Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Nhìn lại một sự thật

Đọc Niềm vui trong nỗi khổ (NXB Văn Nghệ, 2002) của Giả Bình Ao:

Bối cảnh câu chuyện là làng Lệ Hoa trong “những năm tháng không bình thường” của sự nghiệp công xã hoá. 

Công xã hóa để nông dân sống đời giàu có, đạt đến cộng sản chủ nghĩa nhưng nông dân lại không yêu công xã; những thể chế quy định của lao động tập thể không những không ngăn chặn được đầu óc tư hữu mà trái lại còn làm nẩy nở đến cao độ; người người đều ăn cắp, ỷ lại, đều kéo dài công việc ra... 

Sự nghèo đói khiến đức tính cơ bản nhất của con người là yêu quý lương thực và hoàn cảnh thê thảm lúc ấy là “một thùng nhuộm khổng lồ” làm người ta học biết tham lam, tự tư, ghen tị, hẹp hòi... Sự cường điệu đến nghiêm trọng cái gọi là “đấu tranh giai cấp” mà đã liệt địa chủ, phú nông…vào hạng kẻ thù đã khiến bao người bị chết oan. Đó là thời của biểu ngữ và khẩu hiệu, thời của việc tìm công điểm. Người ta sẵn sàng đấu tố nhau, loại bỏ nhau, chụp mũ nhau là “phần tử phản cách mạng”, nhiều người lao vào cách mạng “không phải vì lòng tin và lợi ích của nhân dân mà chẳng qua là hành vi điên cuồng tham gia chém giết vì cuộc sống” .

Ai đã tạo nên cái “hố sâu bi ai” đó? 

“Đại cách mạng văn hóa” ấy chúng tôi cũng là người trong cuộc, cho dù nguyên nhân phát sinh của nó có đến hàng ngàn hàng vạn loại, trách nhiệm vẫn là của mọi người, mỗi một người chúng ta đều là kẻ có tội...Chỉ có bình tĩnh suy nghĩ lại, kiểm thảo nguyên nhân xã hội sâu sắc và khuyết điểm của tự bản thân mình, để phòng ngừa cho đất nước xuất hiện tình hình tương tự, đó mới là cái chúng ta để lại cho con cháu chúng ta"…Cách nhìn nhận đúng đắn ấy có lẽ đã là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi ấy của thế hệ sau, cũng là câu hỏi để tự vấn mình của thế hệ ngày ấy.

Lệ Hoa là bức tranh thu nhỏ của Trung Quốc trong mười năm “đại cách mạng văn hóa” qua ngòi bút thẳng, dung dị mà súc tích của tác giả làm người đọc cười chua xót - cái chua xót không hàm chứa sự oán hận mà luôn thấp thoáng một chút hóm hỉnh, bao dung..

Tác giả muốn ghi lại sự từng trải của mình, của thế hệ mình trong khổ nạn với ý hướng ca ngợi nỗi khổ, ca ngợi niềm vui trong nỗi khổ như cái đẹp tinh khiết của hoa sen ở ngay trong bùn. Người đọc từ đó mà biết, hiểu và thương hơn cho sự gian khổ của một thời - cái khổ nạn không riêng gì ở Trung Quốc mà cũng chính ở Việt Nam khi những chính sách có mục đích cao đẹp mà đường lối lại ấu trĩ, thiếu sáng suốt, được đem đi thi hành một cách nhiệt tình. Điều may mắn là tất cả chúng ta đã biết sửa sai, đẩy lùi những năm tháng cực kỳ khốn đốn đó.

Giả Bình Ao tự nhận mình là người mềm mỏng nhưng đọc ông không thể không phục ngòi bút khí khái của ông - không e ngại sự thật, không né tránh một góc khuất nào của thời đại, ngay cả những chuyện không hay ho gì về mình. 

Nền văn học hiện đại Trung Quốc quả đáng mừng khi có những ngòi bút sẵn sàng chĩa mùi dùi vào những vấn đề cần lên tiếng của đất nước; một loạt sách với đề tài chống tham nhũng gần đây cũng đã cho thấy các nhà văn Trung Quốc không thể ngồi yên trước một thực tại đầy bức xúc. Văn học VN còn thiếu những quyển sách như vậy - để miêu tả được đầy đủ và trung thực một bức tranh toàn vẹn những cái được và chưa được, những sai lầm của quá khứ, những vấn nạn của hiện tại… Đọc Niềm vui trong nỗi khổ mà nghĩ đến những tiếng nói dè dặt trong những tác phẩm trong nước viết về giai đoạn sau 1975 … Một khi chúng ta đã né tránh sự thật, làm sao tránh hoài nghi về sự thiếu can đảm và thiếu tự do ở chính mình?

…Anh có thể đến với làng quê không? Câu hỏi mở đầu và kết thúc câu chuyện như một nỗi lòng đeo đuổi tác giả khi nhắc về nông thôn. Trong xã hội hiện đại ngày nay; những thị dân hối hả, tự tư, tự lợi với đủ thứ vỏ áo giáp, làm sao trở về được sự hồn nhiên, vui vẻ, trong sáng của người nông dân, làm sao biết đất có mùi thơm mát trong lành thế nào? Câu hỏi ấy bật lên mang vị hạnh phúc lẫn chua xót của một người từng nếm trải bao niềm vui, nỗi khổ của một người nông dân. Nỗi ưu tư của một con người yêu đất, yêu từng mầm non trên mảnh đất mình nhọc nhằn lớn lên và không thể quên được bùn đất ấy bỗng làm đau đáu lòng người đọc…

2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét