Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Quên - nhớ đồng quê

"Tôi biết khóc cũng vô ích vì tất cả phải chờ đợi..."

Mình không nhớ có khóc khi đọc truyện của ông Thiệp không, nhưng phim của ông Minh thì làm mình khóc, cái phim Thương nhớ đồng quê.

Mình nhớ mãi cảnh Nhâm đạp xe trên đồng, và những câu thơ vang lên, với cái giọng 17 âm ấm, trầm buồn, buồn chảy nước mắt: Ai nhặt cho tôi buổi sáng mai này/ Nhặt được ánh hoang vắng trong mắt em gái tôi/ Nhặt được sợi tóc bạc trên đầu mẹ tôi/ Nhặt được niềm hy vọng hão huyền trong lòng chị dâu tôi/ Và nhặt được mùi vị nghèo nàn trên cánh đồng quê...

Mình chưa bao giờ có cảm giác "đói đồng" như những người sinh ra ở làng, lớn lên ở làng. Dù những ngày mình còn oe oe khóc (khóc suốt vì xấu tính :(), là những ngày từng miếng khoai, hạt gạo trong nhà được đổi bằng những buổi cúi mặt trên đồng. Những nhọc nhằn cũng giấu biệt trên đồng.

Khi nước mắt đã biết chảy ngược vào trong, thi thoảng mình cũng "nhớ đồng" qua nỗi nhớ của người khác. Để luôn luôn, thấy mình vô dụng trước bao lầm lụi của phì nhiêu. Thấy nhiều việc mình làm vô nghĩa.

Xa Phan hơn 10 năm, chẳng còn thương nhớ. Biết cuống rốn mình chôn ở đâu, sao nhiều lúc hoang mang thấy mình thiếu một quê hương thật sự ở trong lòng. Đất không bạc, thì chắc là mình bạc? Vì đâu?

Đỗ Tiến Thụy với Vết thương thành thị

Vết thương thành thị (NXB Trẻ) tập hợp tám truyện ngắn. Là tập truyện ngắn hay khi truyện nào cũng có được cái tứ đặc sắc và chinh phục độc giả ngay từ cái tứ ấy. Lấy tên truyện Vết thương thành thị làm nhan đề chung, nhưng cả tập truyện vẫn là bi kịch của nông thôn.

Họ nhà Vòn, Người trong núi, Gió đồng se sắt, Sóng ao làng, Sang mùa..., mỗi câu chuyện đều cắt một vết dao rất ngọt vào lòng người đọc về những nỗi buồn chưa bao giờ dứt, bởi chiến tranh, bởi đói nghèo, bởi cả sự bần cùng trong ý thức. Những phận người rách tươm, trôi dạt. Những u nhã thanh tao mất dần bởi những xô bồ ô trọc. Những bủa vây chật hẹp của lòng người. Cái tình tìm thấy được, sự bảo bọc nhỏ nhoi có được, vì thế, vẫn mang mùi đắng đót...

Nhưng bi kịch của nông thôn từ lâu không chỉ có ở làng. Cái bi kịch mới hơn trải dài ra phố thị, ra tận xứ người với những thân phận tha hương. Sự đổi đời thì xa vời vợi, chỉ có công việc quần quật, sự tủi hổ và những đổi chác chết người giăng mắc. Tâm thức “làm thuê” được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhập nhoạng giữa cái đói, cái nghèo. Cái bi kịch mới ấy làm người đọc xót hết lòng qua chuyển tải của tác giả trong hai truyện ngắn Lênh đênh Vết thương thành thị.

Trong khi không ít tác giả trẻ khác loay hoay khai thác cái tôi - nhiều day dứt mà ít trải nghiệm, Đỗ Tiến Thụy lại có ào ạt những câu chuyện kể đầy chất hiện thực, ngồn ngộn chi tiết đời sống. Những câu chuyện dường như đi ra từ chính cánh đồng quê chiêm trũng Bắc bộ - nơi anh sinh ra và từ núi rừng Tây nguyên - nơi anh gắn bó một thời trong quân ngũ. Văn phong vì thế cũng có chất khoáng đạt của núi rừng, cái khí khái của người lính, lẫn cái nồng ấm thao thiết của thôn quê.

"Tôi một chú cua đồng vụng dại/ Nguệch càng trên thửa ruộng làng Bùi/ Những con chữ ngoi ra từ bùn đất/ Vương mồ hôi và nước mắt em tôi"... Đỗ Tiến Thụy “giới thiệu” về mình trên blog bằng những dòng ngắn ngủi ấy. Sau tập truyện ngắn Gió đồng se sắt (NXB Thanh Niên) và tiểu thuyết Màu rừng ruộng (NXB Trẻ), tập truyện thứ ba này khẳng định thêm sự định vị mà bạn bè trong giới đã gọi “gã cua đồng”: cây bút trẻ của nông thôn. Nhưng không chỉ thế, Đỗ Tiến Thụy còn hứa hẹn anh có thể bứt phá nhiều hơn ở các không gian khác, với những câu chuyện trẻ trung chua cay hóm hỉnh của thời đại ảo, như "Nơi không có sóng xì phôn" trong tập sách này.

P.S: Bài đã in Tuổi Trẻ ngày 24-4-2009

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Mỗi ngày tôi bịa một ước mơ

Nghe sếp kháo với mọi người là mình đang có xu hướng "nổi loạn". Có không ta?

Lâu nay vẫn nghịch... ngầm thôi mừ. Không nghịch thì lấy gì vui đời :D

Lys thơm quá, chắc vì do mình tự cắm, hehe. Lan thì giấu hương. Nếu mỗi ngày tôi bịa một ước mơ, hôm nay mình mơ có một vườn hoa riêng - be bé thôi, mà thơm thơm dại lòng. Không phải cắm trong bình, để tự nở trên cành, tự về với đất, chẳng thiu ;)

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Lull

Nhắm mắt
nhắm mắt đi nâu
mở lại những bình yên ngủ mãi

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Dẫu hoang tàn ngã đổ



Cây ơi có còn xanh
giữa hoang dã đại ngàn

Ta ơi có bình an
giữa hoang hoải lòng mình

Rừng chia cắt cưu mang
hoang tối những phận người

Người ơi có bên nhau
thăm thẳm cuộc đời này

dẫu hoang tàn ngã đổ
dẫu mệt nhoài cuồng say…

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

Entry được tặng khi còn...hồn nhiên


Ngoan nào khờ dại của ta
Bao nhiêu hờn giận chỉ là gió thôi
Đến rồi đi nhé gió ơi
Để cho cỏ lặng trên đồi yêu thương

(Nằm yên nghĩ chuyện vô thường
Hồn nhiên là một... con đường chông gai!
Em hồn nhiên, em ban mai
Rồi em cứ định vậy hoài sao em?! )

K.A.

P/S: Đã qua rồi hồn nhiên, và lâu rồi cũng chẳng hờn giận gì ai cả, đã bắt đầu bình lặng trước những đến - đi...

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2009

Trốn giang hồ


Chẳng mong ai tìm thấy, ngoài những bạn bè thân thiết thân. Đó là cảm giác của mình khi về chỗ này. Tạm biệt 360, lòng mình cũng không chút lưu luyến. Những buồn vui đã có, để gió cuốn đi...

Mình mệt rồi ư?

Nhưng lật trang mới, nghe ra lòng vẫn còn tươi mới. Để đùa vui.