Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Nghệ thuật và tín ngưỡng…


Đọc Đôi bạn chân tình (Herman Hess, Vũ Đình Lưu dịch, NXB Hội nhà văn)

Những trải nghiệm ngọt ngào hay chua chát về cuộc đời, sự yên tĩnh hay những xao xuyến, bất an không tránh khỏi của tâm hồn, tự do và bổn phận, những băn khoăn về ý nghĩa sự sống…. ; đời sống bên trong và bên ngoài con người với tất cả sự phong phú ấy khiến Đôi bạn chân tình của Herman Hess lôi cuốn độc giả.

Narziss và Goldmund - hai tâm hồn hiểu thấu chỗ thâm sâu của nhau, bổ túc cho nhau. Cả hai đều là những chàng trai đĩnh ngộ, phong nhã và nhiều phú tính. Goldmund lúc đầu quyết chí sống đời nhà tu như Narziss, thế nhưng thần học và tín ngưỡng đã không thu hút được y. Narziss mở đường cho Goldmund tìm một cảnh đời khác phù hợp hơn để “phát hiện và thực hiện chính mình”. Đường đời của Goldmund - mạch dẫn dắt chính của câu chuyện - mở ra từ cuộc hạnh ngộ đó với Narziss.

Thay vì tìm niềm vui trong việc “phụng sự tinh thần”, xem tự do là sự tĩnh tại của tâm hồn, Goldmund trở thành gã lang thang, sống một cảnh đời “ngoài khuôn khổ thông thường”. Những vấn đề của sự sống Narziss thực chứng bằng suy tư thì Goldmund khám phá bằng hành động. Tự do đối với y là cuộc đời to rộng cho y nếm đủ mùi vị của thế tục, ân hưởng ái tình của bất kỳ người phụ nữ nào y muốn, không bị ràng buộc bởi một nơi chốn nào, một giáo điều nào, một hình ảnh nào.

Đắm nhiễm vào ái dục, vật lộn với cái chết,…đi qua những khoái lạc và đớn đau tột đỉnh của kiếp người rồi, Goldmund lại bị dằn vặt luôn về ý nghĩa cuộc đời. Gương mặt cuộc sống có tất cả vẻ đẹp thì cũng có tất cả những gì là sợ hãi, thèm khát, tuyệt vọng… Sự ham muốn và sự bất toàn có phải là tội lỗi? Nhưng chính nhờ cuộc sống mà Golmund vừa lao mình vào vừa cố thoát khỏi vũng lầy của nó đã đánh thức được bản chất nghệ sĩ trong y.

Nghệ thuật đã cứu vãn cuộc đời quả cảm mà vô bổ của kiếp sống giang hồ. Đến với nghệ thuật, y tìm thấy chính mình, được trở về với mình; trái tim y nhẹ nhàng đi khi những hình ảnh tràn đầy trong ấy được thoát ra ngoài, thể hiện lên tác phẩm điêu khắc. Nghệ thuật của Goldmund là sự phản ảnh của linh hồn; ở đó, người nghệ sĩ chân thật “xuất lộ thế giới nội tâm” bằng tất cả những rung cảm chân thành, “không bợn chút tư lợi và khoe khoang nhơ bẩn”.

Trong những giây phút dâng mình cho nghệ thuật, Goldmund tìm ra ý nghĩa cuộc đời, thoát khỏi sự hỗn độn ảm đạm của thế giới cảm giác, sự diễn biến không ngừng của thú vui và thất vọng… Còn với tôn giáo, dù không tin vào sự trợ giúp của một đấng siêu hình nào, những giờ cầu nguyện theo lời khuyên của Narziss, lạ thay, lại khiến Goldmund “cảm thấy mình như được ngâm trong nước tươi mát, tẩy sạch hết kiêu ngạo và thất vọng”. Nghệ thuật và tín ngưỡng trở thành nơi trú ẩn, xoa dịu những khổ đau của cuộc đời…

Tác phẩm ngợi ca nghệ thuật mang tính triết học này gợi ra hai vấn đề lớn: hoan lạc và khổ đau. Goldmund sống, chết với những điều đó mới nhận thấy mối liên hệ sâu sắc của nó và “điều duy nhất có thật là đời sống tâm tư” của chính mình.

Sự giằng co giữa bản năng và lý trí là có thật, sự cám dỗ của dục lạc và ý thức vượt thoát khỏi nó là có thật. Ý niệm tìm sự giải thoát trong đời sống tâm linh, vì vậy, không bao giờ là vấn đề thiếu thực tế…Đối thoại giữa Narziss và Goldmund, những ước vọng, suy tư của họ cũng chính là những băn khoăn của Herman Hess, của những người luôn mong muốn phát triển tòan diện con người của mình.

Đến với nghệ thuật hay tôn giáo đều là những nhu yếu chính đáng. Tôn giáo và nghệ thuật ở đây như một trong những phương tiện giúp con người đi đến cùng bản ngã, nhìn sâu vào được bản thể của mình, tìm được sự bình yên của tâm hồn, tạo điều kiện cho sự thăng hoa của đời sống. Nhưng phương tiện không phải là cứu cánh, người ta chưa tỉnh thức cho đến khi nào tìm thấy được bản chất thật - tự tánh của mình. Con đường tiến gần đến sự hoàn thiện đòi hỏi sự đấu tranh thật sự trong mỗi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét