Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Victor Hugo - Một linh hồn bất diệt


Những ai từng yêu mến đại văn hào Victor Hugo đều có thể giật mình: đã lãnh hội được gì tài năng qúy báu của ông trước khi đến với thiên tiểu sử Victor Hugo - bí ẩn cuộc đời (dịch giả Huỳnh Phan Anh, NXB Văn nghệ, 2002)?

Bậc thầy trong loại hình tiểu sử André Maurois, với tính uyên bác của tư tưởng và cách diễn đạt sáng sủa của một ngòi bút sâu sắc, duyên dáng đã thâu tóm được cuộc đời của thi hào vĩ đại nhất nước Pháp, đưa người đọc đi suốt gần 800 trang sách chỉ để ngắm nhìn thật kỹ chân dung của vị thần đã chọn cho mình đỉnh ngồi cao nhất - Olympio - Victor Hugo.

“Khi tôi sinh ra, thế kỷ này chỉ mới hai tuổi”. Nhà thơ sinh năm 1802 có tự phụ lắm không, khi trong lịch sử văn học Pháp, để chọn ra một người có thể đại diện cho cả một thế kỷ chỉ có thể là chính Victor Hugo.

Từ khi là cậu bé 14 tuổi, thần đồng Hugo đã tuyên bố: “Tôi muốn mình là Chateaubriard hoặc không là gì cả”. 15 tuổi, cậu đã có được mấy ngàn câu thơ, một vở hài kịch, một vở kịch năm hồi, một thiên anh hùng ca. 18 tuổi đã cho ra một tuần báo văn nghệ, 16 tháng đăng 112 bài viết, 22 bài thơ, viết về đủ đề tài văn học. 

Người ta kinh ngạc trước trí thông minh và tài năng vượt lên trên thời đại của chàng. Và nguồn thơ dạt dào, phong phú của Hugo - từ Lá thu đến Ánh sáng và bóng tối, Trầm tư sau này - đã mang đến cho thi ca Pháp “những tập thơ lộng lẫy nhất”, “tất cả những ai yêu thi ca đều bắt gặp trong đó một vài trong số những câu thơ đẹp nhất của ngôn ngữ Pháp”. 

Mới 23 tuổi, Hugo đã được triều đình Pháp trao Bắc đẩu bội tinh cùng với Lamartine. Năm 24 tuổi, bắt đầu viết kịch, trở thành lãnh tụ phái lãng mạn và Hernani - vở kịch đầu tiên của Hugo được công diễn đã gây ra sự náo loạn giữa khán giả hai phe cổ điển và lãng mạn; vở kịch đi vào lịch sử với tên gọi “Trận Hernani”. 

Sự thán phục không dừng lại. Không chỉ thơ, kịch mà những tiểu thuyết lần lượt ra đời đều gây tiếng vang; ở thể tài nào, Hugo cũng chứng tỏ được tài năng vượt bậc của mình. Bạn đọc yêu văn học khó mà bỏ qua Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Người cười, Những người khốn khổ - “một trong những tác phẩm vĩ đại của trí tuệ con người”… Ông cố đạo Myriel, người tù vượt ngục Jean Valjan của Hugo đã sống mãi trên toàn thế giới để nói lên “cái toàn thể của sự cao cả, sự công bằng và lòng thương xót”…

Điều đáng trọng là vinh quang có kéo Hugo lên đến tận đỉnh Olympia, từ Hàn lâm viện đến Nguyên lão nghị viện, ông bao giờ cũng “nghiêng xuống người nghèo và người cần lao”. 

Những công việc ông trù định như bãi bỏ án tử hình, những hình phạt khổ nhục, tăng quyền lợi cho phụ nữ …cũng luôn là niềm mong mỏi chung của tất cả những ai muốn giảm bớt những đau thương, gánh nặng của kiếp người. 

Hugo còn làm ta kính phục bởi tiếng thét: “Chọn mạng lệnh hơn lương tâm? Không!”. Cả quãng đời hoạt động chính trị của “nhà thơ có những khúc hát dành cho tất cả những vinh quang và tất cả những tang tóc của tổ quốc” đã cho thấy ông “không đòi hỏi gì hơn là việc tin vào sự trung thực”. 

Trung thực và dũng cảm, Hugo chống đối đế chế, đả đảo Napoléon III, ủng hộ chế độ cộng hòa, tự trao cho mình bổn phận cứu danh dự của dân tộc Pháp bằng 20 năm lưu đày. Thành quả của lưu đày là những tập thơ Trừng phạt, Truyền thuyết thế kỷ, tiểu thuyết Những người làm việc ở biển…với “tầm cao rộng của những quan điểm lịch sử, nét rắn rỏi của bút pháp và sự táo bạo của những giải pháp”.. Về già, cuốn Nghệ thuật làm ông mà người ta bảo nhờ đó em bé đi vào thi ca lại làm người đọc thêm yêu Hugo của những xúc cảm giản dị, dịu dàng…

Cuối tác phẩm, Maurois dành những lời trang trọng nhất để miêu tả đám tang tiễn đưa Hugo vào điện Panthéon - nơi chôn cất những danh nhân của nước Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một quốc gia trao cho nhà thơ những vinh dự mà tập quán cho tới bấy giờ vẫn chỉ dành cho vua chúa và tướng lãnh. 

Cả Paris thức canh quan tài, những dòng người cuồn cuộn mênh mông như lũ đi theo ông, vô số những tấm khiên ghi tên những tác phẩm của ông, những câu thơ rì rào khắp mọi nơi…Bởi, hơn ai hết, ông đã ca ngợi những gì mà mọi người đã cảm nhận:… những niềm vui của một người cha trẻ, những vẻ đẹp của tuổi thơ, những cơn ngây ngất đầu tiên của tình yêu, bổn phận của mọi người đối với kẻ nghèo khổ, sự cao quý của lòng khoan dung…

Người đòi hỏi sự đức độ có thể chê trách Hugo trong cuộc sống riêng tư ở tính đa dục, tự phụ nhưng cũng sẽ phải chấp nhận lời biện hộ của chính ông “thiên tài thì luôn thái qua. Đó là do cái lượng vô hạn nơi họ”. 

Trong thiên tiểu sử này, người đọc vẫn chỉ có thể tìm thấy nhiều hơn hết những ái ngữ đẹp nhất dành cho một con người: một tinh thần thẳng thắn, một trái tim thuần khiết, một tâm hồn cao qúy, sức mạnh của tư tưởng, sự rắn rỏi của phong cách, bề rộng của tri thức, sự thanh lịch của trí tuệ, sự duyên dáng của thể xác… 

Sự tận tụy không mệt mỏi cho việc hoàn thiện chính mình trong nghệ thuật và sự đấu tranh không ngừng cho công bằng và tự do của Victor Hugo khiến người đọc chỉ biết bái phục. Sự xuất hiện của một cuộc đời như thế quả là niềm vinh dự cho nhân loại. 

Cả Victor Hugo, cả Andre Maurois đều đã được học giả Nguyễn Hiến Lê đưa vào trong quyển Các cuộc đời ngoại hạng. Ngoại hạng, theo ông, “vì lẽ những vị đó đã suốt đời xây dựng một “kim tự tháp” cho mình mà cũng là cho nhân loại… vị nào cũng lưu lại cho hậu thế trên trăm cuốn…và tới nay đã có năm sáu thế hệ nhờ họ mà hưởng được những phút vui lành mạnh nhất, thần tiên nhất”.

Trong bấy nhiêu người sinh ra ở đời mới có một nhân vật kiệt xuất? Định mệnh không trao cho mỗi con người đều có khả năng ảnh hưởng lớn lao đến cộng đồng. Nhưng mỗi con người đều là một cá nhân đáng trân trọng, với tất cả những niềm vui, những vết thương, những khả năng và giới hạn cần được thông hiểu. Con người lương tri Hugo đã nhắc nhở: “Hãy ban tặng và nhận về niềm vui, và cứ yêu nhiều đến bao nhiêu có thể được”. Và trả lời lại những người cho rằng tất cả đều kết thúc với linh hồn sau thế giới này, con người thiên tài Hugo khẳng định: “Với linh hồn anh, điều có thể, nhưng linh hồn tôi, tôi biết, nó bất tử”. 

Tìm hiểu Hugo sẽ hiểu được tín điều này của ông: “Sống là dấn thân”, “yêu là hành động”, vấn đề “không phải là chạm tới mục tiêu mà mãi mãi trên đường”. Và tìm hiểu ông, để có thể trò chuyện với ông về sự bất diệt của linh hồn. 

P.S: Vận dụng trí nhớ mà vẫn không nhớ ra bài đã được in báo chưa, nếu có đăng chắc cũng ngắn hơn nhiều :D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét