Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Nỗi yêu tuổi nhỏ



Podcast này làm mình nhớ đến ước mơ thuở học trò, đó là trở thành một giáo viên tiểu học. Mẹ mình là cô giáo làng. Gần 20 năm dài, mỗi ngày nhà mình đón hàng chục em nhỏ ở thôn đến học với mẹ. Từ lúc biết đọc biết viết, chị em mình thành “trợ giảng” của mẹ. Suốt tuổi học trò, hai chị em đã cầm tay không biết bao nhiêu bạn nhỏ viết chữ i chữ t, hết lứa này đến lứa khác cho đến khi mình rời quê nhà.

Có lẽ nỗi rung động mỗi lần cầm tay các em nhỏ viết những con chữ đầu đời khiến mình nuôi ước mơ kia.

Giờ mình làm báo, tính ra ước mơ thuở nhỏ không thành :). Nhưng đường đời đã sắp xếp cho mình được gặp những người bạn tuyệt vời để KiraKira và rồi Quỹ Nguyễn Hiến Lê ra đời. Nhờ làm việc cho Quỹ, có được sự trợ giúp của rất nhiều bạn đồng hành, mỗi năm chúng mình được gặp gỡ hàng trăm bạn nhỏ tiểu học, được trao học bổng cho các em học sinh Trung học cơ sở, đồng hành với các em suốt tuổi niên thiếu cho đến khi các em vào Đại học, có nhiều dịp trò chuyện và được truyền năng lượng thơ trẻ từ các em.

“Dự án” Podcast của Quỹ lần nữa cho mình thêm cơ hội lắng nghe các em. Cảm ơn Vũ Trụ đã "trợ duyên"...

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

"Đời cho ta thế hãy cứ sống tới như mọi ai"


Một cảnh mình sẽ - còn - nhớ - lâu trong Things to come (L'avenir): Nathalie đi quanh cánh đồng cỏ tìm một chỗ nằm đọc sách. Một lúc nào đó, cô đã nằm ôm con mèo đen béo ú mà khóc rưng rức, nhưng lúc này đây, quanh cô chỉ có sự tự tại.Trong nhiều khung hình, tri thức được tôn vinh lặng lẽ và cảm động như thế.

Với mình, Tri thức là "nhân vật" vô hình nổi bật ‎nhất của bộ phim. Chính sức mạnh của tri thức đã giúp Nathalie đối trị những điều bất như ý của đời mình một cách điềm nhiên nhất có thể.

Người thân đau bệnh trở nên trái tính trái nết, một tình yêu ngỡ cùng đi đến cuối bỗng đột ngột rời bỏ...là những "sự biến" có thể đến với bất kỳ ai trong chúng ta, nhưng không phải ai cũng có thể đối diện với chúng mà không ít nhiều vật vã, phán xét. Với Nathalie, chính cái Tuệ cô luôn bồi đắp không ngừng giúp cô nới lỏng được những sợi dây phiền não.

Nathalie - một giáo sư triết học tự thấy mình "may mắn vì được đủ đầy về trí tuệ và như thế đủ để hạnh phúc" - chứng minh cho ta thấy: cái Trí ‎sẽ cho người ta cái Dũng để không bám víu, không tựa (hẳn) vào những hạnh phúc đến từ bên ngoài.

‎Bộ phim kết lại bằng ca khúc Unchained melody...cũ mèm nhưng ghép vào phim tạo nên một cách cảm mới: lonely rivers flow/ to the sea‎, to the sea/ to the open arms of the sea. Ừ nhỉ, "Không xa ngậm ngùi và cũng không xa nụ cười.../ Đời cho ta thế hãy cứ sống tới như mọi ai / Mặc dòng sông kia sẽ cuốn đất cát ra biển khơi" (Trịnh Công Sơn)...

Things to come
, nói như anh Lê Hồng Lâm: "Một bộ phim về midlife crisis mà thực ra là cơ hội để khám phá lại bản thân, một bộ phim về sự mất mát nhưng đồng thời cũng là giải thoát, và sự tự do nào để ta bay lên mà ta không phải giải thoát hay từ bỏ một vài điều nào đó, cho dù đó đã từng là những thứ thiết thân đối với chúng ta".

2017

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Những trích đoạn của Phan Thúy Hà


                                                                                        Ảnh: Tự Trung


                              Phan Thúy Hà và một nhân vật trong sách Tôi là con gái của cha tôi - Ảnh: NVCC

“Chúng tôi là những đứa con của lính. Đó không phải là một sự sắp xếp. Ở một đất nước chiến tranh kéo dài hơn nửa thế kỷ, có đứa con nào không phải là con của lính. Cả đất nước là một chiến trường. Cả đất nước là một trại gia binh”. (Phan Thúy Hà, Tôi là con gái của cha tôi, trang 204).

Bài trò chuyện giữa tác giả Phan Thúy Hà và mình - một độc giả không muốn bỏ lỡ tác phẩm nào của cô - cũng ngẫu nhiên là cuộc trò chuyện giữa hai người con của lính. “Con gái người lính bên này hỏi chuyện con gái người lính bên kia” - Hà nói vậy. Những chuyện trò với cô cho mình hi vọng rồi sẽ đến một lúc cái sự bên này bên kia đó được xóa nhòa. Bởi chúng ta đều là nạn nhân như nhau, của những khúc tối thời cuộc...

Sau Qua khỏi dốc là nhà như một tự truyện về tuổi thơ, Gia đình ghi lại lời kể của các nạn nhân nạn cải cách ruộng đất; Những trích đoạn của các anh ra mắt gần đây tiếp tục vệt câu chuyện về người lính mà Hà đã gây ấn tượng mạnh với Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi. 

“Đọc Những trích đoạn của các anh, có những chỗ thầy gấp sách, không dám đọc tiếp ngay vì nhớ đến lúc cha thầy hy sinh, khi thầy mới 12 tuổi” - một người thầy nói với mình. Mình cũng vậy, không ít lần phải gấp sách lại vì ...nghẹn.

Loạt sách rất đáng đọc của Hà khiến mình muốn đưa đến bạn đọc “những trích đoạn của Phan Thúy Hà” qua bài phỏng vấn này trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, hy vọng những độc giả (có) quan tâm lịch sử lẫn văn chương mà chưa đọc Phan Thúy Hà sẽ tìm đọc sách. Và hy vọng, lòng yêu sự thật cùng sức mạnh nội tâm sẽ khiến Hà tiếp tục viết, như cô chia sẻ: “Thương người khổ là bản tính con người. Mãi gần bốn mươi tuổi mình mới nhìn ra được vì sao họ khổ. Nhìn ra được vấn đề thì mình cần phải viết”.

____________

Link bài Tác giả Phan Thúy Hà: Để sự thật không mất đi...: