Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Tuổi trẻ chúng tôi


"Thế hệ chúng tôi bất hạnh: chúng tôi ra đời trong thân phận nô lệ, lớn lên trong khói lửa chiến tranh và trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí". 

Lang thang đọc thấy câu trên, nhà văn Vũ Thư Hiên viết từ năm 1958, trong một bài viết về Trần Dần. 

Nhắn cho 2 người bạn: Tớ đọc mà chảy nước mắt.

"Đến bây giờ chúng mình vẫn phải sợ hãi các đồng chí dù không phải đồng chí" - một trong những đồng nghiệp thông minh, chính trực nhất mà mình biết - nhắn lại.

Bạn - một người viết - gửi lại link bài hát Chúng tôi có 20 năm làm tuổi trẻ được Vũ Thành An phổ nhạc từ thơ Đỗ Văn Thảo và bài Tuổi trẻ chúng tôi của Giang Châu - một bài hát của Du ca trước 1975 nhưng hình như lần đầu mình nghe, hiếm hoi các trang mạng còn giữ các bản nhạc này.

"Sao chúng tôi không có quyền lên tiếng nói?" Chúng mình cùng nghe. Nỗi ngậm ngùi lan từ SG ra HN và từ HN đậu lại SG, nhất là trong ngày một tiếng nói dũng cảm ra tòa.

Còn ai can đảm dùng ngòi bút "nâng cao nhận thức về pháp quyền và dân chủ"?
Việt Nam ơi! đêm qua có bao người mất ngủ....?

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Thương khúc dâng người


Thi sĩ Nhật Chiêu đã viết nhiều bài thơ, "thương khúc" thật hay giữa Sài Gòn những ngày đầy thương khó khó lường...Mình chọn lưu ở đây vài bài mình yêu thích nhất. Những bài thơ như bước ra từ cõi mơ, nơi nỗi đau cũng đẹp ... như ngôn ngữ của Nhật Chiêu, mà niềm yêu, niềm bi cảm để lại rất thật...

Hai thầy trò mình có một kỷ niệm khó quên ở đường Phan Xích Long hôm 27-5, ngày mình bắt đầu nhìn thấy mây đen dọn một cuộc mưa sầu cho thành phố. Không thơ hóa được kỷ niệm, xin mượn thơ thầy để ghi nhớ về Sài Gòn những ngày "mỗi bước băng lên cuộc sống còn", những ngày chúng ta vẫn đang "còn mơ một sớm mai vàng/ người thương/ bước với người thương xuống đời"...

CON NGƯỜI ĐỊNH NGHĨA MỚI

Bay xuống hè phố vắng
bầy chim sẻ lang thang
một chim non hỏi mẹ
nơi đây sao mà buồn
loài gì đang làm tổ
hay đang trú trong hang

con người
đang ở đấy
môt-loài-mang-khẩu-trang
xưa kia như chim sẻ
đã từng vui bầy đàn
bây giờ họ giấu mặt
giấu mình sau lớp lang
người hùng ngàn gương mặt
đã trở nên điêu tàn

con người
mang tên mới
một - loài - mang - khẩu - trang.

8.8.

RÙNG MÌNH NGHE GIÓ TRẮNG

Bên phố hàng cây đứng ngóng đời
ngày trắng hay là đêm trắng rơi
đôi khi rùng mình nghe gió trắng
những con phố trắng đã tan cười

lá người bay trắng về đâu cội
cây hỏi thầm thôi bụi trắng ơi
lá xanh cây hỡi xin đừng trắng
bên phố
hàng cây
đứng
ngóng đời.

28.8

THƠ GỞI NGƯỜI THƠ TRẺ

Nếu có thể
sống trong thời đại dịch
sao bình thường
không sống vạn lần hơn

ai vừa gởi
một chút niềm hối tiếc
mai gặp người
hôn miết vạn lần hôn

nếu ca múa
với người trong dạ tiệc
sao mỗi ngày
không múa với càn khôn

ai vừa gởi
một lời không hối tiếc
phá rào đi
mà hát vượt vô môn

13.9

THƯƠNG KHÚC DÂNG NGƯỜI

Gió mưa nào
gió mưa nào
cơn đau nằm cuộn cơn đau sóng cuồn
người ơi
đang chết tha phương
người ơi
đang khóc không đường thoát thân
người ơi
chết đến dần dần
chân không thả bước
trời không xoay mùa
chết không gọi
chết không thưa
hồn không siêu độ
thân vừa tro than

còn mơ một sớm mai vàng
người thương
bước với người thương xuống đời
người ơi
thương khúc dâng người.

16.9

NHỮNG CƠN LỐC NGƯỜI

Cơn lốc người cơn lốc người
lao đao người chao đảo người

ai xuôi vạn lý đừng mai mỉa
xuôi phận đời đen chỉ thế thôi

người đi không ai đuổi
người về không ai đợi

quê hương bước tới mây vời vợi
cố quận quay về áo tả tơi

có một bé thơ vừa chết giấc
ai đó gào van trời hỡi trời

thiên vấn ư khi trời thất lạc
bất tri à thì hỏi dân gian

qua đèo mây qua đèo mây
người hay mây mờ mịt

cơn lốc người cơn lốc người
mưa khóc hải vân quan

cuồn cuộn lao mình cơn di tản
nắng mưa dầm mặt rát bước lầm than

người ơi người muôn trùng khốn đốn
người ơi người hồn xác héo hon

cơn lốc người đi trong gió lốc
mỗi bước băng lên cuộc sống còn

10.10

AI MUA NẮNG AI ƠI

Ngày xưa
đã không còn nắng trong nhiều ngày qua
không ai biết bao giờ nắng lại như xưa
người ta nhớ nắng nao lòng nhớ nắng
mùa nhớ kéo dài đớn đau khao khát
nhớ nắng lung linh lấp lánh lướt vàng
trong đám lá lau nhau lam lục lênh lang
nhớ nắng óng a óng ả trong cốc thủy tinh
ai nâng lên nước mùa hạ mới môi thơm
nhớ như chỉ còn biết nhớ thế thôi
đêm thả mình thư thả đêm đời
buông bóng tối vào vô tâm vô sở
mà thỏa lòng không sợ nắng nôi
nắng ơi nắng đi đâu vô ngấn tích
trong tịch mịch người quên nhìn nhau
nhiều thân thể giao tình vô sai biệt
ai biết trộm tình hay đổi trao

rồi một hôm vang tiếng rao vụt nhẹ
nắng đây rồi ai mua nắng ai ơi
và kẻ lạ vào thành
bán những lọ thủy tinh be bé
lập lòe chút chi nửa nhạt nửa ngời
thứ mà y gọi là nắng
ôi nắng tếu nực cười
nhưng chút ánh còi còn hơn không có
nên người ta tranh mua một chút ánh xanh rơi
kẻ lạ mang vào thành chút quà quê lạ
*
đom đóm à
hay một chút ma trơi

25.10

NHẬT CHIÊU

Nguồn: Cafe với Nhật Chiêu

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Giữ đời cho nhau


Lần đầu gặp mấy chữ đó, không phải trên trang sách hay trang mạng in thơ Du Tử Lê, mà là "gặp" trên môi Tuấn Ngọc, giữa tiếng violin dìu dặt trên những âm giai của Từ Công Phụng...Lặng đi một đỗi, ôi một hẹn ước quen cho mối tình luống những ngậm ngùi, mà "giữ đời cho nhau" nghe thơ và thương quá.

Mối duyên - đời nào ta không muốn để trôi...?

...ơn em tình như mù loà,
như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi.
ơn em hồn sớm ngậm ngùi,
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
(Ơn em, Du Tử Lê)

Chép cho người, ghi nhớ những ngày chúng ta trôi giữa mù sương của yêu thương, những ngày để mặc cho cánh buồm lý trí xếp lại, tìm nhau trong biển đêm khó dò...Nói em nghe, những chiếc thuyền đi lạc có điều hướng cho nhau về tới một bình minh?

..........

“But love...it's only an illusion. A story one makes up in one's mind about another person. And one knows all the time it isn't true. Of course one knows; why one's always taking care not to destroy the illusion.” (Virginia Woolf)

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

My Dang Kang

 



Facebook nhắc một ngày hạnh phúc của mình ở DangKang (Krông Bông, Đắk Lắk), mùa trung thu 5 năm trước:

Dang Kang.
Đi bộ trên con đường này là một hạnh phúc. Chùa sau lưng. Núi trước mặt. Hai bên đường hoa nở tràn mặt đất. Nhà nhà, một ụ rơm vàng, hai ụ vàng rơm. Trẻ con nô đùa, hoặc ngồi tựa cửa ăn những trái ổi non mới hái. Gà mẹ gà con giỡn thóc. Chó làng rủ nhau “chào” khách, sủa um. Tiếng gà gáy lạc giữa ban trưa…
Cứ mong "đi mãi trên đường", giữa mùi làng, tiếng quê thân thương ấy...
Và cũng chỉ mong, lòng người cũng bình yên như cảnh, dẫu chưa thôi nghèo khó…

Thèm đi bộ quá, giữa mùi làng, gió núi, giữa phố vắng sương vây,...Biết bao giờ nhỉ, lại đi, một mình, hay với người bạn mới gặp đã linh cảm được một sự kết nối dài lâu.

Bình yên nhé, những tình yêu còn thức...

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Tự mình thắp đuốc


[...]

Ở thế kỷ 17, Pascal bị dằn vặt dữ dội giữa con người bác học của ông và con người sùng tín trong ông, giữa lý trí và lòng tin, vừa chống đối vừa bổ túc, vừa thù nghịch vừa bất khả phân ly. Cuối cùng thì ông phải thừa nhận sự hiện hữu của Thượng đế là không thể chứng minh được bằng lý tính, và “tôi tin vì đó là phi lý”.

[...] Đồng lõa với Pascal, tôi hạ bệ lý trí. Trưởng thành hơn, có chút kinh nghiệm sống, tôi mới biết sợ trái tim, không phải vì nó đã già - có bao giờ nó già đâu - mà vì đưa lên thiên đường là nó mà đưa xuống địa ngục cũng là nó. Nó biết thấy, nhưng nó cũng biết mù, mù mà cứ đòi dẫn đường, lại còn độc quyền lãnh đạo.

Trái tim không phải là chữ “tâm” trong đạo Phật. Niềm tin trong đạo Phật cũng không gửi đến một Đấng Cao Xa nào, mà gửi đến con người. Cứu cánh của một bên là Thượng Đế, của bên kia là giải thoát. Tự mình giải thoát. Tự mình thắp đuốc. Đuốc ấy là trí tuệ.

Trí tuệ dạy: Đừng tin vào những gì vì người khác nói, đừng tin một điều gì vì được tập quán lưu truyền, thậm chí đừng tin một điều gì vì nghĩ rằng đó là uy thế của kinh điển, thậm chí đừng tin một điều gì vì nghĩ rằng đó là do thầy mình nói ra. Ai bắt đầu học đạo Phật đều biết đó là lời Phật dạy trong kinh Kalama. 

Vậy thì tin vào cái gì? Cái gì, việc gì tự mình chứng nghiệm. Tư mình chứng nghiệm rằng việc đó là bất thiện và đưa đến đau khổ. Tự mình chứng nghiệm rằng việc đó là thiện và đưa đến hạnh phúc. Tham sân si, cứ chứng nghiệm đi rồi biết có đau khổ hay không. Bỏ tham, bỏ sân, bỏ si, chứng nghiệm đi rồi thấy có nhẹ nhàng hơn không. Chứng nghiệm trên sự việc, nên cái biết ấy của trí tuệ là biết xác thực. Đối tượng của trí tuệ là sự việc, là sự kiện, là cuộc đời, là con người, là chính ta, không phải là một Đấng siêu hình mà không ai dám nói mình biết rõ. Trên sự việc, cái biết của trí tuệ có thể phát triển đến tột cùng, bằng năng lực của quán, của định, của thiền.

[...] Đâu phải là chuyện cao xa. Tây Phương ngày nay, cái từ “mindfulness” đã thành phổ thông. Có gì đâu: đó là chánh niệm, chánh định, chánh tư duy áp dụng vào xã hội hỗn tạp ngày nay. Đó là công việc của trí tuệ. Một phút trước khi cuồng tín ném bom hoặc ném hận thù, biết lấy gì ngăn lại ngoài một tích tắc mindfulness? Nơi cái tích tắc ấy, địa ngục biến thành thiên đường. Phép lạ đến từ trí tuệ, không đâu khác. Trí tuệ là khó đạt, đạo Phật đòi hỏi cái khó, đúng vậy. Nhưng đi không phải là đến ngay, đi là chứng nghiệm, mỗi bước là mỗi thấy, rõ hơn, thấy rồi lại càng tin, chắc hơn, nhưng đó là tin ở mình. 

Cái khác giữa đạo Phật và các tôn giáo độc thần là cái vị thế chủ nhân của con người trí tuệ. Tôi mượn một câu trong quyển sách best - seller mà tôi đang đọc (*) vì tác giả, bà Barbara Taylor, là mục sư. Bà viết: “Trong đạo của tôi, đức tin là thiết yếu - đặc biệt là tin những điều khó tin. Trong đạo Phật lòng tin là một sự lựa chọn. Cứ thử đi rồi thấy, đức Phật nói thế. Cứ đi theo con đường ấy một thời gian rồi tự mình quyết định cái gì là thật. Lời mời gọi đó làm tôi rung động. So sánh với đạo của tôi, hình như truyền thống của tôi rất ít đặt tin tưởng trên khả năng của tôi để quyết định cái gì cho mình”.

[...]

Vậy thì, phải chăng trong đạo Phật không có niềm tin? Ô hay, không có niềm tin thì tại sao tôi lại lên chùa? Tại sao tôi lạy Phật, tại sao tôi tụng kinh, tại sao tôi niệm A Di Đà để cầu nguyện cho mẹ tôi? Con người, khi có mặt trên trái đất, đã đứng trước huyền bí. Đố ai chẳng từng có lúc cảm thấy rờn rợn trước im lặng của hoàng hôn hay trước cái chết. Đố ai gạt phăng được mọi linh thiêng trong mọi hoàn cảnh, đố ai đến cuối cuộc đời không đếm ngày tháng còn lại với một câu hỏi thấm chất tâm linh. 

Chỉ có điều là những huyền bí của con người tiền sử tan dần cùng với ánh sáng của trí tuệ, và riêng tôi, tôi chỉ còn giữ lại những linh thiêng gì giúp ích cho tôi trong đời sống ở đây và bây giờ mà tôi chứng nghiệm được. Bỏ tham, sân, si, tôi thấy nhẹ nhàng, làm sao tôi không tin lời Phật được? Càng bỏ, càng thấy nhẹ nhàng, càng nhẹ nhàng càng thấy giải thoát không phải là cái gì cao xa mà rất gần gũi, gần gũi như nghe lời Phật nói bên tai: từ đó mầu nhiệm tỏa ra như là có thật. Tôi thương mẹ tôi nên tôi cũng gửi đến cho mẹ tôi cái không khí mầu nhiệm mà tôi cảm thấy mỗi lần cầu nguyện cho mẹ. Như vậy có gì trái với trí tuệ? [...]

Cao Huy Thuần

P.S: Tựa bài ở blog do mình đặt, trích từ tản văn
Trí tuệ và lòng tin trong tập sách Sen thơm nắng hạ quê mình (Khai Tâm và NXB Tri Thức, 2020) của tác giả Cao Huy Thuần.

(*) Barbara Brown Taylor, Holy Envy. Finding God in the Faith of Others, HarperCollins Publishers, 2019.

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Chỉ còn 2 chữ hư không...





Gặp thi sĩ Nguyễn Đức Sơn lần đầu cách nay 9 năm ngay căn nhà gỗ nhỏ xíu trên Đại Lão sơn, lúc ấy ông còn khỏe, giọng khỏe, sang sảng đọc thơ cho tụi mình nghe, dạo chơi đồi thông Phương Bối và tiễn tụi mình đến tận chân đồi…Lần cuối thăm ông năm 2018, ông nằm bệnh, đã không thể có lại được hình ảnh "đám trẻ" ngồi quây quần nghe thơ ông giữa rừng thông.

Từ sau năm 2011, thi thoảng ông vẫn gọi điện cho mình để hỏi thăm báo Tuổi Trẻ - tờ báo ông vẫn đọc đều những ngày mắt còn sáng. Mấy mươi năm dài náu ở “rừng im” nhưng ông không hề lãng quên thế cuộc, vẫn luận bàn thời sự trong nước và quốc tế - dù giọng ông sau này nhiều lúc đứt quãng…

Ông thi thoảng cũng nhắn cả những bài thơ mới làm qua điện thoại…Nhiều lúc đang bận việc, mình vẫn gác lại để nghe ông, nghe lửa cháy và sự tịch mịch của một “rừng thơ” mang tên Nguyễn Đức Sơn.

Nghe tin ông mất, nhớ những ngày ấy, nghĩ thật biết ơn đời nếu ai đó còn có thể nhấc máy gọi cho nhau…

Mình thích nhất vẫn là cảm thức về vô thường trong thơ Nguyễn Đức Sơn. Thơ ông trình hiện kiếp nhân sinh là một cuộc “cắm đầu lao thẳng tới hư vô" "trước khi biến tan vào trong bụi cát". Phù du là thế, đi miệt mài trong cõi vô minh rồi về với hố thẳm, nhưng thế lại càng “bắt đầu thở là bắt đầu hạnh phúc”....

Mình cũng thích hình ảnh thiên nhiên tràn đầy trong thơ ông. Chữ của ông chỉ có thể là chữ của một người thật sự sống - với và hàm ơn thiên nhiên trong từng hơi thở phập phồng. Mình vẫn hay nhớ:

"Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh"; hay:

"Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên".

Nguyễn Đức Sơn từng có bút hiệu là Sao Trên Rừng. Thơ ông đầy hình ảnh các vì sao sáng - chiếu - rụng - rơi - trôi giữa "rừng phương Đông". Những đóa sao làm thi sĩ có thể hạnh phúc đến bật khóc, thắp lên bao mộng ước của đời sống hay làm rơi rụng mọi nỗi niềm, để chỉ còn hai chữ "hư không" đọng lại sau mỗi bài thơ.

Những ngày nằm bệnh, không biết ông còn nhớ nghĩ những câu thơ xưa:

"Mai kia tắt lửa mặt trời
Chuyện linh hồn với luân hồi có không"…; 

"Cưu mang oan nghiệp một trời
Anh nghe ngày rụng tiếng đời bay xa
Mai kia bóng thẳm huyệt tà
Ru anh em sẽ thật thà hơn em...";

"Còn một mình hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Từng trưa nằm nghỉ đất dài
Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên… "

Nhẹ một hình hài giữa trời thinh không ông Sơn nhé. Hẹn ông, mai “đám trẻ” sẽ về nghe lại thơ ông giữa hư không…

11.6.2020

P.S: Biên trong ngày này năm ngoái, lưu ở đây nhân tròn 1 năm ông Sơn Núi rời cõi tạm. Mình quên chưa nói: Nguyễn Đức Sơn là một trong những nghệ sĩ có tinh thần công dân mạnh mẽ nhất mà mình biết. 

Hôm nay nhớ chuyến xe ấm áp đưa tụi mình về Phương Bối viếng ông một ngày tháng sáu.

Nay cũng nhờ một ghi chép ở blog này năm 2014 mà nhớ lời ông từng nói với mình: "Này ranh con, thế giới này lạ lùng lắm. Lạ lùng lắm!. Sau này Sơn núi có đặt một chân xuống huyệt rồi thì chân còn lại cũng phải trồi lên". Mong/ tin là ông đã luân hồi trở lại kiếp người để mà lại thương say cái thế giới lạ lùng này...

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Bạn của đường khuya...


Cậu biết không A.N.,

Hôm trước kể với một người anh về một lời... tỏ tình, tớ ngạc nhiên sau chừng ấy năm - 17 năm có lẽ - tớ vẫn nhớ rành rọt từng từ của cậu: Cậu - có - cho - phép - tớ - yêu - cậu - không?

Và rồi, cũng lâu lắm rồi, hôm đó tớ nhớ về cậu, cậu của đôi mắt sâu, sống mũi cao và mái tóc xoăn bồng bềnh. Cậu của những đêm 1,2 g khuya vẫn đứng chờ tớ ngoài cổng toà soạn, chạy xe đạp song song hơn 10km với tớ, đưa tớ về tới cổng nhà mới quay đầu xe...

Ký ức đẹp quá, mà thời gian khiến mọi thứ bị ngàn lớp sương mờ che phủ, tớ không còn nhớ rõ những gì chúng ta đã trò chuyện các đêm đường thênh thang vắng ấy... Chắc là những tin bài tớ đã phải xử lý cho báo điện tử? Nhà của cậu ở đâu giữa lòng thành phố, tớ có biết không? Tớ có "cấm" cậu đừng tới nữa? Ba mẹ có la cậu bỏ nhà đi giữa khuya? Buồn thật, tớ không trả lời được. Chữ của cậu, còn lại trong tớ là cái câu khiến tớ bất ngờ đó, kể ra thì trí nhớ quá tệ hay tớ quả vô tình...:(

Những lúc dắt xe ra gặp cậu đứng đợi, tớ đã nghĩ đó là tấm lòng hào hiệp của người bạn nhỏ tuổi lo lắng cho tớ thân gái một mình khuya khoắt, tớ đã không biết đó là tình cảm gì nếu cậu không nói ra, dù mắt cậu rất ướt... Mà đoạn tuổi hoa niên ấy, chúng mình đều còn trẻ lắm, cũng có thể cậu lầm đấy thôi...

Giờ thì, tớ biết, mãi mãi, sẽ không có ai đưa tớ về như cách của cậu, không ai tỏ lòng như cách của cậu...Và cái trí nhớ bội bạc làm tớ nhận ra, có bất cần thế nào thì ta cũng ngã lòng trước chữ... yêu.

Cậu vẫn kiên trì con đường tu hành đó chứ? Cậu có hạnh phúc không? Mấy lời muộn ghi xuống này, để phòng trí nhớ có hao mòn thì tớ vẫn còn nhớ về cậu. Tạ ơn người đã giúp tớ an lòng những đường khuya. Tạ ơn Sài - Gòn - đêm có cậu. Nguyện cho cậu một đời sống thật an nhiên, A.N. nhé!...

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Nhường nhau từng chút vui...





Mình hay cafe với Aung Min ở đây, mỗi khi anh về Việt Nam.

Có bao nhiều "người trai" ta có thể ngồi cùng trong sự thân thiết ấm áp vô ngại? Không nhiều, và Min trong số ấy.

Tách khỏi đám đông, không chơi Facebook, luôn tìm kiếm sự vắng lặng mà anh muốn mình thuộc về, Min có nhiều chốn trọ đặc biệt, những chuyến đi luôn - luôn - một - mình. Anh thường kể mình nghe các câu chuyện về những tình yêu li ti đến lớn lao anh tìm thấy ở đời sống xê dịch. 

Nhưng trên tất cả, mình nhìn thấy ở Min niềm "hạnh phúc tự thân" ở người - biết - sống - một - mình. Những câu chuyện với anh vì thế luôn nhẹ nhàng an vui, như chuyện về một cái dây leo chọn đường đi thật đẹp, chuyện cánh bèo mới nở, chuyện về một vòm cây, một cơn mưa chưa tới...Và những "kỳ quan" - những người tốt anh gặp trên đường, chưa bao giờ vắng mặt...

"Bên trời nắng lên nghe bao cuộc đời vui mà lòng rất mới" (*). Đời sống nhiều lúc, tưởng chỉ có thiên nhiên hòa điệu ân tình, và còn người an hòa nhường nhau từng chút vui...

Và hạnh phúc của Min với mình trong những cuộc - ngồi là ngắm những mướt xanh này, ngắm bức tượng này, lặng im nghe niềm an nhiên chảy từ mắt ông Phật hiền vào tim nhỏ thênh thang...

13.7.2018


P.S: "Đây" mình nhắc trong bài là quán cafe The Fig - một trong những quán cafe mình yêu thích nhất ở Sài Gòn, nhưng quán đã dời đi sau khi mình chụp bức ảnh này không lâu. Cảnh cũ không còn, đường xưa thôi ghé, mình thi thoảng nhớ ông Bụt này, mong ngày gặp lại...

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Nghệ thuật và tín ngưỡng…


Đọc Đôi bạn chân tình (Herman Hess, Vũ Đình Lưu dịch, NXB Hội nhà văn)

Những trải nghiệm ngọt ngào hay chua chát về cuộc đời, sự yên tĩnh hay những xao xuyến, bất an không tránh khỏi của tâm hồn, tự do và bổn phận, những băn khoăn về ý nghĩa sự sống…. ; đời sống bên trong và bên ngoài con người với tất cả sự phong phú ấy khiến Đôi bạn chân tình của Herman Hess lôi cuốn độc giả.

Narziss và Goldmund - hai tâm hồn hiểu thấu chỗ thâm sâu của nhau, bổ túc cho nhau. Cả hai đều là những chàng trai đĩnh ngộ, phong nhã và nhiều phú tính. Goldmund lúc đầu quyết chí sống đời nhà tu như Narziss, thế nhưng thần học và tín ngưỡng đã không thu hút được y. Narziss mở đường cho Goldmund tìm một cảnh đời khác phù hợp hơn để “phát hiện và thực hiện chính mình”. Đường đời của Goldmund - mạch dẫn dắt chính của câu chuyện - mở ra từ cuộc hạnh ngộ đó với Narziss.

Thay vì tìm niềm vui trong việc “phụng sự tinh thần”, xem tự do là sự tĩnh tại của tâm hồn, Goldmund trở thành gã lang thang, sống một cảnh đời “ngoài khuôn khổ thông thường”. Những vấn đề của sự sống Narziss thực chứng bằng suy tư thì Goldmund khám phá bằng hành động. Tự do đối với y là cuộc đời to rộng cho y nếm đủ mùi vị của thế tục, ân hưởng ái tình của bất kỳ người phụ nữ nào y muốn, không bị ràng buộc bởi một nơi chốn nào, một giáo điều nào, một hình ảnh nào.

Đắm nhiễm vào ái dục, vật lộn với cái chết,…đi qua những khoái lạc và đớn đau tột đỉnh của kiếp người rồi, Goldmund lại bị dằn vặt luôn về ý nghĩa cuộc đời. Gương mặt cuộc sống có tất cả vẻ đẹp thì cũng có tất cả những gì là sợ hãi, thèm khát, tuyệt vọng… Sự ham muốn và sự bất toàn có phải là tội lỗi? Nhưng chính nhờ cuộc sống mà Golmund vừa lao mình vào vừa cố thoát khỏi vũng lầy của nó đã đánh thức được bản chất nghệ sĩ trong y.

Nghệ thuật đã cứu vãn cuộc đời quả cảm mà vô bổ của kiếp sống giang hồ. Đến với nghệ thuật, y tìm thấy chính mình, được trở về với mình; trái tim y nhẹ nhàng đi khi những hình ảnh tràn đầy trong ấy được thoát ra ngoài, thể hiện lên tác phẩm điêu khắc. Nghệ thuật của Goldmund là sự phản ảnh của linh hồn; ở đó, người nghệ sĩ chân thật “xuất lộ thế giới nội tâm” bằng tất cả những rung cảm chân thành, “không bợn chút tư lợi và khoe khoang nhơ bẩn”.

Trong những giây phút dâng mình cho nghệ thuật, Goldmund tìm ra ý nghĩa cuộc đời, thoát khỏi sự hỗn độn ảm đạm của thế giới cảm giác, sự diễn biến không ngừng của thú vui và thất vọng… Còn với tôn giáo, dù không tin vào sự trợ giúp của một đấng siêu hình nào, những giờ cầu nguyện theo lời khuyên của Narziss, lạ thay, lại khiến Goldmund “cảm thấy mình như được ngâm trong nước tươi mát, tẩy sạch hết kiêu ngạo và thất vọng”. Nghệ thuật và tín ngưỡng trở thành nơi trú ẩn, xoa dịu những khổ đau của cuộc đời…

Tác phẩm ngợi ca nghệ thuật mang tính triết học này gợi ra hai vấn đề lớn: hoan lạc và khổ đau. Goldmund sống, chết với những điều đó mới nhận thấy mối liên hệ sâu sắc của nó và “điều duy nhất có thật là đời sống tâm tư” của chính mình.

Sự giằng co giữa bản năng và lý trí là có thật, sự cám dỗ của dục lạc và ý thức vượt thoát khỏi nó là có thật. Ý niệm tìm sự giải thoát trong đời sống tâm linh, vì vậy, không bao giờ là vấn đề thiếu thực tế…Đối thoại giữa Narziss và Goldmund, những ước vọng, suy tư của họ cũng chính là những băn khoăn của Herman Hess, của những người luôn mong muốn phát triển tòan diện con người của mình.

Đến với nghệ thuật hay tôn giáo đều là những nhu yếu chính đáng. Tôn giáo và nghệ thuật ở đây như một trong những phương tiện giúp con người đi đến cùng bản ngã, nhìn sâu vào được bản thể của mình, tìm được sự bình yên của tâm hồn, tạo điều kiện cho sự thăng hoa của đời sống. Nhưng phương tiện không phải là cứu cánh, người ta chưa tỉnh thức cho đến khi nào tìm thấy được bản chất thật - tự tánh của mình. Con đường tiến gần đến sự hoàn thiện đòi hỏi sự đấu tranh thật sự trong mỗi người.

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Đánh thức thương yêu

(Đọc Một thiên nằm mộng của Nguyễn Ngọc Thuần, Giải A cuộc Vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng)

“Trong giấc mơ em nằm nghiêng – cùng đàn sẻ tóc nâu – và em nghiêng chút nữa – bầu trời đi lộn đầu”. Em - tác giả những câu thơ ngộ nghĩnh ấy - chính là cậu bé đáng yêu đã có cả Một thiên nằm mộng để tự sự với mọi người.

Em thật dễ thương và đáng yêu: em luôn biết nhìn, biết lắng nghe, biết hiểu, biết thương một cách thật thà nhất. Em luôn nhìn thấy những liên hệ mật thiết của mình với mọi thứ chung quanh. Em hồn nhiên nhìn nhận những cảm xúc chợt đến với mình, em nói mình muốn khóc quá và rồi em khóc thật, em bảo thắc cười quá và rồi em cười mãi, hi hi, ha ha.

Lúc nào em cũng sẵn sàng lắng nghe để hiểu. Em lắng nghe hơi thở của mẹ - hơi thở thật dịu dàng, em nhắm mắt chờ nghe bước chân của mẹ bước đến cạnh giường - bước chân thật nhẹ nhàng…

Lúc nào em cũng nhìn thật kỹ để thương. Em thương con gà, em thương con nhện, thương bà cả Sề mất con, thương anh em thằng Tí dính liền với nhau làm “một đôi giàu có” nhưng chỉ có ba cánh tay, đứa này bệnh, đứa kia cũng bệnh theo, không thể nằm nghiêng mà ngủ, mà mơ những giấc mơ như em. Em thấy mình hạnh phúc vì em có những giấc mơ, những giấc mơ thẳng tắp mặc dù em nằm nghiêng.

Cái nhìn trong sáng và thương yêu, chạm vào đâu em cũng gặp được điều kỳ diệu: những cánh hoa màu đỏ rung rinh trên những ngón tay, những cánh đồng bát ngát mở ra trước mắt em, bàn tay ấm của mẹ…Em cũng có những nỗi sợ như những đứa trẻ khác - đêm tối và bóng đen…nhưng em khác nhiều đứa trẻ khác vì em luôn bồi đắp cho em niềm tin, em có sự hiện diện của mẹ trong mình.

Với em, mẹ là bụt, mẹ là thiên thần, mẹ đã nói là phải đúng, mẹ luôn nói những điều làm dịu lòng em. Mẹ để cho em - chàng thi sĩ của mẹ - tự do bay bổng với thế giới quanh em. Mẹ không quét đuổi con nhện của em, mẹ nghe em để nó ở ỵên trong ngôi nhà của nó, để em nhìn nó giăng tơ, để em cứ thắc mắc không biết nó buồn hay vui, và con nhện đó đã có em bên cạnh cho đến khi nó chết, em đưa nó ra vườn và tin rằng nó được đầu thai thành con nhện mới, cũng như em tin những bông hoa đỏ mọc lên trên mộ con gà của em là hóa thân của con gà đó.

Chính trí tưởng tưởng bay bổng và trái tim bé nhỏ mà rộng mở ấy đã cho em cả một thiên nằm mộng - có biết bao điều để em quan tâm và yêu quý, cho nên có bao giấc mơ em cần có trong giấc ngủ. 

Có một đời sống khác êm đềm hơn, một đời sống vắng mặt nỗi buồn, để mở mắt ra em đã thấy trời xanh, có khu vườn đang đợi em bước vào, có con nhện chờ em đến thăm, có những người đang đợi em đến bên cạnh họ...

Em chỉ là một đứa bé thôi nhưng em sống một nếp sống đầy trách nhiệm, tuổi thơ em chỉ có chừng ấy chuyện nhưng khi kể lại đủ làm người ta nghe mê say. Em nhắc cho người lớn nhớ sự phong phú của đời sống ở ngay trong tâm hồn, hạnh phúc nằm ở khả năng thương yêu, niềm vui được tạo tác từ trái tim đơn giản và trong lành của mình, từ những ý niệm của ta về cuộc sống.

Có những người mở mắt ra đã thấy trời xanh nhưng không thấy đó đã là một hạnh phúc, có những người đi trên cánh đồng nhưng không nhìn ra sự có mặt diệu kỳ của nó, có những người không cảm nhận được hạnh phúc khi có cả hai tay để ôm mẹ…Em đã nói với họ điều này: Trước cái tâm tỉnh thức, chân tướng cuộc sống tự hiển bày, vừa đơn giản vừa diệu kỳ.

“Tôi chỉ muốn làm một việc nhỏ bé hơn, một cách đánh thức buổi chiều bí ẩn của bạn những điều giấu kín, và tôi gọi đó là những phép lạ….” Một buổi chiều đánh thức tất cả những thương yêu, sẽ thấy những phép lạ của “cậu bé” Thuần là có thật. Yêu thương là “món sỡ hữu” cần đầy ắp nhất. Yêu thương không bao giờ là cổ tích.

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Ngọn lửa nhỏ

Mùa khô này đi qua tôi với những quyến luyến khó bày tỏ bằng lời.

Lâu lắm rồi mới có ước muốn chân thành chia sẻ với một người chút thời gian của kiếp sống này, làm hoà với những cảm xúc không thể định danh, như yêu thương một vùng trời dịu dàng tịch mịch....Thảng hoặc gặp gỡ, dù không nói gì, nghe lòng đằm thắm ân tình, cảm ơn một sự có mặt khiến ngày ta sống vẫn còn bao rung động…

Giữa những ngày như thế, tôi nhớ đến An Ni Bảo Bối.

An Ni Bảo Bối là tác giả tôi yêu mến kể từ quyển sách đầu tiên cho tôi “gặp” cô: Đảo tường vy. Tôi cũng... yêu thích cả bài mình điểm cuốn sách này trên báo - bài viết tôi đặt tên Hương vị của du hành, và tình yêu... Nhìn thấy những bông hoa cô tịch u nhã hé nở nhẹ nhàng trong trái tim dịu mát của người viết, người đọc - tôi đã tìm cách lý giải vì sao cô đặt tên Đảo tường vy cho cuốn sách: Có lẽ, trong nỗi cô đơn tinh sạch, tâm hồn con người như một hoang đảo nở hoa - những bông hoa thuần khiết. Sóng đời xô dạt vào, nặng mà nhẹ như không.

Những câu chữ đó, mỗi lần đọc lại, cũng khiến tôi nhớ đến tôi của những ngày tháng đó - nỗi niềm mà tôi cưu mang, những thuần khiết mà tôi nuôi dưỡng, đôi khi đến mức cố chấp…

Đến gần đây, tôi mới “gặp” lại An Ni Bảo Bối qua Thanh tỉnh kỷ. Hiền lành, trầm tĩnh và chân thực – những phẩm chất cô đề cao cũng là những phẩm chất mà cô thật sự giàu có, trong cô, trong tác phẩm. Đọc cô, một lần nữa như nghe âm thanh của chính nội tâm mình vọng lại.

Thanh tỉnh kỷ có rất nhiều đoạn tác giả thủ thỉ về tình yêu:

“Chúng ta không hề yêu thương nhau. Thứ ta yêu là một cái tôi khác khúc xạ trên người đối phương. Phản quang mạnh mẽ mà không chân thực. Cứ ngỡ rằng mình rực rỡ lắm”.

“Phải qua rất lâu, mới hiểu rõ, yêu, tịnh không phải là công cụ để thỏa mãn nội tâm ích kỷ và kiêu ngạo của mình, cũng không phải là vũ khí để đối kháng bản chất hư vô. Nó chỉ là một kiểu phương thức tư duy. Nó là một kiểu tín ngưỡng”.

“Nó là sự tín nhiệm bằng lòng trong một khoảng thời gian nào đó, cùng một người trao đổi lẫn nhau quá khứ, ký ức và thời gian. Trao đổi phần quan trọng mà kín đáo trong sinh mệnh mỗi người. Lại không đòi hỏi đối với mỗi người".
 
“Tình yêu cổ điển có thể tồn tại trong im lặng mà không có bất cứ tiếng nói và yêu cầu nào. Ngọn lửa nho nhỏ âm thầm thắp cháy, chỉ dùng để sưởi ấm linh hồn bản thân, soi sáng mắt đối phương”.

An Ni Bảo Bối cũng có những chia sẻ khác, cho thấy một ngọn lửa khác cô trân trọng, kiên định hơn ánh lửa bập bùng kia: rằng một thị dân giữa chốn bụi hồng, "hằng ngày đối mặt với vô số dục vọng cùng khốn", "nếu có thể giữ vững lòng kiên trì tự mình tu hành" thì "đóa lan đơn sơ thơm ngát" dù "không ở nơi khe núi sâu thẳm tĩnh mịch, cũng có thể tự mình giữ lại một vùng trời đất thanh tịnh". Và cô nhắn nhủ: “Cô gái luôn độc thân cần sức mạnh nội tâm to lớn biết bao”...

Nhưng những ngày ...yếu đuối này, chỉ muốn nói với người - bạn - An Ni về ngọn lửa…lúc bùng lên lúc gần như tan biến. Của tình yêu. À ừ, tớ đang chiêm ngắm một ngọn lửa nhỏ, vừa muốn âm thầm thổi bùng, vừa chờ đợi nó tan biến.  Lặng lẽ thương yêu cho đến khi nó tan biến chắc cũng là một thiện ý ta có thể trao cho nhau, phải không?

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Biệt ca




Mỗi nắng xuống là một lần chia biệt
Mỗi mai lên lại một cuộc bắt đầu
Đời luân chuyển, ta làm gì khác được
Chẳng thể nào dừng mãi để chờ nhau.

Núi xưa đã bạc đầu năm tháng đợi
Lòng sông kia cũng héo cạn mong chờ
Người ngỡ sẽ có đường trong tử địa
Bỗng một ngày gục chết dưới dòng mưa.

Vòng tay bé thôi xiết ghì hy vọng
Quả tim run không đựng nổi bão bùng
Thôi buông hết nghe gió luồn tay rỗng
Một bước lùi,
Là trời biển bao dung.

Người sẽ lại trở về năm tháng cũ
Sống yên vui, trang đời mới không ngờ
Bước quả cảm như chưa từng vỡ vụn
Mắt dịu dàng khi nhớ chuyện hôm xưa.

Mỗi nắng xuống là một lần chia biệt
Mỗi mai lên lại một cuộc bắt đầu
Người sẽ bước một mình qua bóng tối
Dưới trời này,
Sao sáng cũng vì nhau.

Nguyễn Thiên Ngân

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu

Một nén hương nhỏ "thắp tạ" Người thơ, ghi từ cuộc trò chuyện Tô Thùy Yên - Để mà thương nhớ thơ:

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: Nhà thơ Tô Thùy Yên là bậc thầy của tiếng Việt

Lúc bài thơ Ta về vừa được đọc dứt, mắt mình rơm rớm, quay qua ba cô bạn ngồi cạnh thì cả ba mắt hoe đỏ, cô bên phải rớm lệ, cô bên trái gỡ kính lau hàng nước mắt đã lăn dài...

Mình sẽ con nhớ lâu buổi cafe thơ này vì hình ảnh đó.

"Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu/ Ta nghe như máu ân tình chảy/ Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau...".

Các “cô ấy” đã đọc Ta về nhiều lần, rơi nước mắt không chỉ vì nỗi đẹp trong thơ mà cả vì nỗi vui thơ được đọc, giữa những ngày tháng tư, trong một buổi trò chuyện tưởng là khó tổ chức...

Ghi chép của mình trên Tuổi Trẻ Online là bài viết đầu tiên trên Tuổi Trẻ "về Tô Thùy Yên" sau ngày thống nhất đất nước, với mình, nó sẽ là một dấu mốc của ...hòa giải về văn hóa, để rộng đường hơn cho những bài viết về sau về Tô Thùy Yên.

Mong những di sản văn hóa giá trị được phổ biến để nhiều người cùng tiếp cận, nếu không thì "sự phân ly về văn hóa" vẫn chỉ tiếp tục làm thiệt thòi cho chính chúng ta. Đóng góp chút sức mọn vào câu chuyện này, quả thật là một "nỗi mừng".

Mong lắm một ngày tập thơ của nhà thơ Ta về “về” in ở xứ sở mình. Sẽ mừng mừng tủi tủi biết bao, để cùng “thắp tạ”...một Việt Nam (trong niềm hi vọng) hòa hợp. Những cành nhánh dù có đứt lìa, ly tán thì cũng đã được sinh ra từ một cội rễ chung. Sao không cảm thông được với nhau, một khi nhìn ra đâu cũng là gương mặt anh em...?

------

P.S: Những câu trong bài Đãng tử của Tô Thùy Yên mà mình rất thích:

...Bạn có nghe, này bạn có nghe
Vũ trụ miên man chuyển động đều.
Chim đã bay quanh từ vạn cổ,
Gió thật xưa, mây thật già nua.
Nên với một đời, bao biến đổi
Mà trong vô hạn có chi đâu.
...
Thoáng nhớ có lần ta đọc trộm
Lược sử ta trong bí lục nào,
Văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn,
Thiên thu loé tắt vệt phù du…
Thuận tay, ta ngắt một cành sậy
Làm cây sáo thổi cạn hồn sầu
Bay tản khắp vô cùng trống trải,
Âm thừa tưởng lạc đến muôn sau…

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Nhà văn Lưu Vĩ Lân: Viết là để hòa giải



Một kỷ niệm đẹp với tiền bối Lưu vĩ Lân. Và là bài phỏng vấn... đượm đà nhất (không chỉ về dung lượng) mình thực hiện từ thuở vào nghề báo tới nay. Cảm ơn anh đã truyền cảm hứng. 

Bài in trên Tuổi Trẻ cuối tuần số 13-2021:

NHÀ VĂN LƯU VĨ LÂN: VIẾT LÀ ĐỂ HOÀ GIẢI

Có thể không ngần ngại gọi nhà báo Lưu Vĩ Lân là một nhà văn đúng nghĩa, bởi tài năng và những ấn tượng anh mang đến trong hơn ba năm qua với ba cuốn tiểu thuyết: Mật đạo (2018), Ngẫu tượng (2019) và Nghiệp chướng (2021).

Mỗi cuốn sách có một vị thế riêng khó lẫn, bởi tác giả khai phá một chủ đề độc đáo mà dường như chưa cây bút nào đào sâu trước đó: công cuộc làm ăn của các nhà tư sản dân tộc trước biến thiên của lịch sử.

TÔI BỊ CUỘC CHIẾN NÀY ÁM ẢNH

* Điều gì thôi thúc một nhà báo kỳ cựu như anh khởi sự viết tiểu thuyết ở tuổi ngũ tuần? Vì những thao thức về lịch sử, định mệnh của đất nước mà anh chưa nói được hết qua các tác phẩm báo chí, hay là niềm yêu thích làm một cuộc khám phá dài hơi hơn với chữ nghĩa qua văn chương?


- Tôi đọc được đâu đó một câu nói, rằng: “Báo chí thì đi từ sự kiện thật tiến đến... chỉ hai phần ba sự thật. Còn văn chương thì từ “điều giả”, tưởng tượng, nhưng lại tiến gần đến sự thật hơn”.

Làm báo, trong nhiều trường hợp, tuy phản ánh một sự kiện có thật nhưng tùy góc nhìn, những tránh né, những húy kỵ, những ràng buộc... khiến ta phải vừa viết, vừa lách... nên sự thật đó nhiều lúc bị méo mó, không còn... thật nữa. Văn chương với hai chữ “hư cấu” lại giúp ta... “mon men” gần hơn đến sự thật.

Tuy nhiên, tôi viết là vì thấy hạnh phúc. Bạn bè nói sao ông chịu cực quá vậy, vừa làm việc kiếm cơm, rảnh là nhào vào viết, tôi đáp: “Tôi tiến đến bàn viết với cái rạo rực của một cuộc... hẹn hò chứ nào phải đến trình diện ông giám thị để bị cấm túc đâu mà bảo cực”.

Đối với tôi, viết tiểu thuyết không chỉ là chữ nghĩa, là văn chương. Viết một cuốn tiểu thuyết là tạo ra một “máy mô phỏng” (simulator), trong đó tôi tạo ra mô phỏng của một thời đại lịch sử, rồi thả nhân vật của mình vào để xem họ sống, yêu, ghét, đau khổ, suy tư, vật vã... thế nào.

Tôi cảm ơn vì đã làm báo để bây giờ có thể viết văn, vì đây không chỉ là cuộc chơi về chữ nghĩa, cảm xúc, một cuốn truyện là một nghiên cứu, một luận văn, nó cần được nghiên cứu và tập tính làm báo rất hữu ích ở đây.

* Ba quyển sách như “tiếng lòng” của tác giả với một khúc quanh lịch sử khốc liệt của dân tộc, từ năm 1943 đến sau 1975. Dù hóa thân vào nhân vật của phía nào trong những thời đoạn hỗn loạn ấy, anh luôn chọn cho mình góc nhìn bình tâm nhất có thể, như đối thoại của một sĩ quan tình báo cách mạng với một chuẩn tướng của quân đội Việt Nam cộng hòa: “Hãy tha thứ cho lịch sử, cho tha nhân và cho chính mình. Chúng ta phải tìm cách làm hòa với nhau” (Ngẫu tượng). Anh có nghĩ bộ ba tác phẩm này sẽ ít nhiều đóng góp cho công cuộc hòa giải - ít ra trong lòng những người đọc vẫn còn định kiến về bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc?

- Viết là để hòa giải. Tôi không có cách nghĩ nào khác điều đó khi cầm bút. Viết để tiếp tục gây đau lòng nhau, gây lở lói thêm những vết thương vừa khép miệng thì thật đáng tiếc. Dĩ nhiên để hòa giải cần phải nêu đúng các sự kiện từng diễn ra trong lịch sử nhưng với một cái nhìn bình tâm hơn. Ta đã có một độ lùi dài đến 40 năm rồi, ta cứ để cho cảm xúc tiếp tục ngậm ngùi nhưng phải hòa trộn trong đó là sự cảm thông và niềm hi vọng...

Tôi lớn lên ở “vùng 1 hỏa tuyến”, tức các tỉnh địa đầu của cuộc chiến phân ly cũ (Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng...), chứng kiến và trải nghiệm các cuộc đụng đầu lớn nhất trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước: năm 1968, 1972, 1975. Ngày 29-3-1975, tôi là một người di tản trẻ có mặt trên một chiến hạm của hải quân Việt Nam cộng hòa trên vịnh Đà Nẵng, chứng kiến cảnh hạm đội ấy chào vĩnh biệt thành phố để rút đi khi cờ của Mặt trận giải phóng kéo lên.

Rồi ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn, tôi chứng kiến thời điểm kết thúc cuộc chiến... Suốt 30 năm sau sự kiện này, tôi đã sưu tầm, đọc, nghiên cứu về cuộc chiến tranh ấy. 15 năm sau ngày thống nhất, khi đất nước bắt đầu mở cửa, năm 1990 tôi đã lần về Khe Sanh, Đông Hà (Quảng Trị), Khu căn cứ Trung ương Cục, gọi là R ở Tây Ninh và viết một quyển sách hướng dẫn du lịch tên là Trở về chiến trường xưa (1994). Tôi bị cuộc chiến này ám ảnh và tôi đã “nhào” vào đó để tự “phân tâm” mình.

Bây giờ tôi đã thoát ra khỏi “vũng lầy của những ám ảnh” đó, tôi đã hiểu lý do và hoàn cảnh nào tạo ra đoạn trường lịch sử đó và muốn chuyển tải cảm xúc ấy trong ba tiểu thuyết này.

YÊU HỒN PHÁCH VIỆT

* Cảm xúc lớn nhất anh muốn chuyển tải có lẽ là niềm cảm khái những đoạn trường lịch sử và niềm cảm phục sức mạnh của dân tộc qua các cuộc chiến trường kỳ. Lòng cảm phục ấy và tình yêu với non nước Việt lúc ẩn tàng, khi hiển lộ dưới ngòi bút của anh. Điều gì đã nuôi dưỡng tình yêu ấy sâu đậm thế?

- Không dám trách thế hệ trẻ, nhưng tôi đã thật sự ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ có lúc quá “rộng lượng” với nền văn minh bên ngoài, chưa thấy hết cái lịch lãm, sâu sắc của văn minh xứ sở mình. Nền văn minh này không chỉ cổ kính, cao thượng mà còn hàm chứa tính đương đại trong từng giai đoạn lịch sử.

Tôi từng ngạc nhiên: 500 năm trước, nền văn minh chính trị Việt đã tạo ra một thể chế lưỡng đầu: vừa có vua, vừa có chúa, và có lẽ là một mô hình chính trị đương đại duy nhất vào thời kỳ đó, mô hình đó giúp Đàng Ngoài trụ vững đến hai thế kỷ.

Tôi cũng giật mình khi cụ Trạng Trình nhắn nhủ với hai vị tạo lập hai dòng họ trên bằng những câu sấm “tùy thời, tùy cảnh” mà khống chế lịch sử: “Hoàng Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” tặng cho Nguyễn Hoàng và “Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản” tặng cho chúa Trịnh để ông duy trì thế lưỡng đầu của vương quốc mình. Tất cả đều quá uyên bác...

Tôi lớn lên ở đất Thần Kinh và cảm thụ một kinh đô kỳ lạ, một thành trì thâm trầm cổ kính ẩn dật dưới những cánh rừng vươn ra từ một nhánh của dãy Trường Sơn, e ấp bên dòng Hương Giang kiều diễm. Đó là một “hòn non bộ” kỳ vĩ được những “nhà quy hoạch đô thị” thấm đẫm chất ý nhị của dân tộc này chế tác, phong vị của nó khác biệt và độc nhất vô nhị.

Rồi khi nhớ đến cái phong vị sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao/ Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”, tôi thấy những người bảo vệ thiên nhiên ngày nay chưa thấu cách sống thuận thảo với trời đất như vậy.

Khi đến các resort hiện đại “nhái” cảnh trí đồng quê, mượn ý của thiên nhiên để tạo ra những kiểu sống phong nhiêu, tôi tiếc cho các kiến trúc sư đó vì đã không biết cách sống của cụ Nguyễn để đưa văn minh Việt vào kiểu cách sống mới...

Ở thời hiện đại, tôi vẫn tâm đắc về cách chúc tết bằng các câu thơ của Cụ Hồ vào thời điểm giao thừa, hay truyền thống tết trồng cây mà Cụ đề ra. Phải yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, yêu hồn phách Việt và thấm đẫm cái tinh túy của dân tộc mới có những cách nghinh xuân như vậy. Bao nhiêu là bậc thức giả với suy tư và cảm thụ tuyệt đẹp, vừa hồn hậu, vừa hào sảng, vừa đương đại đã tạo dựng lên tinh thần Việt trong suốt dòng lịch sử. Tại sao chúng ta không suy gẫm và thừa hưởng?

* Những bài báo anh từng viết, cùng tiểu thuyết Ngẫu tượng và Nghiệp chướng cho thấy anh rất hiểu và yêu Đà Nẵng cũng như Sài Gòn. Từ góc nhìn của một người gắn bó với TP.HCM hơn 40 năm qua, anh thấy thành phố này đã thừa hưởng và giữ được hồn Việt ấy tới đâu?


- Bốn thành phố mà tôi sống và gắn bó là Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và Đà Lạt. “Chân dung” của đất nước được hình thành trong tôi qua “chân dung” của bốn thành phố đó. Tôi là người thành phố từ nhiều đời, nên không chỉ cả một đô thị, mà từng góc phố đã là “chốn thôn ổ” của người thị dân, nên mất mát dù chỉ một cành cây, một cột đèn cũng đều không nhỏ.

Tôi thích suy gẫm của Văn Cao trong bài thơ Giấc mơ: “Dưới mái nhà, một người đang ngủ với giấc mơ của những vì sao”. Chúng ta nghĩ lớn nhưng sống nhỏ, ta mơ mộng tầm vũ trụ nhưng thích loanh quanh trong những kỷ niệm gắn bó quanh mình. Khi về Huế tôi vẫn chỉ thích ở quanh khu An Lăng, An Cựu - nơi có ngôi trường mà tôi theo học từ bé, tôi yêu câu nói của cụ Phạm Quỳnh trong tác phẩm Mười ngày ở Huế ông viết hồi đầu thế kỷ, đại ý: thành quách này phải rêu phong như thế, từng cọng cỏ hoang mọc trong một góc tường thành cũ cũng nên được lưu giữ vì đó mới chính là hồn phách, phong vị của đất Thần Kinh.

Ở Sài Gòn, tôi vẫn thích nhất đường Lê Quang Định “cổ”. Con đường thuần chất Nam Bộ chạy xuyên tỉnh Gia Định xưa (nay là từ Bình Thạnh xuyên Gò Vấp), cong cong tự nhiên, phát triển từ một lộ đất cũ chứ không quy hoạch thẳng thớm, dọc theo đó bao nhiêu là cổ thự, chợ xưa, đình làng. Ngày bé, tôi còn được thấy cả những chiếc xe thổ mộ chạy cóc cách chở hàng lên chợ Bà Chiểu... Gia Định mới chính là chất Việt, vì thời Pháp thuộc, nội ô Sài Gòn là khu Tây hoặc Tây hóa, các dòng họ, gia đình Việt thuần chất, khá giả hay cư dân thường thì sống nhiều ở Gia Định, có thể hiểu là bắt đầu từ cầu Bông qua lăng Ông Bà Chiểu bây giờ, đệm giữa khu Tây và Việt đó là khu Đa Kao, chạy dọc đường Đinh Tiên Hoàng, người Tây cho nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống ở đây như một vùng đệm.

Dù sao Sài Gòn cũng là một “thành phố ngã ba đường” (tên của một nghiên cứu của UNESCO từ lâu về các thành phố là điểm giao lưu và chuyển hóa rất dữ), cộng với sức ép của phát triển, ta không thể cản được nó tiến về phía trước. Chúng ta đành chấp nhận trong lo âu và hi vọng...


TÂM THỨC NÚI, TÂM THỨC RỪNG TẠO NÊN TÂM HỒN THẾ HỆ CHÚNG TÔI

* Mật đạo gây ấn tượng với những trang viết hay và kỹ lưỡng về vùng đất Quảng Trị - “nơi chốn bất thường của lịch sử”, về đại ngàn hùng vĩ, sự tao ngộ kỳ diệu giữa con người và thiên nhiên, những rung cảm tinh tế với đất trời. Chắc anh đã thật sự “sống” với một cánh rừng mới có thể viết như vậy?

- Tôi mở mắt chào đời giữa cảnh sơn thủy kỳ vĩ của miền Trung, thị xã Đà Nẵng cổ kính, buổi chiều ngồi bên sông Hàn nhìn đỉnh Sơn Trà nghe câu ca dao: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”. Các ngọn núi Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (Non Nước), rồi Hải Vân sơn xa xa ngự trị trong tâm thức người miền Trung, đó là tâm thức núi. Núi, rừng bao bọc quanh họ. Cách Đà Nẵng chưa tới 30 cây số về phía tây có vùng Thượng Đức, một cửa ngõ từ đồng bằng đi vào núi mẹ Trường Sơn, với rừng, đồi, núi bao phủ hùng vĩ... Đây cũng là chiến địa cho một thư hùng khốc liệt để mở lối xuống đồng bằng của “đoàn quân trên non cao”.

Cuộc đấu tranh thống nhất bắt đầu từ rừng núi, từ thuở đó các địa danh kỳ bí của rừng theo hơi thở của chiến tranh đã văng vẳng vọng vào lòng các thiếu niên đô thị chúng tôi: Khâm Đức, Thượng Đức, Khe Sanh, Đường 9, trận đánh Ashau, A Lưới, đồi Thịt băm, sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, đường mòn Hồ Chí Minh... Tâm thức núi, tâm thức rừng hòa lẫn với tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố” đã tạo ra tâm hồn thế hệ chúng tôi. Tôi viết về rừng là vì vậy.

* Mật đạo có nhiều suy tư triết học, suy tưởng về ý nghĩa cuộc đời. Dường như cảm thức về sự hư vô của kiếp người, về “bản chất ảo ảnh của cuộc đời” đã đeo đuổi anh, từ những bài suy niệm trong tập sách Bức tĩnh vật của sương khói (2011) cho đến tiểu thuyết đầu tay này?

- Mật đạo là tiểu thuyết không dễ đọc, tôi biết như thế. Sau Mật đạo, hai quyển Ngẫu tượng và Nghiệp chướng tôi viết khác đi, nhưng vẫn ao ước sẽ quay lại thực hiện một tác phẩm theo phong cách này.

Viết Mật đạo trong hơn bốn năm, tôi thấy mình như Từ Thức lạc thiên thai, cứ mỗi lần trầm mình vào tác phẩm tôi thoát xác và sống ở một kiếp khác, một đời khác. Cuốn sách chắc không dành cho đa số, nhưng cho riêng tôi (và có lẽ một vài người đồng cảm khác) thì đó là một ân sủng.

Như ông Lam - nhân vật chính - tìm đến sống bên lề của vô tận, nơi bìa rừng, giáp tuyến giữa đời thực và đại ngàn hoang liêu, tôi hiểu, chỉ khi sống cận biên như thế ta mới nhận ra: chỉ một bước nhỏ nữa thôi là ta có thể tan biến vào vô tận.

Nói như thầy Nhất Hạnh trong tác phẩm Nẻo về của ý, trong một khoảnh khắc thần khí, thầy đứng ở Phương Bối giữa cánh rừng hoang sơ khi trời vừa dứt cơn mưa, cố nhìn xuyên qua lớp sương mù đang chuyển hóa và thốt lên rằng: “Chỉ một chút nữa thôi tôi đã có thể thấy được điều tôi tìm kiếm suốt đời”. Tôi cũng vậy, khi trầm mình vào Mật đạo, chỉ một chút nữa thôi tôi đã có thể tiệm cận với hư vô.



Box 1:

Trân trọng những gã doanh nhân phiêu lãng

* Ở Nghiệp chướng, tiếp nối từ câu chuyện về các nhà tư sản dân tộc ở Mật đạo, anh theo đuổi một đề tài mới lạ: cuộc cải tạo công thương khi đất nước thống nhất dưới góc nhìn của người miền Nam, rộng hơn là câu chuyện kinh doanh theo thời cuộc. Có vẻ đề tài về những người làm kinh doanh sẽ còn là một “vỉa quặng” lớn của anh?

- Gia đình tôi là dân kinh doanh, từ giữa thập niên 1960 đã xây dựng một chuỗi nhà hàng mang tên Nhà hàng Việt Nam mà chúng tôi chỉ kịp phát triển ở hai điểm là Đà Nẵng và Sài Gòn (Nha Trang là điểm dự kiến thứ ba nhưng không kịp). Lúc đó, các bậc tiền bối của tôi đã có định hướng nâng món ăn Việt Nam lên hàng cao cấp (60 năm trước chỉ có món Tàu, Tây mới đạt đẳng cấp nhà hàng, món Việt chỉ là thức ăn bình dân nằm ở các hàng quán). Và không chỉ thức ăn Việt mà phong cách Việt cũng được đưa vào trong thiết kế với các bụi tre trồng trước cửa, ốp tre bên trong, các đèn trang trí bằng ống tre... Ở Đà Nẵng nó còn có tên là Bamboo Restaurant (Nhà hàng Tre) nằm nổi trên sông Hàn. Còn ở Sài Gòn, Nhà hàng Việt Nam tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi sang trọng vào lúc đó. Ba tôi làm trong ban quản lý của Hãng tàu Container Sealand...

Vì vậy tôi yêu kinh doanh và khi làm báo, tôi viết về kinh doanh (khác với kinh tế). Giờ khi cầm bút cho nghiệp văn chương, tôi thấy mình rất thuận để hiểu về cuộc sống, cách nghĩ, những lo âu, những hãnh diện của các doanh nhân. Tôi trân trọng những “gã phiêu lãng” này, tôi biết họ hầu hết đều rất lãng mạn vì bản chất kinh doanh là một cuộc phiêu lưu lớn có thể đánh đổi cả một sản nghiệp, một gia đình, nhiều cuộc đời trong cuộc chơi đầy thành bại này... Tôi sẽ tiếp tục viết về họ.

Box 2:

Một góc nhìn đáng soi chiếu về lịch sử Việt đương đại


Nhà báo Lưu Vĩ Lân là người góp phần sáng lập, cải tiến và làm thư ký tòa soạn những tờ báo có dấu ấn riêng của làng báo Sài Gòn như Nhà Đẹp, Kiến Trúc và Đời Sống, Ý Tưởng và Sản Phẩm, VietNamNet... Anh cũng là cây bút quen thuộc của Tuổi Trẻ Cuối Tuần với những bài báo có những liên hệ Đông - Tây sâu sắc, am hiểu thời cuộc trong - ngoài nước, những chia sẻ trầm tĩnh, hướng đến xây dựng một tâm thức xã hội ôn hòa vì một đất nước phát triển.

Ba cuốn tiểu thuyết (NXB Hội Nhà Văn) của Lưu Vĩ Lân - mỗi quyển vừa có thể đứng độc lập vừa có thể hòa vào mạch chủ đề chung - góp một góc nhìn riêng về ba giai đoạn của lịch sử Việt đương đại.

Theo dõi câu chuyện làm ăn của nhóm Gia đình từ năm 1943 đến 1968 trong Mật đạo, người đọc được nhìn cuộc chiến Việt Nam từ cả hai phía, cảm khái với tâm tình người Việt giữa tình cảnh đất nước bị chia đôi; bất ngờ với những doanh nhân lịch lãm và độc lập từ thuở nước non còn oằn mình dưới bom đạn; bị hấp dẫn bởi sự “dấn thân vào hoang liêu” của nhân vật chính.

Đọc Ngẫu tượng, độc giả lại được mục kiến những ngày tháng 3 và tháng 4-1975 ở Huế và Đà Nẵng, tiếp cận một góc nhìn sắc bén về cuộc “triệt thoái” của quân đội Việt Nam cộng hòa, về bản chất của cuộc chiến; ngậm ngùi cùng những suy tư đầy phản tỉnh của một vị tướng kiêu hùng đang phải đối diện với những ngày trở thành bại tướng...

Với Nghiệp chướng, công cuộc làm ăn ở Sài Gòn sau ngày 30-4-1975 với nhiều khó khăn lẫn thời cơ cần nắm bắt ở buổi giao thời hiện lên đầy cảm xúc qua đôi mắt bao dung của một doanh nhân bị “làm khó” bởi cuộc cải tạo công thương nghiệp... Góc nhìn nhiều cảm thông ấy có thể còn gây tranh cãi, nhưng câu chuyện mà tác giả chọn kể, như hai cuốn trước, vẫn thật độc đáo, để rồi đọng lại với người đọc vẫn là “cái tâm của dân tộc này là hiền lành”...

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Hoa cúc xanh hay Gió đọng trong vườn



Dịp sinh nhật "anh" (17-4) năm nay, Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Hội An...lại vang vang thơ "anh" trong những không gian ấm những đôi môi ấm...Hôm qua mới có chút thời gian đọc những cảm nhận của mọi người về Se sẽ chứ..., nhớ "anh", lưu lại ở đây bài đã viết vào tháng tư 4 năm trước:

Tối nay kịch anh viết diễn ở Sài Gòn, giữa "mùa của nắng, của quả chín, của trời biếc và của những mối tình đầu" (*). Khán phòng chính lẫn tầng lầu của Nhà hát Quân Đội không còn 1 chỗ trống, khán giả đến sau phải ngồi bệt ở các bậc thang và đứng ken dày phía sau hàng ghế cuối. Đông như mọi khi kịch anh viết diễn cho khán giả thủ đô. Anh ở "nơi nào đó" có xúc động không, Vũ ơi?

Là vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" anh ạ. Rất nhiều thoại khiến khán giả vỗ tay vang rạp. Và có lời thoại làm khán phòng lặng phắc.

Lúc Hoàng "của anh" gọi to "Vân ơi!", "Liên ơi!", hình như khán giả cũng đang gọi vang như vậy trong lòng. Gọi một sự trở về với những thiện lành nguyên sơ của tuổi thơ chưa bị vẩn đục bởi áo cơm nhỏ nhặt đời thường, bởi lợi danh chìm nổi. Xem kịch anh, lại thương anh quá, Lưu Quang Vũ ơi! Anh tin không, một lần nữa, anh khiến cho khán giả - dù 3 phần tốt 7 phần xấu hay 7 phần tốt 3 phần xấu - đều thảng thốt "đi tìm", nhận chân lại phần tốt đẹp của mình, giữ chặt lại chúng, như giữ Chân Hạnh Phúc.

Bởi như anh nói đó - vừa như tuyên ngôn vừa như đối thoại với chút hoài nghi của chính mình - giữa thời đại từng biếc xanh lý tưởng mà nhiều biến động, nhiều xoay trở của lòng người:

Những điều tốt đẹp dứt khoát phải hiện hữu, chỉ là ta muốn giữ lại hay không. (**)

Có niềm tin nào tươi trong hơn thế? Có thao thức nào đẹp như gió đọng trong vườn thế không?

Cảm ơn anh, vì tất cả những gì anh đã gửi vào ngôn ngữ, để thi thoảng, 1 lời thoại, 1 câu thơ thôi, mà nâng dậy tình yêu đời sống.

Xem kịch anh về, bỗng thèm đọc thơ anh.

Vườn em là nơi đọng gió trời xa/ Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng...

Muốn hỏi những khu vườn của anh, có người đàn ông nào trung thực, tài hoa và nhiều say đắm như thế nữa không?...

Tôi biết, có những bạn bè thi thoảng lại mở tập thơ của anh ra, để nhớ thương những bông cúc xanh, để quên đi những vũng lầy, để thấy ngày đẹp lên, mùa đi qua rung động, "ấm áp và nhân hậu", như mùa hè tuổi trẻ của anh...

Khuya rồi, mà 1 vở kịch cho một ngày - hè - đẹp đã đủ rồi anh nhỉ? Hẹn ngày mai tôi sẽ đọc thơ anh để tiễn một ngày dài. Nhớ anh, còn đọc thơ cả đời...

-------------

(*) Lưu Quang Vũ nhắc về mùa hè trong nhật ký tuổi 15.
(**): Câu thoại cuối kết lại vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy, ghi theo trí nhớ.
Ảnh: từ Di cảo Lưu Quang Vũ (NXB Trẻ)

P.S: Những câu thơ đọc cho tháng tư năm nay:...Em là rễ nối liền anh với đất/ Lại là chồi mở búp đón sương mai/ [...]/ Em đã là tất cả:/ Sao của hoàng hôn/ Mầm thơm của mạ/ Niềm tin cần cho những năm gian khổ/ Và tình yêu nuôi nấng những con người. (Em (I))

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Ghi ở Xuyên Mộc




Mình rất thích bức ảnh này vì có cả ba tâm hồn phương Đông huyền nhiệm, ba tên tuổi gắn liền với nền thi ca Phật giáo cùng có mặt trong bức ảnh: “Chữ” của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Thư pháp của nhà thơ Nhất Hạnh. Và người đang thưởng lãm chính là nhà thơ Trụ Vũ.

Bức ảnh mình chụp ở triển lãm thư pháp Hương thơm quê mẹ của Thầy Nhất Hạnh hôm triển lãm diễn ra ở nhà sách Hải An, Sài Gòn (triển lãm đang tiếp tục diễn ra tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội).

Đêm nay có cơ duyên dự đêm thơ nhạc Những bước trầm hương mừng thọ nhà thơ Trụ Vũ do anh em văn nghệ sĩ Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức - một đêm thật “đôn hậu” (chữ bác Trụ Vũ nói với mình) và ấm áp tình văn nghệ sĩ khiến mình không khỏi cảm động, bỗng dưng muốn chia sẻ bức ảnh :).

Ngoài suối nguồn thi ca tìm về với nhau đêm nay, sẽ còn nhớ, hình ảnh mảnh trăng lưỡi liềm nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc chỉ mình ngắm và những câu lục bát tuyệt hay trong bài Nửa khuya của Trụ Vũ mà nhà thơ Hạnh Phương đọc cho chú Ngọc và mình nghe:

[...]
Ôi từ độ đá thành tên,
Ôi từ độ đất nên hình cỏ hoa.
Giọt cành dương, hạt mưa sa,
Pháp âm dậy giữa phong ba ngọt ngào.
Từng biển thấp, từng non cao,
Ý chi không Phật, lời nào không Kinh.

17.4.2021

P.S: Cập nhật bản tin mình viết cho Tuổi Trẻ ngày 20-4:

Cuối tuần vừa qua, đêm thơ nhạc mang tên “Những bước trầm hương” mừng thọ nhà thơ Trụ Vũ (91 tuổi) đã diễn ra tại xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), hội tụ hơn 50 người hâm mộ, văn nghệ sĩ yêu thơ Trụ Vũ từ TP.HCM, Nha Trang, Bình Phước, Đồng Nai, Hà Nội... về tham dự. Đêm thơ do anh em văn nghệ sĩ Xuyên Mộc yêu mến thơ và thư pháp của Trụ Vũ tổ chức để tri ân người thầy của mình.

Có mặt tại đêm thơ, bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ Võ Văn Thành, PGS.TS Đoàn Văn Điện, nhà thơ Hạnh Phương... cùng nhiều văn nghệ sĩ đã cùng chia sẻ mối giao tình đáng nhớ với nhà thơ - nhà thư pháp Trụ Vũ, ghi nhận tài năng thi ca độc đáo của ông trong những bước “hành hương” cùng thơ suốt hơn 60 năm. Đó là một hành trình thơ chuyên chở tinh hoa của triết học Phật giáo - nguồn thi cảm lớn của ông cùng tình yêu vô lượng với đời sống, với đất mẹ và vũ trụ này. 

“Mỗi bài thơ nhắc người ta trở về với hơi thở, với chính mình” - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói. Người bạn thơ gắn bó 50 năm, nhà thơ Hạnh Phương, khẳng định: thơ Trụ Vũ đã tồn tại trong lòng quần chúng hơn nửa thế kỷ, nhẹ nhàng và thanh thản; Trụ Vũ là một tên tuổi không thể không nhắc đến trong lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam.

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Như lòng một đóa hoa




Đọc lại Con lừa và tôi của Juan Ramón Jiménez (1881-1958) nhân chọn sách tặng cho các em nhận Học bổng Nguyễn Hiến Lê:

[..] Này Platero, trong khi chuông chiều ngân nga, há con người chẳng nghĩ rằng đời sống nói chung, đời sống của chúng mình, làm mòn mỏi sức lực từng ngày đó sao, và há con người chẳng nghĩ rằng có một sức lực từ bên trong, một sức lực kiêu hùng hơn, miên trường hơn và tinh tấn hơn, làm dâng dậy, như bao nhiêu ngọn suối trời, bấy nhiêu sự vật lên tận những vì sao giờ đây đang thắp sáng giữa muôn đóa hoa hồng?…Muôn hồng…Đôi mắt người cũng thế, Platero ạ, đôi mắt ngươi mà ngươi không nom thấy, mà ngươi an nhiên hướng nhìn trời, cũng là hai đóa hồng xinh.

(Chuông chiều)

Này Platero, đóa hoa đẹp và thanh ghê, đóa hoa bên đường kìa! Lớp lớp đi qua - bò, dê, ngựa, cả người nữa - thế mà hoa, nõn nà mảnh mai thế kia, vẫn còn đây, không suy suyển, tím nhạt và nhỏ nhắn, bên bờ giậu chơ vơ, không hề vấy bẩn, không huề uế tạp.

Ngày ngày hễ đi đường tắt, cách chân dốc một đoạn, là ngươi có thể trông thấy nó trong lùm xanh. Đôi khi nó tựa kề một con chim thật nhỏ, chim này bay mất - tại sao chứ? - khi thấy bóng chúng tôi, đôi khi làn nước trong từ đám mây hè ứ lại trong hoa làm thành như một chiếc cốc nhỏ xíu...
Đóa hoa này sẽ sống ngắn hạn, Platero ạ, vẫn biết kỷ niệm về nó có thể bất diệt...

(Đóa hoa bên đường)

____________


Nguồn thi cảm của Juan Ramón Jiménez gạt bóng tối trên mắt người, để ta có thể nhìn thấy mọi thứ trong hơn, sáng hơn, nhìn thấy vạn vật đầy chất thơ để mình hân thưởng, cẩn trọng và nâng niu.

Đắm mình cùng tình yêu của tác giả với vũ trụ quanh ông, từ một vũng nước tù đến một đám mây hồng, từ ánh nắng trong của đỉnh trời đến những hạt mưa nhỏ dưới vòm cây, từ đóa hoa bên đường đến đám lựu trong vườn, từ dòng sông mùa xuân đến đầm lầy mùa hạ; ta sẽ mặc bao huyên náo nhiễm ô, chỉ thèm là chú lừa Platero đang dúi mũi vào cỏ thơm, đón những cơn gió trong veo trên đồi...; thèm là “tôi” đang hân hoan nhìn bầu trời qua đọt thông, hay tựa một góc vườn “ủ mình trong mùi ấm của hoa”, ngắm bầy sẻ nhỏ bằng đôi mắt người anh em, nghe tiếng dế kêu “huyền bí và chan hòa”, nghe tiếng - đêm về trong mát…

“Lòng ta ơi, hãy đọc cho ra những điều gì trong bóng tối!”. “Tôi” nói với mình như thế, trong một đoản văn đầu hành trình dạo chơi cùng hiền - giả - của - đồng - nội - Platero.

Còn “hoàng tử bé” Jiménez muốn ta đọc gì ở tác phẩm đẹp như sao trời này? Phải chăng: Cái quả địa cầu đang quay êm ả này, đời sống vô thủy vô chung này ...như “lòng một đóa hoa”, “nồng nàn, mênh mông và ấm cúng”, nếu mắt ta là đóa hoa sáng trong...

“Thiên nhiên một khi được tôn kính thì dâng tặng cho kẻ nào xứng đáng cái cảnh sắc thanh lãng của vẻ đẹp xán lạn, muôn đời của mình”. (Juan Ramón Jiménez).

Thiên nhiên đó, ta đủ tôn kính chưa, có nhìn bằng đôi mắt còn đủ trong hiền, để cảm đủ mọi lung linh huyền dịu?

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Khóc rừng

Trường quá xa, nhà ở trong rừng, nhiều học trò nhỏ giấu xoong nồi trong các hốc cây đầu trường, học xong lôi những chiếc nồi con đen nhẻm ra, đặt trên ba cục gạch, lúi húi nấu cơm để ăn với... cơm, hoặc khá khẩm hơn là với muối trắng.

"Bữa tiệc... núi xót lòng" ấy là hình ảnh gây ám ảnh cho những ai đã tới thăm Trường tiểu học Lê Lợi ở Ðắk R’Măng (huyện Ðắk G’Long, tỉnh Ðắk Nông). 

Nhưng Ðắk R’Măng sẽ còn ám ảnh hơn nữa, với những ai đã đọc Cánh chim rừng không mỏi (Cty Phương Đông và NXB Thanh Niên, 2011) - tập bút ký, phóng sự mới nhất và là cuốn sách thứ 15 của nhà báo Ðỗ Doãn Hoàng.

Ám ảnh, nhưng có lẽ chưa ai có thể viết ngọn ngành về thảm trạng di dân tự do vào Tây nguyên như tác giả - một cây bút vốn gắn bó nhiều với đồng bào miền núi phía Bắc. Bà con (con số năm 2008 là 51.000 hộ dân), vì đất sinh nhai, từ Ðiện Biên, Lào Cai, Lai Châu... ập đến Tây nguyên, coi đó như một "thiên đường" cứu đói. Và những cánh rừng biến mất chỉ trong một đêm. Thay vào đó là những thôn bản "từ trên trời rơi xuống", những nương rẫy với màu xanh đắng đót mọc lên từ cái chết của hàng loạt "bảo tàng cổ thụ".

Người lớn hoặc thậm thụt sống, hoặc trơ lì chống đối cơ quan chức năng. Trẻ con đói khát, mù chữ. Những bất ổn thì nảy nở vô kể, bởi "sự bất lực của người giữ rừng, sự vô lối của người giết rừng".

Căn bệnh di dân tự do trở thành một trong những cái máy cưa khổng lồ làm ngã đổ rừng già Tây nguyên. 3/4 dân số ở Ðắk R’Măng là người di cư, họ biến Trường tiểu học Lê Lợi thành điểm nóng của xã với những hình ảnh "quen mắt" rồi mà vẫn phải quay đi ấy.

Không chỉ "tận mục những cánh rừng bị phá tan hoang", tác giả còn lội bộ hàng ngày trời đi dập lửa cháy, có mặt ở hầu khắp các vụ cháy rừng lớn nhất Việt Nam, cùng ăn những bát cơm phủ đầy tro bụi ở rừng, cùng chảy nước mắt vừa thương vừa giận "đồng bào" và cơ quan giữ rừng kiểu "cò con"...

Sống cùng sự kiện, lăn xả điều tra, anh còn truy vấn đến tận cùng những người có trách nhiệm liên quan để khơi ra những bài toán cần giải... Bài toán hóc búa không chỉ bày ra ở Ðắk R’Măng (Cánh chim rừng không mỏi) mà còn ở Mường Nhé, Ðiện Biên (Choáng váng với rừng ở Mường Nhé), ở Chư A Thai, Gia Lai (Phá "rừng" triệu năm tuổi), ở Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái (Khóc rừng trên nóc nhà Ðông Dương)...

Và vì vậy, những phóng sự về rừng dưới ngòi bút Ðỗ Doãn Hoàng đầy những chi tiết sống động, đầy những câu hỏi và câu trả lời có thể làm nhói lòng những kẻ bàng quan nhất.

Bên cạnh bốn loạt bài về rừng, Ðỗ Doãn Hoàng còn chọn in 12 tác phẩm báo chí theo tinh thần "có tác động xã hội", như một cách để anh tiếp tục giữ "lời thề" của một người làm báo sau hơn mười mấy năm "đau đáu coi việc viết như là hơi thở".

Dưới mỗi bài viết của Cánh chim rừng không mỏi, tác giả đều có phần "hồi âm", kể thêm chuyện sau khi báo chí đăng tải bài viết. Anh muốn chứng minh cụ thể câu chuyện đã thay đổi theo hướng tích cực như thế nào sau khi nhà báo "vào cuộc". Như sự thảm khốc của hiện thực vùng Tây Bắc, Tây nguyên mà phóng sự truyền tải đã được đặt lên bàn Thủ tướng Chính phủ, vào nghị trường Quốc hội, những bế tắc đã bắt đầu được giải tỏa...

Rừng vẫn mất từng giờ. Nhưng đọc sách Ðỗ Doãn Hoàng, người đọc được an ủi rằng: có những tiếng khóc giúp rừng bớt chết buồn bã trong đơn độc.


Box:

Có được những “hồi âm” tích cực từ kỳ công theo đuổi vấn đề qua các bài viết của mình, Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: “Tôi vẫn tin rằng: trách nhiệm xã hội; sự điều tra, dự báo, kiến nghị, phản ánh những vấn đề thiết thân của xã hội; nỗ lực bằng ngòi bút và tâm huyết (với các hoạt động xã hội kèm theo) để góp phần thay đổi hiện thực xã hội nóng bỏng kia theo hướng tích cực hơn, vì các lẽ dân sinh nhân ái hơn... - đó là thước đo quan trọng nhất cho phẩm cách của mỗi nhà báo. Phẩm chất của nhà báo, tôi luôn đề cao sự trung thực, kèm theo đó là tinh thần vì cộng đồng”.

-------------


Sức hấp dẫn của sự thật

Thế giới người điên (NXB Trẻ, 2007) là tập sách mới nhất tập hợp 23 bút ký đặc sắc của Võ Đắc Danh - cây bút từng được nhiều độc giả chú ý qua Nỗi niềm U Minh Hạ Đồng cỏ chát.

Vẫn có duyên nhất ở các đề tài về đồng bằng, Võ Đắc Danh mở ra những góc nhìn lý thú về cuộc sống, con người ở vùng đất Nam bộ qua những câu chuyện về cá lóc nướng trui, mùa trái mắm, mùa len trâu, đồng chó ngáp, huyền thoại về thầy rắn hổ hay những tâm tình thân mật với những tài năng văn chương mà tác giả quý trọng: ông già Nam bộ Sơn Nam, “bác Tư Sâm” Trang Thế Hy.

Nhưng không chỉ đậm đà mùi vị của rơm rạ, cá nước, đước rừng..., tập sách còn cho thấy một Võ Đắc Danh đã đi cùng cuộc sống thành thị với tâm thế của một nhà báo đầy trách nhiệm. Anh băn khoăn cùng với những người lao động chợ Cầu Muối khi thành phố có chủ trương dời 10 chợ đầu mối ra ngoại thành (Phiên chợ trăm năm), anh “xộc” vào các đề tài nóng hổi bằng những ghi chép xúc động từ nhiều nỗi đời xung quanh chuyện đất đai (Nỗi niềm sinh tử bên rìa “Công thổ quốc gia”, Canh bạc, Đất lên tình người xuống).

Và cùng với anh, người đọc được gặp gỡ nhiều nhân vật ấn tượng: một Nguyễn Hữu Ân hiếu đễ hết lòng với hai người mẹ (Đứa con nuôi), một Tiểu Hương vươn lên từ cuộc sống đọa đày để trở thành giám đốc của Trung tâm nhân đạo Quê Hương (Bà chúa vỉa hè), một Lê Vũ Cầu từng phải sống kiếp giang hồ, làm đủ nghề mưu sinh nay đang nuôi dưỡng ước mơ cuối đời cho một quán cơm từ thiện (Gã giang hồ lương thiện), một thiếu tướng Phạm Văn Xoàn giữ vẹn lòng trung, chữ tình qua bao nhiêu biến cố lịch sử, lại là người xây dựng nên công ty bảo vệ tư nhân đầu tiên của VN khi đã bước qua tuổi 70 (Chữ tình của người quân tử). 

Nhân vật của Võ Đắc Danh còn có cả “người điên tử tế” Nguyễn Ngu Í, những người điên có tên và không tên khác đang cần được cảm thông, chia sẻ để “tất cả cùng đi trên con đường tử tế” (Thế giới người điên).

Những mảnh đời, chuyện đời qua lối kể chuyện giản dị của tác giả lại có sức thu hút lạ, vì bản thân mỗi câu chuyện đã “đắt” ngay từ cách anh tìm tòi đề tài, chắt lọc sự kiện. Không màu mè văn chương, không dành nhiều đất cho cảm xúc riêng, anh để sự thật cất tiếng nói bộc trực nhất của mình. Và sự thật của anh đã lay động độc giả - những người tìm thấy qua bút ký Võ Đắc Danh một cuộc sống không ngừng trôi chảy, sống động từng phút giây, một cuộc sống đầy những điều để khám phá mà có thể chúng ta chỉ đang lướt qua bởi sự thờ ơ của chính mình.

----------------

P.S: Bài điểm sách của hai nhà báo, đã in trên báo Tuổi Trẻ năm 2007 và 2011.

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Từ Paris

 



Bưu thiếp vừa nhận được, từ Paris về Sài Gòn mất hơn một tháng. Giữa năm Covid thứ hai, cầm thư tay có chút rưng rưng.

"Có thơ thắp sáng trong từng ánh nguyệt
Những lời êm bày biện với linh hồn"
(Nguyên Sa)

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

“Mẹ em ở dưới Bình Dương mau về”


Ảnh: Lii Nguyen

Mùa hạ 2017. Đêm ngủ ở Bình Phước, tôi đi ngủ với dòng chữ ấy trong đầu, dòng chữ mà H. - một cô bé 8 tuổi ở Phú Vinh (Phú Riềng, Bình Phước) viết trên chiếc lá ghi điều ước của mình.
“Ước mơ của em là…”. Là thế thôi, “mẹ em ở dưới Bình Dương mau về”…

Còn bao nhiêu ước mơ thật thà giản dị như thế - có Cha, có Mẹ, được gần gũi với mẹ cha. Nhưng cái nghèo làm nên bao nhiêu là ngăn cách…Những gia cảnh khó khăn mà chúng tôi ghé thăm, phần lớn đều hẫng hụt hơi ấm. Những gia đình nhỏ sau này của các em, liệu sẽ khác hơn? Hay rồi những nhọc nhằn mưu sinh cũng lấy hết thời gian để…sống?

Lá ước của H. làm tôi lại nhớ ánh mắt của D. - cậu bé lớp một trầm lặng khác thường ở Tiên Phước, Quảng Nam. Cha biền biệt, còn Mẹ đi giúp việc cho người trên phố cách mấy mươi cây số, mỗi tháng về thăm em một đôi lần. Tôi lại hình dung nỗi sợ hãi của chị gái D. - cô bé lớp 8 những đêm tối trời đi cài then chốt cửa một mình.

Tôi nhớ, cái nép mình với nụ cười tròn thắm trên mắt môi của P. (Hòa Lạc, An Giang) trong một vòng ôm có lẽ lâu rồi em mới nhận được...Nhớ câu trả lời của cậu bé Giao Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre): "Ba con đi ghe trấu chưa về”…Thật ra đó là cuộc đi vô tận, người ba thứ hai đó của em có thể đã đậu lại ở một chái nhà nheo nhóc khác.

Và nhớ, những giọt nước mắt của người mẹ Dang Kang (Krông Bông, Đắk Lắk) cái đêm chị cùng tôi lên một chuyến xe về Sài Gòn. Tôi "về", nhưng với chị là "đi", đi vội vội vàng vàng, “xuống Sài Gòn” rửa chén cho một quán ăn ở Q.Bình Thạnh, để lại hai con nhỏ mà chị nhớ điếng người, ôm và khóc cả buổi tối trước khi lên xe…

Nhìn và xem lại những bức ảnh các Kira bé, các em nhận học bổng lớn lên nhờ bàn tay của ngoại, của dì…, thấy những ánh mắt đầy nghị lực mà vẫn thẫm màu chiều. Ước gì tất cả những người lớn chúng ta có thể vẽ lên đó thật nhiều màu nắng, không chỉ bằng một món quà nhỏ, một chút hỏi han…

Và uớc gì đất xanh hơn trên những triền đồi, để người ta bớt bỏ làng bỏ đất mà đi. Ước gì những căn nhà dù vá chằng vá đụp vẫn ấm hơi người lớn - những người lớn biết xây tổ ấm...

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Ánh sáng thanh thoát từ Kitchen

Đọc Kitchen của Banana Yoshimoto (Lương Việt Dzũng dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn):

Một không khí u uẩn phủ lên những trang sách. Ở đó là không gian của hai người trẻ cô đơn và hình ảnh một con người đặc biệt khác: một người bố chuyển đổi giới tính để làm mẹ - bù đắp cho đứa con không còn mẹ.

Mikage mất bà và còn lại một mình. Yuichi mất mẹ rồi mất luôn cả bố Eriko - người mẹ thứ hai đã thắp sáng một khoảng đời của cậu. Cảm giác như bóng tối không thể tan ra trong cuộc sống của họ - cuộc sống mà cái chết hiện diện song tồn, dai dẳng trong ký ức, trong nỗi đau mất mát không thể nguôi ngoai.

Sự thật “mình chỉ còn lại một mình” trở nên quá sức chịu đựng đối với hai người trẻ. Với họ, hạnh phúc được định nghĩa là “một cuộc đời không bao giờ phải cảm thấy rằng thật ra ta chỉ có một mình”. Nhưng đi đến tận cùng nỗi tuyệt vọng, họ nhận ra đó cũng là lúc khởi đầu để có thể hiểu thấu niềm vui thật sự là gì. Đi đến cùng nỗi cô độc, họ mẫn cảm hơn ai hết trước những cảm thông sâu sắc mình có được, trước những nâng đỡ, trước niềm vui của yêu thương và được yêu thương...

Bằng chất giọng nhỏ nhẹ gần như thi ca, Mikage - cô gái có tình yêu lạ kỳ với bếp - níu ta ngồi lại với cô, đọc cô cũng bằng tất cả sự dịu dàng để rồi tìm thấy những lối ra thật thanh thản.

“Con người không khuất phục trước hoàn cảnh hay những thế lực từ bên ngoài, mà sẽ thua cuộc bắt đầu từ chính bên trong”. Nhưng “bên trong” là gì nếu không phải là một viên ngọc còn đang cất giấu trong mỗi con người? Mikage nhận ra điều đó trong trái tim mình và trong trái tim những người xung quanh: “Mỗi con người, một sự vĩ đại nhỏ nhoi, đủ để thứ ánh sáng trong tâm hồn họ soi rọi vào cuộc sống của người bên cạnh”. Ánh sáng ấy đã tỏa chiếu thanh thoát lên những trang sách u hoài mà trong trẻo của Kitchen.

Là một câu chuyện đơn tuyến không dễ hấp dẫn người đọc, nhưng Kitchen đã trở thành một hiện tượng của văn học Nhật, đoạt hàng loạt giải thưởng và đưa tên tuổi của Banana Yoshimoto trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của văn học Nhật Bản đương đại. Điều gì để Kitchen đi vào lòng độc giả như vậy nếu không có thứ ánh sáng tâm hồn vượt lên cả cái chết, sự cô độc và nỗi bi ai còn mất?

-------------

P.S: 

Bài in Tuổi Trẻ năm 2007, nay post gửi Tâm Như nhé, nhân nàng đang đọc Kitchen.

Nàng là một ánh sáng rất lấp lánh của mình. Nhớ những năm 2016-2017 quấn quýt bên nhau. Nhớ những giờ học đàn và sự ...ra đời của "tam tấu vịt con" :D. Nhớ bữa cơm có đậu gà sốt cà Như nấu ở "biệt thự cây khế", những ly latte mua cho nhau, hộp ngũ cốc Như gửi cho chuyến mình bay một mình sang Okinawa, lo lắng và tin tưởng...

Nhớ những hẹn hò thanh đạm ở Hiên Cúc vàng, Pháp Uyển...Và căn gác áp mái ở Đà Lạt, nơi hai đứa nằm nghe bài Tìm nhau Người biết sống một mình. Không thể không nhắc Dang Kang nữa nhỉ - những trái ổi thần tiên trên thùng xe lộng gió. Dang Kang - nơi chúng mình tao ngộ hai người bạn mới gắn bó với các chuyến thiện nguyện sau này.

Nàng chưa biết, một buổi trưa cuối năm 2016, mình ngồi ở Pháp Uyển biên cho nàng một lá thư ngắn cảm những ơn lành, mà thấy chữ không gói đủ tình, thư nay đã lạc mất rồi...

Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Kẻ ma làm

Bốn mươi năm gác bút, nhưng rồi Trần Kim Trắc đã không dứt tình được với văn chương. Tất cả chuyện đời ông tự trải nghiệm hoặc bắt gặp, lắng nghe đều lặn sâu vào trong tâm hồn, để đến khi cầm bút trở lại (1994), ông đã có 6 tập truyện được bạn đọc hào hứng đón nhận: Ông thiềm thừ, Hoàng đế ướt long bào, Học trò già, Trăng đẹp mình trăng, Chuyện nàng Mimô, Văn hóa đám giỗ. Và gần đây nhất, Kẻ Ma Làm (NXB Văn Nghệ, 2003) - tập sách mới của ông có thể được xem là một trong những tập truyện ngắn thú vị nhất hiện nay.

Người đọc cảm rõ cái phong vị của văn hóa Nam bộ chân chất, dung dị trong từng câu chuyện nhẹ nhàng mà dí dỏm. Cái đạo sống của con người mà nhà văn gửi gắm cũng tự nhiên mà thấm vào lòng người đọc: cái đạo sống mang tinh thần lạc quan, lấy nhân tính làm gốc, rộng lòng mà yêu thương và tha thứ để “nhẹ lòng, nhẹ gánh” cho nhau, biết gạn đục khơi trong, không để “những tác quái của cuộc đời làm suy suyễn tư chất”, biết tự thắng mình để không bị trói buộc vì tiền tài, danh vọng, dục tính thái quá - ba thứ “không có nó không có hạnh phúc cuộc đời và cũng là ba thứ làm khổ đời nhiều nhất”.

Không chê bai phụ nữ như nhiều bậc nam nhi tự xưng là “quân tử” khác, “ông già nam bộ” rất “tâm lý” này luôn nhìn phụ nữ ở những đức tính đáng trân trọng nhất, từ đó mà cảm thông với những thiệt thòi, những sự bất bình đẳng; mà hiểu và thương sâu sắc - những yếu đuối, đa đoan, những bận bịu của bao công việc không tên; đức hy sinh, lòng chung thủy, vị tha của nữ giới (Sầu riêng, Ba cô, Việc không tên, Cám treo, Bởi vì là vợ ổng…) Tập sách vì vậy có một sự ưu ái riêng làm độc giả nữ cảm động.

Cái sâu sắc ẩn trong giọng văn lí lắc của Trần Kim Trắc luôn khiến truyện của ông ý vị những nụ cười - nụ cười mỉm nhẹ nhàng hay tiếng bật cười vui thích. Cần biết bao những nụ cười như vậy giữa bao mặn đắng của cuộc đời. Cuộc đời đầy kịch tính nhưng cuộc đời luôn có đó những niềm vui bình dị, trong trẻo để nhà văn gạn lọc mà gửi tặng bạn đọc của mình.

“Sống vui và viết vui” vì những lẽ “phải viết như thế nào để người tốt cảm thấy hứng thú và được động viên, để người đạo đức giả cảm thấy mình trở nên hài hước, để người xấu cảm thấy những chuyện họ làm rất buồn cười mà thấy rằng trong họ vẫn còn nhen nhúm ngọn lửa hướng thiện để thổi bùng nó lên…” (phụ lục). Không cần định sẵn cho tác phẩm một tư tưởng lớn lao nào, nhưng phản ánh sự đa dạng, phong phú của cuộc sống và lòng người bằng cái tâm sáng, bằng óc phân tích minh mẫn mà hóm hỉnh, nhà văn Trần Kim Trắc đã có con đường riêng để đạt được ý nguyện của mình.

P:S: 
Lưu lại một "kỷ niệm" với nhà văn Trần Kim Trắc. Bài mình in Tuổi Trẻ năm 2003, không biết tác giả có đọc không, mình chỉ "biết" ông qua văn chương, chưa có duyên gặp ông bao giờ. Ông ra đi trong lặng lẽ vào ngày 17-11-2019, sau 49 ngày công chúng mới biết, vì "không muốn việc ra đi của mình gây ồn ào cho bạn bè đồng nghiệp cũng như dư luận". 
Nay con post lại bài ở đây, xin thắp một nén hương lòng cho bác.

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Đêm trăng tháng ba




Lòng ngời như đóa Trăng trong
Tình đầy như Mây biếc lành
Người ơi biết mấy tương giao
Ơn đời như Lá ơn cành...

Ba Son, 28-30.3.2021

P.S: Tặng chị Lu lớn của em, lưu ở đây hình ảnh một đêm Trăng ấm Gió lộng bên Sông Sài Gòn, và mấy chữ mừng tuổi mới của chị, yêu tấm lòng luôn ngời đóa hoa Tình yêu của chị.

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

Chiếc xe đạp... ngự trên giường




Chiếc xe đạp của T. được em nâng niu để trên giường ngủ 


650.000 đồng cho một chiếc xe đạp cũ tân trang, nhưng là cả một ước mơ với học trò nghèo. Vì thế khó mà hình dung đủ niềm vui của các em khi nhận được một chiếc xe đạp nếu không tận mắt nhìn thấy các em nâng niu “giấc mơ” ấy.

1.
Cùng điều hành một quỹ chuyên săn sóc sự học cho các học trò hiếu học có gia cảnh khó khăn, 10 năm qua chúng tôi có dịp thăm nhà nhiều em học sinh ở nhiều vùng miền phía Nam.

Đi nhiều nơi, lắng nghe nhiều ước mơ của các bạn nhỏ, không có ước mơ nào nhiều bằng "ước có một chiếc xe đạp để đi học".

Bởi có em ở Tiên Phước, Quảng Nam nhà quá xa, ngày nào mệt chút đành bỏ học vì không đi bộ nổi đến trường; có em ở Tánh Linh, Bình Thuận cứ mãi đi ké xe bạn hàng xóm trong nỗi ước ao một ngày mình có được chiếc xe riêng, không còn phải phiền bạn.

Có em ở Phú Tân, An Giang phải ngồi trên sườn ngang phía trước xe của mẹ vì yên sau mẹ còn chở chuối luộc đi bán; có em ở Thạnh Phú, Bến Tre cả thời tiểu học phải lội bộ 5km mỗi ngày, có đoạn ngang rừng ngập mặn, mẹ phải cõng em đi, một tay vịn lưng con, một tay cầm bị cua mới bắt chờ ghé ngang buổi chợ...

5, 10, 15km từ nhà đến trường học, hành trình bám trường bám lớp của các em gặp thêm một rào cản không hề nhỏ, đòi hỏi sự ham học và cả sức dẻo dai từ những vóc dáng vốn bé nhỏ, còi cọc...

2.
Hằng năm, trong những phần quà các nhóm thiện nguyện hay tổ chức phi lợi nhuận mang đến cho các em, lúc nào cũng có xe đạp là vậy. Riêng nhóm chúng tôi, với học sinh tiểu học, quỹ tặng xe đạp cũ tân trang (giá 650.000 đồng/chiếc (*)) cùng quà khai trường.

Với học sinh được nhận học bổng toàn phần cho bảy năm học từ lớp 6 đến lớp 12, phần quà chuẩn bị cho các em bước vào cấp trung học cơ sở luôn có một chiếc xe đạp mới (giá khoảng 1,8-2 triệu đồng).

Trong chuyến trao học bổng cho học sinh Vĩnh Long giữa tháng 6 này, ghé thăm nhà em T. - học sinh lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc xe đạp mới quỹ tặng "ngự" ngay trên giường ngủ của em.
 
Ngoại em kể: "Nó vui hết biết luôn, vừa chạy về từ buổi lễ nhận học bổng ở trường là mang xe ra rửa ngay (đường về nhà em có những đoạn sình lầy), rồi để trên giường mới chịu, để ở dưới sợ dơ xe (nền nhà em là nền đất)".

T. cười tít sau lời kể của ngoại. Khi nghe chúng tôi nói: "Tối nay con cứ mang xe để xuống đất nha, dính đất có sao đâu!", em lắc đầu cười và nói ngay: "Con còn chỗ khác để ngủ".

Ghé thăm nhiều gia đình ở Vĩnh Xuân sau đó, ngoại, nội, dì, chú, tía, má các em đều bảo con cháu mình thích chiếc xe đạp lắm, có em "vui đến bỏ cơm trưa"... Nhưng "cưng" xe như T. thì thật là khiến chúng tôi khó quên. Cũng như khó quên được những gì em đã viết trong thư gửi quỹ: 

"Cha mẹ em đã ly hôn nên em cảm thấy rất là buồn. Mẹ em đi làm xa, lâu lắm mới có tiền gửi về...Nhà của bà vách lá cũng hư hết rồi, mỗi lần mưa tới là dột đủ chỗ hết... Ngoại em cứ đợi tới kỳ dừa khô có trái để đi bán cho người ta nhưng bà chỉ có một cây dừa duy nhất. Nhờ ngoại có nuôi gà thì mới có tiền cho em ăn học...".

3.
Hôm ở nhà T., chúng tôi không nhìn thấy nỗi buồn nào trên gương mặt em như nỗi buồn của câu chữ trong thư, giữa những vách lá còn lóa nắng, chỉ có nụ cười trong veo và ánh mắt lấp lánh của em khi nhìn "bạn đường" mới, khi chăm chút bao từng cuốn sách giáo khoa lớp 6 và tập vở mới vừa được tặng.

Có vẻ như trước mắt em không phải là một mùa hè, mà là một năm học mới đang đến gần với tất cả sự háo hức. Chúng tôi không khỏi thầm ước mong: sẽ còn có thật nhiều phần quà, chiếc xe đạp gửi đến tất cả bạn nhỏ hiếu học, cần rất nhiều bàn tay tiếp sức các em đến trường, cho đường học gần lại, cho các em đi xa hơn chúng ta hôm nay, và những ước mơ của trẻ nhỏ vùng quê không chỉ cứ mãi là "một chiếc xe đạp để đi học"...

Từng chút đổi thay một, mong thay sẽ đến từ từng chút niềm yêu được gieo nơi sự học của trẻ thơ.

P.S:
Bài đã in cho mục Nhật ký phóng viên trên Tuổi Trẻ năm 2018.
(*): Từ năm 2020, giá cho 1 chiếc xe đạp cũ tân trang đã tăng lên 700,000 đồng.

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Linh Sơn - Câu hỏi lớn của 1 đời người


Linh Sơn, - tiểu thuyết tiêu biểu nhất của Cao Hành Kiện - nhà văn Trung Quốc đoạt giải Nobel văn học 2000 – vừa được nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành. (Trần Đĩnh dịch theo nguyên bản tiếng Pháp La Montagne de l’âme, tháng 1-2002)

Mang bối cảnh Trung Hoa, con người Trung Hoa nhưng Linh Sơn cũng đã hé mở cho bạn đọc thế giới một góc nhìn về tâm hồn phương Đông nói chung, một phương Đông bí ẩn và huyền diệu trong đời sống cũng như trong các tư tưởng triết học. Chính trị, tôn giáo và từng khía cạnh văn hóa - xã hội Trung Hoa được lồng trong những câu chuyện gần như nhỏ nhặt, chuyện chiến tranh đàn ông và đàn bà, chiến tranh tinh thần và xác thịt.

Nhà văn Cao Hành Kiện quan niệm “Văn học phải trung thành với cuộc sống và trung thành với sự thật”. Và có lẽ sự trung thành với chân lý ấy đã mang lại cho Linh Sơn của ông một bút pháp mới lạ. Những câu chuyện xếp cạnh nhau, đôi khi không cần kết mở, không có nhân vật đúng chuẩn; các chất liệu hiện thực trôi chảy tự nhiên, sinh động như dưới ngòi bút một nhà sử liệu. Nhưng sự lôi cuốn của tác phẩm nằm ở cái gọi là bản chất của sự thật cuộc sống qua những nhận thức sâu sắc của một nhà văn, một con người luôn khao khát hiểu ngộ cái thiện mỹ đích thực của cuộc đời.

Linh Sơn - Núi Hồn, cái địa điểm mà tác giả cất công đi tìm trong Linh Sơn là ở đâu? Mọi hình ảnh đều là giả dối, sự không có hình ảnh cũng là giả dối. Linh Sơn vừa thực, vừa ảo. Như CÓ mà cũng như KHÔNG. Nó vô định như tâm người trước bao dục lạc của cõi trần.

Vừa dửng dưng, vừa dịu dàng, tác giả dẫn dụ người đọc đi tìm Linh Sơn cùng với mình. Những con đường đến Linh Sơn, như những chương về “ta” và “mi” đối nhau đều đặn trong tác phẩm, là đường đi của mênh mang cảm xúc, của sâu thẳm triết lý tìm đến ý nghĩa thực tại của một đời người. Đường đến Linh Sơn khó là một con đường sáng. Như tâm hồn con người luôn có quá nhiều góc khuất.

Trong Linh Sơn, thêm một lần nữa ngưòi ta nhận thấy rằng dục vọng chỉ mở ra hố thẳm. Nhưng con người là vậy, cứ tình nguyện nhảy vào, kẹt ở trong đó rồi kết luận: “Cuộc đời đối với mọi người đều không dễ dàng”. 

“Ta” hay “mi” cũng vậy thôi, cũng bị những ham muốn tầm thuờng, những tri giác sai lầm lôi kéo, cũng không thể nhìn thấy sự thật đúng như nó là. Vậy thì lối ra ở đâu, khi ta đã biết rằng “thực tế cái tôi là nguồn bất hạnh của loài người” và “đau khổ của cuộc đời chỉ là tùy thuộc ở ta”?. Muốn vượt thoát thì đừng bao giờ quên mục đích cuộc hành trình của mình, rằng “người đi xa đích thực thì không có mục tiêu nào hết. Làm được như vậy mới là người đi xa tột cùng.”

Với Linh Sơn, bảo là một tác phẩm đẹp, không hẳn. Một tư tưởng mới, cũng không. Cũng chưa thể gọi là một tiểu thuyết hấp dẫn. Nhưng Linh Sơn, bên cạnh nghệ thuật viết, đã đặt được một câu hỏi lớn, một băn khoăn lớn của việc truy tìm một đời sống tâm linh: “Ta không biết ta đang tìm kiếm gì”. 

Linh Sơn có hay là không? Và cả ta nữa. Linh sơn và ta là một hay là hai, hay không là gì cả? “Ý nghĩa của nó nằm ngay ở chỗ nó không có ý nghĩa”… “Ta không biết rằng ta chẳng hiểu gì hết. Ta lại nghĩ rằng ta hiểu tất cả.” Đó là lời của người minh triết.

Đường tìm đến Linh Sơn khó đi. Và Linh Sơn là quyển sách không dễ chinh phục nhiều bạn đọc. Nhưng không phải là đáng tự hào sao - nếu với Linh Sơn của Cao Hành Kiện - thế giới phương Tây đã nghiêng mình trước cái sâu thẳm của tư tưởng phương Đông?

2002.

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Nhìn lại một sự thật

Đọc Niềm vui trong nỗi khổ (NXB Văn Nghệ, 2002) của Giả Bình Ao:

Bối cảnh câu chuyện là làng Lệ Hoa trong “những năm tháng không bình thường” của sự nghiệp công xã hoá. 

Công xã hóa để nông dân sống đời giàu có, đạt đến cộng sản chủ nghĩa nhưng nông dân lại không yêu công xã; những thể chế quy định của lao động tập thể không những không ngăn chặn được đầu óc tư hữu mà trái lại còn làm nẩy nở đến cao độ; người người đều ăn cắp, ỷ lại, đều kéo dài công việc ra... 

Sự nghèo đói khiến đức tính cơ bản nhất của con người là yêu quý lương thực và hoàn cảnh thê thảm lúc ấy là “một thùng nhuộm khổng lồ” làm người ta học biết tham lam, tự tư, ghen tị, hẹp hòi... Sự cường điệu đến nghiêm trọng cái gọi là “đấu tranh giai cấp” mà đã liệt địa chủ, phú nông…vào hạng kẻ thù đã khiến bao người bị chết oan. Đó là thời của biểu ngữ và khẩu hiệu, thời của việc tìm công điểm. Người ta sẵn sàng đấu tố nhau, loại bỏ nhau, chụp mũ nhau là “phần tử phản cách mạng”, nhiều người lao vào cách mạng “không phải vì lòng tin và lợi ích của nhân dân mà chẳng qua là hành vi điên cuồng tham gia chém giết vì cuộc sống” .

Ai đã tạo nên cái “hố sâu bi ai” đó? 

“Đại cách mạng văn hóa” ấy chúng tôi cũng là người trong cuộc, cho dù nguyên nhân phát sinh của nó có đến hàng ngàn hàng vạn loại, trách nhiệm vẫn là của mọi người, mỗi một người chúng ta đều là kẻ có tội...Chỉ có bình tĩnh suy nghĩ lại, kiểm thảo nguyên nhân xã hội sâu sắc và khuyết điểm của tự bản thân mình, để phòng ngừa cho đất nước xuất hiện tình hình tương tự, đó mới là cái chúng ta để lại cho con cháu chúng ta"…Cách nhìn nhận đúng đắn ấy có lẽ đã là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi ấy của thế hệ sau, cũng là câu hỏi để tự vấn mình của thế hệ ngày ấy.

Lệ Hoa là bức tranh thu nhỏ của Trung Quốc trong mười năm “đại cách mạng văn hóa” qua ngòi bút thẳng, dung dị mà súc tích của tác giả làm người đọc cười chua xót - cái chua xót không hàm chứa sự oán hận mà luôn thấp thoáng một chút hóm hỉnh, bao dung..

Tác giả muốn ghi lại sự từng trải của mình, của thế hệ mình trong khổ nạn với ý hướng ca ngợi nỗi khổ, ca ngợi niềm vui trong nỗi khổ như cái đẹp tinh khiết của hoa sen ở ngay trong bùn. Người đọc từ đó mà biết, hiểu và thương hơn cho sự gian khổ của một thời - cái khổ nạn không riêng gì ở Trung Quốc mà cũng chính ở Việt Nam khi những chính sách có mục đích cao đẹp mà đường lối lại ấu trĩ, thiếu sáng suốt, được đem đi thi hành một cách nhiệt tình. Điều may mắn là tất cả chúng ta đã biết sửa sai, đẩy lùi những năm tháng cực kỳ khốn đốn đó.

Giả Bình Ao tự nhận mình là người mềm mỏng nhưng đọc ông không thể không phục ngòi bút khí khái của ông - không e ngại sự thật, không né tránh một góc khuất nào của thời đại, ngay cả những chuyện không hay ho gì về mình. 

Nền văn học hiện đại Trung Quốc quả đáng mừng khi có những ngòi bút sẵn sàng chĩa mùi dùi vào những vấn đề cần lên tiếng của đất nước; một loạt sách với đề tài chống tham nhũng gần đây cũng đã cho thấy các nhà văn Trung Quốc không thể ngồi yên trước một thực tại đầy bức xúc. Văn học VN còn thiếu những quyển sách như vậy - để miêu tả được đầy đủ và trung thực một bức tranh toàn vẹn những cái được và chưa được, những sai lầm của quá khứ, những vấn nạn của hiện tại… Đọc Niềm vui trong nỗi khổ mà nghĩ đến những tiếng nói dè dặt trong những tác phẩm trong nước viết về giai đoạn sau 1975 … Một khi chúng ta đã né tránh sự thật, làm sao tránh hoài nghi về sự thiếu can đảm và thiếu tự do ở chính mình?

…Anh có thể đến với làng quê không? Câu hỏi mở đầu và kết thúc câu chuyện như một nỗi lòng đeo đuổi tác giả khi nhắc về nông thôn. Trong xã hội hiện đại ngày nay; những thị dân hối hả, tự tư, tự lợi với đủ thứ vỏ áo giáp, làm sao trở về được sự hồn nhiên, vui vẻ, trong sáng của người nông dân, làm sao biết đất có mùi thơm mát trong lành thế nào? Câu hỏi ấy bật lên mang vị hạnh phúc lẫn chua xót của một người từng nếm trải bao niềm vui, nỗi khổ của một người nông dân. Nỗi ưu tư của một con người yêu đất, yêu từng mầm non trên mảnh đất mình nhọc nhằn lớn lên và không thể quên được bùn đất ấy bỗng làm đau đáu lòng người đọc…

2002.