Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Bi kịch nào cho nhà văn?


10 giờ 15 phút sáng ngày 14-4 năm 1930. Tiếng súng nổ. Người ta nhìn thấy Vladimir Maiakovski- nhà thơ Xô Viết nổi tiếng nằm chết trong căn phòng tập thể ở đường Lubianka, vết máu trên áo sơ mi. Các báo đồng loạt đưa tin cáo phó, viết bài tưởng nhớ, kết luận sự kiện bi thảm ấy là một vụ tự sát. 

Nhưng gần ¾ thập kỷ đã trôi qua, câu hỏi về cái chết của Maiakovski vẫn còn đó. Có phải là Maiakovski tự sát hay không? Tại sao một người “khổng lồ” thế, tài năng thế, một nhà thơ “dự cảm được sự bay bổng của mình” lại tự nguyện chấm dứt cuộc sống? Các cuộc tranh luận nổ ra giữa các nhà điều tra. Các nhà nghiên cứu tiểu sử và sáng tác của nhà thơ vất vả với những dữ kiện không đầy đủ. ..Và những bạn đọc yêu mến nhà thơ Maiakovski đến nay vẫn chưa có được câu trả lời chính thức.

Năm 1998, tác giả Valentin Skoriatin, với khối tư liệu đồ sộ tìm được từ các hồ sơ tuyệt mật, sau hàng loạt các bài báo về Maiakovski luôn được bạn đọc đón đợi (đăng trên tạp chí Zhurnalist từ 1989-1994), đã cho ra đời quyển sách đầy tính tư liệu quý báu và hấp dẫn: Bí ẩn về cái chết của Vladimir Maiakovski.

Nhà xuất bản Trẻ với vai trò thử nghiệm dịch sách điều tra lịch sử của Nga và dịch giả Lê Khánh Trường với tác phẩm lựa chọn này đã cung cấp cho độc giả VN một kho thông tin quý giá xoay xung quanh quãng đời cuối cùng của Maiakovski. 

Quyển sách nêu ra giả thuyết mới về cái chết của V. Maiakovski- giả thuyết về sự bức tử đối với nhà thơ. Những bức ảnh tư liệu lưu trữ hiếm có, những chi tiết quan trọng, những dẫn chứng thuyết phục cùng những lý lẽ logic đã vén một góc bức màn bí mật cái chết của Maiakovski.

Buổi sáng định mệnh ngày 14-4 năm1930 ấy, Maiakovski đã tự sát hay bị bức tử? Hậu thế đã không nguôi được với niềm tiếc thương lẫn tò mò. Cũng như với bao nhiêu cách giã từ sự sống như thế của những nhà văn khác. Bi kịch đó do đâu? Do nhà văn không tìm được chính mình, không chấp nhận được những phi lý của chính mình hay của thời đại?

Rất nhiều người tin rằng đằng sau cái chết này là một lý do chính trị. Maiakovski, với những vở kịch châm biếm và thi ca chân chính của mình, đã “tấn công hệ thống mệnh lệnh hành chính đang nảy sinh ở nước Nga, tấn công bộ máy quan liêu đại diện cho hệ thống đó” và “chỉ muốn người đọc hãy trở về thực tại khắc nghiệt của thời đại”:

Chúng ta quay ngoặt bước chạy của lịch sử.
Hãy tiễn đưa cái cũ đi mãi mãi.
Người cộng sản và con người.
Không thể nào khát máu.


Nhà thơ đã không chịu câm nín như ông muốn, không cúi đầu như những nhà văn chiều thời đại mà đã “nói thật to”:

Lục lọi cái thời hóa đá hôm nay,
nghiền ngẫm bóng tối thời nay,
bộ tuyên truyền ra rả bên tôi,
tôi đấu dịu,
ngậm họng.

Kết cục của sự “đấu dịu” ấy là bị buộc phải chọn lựa cái chết vì đã sống thật? Tiếng súng đã vang lên nhắm ngay vào trái tim đòi khước từ cái bánh vẽ dân chủ và tìm kiếm sự tự do đích thực. 

Nếu cái chết của Maiakovski không phải đơn thuần là một cách đào thoát khỏi những tai họa riêng tư thì bi kịch của Maiakovski cũng chính là bi kịch của những văn nghệ sĩ không thể nói to sự thật, không hét to lên được cho ai nấy cùng nghe thấy toàn bộ sự thật về thời đại; yêu nước mà không thể chữa lành những ung nhọt nhìn thấy được của đất nước; không thể nịnh bợ chính trị khi không có niềm tin vào bộ máy cai trị. Và cuối cùng là sự bất lực phải chui vào vòng kim cô của chính trị choàng lên đời sống văn nghệ.

Nhưng cuối cùng, Maiakovski có bị bức tử hay không, điều đó đã thuộc về quá khứ. Điều quan trọng hiện tại là sự bất tử của tác phẩm mà người nghệ sĩ sáng tạo nên. Những tác phẩm tìm được sự bất tử khi nó không bắn vào trái tim trong sáng của người sáng tạo, không bắn vào cái đầu không chịu tuân thủ những quy định kìm nén khả năng sáng tạo chân chính.

Còn lại đây, những câu thơ được sản sinh từ “trái tim được giải phóng”:

Tôi muốn đất nước hiểu tôi
Còn không được hiểu-
thì sao?!
Trên đất nước thân yêu
tôi lại đi qua bên cạnh
như giọt mưa
rơi vát.
Còn chuyện khác nữa:
tôi biết sức mạnh từ ngữ,
tôi biết hồi chuông báo động của từ ngữ.
Chúng không phải
thứ ca ngợi sự giả dối.
Những từ ngữ
làm vỡ quan tài
Những từ ngữ
bò lổm ngổm
bằng cái chân gỗ của mình.


(Trích Trường ca Nói thật to)

Cái chết của Maiakovski qua cuốn sách này bỗng gợi lại những câu thơ tưởng nhớ Hemingway của nhà thơ Xô Viết Evgheni Evtushenko:


Tự tử, đối với đời nghệ sĩ
Là giữ mình không trong sạch vẹn toàn,
Đã chịu bán tài năng
Thì đắt, rẻ mặc lòng
Đều từ đó hóa thành vô sỉ
Tự tử, đối với đời nghệ sĩ
Đâu phải viên đạn chì, hay một nút dây thừng,
Bao kẻ sống phây phây, mặt mũi đỏ bừng
Nhai thịt gà, uống rượu vang ừng ực,
Nhưng khi ngồi vào bàn viết,
Thì té ra, họ tự tử lâu rồi!

Anh là người trung thực nhất đời
Chỉ bắn nỗi đau kia

Đâu bắn tấm lòng mình?

(Bằng Việt chuyển ngữ).

Là nhà văn mà không nói được tiếng nói của mình, tiếng nói trung thực của Con Người thì mới là bi kịch thật sự của “cái chết” . Sống và viết đúng với lương tâm thời đại, ngẫm ra cũng khó vậy sao? Còn Maiakovski, như Hemingway, ông đã không “bắn tấm lòng mình”. Ông và sự trung thực của ông sẽ vẫn còn được nhớ mãi trên nước Nga thân yêu. Không có ngụy thuyết nào phủ nhận được điều đó.

P.S: Một bài viết cũ thời sinh viên, lưu lại ở đây cho nhãn Sách của bạn nâu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét