Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Kẻ ma làm

Bốn mươi năm gác bút, nhưng rồi Trần Kim Trắc đã không dứt tình được với văn chương. Tất cả chuyện đời ông tự trải nghiệm hoặc bắt gặp, lắng nghe đều lặn sâu vào trong tâm hồn, để đến khi cầm bút trở lại (1994), ông đã có 6 tập truyện được bạn đọc hào hứng đón nhận: Ông thiềm thừ, Hoàng đế ướt long bào, Học trò già, Trăng đẹp mình trăng, Chuyện nàng Mimô, Văn hóa đám giỗ. Và gần đây nhất, Kẻ Ma Làm (NXB Văn Nghệ, 2003) - tập sách mới của ông có thể được xem là một trong những tập truyện ngắn thú vị nhất hiện nay.

Người đọc cảm rõ cái phong vị của văn hóa Nam bộ chân chất, dung dị trong từng câu chuyện nhẹ nhàng mà dí dỏm. Cái đạo sống của con người mà nhà văn gửi gắm cũng tự nhiên mà thấm vào lòng người đọc: cái đạo sống mang tinh thần lạc quan, lấy nhân tính làm gốc, rộng lòng mà yêu thương và tha thứ để “nhẹ lòng, nhẹ gánh” cho nhau, biết gạn đục khơi trong, không để “những tác quái của cuộc đời làm suy suyễn tư chất”, biết tự thắng mình để không bị trói buộc vì tiền tài, danh vọng, dục tính thái quá - ba thứ “không có nó không có hạnh phúc cuộc đời và cũng là ba thứ làm khổ đời nhiều nhất”.

Không chê bai phụ nữ như nhiều bậc nam nhi tự xưng là “quân tử” khác, “ông già nam bộ” rất “tâm lý” này luôn nhìn phụ nữ ở những đức tính đáng trân trọng nhất, từ đó mà cảm thông với những thiệt thòi, những sự bất bình đẳng; mà hiểu và thương sâu sắc - những yếu đuối, đa đoan, những bận bịu của bao công việc không tên; đức hy sinh, lòng chung thủy, vị tha của nữ giới (Sầu riêng, Ba cô, Việc không tên, Cám treo, Bởi vì là vợ ổng…) Tập sách vì vậy có một sự ưu ái riêng làm độc giả nữ cảm động.

Cái sâu sắc ẩn trong giọng văn lí lắc của Trần Kim Trắc luôn khiến truyện của ông ý vị những nụ cười - nụ cười mỉm nhẹ nhàng hay tiếng bật cười vui thích. Cần biết bao những nụ cười như vậy giữa bao mặn đắng của cuộc đời. Cuộc đời đầy kịch tính nhưng cuộc đời luôn có đó những niềm vui bình dị, trong trẻo để nhà văn gạn lọc mà gửi tặng bạn đọc của mình.

“Sống vui và viết vui” vì những lẽ “phải viết như thế nào để người tốt cảm thấy hứng thú và được động viên, để người đạo đức giả cảm thấy mình trở nên hài hước, để người xấu cảm thấy những chuyện họ làm rất buồn cười mà thấy rằng trong họ vẫn còn nhen nhúm ngọn lửa hướng thiện để thổi bùng nó lên…” (phụ lục). Không cần định sẵn cho tác phẩm một tư tưởng lớn lao nào, nhưng phản ánh sự đa dạng, phong phú của cuộc sống và lòng người bằng cái tâm sáng, bằng óc phân tích minh mẫn mà hóm hỉnh, nhà văn Trần Kim Trắc đã có con đường riêng để đạt được ý nguyện của mình.

P:S: 
Lưu lại một "kỷ niệm" với nhà văn Trần Kim Trắc. Bài mình in Tuổi Trẻ năm 2003, không biết tác giả có đọc không, mình chỉ "biết" ông qua văn chương, chưa có duyên gặp ông bao giờ. Ông ra đi trong lặng lẽ vào ngày 17-11-2019, sau 49 ngày công chúng mới biết, vì "không muốn việc ra đi của mình gây ồn ào cho bạn bè đồng nghiệp cũng như dư luận". 
Nay con post lại bài ở đây, xin thắp một nén hương lòng cho bác.

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Đêm trăng tháng ba




Lòng ngời như đóa Trăng trong
Tình đầy như Mây biếc lành
Người ơi biết mấy tương giao
Ơn đời như Lá ơn cành...

Ba Son, 28-30.3.2021

P.S: Tặng chị Lu lớn của em, lưu ở đây hình ảnh một đêm Trăng ấm Gió lộng bên Sông Sài Gòn, và mấy chữ mừng tuổi mới của chị, yêu tấm lòng luôn ngời đóa hoa Tình yêu của chị.

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

Chiếc xe đạp... ngự trên giường




Chiếc xe đạp của T. được em nâng niu để trên giường ngủ 


650.000 đồng cho một chiếc xe đạp cũ tân trang, nhưng là cả một ước mơ với học trò nghèo. Vì thế khó mà hình dung đủ niềm vui của các em khi nhận được một chiếc xe đạp nếu không tận mắt nhìn thấy các em nâng niu “giấc mơ” ấy.

1.
Cùng điều hành một quỹ chuyên săn sóc sự học cho các học trò hiếu học có gia cảnh khó khăn, 10 năm qua chúng tôi có dịp thăm nhà nhiều em học sinh ở nhiều vùng miền phía Nam.

Đi nhiều nơi, lắng nghe nhiều ước mơ của các bạn nhỏ, không có ước mơ nào nhiều bằng "ước có một chiếc xe đạp để đi học".

Bởi có em ở Tiên Phước, Quảng Nam nhà quá xa, ngày nào mệt chút đành bỏ học vì không đi bộ nổi đến trường; có em ở Tánh Linh, Bình Thuận cứ mãi đi ké xe bạn hàng xóm trong nỗi ước ao một ngày mình có được chiếc xe riêng, không còn phải phiền bạn.

Có em ở Phú Tân, An Giang phải ngồi trên sườn ngang phía trước xe của mẹ vì yên sau mẹ còn chở chuối luộc đi bán; có em ở Thạnh Phú, Bến Tre cả thời tiểu học phải lội bộ 5km mỗi ngày, có đoạn ngang rừng ngập mặn, mẹ phải cõng em đi, một tay vịn lưng con, một tay cầm bị cua mới bắt chờ ghé ngang buổi chợ...

5, 10, 15km từ nhà đến trường học, hành trình bám trường bám lớp của các em gặp thêm một rào cản không hề nhỏ, đòi hỏi sự ham học và cả sức dẻo dai từ những vóc dáng vốn bé nhỏ, còi cọc...

2.
Hằng năm, trong những phần quà các nhóm thiện nguyện hay tổ chức phi lợi nhuận mang đến cho các em, lúc nào cũng có xe đạp là vậy. Riêng nhóm chúng tôi, với học sinh tiểu học, quỹ tặng xe đạp cũ tân trang (giá 650.000 đồng/chiếc (*)) cùng quà khai trường.

Với học sinh được nhận học bổng toàn phần cho bảy năm học từ lớp 6 đến lớp 12, phần quà chuẩn bị cho các em bước vào cấp trung học cơ sở luôn có một chiếc xe đạp mới (giá khoảng 1,8-2 triệu đồng).

Trong chuyến trao học bổng cho học sinh Vĩnh Long giữa tháng 6 này, ghé thăm nhà em T. - học sinh lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc xe đạp mới quỹ tặng "ngự" ngay trên giường ngủ của em.
 
Ngoại em kể: "Nó vui hết biết luôn, vừa chạy về từ buổi lễ nhận học bổng ở trường là mang xe ra rửa ngay (đường về nhà em có những đoạn sình lầy), rồi để trên giường mới chịu, để ở dưới sợ dơ xe (nền nhà em là nền đất)".

T. cười tít sau lời kể của ngoại. Khi nghe chúng tôi nói: "Tối nay con cứ mang xe để xuống đất nha, dính đất có sao đâu!", em lắc đầu cười và nói ngay: "Con còn chỗ khác để ngủ".

Ghé thăm nhiều gia đình ở Vĩnh Xuân sau đó, ngoại, nội, dì, chú, tía, má các em đều bảo con cháu mình thích chiếc xe đạp lắm, có em "vui đến bỏ cơm trưa"... Nhưng "cưng" xe như T. thì thật là khiến chúng tôi khó quên. Cũng như khó quên được những gì em đã viết trong thư gửi quỹ: 

"Cha mẹ em đã ly hôn nên em cảm thấy rất là buồn. Mẹ em đi làm xa, lâu lắm mới có tiền gửi về...Nhà của bà vách lá cũng hư hết rồi, mỗi lần mưa tới là dột đủ chỗ hết... Ngoại em cứ đợi tới kỳ dừa khô có trái để đi bán cho người ta nhưng bà chỉ có một cây dừa duy nhất. Nhờ ngoại có nuôi gà thì mới có tiền cho em ăn học...".

3.
Hôm ở nhà T., chúng tôi không nhìn thấy nỗi buồn nào trên gương mặt em như nỗi buồn của câu chữ trong thư, giữa những vách lá còn lóa nắng, chỉ có nụ cười trong veo và ánh mắt lấp lánh của em khi nhìn "bạn đường" mới, khi chăm chút bao từng cuốn sách giáo khoa lớp 6 và tập vở mới vừa được tặng.

Có vẻ như trước mắt em không phải là một mùa hè, mà là một năm học mới đang đến gần với tất cả sự háo hức. Chúng tôi không khỏi thầm ước mong: sẽ còn có thật nhiều phần quà, chiếc xe đạp gửi đến tất cả bạn nhỏ hiếu học, cần rất nhiều bàn tay tiếp sức các em đến trường, cho đường học gần lại, cho các em đi xa hơn chúng ta hôm nay, và những ước mơ của trẻ nhỏ vùng quê không chỉ cứ mãi là "một chiếc xe đạp để đi học"...

Từng chút đổi thay một, mong thay sẽ đến từ từng chút niềm yêu được gieo nơi sự học của trẻ thơ.

P.S:
Bài đã in cho mục Nhật ký phóng viên trên Tuổi Trẻ năm 2018.
(*): Từ năm 2020, giá cho 1 chiếc xe đạp cũ tân trang đã tăng lên 700,000 đồng.

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Linh Sơn - Câu hỏi lớn của 1 đời người


Linh Sơn, - tiểu thuyết tiêu biểu nhất của Cao Hành Kiện - nhà văn Trung Quốc đoạt giải Nobel văn học 2000 – vừa được nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành. (Trần Đĩnh dịch theo nguyên bản tiếng Pháp La Montagne de l’âme, tháng 1-2002)

Mang bối cảnh Trung Hoa, con người Trung Hoa nhưng Linh Sơn cũng đã hé mở cho bạn đọc thế giới một góc nhìn về tâm hồn phương Đông nói chung, một phương Đông bí ẩn và huyền diệu trong đời sống cũng như trong các tư tưởng triết học. Chính trị, tôn giáo và từng khía cạnh văn hóa - xã hội Trung Hoa được lồng trong những câu chuyện gần như nhỏ nhặt, chuyện chiến tranh đàn ông và đàn bà, chiến tranh tinh thần và xác thịt.

Nhà văn Cao Hành Kiện quan niệm “Văn học phải trung thành với cuộc sống và trung thành với sự thật”. Và có lẽ sự trung thành với chân lý ấy đã mang lại cho Linh Sơn của ông một bút pháp mới lạ. Những câu chuyện xếp cạnh nhau, đôi khi không cần kết mở, không có nhân vật đúng chuẩn; các chất liệu hiện thực trôi chảy tự nhiên, sinh động như dưới ngòi bút một nhà sử liệu. Nhưng sự lôi cuốn của tác phẩm nằm ở cái gọi là bản chất của sự thật cuộc sống qua những nhận thức sâu sắc của một nhà văn, một con người luôn khao khát hiểu ngộ cái thiện mỹ đích thực của cuộc đời.

Linh Sơn - Núi Hồn, cái địa điểm mà tác giả cất công đi tìm trong Linh Sơn là ở đâu? Mọi hình ảnh đều là giả dối, sự không có hình ảnh cũng là giả dối. Linh Sơn vừa thực, vừa ảo. Như CÓ mà cũng như KHÔNG. Nó vô định như tâm người trước bao dục lạc của cõi trần.

Vừa dửng dưng, vừa dịu dàng, tác giả dẫn dụ người đọc đi tìm Linh Sơn cùng với mình. Những con đường đến Linh Sơn, như những chương về “ta” và “mi” đối nhau đều đặn trong tác phẩm, là đường đi của mênh mang cảm xúc, của sâu thẳm triết lý tìm đến ý nghĩa thực tại của một đời người. Đường đến Linh Sơn khó là một con đường sáng. Như tâm hồn con người luôn có quá nhiều góc khuất.

Trong Linh Sơn, thêm một lần nữa ngưòi ta nhận thấy rằng dục vọng chỉ mở ra hố thẳm. Nhưng con người là vậy, cứ tình nguyện nhảy vào, kẹt ở trong đó rồi kết luận: “Cuộc đời đối với mọi người đều không dễ dàng”. 

“Ta” hay “mi” cũng vậy thôi, cũng bị những ham muốn tầm thuờng, những tri giác sai lầm lôi kéo, cũng không thể nhìn thấy sự thật đúng như nó là. Vậy thì lối ra ở đâu, khi ta đã biết rằng “thực tế cái tôi là nguồn bất hạnh của loài người” và “đau khổ của cuộc đời chỉ là tùy thuộc ở ta”?. Muốn vượt thoát thì đừng bao giờ quên mục đích cuộc hành trình của mình, rằng “người đi xa đích thực thì không có mục tiêu nào hết. Làm được như vậy mới là người đi xa tột cùng.”

Với Linh Sơn, bảo là một tác phẩm đẹp, không hẳn. Một tư tưởng mới, cũng không. Cũng chưa thể gọi là một tiểu thuyết hấp dẫn. Nhưng Linh Sơn, bên cạnh nghệ thuật viết, đã đặt được một câu hỏi lớn, một băn khoăn lớn của việc truy tìm một đời sống tâm linh: “Ta không biết ta đang tìm kiếm gì”. 

Linh Sơn có hay là không? Và cả ta nữa. Linh sơn và ta là một hay là hai, hay không là gì cả? “Ý nghĩa của nó nằm ngay ở chỗ nó không có ý nghĩa”… “Ta không biết rằng ta chẳng hiểu gì hết. Ta lại nghĩ rằng ta hiểu tất cả.” Đó là lời của người minh triết.

Đường tìm đến Linh Sơn khó đi. Và Linh Sơn là quyển sách không dễ chinh phục nhiều bạn đọc. Nhưng không phải là đáng tự hào sao - nếu với Linh Sơn của Cao Hành Kiện - thế giới phương Tây đã nghiêng mình trước cái sâu thẳm của tư tưởng phương Đông?

2002.

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Nhìn lại một sự thật

Đọc Niềm vui trong nỗi khổ (NXB Văn Nghệ, 2002) của Giả Bình Ao:

Bối cảnh câu chuyện là làng Lệ Hoa trong “những năm tháng không bình thường” của sự nghiệp công xã hoá. 

Công xã hóa để nông dân sống đời giàu có, đạt đến cộng sản chủ nghĩa nhưng nông dân lại không yêu công xã; những thể chế quy định của lao động tập thể không những không ngăn chặn được đầu óc tư hữu mà trái lại còn làm nẩy nở đến cao độ; người người đều ăn cắp, ỷ lại, đều kéo dài công việc ra... 

Sự nghèo đói khiến đức tính cơ bản nhất của con người là yêu quý lương thực và hoàn cảnh thê thảm lúc ấy là “một thùng nhuộm khổng lồ” làm người ta học biết tham lam, tự tư, ghen tị, hẹp hòi... Sự cường điệu đến nghiêm trọng cái gọi là “đấu tranh giai cấp” mà đã liệt địa chủ, phú nông…vào hạng kẻ thù đã khiến bao người bị chết oan. Đó là thời của biểu ngữ và khẩu hiệu, thời của việc tìm công điểm. Người ta sẵn sàng đấu tố nhau, loại bỏ nhau, chụp mũ nhau là “phần tử phản cách mạng”, nhiều người lao vào cách mạng “không phải vì lòng tin và lợi ích của nhân dân mà chẳng qua là hành vi điên cuồng tham gia chém giết vì cuộc sống” .

Ai đã tạo nên cái “hố sâu bi ai” đó? 

“Đại cách mạng văn hóa” ấy chúng tôi cũng là người trong cuộc, cho dù nguyên nhân phát sinh của nó có đến hàng ngàn hàng vạn loại, trách nhiệm vẫn là của mọi người, mỗi một người chúng ta đều là kẻ có tội...Chỉ có bình tĩnh suy nghĩ lại, kiểm thảo nguyên nhân xã hội sâu sắc và khuyết điểm của tự bản thân mình, để phòng ngừa cho đất nước xuất hiện tình hình tương tự, đó mới là cái chúng ta để lại cho con cháu chúng ta"…Cách nhìn nhận đúng đắn ấy có lẽ đã là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi ấy của thế hệ sau, cũng là câu hỏi để tự vấn mình của thế hệ ngày ấy.

Lệ Hoa là bức tranh thu nhỏ của Trung Quốc trong mười năm “đại cách mạng văn hóa” qua ngòi bút thẳng, dung dị mà súc tích của tác giả làm người đọc cười chua xót - cái chua xót không hàm chứa sự oán hận mà luôn thấp thoáng một chút hóm hỉnh, bao dung..

Tác giả muốn ghi lại sự từng trải của mình, của thế hệ mình trong khổ nạn với ý hướng ca ngợi nỗi khổ, ca ngợi niềm vui trong nỗi khổ như cái đẹp tinh khiết của hoa sen ở ngay trong bùn. Người đọc từ đó mà biết, hiểu và thương hơn cho sự gian khổ của một thời - cái khổ nạn không riêng gì ở Trung Quốc mà cũng chính ở Việt Nam khi những chính sách có mục đích cao đẹp mà đường lối lại ấu trĩ, thiếu sáng suốt, được đem đi thi hành một cách nhiệt tình. Điều may mắn là tất cả chúng ta đã biết sửa sai, đẩy lùi những năm tháng cực kỳ khốn đốn đó.

Giả Bình Ao tự nhận mình là người mềm mỏng nhưng đọc ông không thể không phục ngòi bút khí khái của ông - không e ngại sự thật, không né tránh một góc khuất nào của thời đại, ngay cả những chuyện không hay ho gì về mình. 

Nền văn học hiện đại Trung Quốc quả đáng mừng khi có những ngòi bút sẵn sàng chĩa mùi dùi vào những vấn đề cần lên tiếng của đất nước; một loạt sách với đề tài chống tham nhũng gần đây cũng đã cho thấy các nhà văn Trung Quốc không thể ngồi yên trước một thực tại đầy bức xúc. Văn học VN còn thiếu những quyển sách như vậy - để miêu tả được đầy đủ và trung thực một bức tranh toàn vẹn những cái được và chưa được, những sai lầm của quá khứ, những vấn nạn của hiện tại… Đọc Niềm vui trong nỗi khổ mà nghĩ đến những tiếng nói dè dặt trong những tác phẩm trong nước viết về giai đoạn sau 1975 … Một khi chúng ta đã né tránh sự thật, làm sao tránh hoài nghi về sự thiếu can đảm và thiếu tự do ở chính mình?

…Anh có thể đến với làng quê không? Câu hỏi mở đầu và kết thúc câu chuyện như một nỗi lòng đeo đuổi tác giả khi nhắc về nông thôn. Trong xã hội hiện đại ngày nay; những thị dân hối hả, tự tư, tự lợi với đủ thứ vỏ áo giáp, làm sao trở về được sự hồn nhiên, vui vẻ, trong sáng của người nông dân, làm sao biết đất có mùi thơm mát trong lành thế nào? Câu hỏi ấy bật lên mang vị hạnh phúc lẫn chua xót của một người từng nếm trải bao niềm vui, nỗi khổ của một người nông dân. Nỗi ưu tư của một con người yêu đất, yêu từng mầm non trên mảnh đất mình nhọc nhằn lớn lên và không thể quên được bùn đất ấy bỗng làm đau đáu lòng người đọc…

2002.

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Victor Hugo - Một linh hồn bất diệt


Những ai từng yêu mến đại văn hào Victor Hugo đều có thể giật mình: đã lãnh hội được gì tài năng qúy báu của ông trước khi đến với thiên tiểu sử Victor Hugo - bí ẩn cuộc đời (dịch giả Huỳnh Phan Anh, NXB Văn nghệ, 2002)?

Bậc thầy trong loại hình tiểu sử André Maurois, với tính uyên bác của tư tưởng và cách diễn đạt sáng sủa của một ngòi bút sâu sắc, duyên dáng đã thâu tóm được cuộc đời của thi hào vĩ đại nhất nước Pháp, đưa người đọc đi suốt gần 800 trang sách chỉ để ngắm nhìn thật kỹ chân dung của vị thần đã chọn cho mình đỉnh ngồi cao nhất - Olympio - Victor Hugo.

“Khi tôi sinh ra, thế kỷ này chỉ mới hai tuổi”. Nhà thơ sinh năm 1802 có tự phụ lắm không, khi trong lịch sử văn học Pháp, để chọn ra một người có thể đại diện cho cả một thế kỷ chỉ có thể là chính Victor Hugo.

Từ khi là cậu bé 14 tuổi, thần đồng Hugo đã tuyên bố: “Tôi muốn mình là Chateaubriard hoặc không là gì cả”. 15 tuổi, cậu đã có được mấy ngàn câu thơ, một vở hài kịch, một vở kịch năm hồi, một thiên anh hùng ca. 18 tuổi đã cho ra một tuần báo văn nghệ, 16 tháng đăng 112 bài viết, 22 bài thơ, viết về đủ đề tài văn học. 

Người ta kinh ngạc trước trí thông minh và tài năng vượt lên trên thời đại của chàng. Và nguồn thơ dạt dào, phong phú của Hugo - từ Lá thu đến Ánh sáng và bóng tối, Trầm tư sau này - đã mang đến cho thi ca Pháp “những tập thơ lộng lẫy nhất”, “tất cả những ai yêu thi ca đều bắt gặp trong đó một vài trong số những câu thơ đẹp nhất của ngôn ngữ Pháp”. 

Mới 23 tuổi, Hugo đã được triều đình Pháp trao Bắc đẩu bội tinh cùng với Lamartine. Năm 24 tuổi, bắt đầu viết kịch, trở thành lãnh tụ phái lãng mạn và Hernani - vở kịch đầu tiên của Hugo được công diễn đã gây ra sự náo loạn giữa khán giả hai phe cổ điển và lãng mạn; vở kịch đi vào lịch sử với tên gọi “Trận Hernani”. 

Sự thán phục không dừng lại. Không chỉ thơ, kịch mà những tiểu thuyết lần lượt ra đời đều gây tiếng vang; ở thể tài nào, Hugo cũng chứng tỏ được tài năng vượt bậc của mình. Bạn đọc yêu văn học khó mà bỏ qua Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Người cười, Những người khốn khổ - “một trong những tác phẩm vĩ đại của trí tuệ con người”… Ông cố đạo Myriel, người tù vượt ngục Jean Valjan của Hugo đã sống mãi trên toàn thế giới để nói lên “cái toàn thể của sự cao cả, sự công bằng và lòng thương xót”…

Điều đáng trọng là vinh quang có kéo Hugo lên đến tận đỉnh Olympia, từ Hàn lâm viện đến Nguyên lão nghị viện, ông bao giờ cũng “nghiêng xuống người nghèo và người cần lao”. 

Những công việc ông trù định như bãi bỏ án tử hình, những hình phạt khổ nhục, tăng quyền lợi cho phụ nữ …cũng luôn là niềm mong mỏi chung của tất cả những ai muốn giảm bớt những đau thương, gánh nặng của kiếp người. 

Hugo còn làm ta kính phục bởi tiếng thét: “Chọn mạng lệnh hơn lương tâm? Không!”. Cả quãng đời hoạt động chính trị của “nhà thơ có những khúc hát dành cho tất cả những vinh quang và tất cả những tang tóc của tổ quốc” đã cho thấy ông “không đòi hỏi gì hơn là việc tin vào sự trung thực”. 

Trung thực và dũng cảm, Hugo chống đối đế chế, đả đảo Napoléon III, ủng hộ chế độ cộng hòa, tự trao cho mình bổn phận cứu danh dự của dân tộc Pháp bằng 20 năm lưu đày. Thành quả của lưu đày là những tập thơ Trừng phạt, Truyền thuyết thế kỷ, tiểu thuyết Những người làm việc ở biển…với “tầm cao rộng của những quan điểm lịch sử, nét rắn rỏi của bút pháp và sự táo bạo của những giải pháp”.. Về già, cuốn Nghệ thuật làm ông mà người ta bảo nhờ đó em bé đi vào thi ca lại làm người đọc thêm yêu Hugo của những xúc cảm giản dị, dịu dàng…

Cuối tác phẩm, Maurois dành những lời trang trọng nhất để miêu tả đám tang tiễn đưa Hugo vào điện Panthéon - nơi chôn cất những danh nhân của nước Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một quốc gia trao cho nhà thơ những vinh dự mà tập quán cho tới bấy giờ vẫn chỉ dành cho vua chúa và tướng lãnh. 

Cả Paris thức canh quan tài, những dòng người cuồn cuộn mênh mông như lũ đi theo ông, vô số những tấm khiên ghi tên những tác phẩm của ông, những câu thơ rì rào khắp mọi nơi…Bởi, hơn ai hết, ông đã ca ngợi những gì mà mọi người đã cảm nhận:… những niềm vui của một người cha trẻ, những vẻ đẹp của tuổi thơ, những cơn ngây ngất đầu tiên của tình yêu, bổn phận của mọi người đối với kẻ nghèo khổ, sự cao quý của lòng khoan dung…

Người đòi hỏi sự đức độ có thể chê trách Hugo trong cuộc sống riêng tư ở tính đa dục, tự phụ nhưng cũng sẽ phải chấp nhận lời biện hộ của chính ông “thiên tài thì luôn thái qua. Đó là do cái lượng vô hạn nơi họ”. 

Trong thiên tiểu sử này, người đọc vẫn chỉ có thể tìm thấy nhiều hơn hết những ái ngữ đẹp nhất dành cho một con người: một tinh thần thẳng thắn, một trái tim thuần khiết, một tâm hồn cao qúy, sức mạnh của tư tưởng, sự rắn rỏi của phong cách, bề rộng của tri thức, sự thanh lịch của trí tuệ, sự duyên dáng của thể xác… 

Sự tận tụy không mệt mỏi cho việc hoàn thiện chính mình trong nghệ thuật và sự đấu tranh không ngừng cho công bằng và tự do của Victor Hugo khiến người đọc chỉ biết bái phục. Sự xuất hiện của một cuộc đời như thế quả là niềm vinh dự cho nhân loại. 

Cả Victor Hugo, cả Andre Maurois đều đã được học giả Nguyễn Hiến Lê đưa vào trong quyển Các cuộc đời ngoại hạng. Ngoại hạng, theo ông, “vì lẽ những vị đó đã suốt đời xây dựng một “kim tự tháp” cho mình mà cũng là cho nhân loại… vị nào cũng lưu lại cho hậu thế trên trăm cuốn…và tới nay đã có năm sáu thế hệ nhờ họ mà hưởng được những phút vui lành mạnh nhất, thần tiên nhất”.

Trong bấy nhiêu người sinh ra ở đời mới có một nhân vật kiệt xuất? Định mệnh không trao cho mỗi con người đều có khả năng ảnh hưởng lớn lao đến cộng đồng. Nhưng mỗi con người đều là một cá nhân đáng trân trọng, với tất cả những niềm vui, những vết thương, những khả năng và giới hạn cần được thông hiểu. Con người lương tri Hugo đã nhắc nhở: “Hãy ban tặng và nhận về niềm vui, và cứ yêu nhiều đến bao nhiêu có thể được”. Và trả lời lại những người cho rằng tất cả đều kết thúc với linh hồn sau thế giới này, con người thiên tài Hugo khẳng định: “Với linh hồn anh, điều có thể, nhưng linh hồn tôi, tôi biết, nó bất tử”. 

Tìm hiểu Hugo sẽ hiểu được tín điều này của ông: “Sống là dấn thân”, “yêu là hành động”, vấn đề “không phải là chạm tới mục tiêu mà mãi mãi trên đường”. Và tìm hiểu ông, để có thể trò chuyện với ông về sự bất diệt của linh hồn. 

P.S: Vận dụng trí nhớ mà vẫn không nhớ ra bài đã được in báo chưa, nếu có đăng chắc cũng ngắn hơn nhiều :D

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Không có gì quý hơn tình bạn

Đã lâu lắm mới nghe tiếng chim bồ chao gọi
Nhưng nếu cõi lòng anh chưa tự sửa soạn thành
Rừng
hỏi lấy chi làm chốn đậu của
Rưng rưng

Buổi trưa ăn cơm với bác T. V., đọc cho bác nghe mấy câu này, hỏi bác có còn nhớ những câu thơ này của bác không? Thi sĩ đã qua tuổi 90 gật gù: "Nghe thì biết là thơ của mình".

Lưu lại ở đây vài lời của bác trưa nay, phòng trí nhớ suy tàn: Thứ bảy tuần sau con lại đến nhé, cứ thứ bảy là tới đây ăn cơm trưa với bác. Hãy kéo dài 100 thứ bảy như thế. Bởi không có gì quý hơn tình bạn. Mọi thứ rồi sẽ mất đi, riêng tình bạn ở lại.

Một lời khác bác nói, thật chậm và thật rõ trong buối cơm chay của hai bác cháu: Mỗi - sinh  - vật - đều - cần - được - sống.

Và một thứ bảy trước, bác dặn: Con đến đừng mang quà gì cả. Tự LT đã là một món quà, những món quà khác sẽ thành vô nghĩa. Con biết đó, có những người mình coi như ruột rà mà không biết tại sao.

Cảm ơn thật nhiều thịnh tình của bác dành cho con bé vụng dại này. Cảm ơn một cõi thơ tràn đầy an lạc, tỉnh giác của bác - mỗi bài thơ như tiếng chuông nhắc người ta tìm về với Tự tánh, với Chân Tâm, mỗi bài thơ như những - bước - hành - hương đến Đạo giải thoát. 

Có cơ duyên gắn bó với bác mà con chưa viết được "cái gì ra hồn" về thơ T.V. Cho con giữ lại một lời hẹn vậy. 

20.3.2021

Bi kịch nào cho nhà văn?


10 giờ 15 phút sáng ngày 14-4 năm 1930. Tiếng súng nổ. Người ta nhìn thấy Vladimir Maiakovski- nhà thơ Xô Viết nổi tiếng nằm chết trong căn phòng tập thể ở đường Lubianka, vết máu trên áo sơ mi. Các báo đồng loạt đưa tin cáo phó, viết bài tưởng nhớ, kết luận sự kiện bi thảm ấy là một vụ tự sát. 

Nhưng gần ¾ thập kỷ đã trôi qua, câu hỏi về cái chết của Maiakovski vẫn còn đó. Có phải là Maiakovski tự sát hay không? Tại sao một người “khổng lồ” thế, tài năng thế, một nhà thơ “dự cảm được sự bay bổng của mình” lại tự nguyện chấm dứt cuộc sống? Các cuộc tranh luận nổ ra giữa các nhà điều tra. Các nhà nghiên cứu tiểu sử và sáng tác của nhà thơ vất vả với những dữ kiện không đầy đủ. ..Và những bạn đọc yêu mến nhà thơ Maiakovski đến nay vẫn chưa có được câu trả lời chính thức.

Năm 1998, tác giả Valentin Skoriatin, với khối tư liệu đồ sộ tìm được từ các hồ sơ tuyệt mật, sau hàng loạt các bài báo về Maiakovski luôn được bạn đọc đón đợi (đăng trên tạp chí Zhurnalist từ 1989-1994), đã cho ra đời quyển sách đầy tính tư liệu quý báu và hấp dẫn: Bí ẩn về cái chết của Vladimir Maiakovski.

Nhà xuất bản Trẻ với vai trò thử nghiệm dịch sách điều tra lịch sử của Nga và dịch giả Lê Khánh Trường với tác phẩm lựa chọn này đã cung cấp cho độc giả VN một kho thông tin quý giá xoay xung quanh quãng đời cuối cùng của Maiakovski. 

Quyển sách nêu ra giả thuyết mới về cái chết của V. Maiakovski- giả thuyết về sự bức tử đối với nhà thơ. Những bức ảnh tư liệu lưu trữ hiếm có, những chi tiết quan trọng, những dẫn chứng thuyết phục cùng những lý lẽ logic đã vén một góc bức màn bí mật cái chết của Maiakovski.

Buổi sáng định mệnh ngày 14-4 năm1930 ấy, Maiakovski đã tự sát hay bị bức tử? Hậu thế đã không nguôi được với niềm tiếc thương lẫn tò mò. Cũng như với bao nhiêu cách giã từ sự sống như thế của những nhà văn khác. Bi kịch đó do đâu? Do nhà văn không tìm được chính mình, không chấp nhận được những phi lý của chính mình hay của thời đại?

Rất nhiều người tin rằng đằng sau cái chết này là một lý do chính trị. Maiakovski, với những vở kịch châm biếm và thi ca chân chính của mình, đã “tấn công hệ thống mệnh lệnh hành chính đang nảy sinh ở nước Nga, tấn công bộ máy quan liêu đại diện cho hệ thống đó” và “chỉ muốn người đọc hãy trở về thực tại khắc nghiệt của thời đại”:

Chúng ta quay ngoặt bước chạy của lịch sử.
Hãy tiễn đưa cái cũ đi mãi mãi.
Người cộng sản và con người.
Không thể nào khát máu.


Nhà thơ đã không chịu câm nín như ông muốn, không cúi đầu như những nhà văn chiều thời đại mà đã “nói thật to”:

Lục lọi cái thời hóa đá hôm nay,
nghiền ngẫm bóng tối thời nay,
bộ tuyên truyền ra rả bên tôi,
tôi đấu dịu,
ngậm họng.

Kết cục của sự “đấu dịu” ấy là bị buộc phải chọn lựa cái chết vì đã sống thật? Tiếng súng đã vang lên nhắm ngay vào trái tim đòi khước từ cái bánh vẽ dân chủ và tìm kiếm sự tự do đích thực. 

Nếu cái chết của Maiakovski không phải đơn thuần là một cách đào thoát khỏi những tai họa riêng tư thì bi kịch của Maiakovski cũng chính là bi kịch của những văn nghệ sĩ không thể nói to sự thật, không hét to lên được cho ai nấy cùng nghe thấy toàn bộ sự thật về thời đại; yêu nước mà không thể chữa lành những ung nhọt nhìn thấy được của đất nước; không thể nịnh bợ chính trị khi không có niềm tin vào bộ máy cai trị. Và cuối cùng là sự bất lực phải chui vào vòng kim cô của chính trị choàng lên đời sống văn nghệ.

Nhưng cuối cùng, Maiakovski có bị bức tử hay không, điều đó đã thuộc về quá khứ. Điều quan trọng hiện tại là sự bất tử của tác phẩm mà người nghệ sĩ sáng tạo nên. Những tác phẩm tìm được sự bất tử khi nó không bắn vào trái tim trong sáng của người sáng tạo, không bắn vào cái đầu không chịu tuân thủ những quy định kìm nén khả năng sáng tạo chân chính.

Còn lại đây, những câu thơ được sản sinh từ “trái tim được giải phóng”:

Tôi muốn đất nước hiểu tôi
Còn không được hiểu-
thì sao?!
Trên đất nước thân yêu
tôi lại đi qua bên cạnh
như giọt mưa
rơi vát.
Còn chuyện khác nữa:
tôi biết sức mạnh từ ngữ,
tôi biết hồi chuông báo động của từ ngữ.
Chúng không phải
thứ ca ngợi sự giả dối.
Những từ ngữ
làm vỡ quan tài
Những từ ngữ
bò lổm ngổm
bằng cái chân gỗ của mình.


(Trích Trường ca Nói thật to)

Cái chết của Maiakovski qua cuốn sách này bỗng gợi lại những câu thơ tưởng nhớ Hemingway của nhà thơ Xô Viết Evgheni Evtushenko:


Tự tử, đối với đời nghệ sĩ
Là giữ mình không trong sạch vẹn toàn,
Đã chịu bán tài năng
Thì đắt, rẻ mặc lòng
Đều từ đó hóa thành vô sỉ
Tự tử, đối với đời nghệ sĩ
Đâu phải viên đạn chì, hay một nút dây thừng,
Bao kẻ sống phây phây, mặt mũi đỏ bừng
Nhai thịt gà, uống rượu vang ừng ực,
Nhưng khi ngồi vào bàn viết,
Thì té ra, họ tự tử lâu rồi!

Anh là người trung thực nhất đời
Chỉ bắn nỗi đau kia

Đâu bắn tấm lòng mình?

(Bằng Việt chuyển ngữ).

Là nhà văn mà không nói được tiếng nói của mình, tiếng nói trung thực của Con Người thì mới là bi kịch thật sự của “cái chết” . Sống và viết đúng với lương tâm thời đại, ngẫm ra cũng khó vậy sao? Còn Maiakovski, như Hemingway, ông đã không “bắn tấm lòng mình”. Ông và sự trung thực của ông sẽ vẫn còn được nhớ mãi trên nước Nga thân yêu. Không có ngụy thuyết nào phủ nhận được điều đó.

P.S: Một bài viết cũ thời sinh viên, lưu lại ở đây cho nhãn Sách của bạn nâu.

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Tô Thùy Yên (1938-2019) - Nhà thơ Việt Nam


Nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, từ trần tại Houston (Hoa Kỳ) lúc 21g15 ngày 21-5-2019, thọ 81 tuổi. Vào tuổi ấy, và sau bao nhiêu gian truân, ông ra đi vẫn gây ra nhiều tiếc nuối trong giới độc giả trong và ngoài nước. Cái tang chung cho giới văn học đặt ra một câu hỏi khẩn thiết: tác phẩm Tô Thùy Yên đứng ở đâu trong dòng văn học Việt Nam hôm nay?

Tựa đề bài này khẳng định: Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam. Không phải là nhà thơ hải ngoại hay của Miền Nam cũ. Lý do đơn giản: ông là người Việt Nam, viết văn, làm thơ bằng tiếng Việt Nam. Huống hồ đời ông gắn bó với lịch sử đất nước trong mỗi chặng đường, thơ ông đầy ắp tình tự dân tộc, thắm thiết phong cảnh quê hương, ngôn ngữ Việt Nam phong phú, đa dạng, vừa uyên bác vừa sâu đậm lời ăn tiếng nói dân gian, tục ngữ, ca dao. Thơ ông đặc sắc, từ nội dung nhân đạo, tư tưởng cao sâu đến lời thơ tài hoa, hào sảng, giàu hình ảnh lạ trong tiết điệu thân quen. Nghệ thuật vi diệu của ông làm vinh dự cho tiếng Việt và văn hóa Việt. Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam bên cạnh Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà.

Tôi đã ngần ngại nhiều ngày trước khi đưa ra nhận định như trên, e rằng mình chủ quan, quá lời, cho đến khi đọc trên mạng ngày 28-5, bài của nhà thơ Thanh Thảo, không được đăng trên các báo giấy trong nước, có đoạn: “Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn (…) khi một nhà thơ Việt được công nhận bởi tài năng và nhân cách của mình, thì dù họ sống ở xa tổ quốc, thơ họ vẫn thuộc về đất nước, về dân tộc Việt Nam. Đó là thơ của một nhà thơ Việt thuần chất, trong đau khổ vãn giữ được phẩm chất người của mình, vẫn yêu thương mà không oán hận, dù số phận mình hết sức trớ trêu”. 

Thanh Thảo, sau 20 năm đọc thơ Tô Thùy Yên đã nắm bắt được hai yếu tố chính: chất dân tộc và chất người, làm nên nhân cách nhà thơ. Tôi đặt tên cho bài viết: Tô Thùy Yên nhà thơ Việt Nam, tưởng là đã chắc nịch, trong khi Thanh Thảo dùng chữ “nhà thơ Việt” ngắn gọn hơn, nhưng sắc bén, sâu xa hơn cái quốc hiệu tôi đưa ra. Thanh Thảo, cùng với Tô Thùy Yên là nhà thơ, họ sử dụng ngôn ngữ theo trực cảm, từ đáy vực tâm linh của lời nói. 

Lại nhớ đến Trần Đĩnh, tác giả Đèn Cù khi anh nhận xét “Tô Thùy Yên là nhà địa chất học dầu tiên nhặt lên những quặng chữ chưa ai từng phát hiện để dặt chúng bên nhau mà phát xạ” (Văn Việt 28-5-2019). Tôi thấy an tâm vì mình vinh danh thơ Tô Thùy Yên, nhất là vào giờ vĩnh biệt nhà thơ, không phải là chủ quan quá đáng.

Về tư tưởng và nghệ thuật Tô Thùy Yên, tôi đã từng sơ lược trình bày trong bài Ngựa phi đường xa, đăng trên báo Khởi Hành, California, số 20, tháng 12-1998. Từ bấy đến nay, non hai mươi năm, tình hình văn nghệ, báo chí đã không khá khẩm hơn, thậm chí còn u ám hơn. Văn thơ, đáng lẽ phải làm cho con người gần nhau, lại gây thêm tị hiềm, chia rẽ, thậm chí thù hận. Riêng Tô Thùy Yên thì có địa vị riêng, thơ ông đứng bên ngoài cõi ta bà đó và gây được sự đồng thuận giữa độc giả trong và ngoài nước, nhờ nội dung nhân ái và nghệ thuật vi diệu; và cũng nhờ kỹ thuật thông tin mạng hiện đại. Nhiều người truy cập được toàn bộ thơ văn Tô Thùy Yên, trong và ngoài nước, với ít nhiều thiện tâm, thiện chí, dù chính kiến, quá khứ có khác nhau, họ cũng thấy gần gũi qua những câu thơ:

Ta về như lá rơi về cội,
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này


Bài Ta Về làm 1985 khi tác giả vừa ra khỏi trại tù cải tạo, tuy có nhắc lại những lao khổ qua “mười năm chết dấp”; nhưng không thù hận. Ông xem những điêu linh, chiến tranh, lao lý, đổi đời như là hiện tượng tự nhiên, một cuộc biển dâu như người xưa vẫn quan niệm, mà Ôn Như Hầu hay Nguyễn Du đã từng nhắc lại đâu đó. Để bôi xóa quá khứ, để nuôi dưỡng sự sống, tác giả rót chén rượu giải oan, giống ai xưa đã lập đàn giải oan trên sông Tiền Đường, giải trừ oan nghiệt cho chúng sinh, cho một bếp lửa nhân quần ầm tối nay. Bếp lửa đầu tiên của loài người là của bộ lạc, rồi đến bết lửa gia đình, không có kích cỡ nhân quần như nơi Tô Thùy Yên. Vì tâm hồn ông như vậy. Tầm nhìn (sinh thời ông ưa dùng chữ vision) như vậy thấy được thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

Thơ Tô Thùy Yên là chuyện Con Người, chuyên một thân phận lẻ loi trong một nhân quần hạnh phúc. Chất thơ tinh luyện trong trước tác Tô Thùy Yên là nhân phẩm con người, từ đó ông thẩm quyền dõng dạc: “thơ còn con người còn” trong một bài nói tại Seattle ngày 26-7-1997; ông giải thích thêm, phân biệt “văn nghệ giải trí, giải muộn khác với văn nghệ ở cấp độ cao nhất là văn nghệ giải oan, giải thoát”. Dù sao thơ cũng cần đến những ẩn dụ hào hoa, chứ kỳ thật để giải oan cho cuộc biển dâu này, Tô quân không cần rưới chút rượu hồng nào cả. Thơ ông là đủ để hóa giải.

Tấm lòng cao quý như vậy, trong một tác phẩm lớn lao như vậy, mà cho đến nay độc giả trong nước không mấy người biết đến vì nhà cầm quyền không cho phép in ấn, thậm chí không cho chép nhắc tới. Dù chỉ đăng tin buồn. Người cộng sản không ưa Tô Thùy Yên thì chuyện dễ hiểu, nhưng khắc nghiệt đến mực ấy thì quả là bất thường, gây thiệt thòi cho quần chúng độc giả; nhất là giới trẻ không tiếp cận được với một nguồn thơ giàu có của đất nước họ. Mà giới chống cộng trong hay ngoài nước, cũng chưa chắc gì đã ưa lối thơ này, mà nhiều người chê là “thiếu lửa”, ví dụ bài Ta Về nổi tiếng. Họ đòi hỏi ở một nạn nhân cộng sản tính chiến đấu cao hơn, và ngờ vực tác giả còn giữ nhiều liên hệ với giới văn nghệ quốc nội và đã đôi ba lần về thăm đất nước. Nghe nói tập thơ cuối cùng mới in gần đây tại Mỹ không bán, tác giả xuất bản để tặng bạn bè.

Cuối cùng, thơ Tô Thùy Yên không dễ đọc. Độc giả trích dẫn nhiều, nhưng chỉ trích những câu, những đoạn vừa ý. Nói rằng tác giả dùng nhiều lời ăn tiếng nói dân gian, nhiều tục ngữ ca dao, nhưng không phải là người đọc nào cũng nắm bắt. Ngay hai câu đầu của Ta Về được truyền tụng nhiều nhất:

Ta về – một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai.

Muốn hiểu cặn kẽ thì phải biết câu ca dao, có lẽ xuất phát từ quan họ:

Người về ta chẳng cho về
Ta níu áo lại ta đề câu thơ…


Thậm chí, cuối tập Thắp Tạ (2004) tác gỉa còn thêm phần phụ chú để giải thích …thơ mình.
Bài thơ làm 1999 có câu thật hay:

Em về giồng dưới qua bưng gió
Dạ bời bời nỗi sậy niềm mây

Câu thơ tự nó đã hay, không cần giải thích. Nhưng tác giả đã tiết lộ xuất xứ từ ca dao Nam bộ:

Em về giồng Dứa qua truông
Gió day bông sậy, bỏ buồn cho anh.

Tô Thùy Yên là nhà thơ uyên bác. Ông thông thạo thơ cổ điển Trung Quốc, có lần, trong trại học tập đã chép tặng bạn một bài thơ dài của Đỗ Phủ bằng chữ Hán. Ông đọc hầu hết thi ca Pháp hiện đại và đặc biệt thích Saint John Perse, một tác gia khó đọc. Ngoài ra ông tinh tường triết học Tây phương, Do đó, câu thơ ông trầm tích nhiều ý tưởng hay ẩn dụ phức tạp, dễ khiến người đọc lạc lõng.

Tô Thùy Yên lại là người cầu toàn, trau chuốt câu thơ “Tôi giựt giành đổ máu với tôi/từng chữ một”, do đó câu thơ có lúc hồn nhiên, có lúc cầu kỳ. Thơ cần cảm hứng, nhưng Tô Thùy Yên khổ luyện thi hứng của mình, thành những bài thơ dài; (nhờ ngẫu hứng mà làm được vài ba câu thơ hay thì không khó, nhiều người làm được). Thơ, cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, đòi hỏi những công trình dài hơi, khả năng lao động trí tuệ bền bỉ, rung cảm sâu lắng. Tô Thùy Yên muốn làm thi sĩ thực sự, chứ không chỉ là một tao nhân mặc khách, “ngứa cổ hát chơi”. Và cuối cùng, ông đã là một nhà thơ đích thực, ở tầm cỡ thế giới.

Ngày nay, thơ ông phổ biến nhiều nhờ qua mạng Internet, nhưng đọc thơ trên mạng thì có cái gì đó phù du.

Tóm lại có những lý do khách quan, khiến tác phẩm Tô Thùy Yên khó đến với quảng đại quần chúng. Mà nay còn có chuyện cấm đoán nữa, thì càng thêm khó khăn, tai hại.

* * *

Giá trị thơ Tô Thùy Yên, về mặt tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật, tôi đã trình bày nhiều ở phần đầu, và viện dẫn chứng từ của nhà thơ Thanh Thảo, nhà văn Trần Đĩnh, những tác gia nghiêm túc mà tên tuổi đủ bảo đảm cho lời nói, cất lên từ trong nước. Quý ở chỗ đó.

Phần sau là đặt tác phẩm vào thời sự, với những nghịch cảnh đáng tiếc. Phong trào Thơ Mới 1932-1945 nở rộ nhanh chóng và ảnh hưởng lâu dài, là nhờ sách báo và nhà trường thời đó. Ngày nay xã hội Việt Nam không còn được hai ưu thế đó. Ngay việc bình luận, nghiên cứu cũng bị phân tán, ngăn chặn, xuyên tạc.

Nhân một đám tang, chúng tôi muốn nêu lên vấn nạn chung, cho tác phẩm Tô Thùy Yên, mà cũng cho trước tác nhiều tác gia khác.

Cho hay khi con người sống có ích thì chết cũng có ích.

Và chúng tôi tin vào lời Tô Thùy Yên, ngày ông còn cả tiếng cùng nhân loại:
Thơ còn con người còn.

ĐẶNG TIẾN

P.S: Bài tưởng niệm thi sĩ Tô Thùy Yên nhà phê bình Đặng Tiến viết năm 2019, khi Tô Thùy Yên qua đời, nhưng nay mình mới đọc được, lưu lại ở đây.
"Kết" ý này của thi sĩ Tô Thuỳ Yên mà nhà phê bình Đặng Tiến dẫn lại:"văn nghệ ở cấp độ cao nhất là văn nghệ giải oan, giải thoát”

Bài về thơ Tô Thùy Yên - "kho báu của thơ Việt" của nhà thơ Ý Nhi: https://www.dutule.com/a9247/y-nhi-to-thuy-yen-thuc-cho-xong-bai-tho:

"Các nhà phê bình văn học danh tiếng như Đặng Tiến, Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc... đều đã thử bút với thơ Tô Thùy Yên. Và, dường như chưa ai trong số họ cho rằng họ đã nói lời sau cùng về ông. Chắc chắn, những nhà phê bình tiếp sau họ, những độc giả của tương lai, sẽ đọc Tô Thùy Yên với một định chuẩn thẩm mỹ mới, bởi Thơ Tô Thùy Yên là kho báu của thơ Việt, bởi Tô Thùy Yên là “một trong những tiếng thơ lớn, của 20 năm văn chương miền Nam” (Du Tử Lê).
Chính xác hơn, Tô Thùy Yên là nhà thơ lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại".

Đợi những rộn ràng



Chúng tôi đến thăm nhà văn Võ Hồng vào một buổi chiều tắt nắng, biển Nha Trang xanh một màu xanh da diết. Căn nhà nhỏ nép mình im vắng ở góc phố đường Hồng Bàng. Không có ổ khóa nào ở cổng ngoài, chỉ cần đẩy nhẹ then cửa là đã chạm bước vào một không gian đầy kỷ niệm.

Trên căn gác nhỏ, Võ Hồng đang ngồi yên ở một góc giường, một mình một bóng như mấy chục năm dài vẫn vậy. Ông mặc một chiếc áo sơ mi dài tay, cổ áo gài cao, bên ngoài khoác một chiếc áo len mỏng và đầu đội mũ len che kín hai tai. Vì sức khỏe yếu, cửa phòng ông phải khép lại để tránh gió chiều, khép lại cả những biểu hiện sự sống sinh động ở bên ngoài. Căn phòng nhỏ còn lại ông, chiếc giường, kệ sách và… nỗi cô đơn có thể nhìn thấy rõ. Bụi phủ lớp mỏng lên những bức ảnh, những đồ vật trong phòng, quyện vào những trang sách cũ làm căn phòng bỗng mang một chút hương xưa êm đềm của dĩ vãng.

Câu chuyện với Võ Hồng thấp thoáng một nỗi niềm đeo đẳng: "Cô không tưởng tượng được về một đời sống vắng lặng đâu. Không thể nào thốt lên những câu như "Lấy dùm tôi cái ly", "lấy dùm tôi cây viết", không có ai bên cạnh cả, không có ai để mình có thể nói những câu như vậy".

Chúng tôi nghe lòng rưng rưng khi ông nói về sự lẻ loi như định mệnh ấy của mình.


Trong nỗi cô độc mỗi ngày, tưởng như người bạn duy nhất có mặt bên ông vẫn chỉ là tấm ảnh của Diệu Báu - người vợ yêu đã sớm lìa xa ông và ba người con còn ở tuổi ấu thơ. Có lẽ bà là hoài niệm long lanh nhất, dấu yêu nhất ông không thể nào không nhắc đến trong những cuộc trò chuyện với bao người ghé đến căn gác nhỏ phố Hồng Bàng.

Nhưng vượt qua những "đau yếu giữa hành trình", Võ Hồng vẫn thở cùng thơ, văn mỗi ngày. Những vần thơ lãng mạn, nhu mì lẫn khỏe khoắn, hóm hỉnh: Chiều ngồi tựa cửa / Nhìn áng mây xa/ Về đâu lát nữa/ Hỡi mây không nhà? Võ Hồng ngâm nga bài thơ mới làm. Và trên một chiếc bảng đen ở một góc nhà "vương vãi" những câu thơ viết bằng phấn trắng: “Hối lộ, lộ rồi không kịp hối. Tham ô, ô gãy hết đường tham”.

Một ngòi bút thẳng cả đời văn. Giữ ngòi bút không bao giờ biết “nịnh”, không bao giờ luồn cúi. Và điều Võ Hồng tâm niệm cả đời vẫn là thái độ sống "luôn luôn nghĩ tốt, làm tốt và không bao giờ nói xấu người". Một tâm niệm đầy nhân hậu. Không chỉ nói, Võ Hồng đã làm được rất nhiều điều theo tâm niệm ấy. Ông từng "vét" cả triệu bạc có được để giúp người, từng chăm lo từng cái bánh, miếng cơm cho những người đói kém mà ông gặp...

Giờ đây, nghĩ đến một ước mơ cho riêng mình, ông chỉ mong ước các tác phẩm của mình được chọn in lại. Võ Hồng đặc biệt tha thiết muốn quyển sách mỏng gồm "Một bông hồng cho cha", "Nghĩ về mẹ" và "Nửa chữ cũng thầy" được in thường xuyên để bạn đọc nhỏ tuổi có cơ hội được đọc, tưới tẩm những hạt giống yêu thương trong tâm hồn các em. Tình yêu thương gia đình trong tác phẩm Võ Hồng là một trong những "con thuyền " "tải đạo" vững chãi đủ để truyền trao và nuôi dưỡng nhân cách người đọc.

Khi nghe chúng tôi nhắc đến những câu nói thâm thúy và hóm hỉnh trong quyển Trầm Tư, Võ Hồng giở ngay trang cuối và cất giọng đọc: "Này ông Socrate! Ông bị vợ chê ghét trong khi quần chúng ái mộ ông. Đừng ngạc nhiên, những người tiếp xúc với ông, được nghe ông thuyết giảng về cái Hay cái đẹp của triết lý…mỗi người được nghe một lần, trong khi vợ ông ở gần thì cứ phải nghe lặp lại hoài. Chỉ một việc đó cũng đủ để bà nổi xung đổ ghét". Câu "trầm tư" này phải nghe qua giọng đọc nhấn nhá đầy khoái cảm của tác giả mới thấm hết ý vị của nó.

Võ Hồng tỏ ý thích câu này vì nói lên được sự tinh nghịch của ông. Sự tinh nghịch đã khiến ông trang trí mảnh vườn nhỏ nơi sân gác bằng hàng loạt các bloc lịch màu đỏ. Tinh nghịch cũng là cách xoa dịu nỗi buồn. Bởi như ông bảo, "nếu có tình yêu thì đâu cần tinh nghịch nữa". Nhưng còn tình yêu thầm lặng của bao bạn đọc? Võ Hồng nhè nhẹ lắc đầu: "Không, tình yêu thì phải ở ngay bên cạnh, phải rộn ràng".

Một người cũng thấu cảm nỗi cô đơn khác là Trịnh Công Sơn có lẽ sẽ "đồng cảm" với Võ Hồng hơn hết khi Trịnh Công Sơn viết: "Em líu lo bên đời dạy tôi biết xa gần"… Từ lâu rồi, "xa gần" với Võ Hồng là tiếng líu lo của những chú sẻ nâu ghé vào vườn nhà mỗi sớm, ăn những hạt cơm ông để dành sẵn. Vàng anh vẫn nở rực một góc vườn. Hương hoa mận bên rào hàng xóm vẫn tràn vào gác nhỏ. Bấy nhiêu thôi đủ để nỗi cô đơn lướt qua nỗi cô đơn và tình yêu cuộc sống nơi ông không bao giờ cạn, để ông vẫn yêu thật thà từng "nhánh rong phiêu bạt" nhìn thấy trong đời …

Chúng tôi đã ngồi với nhau trong tình ông - cháu, tình thầy trò, tình cảm giữa nhà văn và độc giả trong một buổi chiều đằm thắm như thế, đằm thắm đến nỗi không nỡ trông thấy một cánh hoa rơi, một nét ưu tư trên gương mặt bất kỳ ai…Chia tay, như chia tay một sự rộn ràng bất ngờ ập đến, Võ Hồng bỗng thốt lên hai tiếng "buồn quá" làm chúng tôi lặng lòng….

Hình ảnh cuối cùng về cái chắp tay xá chào của Võ Hồng theo tôi suốt một chuyến tàu về lại Sài Gòn. Hình ảnh của một con người khiêm cung và tự trọng hết mực. Hình ảnh của một nhân cách khó phai mờ trong văn giới VN.

--------

P.S: Trích bài viết đã in trên tạp chí Văn Hoá Phật giáo năm 2006.
Nhà văn Võ Hồng được Hội nhà văn VN truy tặng giải Cống hiến năm 2017, nhưng cho đến nay, ước mơ nhỏ của ông về những quyển sách mỏng kia được in lại vẫn chưa thành. Tụi mình/ Quỹ Nguyễn Hiến Lê rất muốn làm điều này cũng như in lại cuốn Chúng tôi có mặt của Võ Hồng, nhưng hiện vẫn chưa liên lạc được với người nhà của ông. Tạ ơn nếu được bạn hữu kết nối.

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Sao không hạnh phúc với cuộc đời đi...



Cho đến giờ, chưa có bộ phim Việt Nam nào thôi thúc mình phải đến rạp lần hai như Song Lang. Mình biết ít nhất 10 khán giả xem phim này hai lần. Đây có lẽ là một trong những phim Việt Nam hiếm hoi khiến nhiều người - nhất là khán giả thế hệ 7x, 8x - muốn xem lại nhất.

1.
Mình đã đọc hơn 20 bài điểm phim, trong đó có nhiều bài rất hay, khiến mình nghĩ viết gì thêm nữa cũng thừa thãi. Nhưng nếu không nhắc đến Song Lang với bạn bè, với những ai còn chưa ra rạp xem Song Lang, mình áy náy như mắc nợ một tác phẩm nghệ thuật đáng được trân trọng - về những trải nghiệm đẹp và giàu cảm xúc mà bộ phim mang lại cho khán giả, về niềm tin mà Song Lang nhen lên về những tác phẩm “made in VN” thật sự tinh tế, cứu chuộc cho những thành kiến mà nhiều khán giả đã dành cho điện ảnh Việt.

2.
Mình sẽ còn nhớ lâu Dũng thiên lôi và Linh Phụng. Yêu sự hóa thân vừa vặn của Liên Bỉnh Phát, Isaac. Yêu cái đẹp của sự cô độc và sự chữa lành. Yêu cái tình tri ngộ giữa đôi bạn ấy. Một cách rất tự nhiên, song hành cùng cuộc đời và cuộc gặp giữa hai con người, bộ phim gói ghém nhiều ẩn ngữ đẹp, về nguồn sáng của nghệ thuật nói chung và cải lương nói riêng, về những dấu ấn tuổi thơ cấy rễ thế nào vào hồn người, về sợi dây liên đới giữa thiên lương và nghệ thuật, về Phật tính vẫn có sẵn trong mỗi con người - dù đang lạc lối,…

3.
Lâu lắm rồi mới có một bộ phim mà nhiều khung hình làm mình tương tư đến vậy. Nhớ cái bờ tường Linh Phụng tựa nỗi xao xuyến vào, cái cầu thang âm u mỗi ngày một sớm mai bỗng lung linh nắng sớm. Nhớ cái khung cửa nơi chàng giang hồ hay đốt thuốc trầm tư một ngày được lấp đầy khoảng trống. Cái khung cửa đẹp của riêng 2 tâm hồn cô đơn. (Mình đọc đâu đó nói bộ phim mất 27 set quay cho cảnh ở khung cửa này. Sự kỹ lưỡng đó thật là đáng giá).

Và nhớ Sài Gòn về đêm những năm 80, xao động và tĩnh lặng (mình kịp biết qua khi còn là một đứa trẻ quê lên thăm phố). Nhớ những khung hình đưa ta du hành về thế giới tuổi thơ với những trò chơi mộc mạc mà dấu yêu quá đỗi…Nhớ cái góc máy, màu phim như muốn dồn ta vào cùng tâm trạng của Dũng thiên lôi khi chàng ta khóc nấc. Nhớ dáng nằm sấp bình an. Nhớ ánh mắt vừa chợt trong veo đã phải khép lại. Nhớ cái cơn mưa đến rồi đi, đột ngột, bất ngờ, như sự đến - đi của một phận người.

4.
Cuộc đời khốc liệt đan trong sự giản dị, bụi bặm bạo tàn đan trong thơ mộng thuần khiết, lý tính đan trong cảm tính, ngổn ngang hôm nay đan trong vô định ngày mai, với những nợ nần khó quên, những tình cờ nhớ mãi…

Có nhau và mất nhau, có thể là ngày hôm nay và ngay ngày mai đó thôi, theo đúng nghĩa đen. Ta chỉ có thể nhớ về thời gian, nơi chốn lần đầu gặp nhau, nào có thể nói với nhau đâu là lần cuối? Mà nhớ quên gì, thời gian (có khi của một cơn mưa thôi) có thể xóa nhòa tất cả…Dài mà ngắn, và vô thường thế đó.

Vậy thì, sao không hạnh phúc với cuộc đời đi, và yêu thương hơn, kiên nhẫn hơn với con người…

--------------

P.S 1.: Một nhà sách online cho biết nhiều bạn đặt mua quyển Con voi xa đàn sau khi xem phim. Còn mình, vô tình Song lang gợi nhớ đến Nhà khổ hạnh và gã lang thang (Đôi bạn chân tình) của Hermann Hesse. Trong đó, có những câu thế này:

"Không có mẹ người ta không sống được, không có mẹ người ta không chết được".

"Nghệ thuật thắng được kiếp người phù du; tôi nhận thấy rằng trò hề đời sống múa may như ma quỷ còn để lại cái gì đó tồn tại, đó là nghệ thuật. Rồi cũng có ngày nghệ thuật chết đi, tan biến, đảo lộn tan tành. Nhưng dẫu sao nghệ thuật vẫn lâu bền hơn đời sống con người, nó tạo ra ở trên khoảnh khắc trôi qua biền biệt một thế giới bình thản những hình ảnh và những sự kiện thiêng liêng. Đối với tôi, làm nghệ thuật có cái gì vỗ về an ủi gần như đem lại tính chất vĩnh cửu cho sự vật phù du".

Bước chân người lính


Anh nghe nghìn giọt mồ hôi chạy trên lưng
trên mắt trên môi
trên cả cuộc đời
nhỏ xuống rừng xanh
cho em Đông phương ngồi mộng
cho chiều Việt Nam tấp nập sắc màu
cho phương trời mở rộng
Quê hương
gập ghềnh đất mẹ đau thương
bước chân anh qua trùng trùng điệp điệp lá cây rừng
xuyên thung lũng qua ghềnh qua suối
Ôi thương quá quê hương buồn tủi|
mắt ngập ngừng mẹ khóc buổi ra đi
rừng núi Trà Mi
hai trăm bốn mươi giờ nghe lòng rưng rức.
Anh yêu em như yêu câu hò đất Bắc
yêu dòng Hương bởi tóc em buồn
áo trắng đan mau trên bãi sân trường
Anh thương quá quê hương mù khói súng
ôi xơ xác xóm làng Định Quán
nghèo Túc Trưng thơ trẻ cũng hãi hùng
mắt ngây ngô cô gái thẹn thùng
nhìn đoàn lính đi về qua Phước Lý
những em bé xinh xinh chiều Cát Lái
mời bánh ta, vui vẻ chuyện quân dân
và Tân Uyên rừng heo hút gió ngàn
đêm thao thức nhìn sao trời hoang vắng
anh đã băng dòng La Ngà trong nắng
nghe hồn rưng rưng thương đất thương người.
Em ơi!
mồ hôi anh đổ xuống
cho ruộng vườn cho ước mộng
cho mai sau trẻ con nhìn nhau thắm thiết
cho tình đầu không còn cách biệt
cho người người đi đến gần nhau
cho Việt Nam sông núi một màu
thương yêu ngập cả bầu trời bát ngát
Vì yêu em yêu đất yêu người nên hồn anh man mác
…quê hương!
mồ hôi anh đổ xuống ruộng vườn
ươm hy vọng thanh bình lên xứ sở

Nam Chương

(Thơ papa viết năm 1972, mình chép lại một ít vì papa không còn nhớ trọn bài)

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Những mảnh vườn ở bên


Sáng nay nhà có vị khách lạ. Một em bướm trắng bé xíu xiu về bay trên khóm hoa hoàng anh mẹ trồng. Ở chơi rất lâu. Mình cũng vui rất lâu, cả ngày dài nhớ về em khách xinh xinh, chập chờn trong ký ức những khoảnh vườn xưa rợp bướm.

Và nhớ sang những mảnh vườn ghé lại trong chuyến đi Trà Ôn hè rồi. Nhớ cái giàn tre dễ thuơng đựng hàng chục chậu hoa bé dại do một người cha thợ hồ “gầy” nên. Nhớ dáng một cành dâm bụt soi bóng bên lu nước còn vương hoa xoài. Nhớ hàng cúc dại rủ về cả đàn bướm trắng, trên lối vào “bến náu” của M…

Và nhớ nhất là những cành hồng ở sân nhà cậu bé T. Đẹp một cách mộc mạc và hoà hợp với không gian khu vườn một cách kỳ lạ, khiến buổi chiều thắm dịu hẳn và mình chỉ muốn nấn ná quanh vườn. Nghe em bảo “chú Tư con trồng”, mình chỉ muốn gặp ngay “chú Tư” để “ngó” đôi bàn tay của chú :)

Ở những mái nhà hầu hết cha mẹ các em đều tha phương kiếm sống mà chúng mình ghé qua (hình như người Trà Ôn rủ nhau đi Nha Trang?), các em nhỏ lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà và sự bao bọc của những mảnh vườn như thế. Những mảnh vườn “ở bên” các em, đôi khi bé xíu thôi, cứ khiến mình yên tâm, như là các em vẫn đang được nuôi dưỡng bằng những hơi ấm khác từ thiên nhiên, để giữ cho tâm hồn xanh mát…

Chẳng phải sao, một tiếng chim buổi sáng, một cánh bướm buổi chiều, một đoá hồng buổi đêm…cất lên bao nhiêu lời yêu thương đời sống, chỉ cần em chầm chậm gần, nghe…

2018.

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Thơ Đỗ Nghê



Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông

(Bông hồng cho mẹ, Đỗ Hồng Ngọc, 2012)

Bài thơ này mình biết đến lần đầu khi phỏng vấn tác giả - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong quán café Chiêu ở Quận 3, Sài Gòn. Chú và mình trò chuyện quanh quyển Thấp thoáng lời kinh, loanh quanh thế nào mà nói sang thơ ca, mình không còn nhớ rõ. Chú đọc cho mình nghe 4 câu đó, mình ấn tượng ngay. Những câu thơ nằm ngoài chủ đề câu chuyện nhưng mình vẫn tìm cách đưa vào bài viết. Trí nhớ mình đúng là thiên vị thơ, nhớ mãi 4 câu thơ từ hôm đó...

Với mình, ẩn sau "Bông hồng cho mẹ" là một ngày lễ dễ thương của văn hóa Phật giáo, văn hóa Việt: Lễ Vu Lan. Ẩn sau bài thơ giản dị đó là cả cái nhìn của phương Đông về hai cõi âm - dương. Mà thật ra, chẳng âm dương cách biệt gì cả, “ngoại”, “mẹ” và “con” đều ở đây, trong bài thơ nhỏ này, trong tâm tưởng của “con” - “con” nay đã nhìn về Còn - Mất trong cõi ta bà một cách nhẹ nhàng, an nhiên, dù đã bao mùa Vu Lan “con” cài hoa trắng, đóa hồng kia "con" “nhường” cho mẹ, mẹ ơi…

20 chữ thôi, mà khiến người đọc thấy cả ba “nhân vật” đều gần gũi, thấy yêu văn hóa Việt, yêu cuộc sống quá nhiều yêu thương và quá đỗi vô thường này…

Bẵng qua 5, 6 mùa Vu Lan, mình gặp lại bài thơ, lần này được in trong tập sách Thơ ngắn Đỗ Nghê (Đỗ Nghê là một bút danh khác của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc), không khỏi thấy vui, không khỏi muốn nghe chính lời tác giả vang lên, như buổi chiều năm nao…

Mình mang tập thơ về, để ở đầu giường, một hôm thức dậy, trí não còn ngái ngủ, quơ tay lên mở sách, đọc đúng một bài rồi gấp sách lại vì nước mắt chảy:

Ba dạy con
Mỗi ngày
Một chút

Không bài học nào
Như ba đã học
Từ con

Nỗi mất!

(La Ngà 5, 1990)

Mình may mắn chưa có trải nghiệm đau đớn như vậy về nỗi mất, vậy mà 19 chữ kia cứ như một vết cắt bất thần vào con tim nhỏ…Lại một câu chuyện của sống chết vô thường, của có - không - còn - mất, của cõi đời mong manh cõi lòng mong manh...

Đâu cần dông dài, đâu cần khoác áo gấm áo lụa cho ngôn từ, đâu cần chiều kích suy tưởng, thơ, đôi khi chỉ cần là tiếng nói chân thật giản dị của khoảnh - khắc - trái - tim - cất - lời - như - không - khác - đi - được, vậy mà cứa đau, vậy mà xoa dịu…Mối tương giao và tri âm giữa người thơ với người đọc, đôi khi cũng lạ lùng như thơ vậy.

Nãy giờ mình nhắc hai lần chữ “vô thường”, với cả tập thơ, đúng là lẽ vô thường, “bài học” có - không bàng bạc khắp trong cái nhìn về đất, nước, sóng, hơi thở, tình yêu, tuổi già, về buổi ngày, buổi đêm, về sợi tóc bạc, về tấm thân tứ đại này….

Tình thương ư? Có một nỗi nhớ rất “y học” thế này:

Thôi hết cồn cào
Thôi không quặn thắt

Chỉ còn âm ỉ
Chỉ còn triền miên

Thì thôi cấp tính
Thì đành kinh niên

(Nỗi nhớ, 1995)

Vô thường ư? Cái thấy của y học đi cùng với cái thấy của thiền học:

Ta bay vù vù trong không gian
Mà cứ tưởng nằm im
Trên gối

Mỗi ngày ta rơi rụng
Mỗi ngày ta phục sinh
Mà cứ tưởng không hề thay đổi…

(Vô thường)

Có một bài mang tên Về Thiền tập tác giả để cuối tập thơ, mình không chép lại ở đây, thay vì vậy, mình chép "bài thơ 2 chữ" tác giả nhắn cho mình, sau khi nhìn thấy cái tựa “giựt gân” không đúng tinh thần bài điểm sách trên 1 tờ báo mạng: "Thôi kệ!"

("Thôi kệ!", hai chữ đó, với con là “thơ ngắn Đỗ Nghê, là "thơ Trịnh Công Sơn", là "thơ thiền' đó chú Ngọc ơi! :) )

Trong lời đề tựa cho tập Kinh thi từ ngàn năm trước (mà Đỗ Hồng Ngọc có dẫn lại), Chu Hy viết rằng thơ là giọng điệu cung bực “như không thôi đi được” của “những cái ý nhị không thể nói hết ra được mà hình hiện ở trong lúc ngậm ngùi ngợi than”.

Nghĩ về thơ như thế, cảm thơ ai, cảm thế nào ắt phải tùy tạng người, tùy khoảnh khắc, tùy không gian, tâm thế…, thật không dễ luận bàn, có phải? Như dễ gì lại có một sớm mai, 1 bài thơ nhỏ đánh thức một đứa người lớn đang ham ngủ vùi.

Ảnh: Một trong những minh họa của chính tác giả trong tập sách. Mình thích bức này, vì rất “Bình Thuận thân thương”

Gọi xa xôi



"Thường thì đọc thơ có hiểu không, chị gửi tặng?" .

Tư hỏi. Tư vẫn hay làm mình bật cười với những trao đổi kiểu vậy. Thích sự nam tính trong những trò chuyện kiệm lời của Tư. Thích sự thông minh lém lỉnh tỉnh táo của Tư. Tỉnh táo, nên Tư có sự tự tại, độc lập - điều mình rất quý ở chị, bên ngoài trang viết.

Ở tập thơ Gọi xa xôi này của Tư sau Chấm, có 2 câu này sáng nay làm mình dừng lại...hình dung:

Nghĩ một bông hoa xanh nở ba năm vừa rụng
mình sẽ chịu tang bao lâu?
(Hình dung)

Tập thơ mỏng tang mà "chế" bắt mình lặn mấy khúc "sông sâu" vào những tâm cảm, tầng nghĩa dường như muốn giấu đi. 

Mà, đâu cần hiểu hết đâu, một khi ngôn ngữ thi ca (khá tiết chế, chắt lọc của Tư) đã giăng vào cuộc lặn của ta một đôi miền khói đẹp. Nước nghĩa của Thơ qua con mắt của kẻ thứ hai thường ít nhiều trầy xước, nhưng khói chữ thì vẫn bay...

Chép lại ở đây hai bài "có hiểu" :).

Chị gái

Cho chị một con đường,
anh đến và đường mang anh đi biệt
cho chị đám mây đỡ nắng
mây nông nổi làm mưa

cho chị một ngôi nhà
ngôi nhà nhốt chị giữa trăm lần vách
cho chị một căn bếp
khói vô tâm lấp mất người

cho chị chiếc giường
chới với chạm bờ chiếu trống
cho chị chiếc khăn
ướt đầm không thấm hết muối xương

cho chị giấc mơ núi xanh sông bạc
mơ phấp phỏng một người lẩn khuất
cho chị một thênh thang
ừ, thênh thang nhiều mấy cũng vừa

Về

Đến cổng vừa hay sen nở
cánh sen đỡ lấy ngọn gió
chìa khóa rơi khỏi tay
cánh cổng lèo nhèo ngái ngủ

Về úp mặt vào nước
gội sạch ảo ảnh người
úp mặt vào gối
nghe vị mặn nào không phải mồ hôi

Về úp mặt vào khói
mượn xót cay giấu cay xót đường xa
ngọn củi thắp lên
khói có là bao mà nước mắt

Về úp mặt vào rốn con
trẻ cười ngắt nghẽo
trên dấu vết chia lìa
ngọn gió sinh mệnh cả hai dào dạt cùng nhau

Nguyễn Ngọc Tư

P.S: Đặc biệt thích tranh của tập này, hợp với thơ Tư

2018.

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

"Chùa xưa" ở đâu...




"Hãy là Mai như những Sớm Mai, những bông hoa ngày tết...".

Chị N. tặng bộ lịch thật yêu in tranh và bút tích của Trịnh Công Sơn, đêm nay treo lên, bỗng muốn nghe Trịnh.

"Tôi mời em về/ Đêm gội mưa trong/ Em ngồi bốn bề/ Thơm ngát hương trầm" (Đóa hoa vô thường)...Bao năm rồi, những câu đó luôn dẫn tôi trở về một đêm ở Triệu Phong, Quảng Trị, nơi tôi được sống đúng trong khung cảnh của ca từ đó, dưới mái chùa làng.

Tôi chỉ nghỉ lại chùa tròn một đêm, nhưng ngôi chùa xanh mướt cỏ cây, hương của mưa đêm hòa hương cây, hương trầm thơm ngát ....nuôi dưỡng tôi rất nhiều đêm dài sau đó, như chút hương đêm kỳ diệu đó, tấc lòng được mái chùa gội rửa hôm đó đã cùng kết thành một khối - bình - an trong tâm.

Bước đường rong ruổi chỉ mới có hai đêm tá túc tại chùa, mà đêm - dưới - mái - chùa nào cũng trở thành một ký ức đẹp vô ngần. Ngoài ngôi chùa ở Quảng Trị là một ngôi chùa ở Liên Chiểu, Đà Nẵng, đêm được anh Thư Cưu xin một sư cô cho bạn yêu Minh Phúc cùng tôi nghỉ lại. Nghe đại hồng chung, nghe chú Đại Bi lúc trời chưa hửng sáng, thức dậy ngồi bán già, lòng hân hoan lạ. Tự hỏi mình: Này nhỏ ơi, phải chăng có tiền kiếp nào ta từng là chú tiểu trong veo kia, mà nay đọa thành tên du tử chưa biết tìm lối "trở về" mái chùa xưa?

"Chùa xưa" ở đâu trên đường dài này? Thì ở ngay đây, bây giờ nếu ta thật sự muốn: ngưng khuấy mọi ý niệm, lắng nghe hơi thở, gửi một chút "mưa trong" cho cánh sen nhỏ trong lòng hé nụ, nâu hen...

2.2019


Một Tuôn - đầy - lặng - lẽ



về cô chủ nhỏ của Hiên Cúc Vàng, Bình Hoà một thuở


Một Tuôn - đầy - lặng - lẽ.

Trong mộ‎t entry nào đó đã xa, em viết bốn từ này, hình như khi em nhìn về một dòng sông và nghe nước mắt mình chảy, giữa những dấy động lâm li của những cuộc chạy trốn, tìm về.

Em tự gọi mình là một "cô - em - không - tìm - được - tính - từ- nào - để- miêu- tả". Thật đúng vậy, mình không tìm được tính từ nào đủ để nói về em, dù có một hay n dữ kiện. Chỉ biết, chính em là một "tuôn - đầy - lặng - lẽ", một dòng sông của hàng vạn máy động cảm xúc, một tàng thư giấu kín, một người tình bền sâu của những khúc nhạc tình.

Em, là Thanh âm nhẹ nhõm mà u trầm, là Phấn thơm là Khói mềm, là Mưa giữa đêm khô là Bờ mi ngập ngừng, là Bước chân vừa "bình minh đang tới" vừa xa vắng hoang mang, là Tiếng hát bay lên từ cơn sóng, là Chữ là Văn có khả năng róc từng phân tử tế bào đang run rẩy hoài nghi ngất ngưỡng hay dịu dàng cần mẫn hát thương.

Là một - Giọng- riêng - em, một - Thanh - đới - riêng-em.

Một kỳ nữ, không ‎đùa :)

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Người - vô - sự trên đường

"Cuộc đời sẽ sống động biết chừng nào nếu đôi lúc, mình để yên cho những điều kỳ lạ xảy đến. Vodka có thể uống mình. Và một chuyến du lịch có thể đem mình đi" (Hằng)



Kon Tum - Gia Lai, tháng 12. 2015

Ở Kon Tum. Một mình một xe mỗi ngày chạy 120-160km. Măng Đen. Ngã ba Đông Dương. Cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Đi Pleiku. Vui quá đã có những đoạn vừa chạy vừa hát. "Có những con đường" - "Cho đời chút ơn" - "Chiều một mình qua phố" - "Đi mãi trên đường…". Ngẫm lại, thiệt là vui quá cũng …dễ điên :))

Thiệt ra thì định biên một cái caption dịu dàng hơn nhiều, về những con đường xanh xanh xanh màu lá màu mây màu trái tim tuổi trẻ :)), nhưng mỗi lần biên cái gì dịu dàng là bị "con bạn thân" mắng "sến!", haizz, ghét, mà bản tính dịu dàng chạy sao cho thoát…sến, haha.

Nói chứ đừng cả tin tưởng mình dịu dàng, nhất là khi chạy xe trên đường, dịu dàng thì không phóng như bay. Công an từng hét qua tai: Chạy gì nhanh dữ vậy? Nhưng ảnh chưa dứt câu, mình đã chạy xa cách ảnh và cái dùi cui của ảnh mấy thước! Kệ, bản tính “yên hùng” chạy sao cho thoát :))

Mà tóm lại, khuyên các bạn gái của tui đừng bỏ mất lạc thú chạy xe một mình, trong những chuyến đi. Hà cớ gì phải nép sau lưng một thằng con trai mới chịu? Che hết cả gió mát, rồi lỡ may hắn vốn hát hay thì làm sao mình dám hát? :))


Thừa Thiên Huế, tháng 1.2016


Nơi nào có rau dấp cá ngon nhứt quả đất? Xin thưa: Bạch Mã. Mình là đứa có khứu giác cực kém nhưng đã "nghe" được mùi thơm của cả vườn rau trong một cọng rau. Thật khó tả cái mùi thơm tuyệt diệu đó, nó tổng hòa hương rừng, vị sương núi, mùi đất quê, mùi nắng trong vừa lạnh vừa ấm…Nó làm mình tin những cọng rau đó đã hân hoan thế nào khi nẩy từng mm xanh trên hành tinh của ẻm.

Chúng mình đã đi bộ vài cây số đường núi trong buổi chiều chạng vạng không thấy mặt cây, trong cơn mưa rừng lất phất, nghe cái lạnh thấm vào da, về đến “nhà” thì sà vào bếp với cơm canh nóng và một đĩa rau dấp cá vừa được hái…Cái buổi cơm tối tuyệt vời có "rau dấp cá ngon nhất quả đất", có từng đợt mây thốc vào bàn ăn ấy nhắc chúng mình: Happiness is always around you.

Được ân hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên thật là một hạnh phúc! Ta mắc nợ những dưỡng chất của trần gian này nhiều lắm đó...

Tây Bắc, tháng 3.2017

Làm răng để bớt ham chơi nhỉ. Mới đi đó lại thèm đi nữa.

Càng đi càng thấy trí óc mình nhỏ hẹp mà tim mình cũng nhỏ hẹp, khi quá nhiều cảnh/ người mình chưa được trông thấy/ chạm/ biết để mà yêu, “yêu thêm yêu cho nồng nàn”.

Càng đi càng nghiện- xê - dịch. Mới cùng ba “bánh bèo” chạy hơn 600km hành trình dọc núi rừng Tây Bắc, té ngã dốc núi có, căng thẳng đường trơn trượt mù sương đá sỏi có, lạnh rét cóng cả tay có; vậy mà hơn bao giờ, lại thèm cầm lái tiếp. Thèm nắng sớm, thèm gió trưa, thèm sương chiều xuyên vào từng tế bào bạc nhược…Thèm chẳng có gì khác ngoài con đường trước mặt. Thèm thiên nhiên - an hòa cũng yêu mà khắc nghiệt cũng phục - như một vũ trụ diệu kỳ vừa dịch chuyển tương tức vừa bao bọc lấy mình.

Thèm làm người - vô - sự - trên - đường.

Mà chuyến rồi, nhớ nhất một nỗi nhớ ngoài dự liệu: bàn tay bé bỏng mềm ấm của em bé H’ Mông ở bản Phiên Cành. Thèm vô cùng: được cầm nắm lại. Có những khoảnh khắc chạm nhẹ thôi, mà “xao động với muôn vàn”. Nói làm sao cho hết.


2017 - Năm đi


Tháng 9 này mình đi đâu?

Tự hỏi câu ấy xong, mình mất ngủ. Vì trả lời xong câu ấy, mới (định) hỏi tiếp tháng 10, tháng 11, tháng 12 này mình đi đâu...

Ban chiều Chị bảo nghỉ phép một ngày đi với chị đến T. Mình bảo em ngại quá chị ơi, từ đâu năm đến giờ tháng nào em cũng nghỉ. Nhưng biết rồi thế nào cũng Đi- như - là - đi - thôi, một ngày chứ mấy, phá tan cái dự định tháng sáu "cột chân" để cộng sự đỡ rầu.

Nhân duyên đưa đẩy 2017 thành "Năm Đi" luôn vậy nhé! Tháng một được "nằm tàu" bơi một vòng biển đảo Tây Nam; nhớ viên sỏi nhỏ trong lòng bàn tay cậu bé đảo Hòn Chuối. Tháng hai dầm sương cung đường Tây Bắc‎; nhớ mây Tà Xùa, nhớ những mận, đào bơ vơ góc núi. Tháng ba về Phan thăm người em dưới mộ; nhớ khoảnh khắc bình an ngồi dưới mái chùa làng. Tháng tư sang Nhật đi coi phim một mình ở Okinawa; nhớ mãi buổi ngồi ngắm mưa xuân ngoài cửa rạp. Tháng năm về "chơi" với các Kira bé ở Duy Xuyên, Tiên Phước; nhớ thật nhiều, những nụ cười; nhớ một sớm Thu Bồn làm mát ngọt bàn chân....

Toàn những chuyến đi rất ngắn ngày, vội vã; mà những đoạn xanh ký ức cứ sống lại, đâm chồi trong tiềm thức, nở những đoá rưng rưng...

‎Và. Tháng 6 bí mật. Tháng 7 hẹn các bạn nhỏ An Giang, Bến Tre. ‎Tháng 8 về với các Kira bé Bình Phước. ‎

Điều kỳ diệu nhất của những chuyến đi - nhất là những chuyến đi không nằm trong dự liệu, với mình là Những - tình - bạn - mới.‎

Hẹn nhé, những tình - yêu - tìm - thấy!

‎‎Nên, tháng chín này mình đi đâu?


Đà Lạt, tháng 12.2017

Trong ngôi nhà gỗ nhỏ bên hồ Tuyền Lâm của Trí, chúng tôi đón một vầng trăng đẹp nhất năm 2017, vầng trăng cho chúng tôi một thiên đàng nơi địa giới trong đêm cuối năm.

Một năm dài đi qua, chưa khi nào trăng đẹp đến thế, soi tỏ đồi thông, soi tỏ lòng hồ thinh lặng, soi tỏ cỏ cây bên hiên nhà, ru cả ngọn đồi, ru ngôi nhà cỏ và thân thể chúng tôi trong một ánh sáng bềnh bồng diệu lý.... Thứ ánh sáng ấy, không gian tịch lặng ấy, hương rừng đêm ấy... “lôi” hết bồ đề tâm của chúng tôi thức dậy.

Cõi bao la, lòng thênh thang, chúng tôi không biết gói hạnh phúc vào đâu cho đủ, nên đã gói vào một bài thiền ca tự sáng tác, hát đi hát lại với nhau suốt đêm trăng trên đồi, bên bếp than hồng thổi lên từ nắng mưa gỗ mục. Bài hát là tâm tình đơn sơ nhưng là cái cúi lạy thành thật của chúng tôi trước thiên nhiên như một nguồn ân sủng.

Đêm đó, người ơi, thật thấm lời thơ này của Thiện:

Bôn ba ngoài vạn dặm
Cũng chỉ một trăng rằm


Đà Lạt, tháng 1.2018

Buổi sáng đầu năm 2018.
Một Thiên Thai có thật.
"Bọn trẻ" lạc tới đào nguyên ấy, hữu duyên mà lật một trang sách của Phạm Công Thiện, một trang sách nói dùm "bọn trẻ" những ý niệm an lành và nỗi yêu khó tỏ bày thành lời lúc đó:

"Nắng sắp lên.
Chưa bao giờ tôi thấy nắng đẹp như vậy.
Chưa bao giờ tôi yêu trần gian này đến thế.
Tôi tự nói với lòng: “Ngày hôm nay, và cả những ngày sắp đến, bắt đầu bằng niềm thanh bình vô hạn của tâm hồn”.
Em ơi, hãy trông sang đồi thông. Hoa anh đào nở hồng cả sườn đồi. Đẹp xuống trần…"


Chỉ khác là, hoa anh đào của Phạm Công Thiện được thay bằng dã - quỳ - còn - ở - lại và bạt ngàn hoa dại trên đồi. Mà thương nhất xuyến chi, len vào cửa sổ bếp, thì thầm Pháp hoa kinh.

Bình Thuận, tháng 5.2018

"Xẹt ngang" giữa mùa hè bận rộn là một buổi chiều được tắm suối giữa tiếng ve ngân, một buổi đêm cắm lều nghe tiếng hát tiếng cười thân thương dưới những vì sao nhấp nhánh, và một buổi sáng được chơi xích đu bên suối trước lúc "lên đường".

Tánh Linh buổi sáng tháng 5, còn được níu chút đường quê ban mai từ yên xe máy, được ngắm - trông dáng núi bốn bề, những đồng vắng những bờ cỏ mắt trâu xanh hiền muôn thuở, và hít thở chút mùi rừng còn sót lại...

P.S:

“….chỉ còn đương xứ tức chân, hiện bày ngay cái đang là.
Đang là thì không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, dù cuộc lữ bắt đầu khởi sự từ vô lượng kiếp rồi, dù có đi vòng quanh hết quả địa cầu này thì cũng để thấy lại cái tâm hồn mình, như Henry Miller nói : “Vì chỉ có một cuộc phiêu lưu vĩ đại thôi, đó là đi vào bên trong mình và đi vào trong lòng mình thì thời gian, không gian, ngay đến hành động cũng không quan trọng gì cả.” Thì ra là vậy, thật đơn giản mà độc đáo vô cùng. (Tuệ Sỹ)

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

Thiên nhiên trong…chữ của Van Gogh





Có lẽ đây là cuốn sách tiểu sử gần đây nhất (?) về danh họa Van Gogh (1853 - 1890). Tác giả là David Haziot - người từng đoạt giải Goncourt ở thể loại tiểu sử năm 2012. Ông cũng đã được tặng giải thưởng của viện Hàn lâm Pháp năm 2008 với quyển sách này.

Khán giả có thể khóc với phim Loving Vincent, nhưng độc giả còn xao động nhiều hơn thế với cuốn sách này.

Một cuốn tiểu sử thật sự cuốn hút, trước hết từ những lá thư Vincent gửi cho Théo - người em trai, tri kỷ của ông.

Đó những lá thư thật đẹp, về ngôn từ, nhịp điệu, về tình cảm đặc biệt “vượt qua cả tình máu mủ” của hai anh em, về nguồn hạnh phúc mà Vincent tìm thấy ở thiên nhiên và đời sống nông thôn.

Nhờ tình anh em “cảm động đến xót xa” giữa Vincent và Théo, chúng ta may mắn đọc được những lá thư mà David Haziot gọi là độc đáo của thế giới nghệ thuật.

Có những dòng thư như đổ hết tình yêu thiên nhiên vào đáy lòng ta vậy. Nhuộm cõi lòng ta bằng một biển màu ánh sáng. Của hội họa. Của tình cảm thuần khiết dành cho vẻ đẹp thiên nhiên:

"Chúng tôi thực hiện những cuộc rong chơi tuyệt v‎ời. Ở đây tất cả đều đẹp miễn sao ta biết nhìn. Phải có những con mắt không bị các xà nhà làm chướng ngại. Khi có được điều đó rồi, thì ở đâu cũng đẹp..."

“Chiều nay khi mặt trời lặn, ánh sáng phản chiếu cùng một lúc trên mặt nước và trên mặt các kính cửa sổ, đã tỏa ra một thứ ánh sáng huy hoàng trên mọi vật, giống hệt như bức tranh của Cuyp…Anh ước ao em được xem mặt trời lặn vào chiều hôm ấy…”

"Anh ở trong một trạng thái làm việc đến điên cuồng, bởi vì cây cối đã bắt đầu nở hoa và anh muốn vẽ một vườn cây ăn quả mang một niềm vui vĩ đại của miền Provence".

"Ôi Théo thân mến của anh, nếu em thấy được những cây ô liu vào thời điểm này...! Khóm lá già màu bạc và màu bạc ngả lục chống lại màu xanh. Còn nền đất đã được cày lên nhuốm màu cam...Thật hết sức tinh tế, hết sức đặc biệt! Tiếng thì thầm của một vườn cây ô liu là một cái gì sâu thẳm, hết sức xưa cũ. Quá sức đẹp để anh có thể vẽ hay diễn đạt bằng lời".

"Một đôi khi anh thấy mình sáng suốt một cách lạ lùng, trong những ngày mà cảnh trí quá đẹp như lúc này, rồi thì anh không còn cảm xúc ‎nữa, và như thế bức tranh đã đến với anh như một giấc mơ".

"Cảnh trí trở nên khác hẳn với mùa xuân, nhưng chắc chắn anh cũng yêu thương không kém cảnh thiên nhiên bắt đầu thiêu rụi trong lúc này...."

"Bây giờ ở đây lại có cái nóng hừng hực không một ngọn gió, điều đó đã giúp thêm cho công việc của anh. Một mặt trời, một ánh sáng, vì thiếu ngôn từ để diễn đạt, anh chỉ có thể gọi tất cả cái đó là màu vàng, vàng lưu huỳnh nhạt, vàng chanh nhạt. Ôi quá đẹp, màu vàng!"

"Càng nghĩ, anh càng cảm thấy không gì thật sự nghệ thuật hơn yêu người"....

“Em hãy tiếp tục đi dạo và yêu thiên nhiên thật nhiều bởi đấy là cách học hỏi để càng lúc càng hiểu biết về nghệ thuật hơn. Các họa sĩ hiểu thiên nhiên, yêu thiên nhiên và họ chỉ cho ta cách nhìn ngắm thiên nhiên”.

“…Gắng tìm vẻ đẹp của các sự vật khi em có thể. Phần lớn người ta không thấy đủ vẻ đẹp của các sự vật”.

Những lời thư như cất lên tiếng gọi sâu thẳm, mời gọi mỗi chúng ta làm một cuộc dạo chơi vô tận vào thiên nhiên - nguồn cảm hứng mà Van Gogh đã nhìn thấy, rung cảm, cho chúng một đời sống huyền diệu khác trong những bức tranh của ông.

Những cụm hoa, những miền lá, những cánh đồng bất tận, một cánh rừng vào thu, một vùng bóng tối mời gọi, một luồng ánh sáng chợt qua, một sớm mai gió nổi, vầng trăng treo góc núi, những đóa sao trời, …đều là những nguồn vui sống khiến con tim người nghệ sĩ nhạy cảm hơn người rung lên. Chỉ buồn là, tất cả, tất cả đã không thể níu ông ở lại với cuộc đời lâu hơn. Ở lại lâu hơn để vẽ được nhiều hơn, như ông từng bày tỏ, dù duy nhất một bức tranh trong gần 1000 bức tranh bán được. Và ở lại, để yêu thương cả sự cô đơn của chính mình.

Mình thật biết ơn cô Phan Hồng Hạnh - người chuyển ngữ cuốn sách, một trong những người cho mình ấn tượng thật đẹp về phụ nữ (Chắc cũng ít bạn đọc biết, cô là mẹ của diễn viên Trần Nữ Yên Khê). Vì quá yêu thích cuốn sách, cô quyết định dịch cho bạn bè VN có thể đọc. Ấn bản tiếng Việt là công trình cẩn trọng của cô suốt mấy năm, bằng tình yêu với hội họa và Van Gogh - cái tình yêu đã khiến cô cầm cọ học vẽ khi không còn trẻ và nay vẫn vẽ tranh đều đặn...

Cùng với những phân tích tinh tế của David Haziot, cuốn sách còn nhiều lời thư thật đẹp và cảm động, về hội họa, về những tình yêu chói sáng đọa đày, phản ánh nội tâm và tâm lý có khi bất thường như sự thay đổi của ánh sáng nơi "Vincent thương mến". Hẹn sẽ biên thêm nếu mình siêng. Bạn nào yêu Van Gogh mua sách đọc hen. Sách do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2014, ‎ hi vọng vẫn còn trên kệ.

10.2017