Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

Thiên nhiên trong…chữ của Van Gogh





Có lẽ đây là cuốn sách tiểu sử gần đây nhất (?) về danh họa Van Gogh (1853 - 1890). Tác giả là David Haziot - người từng đoạt giải Goncourt ở thể loại tiểu sử năm 2012. Ông cũng đã được tặng giải thưởng của viện Hàn lâm Pháp năm 2008 với quyển sách này.

Khán giả có thể khóc với phim Loving Vincent, nhưng độc giả còn xao động nhiều hơn thế với cuốn sách này.

Một cuốn tiểu sử thật sự cuốn hút, trước hết từ những lá thư Vincent gửi cho Théo - người em trai, tri kỷ của ông.

Đó những lá thư thật đẹp, về ngôn từ, nhịp điệu, về tình cảm đặc biệt “vượt qua cả tình máu mủ” của hai anh em, về nguồn hạnh phúc mà Vincent tìm thấy ở thiên nhiên và đời sống nông thôn.

Nhờ tình anh em “cảm động đến xót xa” giữa Vincent và Théo, chúng ta may mắn đọc được những lá thư mà David Haziot gọi là độc đáo của thế giới nghệ thuật.

Có những dòng thư như đổ hết tình yêu thiên nhiên vào đáy lòng ta vậy. Nhuộm cõi lòng ta bằng một biển màu ánh sáng. Của hội họa. Của tình cảm thuần khiết dành cho vẻ đẹp thiên nhiên:

"Chúng tôi thực hiện những cuộc rong chơi tuyệt v‎ời. Ở đây tất cả đều đẹp miễn sao ta biết nhìn. Phải có những con mắt không bị các xà nhà làm chướng ngại. Khi có được điều đó rồi, thì ở đâu cũng đẹp..."

“Chiều nay khi mặt trời lặn, ánh sáng phản chiếu cùng một lúc trên mặt nước và trên mặt các kính cửa sổ, đã tỏa ra một thứ ánh sáng huy hoàng trên mọi vật, giống hệt như bức tranh của Cuyp…Anh ước ao em được xem mặt trời lặn vào chiều hôm ấy…”

"Anh ở trong một trạng thái làm việc đến điên cuồng, bởi vì cây cối đã bắt đầu nở hoa và anh muốn vẽ một vườn cây ăn quả mang một niềm vui vĩ đại của miền Provence".

"Ôi Théo thân mến của anh, nếu em thấy được những cây ô liu vào thời điểm này...! Khóm lá già màu bạc và màu bạc ngả lục chống lại màu xanh. Còn nền đất đã được cày lên nhuốm màu cam...Thật hết sức tinh tế, hết sức đặc biệt! Tiếng thì thầm của một vườn cây ô liu là một cái gì sâu thẳm, hết sức xưa cũ. Quá sức đẹp để anh có thể vẽ hay diễn đạt bằng lời".

"Một đôi khi anh thấy mình sáng suốt một cách lạ lùng, trong những ngày mà cảnh trí quá đẹp như lúc này, rồi thì anh không còn cảm xúc ‎nữa, và như thế bức tranh đã đến với anh như một giấc mơ".

"Cảnh trí trở nên khác hẳn với mùa xuân, nhưng chắc chắn anh cũng yêu thương không kém cảnh thiên nhiên bắt đầu thiêu rụi trong lúc này...."

"Bây giờ ở đây lại có cái nóng hừng hực không một ngọn gió, điều đó đã giúp thêm cho công việc của anh. Một mặt trời, một ánh sáng, vì thiếu ngôn từ để diễn đạt, anh chỉ có thể gọi tất cả cái đó là màu vàng, vàng lưu huỳnh nhạt, vàng chanh nhạt. Ôi quá đẹp, màu vàng!"

"Càng nghĩ, anh càng cảm thấy không gì thật sự nghệ thuật hơn yêu người"....

“Em hãy tiếp tục đi dạo và yêu thiên nhiên thật nhiều bởi đấy là cách học hỏi để càng lúc càng hiểu biết về nghệ thuật hơn. Các họa sĩ hiểu thiên nhiên, yêu thiên nhiên và họ chỉ cho ta cách nhìn ngắm thiên nhiên”.

“…Gắng tìm vẻ đẹp của các sự vật khi em có thể. Phần lớn người ta không thấy đủ vẻ đẹp của các sự vật”.

Những lời thư như cất lên tiếng gọi sâu thẳm, mời gọi mỗi chúng ta làm một cuộc dạo chơi vô tận vào thiên nhiên - nguồn cảm hứng mà Van Gogh đã nhìn thấy, rung cảm, cho chúng một đời sống huyền diệu khác trong những bức tranh của ông.

Những cụm hoa, những miền lá, những cánh đồng bất tận, một cánh rừng vào thu, một vùng bóng tối mời gọi, một luồng ánh sáng chợt qua, một sớm mai gió nổi, vầng trăng treo góc núi, những đóa sao trời, …đều là những nguồn vui sống khiến con tim người nghệ sĩ nhạy cảm hơn người rung lên. Chỉ buồn là, tất cả, tất cả đã không thể níu ông ở lại với cuộc đời lâu hơn. Ở lại lâu hơn để vẽ được nhiều hơn, như ông từng bày tỏ, dù duy nhất một bức tranh trong gần 1000 bức tranh bán được. Và ở lại, để yêu thương cả sự cô đơn của chính mình.

Mình thật biết ơn cô Phan Hồng Hạnh - người chuyển ngữ cuốn sách, một trong những người cho mình ấn tượng thật đẹp về phụ nữ (Chắc cũng ít bạn đọc biết, cô là mẹ của diễn viên Trần Nữ Yên Khê). Vì quá yêu thích cuốn sách, cô quyết định dịch cho bạn bè VN có thể đọc. Ấn bản tiếng Việt là công trình cẩn trọng của cô suốt mấy năm, bằng tình yêu với hội họa và Van Gogh - cái tình yêu đã khiến cô cầm cọ học vẽ khi không còn trẻ và nay vẫn vẽ tranh đều đặn...

Cùng với những phân tích tinh tế của David Haziot, cuốn sách còn nhiều lời thư thật đẹp và cảm động, về hội họa, về những tình yêu chói sáng đọa đày, phản ánh nội tâm và tâm lý có khi bất thường như sự thay đổi của ánh sáng nơi "Vincent thương mến". Hẹn sẽ biên thêm nếu mình siêng. Bạn nào yêu Van Gogh mua sách đọc hen. Sách do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2014, ‎ hi vọng vẫn còn trên kệ.

10.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét