Chúng tôi đến thăm nhà văn Võ Hồng vào một buổi chiều tắt nắng, biển Nha Trang xanh một màu xanh da diết. Căn nhà nhỏ nép mình im vắng ở góc phố đường Hồng Bàng. Không có ổ khóa nào ở cổng ngoài, chỉ cần đẩy nhẹ then cửa là đã chạm bước vào một không gian đầy kỷ niệm.
Trên căn gác nhỏ, Võ Hồng đang ngồi yên ở một góc giường, một mình một bóng như mấy chục năm dài vẫn vậy. Ông mặc một chiếc áo sơ mi dài tay, cổ áo gài cao, bên ngoài khoác một chiếc áo len mỏng và đầu đội mũ len che kín hai tai. Vì sức khỏe yếu, cửa phòng ông phải khép lại để tránh gió chiều, khép lại cả những biểu hiện sự sống sinh động ở bên ngoài. Căn phòng nhỏ còn lại ông, chiếc giường, kệ sách và… nỗi cô đơn có thể nhìn thấy rõ. Bụi phủ lớp mỏng lên những bức ảnh, những đồ vật trong phòng, quyện vào những trang sách cũ làm căn phòng bỗng mang một chút hương xưa êm đềm của dĩ vãng.
Câu chuyện với Võ Hồng thấp thoáng một nỗi niềm đeo đẳng: "Cô không tưởng tượng được về một đời sống vắng lặng đâu. Không thể nào thốt lên những câu như "Lấy dùm tôi cái ly", "lấy dùm tôi cây viết", không có ai bên cạnh cả, không có ai để mình có thể nói những câu như vậy".
Chúng tôi nghe lòng rưng rưng khi ông nói về sự lẻ loi như định mệnh ấy của mình.
…
Trong nỗi cô độc mỗi ngày, tưởng như người bạn duy nhất có mặt bên ông vẫn chỉ là tấm ảnh của Diệu Báu - người vợ yêu đã sớm lìa xa ông và ba người con còn ở tuổi ấu thơ. Có lẽ bà là hoài niệm long lanh nhất, dấu yêu nhất ông không thể nào không nhắc đến trong những cuộc trò chuyện với bao người ghé đến căn gác nhỏ phố Hồng Bàng.
Nhưng vượt qua những "đau yếu giữa hành trình", Võ Hồng vẫn thở cùng thơ, văn mỗi ngày. Những vần thơ lãng mạn, nhu mì lẫn khỏe khoắn, hóm hỉnh: Chiều ngồi tựa cửa / Nhìn áng mây xa/ Về đâu lát nữa/ Hỡi mây không nhà? Võ Hồng ngâm nga bài thơ mới làm. Và trên một chiếc bảng đen ở một góc nhà "vương vãi" những câu thơ viết bằng phấn trắng: “Hối lộ, lộ rồi không kịp hối. Tham ô, ô gãy hết đường tham”.
Một ngòi bút thẳng cả đời văn. Giữ ngòi bút không bao giờ biết “nịnh”, không bao giờ luồn cúi. Và điều Võ Hồng tâm niệm cả đời vẫn là thái độ sống "luôn luôn nghĩ tốt, làm tốt và không bao giờ nói xấu người". Một tâm niệm đầy nhân hậu. Không chỉ nói, Võ Hồng đã làm được rất nhiều điều theo tâm niệm ấy. Ông từng "vét" cả triệu bạc có được để giúp người, từng chăm lo từng cái bánh, miếng cơm cho những người đói kém mà ông gặp...
Giờ đây, nghĩ đến một ước mơ cho riêng mình, ông chỉ mong ước các tác phẩm của mình được chọn in lại. Võ Hồng đặc biệt tha thiết muốn quyển sách mỏng gồm "Một bông hồng cho cha", "Nghĩ về mẹ" và "Nửa chữ cũng thầy" được in thường xuyên để bạn đọc nhỏ tuổi có cơ hội được đọc, tưới tẩm những hạt giống yêu thương trong tâm hồn các em. Tình yêu thương gia đình trong tác phẩm Võ Hồng là một trong những "con thuyền " "tải đạo" vững chãi đủ để truyền trao và nuôi dưỡng nhân cách người đọc.
Khi nghe chúng tôi nhắc đến những câu nói thâm thúy và hóm hỉnh trong quyển Trầm Tư, Võ Hồng giở ngay trang cuối và cất giọng đọc: "Này ông Socrate! Ông bị vợ chê ghét trong khi quần chúng ái mộ ông. Đừng ngạc nhiên, những người tiếp xúc với ông, được nghe ông thuyết giảng về cái Hay cái đẹp của triết lý…mỗi người được nghe một lần, trong khi vợ ông ở gần thì cứ phải nghe lặp lại hoài. Chỉ một việc đó cũng đủ để bà nổi xung đổ ghét". Câu "trầm tư" này phải nghe qua giọng đọc nhấn nhá đầy khoái cảm của tác giả mới thấm hết ý vị của nó.
Võ Hồng tỏ ý thích câu này vì nói lên được sự tinh nghịch của ông. Sự tinh nghịch đã khiến ông trang trí mảnh vườn nhỏ nơi sân gác bằng hàng loạt các bloc lịch màu đỏ. Tinh nghịch cũng là cách xoa dịu nỗi buồn. Bởi như ông bảo, "nếu có tình yêu thì đâu cần tinh nghịch nữa". Nhưng còn tình yêu thầm lặng của bao bạn đọc? Võ Hồng nhè nhẹ lắc đầu: "Không, tình yêu thì phải ở ngay bên cạnh, phải rộn ràng".
Nhưng vượt qua những "đau yếu giữa hành trình", Võ Hồng vẫn thở cùng thơ, văn mỗi ngày. Những vần thơ lãng mạn, nhu mì lẫn khỏe khoắn, hóm hỉnh: Chiều ngồi tựa cửa / Nhìn áng mây xa/ Về đâu lát nữa/ Hỡi mây không nhà? Võ Hồng ngâm nga bài thơ mới làm. Và trên một chiếc bảng đen ở một góc nhà "vương vãi" những câu thơ viết bằng phấn trắng: “Hối lộ, lộ rồi không kịp hối. Tham ô, ô gãy hết đường tham”.
Một ngòi bút thẳng cả đời văn. Giữ ngòi bút không bao giờ biết “nịnh”, không bao giờ luồn cúi. Và điều Võ Hồng tâm niệm cả đời vẫn là thái độ sống "luôn luôn nghĩ tốt, làm tốt và không bao giờ nói xấu người". Một tâm niệm đầy nhân hậu. Không chỉ nói, Võ Hồng đã làm được rất nhiều điều theo tâm niệm ấy. Ông từng "vét" cả triệu bạc có được để giúp người, từng chăm lo từng cái bánh, miếng cơm cho những người đói kém mà ông gặp...
Giờ đây, nghĩ đến một ước mơ cho riêng mình, ông chỉ mong ước các tác phẩm của mình được chọn in lại. Võ Hồng đặc biệt tha thiết muốn quyển sách mỏng gồm "Một bông hồng cho cha", "Nghĩ về mẹ" và "Nửa chữ cũng thầy" được in thường xuyên để bạn đọc nhỏ tuổi có cơ hội được đọc, tưới tẩm những hạt giống yêu thương trong tâm hồn các em. Tình yêu thương gia đình trong tác phẩm Võ Hồng là một trong những "con thuyền " "tải đạo" vững chãi đủ để truyền trao và nuôi dưỡng nhân cách người đọc.
Khi nghe chúng tôi nhắc đến những câu nói thâm thúy và hóm hỉnh trong quyển Trầm Tư, Võ Hồng giở ngay trang cuối và cất giọng đọc: "Này ông Socrate! Ông bị vợ chê ghét trong khi quần chúng ái mộ ông. Đừng ngạc nhiên, những người tiếp xúc với ông, được nghe ông thuyết giảng về cái Hay cái đẹp của triết lý…mỗi người được nghe một lần, trong khi vợ ông ở gần thì cứ phải nghe lặp lại hoài. Chỉ một việc đó cũng đủ để bà nổi xung đổ ghét". Câu "trầm tư" này phải nghe qua giọng đọc nhấn nhá đầy khoái cảm của tác giả mới thấm hết ý vị của nó.
Võ Hồng tỏ ý thích câu này vì nói lên được sự tinh nghịch của ông. Sự tinh nghịch đã khiến ông trang trí mảnh vườn nhỏ nơi sân gác bằng hàng loạt các bloc lịch màu đỏ. Tinh nghịch cũng là cách xoa dịu nỗi buồn. Bởi như ông bảo, "nếu có tình yêu thì đâu cần tinh nghịch nữa". Nhưng còn tình yêu thầm lặng của bao bạn đọc? Võ Hồng nhè nhẹ lắc đầu: "Không, tình yêu thì phải ở ngay bên cạnh, phải rộn ràng".
Một người cũng thấu cảm nỗi cô đơn khác là Trịnh Công Sơn có lẽ sẽ "đồng cảm" với Võ Hồng hơn hết khi Trịnh Công Sơn viết: "Em líu lo bên đời dạy tôi biết xa gần"… Từ lâu rồi, "xa gần" với Võ Hồng là tiếng líu lo của những chú sẻ nâu ghé vào vườn nhà mỗi sớm, ăn những hạt cơm ông để dành sẵn. Vàng anh vẫn nở rực một góc vườn. Hương hoa mận bên rào hàng xóm vẫn tràn vào gác nhỏ. Bấy nhiêu thôi đủ để nỗi cô đơn lướt qua nỗi cô đơn và tình yêu cuộc sống nơi ông không bao giờ cạn, để ông vẫn yêu thật thà từng "nhánh rong phiêu bạt" nhìn thấy trong đời …
Chúng tôi đã ngồi với nhau trong tình ông - cháu, tình thầy trò, tình cảm giữa nhà văn và độc giả trong một buổi chiều đằm thắm như thế, đằm thắm đến nỗi không nỡ trông thấy một cánh hoa rơi, một nét ưu tư trên gương mặt bất kỳ ai…Chia tay, như chia tay một sự rộn ràng bất ngờ ập đến, Võ Hồng bỗng thốt lên hai tiếng "buồn quá" làm chúng tôi lặng lòng….
Hình ảnh cuối cùng về cái chắp tay xá chào của Võ Hồng theo tôi suốt một chuyến tàu về lại Sài Gòn. Hình ảnh của một con người khiêm cung và tự trọng hết mực. Hình ảnh của một nhân cách khó phai mờ trong văn giới VN.
--------
P.S: Trích bài viết đã in trên tạp chí Văn Hoá Phật giáo năm 2006.
Nhà văn Võ Hồng được Hội nhà văn VN truy tặng giải Cống hiến năm 2017, nhưng cho đến nay, ước mơ nhỏ của ông về những quyển sách mỏng kia được in lại vẫn chưa thành. Tụi mình/ Quỹ Nguyễn Hiến Lê rất muốn làm điều này cũng như in lại cuốn Chúng tôi có mặt của Võ Hồng, nhưng hiện vẫn chưa liên lạc được với người nhà của ông. Tạ ơn nếu được bạn hữu kết nối.
Nhà văn Võ Hồng được Hội nhà văn VN truy tặng giải Cống hiến năm 2017, nhưng cho đến nay, ước mơ nhỏ của ông về những quyển sách mỏng kia được in lại vẫn chưa thành. Tụi mình/ Quỹ Nguyễn Hiến Lê rất muốn làm điều này cũng như in lại cuốn Chúng tôi có mặt của Võ Hồng, nhưng hiện vẫn chưa liên lạc được với người nhà của ông. Tạ ơn nếu được bạn hữu kết nối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét