Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Một lần thấy bóng em qua nơi này

Ta Prohm, 16-7-2014, by Lam

Lần đầu xem tấm ảnh ni, trong đầu đã vang lên câu hát ấy của Trịnh.

Một lần thấy bóng em qua nơi này
Một lần với bóng tôi
Một ngày đã có em xa nơi này
Một ngày với vắng tôi
...

Một lời nói với bông hoa trên đồi
Một lời nói đã phai
Một điều giấu kín trong tim con người
Là điều giấu kín thôi...

Và mình sửa câu hát của Trịnh thành "Một điều giấu kín trong tim đền đài" khi bày bé Lam cùng chơi trò thì thầm với những hốc đá nhỏ ở Cam. Trò chơi bắt chước...Lương Triều Vỹ trong phim In the mood for love giờ trở thành kỷ niệm thơ trẻ nhất ở đó. (Tên của bạn đã ngân trong những hốc đá đó, người - đang - đọc à ;)) ) 

Và tấm ảnh "Vào đền" lại gợi nhớ tấm ảnh "Vào chùa" cách đây hai năm, cũng được chụp trong một khoảnh khắc "rất vô tình":

Chùa Thánh Duyên, núi Thúy Vân, 8-10-2012, by Mít 
Ngày đó xem ảnh, mình lại liên tưởng đến những câu ca khác:

Cúi xuống
Vùng non xanh mát
Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan
...
Cúi xuống
Cúi xuống thật gần
Cho tóc em bềnh bồng
Cơn đau anh vui lòng bóng mát trên cao...

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Tonlé Sap buồn

Biển Hồ, 16-7-2014
Thích tấm ảnh này vì có thằng bé con con chạy trên "đê", và một bầu trời trĩu nặng - như cảm giác trước những hình ảnh "người Việt mình" ở chốn này.

Chàng trai 23 tuổi người Cam - Sarakan bảo mùa mưa, con đường đó nằm dưới nước...Bình thường thôi, nhiều người ở đây sống trên nước và "mộ" cũng chìm trong nước.

P/S: Bạn nào quan tâm đến Biển Hồ có thể đọc thêm note mình viết trên FB của KirakiraBiển Hồ thiếu sách. Và hướng dẫn cặn kẽ của một blogger: Cambodia (P.4): Biển Hồ Tonle Sap

Trẻ em VN ở Biển Hồ trên đường đi học về...

Và một ghi chép (về Biển Hồ... trên bờ) của bạn đồng hành:

Không chỉ VN, đến đâu cũng nhìn thấy sự nghèo đói như vòi bạch tuột, càng xa trung tâm thì nghèo đói càng tăng lên. Khung cảnh càng buồn tẻ, nhạt màu, phủ đầy bụi. Trẻ con quần áo càng cũ nát, chạy lung tung, mắt như trắng dã hơn. Một vài nơi ở Campuchia trông giống như quá khứ của VN những năm đầu mở cửa, người ngồi lèn chặt trên những chiếc xe, người ta ngồi cả trên mui xe, hoặc những thùng xe há đuôi thòi ra ngoài toàn bộ chân người như những cái xác mệt mỏi. Người ta chạy xe máy thậm chí chở ba chở tư chẳng buồn đội mũ bảo hiểm, mạng người xem rẻ như bèo.

by Nguyễn Ngọc Thuần
Một đôi lúc, trong cái khung cảnh ấy, thấy thật chạnh lòng. Những gì bình thường nhất mình mang theo từ VN, bỗng chốc như một sự xa hoa. Ở đây, không có những bữa tiệc, hoặc post lên fb những cái đùi gà nhảm nhí, không có hàng hiệu, hoặc than nắng than mưa ỉ ôi. Không có ánh đèn sáng choang như trong nhà hàng, hoặc mặc quần áo đẹp rồi miệng cười toe toét chụp ảnh tíu tít.

Ở Biển Hồ, những cái nhà tạm bợ như những cái chòi lá bay phất phơ trong gió. Không thiếu người VN sống trong những cái chòi như vậy. Một vài đứa trẻ chờ người lạ đến bâu lại xin thức ăn. Đầu tiên một vài đứa xin vài ổ bánh mì, một vài đứa đến sau xin luôn cả những ổ bánh mì đang ăn dở, rồi một vài đứa khác nữa lấy luôn bọc đồ ăn vụn. Chúng nhanh chóng kéo nhau ra khoảng đất trống bụi mù, xé toạc những cái bọc ra, rỉa rói như những đàn cá bị bỏ đói lâu ngày.

Thế rồi bất ngờ trong cái đám bụi ấy, mình thấy dòng chữ UNICEF in trên áo một thằng bé, nó được hiểu như một sự thương xót của người phương tây đem đến đây. Mình cũng không đủ giàu để làm một điều gì đó ra vẻ thương người hơn ngoài việc đuổi theo để chụp cho trọn vẹn cái dòng chữ ấy, câu thần chú dành cho trẻ con.

Nhưng rồi cái thằng bé ấy như nhận ra kẻ tọc mạch bám dai còn hơn đỉa đói, cứ quay ngoắt lại, nhìn mình chằm chặp, chụp mãi chẳng được. Cuối cùng thì nó cũng phải thua mình vào giờ xe lăn bánh. Trong ảnh, trên nền đất, mình nhìn thấy như một gia đình.

Nguyễn Ngọc Thuần

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

From Santa Clara


"...Ở đây có nơi đìu hiu, có nơi nhộn nhịp hơn, nhưng cảm giác cứ như người ta đều đang đợi cái gì đó. Có khi chỉ là đợi ngày trôi qua.."  (25.4.14)

Để lưu và "báo cáo" với Mít Đặc: "ảnh" đã về tới! :x.

Nhớ thêm: Cái áo lạnh theo Đặc đi khắp các xứ lạnh và theo mình đi Thượng Hải đã được để lại ở thành phố này.

Và nhắn thêm: Hôm trước vào một quán cafe trên đường Kỳ Đồng, trông thấy một chiếc ghế bập bênh, nhắc nhớ... :)

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Đừng nói "ngày mai"

Bởi ngày mai...không kịp.

Qua một người bạn của mẹ sống ở Úc, tôi biết về tình cảnh của cô. Cô muốn kết nối với tôi và tôi tìm đến. Cô mang trọng bệnh từ năm 17 tuổi, các cơ teo dần, phải nằm một chỗ. Đời sống mỗi ngày là một chuỗi đau đớn về thể xác, lẫn tinh thần. Cô không thấy mình được yêu thương, không có một người thân nào khiến cô có thể tin tưởng tuyệt đối. Người thân lại là những người làm tổn thương nhau, gây phiền muộn, phẫn nộ cho nhau vì những tranh chấp, cãi vã...

Mỗi lần về Phan, tôi ghé thăm cô, trò chuyện, động viên tinh thần cô. Có lúc cô đã coi tôi như người mà cô có thể tin tưởng (nhất), muốn tôi sẽ thay cô làm từ thiện với khoản tài sản còn lại của cô khi cô mất đi ...Cô đã từng dặn dò tôi rất nhiều về "kế hoạch" đó, nhắc tôi tìm hiểu, liên hệ các tổ chức thiện nguyện này kia. Hai, ba năm nay, trong những cuộc điện thoại - phần lớn do cô gọi - cô cứ hỏi hoài chuyện khi nào tôi mới về lại Phan, sao con bận rộn thế, con tranh thủ về nha, con phải ăn với cô một buổi cơm...Mỗi lần vậy, tôi lại hứa...Và lới hứa đã mãi mãi không còn thực hiện được.

Sáng sớm nay, cô đã tự kết liễu đời mình. Nghe tin và giờ gõ những dòng này, trái tim tôi như đang bị bóp nghẹn. Có lẽ cô phải làm thế vì không tìm thấy một mối dây ràng buộc ấm áp nào níu cô ở lại với sự sống. Thương cô khó siêu thoát vì chọn cách ra đi như thế. Và trách mình thật nhiều.

Vậy là tôi chỉ thăm cô được đôi ba lần. Đã xa Phan quá lâu. Điều ray rứt nhất là gần đây cứ nhủ trong lòng sẽ gọi điện thăm cô, nhất là khi nghe tin cô đòi uống thuốc tự tử. Vậy mà, lúc nhớ thì bận, hẹn lại lúc rảnh; lúc rảnh lại quên...

Hôm qua là thứ bảy - ngày nghỉ của tôi mà, sao tôi không nhớ và gọi cho cô? Lẽ ra tôi có thể làm một thanh củi - nếu không là một cái phao - trong một vài giờ khắc của cuộc đời cô, vậy mà tôi đã chỉ đứng trên bờ nhìn cô bơi trong tuyệt vọng. Với những người thấy mình quá cô độc như cô, một cuộc gọi không cứu được người, nhưng cũng là một luồng gió ấm, cho vài sát na.

Cái chết của cô khiến tôi cứ nghĩ: Mình đã sống thế nào? Lời xin lỗi muộn màng hay chữ "giá mà" còn có nghĩa chi.

Và còn bao nhiêu điều không nên trì hoãn mà tôi cứ hẹn "ngày mai", "ngày mai", "lát nữa"? Khi mà cái chết (với mình, với người) luôn đến bất ngờ. Rất bất ngờ. "Không thể nào mặc cả".

Nén hương lòng này, con xin cô tha lỗi cho con...