Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

I enjoy going back to my island




Trời sao.
Đường vắng
Gió ôm từng bước kinh hành.

-------

Buôn AKõ Dhông. Mùng 1 Tết Nhâm Dần. Đi dạo với nhau gần 4km đường dốc. Bầu trời nhấp nhánh sao thưa và cây lá đêm yên mời gọi (một đời sống) hạnh phúc. 

Ở miền đất cao nguyên Buôn Mê, năm nay chúng tôi bắt đầu khởi tạo một "ngôi nhà thi ca" nho nhỏ. Ngôi nhà như một cột mốc để thúc đẩy tôi sớm về với Buôn. Nhưng tôi vẫn chưa biết bao giờ mình có thể buông xả những việc muốn buông để đậu lại chốn này. 1, 2, hay... 5 năm dài?

Mình tìm kiếm điều chi? Một bầu trời sao sáng? Một nơi chốn thiên nhiên tràn đầy mọi nẻo đi về? Một ngồi nhà ấm tình thân thơm cỏ hoa bốn mùa? Hay trên tất cả, một cõi trời Đâu Suất trong lòng chỉ cần quay vào để thấy, để vui thương, dù đang ở đâu, làm gì?

Thương cõi ấy một năm mây mờ...Hứa nhé Nâu, rụt rè, một lời cho năm mới, thắp một vầng trăng tỉnh giác.

Hoa và trái (Thầy Nhất Hạnh trong tôi)




Thầy Nhất Hạnh là một đóa hoa. Hoa sen nở trên biển lửa. Thầy Nhất Hạnh là một đóa hoa. Hoa tường vi nở trên bom đạn chiến tranh.

Biển lửa của chiến tranh đã đưa Thầy ra ngoại quốc. Từ đó, Thầy trở thành Thay, tên gọi kính trọng và thân thương của môn đồ trên khắp quốc tịch. Ngôn ngữ Việt Nam đã được Thầy quốc tế hóa. Người Việt Nam đi đâu cũng làm người Việt Nam. Dù người đó đã trở thành một nhân vật lớn của quốc tế. Dù Sư Ông đã trở thành một thiền sư xuất chúng, vượt lên trên mọi biên giới, mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ. 

Tung hoành trên một thế giới toàn cầu hóa, đại chúng hóa, truyền thông hóa, Thầy đã mang thiên tài Việt Nam của Thầy để quốc tế hóa văn hóa Việt Nam trên khắp năm châu và Việt Nam hóa một tín ngưỡng toàn cầu qua lời nói và màu áo của Thầy. Người Việt Nam, dù Phật tử hay không, và dù đồng ý với Thầy hay không trên điểm này điểm nọ, đều có thể hãnh diện về con người ấy, hiếm có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như trong lịch sử dân tộc cận đại.

Nhưng Thầy Nhất Hạnh là một trái cây chưa thực hiện được vẹn toàn lời hứa với một bông hoa nhỏ bé khi hoa chỉ mới hé nụ trong vườn chùa Từ Hiếu. Nụ hoa thời đó mang một ước mơ riêng biệt Việt Nam, ước mơ canh tân Phật giáo để Phật giáo xứng đáng với vị trí của mình trong tiến hóa của thời đại. Cùng với Thầy, cả một thế hệ trẻ đã nuôi mơ ước ấy. Cùng với Thầy, ước mơ ấy vẫn còn nguyên vẹn là nụ hoa nhỏ trong vườn chùa xưa. Thời cuộc, sợ hãi, chia rẽ, và nhất là cá tính vượt bực nhưng đơn độc của Thầy, đã làm cho trái cây thiếu chất ngọt đặc thù trên miếng đất quê hương. Trái cây đã gieo hạt lành khắp nơi, nhưng hạt dành cho Việt Nam thiếu tố chất thích nghi với đất, thiếu mưa thuận gió hòa. Trái cây đã vượt quá xa lời hứa với nụ hoa Từ Hiếu, nhưng không khỏi làm phụ lòng mơ ước của bông hoa nhỏ bé ngày xưa.

Dù sao, trên tất cả, con người quốc tế nhưng vẫn đậm chất Việt Nam ấy đã nối kết, với tài hoa quý hiếm, quá khứ với hiện tại, truyền thống với thời đại, văn học của thế giới và văn học của Việt Nam qua thiên tài của ngòi bút và phong thái của thiền sư. Tất cả những thiền sư lớn từ ngàn xưa đều là những thi sĩ lớn. Nghẹn ngào trước tin Thầy mất, tôi muốn đọc lại một bài thơ cũ của Thầy, làm từ độ hãy còn là hoa trong Từ Hiếu, trong bối cảnh chiến tranh - bài thơ đã mang tôi đến với Thầy như cả một thế hệ trẻ đồng thời với tôi:

Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi
Vô tình khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa
Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn, và tôi vẫn thở
Nhưng biết bao giờ tôi mới được
Nói những điều tôi ước mơ?

Tôi cung kính đảnh lễ trước Thầy và buồn cho một ước mơ chung chưa thành tựu. Hòa bình thực sự chưa nở trong lòng người. Áo mới cho Đạo gấm thêu quá đẹp vẫn cứ thiếu đường kim mũi chỉ. Áo Thầy may, gấm thêu quá đẹp, nhưng kích thước ấy chưa làm thoải mái hình hài Việt Nam.

Ngậm ngùi, thương nhớ Thầy đến xót ruột, chúng tôi, cả một thế hệ, đành nghĩ: biết bao giờ, biết đến bao giờ, chúng ta có được một thiên tài như vậy, biết bao giờ, biết đến bao giờ, chúng ta có được trái ngọt ước mơ?


P.S: Bài viết đăng trên Giác Ngộ này là một kỷ niệm riêng với tác giả, mình hân hạnh được đọc sớm nhất, cùng chị C., lưu lại đây để nhớ, như nhớ "món nợ tinh thần" với Sư ông...
Cảm ơn chú Thuần.