Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Kẻ ma làm

Bốn mươi năm gác bút, nhưng rồi Trần Kim Trắc đã không dứt tình được với văn chương. Tất cả chuyện đời ông tự trải nghiệm hoặc bắt gặp, lắng nghe đều lặn sâu vào trong tâm hồn, để đến khi cầm bút trở lại (1994), ông đã có 6 tập truyện được bạn đọc hào hứng đón nhận: Ông thiềm thừ, Hoàng đế ướt long bào, Học trò già, Trăng đẹp mình trăng, Chuyện nàng Mimô, Văn hóa đám giỗ. Và gần đây nhất, Kẻ Ma Làm (NXB Văn Nghệ, 2003) - tập sách mới của ông có thể được xem là một trong những tập truyện ngắn thú vị nhất hiện nay.

Người đọc cảm rõ cái phong vị của văn hóa Nam bộ chân chất, dung dị trong từng câu chuyện nhẹ nhàng mà dí dỏm. Cái đạo sống của con người mà nhà văn gửi gắm cũng tự nhiên mà thấm vào lòng người đọc: cái đạo sống mang tinh thần lạc quan, lấy nhân tính làm gốc, rộng lòng mà yêu thương và tha thứ để “nhẹ lòng, nhẹ gánh” cho nhau, biết gạn đục khơi trong, không để “những tác quái của cuộc đời làm suy suyễn tư chất”, biết tự thắng mình để không bị trói buộc vì tiền tài, danh vọng, dục tính thái quá - ba thứ “không có nó không có hạnh phúc cuộc đời và cũng là ba thứ làm khổ đời nhiều nhất”.

Không chê bai phụ nữ như nhiều bậc nam nhi tự xưng là “quân tử” khác, “ông già nam bộ” rất “tâm lý” này luôn nhìn phụ nữ ở những đức tính đáng trân trọng nhất, từ đó mà cảm thông với những thiệt thòi, những sự bất bình đẳng; mà hiểu và thương sâu sắc - những yếu đuối, đa đoan, những bận bịu của bao công việc không tên; đức hy sinh, lòng chung thủy, vị tha của nữ giới (Sầu riêng, Ba cô, Việc không tên, Cám treo, Bởi vì là vợ ổng…) Tập sách vì vậy có một sự ưu ái riêng làm độc giả nữ cảm động.

Cái sâu sắc ẩn trong giọng văn lí lắc của Trần Kim Trắc luôn khiến truyện của ông ý vị những nụ cười - nụ cười mỉm nhẹ nhàng hay tiếng bật cười vui thích. Cần biết bao những nụ cười như vậy giữa bao mặn đắng của cuộc đời. Cuộc đời đầy kịch tính nhưng cuộc đời luôn có đó những niềm vui bình dị, trong trẻo để nhà văn gạn lọc mà gửi tặng bạn đọc của mình.

“Sống vui và viết vui” vì những lẽ “phải viết như thế nào để người tốt cảm thấy hứng thú và được động viên, để người đạo đức giả cảm thấy mình trở nên hài hước, để người xấu cảm thấy những chuyện họ làm rất buồn cười mà thấy rằng trong họ vẫn còn nhen nhúm ngọn lửa hướng thiện để thổi bùng nó lên…” (phụ lục). Không cần định sẵn cho tác phẩm một tư tưởng lớn lao nào, nhưng phản ánh sự đa dạng, phong phú của cuộc sống và lòng người bằng cái tâm sáng, bằng óc phân tích minh mẫn mà hóm hỉnh, nhà văn Trần Kim Trắc đã có con đường riêng để đạt được ý nguyện của mình.

P:S: 
Lưu lại một "kỷ niệm" với nhà văn Trần Kim Trắc. Bài mình in Tuổi Trẻ năm 2003, không biết tác giả có đọc không, mình chỉ "biết" ông qua văn chương, chưa có duyên gặp ông bao giờ. Ông ra đi trong lặng lẽ vào ngày 17-11-2019, sau 49 ngày công chúng mới biết, vì "không muốn việc ra đi của mình gây ồn ào cho bạn bè đồng nghiệp cũng như dư luận". 
Nay con post lại bài ở đây, xin thắp một nén hương lòng cho bác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét