời trăng - mỏi / Trái gấc chín - ngập ngừng / Tóc rụng trạt lối đi... (Xem đêm). Tình yêu thiên nhiên ấy bất tuyệt trong bất kỳ hoàn cảnh nào: Trên vai áo tù / Trăng vá lụa (Trăng ngục)...

“Như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động rất thấm sâu”, nói như vậy về thơ Phùng Cung, có lẽ nhà thơ Hoàng Cầm còn nói giùm cho nhiều độc giả khác nữa. Trà của ông là một “luồng điện” thật sự: Quất mãi nước sôi / Trà đau nát bã / Không đổi giọng Tân - Cương. Một chữ “quất”, mà đủ giật mình thương người thưởng trà vô cùng mẫn cảm. 13 chữ, mà đủ thấy khí tiết của người quân tử gặp nạn...

Đọc hết tập Xem đêm, nghĩ về Phùng Cung, bỗng dưng hình dung một ông già khăn áo tề chỉnh “quỳ dưới chân quê”, hít sâu vào hồn nhỏ cái “mùi lưu luyến” mà ông “nguyện mang theo/ đến ngày trăm tuổi”: mùi làng. Và quanh cái nhìn mênh mang của ông, là đường quan lay nắng, là sông đẹp dòng, là tiếng dế ru hoa nở, là bếp chùa nheo khóisao gài cửa sổ...

Tất cả chưa mất đi, nhưng khi cái gọi là “quê” đã nhạt nhòa trong lòng nhiều người bỏ quê lên phố, khi chính quê đang thu hẹp dần, còn ai đủ giàu có tình - yêu - quê để giữ được mùi làng và vô vàn nét quê yêu dấu ấy bằng những lời đẹp đến thế!

P/S: Bài đã in trên Tuổi Trẻ năm 2012.

Hai năm không dài, vậy mà đã đủ quên hết những gì đã viết, cho đến khi vô tình đọc lại trong sổ tay papa tỉ mẩn cắt dán mấy bài báo.  Nhiều lúc chán viết, nhưng đôi lúc lại muốn viết, có lẽ là vì ba. 

Và nghĩ, với trí nhớ thật tệ này, giá mà cuốn nào mình thích, mình cũng "làm siêng" note lại như vầy, cũng là một cách để "đọc lại" cuốn - sách - của -mình...

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

"Quát tháo trăng sao"

...
Thế là tôi đã làm được
cho họ chán tôi
làm họ chán họ mới là
cái khó
nhưng việc này hình như
không phải việc người
mà là việc của quỷ thần
Họ chán tôi nên
tôi được đi thồ quanh quẩn
huyện nhà
Họ giữ đăng ký xe
cho tôi khỏi đi xa
vì họ sợ tôi còn thích làm
chính trị
Không bị quấy rầy
tôi thồ liền
không ngày nào nghỉ
nên đã mua được xe cải tiến
trung quốc cho mấy thằng
con trai cùng đi làm trâu
thồ như bố
và đứa con gái bé đi học
đã có xe phượng hoàng nữ
Họ chán tôi nên
tôi được tí teo dễ thở
Nhưng họ chưa chán họ
Cái ác càng ngày vẫn còn
Thấy mình là muôn
trượng đỉnh cao
bắt đứng lại
thời gian
và quát tháo trăng sao
dưới chân đang
Đất sụt

(Trích Chuyện tôi về của Hữu Loan)

Vừa đọc trích đoạn đó trên trang web Văn Việt (http://vanviet.info) của Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam, muốn rớt nước mắt...

Đã hơn 30 năm, cái chuyện "bắt đứng lại thời gian" và "quát tháo trăng sao" vẫn còn đó. Nhưng có vẻ bây giờ, có nhiều thứ con người ta sợ đánh mất hơn là lương tri và dũng khí, nên mọi "âm mưu đẽo tròn" đều không có nguy cơ thất bại, ít nhất là trên mặt báo...

Y không là y

Bài phỏng vấn làm nhanh nhất từ trước tới nay, note lại bản full cho nhãn Sách của bạn nâu. 

Tác giả Phùng Hi: Bỏ dạy thêm nên thử.... viết văn

Không chủ động in sách nếu NXB không gọi tới, dè dặt, ngại ngần khi trả lời phỏng vấn của báo chí như một cây bút mới, vậy rồi,  tác giả Phùng Hi cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ đôi ba câu chuyện của một thầy giáo viết văn nhân tập truyện Y không là y của ông vừa trình làng.

Nói là mới, nhưng cái tên Phùng Hi cũng đã kịp trở nên quen thuộc với nhiều độc giả đọc truyện ngắn của Tuổi Trẻ. Nhiều bạn đọc nhớ đến Phùng Hi là nhớ ngay đến sự hài hước, duyên dáng của tác giả trong truyện ngắn Những mảnh vỡ tình đầu đăng trên báo Tuổi Trẻ Xuân 2013. Trước đó và sau đó là nhiều truyện ngắn đáng nhớ khác như Bào tỷ ông nghị, Chuyện cô Bân, Thèm danh, Muốn làm giám đốc...đã làm nên "nét riêng" của Phùng Hi: cái nhìn phản biện đầy tính thời sự, cười cợt mà luôn dí dỏm và ẩn nét hồn hậu.

Phùng Hi là bút danh do tác giả nói lái  từ tên gọi Nguyễn Phi Hùng.

* Rất nhiều truyện ngắn trong tập sách đầu tay này liên quan đến nghề giáo. Phải chăng chính những chuyện "cười ra nước mắt" của đời sống dạy - học đã thôi thúc một thầy giáo như ông cầm bút viết văn ở tuổi 40?

- Thật ra tôi muốn tất cả các truyện trong tập đầu tiên này đều nói về nghề giáo nhưng nghĩ sợ khô khan. Nếu tính số lượng người ăn lương nhà nước thì giáo viên là đông nhất mà đông người chắc chắn sinh lắm chuyện. Tôi cũng xác định bốn mươi tuổi mới đi viết văn thì khó lòng đi xa được nhưng có hề gì, không mợ thì chợ vẫn cứ đông. Và cũng không ngờ mình lại đi viết về chính cái nghề của mình chứ lúc đầu không có ý định thế.

* Vậy cơ duyên gì đã dẫn ông đến với văn chương? 

- Tôi là giáo viên dạy toán, cũng có thử dạy thêm vì nghèo túng quá nhưng đến cuối tháng tôi rất ngại đòi tiền, cầm tiền học trò đưa, vậy là bỏ giữa chừng. Người ta chê tôi việc này lắm, nhất là vợ. Tôi nói tránh chắc là tôi không có duyên dạy thêm. Chẳng biết làm gì nên thử viết văn chứ nghiên cứu chuyên sâu về toán chẳng biết để làm gì. Tôi cũng từng nghĩ viết sách giải bài tập toán nhưng làm sao cạnh tranh nổi đây trong khi mình ở tỉnh lẻ.

Mà tôi cũng không nghĩ mình viết được văn. Vậy mà rồi một ngày lại có riêng một tập truyện. Có điều gì đó không chắc chắn lắm, bồng bềnh, chưa định hình được. Có lẽ chính xác là tôi chưa đủ tự tin, thấy “nghề viết” hình như chưa gắn vào mình, còn nghiệp dư và còn kiểu “văn nghệ cho vui”. Viết văn với tôi hiện giờ mới là duyên, duyên kỳ ngộ chứ chưa phải nghiệp, mà duyên thì có thể hết bất kỳ lúc nào. Tôi sợ chuyện viết ám vô mình như nhiều người từng hăm.

* Trong truyện ngắn Y là thầy giáo, ông viết "tôi sẽ viết đến râu dài đụng rún" vẫn chưa hết chuyện" về sự khổ sở của thầy giáo thời nay. Vì đâu...nên nỗi?

- Quả là chuyện khổ của thầy cô giáo thời nay là chuyện dài tập. Nhưng cái khổ nói ở đây ngoài tác động khách quan từ xã hội, từ chính sách giáo dục, nó còn bị tác động bởi chính thầy cô giáo. Tham sân si hỉ nộ ái ố có đủ thì không khổ sao được. Có vẻ như cả xã hội chối bỏ đức tính tốt đẹp của người thầy trong quá khứ mà dân tộc đã đúc kết. Ví dụ câu: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" đã bị phụ huynh biến tướng chữ "yêu" đi. Thấy thầy cô nghèo thì khinh là điều khá lạ, lẽ ra phải kính mới đúng chứ. Chỉ một chi tiết này thôi đã làm cả ngành giáo dục nháo nhào.

*  Những mảnh vỡ tình đầu, Như sương như khói hay Tỵ và ngọ trong tập truyện này đều là những câu chuyện tình yêu đầy dư vị. Ông nghĩ sao nếu có độc giả chờ đợi đọc Phùng Hi là chờ đợi đọc...chuyện tình?

- Tôi nghĩ mấy cái truyện tình chắc là ăn may, nó không phải sở trường của tôi.

* Vậy đề tài ông quan tâm nhất có lẽ vẫn là sự  “nháo nhào” của ngành giáo dục? Và như ông nói, nghề giáo “lắm chuyện”, chắc còn cả “kho” đề tài để ông viết?

- Tôi rất may mắn là Tuổi Trẻ cũng như Báo Phú Yên quê nhà tạo cho mình một "kênh viết báo" về giáo dục. Những tiêu cực, những khổ sở quá trần trụi của nghề giáo đôi khi khó đưa vô văn hoặc tôi không đủ tài để đưa vô văn. Cái "lắm chuyện" của nghề giáo, theo tôi thấy, nó dở dở ươn ươn; cái chân, cái mỹ không đi đến tột cùng; cái xấu, cái ác cũng thế thành ra khó lôi cuốn bạn đọc. Nên nếu còn tiếp tục viết về nghề giáo, tôi vẫn chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, hài hước. Chuyện cả kho còn đó, nhưng nhào nặn ra thành phẩm thì không dám nói trước.

* Truyện ngắn nào ông tâm đắc nhất sau bốn năm viết văn?

- Tôi thích nhất, có lẽ dùng từ khoái thì đúng hơn, truyện Muốn làm giám đốc, nó đặc tả đúng một anh chàng người Việt với máu làm quan chảy rần rật trong huyết quản nhưng khác mọi người, ngoài mặt làm như chẳng thèm: "Quan ấy à, ôi quan nhất thời dân vạn đại. Làm quan chỉ tổ gánh trách nhiệm chứ được gì", anh này biểu hiện ra mặt cho bõ ghét. Cho bỏ ghét những thằng núp lén chạy đua giành chức.

Box: Tiếng cười dài và tiếng thở dài
Y không bi quan, sầu não, y còn biết cười, dù cái cười giấu cái khóc bên trong. Ấy là nhờ người kể chuyện y biết viết truyện có giọng cười để khỏa lấp cái không thể khỏa lấp, để níu kéo cái không thể níu kéo. Kể chuyện giọng cứ tưng tửng, có truyện như bài báo nhưng đọc ra vẫn là truyện nhờ giọng, truyện này kéo theo truyện khác như là một truyện dài có chung một nhân vật y, tập truyện như vậy là một tiếng cười dài và một tiếng thở dài. Đọc anh thấy vui ở cách kể chuyện dù chuyện kể không vui.
Trích lời tựa của Phạm Xuân Nguyên

 P/S: Bài đã in trên Tuổi Trẻ nhật báo.

Nghe tác giả kể về việc không thể đòi tiền, cầm tiền học trò, sự túng thiếu của nghề giáo, sự mặc cảm, thiếu tự tin của thầy cô giáo...mà cay mắt, nhớ những người thầy giàu tự trọng mà thiếu niềm vui nghề nghiệp của mình.

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Bầy em xiêu vẹo...

Bầy em xiêu vẹo ban trưa
Che mặt trời bằng tóc khét
Giọng trong đậy hơi đất nồng cỏ nát
Gió về rúc rích mảnh quần thưa...


Mấy hôm nay, ngày nào cũng... trông có tiền rót vào tài khoản cho các bạn nhỏ ở Kiên Giang...Và nhớ tụi nhỏ đã gặp, trong đầu cứ vang vang miết bài thơ này, của Chơrao.

Năm nay, từ Mexico, đang vi vu mà Mít Đặc vẫn viết 1 lá thư kêu gọi cho Kirakira trên FB, và nhiều bạn khác nữa share thông tin của Kirakira, đọc mà thấy yêu các bạn quá chừng...

Bảy năm, phải cả ngàn đứa trẻ chúng mình được gặp, không thể nhớ được hết từng "mặt trời bé con" ấy, nhưng vẫn còn hằn trong ký ức những nụ cười ở Bù Gia Mập, Đa Mi, những đôi mắt ở Bác Ái, những bàn chân ở A Lưới, những "mảnh quần thưa" ở Thạnh Phú, những "mái nhà" ở Chợ Vàm, Phú Tân...

Không phải ở đâu cũng "đất nồng, cỏ nát", nhưng ở đâu cũng lắm ngậm ngùi, với quần áo tả tơi, cái ngắn, cái dài; với dép mòn, chân đất; với cửa nhà xiêu vẹo, trống hoắc ...

Mà ấm lòng thay, thứ lấp lánh nhất - "kirakira" nhất vẫn tròn đầy: những nụ cười trẻ thơ...


Chơrao và "bầy em", Thạnh Phú, Bến Tre, 2010


 "2 chuyến Kira một năm, cũng giống như hơn 400 cây số một ngày. Không phải là ít, nhưng mình sẽ chỉ muốn phải chi mà tìm được nhiều tiền hơn thế, đi được nhiều chuyến hơn thế, để có nhiều hơn những cô cậu nhóc được hào hứng mở "chiếc hộp bí mật" của ngày khai trường, mắt chữ o mồm chữ a với đủ thứ đồ tuyệt diệu trong đó. Sau này lớn lên, có thể cậu có may mắn học hành đến nơi đến chốn, có thể cậu cũng sẽ bỏ dở dang như ba mẹ. Bạn không biết điều gì đến sau đó, nhưng bạn biết điều xảy ra bây giờ, lúc này, là sợi dây kết nối cậu với trường lớp, với sách vở được cột chặt thêm một chút, tuổi thơ của cậu lung linh hơn một chút, và niềm hy vọng cho tương lai sau này của cậu lấp lánh hơn một chút" (Mít Đặc)



Bù Gia Mập, Bình Phước, 2011: từ trường về, em đi dăm khoai mì


Đa Mi, Bình Thuận, 2011: "Trẻ con nào cùng xứng đáng được quà"




Bác Ái, Ninh Thuận, 2012: "Quà khai trường của bọn nhóc luôn được chăm chút rất xinh xắn, xanh xanh đỏ đỏ nhìn rất vui. Đối với những đứa nhỏ không bao giờ có quà, đó là cả thế giới"




A Lưới, Thừa Thiên Huế, 2012: Thừ giày, thử quần áo, đọc sách...ngay sau khi nhận quà

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

16.3.2014



Là sinh nhật tròn 5 tuổi của Bùm con - cậu chàng đang trèo lên cổ Bùm bố trong hình, mặt trét đầy bánh kem. Cậu chàng ngọ nguậy không yên, dì nâu lại chụp bằng mobile nên tấm nào cũng nhòe.

Mừng chàng 5 tuổi, mình tạm note lại ở đây những "bài thơ" của chàng trong "nhật ký" của Bùm mẹ:

Bánh mì nóng hổi
đặc biệt thơm ngon
5000 một ổ
ăn vô mắc cổ
quăng ổ bánh mì...

Hũ muối mè
của chú Hưng
cho bố Beng
nấu cơm ăn
ngon lắm đấy....

Hôm qua, cậu chàng vừa "chặt" bánh kem vừa kịp chỉnh mẹ: "bánh mì bơ sữa" chứ không phải "bánh mì nóng hổi". Con nít thiệt là...vi diệu à! 

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Hương quê thơm lành

Bạn đồng hành gọi: "Này, nhớ Cà Mau quá!"

- Ai nhớoooo?

- Anh cũng nhớ mà em cũng nhớ!

Bạn "nói như thần", làm mình không biết nói gì hơn.

Ừ, nhớ thật, nhất là những lúc chạy xe ngoài đường gió...

Nhớ những hơi gió, những cơn gió xuân còn hơi hướm của mùa gió chướng ở đó...Nhớ những miền lá miền lá nối nhau xanh thắm...Những bờ hoa bờ hoa dại nở ven đường...Những dòng xanh dòng xanh êm ả....Những con đò nằm yên, những bến nước bình yên...Nhớ cánh võng giữa rừng tràm, những lá mận non, những quả mận bạn hái dọc đường, đựng đầy hai bên túi chiếc ba lô mình...

Nhớ Đầm Thị Tường, một chiều vui vầy, môt đêm ngủ lại, một sớm mai yêu dấu nhất trong những sớm mai của cuộc đời....Buổi đó thức dậy bởi tiếng bước chân rầm rập trên sàn ván...Từ chỗ nằm đã nhìn thấy bình minh nhuộm hồng góc trời, góc nước, đã nghe hơi rượu tỏa môt góc nhà... Ngồi thiền giữa đầm, tắm sớm trên đầm...đều trong một trạng thái thật an trú và hạnh phúc...

Nhớ những tiếng reo vui đồng điệu trên con đường ven đê biển Tây từ Sông Đốc về U Minh Hạ.

Và sẽ còn nhớ lâu, sự chân chất của những người đã gặp trên đầm. Nhớ anh lái thuyền đã liên tục nhắc "khách" hãy ngắm mặt trời lặn. Anh cứ cho chiếc vỏ lãi chạy vòng vòng quanh...ông mặt trời, nhắc đi nhắc lại "hoàng hôn đẹp lắm", để rồi sau đó lại bối rối đánh chánh "à, hình như nhầm, không phải hoàng hôn, mà là mặt trời lặn, chụp mặt trời lặn đi anh chị"...Anh làm "khách" vừa cảm động vừa không nhịn cười được, cứ nháy nhau giương ống kinh lên chụp mãi cảnh hoàng hôn cho anh vui lòng...

Anh đâu biết, cảnh hoàng hôn trên đầm đâu có quý như sự nguyên sơ của tình quê, lòng mến khách nơi anh...Chính anh đã làm nên một buổi chiều đặc biệt....Ở đó, mùi hương của sự chân chất, thật thà khiến "khách" nhớ mãi...

"Mùi" của anh, thơm rưng rưng như mùi hương của cánh đồng rau quế ở Bạc Liêu...

Người ơi, thèm những buổi chiều, mặc bao việc thế gian réo gọi, lại về với một cánh đồng như rứa để ngồi, về với những con đường như rứa để đi...Cùng nhau. Nghe hồn mình ướp đầy hương quê thơm lành....