Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu

Một nén hương nhỏ "thắp tạ" Người thơ, ghi từ cuộc trò chuyện Tô Thùy Yên - Để mà thương nhớ thơ:

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: Nhà thơ Tô Thùy Yên là bậc thầy của tiếng Việt

Lúc bài thơ Ta về vừa được đọc dứt, mắt mình rơm rớm, quay qua ba cô bạn ngồi cạnh thì cả ba mắt hoe đỏ, cô bên phải rớm lệ, cô bên trái gỡ kính lau hàng nước mắt đã lăn dài...

Mình sẽ con nhớ lâu buổi cafe thơ này vì hình ảnh đó.

"Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu/ Ta nghe như máu ân tình chảy/ Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau...".

Các “cô ấy” đã đọc Ta về nhiều lần, rơi nước mắt không chỉ vì nỗi đẹp trong thơ mà cả vì nỗi vui thơ được đọc, giữa những ngày tháng tư, trong một buổi trò chuyện tưởng là khó tổ chức...

Ghi chép của mình trên Tuổi Trẻ Online là bài viết đầu tiên trên Tuổi Trẻ "về Tô Thùy Yên" sau ngày thống nhất đất nước, với mình, nó sẽ là một dấu mốc của ...hòa giải về văn hóa, để rộng đường hơn cho những bài viết về sau về Tô Thùy Yên.

Mong những di sản văn hóa giá trị được phổ biến để nhiều người cùng tiếp cận, nếu không thì "sự phân ly về văn hóa" vẫn chỉ tiếp tục làm thiệt thòi cho chính chúng ta. Đóng góp chút sức mọn vào câu chuyện này, quả thật là một "nỗi mừng".

Mong lắm một ngày tập thơ của nhà thơ Ta về “về” in ở xứ sở mình. Sẽ mừng mừng tủi tủi biết bao, để cùng “thắp tạ”...một Việt Nam (trong niềm hi vọng) hòa hợp. Những cành nhánh dù có đứt lìa, ly tán thì cũng đã được sinh ra từ một cội rễ chung. Sao không cảm thông được với nhau, một khi nhìn ra đâu cũng là gương mặt anh em...?

------

P.S: Những câu trong bài Đãng tử của Tô Thùy Yên mà mình rất thích:

...Bạn có nghe, này bạn có nghe
Vũ trụ miên man chuyển động đều.
Chim đã bay quanh từ vạn cổ,
Gió thật xưa, mây thật già nua.
Nên với một đời, bao biến đổi
Mà trong vô hạn có chi đâu.
...
Thoáng nhớ có lần ta đọc trộm
Lược sử ta trong bí lục nào,
Văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn,
Thiên thu loé tắt vệt phù du…
Thuận tay, ta ngắt một cành sậy
Làm cây sáo thổi cạn hồn sầu
Bay tản khắp vô cùng trống trải,
Âm thừa tưởng lạc đến muôn sau…

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Nhà văn Lưu Vĩ Lân: Viết là để hòa giải



Một kỷ niệm đẹp với tiền bối Lưu vĩ Lân. Và là bài phỏng vấn... đượm đà nhất (không chỉ về dung lượng) mình thực hiện từ thuở vào nghề báo tới nay. Cảm ơn anh đã truyền cảm hứng. 

Bài in trên Tuổi Trẻ cuối tuần số 13-2021:

NHÀ VĂN LƯU VĨ LÂN: VIẾT LÀ ĐỂ HOÀ GIẢI

Có thể không ngần ngại gọi nhà báo Lưu Vĩ Lân là một nhà văn đúng nghĩa, bởi tài năng và những ấn tượng anh mang đến trong hơn ba năm qua với ba cuốn tiểu thuyết: Mật đạo (2018), Ngẫu tượng (2019) và Nghiệp chướng (2021).

Mỗi cuốn sách có một vị thế riêng khó lẫn, bởi tác giả khai phá một chủ đề độc đáo mà dường như chưa cây bút nào đào sâu trước đó: công cuộc làm ăn của các nhà tư sản dân tộc trước biến thiên của lịch sử.

TÔI BỊ CUỘC CHIẾN NÀY ÁM ẢNH

* Điều gì thôi thúc một nhà báo kỳ cựu như anh khởi sự viết tiểu thuyết ở tuổi ngũ tuần? Vì những thao thức về lịch sử, định mệnh của đất nước mà anh chưa nói được hết qua các tác phẩm báo chí, hay là niềm yêu thích làm một cuộc khám phá dài hơi hơn với chữ nghĩa qua văn chương?


- Tôi đọc được đâu đó một câu nói, rằng: “Báo chí thì đi từ sự kiện thật tiến đến... chỉ hai phần ba sự thật. Còn văn chương thì từ “điều giả”, tưởng tượng, nhưng lại tiến gần đến sự thật hơn”.

Làm báo, trong nhiều trường hợp, tuy phản ánh một sự kiện có thật nhưng tùy góc nhìn, những tránh né, những húy kỵ, những ràng buộc... khiến ta phải vừa viết, vừa lách... nên sự thật đó nhiều lúc bị méo mó, không còn... thật nữa. Văn chương với hai chữ “hư cấu” lại giúp ta... “mon men” gần hơn đến sự thật.

Tuy nhiên, tôi viết là vì thấy hạnh phúc. Bạn bè nói sao ông chịu cực quá vậy, vừa làm việc kiếm cơm, rảnh là nhào vào viết, tôi đáp: “Tôi tiến đến bàn viết với cái rạo rực của một cuộc... hẹn hò chứ nào phải đến trình diện ông giám thị để bị cấm túc đâu mà bảo cực”.

Đối với tôi, viết tiểu thuyết không chỉ là chữ nghĩa, là văn chương. Viết một cuốn tiểu thuyết là tạo ra một “máy mô phỏng” (simulator), trong đó tôi tạo ra mô phỏng của một thời đại lịch sử, rồi thả nhân vật của mình vào để xem họ sống, yêu, ghét, đau khổ, suy tư, vật vã... thế nào.

Tôi cảm ơn vì đã làm báo để bây giờ có thể viết văn, vì đây không chỉ là cuộc chơi về chữ nghĩa, cảm xúc, một cuốn truyện là một nghiên cứu, một luận văn, nó cần được nghiên cứu và tập tính làm báo rất hữu ích ở đây.

* Ba quyển sách như “tiếng lòng” của tác giả với một khúc quanh lịch sử khốc liệt của dân tộc, từ năm 1943 đến sau 1975. Dù hóa thân vào nhân vật của phía nào trong những thời đoạn hỗn loạn ấy, anh luôn chọn cho mình góc nhìn bình tâm nhất có thể, như đối thoại của một sĩ quan tình báo cách mạng với một chuẩn tướng của quân đội Việt Nam cộng hòa: “Hãy tha thứ cho lịch sử, cho tha nhân và cho chính mình. Chúng ta phải tìm cách làm hòa với nhau” (Ngẫu tượng). Anh có nghĩ bộ ba tác phẩm này sẽ ít nhiều đóng góp cho công cuộc hòa giải - ít ra trong lòng những người đọc vẫn còn định kiến về bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc?

- Viết là để hòa giải. Tôi không có cách nghĩ nào khác điều đó khi cầm bút. Viết để tiếp tục gây đau lòng nhau, gây lở lói thêm những vết thương vừa khép miệng thì thật đáng tiếc. Dĩ nhiên để hòa giải cần phải nêu đúng các sự kiện từng diễn ra trong lịch sử nhưng với một cái nhìn bình tâm hơn. Ta đã có một độ lùi dài đến 40 năm rồi, ta cứ để cho cảm xúc tiếp tục ngậm ngùi nhưng phải hòa trộn trong đó là sự cảm thông và niềm hi vọng...

Tôi lớn lên ở “vùng 1 hỏa tuyến”, tức các tỉnh địa đầu của cuộc chiến phân ly cũ (Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng...), chứng kiến và trải nghiệm các cuộc đụng đầu lớn nhất trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước: năm 1968, 1972, 1975. Ngày 29-3-1975, tôi là một người di tản trẻ có mặt trên một chiến hạm của hải quân Việt Nam cộng hòa trên vịnh Đà Nẵng, chứng kiến cảnh hạm đội ấy chào vĩnh biệt thành phố để rút đi khi cờ của Mặt trận giải phóng kéo lên.

Rồi ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn, tôi chứng kiến thời điểm kết thúc cuộc chiến... Suốt 30 năm sau sự kiện này, tôi đã sưu tầm, đọc, nghiên cứu về cuộc chiến tranh ấy. 15 năm sau ngày thống nhất, khi đất nước bắt đầu mở cửa, năm 1990 tôi đã lần về Khe Sanh, Đông Hà (Quảng Trị), Khu căn cứ Trung ương Cục, gọi là R ở Tây Ninh và viết một quyển sách hướng dẫn du lịch tên là Trở về chiến trường xưa (1994). Tôi bị cuộc chiến này ám ảnh và tôi đã “nhào” vào đó để tự “phân tâm” mình.

Bây giờ tôi đã thoát ra khỏi “vũng lầy của những ám ảnh” đó, tôi đã hiểu lý do và hoàn cảnh nào tạo ra đoạn trường lịch sử đó và muốn chuyển tải cảm xúc ấy trong ba tiểu thuyết này.

YÊU HỒN PHÁCH VIỆT

* Cảm xúc lớn nhất anh muốn chuyển tải có lẽ là niềm cảm khái những đoạn trường lịch sử và niềm cảm phục sức mạnh của dân tộc qua các cuộc chiến trường kỳ. Lòng cảm phục ấy và tình yêu với non nước Việt lúc ẩn tàng, khi hiển lộ dưới ngòi bút của anh. Điều gì đã nuôi dưỡng tình yêu ấy sâu đậm thế?

- Không dám trách thế hệ trẻ, nhưng tôi đã thật sự ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ có lúc quá “rộng lượng” với nền văn minh bên ngoài, chưa thấy hết cái lịch lãm, sâu sắc của văn minh xứ sở mình. Nền văn minh này không chỉ cổ kính, cao thượng mà còn hàm chứa tính đương đại trong từng giai đoạn lịch sử.

Tôi từng ngạc nhiên: 500 năm trước, nền văn minh chính trị Việt đã tạo ra một thể chế lưỡng đầu: vừa có vua, vừa có chúa, và có lẽ là một mô hình chính trị đương đại duy nhất vào thời kỳ đó, mô hình đó giúp Đàng Ngoài trụ vững đến hai thế kỷ.

Tôi cũng giật mình khi cụ Trạng Trình nhắn nhủ với hai vị tạo lập hai dòng họ trên bằng những câu sấm “tùy thời, tùy cảnh” mà khống chế lịch sử: “Hoàng Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” tặng cho Nguyễn Hoàng và “Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản” tặng cho chúa Trịnh để ông duy trì thế lưỡng đầu của vương quốc mình. Tất cả đều quá uyên bác...

Tôi lớn lên ở đất Thần Kinh và cảm thụ một kinh đô kỳ lạ, một thành trì thâm trầm cổ kính ẩn dật dưới những cánh rừng vươn ra từ một nhánh của dãy Trường Sơn, e ấp bên dòng Hương Giang kiều diễm. Đó là một “hòn non bộ” kỳ vĩ được những “nhà quy hoạch đô thị” thấm đẫm chất ý nhị của dân tộc này chế tác, phong vị của nó khác biệt và độc nhất vô nhị.

Rồi khi nhớ đến cái phong vị sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao/ Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”, tôi thấy những người bảo vệ thiên nhiên ngày nay chưa thấu cách sống thuận thảo với trời đất như vậy.

Khi đến các resort hiện đại “nhái” cảnh trí đồng quê, mượn ý của thiên nhiên để tạo ra những kiểu sống phong nhiêu, tôi tiếc cho các kiến trúc sư đó vì đã không biết cách sống của cụ Nguyễn để đưa văn minh Việt vào kiểu cách sống mới...

Ở thời hiện đại, tôi vẫn tâm đắc về cách chúc tết bằng các câu thơ của Cụ Hồ vào thời điểm giao thừa, hay truyền thống tết trồng cây mà Cụ đề ra. Phải yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, yêu hồn phách Việt và thấm đẫm cái tinh túy của dân tộc mới có những cách nghinh xuân như vậy. Bao nhiêu là bậc thức giả với suy tư và cảm thụ tuyệt đẹp, vừa hồn hậu, vừa hào sảng, vừa đương đại đã tạo dựng lên tinh thần Việt trong suốt dòng lịch sử. Tại sao chúng ta không suy gẫm và thừa hưởng?

* Những bài báo anh từng viết, cùng tiểu thuyết Ngẫu tượng và Nghiệp chướng cho thấy anh rất hiểu và yêu Đà Nẵng cũng như Sài Gòn. Từ góc nhìn của một người gắn bó với TP.HCM hơn 40 năm qua, anh thấy thành phố này đã thừa hưởng và giữ được hồn Việt ấy tới đâu?


- Bốn thành phố mà tôi sống và gắn bó là Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và Đà Lạt. “Chân dung” của đất nước được hình thành trong tôi qua “chân dung” của bốn thành phố đó. Tôi là người thành phố từ nhiều đời, nên không chỉ cả một đô thị, mà từng góc phố đã là “chốn thôn ổ” của người thị dân, nên mất mát dù chỉ một cành cây, một cột đèn cũng đều không nhỏ.

Tôi thích suy gẫm của Văn Cao trong bài thơ Giấc mơ: “Dưới mái nhà, một người đang ngủ với giấc mơ của những vì sao”. Chúng ta nghĩ lớn nhưng sống nhỏ, ta mơ mộng tầm vũ trụ nhưng thích loanh quanh trong những kỷ niệm gắn bó quanh mình. Khi về Huế tôi vẫn chỉ thích ở quanh khu An Lăng, An Cựu - nơi có ngôi trường mà tôi theo học từ bé, tôi yêu câu nói của cụ Phạm Quỳnh trong tác phẩm Mười ngày ở Huế ông viết hồi đầu thế kỷ, đại ý: thành quách này phải rêu phong như thế, từng cọng cỏ hoang mọc trong một góc tường thành cũ cũng nên được lưu giữ vì đó mới chính là hồn phách, phong vị của đất Thần Kinh.

Ở Sài Gòn, tôi vẫn thích nhất đường Lê Quang Định “cổ”. Con đường thuần chất Nam Bộ chạy xuyên tỉnh Gia Định xưa (nay là từ Bình Thạnh xuyên Gò Vấp), cong cong tự nhiên, phát triển từ một lộ đất cũ chứ không quy hoạch thẳng thớm, dọc theo đó bao nhiêu là cổ thự, chợ xưa, đình làng. Ngày bé, tôi còn được thấy cả những chiếc xe thổ mộ chạy cóc cách chở hàng lên chợ Bà Chiểu... Gia Định mới chính là chất Việt, vì thời Pháp thuộc, nội ô Sài Gòn là khu Tây hoặc Tây hóa, các dòng họ, gia đình Việt thuần chất, khá giả hay cư dân thường thì sống nhiều ở Gia Định, có thể hiểu là bắt đầu từ cầu Bông qua lăng Ông Bà Chiểu bây giờ, đệm giữa khu Tây và Việt đó là khu Đa Kao, chạy dọc đường Đinh Tiên Hoàng, người Tây cho nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống ở đây như một vùng đệm.

Dù sao Sài Gòn cũng là một “thành phố ngã ba đường” (tên của một nghiên cứu của UNESCO từ lâu về các thành phố là điểm giao lưu và chuyển hóa rất dữ), cộng với sức ép của phát triển, ta không thể cản được nó tiến về phía trước. Chúng ta đành chấp nhận trong lo âu và hi vọng...


TÂM THỨC NÚI, TÂM THỨC RỪNG TẠO NÊN TÂM HỒN THẾ HỆ CHÚNG TÔI

* Mật đạo gây ấn tượng với những trang viết hay và kỹ lưỡng về vùng đất Quảng Trị - “nơi chốn bất thường của lịch sử”, về đại ngàn hùng vĩ, sự tao ngộ kỳ diệu giữa con người và thiên nhiên, những rung cảm tinh tế với đất trời. Chắc anh đã thật sự “sống” với một cánh rừng mới có thể viết như vậy?

- Tôi mở mắt chào đời giữa cảnh sơn thủy kỳ vĩ của miền Trung, thị xã Đà Nẵng cổ kính, buổi chiều ngồi bên sông Hàn nhìn đỉnh Sơn Trà nghe câu ca dao: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”. Các ngọn núi Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (Non Nước), rồi Hải Vân sơn xa xa ngự trị trong tâm thức người miền Trung, đó là tâm thức núi. Núi, rừng bao bọc quanh họ. Cách Đà Nẵng chưa tới 30 cây số về phía tây có vùng Thượng Đức, một cửa ngõ từ đồng bằng đi vào núi mẹ Trường Sơn, với rừng, đồi, núi bao phủ hùng vĩ... Đây cũng là chiến địa cho một thư hùng khốc liệt để mở lối xuống đồng bằng của “đoàn quân trên non cao”.

Cuộc đấu tranh thống nhất bắt đầu từ rừng núi, từ thuở đó các địa danh kỳ bí của rừng theo hơi thở của chiến tranh đã văng vẳng vọng vào lòng các thiếu niên đô thị chúng tôi: Khâm Đức, Thượng Đức, Khe Sanh, Đường 9, trận đánh Ashau, A Lưới, đồi Thịt băm, sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, đường mòn Hồ Chí Minh... Tâm thức núi, tâm thức rừng hòa lẫn với tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố” đã tạo ra tâm hồn thế hệ chúng tôi. Tôi viết về rừng là vì vậy.

* Mật đạo có nhiều suy tư triết học, suy tưởng về ý nghĩa cuộc đời. Dường như cảm thức về sự hư vô của kiếp người, về “bản chất ảo ảnh của cuộc đời” đã đeo đuổi anh, từ những bài suy niệm trong tập sách Bức tĩnh vật của sương khói (2011) cho đến tiểu thuyết đầu tay này?

- Mật đạo là tiểu thuyết không dễ đọc, tôi biết như thế. Sau Mật đạo, hai quyển Ngẫu tượng và Nghiệp chướng tôi viết khác đi, nhưng vẫn ao ước sẽ quay lại thực hiện một tác phẩm theo phong cách này.

Viết Mật đạo trong hơn bốn năm, tôi thấy mình như Từ Thức lạc thiên thai, cứ mỗi lần trầm mình vào tác phẩm tôi thoát xác và sống ở một kiếp khác, một đời khác. Cuốn sách chắc không dành cho đa số, nhưng cho riêng tôi (và có lẽ một vài người đồng cảm khác) thì đó là một ân sủng.

Như ông Lam - nhân vật chính - tìm đến sống bên lề của vô tận, nơi bìa rừng, giáp tuyến giữa đời thực và đại ngàn hoang liêu, tôi hiểu, chỉ khi sống cận biên như thế ta mới nhận ra: chỉ một bước nhỏ nữa thôi là ta có thể tan biến vào vô tận.

Nói như thầy Nhất Hạnh trong tác phẩm Nẻo về của ý, trong một khoảnh khắc thần khí, thầy đứng ở Phương Bối giữa cánh rừng hoang sơ khi trời vừa dứt cơn mưa, cố nhìn xuyên qua lớp sương mù đang chuyển hóa và thốt lên rằng: “Chỉ một chút nữa thôi tôi đã có thể thấy được điều tôi tìm kiếm suốt đời”. Tôi cũng vậy, khi trầm mình vào Mật đạo, chỉ một chút nữa thôi tôi đã có thể tiệm cận với hư vô.



Box 1:

Trân trọng những gã doanh nhân phiêu lãng

* Ở Nghiệp chướng, tiếp nối từ câu chuyện về các nhà tư sản dân tộc ở Mật đạo, anh theo đuổi một đề tài mới lạ: cuộc cải tạo công thương khi đất nước thống nhất dưới góc nhìn của người miền Nam, rộng hơn là câu chuyện kinh doanh theo thời cuộc. Có vẻ đề tài về những người làm kinh doanh sẽ còn là một “vỉa quặng” lớn của anh?

- Gia đình tôi là dân kinh doanh, từ giữa thập niên 1960 đã xây dựng một chuỗi nhà hàng mang tên Nhà hàng Việt Nam mà chúng tôi chỉ kịp phát triển ở hai điểm là Đà Nẵng và Sài Gòn (Nha Trang là điểm dự kiến thứ ba nhưng không kịp). Lúc đó, các bậc tiền bối của tôi đã có định hướng nâng món ăn Việt Nam lên hàng cao cấp (60 năm trước chỉ có món Tàu, Tây mới đạt đẳng cấp nhà hàng, món Việt chỉ là thức ăn bình dân nằm ở các hàng quán). Và không chỉ thức ăn Việt mà phong cách Việt cũng được đưa vào trong thiết kế với các bụi tre trồng trước cửa, ốp tre bên trong, các đèn trang trí bằng ống tre... Ở Đà Nẵng nó còn có tên là Bamboo Restaurant (Nhà hàng Tre) nằm nổi trên sông Hàn. Còn ở Sài Gòn, Nhà hàng Việt Nam tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi sang trọng vào lúc đó. Ba tôi làm trong ban quản lý của Hãng tàu Container Sealand...

Vì vậy tôi yêu kinh doanh và khi làm báo, tôi viết về kinh doanh (khác với kinh tế). Giờ khi cầm bút cho nghiệp văn chương, tôi thấy mình rất thuận để hiểu về cuộc sống, cách nghĩ, những lo âu, những hãnh diện của các doanh nhân. Tôi trân trọng những “gã phiêu lãng” này, tôi biết họ hầu hết đều rất lãng mạn vì bản chất kinh doanh là một cuộc phiêu lưu lớn có thể đánh đổi cả một sản nghiệp, một gia đình, nhiều cuộc đời trong cuộc chơi đầy thành bại này... Tôi sẽ tiếp tục viết về họ.

Box 2:

Một góc nhìn đáng soi chiếu về lịch sử Việt đương đại


Nhà báo Lưu Vĩ Lân là người góp phần sáng lập, cải tiến và làm thư ký tòa soạn những tờ báo có dấu ấn riêng của làng báo Sài Gòn như Nhà Đẹp, Kiến Trúc và Đời Sống, Ý Tưởng và Sản Phẩm, VietNamNet... Anh cũng là cây bút quen thuộc của Tuổi Trẻ Cuối Tuần với những bài báo có những liên hệ Đông - Tây sâu sắc, am hiểu thời cuộc trong - ngoài nước, những chia sẻ trầm tĩnh, hướng đến xây dựng một tâm thức xã hội ôn hòa vì một đất nước phát triển.

Ba cuốn tiểu thuyết (NXB Hội Nhà Văn) của Lưu Vĩ Lân - mỗi quyển vừa có thể đứng độc lập vừa có thể hòa vào mạch chủ đề chung - góp một góc nhìn riêng về ba giai đoạn của lịch sử Việt đương đại.

Theo dõi câu chuyện làm ăn của nhóm Gia đình từ năm 1943 đến 1968 trong Mật đạo, người đọc được nhìn cuộc chiến Việt Nam từ cả hai phía, cảm khái với tâm tình người Việt giữa tình cảnh đất nước bị chia đôi; bất ngờ với những doanh nhân lịch lãm và độc lập từ thuở nước non còn oằn mình dưới bom đạn; bị hấp dẫn bởi sự “dấn thân vào hoang liêu” của nhân vật chính.

Đọc Ngẫu tượng, độc giả lại được mục kiến những ngày tháng 3 và tháng 4-1975 ở Huế và Đà Nẵng, tiếp cận một góc nhìn sắc bén về cuộc “triệt thoái” của quân đội Việt Nam cộng hòa, về bản chất của cuộc chiến; ngậm ngùi cùng những suy tư đầy phản tỉnh của một vị tướng kiêu hùng đang phải đối diện với những ngày trở thành bại tướng...

Với Nghiệp chướng, công cuộc làm ăn ở Sài Gòn sau ngày 30-4-1975 với nhiều khó khăn lẫn thời cơ cần nắm bắt ở buổi giao thời hiện lên đầy cảm xúc qua đôi mắt bao dung của một doanh nhân bị “làm khó” bởi cuộc cải tạo công thương nghiệp... Góc nhìn nhiều cảm thông ấy có thể còn gây tranh cãi, nhưng câu chuyện mà tác giả chọn kể, như hai cuốn trước, vẫn thật độc đáo, để rồi đọng lại với người đọc vẫn là “cái tâm của dân tộc này là hiền lành”...

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Hoa cúc xanh hay Gió đọng trong vườn



Dịp sinh nhật "anh" (17-4) năm nay, Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Hội An...lại vang vang thơ "anh" trong những không gian ấm những đôi môi ấm...Hôm qua mới có chút thời gian đọc những cảm nhận của mọi người về Se sẽ chứ..., nhớ "anh", lưu lại ở đây bài đã viết vào tháng tư 4 năm trước:

Tối nay kịch anh viết diễn ở Sài Gòn, giữa "mùa của nắng, của quả chín, của trời biếc và của những mối tình đầu" (*). Khán phòng chính lẫn tầng lầu của Nhà hát Quân Đội không còn 1 chỗ trống, khán giả đến sau phải ngồi bệt ở các bậc thang và đứng ken dày phía sau hàng ghế cuối. Đông như mọi khi kịch anh viết diễn cho khán giả thủ đô. Anh ở "nơi nào đó" có xúc động không, Vũ ơi?

Là vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" anh ạ. Rất nhiều thoại khiến khán giả vỗ tay vang rạp. Và có lời thoại làm khán phòng lặng phắc.

Lúc Hoàng "của anh" gọi to "Vân ơi!", "Liên ơi!", hình như khán giả cũng đang gọi vang như vậy trong lòng. Gọi một sự trở về với những thiện lành nguyên sơ của tuổi thơ chưa bị vẩn đục bởi áo cơm nhỏ nhặt đời thường, bởi lợi danh chìm nổi. Xem kịch anh, lại thương anh quá, Lưu Quang Vũ ơi! Anh tin không, một lần nữa, anh khiến cho khán giả - dù 3 phần tốt 7 phần xấu hay 7 phần tốt 3 phần xấu - đều thảng thốt "đi tìm", nhận chân lại phần tốt đẹp của mình, giữ chặt lại chúng, như giữ Chân Hạnh Phúc.

Bởi như anh nói đó - vừa như tuyên ngôn vừa như đối thoại với chút hoài nghi của chính mình - giữa thời đại từng biếc xanh lý tưởng mà nhiều biến động, nhiều xoay trở của lòng người:

Những điều tốt đẹp dứt khoát phải hiện hữu, chỉ là ta muốn giữ lại hay không. (**)

Có niềm tin nào tươi trong hơn thế? Có thao thức nào đẹp như gió đọng trong vườn thế không?

Cảm ơn anh, vì tất cả những gì anh đã gửi vào ngôn ngữ, để thi thoảng, 1 lời thoại, 1 câu thơ thôi, mà nâng dậy tình yêu đời sống.

Xem kịch anh về, bỗng thèm đọc thơ anh.

Vườn em là nơi đọng gió trời xa/ Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng...

Muốn hỏi những khu vườn của anh, có người đàn ông nào trung thực, tài hoa và nhiều say đắm như thế nữa không?...

Tôi biết, có những bạn bè thi thoảng lại mở tập thơ của anh ra, để nhớ thương những bông cúc xanh, để quên đi những vũng lầy, để thấy ngày đẹp lên, mùa đi qua rung động, "ấm áp và nhân hậu", như mùa hè tuổi trẻ của anh...

Khuya rồi, mà 1 vở kịch cho một ngày - hè - đẹp đã đủ rồi anh nhỉ? Hẹn ngày mai tôi sẽ đọc thơ anh để tiễn một ngày dài. Nhớ anh, còn đọc thơ cả đời...

-------------

(*) Lưu Quang Vũ nhắc về mùa hè trong nhật ký tuổi 15.
(**): Câu thoại cuối kết lại vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy, ghi theo trí nhớ.
Ảnh: từ Di cảo Lưu Quang Vũ (NXB Trẻ)

P.S: Những câu thơ đọc cho tháng tư năm nay:...Em là rễ nối liền anh với đất/ Lại là chồi mở búp đón sương mai/ [...]/ Em đã là tất cả:/ Sao của hoàng hôn/ Mầm thơm của mạ/ Niềm tin cần cho những năm gian khổ/ Và tình yêu nuôi nấng những con người. (Em (I))

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Ghi ở Xuyên Mộc




Mình rất thích bức ảnh này vì có cả ba tâm hồn phương Đông huyền nhiệm, ba tên tuổi gắn liền với nền thi ca Phật giáo cùng có mặt trong bức ảnh: “Chữ” của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Thư pháp của nhà thơ Nhất Hạnh. Và người đang thưởng lãm chính là nhà thơ Trụ Vũ.

Bức ảnh mình chụp ở triển lãm thư pháp Hương thơm quê mẹ của Thầy Nhất Hạnh hôm triển lãm diễn ra ở nhà sách Hải An, Sài Gòn (triển lãm đang tiếp tục diễn ra tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội).

Đêm nay có cơ duyên dự đêm thơ nhạc Những bước trầm hương mừng thọ nhà thơ Trụ Vũ do anh em văn nghệ sĩ Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức - một đêm thật “đôn hậu” (chữ bác Trụ Vũ nói với mình) và ấm áp tình văn nghệ sĩ khiến mình không khỏi cảm động, bỗng dưng muốn chia sẻ bức ảnh :).

Ngoài suối nguồn thi ca tìm về với nhau đêm nay, sẽ còn nhớ, hình ảnh mảnh trăng lưỡi liềm nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc chỉ mình ngắm và những câu lục bát tuyệt hay trong bài Nửa khuya của Trụ Vũ mà nhà thơ Hạnh Phương đọc cho chú Ngọc và mình nghe:

[...]
Ôi từ độ đá thành tên,
Ôi từ độ đất nên hình cỏ hoa.
Giọt cành dương, hạt mưa sa,
Pháp âm dậy giữa phong ba ngọt ngào.
Từng biển thấp, từng non cao,
Ý chi không Phật, lời nào không Kinh.

17.4.2021

P.S: Cập nhật bản tin mình viết cho Tuổi Trẻ ngày 20-4:

Cuối tuần vừa qua, đêm thơ nhạc mang tên “Những bước trầm hương” mừng thọ nhà thơ Trụ Vũ (91 tuổi) đã diễn ra tại xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), hội tụ hơn 50 người hâm mộ, văn nghệ sĩ yêu thơ Trụ Vũ từ TP.HCM, Nha Trang, Bình Phước, Đồng Nai, Hà Nội... về tham dự. Đêm thơ do anh em văn nghệ sĩ Xuyên Mộc yêu mến thơ và thư pháp của Trụ Vũ tổ chức để tri ân người thầy của mình.

Có mặt tại đêm thơ, bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ Võ Văn Thành, PGS.TS Đoàn Văn Điện, nhà thơ Hạnh Phương... cùng nhiều văn nghệ sĩ đã cùng chia sẻ mối giao tình đáng nhớ với nhà thơ - nhà thư pháp Trụ Vũ, ghi nhận tài năng thi ca độc đáo của ông trong những bước “hành hương” cùng thơ suốt hơn 60 năm. Đó là một hành trình thơ chuyên chở tinh hoa của triết học Phật giáo - nguồn thi cảm lớn của ông cùng tình yêu vô lượng với đời sống, với đất mẹ và vũ trụ này. 

“Mỗi bài thơ nhắc người ta trở về với hơi thở, với chính mình” - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói. Người bạn thơ gắn bó 50 năm, nhà thơ Hạnh Phương, khẳng định: thơ Trụ Vũ đã tồn tại trong lòng quần chúng hơn nửa thế kỷ, nhẹ nhàng và thanh thản; Trụ Vũ là một tên tuổi không thể không nhắc đến trong lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam.

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Như lòng một đóa hoa




Đọc lại Con lừa và tôi của Juan Ramón Jiménez (1881-1958) nhân chọn sách tặng cho các em nhận Học bổng Nguyễn Hiến Lê:

[..] Này Platero, trong khi chuông chiều ngân nga, há con người chẳng nghĩ rằng đời sống nói chung, đời sống của chúng mình, làm mòn mỏi sức lực từng ngày đó sao, và há con người chẳng nghĩ rằng có một sức lực từ bên trong, một sức lực kiêu hùng hơn, miên trường hơn và tinh tấn hơn, làm dâng dậy, như bao nhiêu ngọn suối trời, bấy nhiêu sự vật lên tận những vì sao giờ đây đang thắp sáng giữa muôn đóa hoa hồng?…Muôn hồng…Đôi mắt người cũng thế, Platero ạ, đôi mắt ngươi mà ngươi không nom thấy, mà ngươi an nhiên hướng nhìn trời, cũng là hai đóa hồng xinh.

(Chuông chiều)

Này Platero, đóa hoa đẹp và thanh ghê, đóa hoa bên đường kìa! Lớp lớp đi qua - bò, dê, ngựa, cả người nữa - thế mà hoa, nõn nà mảnh mai thế kia, vẫn còn đây, không suy suyển, tím nhạt và nhỏ nhắn, bên bờ giậu chơ vơ, không hề vấy bẩn, không huề uế tạp.

Ngày ngày hễ đi đường tắt, cách chân dốc một đoạn, là ngươi có thể trông thấy nó trong lùm xanh. Đôi khi nó tựa kề một con chim thật nhỏ, chim này bay mất - tại sao chứ? - khi thấy bóng chúng tôi, đôi khi làn nước trong từ đám mây hè ứ lại trong hoa làm thành như một chiếc cốc nhỏ xíu...
Đóa hoa này sẽ sống ngắn hạn, Platero ạ, vẫn biết kỷ niệm về nó có thể bất diệt...

(Đóa hoa bên đường)

____________


Nguồn thi cảm của Juan Ramón Jiménez gạt bóng tối trên mắt người, để ta có thể nhìn thấy mọi thứ trong hơn, sáng hơn, nhìn thấy vạn vật đầy chất thơ để mình hân thưởng, cẩn trọng và nâng niu.

Đắm mình cùng tình yêu của tác giả với vũ trụ quanh ông, từ một vũng nước tù đến một đám mây hồng, từ ánh nắng trong của đỉnh trời đến những hạt mưa nhỏ dưới vòm cây, từ đóa hoa bên đường đến đám lựu trong vườn, từ dòng sông mùa xuân đến đầm lầy mùa hạ; ta sẽ mặc bao huyên náo nhiễm ô, chỉ thèm là chú lừa Platero đang dúi mũi vào cỏ thơm, đón những cơn gió trong veo trên đồi...; thèm là “tôi” đang hân hoan nhìn bầu trời qua đọt thông, hay tựa một góc vườn “ủ mình trong mùi ấm của hoa”, ngắm bầy sẻ nhỏ bằng đôi mắt người anh em, nghe tiếng dế kêu “huyền bí và chan hòa”, nghe tiếng - đêm về trong mát…

“Lòng ta ơi, hãy đọc cho ra những điều gì trong bóng tối!”. “Tôi” nói với mình như thế, trong một đoản văn đầu hành trình dạo chơi cùng hiền - giả - của - đồng - nội - Platero.

Còn “hoàng tử bé” Jiménez muốn ta đọc gì ở tác phẩm đẹp như sao trời này? Phải chăng: Cái quả địa cầu đang quay êm ả này, đời sống vô thủy vô chung này ...như “lòng một đóa hoa”, “nồng nàn, mênh mông và ấm cúng”, nếu mắt ta là đóa hoa sáng trong...

“Thiên nhiên một khi được tôn kính thì dâng tặng cho kẻ nào xứng đáng cái cảnh sắc thanh lãng của vẻ đẹp xán lạn, muôn đời của mình”. (Juan Ramón Jiménez).

Thiên nhiên đó, ta đủ tôn kính chưa, có nhìn bằng đôi mắt còn đủ trong hiền, để cảm đủ mọi lung linh huyền dịu?

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Khóc rừng

Trường quá xa, nhà ở trong rừng, nhiều học trò nhỏ giấu xoong nồi trong các hốc cây đầu trường, học xong lôi những chiếc nồi con đen nhẻm ra, đặt trên ba cục gạch, lúi húi nấu cơm để ăn với... cơm, hoặc khá khẩm hơn là với muối trắng.

"Bữa tiệc... núi xót lòng" ấy là hình ảnh gây ám ảnh cho những ai đã tới thăm Trường tiểu học Lê Lợi ở Ðắk R’Măng (huyện Ðắk G’Long, tỉnh Ðắk Nông). 

Nhưng Ðắk R’Măng sẽ còn ám ảnh hơn nữa, với những ai đã đọc Cánh chim rừng không mỏi (Cty Phương Đông và NXB Thanh Niên, 2011) - tập bút ký, phóng sự mới nhất và là cuốn sách thứ 15 của nhà báo Ðỗ Doãn Hoàng.

Ám ảnh, nhưng có lẽ chưa ai có thể viết ngọn ngành về thảm trạng di dân tự do vào Tây nguyên như tác giả - một cây bút vốn gắn bó nhiều với đồng bào miền núi phía Bắc. Bà con (con số năm 2008 là 51.000 hộ dân), vì đất sinh nhai, từ Ðiện Biên, Lào Cai, Lai Châu... ập đến Tây nguyên, coi đó như một "thiên đường" cứu đói. Và những cánh rừng biến mất chỉ trong một đêm. Thay vào đó là những thôn bản "từ trên trời rơi xuống", những nương rẫy với màu xanh đắng đót mọc lên từ cái chết của hàng loạt "bảo tàng cổ thụ".

Người lớn hoặc thậm thụt sống, hoặc trơ lì chống đối cơ quan chức năng. Trẻ con đói khát, mù chữ. Những bất ổn thì nảy nở vô kể, bởi "sự bất lực của người giữ rừng, sự vô lối của người giết rừng".

Căn bệnh di dân tự do trở thành một trong những cái máy cưa khổng lồ làm ngã đổ rừng già Tây nguyên. 3/4 dân số ở Ðắk R’Măng là người di cư, họ biến Trường tiểu học Lê Lợi thành điểm nóng của xã với những hình ảnh "quen mắt" rồi mà vẫn phải quay đi ấy.

Không chỉ "tận mục những cánh rừng bị phá tan hoang", tác giả còn lội bộ hàng ngày trời đi dập lửa cháy, có mặt ở hầu khắp các vụ cháy rừng lớn nhất Việt Nam, cùng ăn những bát cơm phủ đầy tro bụi ở rừng, cùng chảy nước mắt vừa thương vừa giận "đồng bào" và cơ quan giữ rừng kiểu "cò con"...

Sống cùng sự kiện, lăn xả điều tra, anh còn truy vấn đến tận cùng những người có trách nhiệm liên quan để khơi ra những bài toán cần giải... Bài toán hóc búa không chỉ bày ra ở Ðắk R’Măng (Cánh chim rừng không mỏi) mà còn ở Mường Nhé, Ðiện Biên (Choáng váng với rừng ở Mường Nhé), ở Chư A Thai, Gia Lai (Phá "rừng" triệu năm tuổi), ở Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái (Khóc rừng trên nóc nhà Ðông Dương)...

Và vì vậy, những phóng sự về rừng dưới ngòi bút Ðỗ Doãn Hoàng đầy những chi tiết sống động, đầy những câu hỏi và câu trả lời có thể làm nhói lòng những kẻ bàng quan nhất.

Bên cạnh bốn loạt bài về rừng, Ðỗ Doãn Hoàng còn chọn in 12 tác phẩm báo chí theo tinh thần "có tác động xã hội", như một cách để anh tiếp tục giữ "lời thề" của một người làm báo sau hơn mười mấy năm "đau đáu coi việc viết như là hơi thở".

Dưới mỗi bài viết của Cánh chim rừng không mỏi, tác giả đều có phần "hồi âm", kể thêm chuyện sau khi báo chí đăng tải bài viết. Anh muốn chứng minh cụ thể câu chuyện đã thay đổi theo hướng tích cực như thế nào sau khi nhà báo "vào cuộc". Như sự thảm khốc của hiện thực vùng Tây Bắc, Tây nguyên mà phóng sự truyền tải đã được đặt lên bàn Thủ tướng Chính phủ, vào nghị trường Quốc hội, những bế tắc đã bắt đầu được giải tỏa...

Rừng vẫn mất từng giờ. Nhưng đọc sách Ðỗ Doãn Hoàng, người đọc được an ủi rằng: có những tiếng khóc giúp rừng bớt chết buồn bã trong đơn độc.


Box:

Có được những “hồi âm” tích cực từ kỳ công theo đuổi vấn đề qua các bài viết của mình, Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: “Tôi vẫn tin rằng: trách nhiệm xã hội; sự điều tra, dự báo, kiến nghị, phản ánh những vấn đề thiết thân của xã hội; nỗ lực bằng ngòi bút và tâm huyết (với các hoạt động xã hội kèm theo) để góp phần thay đổi hiện thực xã hội nóng bỏng kia theo hướng tích cực hơn, vì các lẽ dân sinh nhân ái hơn... - đó là thước đo quan trọng nhất cho phẩm cách của mỗi nhà báo. Phẩm chất của nhà báo, tôi luôn đề cao sự trung thực, kèm theo đó là tinh thần vì cộng đồng”.

-------------


Sức hấp dẫn của sự thật

Thế giới người điên (NXB Trẻ, 2007) là tập sách mới nhất tập hợp 23 bút ký đặc sắc của Võ Đắc Danh - cây bút từng được nhiều độc giả chú ý qua Nỗi niềm U Minh Hạ Đồng cỏ chát.

Vẫn có duyên nhất ở các đề tài về đồng bằng, Võ Đắc Danh mở ra những góc nhìn lý thú về cuộc sống, con người ở vùng đất Nam bộ qua những câu chuyện về cá lóc nướng trui, mùa trái mắm, mùa len trâu, đồng chó ngáp, huyền thoại về thầy rắn hổ hay những tâm tình thân mật với những tài năng văn chương mà tác giả quý trọng: ông già Nam bộ Sơn Nam, “bác Tư Sâm” Trang Thế Hy.

Nhưng không chỉ đậm đà mùi vị của rơm rạ, cá nước, đước rừng..., tập sách còn cho thấy một Võ Đắc Danh đã đi cùng cuộc sống thành thị với tâm thế của một nhà báo đầy trách nhiệm. Anh băn khoăn cùng với những người lao động chợ Cầu Muối khi thành phố có chủ trương dời 10 chợ đầu mối ra ngoại thành (Phiên chợ trăm năm), anh “xộc” vào các đề tài nóng hổi bằng những ghi chép xúc động từ nhiều nỗi đời xung quanh chuyện đất đai (Nỗi niềm sinh tử bên rìa “Công thổ quốc gia”, Canh bạc, Đất lên tình người xuống).

Và cùng với anh, người đọc được gặp gỡ nhiều nhân vật ấn tượng: một Nguyễn Hữu Ân hiếu đễ hết lòng với hai người mẹ (Đứa con nuôi), một Tiểu Hương vươn lên từ cuộc sống đọa đày để trở thành giám đốc của Trung tâm nhân đạo Quê Hương (Bà chúa vỉa hè), một Lê Vũ Cầu từng phải sống kiếp giang hồ, làm đủ nghề mưu sinh nay đang nuôi dưỡng ước mơ cuối đời cho một quán cơm từ thiện (Gã giang hồ lương thiện), một thiếu tướng Phạm Văn Xoàn giữ vẹn lòng trung, chữ tình qua bao nhiêu biến cố lịch sử, lại là người xây dựng nên công ty bảo vệ tư nhân đầu tiên của VN khi đã bước qua tuổi 70 (Chữ tình của người quân tử). 

Nhân vật của Võ Đắc Danh còn có cả “người điên tử tế” Nguyễn Ngu Í, những người điên có tên và không tên khác đang cần được cảm thông, chia sẻ để “tất cả cùng đi trên con đường tử tế” (Thế giới người điên).

Những mảnh đời, chuyện đời qua lối kể chuyện giản dị của tác giả lại có sức thu hút lạ, vì bản thân mỗi câu chuyện đã “đắt” ngay từ cách anh tìm tòi đề tài, chắt lọc sự kiện. Không màu mè văn chương, không dành nhiều đất cho cảm xúc riêng, anh để sự thật cất tiếng nói bộc trực nhất của mình. Và sự thật của anh đã lay động độc giả - những người tìm thấy qua bút ký Võ Đắc Danh một cuộc sống không ngừng trôi chảy, sống động từng phút giây, một cuộc sống đầy những điều để khám phá mà có thể chúng ta chỉ đang lướt qua bởi sự thờ ơ của chính mình.

----------------

P.S: Bài điểm sách của hai nhà báo, đã in trên báo Tuổi Trẻ năm 2007 và 2011.

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Từ Paris

 



Bưu thiếp vừa nhận được, từ Paris về Sài Gòn mất hơn một tháng. Giữa năm Covid thứ hai, cầm thư tay có chút rưng rưng.

"Có thơ thắp sáng trong từng ánh nguyệt
Những lời êm bày biện với linh hồn"
(Nguyên Sa)

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

“Mẹ em ở dưới Bình Dương mau về”


Ảnh: Lii Nguyen

Mùa hạ 2017. Đêm ngủ ở Bình Phước, tôi đi ngủ với dòng chữ ấy trong đầu, dòng chữ mà H. - một cô bé 8 tuổi ở Phú Vinh (Phú Riềng, Bình Phước) viết trên chiếc lá ghi điều ước của mình.
“Ước mơ của em là…”. Là thế thôi, “mẹ em ở dưới Bình Dương mau về”…

Còn bao nhiêu ước mơ thật thà giản dị như thế - có Cha, có Mẹ, được gần gũi với mẹ cha. Nhưng cái nghèo làm nên bao nhiêu là ngăn cách…Những gia cảnh khó khăn mà chúng tôi ghé thăm, phần lớn đều hẫng hụt hơi ấm. Những gia đình nhỏ sau này của các em, liệu sẽ khác hơn? Hay rồi những nhọc nhằn mưu sinh cũng lấy hết thời gian để…sống?

Lá ước của H. làm tôi lại nhớ ánh mắt của D. - cậu bé lớp một trầm lặng khác thường ở Tiên Phước, Quảng Nam. Cha biền biệt, còn Mẹ đi giúp việc cho người trên phố cách mấy mươi cây số, mỗi tháng về thăm em một đôi lần. Tôi lại hình dung nỗi sợ hãi của chị gái D. - cô bé lớp 8 những đêm tối trời đi cài then chốt cửa một mình.

Tôi nhớ, cái nép mình với nụ cười tròn thắm trên mắt môi của P. (Hòa Lạc, An Giang) trong một vòng ôm có lẽ lâu rồi em mới nhận được...Nhớ câu trả lời của cậu bé Giao Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre): "Ba con đi ghe trấu chưa về”…Thật ra đó là cuộc đi vô tận, người ba thứ hai đó của em có thể đã đậu lại ở một chái nhà nheo nhóc khác.

Và nhớ, những giọt nước mắt của người mẹ Dang Kang (Krông Bông, Đắk Lắk) cái đêm chị cùng tôi lên một chuyến xe về Sài Gòn. Tôi "về", nhưng với chị là "đi", đi vội vội vàng vàng, “xuống Sài Gòn” rửa chén cho một quán ăn ở Q.Bình Thạnh, để lại hai con nhỏ mà chị nhớ điếng người, ôm và khóc cả buổi tối trước khi lên xe…

Nhìn và xem lại những bức ảnh các Kira bé, các em nhận học bổng lớn lên nhờ bàn tay của ngoại, của dì…, thấy những ánh mắt đầy nghị lực mà vẫn thẫm màu chiều. Ước gì tất cả những người lớn chúng ta có thể vẽ lên đó thật nhiều màu nắng, không chỉ bằng một món quà nhỏ, một chút hỏi han…

Và uớc gì đất xanh hơn trên những triền đồi, để người ta bớt bỏ làng bỏ đất mà đi. Ước gì những căn nhà dù vá chằng vá đụp vẫn ấm hơi người lớn - những người lớn biết xây tổ ấm...

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Ánh sáng thanh thoát từ Kitchen

Đọc Kitchen của Banana Yoshimoto (Lương Việt Dzũng dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn):

Một không khí u uẩn phủ lên những trang sách. Ở đó là không gian của hai người trẻ cô đơn và hình ảnh một con người đặc biệt khác: một người bố chuyển đổi giới tính để làm mẹ - bù đắp cho đứa con không còn mẹ.

Mikage mất bà và còn lại một mình. Yuichi mất mẹ rồi mất luôn cả bố Eriko - người mẹ thứ hai đã thắp sáng một khoảng đời của cậu. Cảm giác như bóng tối không thể tan ra trong cuộc sống của họ - cuộc sống mà cái chết hiện diện song tồn, dai dẳng trong ký ức, trong nỗi đau mất mát không thể nguôi ngoai.

Sự thật “mình chỉ còn lại một mình” trở nên quá sức chịu đựng đối với hai người trẻ. Với họ, hạnh phúc được định nghĩa là “một cuộc đời không bao giờ phải cảm thấy rằng thật ra ta chỉ có một mình”. Nhưng đi đến tận cùng nỗi tuyệt vọng, họ nhận ra đó cũng là lúc khởi đầu để có thể hiểu thấu niềm vui thật sự là gì. Đi đến cùng nỗi cô độc, họ mẫn cảm hơn ai hết trước những cảm thông sâu sắc mình có được, trước những nâng đỡ, trước niềm vui của yêu thương và được yêu thương...

Bằng chất giọng nhỏ nhẹ gần như thi ca, Mikage - cô gái có tình yêu lạ kỳ với bếp - níu ta ngồi lại với cô, đọc cô cũng bằng tất cả sự dịu dàng để rồi tìm thấy những lối ra thật thanh thản.

“Con người không khuất phục trước hoàn cảnh hay những thế lực từ bên ngoài, mà sẽ thua cuộc bắt đầu từ chính bên trong”. Nhưng “bên trong” là gì nếu không phải là một viên ngọc còn đang cất giấu trong mỗi con người? Mikage nhận ra điều đó trong trái tim mình và trong trái tim những người xung quanh: “Mỗi con người, một sự vĩ đại nhỏ nhoi, đủ để thứ ánh sáng trong tâm hồn họ soi rọi vào cuộc sống của người bên cạnh”. Ánh sáng ấy đã tỏa chiếu thanh thoát lên những trang sách u hoài mà trong trẻo của Kitchen.

Là một câu chuyện đơn tuyến không dễ hấp dẫn người đọc, nhưng Kitchen đã trở thành một hiện tượng của văn học Nhật, đoạt hàng loạt giải thưởng và đưa tên tuổi của Banana Yoshimoto trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của văn học Nhật Bản đương đại. Điều gì để Kitchen đi vào lòng độc giả như vậy nếu không có thứ ánh sáng tâm hồn vượt lên cả cái chết, sự cô độc và nỗi bi ai còn mất?

-------------

P.S: 

Bài in Tuổi Trẻ năm 2007, nay post gửi Tâm Như nhé, nhân nàng đang đọc Kitchen.

Nàng là một ánh sáng rất lấp lánh của mình. Nhớ những năm 2016-2017 quấn quýt bên nhau. Nhớ những giờ học đàn và sự ...ra đời của "tam tấu vịt con" :D. Nhớ bữa cơm có đậu gà sốt cà Như nấu ở "biệt thự cây khế", những ly latte mua cho nhau, hộp ngũ cốc Như gửi cho chuyến mình bay một mình sang Okinawa, lo lắng và tin tưởng...

Nhớ những hẹn hò thanh đạm ở Hiên Cúc vàng, Pháp Uyển...Và căn gác áp mái ở Đà Lạt, nơi hai đứa nằm nghe bài Tìm nhau Người biết sống một mình. Không thể không nhắc Dang Kang nữa nhỉ - những trái ổi thần tiên trên thùng xe lộng gió. Dang Kang - nơi chúng mình tao ngộ hai người bạn mới gắn bó với các chuyến thiện nguyện sau này.

Nàng chưa biết, một buổi trưa cuối năm 2016, mình ngồi ở Pháp Uyển biên cho nàng một lá thư ngắn cảm những ơn lành, mà thấy chữ không gói đủ tình, thư nay đã lạc mất rồi...