Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Thiền định


Năng khiếu tập thiền định là năng khiếu vĩ đại nhất mà bạn có thể tự đem lại cho mình trên cuộc đời này. [..].

Luyện tâm

Có rất nhiều cách trình bày về thiền định, và có lẽ tôi đã giảng dạy cả ngàn lần về thiền, nhưng mỗi lần một khác, và mỗi lần nó đều trực tiếp và mới mẻ.

May thay ta sống trong một thời đại mà tất cả mọi người trên thế giới đều quen thuộc với thiền định. Càng ngày thiền càng được chấp nhận như một lối tập luyện, bỏ qua và vượt trên tất cả những hàng rào văn hóa và tín ngưỡng, giúp hành giả thiết lập một tiếp xúc thẳng với sự thật của bản thể họ. Đấy là một luyện tập vượt ngoài giáo điều của các tôn giáo, và là tinh túy của tôn giáo.

Thông thường chúng ta lãng phí đời mình, lạc ra ngoài cái ngã chân thực của ta, trong những hoạt động bất tận. Thiền trái lại, là phương pháp đưa ta trở về chính mình, ở đấy ta có thể thực sự chứng nghiệm và thưởng thức cái bản thể toàn vẹn của ta, vượt ngoài mọi mẫu mực thói quen. Những cuộc đời của chúng ta được sống trong đấu tranh căng thẳng và lo âu, trong sự quay cuồng của tốc độ và bạo động, trong cạnh tranh, bám víu, chiếm hữu, thành công, ta mãi mãi chất đầy những hoạt động và bận rộn thuộc ngoại vi.

Thiền chính là cái ngược lại. Thiền định là làm một cuộc tuyệt giao với cái cách ta hành động “bình thường,” vì đấy là trạng thái không lo lắng không bận tâm, không có cạnh tranh, không có ham muốn sở hữu hay níu kéo một thứ gì, không có sự phấn đấu quyết liệt đầy âu lo, và không có sự khao khát đạt thành: Một trạng thái không có tham vọng không có lấy hay bỏ, không hy vọng cũng không sợ hãi, một trạng thái trong đó ta dần khởi sự buông bỏ mọi cảm xúc và khái niệm đã giam hãm ta để tung cánh vào bầu không gian của tính tự nhiên đơn giản.

[...]

Gặp người thiền định giữa trưa/ Nghe mưa đổ xuống hồn thưa suối nguồn
Đại lão sơn, B'lao, tháng 7.2013

Luyện tập chánh niệm

Thiền định là đưa tâm về nhà, và việc này trước hết được hoàn tất nhờ luyện tập chánh niệm.
Một lần có một thiếu phụ đến hỏi Phật làm cách thế nào để thiền. Phật bảo nàng hãy ý thức từng động tác của đôi tay khi nàng kéo nước giếng, vì ngài biết như vậy nàng sẽ tự thấy mình ở trong tâm trạng an bình, khoáng đạt và bén nhạy, mà chính là thiền định.

Sự thực tập chánh niệm, đưa cái tâm phân tán trở về nhà - và do đó tập trung ý thức vào những khía cạnh khác nhau của con người chúng ta - được gọi là “Tịnh trú” hay “An trú”.  [...]

Đầu tiên, mọi mảnh vụn của con người ta - thường mâu thuẫn chống chọi nhau – bây giờ ổn định, tan hòa và trở thành bạn. Trong sự ổn định ấy ta bắt đầu hiểu mình hơn, và đôi khi còn thoáng thấy được tia sáng tự tính bản nhiên của ta. Thứ hai là, luyện tập thiền định làm tiêu tan tính tiêu cực, bạo hành nơi ta, những cảm xúc hỗn độn đã chất chứa  nhiều đời; thay vì đàn áp chúng hay bị lôi cuốn theo chúng, ở đây điều quan trọng là ngắm nhìn chúng và bất cứ gì khởi lên trong tâm, với sự chấp nhận và bao dung, càng cởi mở càng tốt. Những bậc thầy Tây Tạng thường bảo rằng tính độ lượng sáng suốt ấy giống như không gian vô biên, thân thiết và dễ chịu, làm bạn cảm thấy như thể được bao phủ, được che chở trong một cái mền bằng ánh sáng.

Dần dần, khi bạn vẫn ở trong trạng thái cởi mở, tỉnh giác ấy, và dùng một trong những phương pháp sẽ nói sau, để làm cho tâm càng lúc càng tập trung hơn, tính tiêu cực nơi bạn càng ngày càng tan loãng ra; bạn khởi sự cảm thấy thoải mái trong toàn diện bản thể bạn, hay như ngưòi Pháp nói: "être bien dans sa peau". Từ đấy phát sinh sự buông xả và một niềm an lạc sâu xa. Theo tôi thì sự tập luyện này là cách tốt nhất để chữa trị thân bệnh và tâm bệnh nơi bạn.

Thứ ba, sự tập luyên này vén màn, làm hiển lộ thiện tâm căn bản của bạn, vì nó làm tan biến thói hung ác hay tác hại ở trong bạn. Chỉ khi trừ khử được thói ấy, ta mới thực sự hữu ích cho người khác. Vậy thì nhờ tập luyện, trừ khử dần thói ác tác hại khỏi tâm ta, mà ta có thể để cho thiện tâm chân thực của ta – lòng tử tế, từ bi tự nhiên nơi ta - chiếu sáng, và trở thành bầu khí hậu cho bản thể đích thực của ta phát triển.

Bây giờ bạn thấy tại sao tôi gọi thiền định là sự thực hành chân thực để đi đến hòa bình, đi đến sự không gây hấn, đi đến sự bất bạo động. đấy là sự giải trừ vũ khí chân thực và quan trọng nhất.

Sự an bình tự nhiên

...

Toàn thể sự thực hành thiền định có thể rút gọn vào ba điểm cốt yếu: Ðưa tâm về nhà, buông xả và thư giãn.

Ðưa tâm về nhà có nghĩa là hướng dẫn tâm đến trạng thái an trú nhờ thực tập chánh niệm. Trong ý nghĩa sâu xa nhất, thì đưa tâm về nhà có nghĩa là xoay tâm vào trong và an trú trong bản tánh tự nhiên của nó. Ðiều này chính là thiền định tối thượng.

Buông xả là giải phóng tâm khỏi ngục tù chấp thủ, vì bạn đã nhận thấy rằng mọi đau khổ, sợ hãi và lo buồn đều bắt nguồn từ sự khát ái của tâm chấp thủ. Ở bình diện sâu xa hơn, sự thực chứng, niềm tin phát sinh do hiểu rõ bản chất của tự tâm sẽ làm cho bạn có được tính bao dung sâu sắc và tự nhiên, khiến bạn dễ dàng buông hết mọi chấp thủ của mình, để cho nó tự bay mất, tan vào trong nguồn cảm hứng của thiền định.

Cuối cùng, thư giãn có nghĩa là khoáng đạt, giải tỏa tâm khỏi mọi căng thẳng. Sâu hơn nữa, là bạn thể nhập vào bản tính chân thực tự nhiên của tâm bạn một cách thoải mái, vào trạng thái Rigpa. Tạng ngữ diễn tả tiến trình này là "thư giãn trên Rigpa”. Giống như khi ta đổ một nắm cát trên một mặt phẳng, thì mỗi hạt cát tự động an trú. Ðấy là cách bạn thư giãn vào trong bản tính chân thực của bạn, để cho mọi ý nghĩa cảm xúc tự động rút lui, tan biến vào trong trạng thái tâm tự nhiên.

Mỗi khi thiền định, bài thơ sau đây của Nyoshul Khenpo luôn luôn gây cho tôi nguồn cảm hứng:

Hãy an trú tịch nhiên
Cái tâm mệt mỏi này
bị nghiệp làm xơ xác
với tư duy cuồng loạn
như sóng vỗ không ngừng
trong biển lớn sinh tử.
Hãy an trú tịch nhiên.

Cần nhất là ta hãy thoải mái tự nhiên và khoáng đạt như hư không. Hãy lặng lẽ chuồn ra khỏi cái thòng lọng của bản ngã đầy lo âu thường ngày, buông mọi sự bám víu, và thả mình vào trong bản tính chân thực của bạn. Hãy tưởng đến cái tôi thường nhật của bạn như một khối băng hay một thỏi bơ để dưới ánh mặt trời. Nếu bạn đang cảm thấy cứng cỏi lạnh lùng, thì hãy để cho sự cứng cỏi ấy tan ra trong ánh mặt trời thiền định. Ðể cho niềm bình an làm việc trên bạn, giúp bạn thâu nhặt lại cái tâm phân tán gom vào trong sự an trú, và đánh thức dậy sự tỉnh giác và cái thấy sâu xa của minh kiến. Rồi bạn sẽ thấy tất cả thói tiêu cực nơi mình bị tước khí giới, tính bạo động tan ra, vọng tưởng chầm chậm tiêu tan như thể sương mù tan vào trong bầu trời khoáng đạt vô nhiễm của tính tự nhiên tuyệt đối nơi bạn.

Khi ngồi lặng lẽ, thân yên, lời im, tâm am tĩnh, bạn hãy để cho những ý tưởng, cảm xúc hay bất cứ gì khởi lên, tự đến và đi, không bám víu vào cái gì.

(Trích Tạng Thư sống chết - Sogyal Rinpoche, Thích Nữ Trí Hải dịch, NXb Hồng Đức)

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Cho tháng 8


Nhân xem lại bức ảnh chụp ở nhà chị V.L.:

...Hẹn chúng mình lại duỗi chân như thế
ngồi bên nhau nghe kể chuyện vô thường
dù gió buốt thốc một phần tim vắng
vẫn yên lòng một khoảng ấm tri âm.

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Tình nhỏ

Trăng trên biển Phan..., đêm 5-8-2014

Nhìn vầng trăng nhỏ
thương Tình ai mang
giữa bao mây vỡ
vẫn tha thiết vàng

Lâu lâu post thơ tình

...cho blog...tình hình

Nếu anh thấy yêu em quá khó khăn
Em sẵn sàng nhường anh cho kẻ khác
(Người nào đó, dễ yêu hơn một chút)
Để anh sống cuộc đời anh thỏa thích
Chả cần lo hay gắng gỏi gì nhiều.
Anh đừng tin những kẻ không biết nhường nhịn ngồi phán về tình yêu
Em vẫn nghĩ trên đời này
Chẳng thứ gì là sẵn.
Để có ga tàu, cần phải chặt hàng cây
Để có ngôi nhà, cần phải biết đắp xây
Để có tình yêu, cần phải biết quên mình nhiều lúc.
Đâu có trái tim nào tự run
Đâu có hạnh phúc nào tự mọc
Tìm đâu ra một tình yêu không đòi ta phải thay đổi chút gì?
Đâu có đỉnh cao nào không đánh đổi bằng gian khổ khó nguy
Đâu có con tàu nào không ra khơi
Mà biết yêu sự yên bình trong hải cảng.

Nên nếu anh thấy yêu em là quá khó,
Biển kìa anh!
Em sẽ đợi anh về.

Nguyễn Thiên Ngân