Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Sâm & Hạ

Giữ một tơ rơi

Thôi chúng mình cứ nhìn nhau, xa vắng

Đừng nói nhau nghe những nỗi thật thà
Một hơi thở cũng đủ làm náo động
Những ấm nồng vừa yên ngủ, hôm qua

Thôi chúng mình cứ thương nhau trong dạ
Anh đừng nhìn đôi vai nhỏ rưng rưng
Em đừng đếm những nếp nhàu trong mắt
Vạn âu lo mình giấu nốt, như từng

Anh hãy vui bên kia đồi cỏ ngọt
Em ngút xa tựa chim nhỏ cuối trời
Ta đâu thể quay về ngày xanh biếc
Nên lặng im nhìn tha thiết, phai phôi

Mình hãy giữ giùm nhau tình thấm mệt
Như ân cần ngồi giữ một tơ rơi.

29.7.2015
Sâm Cầm

P/S: Thơ của cô bạn nhỏ Sâm Cầm, đọc rất thấm trong buổi chiều...nghiện Kurt Cobain, xót mình "going where the cold winds blow"...
Chữ Tơ rơi trong câu cuối và tựa, như Sâm nói, là em nhớ "Tơ rơi" của em Hạ. Tơ rơi đó ở đây.

Lưu lại ở đây hai mẩu nhỏ "giới thiệu" hai thiếu nữ 'Kira" đáng yêu này:

Thơ Sâm Cầm: Là một tác giả thơ vừa được độc giả biết đến qua giải nhất của cuộc thi thơ trên mạng xã hội Facebook - Lời tỏ tình đầu tiên, nhưng Sâm Cầm không phải là cái tên lạ với nhiều blogger yêu thơ. Nhiều bài thơ tình của cô vẫn được những cô gái “đang tuổi yêu” chia sẻ với nhau, bởi niềm đồng cảm về những giấc mơ tình yêu, những bối rối, luýnh quýnh, dỗi hờn, yêu thương rất là con gái. Và hơn cả thế, người đọc tìm thấy trong thơ Sâm Cầm một mùi vị trong veo vẫn luôn lẩn khuất đâu đó, sau những da diết đầy nữ tính.
Sâm Cầm tên thật là Võ Hoài Sâm, sinh năm 1983, đang sống và làm một công việc liên quan đến sách thiếu nhi tại Sài Gòn.

Gương : 25 tuổi, đang làm biên tập - phát thanh viên của chương trình Khúc nhạc tình trên sóng FM của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, Hạ Tuyên tự gọi mình là “cô - em - không - tìm - được - tính - từ - nào - để - mô - tả” và xem viết lách “như một lời tự thú, một thế giới ở phía sau”. 
Đây là truyện ngắn thứ hai tác giả gửi đến độc giả Tuổi Trẻ Cuối Tuần, sau Tơ rơi (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 18-6-2010). Dù là những truyện ngắn đầu tay, Hạ Tuyên đã cho thấy một giọng riêng khó lẫn, với những con chữ “âm u” mà rung vang, như tiếng gàu thả rơi - lúc nhẹ nhàng, lúc cuống vội ngả nghiêng - trong lòng giếng cũ sâu...“Lòng giếng sâu” ấy cũng là không khí truyện của Hạ Tuyên, cho thấy sau những mộng mị phơi bày vẫn còn thăm thẳm điều giấu kín, khi một người thiếu nữ ngồi kể mà như không kể, một đoạn tình im vang...

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Sợi tơ nhện

GS Cao Huy Thuần: Tính thiện là đốm lửa không tắt...


Ảnh: Tiến Long

Những độc giả từng yêu thích Nắng và hoa, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò, …- những tập sách đã có một góc riêng sang trọng trên kệ sách tản văn Việt bởi góc nhìn uyên thâm, giọng văn ảo diệu – nay vừa có thêm một tặng phẩm mới: Sợi tơ nhện (NXB Trẻ).

Như hầu hết các tập tản văn khác của GS Cao Huy Thuần, Sợi tơ nhện đã được tái bản ngay sau hai tuần ra mắt. Dịp này, Tuổi Trẻ cuối tuần có cuộc trò chuyện với tác giả:

* Trở đi trở lại trong nhiều cuốn sách và đặc biệt trong Sợi tơ nhện, ông thường đề cập đến một nguyên tắc đạo đức quan trọng: không nói dối, và trước tiên phải thật với mình thì mới không dối với người. Có thể hiểu ông rất đau đáu với căn bệnh nói dối tràn lan hiện nay? Theo ông – ở góc nhìn của một giáo sư, bên cạnh gia đình, giáo dục ở nhà trường có thể làm gì thiết thực hơn để dạy mỗi đứa trẻ, mỗi công dân biết thành thật, cũng là biết “làm người”?

            - Nói dối là vấn đề làm đau xót xã hội hiện nay. Chung quanh chúng ta, ai cũng biết, toàn là dối. Chính ta cũng nói dối, vì nói thật thì không sống được. Rồi ta lại dặn con: "đừng nói thật, con ạ, nói thật thì lỗ đấy". Nói dối đã trở thành hệ thống, in sâu vào thói quen, biến văn hóa tốt đẹp thành văn hóa nói dối.

            Nhưng chúng ta đừng mất lòng tin, dù cho tôi chẳng đề nghị được với cô một phương thức gì cụ thể để đưa nói thật vào nhà trường hiện nay. Tôi nghĩ nhà trường cũng chịu thôi. Nhưng, đừng mất lòng tin, vì bất cứ ai cũng nghĩ trong lòng rằng nói dối là xấu. Đừng mất lòng tin, vì tính thiện luôn luôn là ngọn nến trong lòng, đốm lửa không tắt, ánh sáng bất diệt. Lòng tin đó khiến tôi nhiều lần gợi lên vấn đề nói dối, mỗi lần dưới một khía cạnh khác nhau.

Lần này, trong Sợi tơ nhện, tôi nêu vấn đề dưới khía cạnh triết lý, nhưng để đưa đến một kết luận đạo đức đơn giản, có thể áp dụng trong mọi tình huống: hãy thành thật với mình. Khi nói dối, biết mình đang nói dối, biết mình đang xấu, biết hổ thẹn, biết chữa lại. Cái đáng sợ nhất nơi người nói dối là nói dối quen lưỡi, nói dối mà nghĩ rằng mình nói thật, rằng ai cũng nghĩ mình nói thật. Cái đáng sợ nhất, nói theo ngôn ngữ dân gian, là lương tri không còn biết phân biệt đâu là ma đâu là Phật, lầm ma với Phật, Phật với ma. Với lòng tin nơi sự thành thật không mất đâu cả ở trong ta, ta có thể quy y với chính ta, ai cũng có thể thệ nguyện: "tôi nguyện giữ giới không nói dối". Bằng cách tự thắp ánh sáng trong ta, trong mỗi người, biết đâu văn hóa nói dối cũng bớt tối tăm.

* Bởi vậy, có những câu trong sách làm người đọc giật mình chiêm nghiệm, đọc như đọc một câu kinh. Chẳng hạn: "Cách hay nhất đối với bóng tối là ánh sáng. Cách hay nhất đối với xấu là tốt"…

            - Vậy thì tôi kể thêm câu chuyện này nhé, lần này thì lấy trong kinh ra hẳn hoi. Hai ông vua lân bang gặp nhau ở biên giới. Hai xe đối đầu nhau trên một con đường hẹp, chỉ vừa một xe đi. Không ai nhường ai. Cuối cùng, hai ông giải quyết tranh chấp bằng câu hỏi: Ông dạy dân thế nào?  Ông kia nói: "Cứng rắn đối cứng rắn / Mềm mỏng đối mềm mỏng / Thiện đức đối thiện đức / Bất thiện đối bất thiện". Ông này đáp: "Lấy không giận thắng giận / Lấy thiện thắng không thiện / Lấy thí thắng xan tham / Lấy chân thắng hư ngụy". Ông kia xuống xe.

            - Trong Sợi tơ nhện đầy những chuyện giản dị như vậy, lắm khi tưởng là đùa, mà thật là thâm thúy. Ngoài ra, cuộc sống trong những tản văn của ông luôn đầy huyền nhiệm, giúp “thắp sáng” trí óc người thật sự lắng nghe câu chuyện, khiến người đọc thêm trân quý đời sống. Với riêng ông, đâu là “châm ngôn sống” mà ông muốn người đọc nhớ và thực tập nhất từ Sợi tơ nhện?

            - Tôi quý chữ "thực tập" của cô, nhưng tôi đề nghị thay chữ "châm ngôn sống" bằng "kinh nghiệm sống". Châm ngôn là đến từ bên ngoài. Với tôi, đạo đức phải đến từ bên trong, tự tôi khám phá bằng kinh nghiệm, không luân lý nào áp đặt. Vậy, với kinh nghiệm sống của tôi, tôi tự thấy hạnh phúc là khi mình biết quên mình nhiều hơn và nghĩ đến người khác nhiều hơn. Đơn giản thôi, cô ạ. Cô nghĩ đến con của cô nhiều hơn hay nghĩ đến cô nhiều hơn? Khi cô căng thẳng với chồng, và nếu cô biết ngừng lại một chút, quên cái giận của cô một giây thôi, có phải cô cứu vãn hạnh phúc ngàn vàng của cô không? Sau đó, tới thơm ông chồng một cái, trời ơi, có gì hạnh phúc hơn? Ai biết tha thứ, người đó hạnh phúc. Trong Sợi tơ nhện có một chuyện để nói lên ý đó.

* Ông từng nói: “Sách của tôi thường viết là để cho giới trẻ đọc, đạo đức trong ấy là gửi cho giới trẻ”. Với Sợi tơ nhện lần này, ông có e ngại những vấn đề như “Sinh tử”, “Thiền ý »… khó được giới trẻ ngày nay lãnh hội, nhất là lớp trẻ VN ít được đào tạo bài bản về triết học, dễ e ngại những vấn đề còn nhiều tính triết luận?

            - Ôi chao, câu hỏi này liên quan đến nhiều chuyện quá, nhưng trước hết, tôi xin hỏi lại cô: thế nào là "trẻ", thế nào là "già"? Tôi cam đoan với cô, các độc giả cụ già của tôi đọc chuyện yêu đương trong sách, chẳng ai thấy mình già đâu! Tất cả nhân loại, ai chết cũng đều chết trẻ vì chẳng ai muốn mình già. Như vậy, chẳng lẽ cô không tự nhận mình là "giới trẻ"? Nơi quyển Nhật ký Sen trắng của tôi, dưới nhan đề lớn ấy là nhan đề phụ: "Chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh". Bởi vì phụ huynh cũng là "giới trẻ"! Không trẻ với con, hoặc không biết trẻ với con, thì không hiểu con được đâu, không làm đầy đủ được bổn phận của cha mẹ. Cho nên "giới trẻ" của tôi là mọi lứa tuổi, bắt đầu là tôi vì tôi không có tuổi.

            Ấy là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai trong câu hỏi của cô là chuyện làm tôi buồn nhất. Tôi chảy nước mắt trong nhiều sách cũng vì cái buồn ấy. Cái học của ta, cô ạ, không nhắm đến việc mở mang đầu óc suy nghĩ, phán đoán, không khai phóng những cái đầu tự chủ mà giam hãm nó trong nô lệ. Những vấn đề tôi đặt ra trong sách là to tát quá cho giới trẻ chăng? Tôi kể ra đây cho cô vài đề thi môn Triết trong kỳ thi tú tài vừa rồi tại Pháp, nghĩa là cho các em 18 tuổi. "Có phải tôi là cái mà quá khứ của tôi đã làm ra tôi?" "Chính trị có được thoát ra khỏi sự bắt buộc của sự thật?" "Nghệ sĩ đưa ra một điều gì để hiểu chăng?" "Phải chăng ý thức của cá nhân chỉ là phản ánh của xã hội trong đó cá nhân ấy sống?". Họ học là học vậy, cô ạ. Học suy nghĩ. Nói nữa thì chỉ chảy nước mắt thêm mà thôi. Cô nghĩ sống chết là chuyện của các cụ già? Cô tưởng một em bé mồ côi mất mẹ không biết thốt ra một câu chứa đựng tất cả triết lý của thiên hạ: "Mẹ ơi, bây giờ mẹ ở đâu?"
         
            * Như vậy thì chuyện "thiền" cũng không có tuổi, thưa ông?
         
            - Luôn luôn trẻ, càng ngày càng trẻ. Cô quá biết sự bùng nổ của "thiền" trong các xã hội Âu Mỹ đang bị stress này. Đâu đâu cũng nói "thiền". Sinh viên ngồi thiền. Xí nghiệp ngồi thiền. Bệnh viện ngồi thiền. Thậm chí trẻ em ở tiểu học cũng được hướng dẫn ngồi im lặng trước giờ học. Tôi chỉ sợ là thiền đi quá xa trên đường thực dụng. Bởi vậy, tôi muốn đưa thiền về lại với những sự việc đơn giản nhất trong đời sống: một tiếng kêu của con ngỗng trời, một hơi thở ấm của nắng đầu xuân... Đi thì biết mình đi, ăn thì biết mình ăn, cô nghĩ "giới trẻ" không hiểu được chuyện đó hay sao? Trong Sợi tơ nhện, cây roi của ông quan huyện cũng không dám đánh vào mùa xuân của tuổi trẻ vì nó cũng ý thức được mùa xuân vừa đến nơi một tác phẩm của tạo hóa. Tôi muốn "giới trẻ" làm quen với thiền như vậy, nơi bất cứ sự vật nào, nơi một câu thơ bình thường thôi, chẳng hạn câu này của Hàn Mặc Tử:
                                    Chàng ơi, chàng ơi sự lạ đêm qua
                                    Mùa xuân tới mà không ai biết cả.

            Cái giật mình khi chợt thấy mùa xuân đến, ấy là cái giật mình của thiền. Bởi vì không phải ai cũng thấy. Mà ai thấy thì chuyện bình thường nhất cũng là "sự lạ".

            Nếu cô nghĩ rằng "giới trẻ" cũng vẫn chưa hiểu thì tôi xin kể chuyện này. Hồi trước, khi tôi còn đi dạy ở Sài Gòn, tình cờ tôi đọc được một bài thơ trong một nội san của sinh viên trường Luật, bây giờ quên hết, chỉ nhớ lỏm bỏm mấy câu cuối, chắc là không đúng hẳn với nguyên văn:

                                    Tôi tiếp tục gục đầu trên quyển Dân luật khái luận
                                    Khi ngẩng lên
                                    Người yêu đi lấy chồng.

            Không biết sống trong mỗi giây phút hiện tại thì mất bồ là chuyện hiển nhiên, "giới trẻ" nào mà không biết chân lý ấy?

Box:

"Hãy sống như thử bao giờ cũng là khoảnh khắc cuối cùng, và hãy yêu cuộc đời như một ân huệ tối thượng mà ta phải đền đáp bằng tất cả tốt đẹp, thánh thiện trong lòng"

Trích Sợi tơ nhện – Cao Huy Thuần

P/S: Bài đã in trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Và bài điểm sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn: 
Bài trên blog của BS Đỗ Hồng Ngọc: Đường bay của hạnh phúc