Rating: | ★★★ |
Category: | Other |
Vì tôn trọng nhu cầu được sống thành thật là chính mình, nhu cầu được hạnh phúc theo cách của mình - nhiều phụ nữ bản lĩnh đã khước từ hôn nhân với mục đích ghép đôi và đẻ con, hoặc để đẹp lòng bố mẹ.
Nhà báo Uyên Ly có thể là đại diện tiêu biểu cho một lớp phụ nữ mới: xinh đẹp, hiện đại, giỏi giang, chủ động với cuộc sống của mình, biết nâng niu bản thân. Uyên Ly bài bác hôn nhân chỉ để chạy trốn cô đơn hoặc vì “những mưu cầu kinh tế”. Với chị, những phụ nữ độc thân có thể tận hưởng cuộc sống mình đã lựa chọn đang dần là chuyện không hiếm.
* Về bản năng, tôi tin mọi phụ nữ đều mơ ước mái ấm. Khi quyết đơn thân, có phải vì người phụ nữ bị mất niềm tin vào hôn nhân và đàn ông? Hay họ muốn xác nhận giá trị bản thân (khi không cần ghép lại với “nửa kia của thế giới”, cuộc sống của họ vẫn hoàn hảo)?
- Tôi không phải là người quyết đơn thân. Tôi tin tưởng rằng mình có thể đem lại hạnh phúc cho người đàn ông bên cạnh mình và ngược lại, tôi tin có người đàn ông muốn làm tôi được hạnh phúc.
Với những trường hợp mất niềm tin mà chị nhắc đến, có lẽ họ đã trải qua hoặc chứng kiến những biến cố trong mối quan hệ khiến họ trở nên sợ hãi. Bản thân tôi cũng đã từng sợ hãi như vậy vì tôi đã chứng kiến cuộc chia tay của bố mẹ và tôi rất sợ phải lặp lại những kinh nghiệm tương tự. Khi tôi bắt đầu yêu, trong tôi nảy sinh những mâu thuẫn. Một mặt, tôi muốn được yêu và yêu người khác, một mặt tôi thiếu niềm tin vào tương lai. Tôi luôn sợ mình không có hạnh phúc lâu bền, tôi sợ đổ vỡ. Chính nỗi sợ đã gây ra những suy nghĩ tiêu cực đầu độc những mối tình của tôi và chúng tôi ngày càng xa nhau. Sau vài mối tình thất bại, tôi đã tự nhìn lại bản thân mình và nhận ra rằng chính nỗi sợ hãi của bản thân mới là kẻ thù của mối quan hệ hạnh phúc và lành mạnh.
Với trường hợp xác nhận giá trị bản thân mà không cần đến sự ghép lại với “nửa kia”, tôi cho rằng đó là điều tất yếu mà mỗi cá nhân cần phải làm để sống hạnh phúc, dù sống một mình hay sống với người khác, bất kể là nam hay nữ. Mỗi cá nhân phải lành mạnh thì mới có thể có mối quan hệ lành mạnh với người khác. Tôi đánh giá cao những người sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của mình với người khác vì chia sẻ là một phẩm chất quý giá. Nhưng đừng đánh đồng chia sẻ với chạy trốn cô đơn, dựa dẫm về kinh tế, hoặc lợi dụng lẫn nhau.
* Theo quan niệm thông thường, đàn bà ngoài 30 không lập gia đình sẽ "mất giá", đôi khi là nỗi lo lắng (thậm chí đến mức xấu hổ) của các bậc phụ huynh. Nhưng thực tế, ngày càng nhiều phụ nữ chủ động sống độc thân, để được lựa chọn cách sống đúng ý nguyện mình nhất. Đang tạm thời đơn thân, bạn gọi cuộc sống của mình ở trạng thái này là tận hưởng hay chấp nhận?
- Tận hưởng là một sự chủ động, trong khi chấp nhận là thụ động. Mỗi người được trao cho một cuộc đời quý giá để làm chủ nó, tại sao lại có thể buông xuôi hay chấp nhận được? Tôi sẽ phê phán bản thân mình nặng nề nếu tôi đánh mất sự chủ động. Bởi vậy tôi chọn sự tận hưởng. Tôi tận hưởng và nâng niu mọi điều, kể cả sự cô đơn và nỗi buồn.
Còn nếu lấy hôn nhân là mục đích, nếu lấy hôn nhân là việc cần làm để cho “có giá” đúng với quan niệm thông thường, để cho phụ huynh khỏi xấu hổ với thiên hạ thì có lẽ tôi đã lấy chồng lần đầu từ năm 22 tuổi, và có lẽ đã kịp ly hôn vài lần vì không hạnh phúc. Tôi đang tạm thời đơn thân là bởi vì tôi đang tìm kiếm người phù hợp để được tận hưởng hạnh phúc lâu dài mà thôi.
* Mẹ bạn, nhà văn Võ Thị Hảo đã ly hôn và “chiến đấu với đời” để nuôi dạy con khi hai chị em bạn vẫn còn nhỏ. Thành thực, bạn có ước đừng xảy ra quyết định đơn thân đấy của mẹ?
- Tôi chưa có dịp trao đổi nhiều với bố mẹ về quyết định ly hôn của họ, dường như tôi vẫn hơi e ngại khi chạm vào nỗi buồn của gia đình mình. Nhưng tôi thấy mẹ tôi có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc hơn sau khi ly hôn. Bố tôi cũng đã tìm người một người phụ nữ phù hợp để lập gia đình và sinh con, và hiện tại đang hài lòng. Có lẽ những nỗi buồn quá khứ vẫn còn ẩn giấu đâu đó, nhưng trong hiện tại những gì mà tôi chứng kiến khiến cho tôi nghĩ rằng ly hôn là quyết định đúng đắn của bố mẹ tôi. Nếu họ ở bên cạnh nhau chỉ để khỏi mang tiếng “đơn thân”, tôi sẽ rất đau khổ bởi vì việc ở bên nhau mà không có tình yêu sẽ chỉ là sự giả tạo. Nếu họ chỉ ở cạnh nhau chỉ để có người chăm sóc con cái mình thì điều đó không khác gì việc thuê ôsin, và tôi cũng sẽ rất đau khổ. Tôi không muốn bố mẹ, và cũng không muốn bất kỳ ai lấy hôn nhân để mưu cầu sự nhàn hạ, hay để lợi dụng người bạn đời của mình. Nếu không yêu nhau và làm được điều tốt cho nhau nữa thì nên chia tay. Cũng đừng viện lý do “con cái khỏi bơ vơ” để tiếp tục ở cạnh nhau trong khi tình yêu đã hết. Con cái luôn nhạy cảm với môi trường thiếu đi tình yêu. Khi chứng kiến bố mẹ “giả vờ”, con cái chắc chắn sẽ bị tổn thương và thậm chí sẽ gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng các mối quan hệ trong tương lai.
Khi chia tay, mẹ tôi phải làm việc rất vất vả để chăm sóc đầy đủ cho hai chị em tôi. Chúng tôi rất thương mẹ, và cũng rất vui vì thấy rằng vì chúng tôi mà mẹ mạnh mẽ hơn. Mẹ vẫn có thể làm những công việc mà mẹ yêu thích. Mẹ tôi vẫn xây dựng được sự nghiệp văn chương và báo chí ngày càng dày dặn. Điều tôi ước là bố mẹ nên chia tay sớm hơn, đừng vì chúng tôi mà ở lại với nhau lâu đến thế.
* Không khó khăn để thấy rằng, phụ nữ độc thân phải đối diện với không ít áp lực như là đàn ông hay ho đều có nơi chốn (trong khi mình vẫn “ở lại”), hay phải gánh vác kinh tế, vui buồn không có người chia sẻ, rồi lạc lõng trong đám đông đôi lứa và đám bạn bè nheo nhóc con cái, rồi lo đối phó với những thăm hỏi đầy tọc mạch về lý do muộn chồng... Vậy phản ứng lo ngại giùm hay thương hại cho những người phụ nữ độc thân của mọi người là có lý đấy chứ?
- Một là khi bạn tự coi mình là nạn nhân thì người ta sẽ thương hại bạn. Nếu lâm vào tình trạng tự coi mình là “nạn nhân” này, tôi cho rằng người độc thân phải xem lại chính mình. Dường như họ đang đặt cược hạnh phúc của mình vào phía bên kia của sự độc thân, họ cứ mơ mộng về những chàng hoàng tử và nàng công chúa nào đó ở phía đường chân trời và rồi cảm thấy tự thương cho tình trạng lẻ loi của mình. Họ quên mất rằng hoàng tử và công chúa sẽ không xuất hiện nếu họ không tự chăm chút và nâng cấp bản thân. Nếu bạn cứ ngồi than thân trách phận thì bạn sẽ tìm thấy sự thương hại. Lâu dần người ta sẽ mệt mỏi vì lối suy nghĩ ích kỷ và tiêu cực của bạn.
Trường hợp thứ hai là khi người độc thân hoàn toàn hài lòng với mình nhưng vẫn bị người xung quanh thương hại. Chúng ta thường vấp phải cái nhìn thiếu cởi mở và mang tính áp đặt trong các quan niệm thế nào là hạnh phúc, thế nào là ổn định, ví dụ: “phải lấy được chồng mới là hạnh phúc”. Tôi có một người bạn lâu ngày không gặp. Bạn ấy tròn mắt lên vì ngạc nhiên và tỏ ra rất ái ngại sau khi tôi nói với bạn ấy rằng tôi chưa có gia đình. Bạn ấy hỏi tôi: “Tại sao lại thế?”. Tôi không biết phải trả lời bạn ấy ra sao, bởi vì với tôi việc độc thân là hoàn toàn vui vẻ và không có gì đáng ái ngại cả. Dần dần tôi tin rằng sự hạnh phúc của mình sẽ tỏa ra xung quanh và sự “ái ngại” không đáng có này sẽ chấm dứt.
* Là bạn, nếu cần phải thuyết phục để những người thân yêu được tin (và yên tâm) rằng đời độc thân của bạn hoàn toàn không điên rồ và mạo hiểm - bạn sẽ chứng tỏ thế nào?
- Ôi, chị cứ tưởng tượng đi, nếu chị lấy phải một anh chồng vũ phu và ích kỷ, thì lúc ấy chính bố mẹ và những người thân của chị mới xót xa. Họ sẽ rất thương và rất giận chị. Họ sẽ trách chị là người dại dột, điên rồ và mạo hiểm. Còn nếu chị cứ sống vui vẻ và có ích dù bên cạnh không có người đàn ông nào, năng lượng tích cực và sự yên tâm sẽ tỏa ra xung quanh và những người thân của chị sẽ rất hài lòng khi thấy chị hạnh phúc.
* Có thể xoay chuyển tình thế đành độc thân (vì chưa tìm được “đối tác” vừa ý chẳng hạn) sang trạng thái tận hưởng, sống sảng khoái và hào hứng với đời độc thân - bằng cách nào?
- Hãy chấm dứt việc coi mình là nạn nhân của tình trạng độc thân và trao cho mình quyền chủ động để quyết định và lựa chọn. Hãy làm cho mình khỏe mạnh, đẹp đẽ, làm nhiều việc có ý nghĩa và sẵn sàng chia sẻ với người khác. Lúc ấy sẽ có rất nhiều người yêu thương mình và mình chỉ việc chọn lấy người mà mình tin yêu nhất. Sau khi chọn được rồi thì hãy cố gắng làm cho cuộc đời của người đó và cuộc đời của bản thân đẹp hơn và ý nghĩa hơn.
Tin tôi đi, chỉ có những người ích kỷ mới không có hạnh phúc. Những người ích kỷ không thấy nhìn thấy ai khác ngoài bản thân mình, trong họ đã chứa sẵn mầm mống cô đơn. Họ đòi hỏi người khác làm điều tốt cho mình, song họ không chịu chia sẻ và đem lại điều tốt cho người khác. Họ chỉ muốn nhận mà không muốn cho. Khi không đánh giá cao việc cho và nhận, họ sẽ thiếu đi cảm giác biết ơn - mà cảm giác biết ơn là một trong những yếu tố căn bản của hạnh phúc và sự hài lòng. Họ sẽ là một hành tinh xa lạ, đau khổ và lạnh lẽo...
Theo Phunungaynay.vn