Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Bâng khuâng nghe tiếng gọi tôi về (*)

Mấy đêm qua vòm trời nhìn từ hiên nhà nở một đóa sao. 
Và giờ hạnh phúc nhất của mình là lúc chào hỏi vì sao vừa lạ vừa quen ấy, khi đi bộ cuối ngày, trong tiếng nhạc của các bài thiền ca yêu thích...

Một trong những bài mình thích nghe hoặc nhẩm hát lúc đi chậm ấy là Tiếng chuông chùa cổ.

Boong boong... Tôi là chuông đại hồng/ ngôi chùa xưa trên đỉnh núi... Lời ca giản dị đó được sư cô cất lên là lòng mình vừa lắng dịu vừa xúc động, như là kiếp nào đã là hạt bụi nép trong một chiếc chuông chùa, như là cái nhu yếu đích thực ngủ quên đâu đó được lay dậy...

Ngẫm ra thì có lẽ mình xúc động vì câu hát có cả 3 hình ảnh mà tâm thức hay vọng về. Tiếng chuông. Chùa cổ. Núi yên... Tất cả như "tiếng gọi tôi về", về với bản thể trong lành đã mãi bỏ bê. Cái tâm thức ấy được xoa dịu bằng những sát na yên lành, dù xa Núi xa lắm Chùa xưa...

Đêm thiền hành hát tặng một vì sao, nhận ra vòm trời vắng sao của nơi này hay ngàn sao của nơi kia thì hạnh phúc của kẻ ngắm nhìn cũng như nhau cả, một khi ta thảnh thơi với cõi lòng thanh tịnh. 

("Cõi lòng" có thể coi là cách nói giản đơn của Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp vậy. "Ba nghiệp lắng thanh tịnh" - 5 chữ ấy đủ cho ta thực tập cả đời mà mê vẫn nhiều hơn tỉnh...:()

Thay vì chỉ hát cho một vì sao, "đi bộ" vào đây gửi các bạn thương bài hát ấy :)

.........

(*) Thơ Nhất Hạnh.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

Ngày mưa đọc thơ Nhiên

Nay nghe một bài nhạc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, có cảm hứng đọc thơ chàng.
Người ơi, sao buồn thế từ lúc cửa hồn chưa bám bụi...
Thương ai ngồi nghe từng gốc tóc/ bạc phần đời quạnh hiu, thương một quê hương điêu tàn và một cõi lòng nhiều tan vỡ... trong thơ.

Nỗi hiu hắt cô đơn cứ bao trùm dù đang tìm kiếm hay đắm đuối trong những ấm cúng giữ gìn nhau. Những u tình luyến thương vĩnh biệt giăng mắc trùng điệp chữ - xuống - hàng như tiên cảm mọi thứ đều sớm chìm rơi trong nỗi chết. Nhân sinh, hay chính thơ chàng, hay chính ái tình, là một dòng sầu miên man đến cuối? Những ngùi trông, luýnh quýnh, hư hao; những tha thiết não nùng u uất ủ dột khổ đau ngậm đắng thở than... của các cung bậc tình ái có hết trong cõi thơ ấy, cõi yêu của ta là chim tuyệt vọng bỏ quên trời.

1 bài tình buồn rất "Tất Nhiên":

Ôi những hàng cây ngơ ngẩn ngơ
Có khổ đau nghe lá hững hờ
Có như ta nửa đời hiu hắt
Muốn chết, sau đôi bận giã từ?
Ôi những hàng cây im đứng im
Ngùi tưởng bao nhiêu lá phụ tình
Có như ta đứng - tàn mơ mộng
Máu vẫn loang từ vết nhân duyên?
(Trích Tàn thu)

Mỗi đời tình, có một thú, chia lyTình xa như bóng nắng để Buồn tôi như bóng lặng lờ in...Thế mà, chàng yêu để mà chi?

Để: Hồn sầu ta bỗng nở/ Thêm một đóa u buồn

Tôi ít đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên vì không muốn ngắm đóa u buồn ấy, nhưng nay thương một ngày mưa mà mải miết tìm, tìm chút vui chàng đã trải, để mừng cùng thi ảnh còn "dậy tiếng mừng" của Nhiên:

Sáng hôm nay có đôi chim se sẻ
ngồi gần nhau như bữa nọ tình ta
chúng chẳng biết chi khổ đau và hạnh phúc
nhưng anh tin rằng chúng biết thứ tha…

Sáng hôm nay khi không bỗng thấy
cửa sổ nào khoảng khoát lại hồn anh
những lòng đường nghe từng lá cây xanh
thương bất cứ bàn chân nào đi bộ…

Sáng hôm nay có đôi chim nho nhỏ
mớm mồi nhau bắng nhắng cả tỉnh vui
chúng cóc biết trời trăng chi hai mà một
Nhưng kìa xem… mỏ chúng mềm như môi…

Sáng hôm nay chưa chi phát nhớ
đôi mắt nào ấm cúng giữ gìn nhau
chúng hỏi với nhau, nào muốn chi nào?
chúng láu cá chơi cái cái tình xí hụt!
Tình yêu dạy anh điều nhẫn nhục
đau khổ dạy anh điều cảm thông
hạnh phúc dạy anh điều ban phát
em dạy anh tất cả, phải không?

Sáng hôm nay anh muốn ai cũng biết
bàn tay nào tươm tất lại đời anh
như những ngã tư cần phải đỏ, vàng, xanh
cho trật tự những thắng, ga, sang số...
(Bài có cái tựa hay: Mới thức)

Giữ cho nhau một chút tình
Giữ cho nhau một ánh nhìn thiên thu
Giữ long lanh, giữ sa mù
Giữ phai nhạt, giữ đền bù nhạt phai
Giữ hương cho thở ngây ngây
Giữ hiu hiu gió đượm dài luyến lưu
Giữ sương mai, giữ sương chiều
Giữ sông trong giọt lệ sầu xưa, sau
Giữ cho nhau một chút nào
Giữ duyên đáp nghĩa đền câu phụ lòng
Giữ thơm không khí phiêu bồng
Giữ mây cho khói mang hồn sông theo
(Tâm hương)

Em có trăng rằm trong đáy mắt
Hồn anh từ đó khảm muôn sao
Tình anh là một trời trong vắt
Chẳng gợn mây, không sợi vẩn nào...

Em có mặt trời trong ánh mắt
Tim anh ngàn phượng nở bâng khuâng
Đường quê tình tự trong anh bỗng
Trùng điệp ve ran dậy tiếng mừng...

Em có sân trường trong mắt nắng
Có trăng huyền thoại tế trung thu
Có sông đời chợt reo vui thác
Là có tình anh đấy - biết đâu!
(Tâm Xuân)

Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu dòng sông
Ngậm ánh trăng non bàng bạc đêm rằm
Sông chở phù sa về ươm lộc mới
Chàng chở tình về cho mắt em ngoan
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu áng mây
Lãng đãng trôi xuôi ngọn thuở mộng dài
Mây ủ mưa hồng thơm hoa kết trái
Chàng ủ tình hồng thả tóc em bay
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu giọt sương
Sớm vẫn ngủ quên trên cánh hoa hường
Sương kết hơi mù mơn man lá cỏ
Chàng kết tình vui hơi thở em nồng
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu luống mạ
Say gió chiều nghiêng kể chuyện thanh bình
Mạ đơm lúa đầy trẻ thơ mau lớn
Chàng đơm tình đầy trong ngực em, xinh
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu mặt trời
Bỏ quên sợi nắng lụa vàng tươi
Mặt trời nổi lửa soi trần thế
Chàng thắp tình soi dáng nhỏ em, lười
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu hy vọng
Bay nhảy siêng năng từng trái tim người
Hy vọng vuốt ve sau lần thất thế
Chàng vuốt ve tình nóng hổi bàn tay
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu cánh gió
Chơi giỡn tung tăng hai vạt áo dài
Gió đưa mây về, trời mưa, bong bóng vỡ
Chàng đưa tình về, xót ngọn cỏ may
(Oanh)

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

In a silent day

Đọc nhân một ngày không nói gì về Ukraine hay Nga:

* Linh hồn không dùng lời nói, nhưng bao quanh lời nói bằng khoảng trống, và đó là sự im lặng. Im lặng là một loại toàn thể. Nó có thể hấp thụ những mâu thuẫn, nghịch lý, và mâu thuẫn. Có lẽ vì vậy mà chúng ta không thích sự im lặng. Không có gì để tranh luận trong im lặng nội tâm đích thực, thế nhưng tâm trí thích tranh luận. Nó cho chúng ta một cái gì đó để làm. Bản ngã yêu thích thứ gì đó có thể đứng về phía mình. Tuy nhiên, sự im lặng thực sự bên trong không cho phép bạn đứng về phía nào. Đó là một lý do tại sao việc chiêm niệm rất giải thoát và thanh thản. Không có bên nào để chọn, chỉ có sự toàn vẹn để nghỉ ngơi - điều này giúp ta tự do để hành động nhân danh tình yêu.

The soul does not use words. It surrounds words with space, and that is silence. Silence is a kind of wholeness. It can absorb contraries, paradoxes, and contradictions. Maybe that is why we do not like silence. There is nothing to argue about in true inner silence, and the mind likes to argue. It gives us something to do. The ego loves something it can take sides on. Yet true interior silence does not allow you to take sides. That is one reason contemplation is so liberating and calming. There are no sides to take and only a wholeness to rest in—which frees us to act on behalf of love. (Richard Rohr, from “Silent Compassion”)

* Khi đánh mất sự tiếp xúc với tĩnh lặng nội tâm, bạn sẽ đánh mất sự tiếp xúc với chính mình. Khi đánh mất sự tiếp xúc với chính mình, bạn sẽ tự đánh mất mình trong thế giới hình tướng. Cảm nhận sâu thẳm về chính tự thân mình, về chính bản chất chân thật của bạn, không thể tách rời khỏi sự tĩnh lặng. Đây chính là cái “Tôi Là” sâu kín của bạn, vượt lên trên tên gọi và hình tướng.

When you lose touch with inner stillness, you lose touch with yourself. When you lose touch with yourself, you lose yourself in the world. Your innermost sense of self, of who you are, is inseparable from stillness. This is the “I Am” that is deeper than name and form. (Eckhart Tolle)

* Tính tâm linh không thể được học hỏi bằng cách chạy trốn khỏi thế gian; nhưng bạn phải học làm sao để vun trồng một sự cô tịch nội tâm ở bất cứ nơi nào và với bất cứ ai. Bạn phải học để nhìn sâu vào trong sự vật và khám phá ra Thiên Chúa ở đó.

Spirituality is not to be learned by flight from the world, or by running away from things, or by turning solitary and going apart from the world. Rather, we must learn an inner solitude wherever or with whomsoever we may be. We must learn to penetrate things and find God there. (Meister Eckhart)

* Đời sống của bạn phong phú, đầy đủ và trọn vẹn. Hoặc bạn nghĩ vậy, cho đến khi có ai đó xuất hiện và khiến bạn nhận ra những gì bạn đã bỏ lỡ suốt thời gian qua. Giống như một chiếc gương phản chiếu những gì thiếu vắng hơn là những gì đang hiện hữu, người ấy cho bạn thấy khoảng trống trong tâm hồn của bạn, khoảng trống mà bạn đã cố cưỡng lại không nhìn thấy. Người đó có thể là người yêu, người bạn hoặc là người thầy tâm linh. Đôi khi nó có thể là một đứa trẻ để chăm nom. Điều quan trọng là tìm thấy linh hồn sẽ làm cho linh hồn bạn trọn vẹn. Tất cả các tiên tri đều đưa ra một lời khuyên giống nhau: “Hãy tìm thấy người sẽ là chiếc gương soi của bạn!”.

Bountiful is your life, full and complete. Or so you think, until someone comes along and makes you realize what you have been missing all this time. Like a mirror that reflects what is absent rather than present, he shows you the void in your soul - the void you have resisted seeing. That person can be a lover, a friend, or a spiritual master. Sometimes it can be a child to look after. What matters is to find the soul that will complete yours. All the prophets have given the same advice: Find the one who will be your mirror! (Elif Shafak, from “The Forty Rules of Love”)

* Con người thường dễ nhìn thấy sai lầm của người khác hơn là sai lầm của mình. Tuy nhiên, trên con đường tự tri - tự tìm hiểu bản thân, anh ta biết rằng anh ta sở hữu tất cả những lỗi lầm nhìn thấy nơi người khác. Có rất nhiều điều anh ấy không nhìn thấy nơi bản thân mình, trong khi lại có thể nhìn thấy chúng nơi người khác. Cũng như thế, những người khác cũng dùng anh ta như chiếc gương để họ có thể nhìn thấy bản thân mình.

It is a common characteristic of human nature that a man sees the faults of others more easily than he sees his own. At the same time on the path of self-study he learns that he himself possesses all the faults that he finds in others. But there are many things that he does not see in himself, whereas in other people he begins to see them. Thus other members of the group serve him as mirrors in which he sees himself. (G.I.Gurdjieff)

----------

(*) anh Xuân Hà chuyển ngữ

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

I enjoy going back to my island




Trời sao.
Đường vắng
Gió ôm từng bước kinh hành.

-------

Buôn AKõ Dhông. Mùng 1 Tết Nhâm Dần. Đi dạo với nhau gần 4km đường dốc. Bầu trời nhấp nhánh sao thưa và cây lá đêm yên mời gọi (một đời sống) hạnh phúc. 

Ở miền đất cao nguyên Buôn Mê, năm nay chúng tôi bắt đầu khởi tạo một "ngôi nhà thi ca" nho nhỏ. Ngôi nhà như một cột mốc để thúc đẩy tôi sớm về với Buôn. Nhưng tôi vẫn chưa biết bao giờ mình có thể buông xả những việc muốn buông để đậu lại chốn này. 1, 2, hay... 5 năm dài?

Mình tìm kiếm điều chi? Một bầu trời sao sáng? Một nơi chốn thiên nhiên tràn đầy mọi nẻo đi về? Một ngồi nhà ấm tình thân thơm cỏ hoa bốn mùa? Hay trên tất cả, một cõi trời Đâu Suất trong lòng chỉ cần quay vào để thấy, để vui thương, dù đang ở đâu, làm gì?

Thương cõi ấy một năm mây mờ...Hứa nhé Nâu, rụt rè, một lời cho năm mới, thắp một vầng trăng tỉnh giác.

Hoa và trái (Thầy Nhất Hạnh trong tôi)




Thầy Nhất Hạnh là một đóa hoa. Hoa sen nở trên biển lửa. Thầy Nhất Hạnh là một đóa hoa. Hoa tường vi nở trên bom đạn chiến tranh.

Biển lửa của chiến tranh đã đưa Thầy ra ngoại quốc. Từ đó, Thầy trở thành Thay, tên gọi kính trọng và thân thương của môn đồ trên khắp quốc tịch. Ngôn ngữ Việt Nam đã được Thầy quốc tế hóa. Người Việt Nam đi đâu cũng làm người Việt Nam. Dù người đó đã trở thành một nhân vật lớn của quốc tế. Dù Sư Ông đã trở thành một thiền sư xuất chúng, vượt lên trên mọi biên giới, mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ. 

Tung hoành trên một thế giới toàn cầu hóa, đại chúng hóa, truyền thông hóa, Thầy đã mang thiên tài Việt Nam của Thầy để quốc tế hóa văn hóa Việt Nam trên khắp năm châu và Việt Nam hóa một tín ngưỡng toàn cầu qua lời nói và màu áo của Thầy. Người Việt Nam, dù Phật tử hay không, và dù đồng ý với Thầy hay không trên điểm này điểm nọ, đều có thể hãnh diện về con người ấy, hiếm có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như trong lịch sử dân tộc cận đại.

Nhưng Thầy Nhất Hạnh là một trái cây chưa thực hiện được vẹn toàn lời hứa với một bông hoa nhỏ bé khi hoa chỉ mới hé nụ trong vườn chùa Từ Hiếu. Nụ hoa thời đó mang một ước mơ riêng biệt Việt Nam, ước mơ canh tân Phật giáo để Phật giáo xứng đáng với vị trí của mình trong tiến hóa của thời đại. Cùng với Thầy, cả một thế hệ trẻ đã nuôi mơ ước ấy. Cùng với Thầy, ước mơ ấy vẫn còn nguyên vẹn là nụ hoa nhỏ trong vườn chùa xưa. Thời cuộc, sợ hãi, chia rẽ, và nhất là cá tính vượt bực nhưng đơn độc của Thầy, đã làm cho trái cây thiếu chất ngọt đặc thù trên miếng đất quê hương. Trái cây đã gieo hạt lành khắp nơi, nhưng hạt dành cho Việt Nam thiếu tố chất thích nghi với đất, thiếu mưa thuận gió hòa. Trái cây đã vượt quá xa lời hứa với nụ hoa Từ Hiếu, nhưng không khỏi làm phụ lòng mơ ước của bông hoa nhỏ bé ngày xưa.

Dù sao, trên tất cả, con người quốc tế nhưng vẫn đậm chất Việt Nam ấy đã nối kết, với tài hoa quý hiếm, quá khứ với hiện tại, truyền thống với thời đại, văn học của thế giới và văn học của Việt Nam qua thiên tài của ngòi bút và phong thái của thiền sư. Tất cả những thiền sư lớn từ ngàn xưa đều là những thi sĩ lớn. Nghẹn ngào trước tin Thầy mất, tôi muốn đọc lại một bài thơ cũ của Thầy, làm từ độ hãy còn là hoa trong Từ Hiếu, trong bối cảnh chiến tranh - bài thơ đã mang tôi đến với Thầy như cả một thế hệ trẻ đồng thời với tôi:

Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi
Vô tình khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa
Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn, và tôi vẫn thở
Nhưng biết bao giờ tôi mới được
Nói những điều tôi ước mơ?

Tôi cung kính đảnh lễ trước Thầy và buồn cho một ước mơ chung chưa thành tựu. Hòa bình thực sự chưa nở trong lòng người. Áo mới cho Đạo gấm thêu quá đẹp vẫn cứ thiếu đường kim mũi chỉ. Áo Thầy may, gấm thêu quá đẹp, nhưng kích thước ấy chưa làm thoải mái hình hài Việt Nam.

Ngậm ngùi, thương nhớ Thầy đến xót ruột, chúng tôi, cả một thế hệ, đành nghĩ: biết bao giờ, biết đến bao giờ, chúng ta có được một thiên tài như vậy, biết bao giờ, biết đến bao giờ, chúng ta có được trái ngọt ước mơ?


P.S: Bài viết đăng trên Giác Ngộ này là một kỷ niệm riêng với tác giả, mình hân hạnh được đọc sớm nhất, cùng chị C., lưu lại đây để nhớ, như nhớ "món nợ tinh thần" với Sư ông...
Cảm ơn chú Thuần.

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Nỗi yêu tuổi nhỏ



Podcast này làm mình nhớ đến ước mơ thuở học trò, đó là trở thành một giáo viên tiểu học. Mẹ mình là cô giáo làng. Gần 20 năm dài, mỗi ngày nhà mình đón hàng chục em nhỏ ở thôn đến học với mẹ. Từ lúc biết đọc biết viết, chị em mình thành “trợ giảng” của mẹ. Suốt tuổi học trò, hai chị em đã cầm tay không biết bao nhiêu bạn nhỏ viết chữ i chữ t, hết lứa này đến lứa khác cho đến khi mình rời quê nhà.

Có lẽ nỗi rung động mỗi lần cầm tay các em nhỏ viết những con chữ đầu đời khiến mình nuôi ước mơ kia.

Giờ mình làm báo, tính ra ước mơ thuở nhỏ không thành :). Nhưng đường đời đã sắp xếp cho mình được gặp những người bạn tuyệt vời để KiraKira và rồi Quỹ Nguyễn Hiến Lê ra đời. Nhờ làm việc cho Quỹ, có được sự trợ giúp của rất nhiều bạn đồng hành, mỗi năm chúng mình được gặp gỡ hàng trăm bạn nhỏ tiểu học, được trao học bổng cho các em học sinh Trung học cơ sở, đồng hành với các em suốt tuổi niên thiếu cho đến khi các em vào Đại học, có nhiều dịp trò chuyện và được truyền năng lượng thơ trẻ từ các em.

“Dự án” Podcast của Quỹ lần nữa cho mình thêm cơ hội lắng nghe các em. Cảm ơn Vũ Trụ đã "trợ duyên"...

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

"Đời cho ta thế hãy cứ sống tới như mọi ai"


Một cảnh mình sẽ - còn - nhớ - lâu trong Things to come (L'avenir): Nathalie đi quanh cánh đồng cỏ tìm một chỗ nằm đọc sách. Một lúc nào đó, cô đã nằm ôm con mèo đen béo ú mà khóc rưng rức, nhưng lúc này đây, quanh cô chỉ có sự tự tại.Trong nhiều khung hình, tri thức được tôn vinh lặng lẽ và cảm động như thế.

Với mình, Tri thức là "nhân vật" vô hình nổi bật ‎nhất của bộ phim. Chính sức mạnh của tri thức đã giúp Nathalie đối trị những điều bất như ý của đời mình một cách điềm nhiên nhất có thể.

Người thân đau bệnh trở nên trái tính trái nết, một tình yêu ngỡ cùng đi đến cuối bỗng đột ngột rời bỏ...là những "sự biến" có thể đến với bất kỳ ai trong chúng ta, nhưng không phải ai cũng có thể đối diện với chúng mà không ít nhiều vật vã, phán xét. Với Nathalie, chính cái Tuệ cô luôn bồi đắp không ngừng giúp cô nới lỏng được những sợi dây phiền não.

Nathalie - một giáo sư triết học tự thấy mình "may mắn vì được đủ đầy về trí tuệ và như thế đủ để hạnh phúc" - chứng minh cho ta thấy: cái Trí ‎sẽ cho người ta cái Dũng để không bám víu, không tựa (hẳn) vào những hạnh phúc đến từ bên ngoài.

‎Bộ phim kết lại bằng ca khúc Unchained melody...cũ mèm nhưng ghép vào phim tạo nên một cách cảm mới: lonely rivers flow/ to the sea‎, to the sea/ to the open arms of the sea. Ừ nhỉ, "Không xa ngậm ngùi và cũng không xa nụ cười.../ Đời cho ta thế hãy cứ sống tới như mọi ai / Mặc dòng sông kia sẽ cuốn đất cát ra biển khơi" (Trịnh Công Sơn)...

Things to come
, nói như anh Lê Hồng Lâm: "Một bộ phim về midlife crisis mà thực ra là cơ hội để khám phá lại bản thân, một bộ phim về sự mất mát nhưng đồng thời cũng là giải thoát, và sự tự do nào để ta bay lên mà ta không phải giải thoát hay từ bỏ một vài điều nào đó, cho dù đó đã từng là những thứ thiết thân đối với chúng ta".

2017

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Những trích đoạn của Phan Thúy Hà


                                                                                        Ảnh: Tự Trung


                              Phan Thúy Hà và một nhân vật trong sách Tôi là con gái của cha tôi - Ảnh: NVCC

“Chúng tôi là những đứa con của lính. Đó không phải là một sự sắp xếp. Ở một đất nước chiến tranh kéo dài hơn nửa thế kỷ, có đứa con nào không phải là con của lính. Cả đất nước là một chiến trường. Cả đất nước là một trại gia binh”. (Phan Thúy Hà, Tôi là con gái của cha tôi, trang 204).

Bài trò chuyện giữa tác giả Phan Thúy Hà và mình - một độc giả không muốn bỏ lỡ tác phẩm nào của cô - cũng ngẫu nhiên là cuộc trò chuyện giữa hai người con của lính. “Con gái người lính bên này hỏi chuyện con gái người lính bên kia” - Hà nói vậy. Những chuyện trò với cô cho mình hi vọng rồi sẽ đến một lúc cái sự bên này bên kia đó được xóa nhòa. Bởi chúng ta đều là nạn nhân như nhau, của những khúc tối thời cuộc...

Sau Qua khỏi dốc là nhà như một tự truyện về tuổi thơ, Gia đình ghi lại lời kể của các nạn nhân nạn cải cách ruộng đất; Những trích đoạn của các anh ra mắt gần đây tiếp tục vệt câu chuyện về người lính mà Hà đã gây ấn tượng mạnh với Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi. 

“Đọc Những trích đoạn của các anh, có những chỗ thầy gấp sách, không dám đọc tiếp ngay vì nhớ đến lúc cha thầy hy sinh, khi thầy mới 12 tuổi” - một người thầy nói với mình. Mình cũng vậy, không ít lần phải gấp sách lại vì ...nghẹn.

Loạt sách rất đáng đọc của Hà khiến mình muốn đưa đến bạn đọc “những trích đoạn của Phan Thúy Hà” qua bài phỏng vấn này trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, hy vọng những độc giả (có) quan tâm lịch sử lẫn văn chương mà chưa đọc Phan Thúy Hà sẽ tìm đọc sách. Và hy vọng, lòng yêu sự thật cùng sức mạnh nội tâm sẽ khiến Hà tiếp tục viết, như cô chia sẻ: “Thương người khổ là bản tính con người. Mãi gần bốn mươi tuổi mình mới nhìn ra được vì sao họ khổ. Nhìn ra được vấn đề thì mình cần phải viết”.

____________

Link bài Tác giả Phan Thúy Hà: Để sự thật không mất đi...: