Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Nghệ thuật và tín ngưỡng…


Đọc Đôi bạn chân tình (Herman Hess, Vũ Đình Lưu dịch, NXB Hội nhà văn)

Những trải nghiệm ngọt ngào hay chua chát về cuộc đời, sự yên tĩnh hay những xao xuyến, bất an không tránh khỏi của tâm hồn, tự do và bổn phận, những băn khoăn về ý nghĩa sự sống…. ; đời sống bên trong và bên ngoài con người với tất cả sự phong phú ấy khiến Đôi bạn chân tình của Herman Hess lôi cuốn độc giả.

Narziss và Goldmund - hai tâm hồn hiểu thấu chỗ thâm sâu của nhau, bổ túc cho nhau. Cả hai đều là những chàng trai đĩnh ngộ, phong nhã và nhiều phú tính. Goldmund lúc đầu quyết chí sống đời nhà tu như Narziss, thế nhưng thần học và tín ngưỡng đã không thu hút được y. Narziss mở đường cho Goldmund tìm một cảnh đời khác phù hợp hơn để “phát hiện và thực hiện chính mình”. Đường đời của Goldmund - mạch dẫn dắt chính của câu chuyện - mở ra từ cuộc hạnh ngộ đó với Narziss.

Thay vì tìm niềm vui trong việc “phụng sự tinh thần”, xem tự do là sự tĩnh tại của tâm hồn, Goldmund trở thành gã lang thang, sống một cảnh đời “ngoài khuôn khổ thông thường”. Những vấn đề của sự sống Narziss thực chứng bằng suy tư thì Goldmund khám phá bằng hành động. Tự do đối với y là cuộc đời to rộng cho y nếm đủ mùi vị của thế tục, ân hưởng ái tình của bất kỳ người phụ nữ nào y muốn, không bị ràng buộc bởi một nơi chốn nào, một giáo điều nào, một hình ảnh nào.

Đắm nhiễm vào ái dục, vật lộn với cái chết,…đi qua những khoái lạc và đớn đau tột đỉnh của kiếp người rồi, Goldmund lại bị dằn vặt luôn về ý nghĩa cuộc đời. Gương mặt cuộc sống có tất cả vẻ đẹp thì cũng có tất cả những gì là sợ hãi, thèm khát, tuyệt vọng… Sự ham muốn và sự bất toàn có phải là tội lỗi? Nhưng chính nhờ cuộc sống mà Golmund vừa lao mình vào vừa cố thoát khỏi vũng lầy của nó đã đánh thức được bản chất nghệ sĩ trong y.

Nghệ thuật đã cứu vãn cuộc đời quả cảm mà vô bổ của kiếp sống giang hồ. Đến với nghệ thuật, y tìm thấy chính mình, được trở về với mình; trái tim y nhẹ nhàng đi khi những hình ảnh tràn đầy trong ấy được thoát ra ngoài, thể hiện lên tác phẩm điêu khắc. Nghệ thuật của Goldmund là sự phản ảnh của linh hồn; ở đó, người nghệ sĩ chân thật “xuất lộ thế giới nội tâm” bằng tất cả những rung cảm chân thành, “không bợn chút tư lợi và khoe khoang nhơ bẩn”.

Trong những giây phút dâng mình cho nghệ thuật, Goldmund tìm ra ý nghĩa cuộc đời, thoát khỏi sự hỗn độn ảm đạm của thế giới cảm giác, sự diễn biến không ngừng của thú vui và thất vọng… Còn với tôn giáo, dù không tin vào sự trợ giúp của một đấng siêu hình nào, những giờ cầu nguyện theo lời khuyên của Narziss, lạ thay, lại khiến Goldmund “cảm thấy mình như được ngâm trong nước tươi mát, tẩy sạch hết kiêu ngạo và thất vọng”. Nghệ thuật và tín ngưỡng trở thành nơi trú ẩn, xoa dịu những khổ đau của cuộc đời…

Tác phẩm ngợi ca nghệ thuật mang tính triết học này gợi ra hai vấn đề lớn: hoan lạc và khổ đau. Goldmund sống, chết với những điều đó mới nhận thấy mối liên hệ sâu sắc của nó và “điều duy nhất có thật là đời sống tâm tư” của chính mình.

Sự giằng co giữa bản năng và lý trí là có thật, sự cám dỗ của dục lạc và ý thức vượt thoát khỏi nó là có thật. Ý niệm tìm sự giải thoát trong đời sống tâm linh, vì vậy, không bao giờ là vấn đề thiếu thực tế…Đối thoại giữa Narziss và Goldmund, những ước vọng, suy tư của họ cũng chính là những băn khoăn của Herman Hess, của những người luôn mong muốn phát triển tòan diện con người của mình.

Đến với nghệ thuật hay tôn giáo đều là những nhu yếu chính đáng. Tôn giáo và nghệ thuật ở đây như một trong những phương tiện giúp con người đi đến cùng bản ngã, nhìn sâu vào được bản thể của mình, tìm được sự bình yên của tâm hồn, tạo điều kiện cho sự thăng hoa của đời sống. Nhưng phương tiện không phải là cứu cánh, người ta chưa tỉnh thức cho đến khi nào tìm thấy được bản chất thật - tự tánh của mình. Con đường tiến gần đến sự hoàn thiện đòi hỏi sự đấu tranh thật sự trong mỗi người.

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Đánh thức thương yêu

(Đọc Một thiên nằm mộng của Nguyễn Ngọc Thuần, Giải A cuộc Vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng)

“Trong giấc mơ em nằm nghiêng – cùng đàn sẻ tóc nâu – và em nghiêng chút nữa – bầu trời đi lộn đầu”. Em - tác giả những câu thơ ngộ nghĩnh ấy - chính là cậu bé đáng yêu đã có cả Một thiên nằm mộng để tự sự với mọi người.

Em thật dễ thương và đáng yêu: em luôn biết nhìn, biết lắng nghe, biết hiểu, biết thương một cách thật thà nhất. Em luôn nhìn thấy những liên hệ mật thiết của mình với mọi thứ chung quanh. Em hồn nhiên nhìn nhận những cảm xúc chợt đến với mình, em nói mình muốn khóc quá và rồi em khóc thật, em bảo thắc cười quá và rồi em cười mãi, hi hi, ha ha.

Lúc nào em cũng sẵn sàng lắng nghe để hiểu. Em lắng nghe hơi thở của mẹ - hơi thở thật dịu dàng, em nhắm mắt chờ nghe bước chân của mẹ bước đến cạnh giường - bước chân thật nhẹ nhàng…

Lúc nào em cũng nhìn thật kỹ để thương. Em thương con gà, em thương con nhện, thương bà cả Sề mất con, thương anh em thằng Tí dính liền với nhau làm “một đôi giàu có” nhưng chỉ có ba cánh tay, đứa này bệnh, đứa kia cũng bệnh theo, không thể nằm nghiêng mà ngủ, mà mơ những giấc mơ như em. Em thấy mình hạnh phúc vì em có những giấc mơ, những giấc mơ thẳng tắp mặc dù em nằm nghiêng.

Cái nhìn trong sáng và thương yêu, chạm vào đâu em cũng gặp được điều kỳ diệu: những cánh hoa màu đỏ rung rinh trên những ngón tay, những cánh đồng bát ngát mở ra trước mắt em, bàn tay ấm của mẹ…Em cũng có những nỗi sợ như những đứa trẻ khác - đêm tối và bóng đen…nhưng em khác nhiều đứa trẻ khác vì em luôn bồi đắp cho em niềm tin, em có sự hiện diện của mẹ trong mình.

Với em, mẹ là bụt, mẹ là thiên thần, mẹ đã nói là phải đúng, mẹ luôn nói những điều làm dịu lòng em. Mẹ để cho em - chàng thi sĩ của mẹ - tự do bay bổng với thế giới quanh em. Mẹ không quét đuổi con nhện của em, mẹ nghe em để nó ở ỵên trong ngôi nhà của nó, để em nhìn nó giăng tơ, để em cứ thắc mắc không biết nó buồn hay vui, và con nhện đó đã có em bên cạnh cho đến khi nó chết, em đưa nó ra vườn và tin rằng nó được đầu thai thành con nhện mới, cũng như em tin những bông hoa đỏ mọc lên trên mộ con gà của em là hóa thân của con gà đó.

Chính trí tưởng tưởng bay bổng và trái tim bé nhỏ mà rộng mở ấy đã cho em cả một thiên nằm mộng - có biết bao điều để em quan tâm và yêu quý, cho nên có bao giấc mơ em cần có trong giấc ngủ. 

Có một đời sống khác êm đềm hơn, một đời sống vắng mặt nỗi buồn, để mở mắt ra em đã thấy trời xanh, có khu vườn đang đợi em bước vào, có con nhện chờ em đến thăm, có những người đang đợi em đến bên cạnh họ...

Em chỉ là một đứa bé thôi nhưng em sống một nếp sống đầy trách nhiệm, tuổi thơ em chỉ có chừng ấy chuyện nhưng khi kể lại đủ làm người ta nghe mê say. Em nhắc cho người lớn nhớ sự phong phú của đời sống ở ngay trong tâm hồn, hạnh phúc nằm ở khả năng thương yêu, niềm vui được tạo tác từ trái tim đơn giản và trong lành của mình, từ những ý niệm của ta về cuộc sống.

Có những người mở mắt ra đã thấy trời xanh nhưng không thấy đó đã là một hạnh phúc, có những người đi trên cánh đồng nhưng không nhìn ra sự có mặt diệu kỳ của nó, có những người không cảm nhận được hạnh phúc khi có cả hai tay để ôm mẹ…Em đã nói với họ điều này: Trước cái tâm tỉnh thức, chân tướng cuộc sống tự hiển bày, vừa đơn giản vừa diệu kỳ.

“Tôi chỉ muốn làm một việc nhỏ bé hơn, một cách đánh thức buổi chiều bí ẩn của bạn những điều giấu kín, và tôi gọi đó là những phép lạ….” Một buổi chiều đánh thức tất cả những thương yêu, sẽ thấy những phép lạ của “cậu bé” Thuần là có thật. Yêu thương là “món sỡ hữu” cần đầy ắp nhất. Yêu thương không bao giờ là cổ tích.

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Ngọn lửa nhỏ

Mùa khô này đi qua tôi với những quyến luyến khó bày tỏ bằng lời.

Lâu lắm rồi mới có ước muốn chân thành chia sẻ với một người chút thời gian của kiếp sống này, làm hoà với những cảm xúc không thể định danh, như yêu thương một vùng trời dịu dàng tịch mịch....Thảng hoặc gặp gỡ, dù không nói gì, nghe lòng đằm thắm ân tình, cảm ơn một sự có mặt khiến ngày ta sống vẫn còn bao rung động…

Giữa những ngày như thế, tôi nhớ đến An Ni Bảo Bối.

An Ni Bảo Bối là tác giả tôi yêu mến kể từ quyển sách đầu tiên cho tôi “gặp” cô: Đảo tường vy. Tôi cũng... yêu thích cả bài mình điểm cuốn sách này trên báo - bài viết tôi đặt tên Hương vị của du hành, và tình yêu... Nhìn thấy những bông hoa cô tịch u nhã hé nở nhẹ nhàng trong trái tim dịu mát của người viết, người đọc - tôi đã tìm cách lý giải vì sao cô đặt tên Đảo tường vy cho cuốn sách: Có lẽ, trong nỗi cô đơn tinh sạch, tâm hồn con người như một hoang đảo nở hoa - những bông hoa thuần khiết. Sóng đời xô dạt vào, nặng mà nhẹ như không.

Những câu chữ đó, mỗi lần đọc lại, cũng khiến tôi nhớ đến tôi của những ngày tháng đó - nỗi niềm mà tôi cưu mang, những thuần khiết mà tôi nuôi dưỡng, đôi khi đến mức cố chấp…

Đến gần đây, tôi mới “gặp” lại An Ni Bảo Bối qua Thanh tỉnh kỷ. Hiền lành, trầm tĩnh và chân thực – những phẩm chất cô đề cao cũng là những phẩm chất mà cô thật sự giàu có, trong cô, trong tác phẩm. Đọc cô, một lần nữa như nghe âm thanh của chính nội tâm mình vọng lại.

Thanh tỉnh kỷ có rất nhiều đoạn tác giả thủ thỉ về tình yêu:

“Chúng ta không hề yêu thương nhau. Thứ ta yêu là một cái tôi khác khúc xạ trên người đối phương. Phản quang mạnh mẽ mà không chân thực. Cứ ngỡ rằng mình rực rỡ lắm”.

“Phải qua rất lâu, mới hiểu rõ, yêu, tịnh không phải là công cụ để thỏa mãn nội tâm ích kỷ và kiêu ngạo của mình, cũng không phải là vũ khí để đối kháng bản chất hư vô. Nó chỉ là một kiểu phương thức tư duy. Nó là một kiểu tín ngưỡng”.

“Nó là sự tín nhiệm bằng lòng trong một khoảng thời gian nào đó, cùng một người trao đổi lẫn nhau quá khứ, ký ức và thời gian. Trao đổi phần quan trọng mà kín đáo trong sinh mệnh mỗi người. Lại không đòi hỏi đối với mỗi người".
 
“Tình yêu cổ điển có thể tồn tại trong im lặng mà không có bất cứ tiếng nói và yêu cầu nào. Ngọn lửa nho nhỏ âm thầm thắp cháy, chỉ dùng để sưởi ấm linh hồn bản thân, soi sáng mắt đối phương”.

An Ni Bảo Bối cũng có những chia sẻ khác, cho thấy một ngọn lửa khác cô trân trọng, kiên định hơn ánh lửa bập bùng kia: rằng một thị dân giữa chốn bụi hồng, "hằng ngày đối mặt với vô số dục vọng cùng khốn", "nếu có thể giữ vững lòng kiên trì tự mình tu hành" thì "đóa lan đơn sơ thơm ngát" dù "không ở nơi khe núi sâu thẳm tĩnh mịch, cũng có thể tự mình giữ lại một vùng trời đất thanh tịnh". Và cô nhắn nhủ: “Cô gái luôn độc thân cần sức mạnh nội tâm to lớn biết bao”...

Nhưng những ngày ...yếu đuối này, chỉ muốn nói với người - bạn - An Ni về ngọn lửa…lúc bùng lên lúc gần như tan biến. Của tình yêu. À ừ, tớ đang chiêm ngắm một ngọn lửa nhỏ, vừa muốn âm thầm thổi bùng, vừa chờ đợi nó tan biến.  Lặng lẽ thương yêu cho đến khi nó tan biến chắc cũng là một thiện ý ta có thể trao cho nhau, phải không?

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Biệt ca




Mỗi nắng xuống là một lần chia biệt
Mỗi mai lên lại một cuộc bắt đầu
Đời luân chuyển, ta làm gì khác được
Chẳng thể nào dừng mãi để chờ nhau.

Núi xưa đã bạc đầu năm tháng đợi
Lòng sông kia cũng héo cạn mong chờ
Người ngỡ sẽ có đường trong tử địa
Bỗng một ngày gục chết dưới dòng mưa.

Vòng tay bé thôi xiết ghì hy vọng
Quả tim run không đựng nổi bão bùng
Thôi buông hết nghe gió luồn tay rỗng
Một bước lùi,
Là trời biển bao dung.

Người sẽ lại trở về năm tháng cũ
Sống yên vui, trang đời mới không ngờ
Bước quả cảm như chưa từng vỡ vụn
Mắt dịu dàng khi nhớ chuyện hôm xưa.

Mỗi nắng xuống là một lần chia biệt
Mỗi mai lên lại một cuộc bắt đầu
Người sẽ bước một mình qua bóng tối
Dưới trời này,
Sao sáng cũng vì nhau.

Nguyễn Thiên Ngân