Rating: | ★★★★ |
Category: | Books |
Genre: | Nonfiction |
Author: | Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê |
Ở hai đầu Sài Gòn - Nha Trang, trong suốt gần 20 năm từ 1966-1984, gần 300 bức thư đã được gửi cho nhau giữa học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) và thi sĩ Quách Tấn (1910-1992). Cuốn sách tập hợp các bức thư ấy vừa được Saigon Media và NXB Tổng Hợp ấn hành với nhan đề Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê - những bức thư đầm ấm.
Hậu thế yêu mến hai văn tài này chắc cũng không nghĩ có ngày được đọc từng lá thư của hai ông để thêm cảm phục hai nhân cách cầm bút. Cái khí vị của từng bức thư hai “bạn già” gửi cho nhau - tưởng chỉ là tình riêng, không ngờ có thể lôi cuốn người đọc đến vậy trong suốt hơn 500 trang sách.
Ðọc thư cũng là được thưởng văn, bởi ngôn ngữ thanh tao, lời thư khúc chiết, chân tình, đôi khi hóm hỉnh. Và hơn nữa, đó là sự cảm động trước mối tình thâm hậu giữa hai tâm hồn tế nhị, nhạy cảm, “luôn luôn cố gắng giữ mình được sạch sẽ”, “giữ cho lòng khỏi vẩn đục”...
Nội dung chính của các bức thư - mối quan tâm lớn nhất của hai ông không gì khác là văn chương, là thơ, là những bạn văn cùng thời... khiến người đọc nhìn lại được cả một dòng chảy văn chương qua hai góc nhìn vừa uyên thâm, nghiêm cẩn, vừa khả ái, khoan hòa. Nỗi niềm thời cuộc, nỗi lòng “tri thiên mệnh” của tuổi già đau yếu, nỗi nhớ Ðông Hồ, tấm lòng với đất và người của cả hai không khỏi làm người đọc bùi ngùi...
Ðó là tình yêu với thiên nhiên khiến Nguyễn Hiến Lê không nỡ giẫm lên các nhị trắng của hoa mận rơi trên sân. Là nỗi đau đáu của Quách Tấn về nấm mồ của thầy Tản Ðà, về bao nhiêu điều đã viết và sẽ viết về đất và người Bình Ðịnh - nơi ông sinh ra. Là nỗi băn khoăn của Nguyễn Hiến Lê khi ít nhà xuất bản nào chịu in cũng như ít ai chịu khó đọc các cuốn địa phương chí: “Lạ quá [...] Quê hương mà họ không chịu tìm hiểu thì họ tìm hiểu cái gì?...”. Là lời xin lỗi của Quách Tấn khi phải viết thư bằng máy đánh chữ gõ thật nhẹ, bởi cây bút máy gắn bó 15 năm vừa gãy ngòi...
“Có một người đọc với đôi mắt sâu sắc và tấm lòng rộng rãi như ông là đủ rồi”, Quách Tấn viết như thế trong thư gửi Nguyễn Hiến Lê. Người tự nhận mình “kém đức tự tin” như Quách Tấn chắc sẽ càng tin “văn mình không đến nỗi mồ côi”, khi tập thư này đủ làm người đọc tự thấy thiệt thòi nếu không tìm đọc các tác phẩm của ông và người bạn tri âm Nguyễn Hiến Lê.
P/S:
Bài đã in trên Tuổi Trẻ nhật báo.
Mẩu này viết vội để in báo, sau một đêm đọc "gấp" quyển sách. Không hài lòng, vì biết bao điều chưa tận ý, muốn viết lại cho Mul nhưng lười quá, lần lữa mãi. Thôi post tạm mẩu này, chỉ để bạn bè nào quan tâm thì tìm đọc Những bức thư đầm ấm - cuốn sách mà mình có nhắc đến trong một entry: "vị thanh tuyền từ cuốn sách nọ còn thấm tận đáy lòng".
Với mình, đây là một cuốn sách hiếm hoi đẹp và lành đúng nghĩa. Đẹp và lành, như một lời kinh vang trong núi, như đóa mai vàng bên suối trong, khiến người "cảm" nó không khỏi rưng rưng, tạ ơn những kiếp người vô lượng...
Mẩu này viết vội để in báo, sau một đêm đọc "gấp" quyển sách. Không hài lòng, vì biết bao điều chưa tận ý, muốn viết lại cho Mul nhưng lười quá, lần lữa mãi. Thôi post tạm mẩu này, chỉ để bạn bè nào quan tâm thì tìm đọc Những bức thư đầm ấm - cuốn sách mà mình có nhắc đến trong một entry: "vị thanh tuyền từ cuốn sách nọ còn thấm tận đáy lòng".
Với mình, đây là một cuốn sách hiếm hoi đẹp và lành đúng nghĩa. Đẹp và lành, như một lời kinh vang trong núi, như đóa mai vàng bên suối trong, khiến người "cảm" nó không khỏi rưng rưng, tạ ơn những kiếp người vô lượng...