Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Ánh sáng thanh thoát từ Kitchen

Đọc Kitchen của Banana Yoshimoto (Lương Việt Dzũng dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn):

Một không khí u uẩn phủ lên những trang sách. Ở đó là không gian của hai người trẻ cô đơn và hình ảnh một con người đặc biệt khác: một người bố chuyển đổi giới tính để làm mẹ - bù đắp cho đứa con không còn mẹ.

Mikage mất bà và còn lại một mình. Yuichi mất mẹ rồi mất luôn cả bố Eriko - người mẹ thứ hai đã thắp sáng một khoảng đời của cậu. Cảm giác như bóng tối không thể tan ra trong cuộc sống của họ - cuộc sống mà cái chết hiện diện song tồn, dai dẳng trong ký ức, trong nỗi đau mất mát không thể nguôi ngoai.

Sự thật “mình chỉ còn lại một mình” trở nên quá sức chịu đựng đối với hai người trẻ. Với họ, hạnh phúc được định nghĩa là “một cuộc đời không bao giờ phải cảm thấy rằng thật ra ta chỉ có một mình”. Nhưng đi đến tận cùng nỗi tuyệt vọng, họ nhận ra đó cũng là lúc khởi đầu để có thể hiểu thấu niềm vui thật sự là gì. Đi đến cùng nỗi cô độc, họ mẫn cảm hơn ai hết trước những cảm thông sâu sắc mình có được, trước những nâng đỡ, trước niềm vui của yêu thương và được yêu thương...

Bằng chất giọng nhỏ nhẹ gần như thi ca, Mikage - cô gái có tình yêu lạ kỳ với bếp - níu ta ngồi lại với cô, đọc cô cũng bằng tất cả sự dịu dàng để rồi tìm thấy những lối ra thật thanh thản.

“Con người không khuất phục trước hoàn cảnh hay những thế lực từ bên ngoài, mà sẽ thua cuộc bắt đầu từ chính bên trong”. Nhưng “bên trong” là gì nếu không phải là một viên ngọc còn đang cất giấu trong mỗi con người? Mikage nhận ra điều đó trong trái tim mình và trong trái tim những người xung quanh: “Mỗi con người, một sự vĩ đại nhỏ nhoi, đủ để thứ ánh sáng trong tâm hồn họ soi rọi vào cuộc sống của người bên cạnh”. Ánh sáng ấy đã tỏa chiếu thanh thoát lên những trang sách u hoài mà trong trẻo của Kitchen.

Là một câu chuyện đơn tuyến không dễ hấp dẫn người đọc, nhưng Kitchen đã trở thành một hiện tượng của văn học Nhật, đoạt hàng loạt giải thưởng và đưa tên tuổi của Banana Yoshimoto trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của văn học Nhật Bản đương đại. Điều gì để Kitchen đi vào lòng độc giả như vậy nếu không có thứ ánh sáng tâm hồn vượt lên cả cái chết, sự cô độc và nỗi bi ai còn mất?

-------------

P.S: 

Bài in Tuổi Trẻ năm 2007, nay post gửi Tâm Như nhé, nhân nàng đang đọc Kitchen.

Nàng là một ánh sáng rất lấp lánh của mình. Nhớ những năm 2016-2017 quấn quýt bên nhau. Nhớ những giờ học đàn và sự ...ra đời của "tam tấu vịt con" :D. Nhớ bữa cơm có đậu gà sốt cà Như nấu ở "biệt thự cây khế", những ly latte mua cho nhau, hộp ngũ cốc Như gửi cho chuyến mình bay một mình sang Okinawa, lo lắng và tin tưởng...

Nhớ những hẹn hò thanh đạm ở Hiên Cúc vàng, Pháp Uyển...Và căn gác áp mái ở Đà Lạt, nơi hai đứa nằm nghe bài Tìm nhau Người biết sống một mình. Không thể không nhắc Dang Kang nữa nhỉ - những trái ổi thần tiên trên thùng xe lộng gió. Dang Kang - nơi chúng mình tao ngộ hai người bạn mới gắn bó với các chuyến thiện nguyện sau này.

Nàng chưa biết, một buổi trưa cuối năm 2016, mình ngồi ở Pháp Uyển biên cho nàng một lá thư ngắn cảm những ơn lành, mà thấy chữ không gói đủ tình, thư nay đã lạc mất rồi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét