Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Sáng nay ta thèm vô núi sâu

Tẻ vui bởi tại lòng này (Nguyễn Du)

Sao chúng ta cứ mải mê đi tìm kiếm niềm vui ở bên ngoài, ở những cái vỏ, những ảo giác, ở một đối tượng mà ta nghĩ có thể mang lại hạnh phúc cho ta?

Mấy hôm nay, trong tâm trạng bất an vì những công việc chưa làm trọn, những lời hứa chưa thực hiện, ta càng thấy, thật  đúng làm sao: "tẻ vui bởi tại lòng này". Và chế tác an, hỷ và lạc khó vô cùng...khi ta đã không Định.

Sống như vầy, có phãi là bừa bãi lắm không? Có trân quý thì giờ đang có không?

Sáng nay ta thèm vô núi sâu
Sáng nay ta thèm lên núi xanh
Ta cấy lòng ta - đất nhiệm mầu
một hạt Tùng thơm biếc mây trong...

Mà "núi" hay "không núi", chẳng phải ở ngay trong tâm thức mi đó sao, Nâu? :D

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Người trên đường

http://hanoigrapevine.com/2013/12/hcmc-music-night-uk-band-rubylux/#.UrbMOdIW3h4

http://www.youtube.com/watch?v=8Yfs0qLMpZ4#t=134

Nghe khúc ca này hơi... xao xuyến. Và xem ban nhạc này chơi, bỗng dưng nhớ đến cậu bé chơi nhạc ở Lào. Một đêm trời trong mát ở nhà hàng Max'sHôm đó em mặc áo đỏ, đội chiếc mũ nỉ đen, đi đôi giày đen cổ cao, đôi mắt đen nhánh cứ bẽn lẽn cười khi thấy mình giương ống kính máy ảnh về phía em suốt. Biết em ngượng ngùng mà chẳng... tha được. Bởi cách em ngồi, cách hai tay em "chơi" với cái hộp gỗ của mình, đôi mắt biết nói của em trông vừa lãng tử, vừa trẻ thơ, vừa gần gũi....

Ai đi Vientiane, ghé lại Max trên đường Setthathirath dùng bữa tối và nghe nhạc mộc ở đây, biết đâu sẽ nhìn thấy chàng trai bé nhỏ có đôi mắt đen ấy  "của mình" ;))

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Đãy da xương bọc kiếp con người

...
Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng
Thiên hồi khổ ải xúc phù tung
Phong trần đội lý lưu bì cốt
Khách chẩm tiêu tiêu lưỡng mấn bồng
(trích Trệ khách - Nguyễn Du)

...Ta nay cùng lộ, không còn mộng 
Biển khổ trời đưa giục chuyển rời
Xơ xác tóc mai xoà gối khách
Đãy da xương bọc kiếp con người
(Khách ở lỳ)

Hôm "ngắm nghía" tủ sách của thầy N.M., vô tình lật một trang sách trong cuốn Đọc và dich thơ chữ Hán của Nguyễn Du, bắt gặp bài này, ấn tượng mạnh, nhất là câu thơ cuối. Và từ đấy đến nay, câu thơ ấy cứ vang vang mãi trong đầu. Nghĩ "thương" Nguyễn Du quá chừng chừng.

Nhưng hôm đó vội đi, chỉ đọc mỗi bài thơ. Hôm nay search lại "anh Google" thấy có bài này: http://chimviet.free.fr/vanco/phamthaonguyen/pthaong054_trekhach.htm. Tác giả nói thật đúng cảm giác của mình: "Lời thơ đẹp lạ lùng đập ngay vào tim óc, chiếm lĩnh hồn người đọc lập tức, tràn đầy, không suy nghĩ".

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Chú Bách







Ảnh 1 là khoe hình chú Nguyễn Tường Bách - tác giả của nhiều đầu sách mà tôi cực yêu thích. Sách nào của chú "ra", tôi cũng..."gối đầu giường" và mua tặng mọi người. Không ít tác phẩm đã mua trên 10 bản, cũng như với sách của chú Cao Huy Thuần.

Ảnh 2 là khoe...tay nghề ...nhiếp ảnh của bạn tui, biết làm nhòe mơ chân dung cần outnet ;))

Lần thứ hai gặp chú, lòng rất tươi, rất vui...Cảm ơn chú vì một buổi sáng được nghe Pháp. (Dù như chú nhắc: tất cả Pháp hữu vi/ như mộng huyễn, bào ảnh...)

Nghĩ về chú Bách, lúc nào tôi cũng nhớ một câu đã thuộc lòng: "Ta càng bất toàn thì càng có khuynh hướng thấy sai trái nơi người khác". Không nhớ đã đọc từ cuốn sách nào của chú, sáng tác hay biên dịch, nhưng tôi từng note lại hồi thời 360. Và mỗi lần trong tâm khởi...ghét ai, tôi lại nhớ câu nớ, lại tự nhắc mình.

Thật lòng biết ơn những bậc thiện tri thức, những "người thầy" như chú.

P/S: Sáng nay chú Bách cũng nói đến "tâm ngôn", làm nhớ một bài chú viết cho một giai phẩm Xuân: http://paramitalt.blogspot.com/2011/06/bat-tieng-noi-tham.html

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Từ Boston



Từ "tình yêu đang ở trên đường" - tình yêu đang "ngừng tất cả để sống giấc mơ nhỏ của đời mình - đi du lịch một năm".

Mất 22 ngày để "em" về tới Sài Gòn. Đó là bưu thiếp thứ tư nhận từ H., sau bưu thiếp từ Tây Tạng, Mông Cổ và Philippines. Cũng nét chữ be bé ấy, cũng tinh thần hân hoan và cả sự tự tại ấy...

H. viết: "...Cái nhà mái đỏ trong hình là thư viện Boston, chỗ yêu thích nhất của con ở thành phố này. Trong đó rất ấm áp, đẹp, bàn đọc dài và thoải mái, đầy sách, ngồi viết sẽ rất thích. Nhớ thầy lắm. Mai mốt tụi mình lại cùng đi đâu he".

Có thể mường tượng ra gương mặt đáng yêu của H. khi ngồi ở đấy.

Hôm qua vừa xem lại hình H. lúc chúng mình ngồi chờ xe cấp cứu ở phá Tam Giang. Vẫn đáng yêu thế. Nhớ...

"Năm tháng như nụ cười trong mộng", có phải không? Nhưng còn hơn cả thế.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Nuôi dưỡng chân tánh

Suy táp hình hài khởi túc vân
Phi quan lão hạc tị kê quần
Thiên thanh vạn thúy mê hương quốc
Hải giác thiên đầu thị dưỡng chân


(Dưỡng chân, Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Hình hài suy yếu đâu phải là chuyện đáng bàn
Cũng không phải chuyện chim hạc lánh đàn gà
Nghìn màu xanh, muôn vẻ thúy tràn ngập làng nước
Góc bể chân trời là nơi nuôi dưỡng chân tánh của ta

Tôi đọc bài thơ này từ khách sạn V. ở Đà Nẵng tuần trước, trong quyển sách Đường về núi cũ chùa xưa của thầy PA. Thầy gửi tặng từ Nha Trang, năm 2008 nhưng đến 5 năm sau tôi mới nhận được, từ một sư thầy khác, trong một ngôi chùa ở Quảng Trị...

"Nhân duyên" với quyển sách và bài thơ đọc được trong lúc thân thể có phần suy nhược mà tâm cảm chỉ thèm chốn vắng yên khiến tôi cảm động vô ngần...

Tôi về Đà Nẵng để đưa tang Mẹ của một anh bạn vong niên thân quý. Rồi không hẹn mà về Quảng Trị. Cảm động, cũng có thể vì những dư vị khó quên từ chuyến về Ái Tử, Triệu Phong của Quảng Trị - một chuyến đi nằm ngoài dự liệu mà đánh thức trong tôi một suối nguồn an lạc. 

Hiện pháp lạc trú. Hiện pháp lạc trú. Tôi đã có một ngày trực nhận được điều đó. Trong những khoảnh khắc ngồi bán già uống trà với hai sư, trong những giờ phút ngồi đọc Triết học về Tánh không của thầy Tuệ Sỹ, trong buổi cơm chay ở quán Cọ Dầu, trong giấc ngủ dưới mái chùa bên một mệ chưa quen, trong những bước chân vòng quanh sân chùa buổi sớm còn đầy hơi sương, trong khi mở hộp thư đọc được bài thơ đầy thiền vị của anh T.: Nghĩ chồng lên nghĩ/ Tạo thành rừng si/ sớm tối li bì/ Biết đâu nguồn cội...

Thư phòng ấm cúng đầy kinh sách của thầy N.M, nụ cười của ba vị Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát và Phạm Công Thiện trong bức ảnh ngay bàn trà, cỏ cây xanh mát trong mưa ngoài khung cửa...Một khung cảnh "đường trung đoạn tọa tịch vô ngôn"...khiến tôi thành thật nói: "Tịnh độ là đây rồi".

"Tịnh độ" đó khiến sư T. nhớ Trịnh Công Sơn: Tôi mời em về/ đêm gội mưa trong/ em ngồi bốn bề/ thơm ngát hương trầm... Chưa bao giờ lời ca của Đóa hoa vô thường lại hay đến vậy, trong "cảnh giới" trùng ngộ kỳ diệu đến vậy. Và chúng tôi gọi mưa của ngày đêm không dứt ở Triệu Phong  hôm đó là "mưa trong". Mưa trong cứ rơi hoài cũng được, chúng tôi lép nhép thăm Sông cũng không sao, vì những nụ hoa trong trẻo đã không ngừng bung nở trong lòng, như có nắng xuân...

Tôi nghiệm ra, tôi luôn tìm thấy năng lượng an lạc khi "sống" dưới mái chùa. Sao không hạnh phúc cho được,  khi đi, đứng, nằm, ngồi đều "nhắc" mình có chánh niệm. Như thầy dặn khi thức dậy, đặt bước chân xuống nền đất đã nghĩ đến những sinh linh ở dưới bàn chân ấy... Và càng quán niệm, lòng ta càng đầy biết ơn...Biết ơn để hồi hướng niềm an lạc đến tất cả chúng sinh.

Không cần "ngoại cảnh" là "góc bể chân trời", tôi chỉ mong mình luôn có dịp được "trở về" với những ngôi chùa làng. Im vắng và im vắng, giữa những tiếng chuông. Kiếp này còn nặng nợ (!), tôi sẽ nguyện cho một kiếp nào, không gian sống của mình là một ngôi chùa làng - nơi có thể giúp những kẻ sơ cơ như tôi tìm lại và nuôi dưỡng được chân tánh của mình, nuôi dưỡng từng ngày, từng sát na....



Nụ xanh dưới mái chùa...