Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Lòng ta rối vụn chuyện gì

(tuyệt không phải chuyện gái - trai)

Nàng bảo entry nào của mi cũng …u hoài, nghe mà ngại viết quá!

Nàng không biết, có những người chỉ viết khi người ta sầu muộn hay cô độc quá chăng? Những trang viết vì vậy nằm ngoài những rộn ràng không phải không có. Những tiếng cười đã có người nghe thấy. Những nụ cười đã ghi  trong mắt người. Những ríu ran của tay cầm tay, người tựa người đã có hình có ảnh.

Nhưng còn cái sự sầu biết đổ vào đâu? Ta gọi kẻ tri âm ngồi lại nơi này, nghe ta than vãn? Hay ta bí bách đến phải gọi “này, nói câu gì cho em cười đi!”? May sao, sở trường trong mọi chuyện vãn giữa chúng ta vẫn là những ba láp, ba sàm. Ngay cả yêu thương cũng ngụy trang trong những lời nửa đùa, nửa thật, để tình yêu…bớt trầm trọng đi. Riết những lời thương rất thật còn ai muốn hiểu, hay nghĩ lời cũng cần khoa trương cho rộn nỗi vui…?

Những cái chật chội của một lòng yêu, một thời đoạn stress rốt cuộc rơi vào... chữ. Nàng thấy đấy. Viết, đôi khi chỉ là để thả bớt khói ngún trong lòng, sau mỗi khi tình (với đời) loang lổ cháy :D

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

23.9.10

“Không người nào có thể tự nhiên trưởng thành trên đời này và có một cuộc sống hoàn hảo mà không có ít nhất một người hiểu mình”

Búi thông thơ dại

Rating:★★★
Category:Books
Genre: Literature & Fiction
Author:Đỗ Doãn Hoàng
Post lại bài điểm sách ni, nhân sau bốn năm, lần đầu tiên mình gặp tác giả Đỗ Doãn Hoàng - Lãng Quân, một chiều SG đẹp... Bao giờ cũng vậy, qua tin nhắn, qua email, và khi gặp, luôn thấy anh đang bắt đầu, đang sống - với hay vừa kết thúc một chuyến đi. Yêu xê dịch, dám đi, dám sống... Nam nhi, với mình, thế là đủ để... ngưỡng mộ ;)

Ngoái nhìn quê hương, nhìn lại phận người...

Gần như là một tự truyện của Đỗ Doãn Hoàng về tuổi thơ của anh giữa núi rừng. Dưới ngòi bút gãy gọn, trong sáng và đầy tính thông tấn, xóm Búi Thông dưới chân núi Ba Vì - không gian chính của câu chuyện - cuốn hút người đọc khám phá một thiên nhiên khoáng đạt và kỳ thú.

Đập Bài Văn, cống Ba Xuân, chằm Trâm, Đá Chông, đồi Lốc, sông Đà, đỉnh Ba Vì…, tất cả đều kỳ vĩ và lung linh dưới cái nhìn của cậu bé Hoàng gan dạ và tình cảm. Sự gan dạ được hun đúc từ một tuổi thơ cam khó và gần gũi với núi rừng, không bị nhốt kín trong bốn bức tường của sự chăm bẵm thường thấy.

Đọc, để cùng thở với dòng chảy kỳ diệu của sông suối, với màu xanh miên man của rừng, với sự vời vợi của núi, và chợt… giật mình: càng ngày, dường như tuổi thơ của mọi người càng lớn lên trong sự xa lạ với thiên nhiên, xa lạ với bao sức mạnh tiềm ẩn của chính mình.

Búi thông thơ dại còn là những ký ức chân thật và cảm động về người bà của tác giả. Là một mà cũng là nhiều thân phận của những người phụ nữ gắn chặt đời mình với “đất lề quê thói”. Cả đời quay quắt với các vụ mùa, nước mắt rơi, mồ hôi rơi, nghèo khó, cơ khổ bất tận mà vẫn mạnh mẽ, vâm váp lạ kỳ.

Người bà ở xóm Búi Thông không biết kể chuyện cổ tích, nhưng chất liệu sống ngồn ngộn và tình yêu đứt ruột bà dành cho những nương chè của đời mình đã trao truyền cho tác giả một tình cảm tha thiết với núi đồi nơi anh lớn lên, để dù đi đến đâu, cũng “mãi mãi mang trong mình những búi thông thơ dại dưới chân núi Ba Vì”.

Những trang văn cuối truyện về cái chết của người bà, đẹp và cảm động đến nao lòng. Khép sách lại, đã thấy lòng nhớ thương một vùng đất của quê hương, thấy gần gũi hơn với những mảnh đời tưởng đâu xa lạ. Nỗi nhớ lan truyền. Bởi tình yêu quê hương, dù đi hết một đời, ta vẫn không thể nào ôm trọn; cũng như làm sao hiểu hết những phận người đã tát cạn mồ hôi đời mình trên mảnh đất này? Nhưng thế hệ sau, trong bước đi dài hơn thế hệ trước, vẫn luôn còn đó những con người luôn ngoái nhìn quê hương, nhìn lại những phận người, để từ đáy lòng, biết ơn từng chồi xanh vừa mọc...

P/S:

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/138315/Ngoai-nhin-que-huong-nhin-lai-phan-nguoi.html

http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=183202&ComponentID=1: Mình cứ "hẹn hò" với Phanxipang từ quyển sách này :)

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/240351/Tuyen-tap-Truyen-ngan-1200-chu.html: Có một truyện ngắn đoạt giải nhì của ĐDH.