Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

Đâu khoảng đầu tháng tư, nghe giang hồ nói thi sĩ Tô Thùy Yên mới về nước. Ngày cuối tháng tư, mình đọc lại bài này của ông - viết vào tháng 7 năm 1985 (?), sau 10 năm "mộng dữ", 10 năm làm "người tù cải tạo"....Bài này có nhiều câu hay "thần sầu", hay đến nhức xương người đọc...

Đọc một bài thơ hay, đủ thấy 1 ngày sống đáng 1 ngày sống :). 

Tận hôm nay, mới đọc được nhận xét rất giàu hình ảnh này của nhà thơ Thi Vũ (cũng là nhà thơ mình yêu thích) về thơ Tô Thùy Yên: Ngôn ngữ thơ Yên mới và linh diệu. Tiết điệu thơ mạnh và hùng. Người đọc như kẻ trôi bè trên dòng nước xiết. Càng về sau, thơ Yên toàn bích như rừng, như đá núi dựng sững qua khắp dãy mùa trời...

Ta về

Tiếng biển lời rừng nao nức giục 
Ta về cho kịp độ xuân sang


Ta về - một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp 
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm, mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá 
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín 
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu...

Ta về như bóng chim qua trễ 
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước? 
Núi lở sông bồi đã lắm khi...
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?

Ta về cúi mái đầu sương điểm 
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa 
Làng ta, ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội 
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy 
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức nghe buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ 
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa, người ơi!

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ 
Mười năm, người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm, bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng 
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài quãng vắng?
Phải, ôi vàng đá nhắn quan san?

Lời thề truyền kiếp còn mang nặng 
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm, ta vẫn cứ là ta

Ta về như tứ thơ xiêu tán 
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ 
Nhà thương khó quá, sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa...

Ta về khai giải bùa thiêng yểm 
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!
Hãy kể lại mười năm mộng dữ
Một lần kể lại để rồi thôi

Chiều nay, ta sẽ đi thơ thẩn 
Thăm hỏi từng cây những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá 
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già như vậy
Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu...

Con gẫm lại đời con thất bát 
Hứa trăm điều, một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Hạt lệ sương thầm khóc biến thiên

Ta về như tiếng kêu đồng vọng 
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa 
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất 
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát...
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm

Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa 
Đêm chưa khuya lắm, hỡi trăng tà!
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Bước chạm khua từng nỗi xót xa

Ta về như giấc mơ thần bí 
Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui
Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng
Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi

Bé ơi, này những vui buồn cũ 
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen

Ta về như nước tào khê chảy 
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất?
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

Người chết đưa ta cùng xuống mộ 
Đêm buồn, ai nữa đứng bờ ao
Khóc người, ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc, ôi ngày một một hao

Ta về như bóng ma hờn tủi 
Lục lại thời gian, kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây, nền cũ nhà hương hỏa 
Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức?
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ 
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta

Tô Thùy Yên

P/S: Và cũng mới đọc nhận xét của một bạn văn của ông trên mạng: "Giả sử, không có cuộc chiến Việt Nam. Thơ ca miền Nam vẫn có Tô Thùy Yên nhưng không có bài thơ Ta về [...]. Triều đại có hưng vong, chiến tranh có kết thúc. Lịch sử có sự công bằng cho con chữ thẳng ngay, không tố giác nhưng không khuất phục, bỏ qua… Thái độ bình tâm nhả chữ khi viết về lịch sử là khí độ của người cầm viết [...]. Từng câu chữ trong Ta về là một thế giới của sáng tạo thơ từ và tâm cảm trùng trùng trong hạn hẹp của ngôn ngữ…".
 

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Như lý tác ý

from: langmai.org
Nửa đêm, ngồi xuống thở, mở trong mobile pháp thoại Năm tâm sở biến hành, khi tăng thân Làng Mai vừa hát đến câu "Con xin nguyện sám hối tất cả" cũng là lúc nước mắt người ngồi rơi xuống lòng bàn tay để ngửa...Như một gánh nặng vừa trút đi một ít.

Bởi bài hồi hướng như một ánh đèn cao áp rực sáng đột ngột soi vào góc tối của mình, thấy sự vẩn đục đã đóng từng lớp dày, sự khát ái đã trở thành con đường mòn cho tâm ý đi - về, thấy mình thật tệ khi biết có một nẻo vô minh mà vẫn cứ trượt vào...

Rớt nước mắt, bởi còn nhớ quá mình - của - 10 - năm trước. Nhớ hình ảnh "con bé" quả quyết đi xa một mình, "con bé" ngồi ăn trưa ở Đàn Nam giao trong sự "im lặng hùng tráng", ngồi ở thiền đường Bát Nhã, ngồi cả buổi chiều không chán trong một góc chánh điện Từ Hiếu... Những cuộc ngồi hạnh phúc.

"Mất rồi mình của ngày xưa"? Không hẳn là "mất", nhưng ly - nước - lọc - mình đã lẫn thêm màu khác - đục và tối hơn... Ừ, làm sao người ta có thể giữ lại được ánh mắt trong veo của ngày cũ. Sự thuần khiết đương nhiên sẽ mất đi theo thời gian? Nhưng không, đừng bao biện. Thời gian đâu có lỗi. Và càng sống, ngược với sự lão hóa của cái túi da này, tinh thần há chẳng phải lá thứ duy nhất phải mạnh mẽ hơn sao? Để "như lý tác ý", để lọc bụi bẩn, để không chìu chuộng những ham muốn tầm thường.

Mình lại nghĩ đến V.A. - anh bạn đồng nghiệp cùng sống và làm việc tại Sài Gòn, quen nhau từ một khóa học ở Hà Nội. Thông tin anh và vợ cùng hai con đang chuẩn bị cho con đường xuất gia, tham gia vào tăng đoàn Làng mai đã làm mình "chấn động" nhẹ, với niềm vui khó tả.

Mình vẫn hay nghe những dè bỉu của thế gian với những người xuất gia - dù có tu hay không tu, mình không tranh luận, cũng không nói mình vẫn luôn tin, rất tin vào sự trả ân, báo hiếu của người - tu - đúng - nghĩa, những đóng góp vi diệu của những người bị cho là "lánh đời" ấy đối với hạnh phúc của chính họ lẫn của tha nhân. Như với V.A. thôi, lúc anh chỉ đang là cư sĩ như lúc này, những cuộc gặp có anh -  trong nhóm bạn 7 người SG quen nhau ở HN ấy - bao giờ cũng được bao phủ bởi một bầu không khí hỉ lạc. Có thể có những người không nhận ra năng lượng chánh niệm và an lạc đến từ một người khác, nhưng nó là có thật.

Nói chuyện với V.A., hai chữ "xuất gia" lại trở lại với mình, như một tiếng gọi yêu thương....

Khởi nghĩ đến những người - biết - sống - một mình, biết - sửa - mình, cũng như "niệm" về những "nẻo về" như những ân sủng lớn mình đã có được, ta sẽ biết quay lưng với con đường mòn có mùi dục lạc, nâu ơi!

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Ngựa thép

Trước kia tôi vẫn nhìn nhận con người dựa trên chuẩn mực đạo đức chung chung, soi xét, chấp nhận hay từ chối họ cứng nhắc. Càng về sau này, tôi càng lãnh đạm hơn với các đánh giá dựa trên những giá trị bền vững. Chúng vẫn ở đấy. Người ta vẫn tìm đến chúng khi đưa ra quyết định then chốt. Xã hội vẫn dựa vào chúng để vận hành. Nhưng khoảng trống giữa các giá trị ấy mới tạo nên sức hấp dẫn khôn cưỡng cho đời sống cũng như khiến cho người đang sống trở nên hấp dẫn theo từng cách không ngờ....

(cont)

(Trích từ tiểu thuyết mới của Phan Hồn Nhiên - Ngựa thép - một "tác phẩm nội địa" hay...một cách bất ngờ :))

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

For April, again

Và giữa tháng tư rồi...

Còn thuộc lòng lời xưa viết trên Multiply: Tháng tư nắng chảy trên ngày.... Tháng tư soi một cảm tình tưởng tình cờ tưởng định mệnh tưởng có tưởng không. Ô hay tưởng hay không tưởng, rồi yêu dấu cũng tan như xuân sắc phai tàn...

Nhớ một lời hẹn của năm kia cho tháng tư mà năm nay bỏ lỡ: Hẹn với Huế thương, tìm tình trong gối...

Nhớ, và chợt nghĩ: Răng những tháng tư gần đây thường ít vui...Như ngày tháng này, mỗi sớm tối đi về cứ đọc trong đầu lời (thơ) - mới - nhớ - đã - thấy - buồn của anh Khuê Việt:

Ngôn không thể phút chốc khả khơi niềm u uẩn
Tình lẽ vì mươi năm dọi dài một kiếp?

Trần gian xưa nay (thực ra) mỗi người chỉ đi một đoạn
Kiều kia chảy mãi mà nước đã ngưng tự bao giờ

Ân oán nào ai biết được tự phản nguồn cơn
Mê ngộ phải chăng cũng chỉ là hư ngụy

(Ái ngã bổ)

Thích chữ khả khơi và chữ dọi dài, thích cái tựa dí dỏm đầy hàm ý, mà nhớ luôn cả đoạn "Mê- Ái" này.

Nhưng, có niềm vui lớn phải ghi lại cho tháng tư, cũng từ anh KV: Từ nay, có một ngày đặc biệt để vui cùng hiền huynh - ngày 12-4.

Tạ lỗi tháng tư, xốc lại mình bằng một câu của Mít Đặc dấu yêu: "Cuộc đời sẽ sống động biết chừng nào nếu đôi lúc, mình để yên cho những điều kỳ lạ xảy đến. Vodka có thể uống mình. Và một chuyến du lịch có thể đem mình đi".

Mít Đặc à, nhớ trò. Băn khoăn không biết Cuba chào đón trò thế nào, nhưng yên tâm vì trò luôn có khả năng an trú. Nhớ trò, một đêm dỗ giấc ngủ. Nhận ra tụi mình có thể quên nghĩ đến nhau trong những cuộc vui vầy nhóm này, nhóm nọ, nhưng luôn cần có nhau khi yếu lòng. Như một buổi chiều ở Chiêu. Như cái hôm Boston- Sài Gòn. Như ...rất nhiều khi "thầy" vẫn nghĩ chỉ có trò đọc ra cái quái quỷ gì, cái "tên cà chớn" nào làm bạn cười buồn...

Hôm nay từ Đà Lạt, em P.Thành hỏi thăm trò, nhắc nhớ cái hẹn 2012 "3 năm sau" của tụi mình...Làm lòng dạ cứ nôn nao...

"Và một chuyến du lịch có thể đem mình đi". Sẽ đền bù nhé, tháng tư!

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Ngày thơm bên lá

Bạc Liêu, xuân Giáp Ngọ

Khoảnh khắc này, hình ảnh này đủ "em ấy" vui suốt một mùa, và nhiều mùa nữa, nếu chưa kịp có niềm hân hoan nào khác chồng lấp lên...

Biết ơn thật, một đồng rau, một đường thơm, một ống kính. Biết ơn mình - của - khoảnh - khắc - đó. Em ấy nhớ nó khi niềm vui vắng - mặt - ở-  bên - trong, như tựa vào niềm tin: niềm vui luôn ở quanh mình. Em ấy nhớ nó khi vui, như niềm tin: hạnh phúc ở ngay trong mình, giản dị biết chừng nào...

Đã không ngờ "cánh đồng thơm" này trở thành một ký ức lâu bền đến vậy...Nên thèm đi quá - nhiều cuộc, cho "nửa đời hư" còn lại.