Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Có ai trong bóng tối nhìn tôi

Rating:★★★
Category:Other
1.
Ngẫu nhiên, Tôi có mặt ở ngôi nhà ven biển.

Ngôi nhà ngói vỡ, lá dừa khô che đắp. Vách sắt vỏ thùng hắc ín. Nó sắp chìm nghỉm giữa cát trắng và những lùm cây dứa dại, xương rồng.

Miền thuỳ dương mưa đêm không còn bóng thuỳ dương. Cát hút hạt mưa như chân mèo thấm trên thảm.

2.
Bóng tối, Tôi nghẹt thở. Rum mang theo ngụm đầy, phê tức khắc. Một đêm của chặng phượt độc hành, xe máy cạn xăng. Điện thoại cũng hết pin.

Biển ngoài bờ gai xương rồng, dội sóng.

Muỗi hổ chích xé thịt.

Tôi buộc gọn lại đuôi tóc Giao Chỉ sau gáy.

3.
Cánh cửa ván ghép thùng đạn pháo lay động. Kẹt. Kẹt.

Ngoảnh nhìn ra. Cảm giác có người.

Hai bóng đen di chuyển nhấc bước là là mặt cát. Bóng lượn quanh. Trong chớp sáng loé từ biển, quân phục xanh lá, quân phục rằn ri, hiện lên lấp loáng, chờn vờn.

Hai gương mặt như là phiên bản của nhau, buồn rầu, như tráng thứ lân tinh mờ, xanh dịu, lửng lơ trong mưa xiên. Ngăm đen, ria mép, mũi thẳng, mắt nâu màu cát cháy ngấm nước. Cộm trái trám yết hầu. Gò má dài, căng bóng. Hai gương mặt như hai con sứa chờn vờn vũ điệu. Không tiến gần, mà cũng không rời xa nhau.

4.

Cầm cây đèn cầy màu đỏ, lom khom vòng quanh, chỉ lo lỡ thẳng lưng là Tôi có thể đội lên cả góc mái.

Cát thạch anh, xô lún dưới đế giày, dội vào cảm giác hoang vu giữa lòng ngôi nhà. Vì lý do nào đó chủ nhân không thường hiện diện. Nhưng Tôi vẫn cảm nhận được cả dấu tay người chủ in vết trong không khí.

Bàn thờ gỗ xoan bôi dầu điều. Vỏ lon sữa bột han rỉ sắt chân nhang lèn cứng. Tấm vải đỏ che bài vị lấm tấm cứt ruồi.

Bộ ván trải chiếu nhựa. Cối giã trầu. Trầu tươi. Chiếc rổ nhựa lỏng chỏng mấy củ khoai lang như rễ cây. Đĩa ớt xanh ương. Muối. Bếp lò đất sét đun củi vụn, nguội lạnh một góc nhà không có nhiều muội khói.

Tôi vạch lộ trình Phượt ở miền thuỳ dương này. Thuở một nhà hai phe Cộng Sản và Quốc Gia, đã là chuyện thế kỷ trước, nhưng bom mìn vẫn còn ngủ lâm sàng dưới cát.

Người chú chưa biết mặt của Tôi đã cháy cùng chiếc T54. Rất có thể nòng pháo của xe tăng ấy còn kia, nhô giữa bờ hàng rào xương rồng.

Tháo túi ngủ. Bộ đồ vẽ đã buộc chặt theo xe, chắc không ai trộm thứ vô bổ đó. Tôi đẩy chiếc xe vào vạt sân cát.

Mưa bong bong gõ bình xăng rỗng. Con chuột cát kéo lá về tổ bị chiếc xe máy cản đường loay hoay đi vòng. Phần nào, Tôi cũng giống con chuột. Tôi vòng về quá khứ bất an của người chú.

5.
Bánh mỳ, nước lọc, mấy cái khoai sót, ớt ương.

Bữa tối tạm ấm lòng.

Tôi cúi đầu trước ban thờ ngôi nhà hoang. Quầng sáng đèn cầy bị cắt ngang dọc cánh bay thiêu thân. Ậm ự, Tôi không biết khấn sao. Chẳng lẽ khách ngủ đỗ lại không biết xin phép chủ nhà.

Người khuất được thờ tự hẳn hiện diện sau tấm vải đỏ.

Đứng trên chiếc ghế nhựa, rơi tõm vào trạng thái phi trọng lực, bàn tay Tôi bỗng co ríu trên hai khung ảnh cỡ sách giáo khoa tiểu học, úp khuất dưới gờ chỉ bàn thờ, tầm nhìn ngang không thể nhận ra. Bốn chân ghế run rẩy như giữa cơn địa chấn.

Hai tấm ảnh lồng trong khung gỗ thông nhuộm phẩm hồng bày bán ở chợ phiên.

Họ có hai gương mặt của anh em sinh đôi. Mặt họ úp sấp. Đáng lẽ họ phải trang trọng song hàng bên nhau sau tấm vải đỏ. Đã có ai úp mặt họ xuống. Tàn nhang rắc bụi tro sau lưng khung ảnh.

Mồ hôi tháo ra nhoe nhoét kẽ ngón tay lấm bụi của Tôi.

Không thể thổi bụi, Tôi dùng vạt áo lau hai bức ảnh chân dung.

Vẩy chiếc Zippo, mấy chiếc nhang trầm vừa lên khói, lòng bỗng thấy yên dịu lạ. Dù có nói gì cũng không thoả. Tôi phơi trần tấm lòng, vậy thôi. Chiều thế giới người âm là chiều cảm nhận.

6.
Hy vọng về giấc ngủ trên bộ phản tiêu tan khi Tôi nhớ ra Rum là thứ không nên uống khi về khuya.

Điều gì đó còn hơn cả thôi thúc, Tôi bật dậy. Sự bất an như khi đi chân trên nghĩa địa bị sang phẳng mà mình biết còn nhiều xương cốt dưới sự thản nhiên của người trần. Có thể Tối đang giẫm lên mặt một ai đấy. Ai đấy cũng có thể là người chú chưa biết mặt của Tôi.

Ngọn lửa bập bùng hóa kiếp cho mớ củi thuỳ dương khô vụn. Củi thuỳ dương vun đống một góc nhà. Bâng quơ khoả ngón xuống cát, Tôi đang vẽ mặt người trên cát. Những mặt người nối tiếp mặt người. Vẽ mà như Tôi đào bới, moi móc nhặt lên từ cát những khuôn mặt khảo cổ. Mặt xếp cạnh mặt. Ai đang điều khiển bàn tay của Tôi?

Có lẽ gương mặt chú, cũng là tập hợp của những nét rời rạc vô hồn mà Tôi vừa nghệch ngoạc vô thức. Sự kết hợp những nét bình thường của mẹ cha một cách xuất sắc đã tạo nên gương mặt chú đầy những xúc cảm. Ấy là bố nhiều buổi chiều nhìn Tôi vẽ đã nói ngẩn ngơ vậy.

Phép màu cho những bức tranh mặt người cát hoang.

7.

Hình như trong bóng tối có ai đang nhìn Tôi. Một luồng khí lạnh.

Tôi chưa kịp kéo cánh cửa ghép ván thùng, thì khách đã ùa vào nhà như gió.
Người đàn ông không xác định tuổi, như gốc cây rừng cháy sót, quân phục Giải phóng tơi tả. Chiếc ghế nhựa ba chân đu đưa xoay tròn cùng với vị khách, nhẹ hều. Bàn tay trầy sước, mắt rỗng không. Đôi mắt không có tròng. Nụ cười giãn nở bất tận.
-
Anh hoạ sỹ từ Bắc vô? Tui phiền anh vẽ giúp hai chân dung anh em tui để thờ lâu dài. Vẽ ngay nhé. Mẫu thì đã sẵn kia.

Anh ta hất đầu về phía bàn thờ.

Tôi chưa kịp phản ứng, thì anh ta đã chìa chiếc túi vải tráng nhựa đựng bộ đồ vẽ, vốn chằng buộc mấy chục vòng dây nịt sau chiếc xe máy để ngoài sân.

Có uy lực vô hình nào đó khiến tôi không thể cưỡng lại yêu cầu của anh ta. Chỉ có chì than và giấy bìa. Trong ánh sáng nhập nhèm. Tôi nhanh chóng phác thảo mấy nét.
- Anh muốn tôi vẽ như thế nào ?

Anh ta như không nghe tôi nói hoặc không muốn nghe.

- Anh có thuốc lá nhỉ. Tôi lạnh nhức, triền miên lạnh. Thi thoảng mới được sưởi lửa.

Miệng há to, ngọn lửa chảy tuột vào họng anh ta như hố đen nuốt năng lượng.

Hấp tấp Tôi mở toang bao thuốc lá. Nắn túi ngực tìm bật lửa, Tôi nhớ bật lửa hình như vẫn để trên bàn thờ. Đang định đứng dậy thì Tôi đã thấy người đàn ông tóp má rít khói, nuốt ực. Một vẻ gì đấy như hờn tủi, cam chịu. Vết thương phía sau đầu mở toác như trái dưa hấu bị ai đó dùng dao phạt hớt, lộ ra một phần não bộ trắng ngà li ti tia sợi tươi đỏ. Vết tử thương máu chảy xuống lưng, xuống ngực đã ánh màu nâu khô.

Khuôn mặt mỏng dẹt, uốn cong như lát khoai tây chiên giòn lúc như chiếc lá xoài phơi tái mắc đầu cành gặp gió. Khuôn mặt biến hình.

Thắc mắc lý do anh ta xuất hiện, nhưng Tôi cố nín.

- Anh đang ở nhà Mạ tôi.
-Vâng. Tôi thấy cửa không khoá, nên cũng…

- Chỗ ni chính là cái nền nhà mạ sinh mấy anh em tui. Một làng chài nép bên bờ sóng, mượt mà những dừa. Nồng nàn mắm ruốc, khô mực. Một sáng chớp mắt đã biến thành nơi tranh giành đánh giết mấy mươi năm. May hôm nay có anh đến ngủ đỗ nên chúng tôi mới có cơ hội về nhà.

- Tại sao?
- Đó là câu chuyện của người sống với nhau, nhưng lại liên quan đến cả chúng tôi.
- Mạ…anh…

- Không, mạ tui không thể làm gì được. Anh đã thấy hai tấm ảnh của hai anh em tui úp mặt trên bàn thờ không? Bà chị làm Chủ tịch Mặt trận lật sấp xuống đó. Mạ thờ tui thì được, vì tôi là là phe mình. Nhưng thằng em tui là thuỷ quân lục chiến phía bên kia. Răng mà thờ cho được. Di ảnh duy nhất của nó là cái ảnh bộ đồ trận da báo đó. Người ta không cho mạ tui trưng ảnh đó thờ em. Nên mạ cũng úp cả ảnh của tui xuống theo. Hôm nào chị tui đi vắng, mạ dựng ảnh lên thì tụi tui mới về thăm được.

- Mạ anh hôm nãy hẳn là cũng đi vắng ?

- Vâng, đã đi vắng hẳn khỏi thế giới người sống. Mạ đang lạc lối đi tìm anh em tôi dưới ấy. Tôi ngó thấy mạ, nhưng mạ không thấy chúng tôi.

Bỗng anh ta nhảy dựng, nhao ra cửa, ho sặc sụa. Cơn ho thốc lên xoắn vặn cuống họng.
- Có mùi xương cháy. Xương người cháy.

Tôi sực tỉnh, khứu giác ngập ngụa mùi gây khét quặn lợm lên não.
Giữa bếp, hẳn là mẩu xương nào đã lẫn vào những vụn vỡ của cành nhánh thuỳ dương.

Tôi ra cửa đứng chờ hút tàn điếu thuốc. Biển thở dài. Gió rít như rắn chuông.

8.
Nhóm lại bếp lửa. Tôi hoang mang giữa thế giới lưỡng cực.

Có lẽ sắp gần sáng. Bức vẽ chân dung vẫn dang dở. Tôi chưa biết phải vẽ hai anh em họ trong sắc phục gì cho ổn. Nhưng kinh nghiệm cho hay thì tôi cứ vẽ hai khuôn mặt trước. Phục trang, tư thế tay chân sẽ lắp ráp sau…

Căn nhà hình như có người khác lách vào.

Cảm giác về sắc phục rằn rì ướt đẫm nước biển lấp loang. Lấm cát. Chiếc cổ cứng đơ to sù lớp lớp băng gạc quấn thắt. Lục ục, hơi thở như thoát ra từ chiếc săm thủng. Ngôn ngữ bị chặn lại từ đâu đó. Khí lạnh dường như cũng đậm hơn, mà cũng có thể là do mưa thêm mau hạt. Tôi nhận ra người em.

Sắc rằn ri cúi xuống, tay khoanh ngực. Chào.

Giọng nói mơ hồ ngụt nghẹt như cảm lạnh.

- Ông… cho tui xin phép vô nhà.

Chiếc bóng thuỷ quân lục chiến bẽn lẽn. Cùng cha cùng mẹ cùng giờ sinh mà cậu em trắng bóc kiểu con gái khuê các.

Nhìn quanh không thấy chiếc ghế nào khác, chẳng lẽ lại mời người em ngồi vào chiếc ghế người anh vừa ngồi, Tôi nhích ra, nhường một khoảng trống trên mặt chiếu. Bộ ván rùng nhẹ.

- Ủa, ông anh tui bỏ đi rồi a?

Mặt cát nền nhà lã chã chấm nước. Mước biển chảy từ đôi giày trận cao cổ. Người em chăm chú nhìnTôi làm việc. Tự dưng tay Tôi lại cứng đờ. Tôi quay ra nhìn người em, thì chỉ thấy một đôi mắt lửng lơ nhìn tôi không chớp.
Đôi mắt màu vàng cát như đôi mắt chó hoang.

Bên dưới đôi mắt là cái miệng đỏ son, có ria mép mấp máy:
-
Anh theo ba tập kết. Tui ở lại với mạ. Ba lấy vợ Bắc. Anh trở vào làm giải phóng thì tui đã thành cộng hoà.

- Vì sao mà hai anh em lại tránh mặt nhau?

Qua câu chuyện nét vẽ của tôi lại nhu thuận, phóng khoáng.

- Thì… chuyện cũ thôi. Lòng đã bằng như mặt chưa phẳng. Nên dẫu có là anh em vẫn phải né nhau khi về nhà mạ, anh trước thì em sau.

- Cụ thể hơn nữa xem nào!

- Có gì hay đâu mà.

Nhìn bức chân dung hai anh em ghép sát vai kề vai, người em khẽ cười. - Giống y trang à. Chu cha anh nhiều hoa tay thiệt…

Tôi lại hỏi ý kiến người em về quần áo. Khác biệt quần áo chính là rắc rối không thể để ảnh thờ của họ đứng dựng. Ngần ngừ mãi, người em thở dài.
- Thôi thì trăm sự nhờ hoạ sỹ vậy.

9.
Rạng sáng thì Tôi vẽ xong bức chân dung kép.

Tôi ưng ý cái tác phẩm đầy ngẫu hứng này. Tuy chỉ đen và trắng, nhưng nó vẫn đẫm màu sắc xanh đỏ. Hai chàng trai trong quần áo dân sự tươi trẻ, hân hoan nhìn về đường chân trời.

10.
Một ngày mướt mải trong nắng, gió, cát, thuỳ dương tôi ghi chép tài liệu cho những bức tranh nay mai.

Tàn tuần hương thắp buổi tối, thì người anh lại về trong bộ dạng tơi tả, ngắm bức tranh thờ sắp hoàn thành hồi lâu.

Anh ta cười buồn.
- Giống thiệt, khỏi chê điểm nào. Đẹp lai láng. Nhưng hai em tui mặc sơ mi đâu có hợp. Hộp như dân văn phòng. Giá như…

Và nguyện vọng của người anh là muốn lưu giữ hình ảnh họ trẻ lại mười tuổi. Ngày đó hai anh em mặc áo vải, cổ ngắn, cộc tay y như bao đứa trẻ ở miền thuỳ dương. Và..anh ta xoè bàn tay khía quanh đầu diễn cả kiểu tóc trẻ con ngày ấy như thế nào nữa...

Tiếng chuột cát kéo lá khô . Lắc thắc mưa.

Xương rồng, dứa dại gai như được mài sắc hơn trong gió rắn chuông.
Không nhìn ra phía cửa nhưng Tôi vẫn cảm nhận được có một ai đó đứng giữa mưa đan êm trên cát trong bóng tối đang nhìn tôi. Người anh đang nói cũng ngoảnh nhìn ra, một nét cười ấm lên trên khuôn mặt không có năm tháng, không có tuổi già, ngưng đọng ở thời điểm trẻ hơn mười tuổi so với bức ảnh Tôi đang hoàn thành. Hai luồng mắt họ đã gặp nhau, anh và em, chỉ có tình anh em là bất tử, tại sao không?

Nguyễn Tham Thiện Kế

P/S: Một truyện ngắn hay, đọc mà thương...ma (trong truyện) dễ sợ! Ai có thể ngồi bên hố sâu từ cuộc chiến để lại, mà không cúi đầu tưởng nhớ những máu xương...

Nguyện cầu mọi vết thương của dân tộc dần phai sẹo, nguyện vọng hòa giải sau hơn 30 năm không chỉ mãi mãi là nguyện vọng, ở trong hay ngoài tổ quốc này.

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

26.7.10

“Xương là chông, máu là lửa, thân là hào lũy…”: xem Câu thơ yên ngựa, nhớ câu này của chàng trai trẻ Lý Ngân, càng cảm khái tinh thần chống giặc phương Bắc để giữ từng tất đất ngày xưa, càng ngậm ngùi cho chuyện hôm nay…

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Mỗi ngày sẽ là vô tận

Nếu ta tránh được các cuộc hẹn thì mỗi ngày sẽ là vô tận
(Hemingway)

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Có nhớ (đến) ai không

Cơn ho làm mình thức sớm, nằm nghe 3 lần CD Tôi sẽ nhớ Trịnh Công Sơn hát cùng Thanh Hải.

Nhớ người con gái tặng đĩa :), rất đương nhiên!

Nhớ người du mục cô độc và kẻ lang thang rồ dại của mình, trong phim ảnh lẫn đời thực. Ừ, không rồ dại (như trong mắt người đời) thì chắc gì mình đã yêu? ;)

Và bỗng nhiên mà nhớ cái người đi bộ từ thiên đàng xuống đây rồi... quen trên blog 360 ngày nào. Don't matter, bạn vẫn còn ở khung cảnh cũ chứ? Đã đủ tươi mới cho một cuộc tình đầy?

Nhớ một cô bé con ở Mũi Né và một cô bé con ở Sapa. Có còn vất vả như ngày mình gặp?

Nhớ đứa em trai và em gái nuôi gọi mình là nhủ mẫu. Thương hai đứa ghê nơi! Nhớ cái hẹn dắt hai đứa đi ăn pizza mà khấp khởi trong lòng :)

Nhớ chị Mai, người em nợ ngàn lời thăm hỏi.... 

Bạn Facebook dạo này cứ hiện cái câu Who missing you? Làm mình nghĩ, lâu lắm rồi mình đâu hề thắc mắc có ai nhớ mình không, có ai đang nhớ mình. Mình không tự hỏi câu đó với cả những gã trai mình nhớ (đến). (Tiếng Việt kỳ diệu nha, từ "Nhớ đến" đến "Nhớ" khác rất xa :).

Người mình biết chắc chắn nhớ mình, khóc vì nhớ :( thì mình đâu phải hỏi, như chị Mai.... Thế nên, câu hỏi lúc này của mình là mình có nhớ ai không, còn nhớ ai không?

Đó mới là câu hỏi cần thiết chứ, bạn Face!

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Kính gửi hương hồn mẹ Nghèng

Rating:★★★★
Category:Other
Sáng đọc bài Phá rừng làm trang trại trên Tuổi Trẻ bỗng thấy nhớ quá bài thơ "Kính gửi hương hồn mẹ Nghèng" của Lâm giáo đầu (Lam Điền). Nhớ một lão tăng (mà mình vẫn thường gọi là "ông ngoại") đã ứa nước mắt khi nghe mình đọc bài thơ. Sự xúc động của "ông ngoại" đã khiến giọng mình cũng nghèn nghẹn, và khiến bài thơ trở thành một kỷ niệm đặc biệt với mình.

Post lại "tàng bản" này lên đây cho Lâm đại ca:

Mẹ có về trong mây khói quê hương
Đừng lạ lẫm khi thấy rừng không còn nữa
Vạt rừng ấy bây giờ là vôi vữa
Là sắt thép bê tông đô thị hóa lâu rồi

Mẹ cứ về trong hương khói chơi vơi
Mừng với tụi con giờ nhà cao cửa rộng
Mừng với quê hương những dự án thầu sôi động
Con cháu mẹ giàu lên từ ruột những công trình

Nếu có về xin mẹ hãy lặng thinh
Bởi lịch sử sang trang rồi mẹ nhỉ
Đất không đủ cho quan chức làm nhà nghỉ
Thì có ai thương đến những cánh rừng

Nếu mẹ dạo một vòng khắp dải đất miền Trung
Lên đến cao nguyên nhìn rừng mà ái ngại
Rừng quốc gia còn bị phá làm trang trại
Thì mấy vạt phi lao của mẹ sá gì

Nhưng mẹ ơi, con lại thấy lạ kỳ!
Đất nước đang cần phủ xanh đồi trọc
Mà công mẹ bao năm bỗng hóa thành công cốc
Mai nữa còn ai tình nguyện trồng rừng???

Lâm giáo đầu