Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Sao không hạnh phúc với cuộc đời đi...



Cho đến giờ, chưa có bộ phim Việt Nam nào thôi thúc mình phải đến rạp lần hai như Song Lang. Mình biết ít nhất 10 khán giả xem phim này hai lần. Đây có lẽ là một trong những phim Việt Nam hiếm hoi khiến nhiều người - nhất là khán giả thế hệ 7x, 8x - muốn xem lại nhất.

1.
Mình đã đọc hơn 20 bài điểm phim, trong đó có nhiều bài rất hay, khiến mình nghĩ viết gì thêm nữa cũng thừa thãi. Nhưng nếu không nhắc đến Song Lang với bạn bè, với những ai còn chưa ra rạp xem Song Lang, mình áy náy như mắc nợ một tác phẩm nghệ thuật đáng được trân trọng - về những trải nghiệm đẹp và giàu cảm xúc mà bộ phim mang lại cho khán giả, về niềm tin mà Song Lang nhen lên về những tác phẩm “made in VN” thật sự tinh tế, cứu chuộc cho những thành kiến mà nhiều khán giả đã dành cho điện ảnh Việt.

2.
Mình sẽ còn nhớ lâu Dũng thiên lôi và Linh Phụng. Yêu sự hóa thân vừa vặn của Liên Bỉnh Phát, Isaac. Yêu cái đẹp của sự cô độc và sự chữa lành. Yêu cái tình tri ngộ giữa đôi bạn ấy. Một cách rất tự nhiên, song hành cùng cuộc đời và cuộc gặp giữa hai con người, bộ phim gói ghém nhiều ẩn ngữ đẹp, về nguồn sáng của nghệ thuật nói chung và cải lương nói riêng, về những dấu ấn tuổi thơ cấy rễ thế nào vào hồn người, về sợi dây liên đới giữa thiên lương và nghệ thuật, về Phật tính vẫn có sẵn trong mỗi con người - dù đang lạc lối,…

3.
Lâu lắm rồi mới có một bộ phim mà nhiều khung hình làm mình tương tư đến vậy. Nhớ cái bờ tường Linh Phụng tựa nỗi xao xuyến vào, cái cầu thang âm u mỗi ngày một sớm mai bỗng lung linh nắng sớm. Nhớ cái khung cửa nơi chàng giang hồ hay đốt thuốc trầm tư một ngày được lấp đầy khoảng trống. Cái khung cửa đẹp của riêng 2 tâm hồn cô đơn. (Mình đọc đâu đó nói bộ phim mất 27 set quay cho cảnh ở khung cửa này. Sự kỹ lưỡng đó thật là đáng giá).

Và nhớ Sài Gòn về đêm những năm 80, xao động và tĩnh lặng (mình kịp biết qua khi còn là một đứa trẻ quê lên thăm phố). Nhớ những khung hình đưa ta du hành về thế giới tuổi thơ với những trò chơi mộc mạc mà dấu yêu quá đỗi…Nhớ cái góc máy, màu phim như muốn dồn ta vào cùng tâm trạng của Dũng thiên lôi khi chàng ta khóc nấc. Nhớ dáng nằm sấp bình an. Nhớ ánh mắt vừa chợt trong veo đã phải khép lại. Nhớ cái cơn mưa đến rồi đi, đột ngột, bất ngờ, như sự đến - đi của một phận người.

4.
Cuộc đời khốc liệt đan trong sự giản dị, bụi bặm bạo tàn đan trong thơ mộng thuần khiết, lý tính đan trong cảm tính, ngổn ngang hôm nay đan trong vô định ngày mai, với những nợ nần khó quên, những tình cờ nhớ mãi…

Có nhau và mất nhau, có thể là ngày hôm nay và ngay ngày mai đó thôi, theo đúng nghĩa đen. Ta chỉ có thể nhớ về thời gian, nơi chốn lần đầu gặp nhau, nào có thể nói với nhau đâu là lần cuối? Mà nhớ quên gì, thời gian (có khi của một cơn mưa thôi) có thể xóa nhòa tất cả…Dài mà ngắn, và vô thường thế đó.

Vậy thì, sao không hạnh phúc với cuộc đời đi, và yêu thương hơn, kiên nhẫn hơn với con người…

--------------

P.S 1.: Một nhà sách online cho biết nhiều bạn đặt mua quyển Con voi xa đàn sau khi xem phim. Còn mình, vô tình Song lang gợi nhớ đến Nhà khổ hạnh và gã lang thang (Đôi bạn chân tình) của Hermann Hesse. Trong đó, có những câu thế này:

"Không có mẹ người ta không sống được, không có mẹ người ta không chết được".

"Nghệ thuật thắng được kiếp người phù du; tôi nhận thấy rằng trò hề đời sống múa may như ma quỷ còn để lại cái gì đó tồn tại, đó là nghệ thuật. Rồi cũng có ngày nghệ thuật chết đi, tan biến, đảo lộn tan tành. Nhưng dẫu sao nghệ thuật vẫn lâu bền hơn đời sống con người, nó tạo ra ở trên khoảnh khắc trôi qua biền biệt một thế giới bình thản những hình ảnh và những sự kiện thiêng liêng. Đối với tôi, làm nghệ thuật có cái gì vỗ về an ủi gần như đem lại tính chất vĩnh cửu cho sự vật phù du".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét