Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Ta tựa vào nhau một kiếp dài


Vĩnh cửu
còn lại trong tôi là câu thơ ấy, trong bài thơ nhỏ ứng tác khi đang xem phim. Những vòng ôm, những cái nắm tay, những ngồi đứng song hành...trở thành nhũng khoảnh khắc người ta cần nhất, giữa những cơn vui và cơn đau, giữa trùng ngộ và chia lìa...

Biết nói gì (thêm) về Vĩnh cửu? ‎Khi tôi đồng cảm với cảm xúc của người ngợi ca và đồng ý luôn với những lý lẽ của người chê. Nhưng với riêng tôi, Trần Anh Hùng đã thật sự thành công với bài thơ của anh (tôi vẫn muốn gọi Vĩnh cửu là một bài thơ của cảm giác).

Nghe "thơ" anh, tôi thấy tim mình bị bóp nhẹ - như cách mà anh nói về cảm xúc của mình khi đọc cuốn Nét duyên góa phụ. Cái bài thơ dày đặc cảnh (so với tình) và có vẻ mỏng ý của anh cứ làm tôi nghĩ về nó suốt, sau khi đã rời rạp chiếu mấy ngày. Chắc vì cái ý mỏng mảnh ấy lại khiến người xem mở ra thêm một câu chuyện cốt tử của đời người ở cõi dục này: Hợp và Tan, Sống và Chết.

Chúng ta có nhau, có nhau! Sự có mặt của người này làm nên đời sống (rực rỡ) của người kia. Và ngược lại. Gió buốt thốc một phần tim vắng - cái trái tim không còn nguyên vẹn hình hài và linh hồn nữa, khi một trong những người thân yêu của ta rời đi, vắng mặt. Vĩnh viễn.

Sự rực rỡ nào rồi cũng úa tàn. Trong trùng ngộ đã có mầm ly biệt.

Chỉ vậy thôi, cái lẽ đời Sinh - Dị - Diêt, cái vòng tròn Tử - Sinh của kiếp nguời, đi hết cái kiếp vừa ngắn ngủi vừa dài thượt này, ta sẽ khó mà hiểu thấu, để bớt phí hoài, bớt đớn đau...

Nhưng đớn đau cũng không phải là thứ mà ta phải trốn chạy. Cứ mở lòng đón nhận những biến dịch, ngẫm lẽ vô thường để giúp mình đứng dậy, một mình, sau nhũng lúc “rơi tự do” hay chỉ chực ngã vào ai đó, với thân tâm đầy thương tổn.. .

Tựa vào ai mà mình vững chãi nhất? Không ai cả. ‎Chính mình thôi. Cái thằng người cô đơn mà chẳng thể cô đơn, giữa vũ trụ diệu kỳ này. Khi anh được sinh ra từ chính hạt cải trong vườn, con nuớc dưới muơng, từ chính bầu không đang quyện cả mùi hương hoa lẫn mùi tử thi của những người vừa nằm xuống...

Tựa vào ai? Cái thằng người bé nhỏ mà đầy sức mạnh tâm linh không chịu khai phá. Vì vậy mà, ai cũng qua một đời, nhưng không phải ai cũng sống đủ một đời. Không phải ai cũng tìm thấy chính mình như một "hải đảo tự thân".

Những người phụ nữ trong phim, họ không nói đến những triết lý dông dài xa xôi đó. Họ đơn giản sống cuộc đời của mình, sinh nở hoài hoài, dành hết tình yêu nồng thắm của mình cho người bạn đời, cho những đứa con… Giản dị vậy thôi, mà họ có lúc làm tôi - kẻ chưa bao giờ muốn tạo tác một sinh linh - nghẹn thở…

Hình ảnh tôi nhớ nhất trong phim, lạ lùng, lại là hình ảnh một sợi dây buộc tóc bằng vải, khi cô con gái ôm choàng mẹ mình và tựa đầu vào bà… Một vẻ đẹp rất nhỏ thôi, đủ làm người xem xúc động, làm ta bỗng nhiên tự hào về giới nữ - những người tạo nên từng vẻ đẹp li ti tinh tế nhất của đời sống này.

Tôi sẽ còn nhớ lâu nữa, một hình ảnh khác ngoài khung hình. Đó là lúc rạp đã vắng người, màn hình đang chạy những dòng chữ cuối, một khán giả - cũng là một đạo diễn khá duy mỹ - ngồi bất động một mình, như là “lặng đi”, giữa những chiếc ghế trống. Mắt anh mở to dán vào màn hình, không biết có người đang nhìn mình, nhìn những giọt nước trên má anh như sáng lên dưới ánh đèn….Tôi thấy mắt mình như đang nhòe đi…

Đạo diễn cần gì hơn nữa? Cái sự ám lấy khán giả ấy, từ một ý phim (rất) gợi, từ một âm thanh nhỏ trong "tiếng đàn" ngân, tắt, lịm… của anh, và cả sự vô thanh sau đó?

P.S: Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Online.




Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Đứa trẻ nào cũng xứng đáng có quà…

Ngay mùa tựu trường, một tờ báo đưa tin Ksor Sôn, học sinh lớp 6 ở Ia Der, Gia Lai vừa tự tử bằng một sợi dây.

Điều gì khiến một đứa trẻ 11 tuổi - cái tuổi ham chơi, ham vui - quyết định chấm dứt cuộc sống của mình sau khi vừa nổi lửa nấu một nồi cơm? Em đã từng bao nhiêu lần có ý định đó, hay chỉ vì một cơn buồn vô hạn không kịp nghĩ suy?

Em đi rồi, và chỉ có em mới biết rõ nguồn cơn. Những người nghe tin như chúng ta - có thể nhói đau một ít rồi cũng quên đi - chỉ biết là có một niềm mong mỏi của em chưa bao giờ thành hiện thực: có một bộ quần áo mới để mặc đi học – như chia sẻ của cha em trong niềm ân hận không sắm sửa được quần áo mới cho con. Niềm mong ước ấy của em kéo dài 6 năm đến lớp, 11 năm mặc những bộ quần áo nhàu cũ của anh mình - người anh cũng đã từng từ chối cuộc sống bằng một sợi dây.

Chúng tôi đọc tin về Ksor Sôn khi vừa rời Hà Tĩnh để về lại Sài Gòn sau chuyến đi tặng quà cho 300 em học sinh tiểu học ở  Kỳ Anh - vùng biển chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi chất thải độc hại của Formosa. Buổi chiều muộn hôm đó, khi các em học sinh ở điểm tặng quà cuối cùng đã về gần hết, một người mẹ dẫn cậu con trai không có tên trong danh sách đến hỏi chúng tôi có còn dư bộ quần áo nào không. Gương mặt người mẹ khẩn cầu, thoáng buồn. Còn gương mặt cậu bé không hẳn là buồn nhưng không có chút "lấp lánh" hi vọng nào trong ánh mắt.

Lúc đó, chúng tôi chỉ còn dư hai bộ quần áo dành cho bé gái. Khi chưa kip ướm thử quần cho cậu bé, mẹ cậu đã nói ngay: "Rộng chật gì cũng được, về sửa lại". "Quần này vừa rồi, chị giữ cho bé hen, còn áo thì tụi em không tặng được rồi vì đây là áo nữ, có bèo". "Không sao hết, về tui cắt bèo ra". Rồi hai mẹ con vội vã mang bộ áo quần mới dành cho bé gái về, gương mặt không còn nét thất vọng nhưng cũng không nụ cười...

Nhưng những ngày này, tôi vẫn tự ‘vẽ’ cho mình hình ảnh cậu bé nở nụ cười khi mặc bộ quần áo mẹ em đã chỉnh sửa đến lớp. Con nít mà, cái gì mới tinh cũng thích. Quà ít, quà nhiều, miễn là “có quà’. Em không đặt câu hỏi với chúng tôi về “cần câu” hay “con cá”, về mục đích chúng tôi mang những món quà khai trường đến cho bất kỳ đứa trẻ nghèo nào, không phân biệt học lực.

Đơn giản, chúng tôi tin em sẽ có thêm chút niềm vui cho ngày tựu trường với cặp mới, nón mới, giày mới và tất cả những hành tranh cơ bản nhất cần sắm sửa cho một đứa trẻ đi học, tất cả đều mới và là “của chính em”. Chúng tôi không biết được đường đến trường của các em rồi sẽ dài bao lâu, nhưng ngay lúc này đây, em sẽ có thêm một ít động lực để nối dài giấc mơ sách vở…Như với các em trường tiểu học Kỳ Hà (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chùng tôi vẫn khấp khởi nuôi hy vọng một số em có quà khai trường sẽ rục rịch trở lại lớp học. Trường đã tựu trường từ cách đây một tuần, nhưng chỉ khoảng 100 trong 700 em đến lớp, bởi cha mẹ các em – hầu hết là ngư dân bị thiệt hại nặng nề trong “sự cố môi trường” - không cho phép. Trong sự loay hoay và bế tắc của cuộc mưu sinh, họ làm mọi cách để biểu thị sự phẫn uất, kể cả tạm thời ngăn đường học của con.

Tôi tin, cha mẹ các em rồi sẽ nghĩ lại, nếu đã cùng chúng tôi nhìn thấy các em xúm xít khui quà, hấp tấp thử đôi giày mới, chiếc áo mới, chăm chú tột độ vào từng món quà nhỏ hay mải miết ngồi đọc tập truyện thiếu nhi vừa được tặng, mặc kệ tiếng ồn xung quanh…

Mùa tựu trường về, nhớ người mẹ Kỳ Anh, tôi lại nhớ ba chữ “áo cao su” nhiều em ở trường Đưng K'Nớ (Lạc Dương, Lâm Đồng) đồng thanh hét lên khi chúng tôi lấy trong “chiếc cặp quà bí mật’ ra một chiếc áo mưa, đố các em đó là gì. Nhớ tiếng la “dép!” của các em trường tiểu học Thạnh Yên (Kiên Giang) khi thấy đôi giày mới. Nhớ đôi ủng màu tím của một cậu bé lớp 5 trường tiểu học Đông Sơn (A Lưới) - thứ duy nhất em có để mang, “kế thừa” từ giày đi rừng của người lớn để lại. Nhớ đôi mắt xoe tròn hạnh phúc của cậu bé ở trường tiểu học Đại Ân (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) khi tròng vào chiếc áo ngả màu cháo lòng của em một chiếc áo trắng mới tinh…Nhớ cái miệng chữ O của cậu nhóc Chợ Vàm (An Giang) khi nhìn vào chiếc cặp có ảnh siêu nhân: “Em thích siêu nhân!”. Rất nhiều, nhiều nữa, những ánh mắt lấp lánh chúng tôi nhìn thấy trong mỗi chuyến đi, những gương mặt cứ từ từ bừng sáng dù tóc rối, dép nhựa mòn, quần cao ngang ống chân vì mặc đã lâu…

Càng đi, chùng tôi càng tin: Đứa trẻ nào cũng xứng đáng có quà. Không nhìn thấy một đứa trẻ tỉ mẩn viết bài với chiếc bút chì đã cùn ngang ngón tay, sao chúng ta có thể hình dung niềm vui to lớn của em khi được tặng nhiều bút chì mới?

Mùa tựu trường về, thi thoảng trong những giấc mơ của tôi vẫn có hình ảnh các bạn nhỏ. Những giấc mơ cho một mùa tựu trường lấp lánh sắc màu. Rất nhiều nụ cười khi chúng tôi trao và nhận cùng nhau những niềm vui nho nhỏ. Vậy mà, mỗi lần nhớ, nước mắt ở đâu cứ lặng lẽ ứa ra. Bởi tôi biết, còn bao nhiêu là nỗi buồn thiếu ăn thiếu mặc của những đứa trẻ...ở xung quanh đây, là lỗi của tất cả những người lớn này.

P.S: Tạp bút viết cho TTCT số 34.2016. Từ một status trên FB, "triển khai" thành tạp bút theo "đặt hàng" nên mấy chỗ nối cũng thấy hơi gượng :)

Update: Thông tin về Ksor Sôn, sau lại được một tờ báo đưa tin khác với những thông tin trước đó, rằng người anh trai thật ra là anh họ, Sôn có hai người chị, và gia đình dù khó khăn nhưng không đến nỗi không lo được quần áo mới cho em.

Giấc đời mơ

Đêm 2.9, đến thăm bạn, gặp bạn và T. đang ngủ, gương mặt bình yên, lòng rưng rưng lạ. Nhớ câu thơ "Giấc đời mơ, giấc đời mơ" của Lam Điền mà bạn từng lấy làm nhan đề cho một bài viết của mình, bài viết cuối cho hành trình một năm "bay khinh khí cầu" của bạn, có nhiều đoạn mình yêu thích:

"Thứ đẹp nhất – đem lại cảm xúc mãnh liệt nhất mà tôi nhìn thấy trong suốt một năm qua là con người. Sự tử tế. Lòng tốt. Trách nhiệm. Khả năng chịu đựng và thay đổi. Và cả những hoang mang, buồn thương, giới hạn, rạn vỡ, những sự thật không cách nào thay đổi được dù có muốn hay không.
Những cuộc đời được cắt lát hoặc thu nhỏ lại như mô hình, đặt sống động trước mặt tôi. Để bước vào và bước ra khỏi từng cuộc đời đó, dù đã nhẫn nại vô cùng, đôi lúc tôi vẫn không khỏi gây trầy xước cho chính mình.

Đó cũng là điều trước kia tôi chưa từng mong đợi hay tìm kiếm qua những chuyến đi. Tôi vốn thích thiên nhiên hơn con người, thích con đường rộng mở hơn khoảng không nhỏ hẹp, thường bị lôi cuốn bởi văn hoá khác biệt và lối sống đầy màu sắc, hơn là những cuộc đời cũng bình thường không khác gì mình.

Nên rốt cục, dù có nghĩ mình biết mình nhiều đến đâu, thì con đường vẫn có thể mở ra những bất ngờ về chính bản thân chúng ta, chứ không chỉ về thế giới này".

Ừ, Mít ơi, cuộc đời lạ lùng, những trầy xước lẫn những diệu kỳ tươi mới sẽ còn bất ngờ mở ra. Tin Mít sẽ đủ nhẫn nại và an nhiên.

Mừng một "cuộc đời mới", một "giấc đời mơ" sống động nhất đã đến.

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Để nhớ Omar, Amjad...


Đêm không ngủ được, không thiết làm gì, nhớ "những người bạn" Syria, ngồi dậy search thêm câu chuyện về họ để đọc, tìm thấy bài này, đọc dòng update của tờ báo - thông báo cái chết của một người mình kịp nhớ tên (từ một bài luyện nghe hôm trước), điếng lòng, càng không ngủ được, dù trong cuộc nội chiến đang diễn ra ở đất nước này, còn gì lạ đâu, khi sinh mạng con người có đó rồi mất ngay đó.
Omar ơi, anh yên nghỉ thanh thản, và cầu chúc cho anh luân hồi trở lại ở một đất nước hòa bình.

Có những người lính ở Syria - như Omar - một tay cầm súng, tay còn lại vẫn cầm sách. Ngồi giữa tâm bão của cuộc chiến, họ vẫn đọc, như một cách nuôi giữ hy vọng, và nói như Omar: "Books motivate us to keep on going. We read how in the past everyone turned their backs on a particular nation, yet they still made it. So we can be like that too. They help us plan for life once Assad is gone. We can only do that through the books we are reading. We want to be a free nation. And hopefully, by reading, we can achieve this".

Omar vẫn hay giữ một thư viện mini bên người và là người vẫn hay cầu nguyện cho thư viện bí mật trong lòng đất của Syria, mỗi khi bom đạn oanh tạc gần đó.

Đó là thư viện nằm dưới một tòa nhà đổ nát trong lòng Damascus. 14.000 quyển sách mà thư viện này đang có được nhặt nhạnh trong đống đổ nát của những toà nhà bị bom đạn phá hủy. Thư viện là thành quả của rất nhiều lòng can đảm. Bởi để tìm kiếm từng quyển sách, những tình nguyện viên phải vượt qua nỗi sợ hãi tên bay đạn lạc và họng súng của những tay bắn tỉa. Họ cứu một quyển sách, như cứu một niềm hy vọng, một cảm hứng sống, một "nhu yếu phẩm" của linh hồn.

Trong một thành phố bị vây hãm gần suốt 4 năm, có phải sẽ ý nghĩa hơn để người ta dành thời gian tìm kiếm thực phẩm thay vì những quyển sách? Anas - một trong những người sáng lập nên thư viện nói: "I believe the brain is like a muscle. And reading has definitely made mine stronger. My enlightened brain has now fed my soul too".

Thư viện bí mật này vốn cũng là một chốn trú ẩn không chút an toàn, có thể bị không kích bất cứ lúc nào, nhưng có một cậu bé 14 tuổi vẫn lui tới thư viện hàng ngày.

Cậu bé là Amjad, cũng là một người tôi đã kịp nhớ tên từ hôm trước (cảm ơn Aaron & Dan), và giờ đây, nhờ bài báo trên BBC, tôi đuợc nhìn gương mặt em - một gương mặt rất đáng yêu. Có một video ghi hình em "đứng ngồi với sách" trong link này, bạn có thời gian hãy "nghiêng nhìn" em một chút :).
Amjad làm tôi muốn kể thêm câu chuyện của chúng tôi.

Hôm KiraKira ngồi lựa truyện thiếu nhi cho các bạn nhỏ Hà Tĩnh, một người bạn hỏi: Liệu tụi nhỏ có đọc những quyển sách mà ta mang tới không? Và cô ấy tự trả lời: "mình nghĩ là không".

Đó là một mối hoài nghi lớn mà tôi chưa bao gờ có trong đầu. Nên hổm rày tôi cứ nhớ hoài câu hỏi ấy, và cũng tự hỏi mình: Liệu mình có lạc quan lắm không, khi nghĩ rằng khác với những trẻ em thừa mứa mọi thứ, hầu hết những đứa trẻ nghèo chưa có cơ hội sở hữu những quyển truyện riêng trong đời đều sẽ vui mừng khi trở thành chủ nhân của những trang sách đầy sắc màu. Và các em sẽ đọc.

Dù gì, từ lâu, tôi vẫn nghĩ: chỉ cần 10% trong số những bạn nhỏ được tặng sách vui thú cầm cuốn sách lên, lật từng trang, đọc nó...là chúng tôi đủ động lực để tiếp tục xem sách là một món quà không thể thiếu, cho bất kỳ đứa trẻ nào. Biết đâu, tình yêu với việc đọc sẽ được nhen lên từ một quyến sách nào đó mà một cô cậu bé nào đó có được...Như tình yêu thuần khiết mà Amjad đang có. Để em vẫn có đuợc những thế giới riêng đầy sức mạnh của mình giữa bao nguy khốn.

Tình yêu với việc đọc được nhen lên, đó sẽ là món quà quý giá nhất mà những người chuyền tay/ trao tặng những quyển sách nhận lại được. Chính tình yêu ấy sẽ giúp con người ta "tự do khỏi nỗi sợ hãi", cho dù phải sống giữa muôn trùng vây của chiến sự hay giữa một thể chế đầy những bất toàn.

Nguyện cầu yên bình cho thư viện đáng nhớ này. Nguyện cầu yên bình cho những người cứu sách.

Cảm ơn Omar, Amjad và những nguời bạn Syria giữ cho tôi một niềm tin và gợi lại trong tôi một cảm giác hổ thẹn, khi nhiều quyển sách trong tầm tay mà hẹn hoài chưa đọc. Có ích gì, những quyển sách cứ nằm im lìm ấy, không được đọc và cũng không được cho đi?

23.8.16

Những tâm hồn xanh màu lá non

Trang blog lâu này ít cập nhật, không hiểu vì sao vẫn có lượt đọc mỗi ngày,..bèn copy lại vài bài từ FB, "đáp lễ" những bạn đọc không quen, vô tình lạc bước :):

Copy status ngày 14.8.2016:

Mình là người lớn chậm, và... yêu chậm.Thậm chí nhiều ông anh quen biết quả quyết là đến giờ mình (vẫn) chưa biết yêu! Gặp trai nào (may quá) ế ế, có người còn ...quảng cáo + năn nỉ: "nó chưa biết yêu đâu, tập cho nó yêu đi". :)). Tin mấy ổng hay không thì tùy, nhưng sư thật là mình...yêu chậm, nên mình không có cậu bé "thiên thần" nào trong ký ức, trước tuổi 18.


Vở kịch "Thiên thần nhỏ của tôi" làm mình nghĩ đến điều ấy. Thiên thần mình trông đợi...đến chơi với mình có không, ở đâu? Nhưng có hay không một người bạn ấu thơ cùng ngoéo tay hẹn thề "chơi với nhau tới lớn" cũng chẳng là điều; niềm hạnh phúc cho tâm hồn xanh tươi của bất kỳ đứa trẻ nào, còn là tình bạn kỳ diệu với khu vườn tuổi nhỏ, với con cún, con mèo, con sáo đang tập nói,...


Mình cũng từng có một khu vườn nhỏ, nơi mình được ngước cổ nhìn trái chín, được cúi xuống nhìn cánh hoa, nơi mình nằm vắt vẻo giữa hai chạc cây đọc sách... Mình cũng từng "xây" những nấm mồ nhỏ để chôn con dế, con bướm qua đời. Thế cho nên, hai "Thiên thần nhỏ" trên sân khấu Hồng Hạc cứ làm mình nhoẻn cười, rồi lại rưng rưng...với những tâm hồn xanh màu lá non, những tâm tình con nít đáng yêu...


Sau một ngày làm việc, người mướt mồ hôi khi đến sân khấu, và 90 phút trôi qua, mình cứ như được tắm với nước giếng trong lành. Một bông hoa ngày cũ nhè nhẹ nở trong thành lòng (chữ "thành lòng" này mình "chôm" của Romain Gary :)). Thiên thần ư? Những "hoàng tử bé" ở trong mỗi chúng mình đấy thôi! Lúc nào cũng đợi ở đấy, trong thành lòng, chờ mình tìm về...


Cái đêm "thiên thần" ấy, mình ngồi cạnh thiên thần (hết) nhỏ Le Hong Lam. Trên sân khấu, mỗi khi cậu bé Kha tập cho con sáo của em nói "Chào Hồng Hoa" để làm vui lòng người bạn Hồng Hoa, em lại nhắc tuồng: "Nói đi sáo, chào Hồnggggg..." (cái chỗ này Gia Bảo cất tiếng cực kỳ dễ thương, cái chữ "Hồng" của em vừa trong veo, vừa đượm tình, nghe cưng lắm); ngồi dưới này, trong lúc chờ con sáo nhỏ nói, mình lại thầm thì (cũng đượm tình à): "Lâm!" (haha). Ba lần như thế, mà không lần nào Hồng Lâm cạnh mình nghe thấy, mình nhìn sang, cứ thấy chàng dán mắt vào sân khấu. Đấy, kể thêm khúc này, để các bạn tự đoán là kịch có cuốn hút hay không ;)).


Hồng Lâm không nghe thấy, làm mình mừng cho Hồng Hoa và Hồng Hạc ;). Thương một vở kịch thiếu nhi dễ thương mà còn vắng người xem, nhưng mừng cho Hồng Hạc có vở chinh phục được khán giả (khó tính như Lâm), mừng cho mảng kịch thiếu nhi có được một vở mang màu sắc riêng, mừng nhìn thấy những gương mặt mới đầy triển vọng trong lớp diễn viên nhí.


P/S: Vở này do đạo diễn Việt Linh viết kịch bản, chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Lan Phương đạo diễn

Xin yêu khôn nguôi…


Có những tình yêu tưởng đã thật đầy, nhưng không, càng lúc càng nhận ra cái tình mình tưởng thật đầy đó, thật ra nhỏ bé vô cùng, và chưa bao giờ là đủ… Bằng chứng là, theo ngày tháng, sau mỗi cuộc gặp, tình yêu ấy cứ ngày càng đầy lên, một cách tự nhiên, như khi nước dâng đầy mắt vì một nỗi vui nào đó…

Nếu không phải vì những tình yêu bất kỳ cứ đầy dần lên, còn điều gì khác khiến con người ta thêm thiết tha với đời sống này? - cái đời sống tưởng nhiều lúc toàn màu tuyệt vọng - bởi những đói nghèo, những u mê, những hung hăng trong từng giọng nói… Và những tiếng ồn vây hãm đời sống ấy, đôi khi có giọng của chính mình..

May mà, còn có trẻ thơ - những tâm hồn trẻ thơ luôn níu chúng ta đi về phía niềm vui…

Có một niềm say mê kỳ lạ với những đôi mắt trẻ thơ, thật muốn ôm từng gương mặt bé con tôi được ngắm nhìn, ở mọi nẻo đường, mọi góc núi, mé sông tôi được “đến gần”. Đôi mắt các em là những tấm gương soi. Nhắc tôi tình yêu của những người lớn như chúng tôi chưa bao giờ đủ trong, đủ rộng…Nhắc tôi không có gì cần thiết hơn là làm đầy những tình yêu đã có, buông dần cái tâm phân biệt ta/ người. Nhắc tôi gìn giữ chút “hoàng tử bé” còn lại trong mình.

Những khoảnh khắc nhìn vào những đôi mắt bé thơ lấp lánh niềm vui kia, là những lúc tôi thấy đời sống này lấp lánh nhất…
Mỗi chuyến đi của chúng tôi, vì vậy là những cuộc vui chung, cho cả Kira bé và Kira lớn.

Cảm ơn các mặt trời bé con, cảm ơn KiraKira đã cho tôi gặp các em, cho tôi được gắn bó với những người bạn đáng yêu, những đồng đội tuyệt vời - những trái tim yêu trẻ thơ đã nhiều lần khiến tôi ứa nước mắt vì cảm kích, vì được sẻ chia…

Ảnh: Nhớ lắm hoàng tử bé này của Cù Lao Dung. Lúc này hoàng tử đang "khui quà" cùng mẹ và mặc thử chiếc áo mới KiraKira mang đến. Em là một trong những cô cậu bé đầu tiên hăng hái chạy ra mé sông - nơi ghe chúng tôi cập bến - phụ mang từng chiếc cặp vào trường. Nhớ đôi mắt này, nhớ sự nhanh nhẹn, sự đón nhận niềm vui …một cách trầm lặng của em, chúc em rồi sẽ trở thành một chàng trai vững chãi…:x

7.6.2016

Con đường thẳng tắp, con đường một mình

1g khuya đêm qua, nghe tin Người văn của một nền văn học "bị xóa trắng" ra đi, không hiểu sao âm âm trong đầu 4 cầu thơ buồn của Mai Thảo:


Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy


Trích lại mấy dòng Mai Thảo từng viết về Dương Nghiễm Mậu ở đây, cho các bằng hữu chưa đọc:

...Nụ cười tươi tắn, cái nhìn hỏm hỉnh. Đúng là Dương Nghiễm Mậu, độc lập một trời riêng, tách biệt một đường riêng, phản chiếu trong văn viết và trong một tấm hình nổi tiếng độc đáo của Trần Cao Lĩnh, Mậu nhắm mắt mỉm cười dưới một mặt kim đồng hồ kim phút kim giờ cùng ngộ nghĩnh rớt xuống.

....Một lần khác, gặp trên hè đường Tự Do, xế cửa nhà sách Xuân Thu. Mậu, một cây dù Tú Xương, tay kia xách một túi giấy, nói ở trong là một cái chăn len, đồ dùng quý nhất còn lại trong nhà, và Mậu đang trên đường ra chợ trời Tôn Thất Đạm bán lấy ít tiền đem về cho vợ mua gạo. Kể chuyện khốn quẫn mà cười thật vui, nét mặt sinh hoạt, ánh mắt riễu cợt.

Sau 1975, tôi đã nhìn thấy ở nghệ sĩ ta một số bản lĩnh chói loà. Những phong thái trầm tĩnh, những bản ngã dũng liệt, trong nghịch cảnh mới như một đường kiếm tuốt ra khỏi vỏ, mới lấp lánh hiện hình. Nhưng tươi tắn, vững vàng và trong sự trẻ trung đặc biệt, gần như không có tuổi, thì là Dương Nghiễm Mậu thôi. Chỗ này là chỗ nói đến võ công thâm hậu, đến tư duy đạt thành và kín thầm nhưng đoán thấy, sự kiêu hãnh tuyệt của người nhà văn nơi Dương Nghiễm Mậu.

...Bằng hữu văn nghệ ở Sài Gòn gần như trên hết thảy đã ngừng viết và đã phải đổi nghề. Để sống. Để có lao động, để được yên thân...Riêng nghe tin Dương Nghiễm Mậu bây giờ làm công nhân một xưởng sơn mài thành phố, không hiểu sao tôi lại thấy vui vui và muốn cười. Có lẽ vì Dương Nghiễm Mậu bao giờ cũng đến với tôi bằng khuôn mặt đó. Khuôn mặt một người nhắm cả hai mắt lại, cho cái nhìn trở thành cái nhìn bên trong, cái nhìn tâm hồn, và nụ cười tủm tỉm hóm hỉnh là chân dung Mậu ở tấm hình chân dung ngộ nghĩnh của Trần Cao Lĩnh. Cũng có lẽ vì tôi thấy Mậu vững chãi nhất, chẳng phải buồn phiền và xót xa cho hắn.

... Muốn hỏi Mậu ở Việt Nam nghìn dặm : "Những tấm sơn mài ấy có vẽ hình sông núi quê hương?" Chắc là có. Chắc là có. Không trên tranh thì trong tim, trong hồn, trong thức, trong ý. Và cái nền của sơn thì vẫn là một con đường. Con đường đi qua đời sống. Con đường đi qua văn chương. Con đường đẹp nhất, vì con đường thẳng tắp. Con đường đẹp nhất, vì là con đường một mình....

3.8.2016

Say goodbye to Abbas Kiarostami


https://www.facebook.com/le.h.lam/posts/10206902179458426

Cảm ơn anh Lâm rất nhiều vì một nén hương thật đẹp dành cho Kiarostami. Đọc được bài thế này, đỡ buồn biết bao nhiêu.

Gió sẽ cuốn chúng ta đi. Và ông đã đi. Nhưng cứ thấy xao xác một nỗi buồn, như bất ngờ một mạch sống tinh khôi vừa đứt gãy. Cảm ơn thế giới nghệ thuật của ông - thứ nghệ thuật giúp ta hiểu cái đẹp tận cùng của sự giản dị, giúp ta yêu thêm từng cảm xúc li ti của vòng tròn đời sống.

Với riêng ông, mình còn có một kỷ niệm khó quên, bởi ông đã làm cho mình "đau khổ" một ngày trời. Lúc đó ở Busan, khi vừa biết được ông ở cùng khách sạn Seacloud, mình cứ đau đáu việc tìm cách tiếp cận ông, nhưng rồi đau đáu thêm chuyện khác: Gặp được rồi, mình sẽ nói được gì với ông với vốn ngoại ngữ và vốn kiến thức điện ảnh nghèo nàn của mình? Làm sao để gặp ông đây? Cứ vậy, mà buồn...Nhưng rồi cũng may mắn vô tình mà gặp, ngay lúc ông sắp rời đi, nói đôi câu, chụp với ông một tấm ảnh...Chỉ vậy thôi, đủ có thêm một ít gắn kết vô hình, để vẫn dõi theo ông...

Buổi chiều tranh thủ chút thời gian rảnh, đọc lại những quotes của ông, gặp câu này, tự nhiên rơm rớm: "In the total darkness, poetry is still there, and it is there for you". Nhớ Thanh Tâm Tuyền: "Thơ mở ra một cõi ngoài cho người ta sống...". Đấy, có gì phải buồn đâu. Ông vẫn ở đó, ở đó, bất diệt như niềm tin vào cái đẹp và sự an ủi của thơ ca. Ông đã có một "cõi" riêng khác trong nghệ thuật để sống thật đầy rồi. Và sống có khí chất, như một câu nói của ông mà đạo diễn Việt Linh từng dẫn lại: "Các nhà kiểm duyệt chỉ muốn nói đến mùa xuân, nhưng chúng ta phải biết ăn mặc ra sao bởi thời tiết luôn thay đổi".

Về với mùa xuân trong lòng đất bình yên nhé, người thơ Iran!

5.7.2016