Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Linh Sơn - Câu hỏi lớn của 1 đời người


Linh Sơn, - tiểu thuyết tiêu biểu nhất của Cao Hành Kiện - nhà văn Trung Quốc đoạt giải Nobel văn học 2000 – vừa được nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành. (Trần Đĩnh dịch theo nguyên bản tiếng Pháp La Montagne de l’âme, tháng 1-2002)

Mang bối cảnh Trung Hoa, con người Trung Hoa nhưng Linh Sơn cũng đã hé mở cho bạn đọc thế giới một góc nhìn về tâm hồn phương Đông nói chung, một phương Đông bí ẩn và huyền diệu trong đời sống cũng như trong các tư tưởng triết học. Chính trị, tôn giáo và từng khía cạnh văn hóa - xã hội Trung Hoa được lồng trong những câu chuyện gần như nhỏ nhặt, chuyện chiến tranh đàn ông và đàn bà, chiến tranh tinh thần và xác thịt.

Nhà văn Cao Hành Kiện quan niệm “Văn học phải trung thành với cuộc sống và trung thành với sự thật”. Và có lẽ sự trung thành với chân lý ấy đã mang lại cho Linh Sơn của ông một bút pháp mới lạ. Những câu chuyện xếp cạnh nhau, đôi khi không cần kết mở, không có nhân vật đúng chuẩn; các chất liệu hiện thực trôi chảy tự nhiên, sinh động như dưới ngòi bút một nhà sử liệu. Nhưng sự lôi cuốn của tác phẩm nằm ở cái gọi là bản chất của sự thật cuộc sống qua những nhận thức sâu sắc của một nhà văn, một con người luôn khao khát hiểu ngộ cái thiện mỹ đích thực của cuộc đời.

Linh Sơn - Núi Hồn, cái địa điểm mà tác giả cất công đi tìm trong Linh Sơn là ở đâu? Mọi hình ảnh đều là giả dối, sự không có hình ảnh cũng là giả dối. Linh Sơn vừa thực, vừa ảo. Như CÓ mà cũng như KHÔNG. Nó vô định như tâm người trước bao dục lạc của cõi trần.

Vừa dửng dưng, vừa dịu dàng, tác giả dẫn dụ người đọc đi tìm Linh Sơn cùng với mình. Những con đường đến Linh Sơn, như những chương về “ta” và “mi” đối nhau đều đặn trong tác phẩm, là đường đi của mênh mang cảm xúc, của sâu thẳm triết lý tìm đến ý nghĩa thực tại của một đời người. Đường đến Linh Sơn khó là một con đường sáng. Như tâm hồn con người luôn có quá nhiều góc khuất.

Trong Linh Sơn, thêm một lần nữa ngưòi ta nhận thấy rằng dục vọng chỉ mở ra hố thẳm. Nhưng con người là vậy, cứ tình nguyện nhảy vào, kẹt ở trong đó rồi kết luận: “Cuộc đời đối với mọi người đều không dễ dàng”. 

“Ta” hay “mi” cũng vậy thôi, cũng bị những ham muốn tầm thuờng, những tri giác sai lầm lôi kéo, cũng không thể nhìn thấy sự thật đúng như nó là. Vậy thì lối ra ở đâu, khi ta đã biết rằng “thực tế cái tôi là nguồn bất hạnh của loài người” và “đau khổ của cuộc đời chỉ là tùy thuộc ở ta”?. Muốn vượt thoát thì đừng bao giờ quên mục đích cuộc hành trình của mình, rằng “người đi xa đích thực thì không có mục tiêu nào hết. Làm được như vậy mới là người đi xa tột cùng.”

Với Linh Sơn, bảo là một tác phẩm đẹp, không hẳn. Một tư tưởng mới, cũng không. Cũng chưa thể gọi là một tiểu thuyết hấp dẫn. Nhưng Linh Sơn, bên cạnh nghệ thuật viết, đã đặt được một câu hỏi lớn, một băn khoăn lớn của việc truy tìm một đời sống tâm linh: “Ta không biết ta đang tìm kiếm gì”. 

Linh Sơn có hay là không? Và cả ta nữa. Linh sơn và ta là một hay là hai, hay không là gì cả? “Ý nghĩa của nó nằm ngay ở chỗ nó không có ý nghĩa”… “Ta không biết rằng ta chẳng hiểu gì hết. Ta lại nghĩ rằng ta hiểu tất cả.” Đó là lời của người minh triết.

Đường tìm đến Linh Sơn khó đi. Và Linh Sơn là quyển sách không dễ chinh phục nhiều bạn đọc. Nhưng không phải là đáng tự hào sao - nếu với Linh Sơn của Cao Hành Kiện - thế giới phương Tây đã nghiêng mình trước cái sâu thẳm của tư tưởng phương Đông?

2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét