Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

29.9.09

"Bên em giữa hội trăng vàng/ Thoáng giây mà ngỡ như ngàn năm yêu"
(s1)

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Bây giờ ngồi đây...

1. Bây giờ ngồi đây nhớ cái mùng trên dây phơi. Xinh tươi và mong manh trong gió sớm. Như một lát biển đang bay.

Dây phơi vẫn là thứ mình hay ngắm nhìn - nơi tinh tươm sắc màu sau giặt giũ, nơi người ta phơi phóng mọi điệu đàng, lam lũ. Mình đã vừa gặm ổ bánh mì màu vàng vừa ngắm cái dây phơi màu xanh ấy, vừa nghĩ đến cơn bão. Ăn ổ bánh mì mà như ăn... cái mùng với miền Trung dấu yêu ren rét nỗi niềm.

Bão đang nhích dần. Lý Sơn giờ không thể liên lạc được :(

2. Bây giờ ngồi đây nhớ tiếng chuông cửa buổi sáng. Mở cửa thì không thấy ai. Là vì papa đùa chơi. Để rồi cười mỉm mỉm bước vào khi con gái la lên: “Ba trốn con à?”.

Papa đùa chơi, làm mình nhớ một mùa trung thu xa lăng lắc của thời thơ bé. Trung thu đầu tiên của mình ở Sài Gòn, một chuyến thăm cô. Trò vui của ban ngày là đi nhấn chuông các ngôi nhà rồi ù té chạy, chỉ vì thích nghe tiếng chuông cửa – cái thứ lạ lùng ngoài quê mình chưa hế nhìn thấy, nghe thấy, chạm đến. Và mình không nhớ đã nhấn chuông bao nhiêu ngôi nhà ở cư xá Đô Thành nữa. Ngày trẻ nít, không hề quan tâm đến những nỗi phiền toái giận dữ của người lớn, thế mà vui. Không có những trò đó, làm sao mình nhớ mình đã bé dại hồi hộp ngây thơ quậy tưng như thế nào! :))

Còn ban đêm, trò vui là kéo đèn loanh quanh các con hẻm ở cư xá. Cái đèn của chúng mình là một lon sữa bò đục hàng chục lỗ, một lon sữa bò làm cái bánh xe đẩy. Những chiếc đèn trung thu tự chế ấy - ánh sáng phát ra lung linh hơn mọi chiếc đèn bày bán ở chợ, lung linh như những niềm vui mọc từ mảnh đất làng, mọc từ trái tim thơ trẻ. Ánh sáng ấy, mình tin mãi chưa hề tắt trong ký ức chúng mình, dù mấy trăm mùa trăng đi qua…

Bây giờ ngồi đây nhớ vài gương mặt trẻ nít đã gặp, ở đồi cát quê nhà, ở Mỹ Hiệp, ở Cổ Lũy cô thôn…Em có gì chơi với Tết chị Hằng này, hay em co ro với ngày mưa bão…

3. Bây giờ ngồi đây ước mình đang đi…

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Cho những thiếu nữ buồn

Sao những cái giếng sâu nhất mà ta biết, là những cái giếng buồn đến vậy?

Buồn như sợi dây gàu, rơi trong lòng giếng cũ, tự mục rữa dần trong nước lạnh – nước của tù đọng nào chưa được mở phơi.

Sao không sập cửa đi em, khi bóng tối tràn vào.

Và thắp đi em nhé, chút sáng bên trong. Thứ ánh sáng không sự - bên – ngoài nào làm tắt được.

Thử tình khả đãi thành truy ức. Là lời thơ, là tình, hay là bóng hở em?

Ký ức nào em? Những vầng trăng nơi đáy giếng hoang tàn..

 Không nước. Không trăng. Em lục nhìn chi nữa?

Tôi chờ em – một tiếng sập cửa về dĩ vãng.

Tôi chờ em một nụ cười thơ trẻ, bặt tưởng suy.

Tôi chờ em lung linh ánh sáng bên trong.

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Đi

Trích đoạn lấy lại cho cuốn "Chim rừng Chorao và các bạn" (dự tính viết) ;)):

 

Tối qua, ta xem show của Chanh, có Siu Black và Hồng Nhung, ở Sài Gòn, đi một mình. Ta, bao giờ cũng là những chuyến đi một mình. Ta, những chuyến đi bao giờ cũng trống hoác một khoảng sau lưng. Một mình ta, khoan khoái tan biến vào gió bụi, tan vào những con đường.

Thèm ghê những con đường, Tây Nguyên ơi. Ta về với đại ngàn. Chỉ chạm khẽ, là lăn quay ra vì nhớ.

Mùa xưa, đâu mà phải mùa hoa. Chỉ toàn ngửi thấy hương thơm ngan ngát của hoa cà phê và hoa điều lộn hột. Những bông cúc quỳ quá lứa, thì vàng đến buồn ứa ruột. Những cây gạo đỏ hoe trơ trọi và ngơ ngác. Ngơ ngác và nao lòng như mắt đứa trẻ Tây Nguyên đi nhờ xe ta về làng.

Những đứa trẻ bé như cái kẹo, tóc cháy nắng, người khét khét, mà môi mắt long lanh như sương đọng vệt cỏ vào buổi tinh mơ bên hồ Dak Mil. Đứa ở Dak Song, tiếng trọ trẹ, bé bé mà cũng nói trọ trẹ, đích thị là gia đình kinh tế mới. Đứa ở Gia Nghĩa, chóp má hây hây, quần xanh áo trắng, khăn quàng xộc xệch, giơ bàn tay bé xíu vẫy xe trong chiều lạnh gió núi trông thương thương. Đứa ở Ea Wer thì nhát đến đỗi chạy bán sống bán chết mỗi khi ta giương máy ảnh về phía chúng. Đứa ở KonTum thì bạo dạn quá, cũng biết giơ hai ngón chào khách lạ, mau thân thiết ghê, dẫn ta đi chỗ này chỗ kia trong buôn. Những em ấy, đã nhớn thêm tẹo nào chưa, và có còn gặp lại không nhỉ?

Thấy được chăng, vệt xe ngoằn ngoèo dẫn ta vô những khoảng rừng già âm u vắng vẻ. Ta và miên man. Lần kia nhỉ, lần ngồi chuẩn bị tĩnh tọa trên hòn đá to trong rừng ấy chứ, đang hoan hỉ hưởng thụ, tự nhiên nghe con khỉ hú hét, rồi có con nhện thòng thòng trước mắt, xong đến mấy con ong rừng cứ lượn qua lượn lại trước mũi mình. Chu cha, kế tới nghe tiếng chim hót hót gù gù, không rõ chim chi, đoán là Chơ rao, ha ha. Thì chỉ biết ở Tây Nguyên có hai con thôi, con chim Kơ tia với con chim Chơ rao, sau vô nhà mồ mới thấy chim Chơ rao là cái con chi mô, trời ơi chim gì mà cái mặt buồn như nước mắm vậy á. Chim ấy thì buồn, nhưng mà là chim, thì phải bay lên trời được chứ gì. Lúc thinh lặng giữa rừng, ta phởn chí giống như cái con chim Chơ rao ấy đấy, bay lên bay lên. Chà chà, sướng gì đâu. Nhắn cho ai đó muốn ngồi vô cái khoảng trống hoác sau lưng ta trong những chuyến tới, chớ đánh động con chim Chơ rao là ta, khi đang thăng thiên, kẻo biết thế nào là khỉ hú, nhá.

Ừ, còn cái đận mê rừng Ea Sô quên mất có một ánh chiều đang rơi, ta đã phải lao ù ù trong đêm để về được phố núi Pleiku, vì thèm quá đi những em gái ướt như mây chiều xứ ấy. Cực kỳ đã, nhưng cũng cực kỳ dã man. Đường tối thui tối mò, và lạnh như quỷ. Ta chạy mà đố có dám nghe hơi mình thở sau tai. Đêm, đến là dễ sợ.

Đêm trọ ở phố núi, hay đêm ngủ trong buôn, hoặc đêm tá túc ở xã ven đường, vẫn cứ văng vẳng tiếng nước, xa xăm, từ những dòng suối trong ngần, từ những con thác ầm ào trắng xóa, hay từ sâu thăm thẳm lòng hồ cao nguyên. Những bờ suối bờ thác bờ hồ, rồi chẳng còn nữa bước chân ta qua. Đã xa. Chân quen tìm về, chân vẫn nghe nức nở chuyện tình ngọn nguồn thác núi. Mùa tới, thác suối và hồ sẽ xanh, bướm sẽ nhiều, hoa và lá sẽ phủ kín những dấu chân ta. Mưa nguồn làm thác càng cuồng nộ hơn. Nước về ngập tràn con suối, và những con hồ, sẽ sóng sánh sóng sánh, ...

Nhớ hoài những ráng chiều đỏ quạch trên những con hồ ta đến. Hồ Dak Mil. Hồ Lak. Hồ thủy điện Serepok. Hồ Tơ nưng. Đi trong hoàng hôn bao giờ cũng tâm trạng (hừm, lãng tử giang hồ), đến hồ lại càng tâm trạng hơn. Thích quá, chiều cao nguyên. Nhất là ánh mặt trời đỏ bồng bềnh cứ dõi theo ta mãi, và có gió chiều hun hút thổi qua những rặng thông. Nghe đâu đó, Hoàng hôn dốc của lão Phú Quang, hay Nghiêng nghiêng rừng chiều của ông Nguyễn Cường.

Nhớ, lần nghỉ đêm nơi rừng Trường Sơn thâm nghiêm hùng vĩ. Ta và những con người nơi này sẻ chia bữa cơm đạm bạc bên bếp lửa ở trạm xá. Những cô gái, những chàng trai, da thịt tươi tắn (ướp lạnh mà lị), à, cả con chó vàng của trạm bưu điện xã Hiếu, con chó đen và con mèo trắng ở gần đó nữa, hì, mau chóng quen thân gần gũi. Đâu cần đến lớp sương mù dày cùi cụi bên ngoài bếp lửa. Đâu cần đến cái lạnh kinh hoàng của núi của rừng. Đâu cần đến bập bùng tiếng cồng tiếng chiêng trong buôn vọng lại. Hay cần chi đâu men rượu ngần ngật. Ấy rồi, sáng tới chia tay, mỗi người mỗi ngả, tan vào màn sương buốt giá trắng đến say lòng. Ta đi trong dằng dặc sương với mây trên núi, như từng mơ. Mà còn hơn thế. Không nghe được tiếng con alpha của mình. Cái rì rầm trầm mặc của Trường Sơn đã nuốt chửng nó tự bao giờ.

Mùa tới, đại ngàn sẽ xanh.

 

Heo rừng

 

P/S: Đây là entry khiến bạn Heo có thêm biệt danh Chơrao. Từ lúc nhóm PR ra đời, Chơrao nhà ta trong những chuyến - đi - nhiều - mình, khó mà có được khoảng trống hoắc sau lưng ;). Nhưng ai lấp vào khoảng trống đó, phải nói là chấp hận hi sinh, vì hắn mà "thăng thiên" thì có nước văng mất người ngồi sau, như Peka, Maika lo sợ (trừ Neco quá nặng) :))

 

Post cho những chuyến đi  - những phần đời rất đẹp nhóm chúng mình đã có với nhau sau này.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

30

- Là tuổi liên tục khất hẹn cafe với các chàng trai U40 vào mỗi sáng thứ bảy, dù đó là các chàng bạn hâm mộ về tài lẫn sắc ;). Để rồi tự pha cafe uống một mình vào mỗi buổi trưa.

- Là tuổi vừa quẹt nước mắt xong đã có thể quay qua vỗ về người đã làm bạn rơi nước mắt.

- Là tuổi đã đủ chín chắn để biết mình nhẹ dạ hay chắc ý, nhưng không đủ niềm tin để yêu say đắm một ai đó nữa.

- Là tuổi vừa thấy thương vừa buồn cười các phận gái luôn nghĩ một người đàn ông mới là chỗ dựa cho cuộc đời mình, dù là những người đã phụ ta ("Đời mênh mông thế, gọi làm chi những tên người đã xa") 

- Là tuổi mỗi ngày nghỉ trong tuần, nếu không chọn "ngồi yên dưới mái nhà", thì chỉ ưu tiên việc ra ngoài đi thăm bé con các bạn gái thân yêu :)

- Là tuổi đã thôi  hoang mang, đã đủ vững chãi để độc lập, không "lãng - bỏ - mạng" để chờ đợi những điều cổ tích.  Bình yên thế còn gì?

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

16.9.09

Bán một căn nhà cất giữ cả tuổi thơ chúng mình, cất giữ mấy mươi năm tình yêu của ba mẹ...
Bạn hỏi buồn không?
- Thôi, đời vô thường mà. Để dành nỗi buồn cho chuyện khác. Như chuyện mày bỏ tao đi lấy chồng chẳng hạn :))
Bạn cũng cười: Vậy thì sao tao đủ dũng khí có bồ đây? :))
Khuya nay về Phan. Ghi vội vài dòng để nhớ... có những chia ly cần nhớ. Không phải chia lìa.
Đằng sau chuyện ở rồi đi, gần rồi xa, quen rồi lạ, còn lại điều gì cần vẽ, nếu không là nụ cười như nhiên, của tất cả chúng mình...

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Rồi năm tháng chảy tràn trên vạn nẻo

Rồi năm tháng chảy tràn trên vạn nẻo
Hong cỏ rơm hanh hắt mộng qua đầu
Triền núi ấy rêu phong về thắc thẻo
Khi biển nhà chuẩn bị hóa nương dâu


Chân chạm mối ân tình nghe muối mặn
Lửa tàn tro gửi gắm ngún chiều thu
Kìa nửa núi mây treo thành khoảng lặng
Nửa đèo cao thu xếp biệt sa mù

Tay vén lại tóc tơ ngày trở bộ
Đợi gió về trên áo đẫm phong sương
Lạnh sau trước dạ ai rền thác đổ
Bước quan san còn thủ thế qua đường

Cành nhân quả đêm qua vừa nảy lộc
Nhựa nhân gian ươm thắm những hình hài
Đất vẫn sẵn bao mạch ngầm ngang dọc
Chưa biết chừng duyên nghiệp gọi tên ai…


Lam Điền


P/S: Mỗi ngày 13-9, mình lại có một bài thơ do anh LĐ viết tặng. Anh tặng em, mà cũng là người - thơ tặng fan - thơ ;) Đã gần 10 bài rồi nhỉ, từ ngày anh em biết nhau. Có nhiều bài, thường không hiểu ngay với một lần đọc. Mà hiểu hết cũng chưa chắc...

Bài này thì càng đọc càng thấm, càng thương "biển nhà", càng nhớ quá những đèo, những núi, những miền đất đã đi qua, chạm đến... Đồng cảm thế, dù nẻo giang hồ hai anh em chưa có dịp đi cùng.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Thô ráp, tinh tế và hoang dại

(không phải nhạc Ngọc Đại)

Thô ráp của yêu thương
Là những sợi râu cằm
Bố cạ lên má ta ngày nhỏ

Tinh tế như tình yêu
Cũng những sợi râu cằm
cho ta ước mình bé lại
khi trốn vào tránh mắt người thương…

Ơi hoang dại nào
cắm vào nỗi nhớ
tế vi

P/S: Này chúng anh, cứ để râu đi ;)

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Mây ủ

Ta có thể nói những câu đùa nghịch
trong những ngày chẳng biết vịn vào đâu
Ta có thể nào ngăn những giọt ngâu
từ mắt em ủ một trời mây ngả?

11.09.09

P/S:

Làm thơ, đối với tôi bây giờ dễ hơn viết văn xuôi rất nhiều […] Văn xuôi đối với tôi khó hơn nhiều. Mà tôi lại cảm thấy viết văn xuôi quá rủi ro, người đọc dễ dàng hiểu những gì tôi viết, nhìn thấu cả tôi. Thế nên tôi vẫn thường thích viết thơ hơn, cho dù khi làm thơ tôi cũng cô đơn hơn rất nhiều. (Trích Golmund)

Thật là đồng cảm với ý trên, nếu mà lâu nay những thứ mình gõ cũng gọi là viết, cũng được gọi là thơ… Mà không chỉ văn xuôi, ngay cả thể thơ tự do mình yêu thích, cũng lâu rồi ngại viết hoặc không viết được. Thế nên, chỉ còn nương vào nhịp điệu, à, ơi, à...

Ngày càng nhiều, những lời, những khổ dở dang – như chính mình.

Nhìn ra ngoài từ bên trong...

Rating:★★★
Category:Other
Tối thứ hai tuần trước tôi nhìn thấy đôi mắt Phật. Đôi mắt mở khẽ, đôi mắt không nồng ấm và không dửng dưng, không ôm ấp và không từ bỏ một thứ gì.

Thật ra không phải tôi nhìn thấy đôi mắt Phật, mà tôi thấy cái nhìn của Phật từ bên trong. Cái nhìn biến mọi thứ nó chạm đến thành một giọt nước trong lòng một đại dương toàn vẹn. Đại dương không nguội, không ấm, và không có bến bờ.

Hình như không có đôi mắt nào và không có thế giới nào được nhìn thấy, mà chỉ có cái nhìn. Cái nhìn của Phật làm nên thế giới. Nếu Phật nhắm mắt lại, thế giới sẽ tan đi.

Có lẽ còn lâu lắm, không biết đến bao giờ, tôi mới được thấy cái nhìn của phật một lần nữa.

Vậy mà mới sáng thứ ba, tôi lại thấy nụ cười của phật. Và cũng như vậy, tôi không thấy gương mặt Phật, không thấy đôi môi, mà tôi thấy nụ cười ấy từ bên trong. Nụ cười như lời hẹn ước của tất cả những nụ hoa trên mặt đất. Từng nụ hoa một, từng thế kỷ một, sẽ nở vì tôi, dù đêm hay ngày và dù tôi có thấy chúng hay là đang bận khóc, ăn cơm hay là ngủ trưa.

Lời hẹn ước của tất cả những nụ hoa trên mặt đất, nằm trên đôi môi khẽ cười như không cười của Phật, thật ra tôi đã thấy một lần rồi. Nó được em vẽ lên một chiếc chiếu, và treo ở một mảng tường mà vào ban đêm, dù mở đèn, chỗ đó vẫn không đủ sáng. Tôi nằm dưới đất, ngó nghiêng lên.

Đáng lẽ tôi không nên viết lại điều không thể viết. Nhưng tôi sợ tôi quên những khoảnh khắc mong manh này, nên tôi đã tìm lời, vì nếu không có lời, tôi không biết lấy gì để đọc lại những điều tôi thấy hồi đầu tuần, trong khi đang nhắm mắt.

***

Tôi không thể được nhìn thấy. Tôi mà bạn nhận ra, nó chập chờn, huyễn hoặc. Nếu có một tôi thật, an định, nó yên lặng, nó nhìn ra ngoài từ bên trong và không thể được nhìn thấy từ bên ngoài.

Người ta yêu nhau dựa trên ý niệm có về nhau, thường bất an vì ý niệm là những đám mây luôn trôi nổi và biến đổi. Nếu bạn yêu Phật qua những gì bạn thấy ở Phật, tình yêu đó rồi sẽ mất. Bạn chỉ thật yêu phật khi bạn trở thành phật.

(Đoàn Minh Phượng)

http://doanminhphuong.wordpress.com

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Và cười đi em ơi


Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!...

Tại sao Nga ơi, tại sao...
Ðôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến
Hơi thở trùng như sợi chỉ không căng
Bước chân không đều như chiếc thưóc kẻ ai làm cong
Ai dám để ở ngoài mưa, ngoài nắng!

Nói cho anh đi, Nga ơi...
(em làm ơn chóng chóng)
Lại bên anh đi - bằng một lối rõ thật gần
Bằng một lối gần hơn con đường cong
Bằng một lối gần hơn con đường thẳng
Bằng đôi má hồng non, bằng mắt nhìn trinh trắng
Bằng những lời yêu mến tan trên đôi môi...

Và cười đi em ơi,
Cười như sáng hôm qua,
Như sáng hôm kia...
Cười đi em,
Cười như những chiều đi học về
Em đố anh Paris có bao nhiêu đèn xanh đèn đỏ
Và anh đố em: Em có nhớ
Mỗi ngày bao nhiêu lần anh hôn em?...

Cười đi em,
Cười rõ thật nhiều đi em...
Rồi đố anh
Cho anh không kịp đếm
Cho anh tan trong niềm vui
Cho bao nhiêu ngọn đèn xanh, đèn đỏ thi nhau cười
Vì hai bàn tay chúng mình sát lại
(tay anh và tay em)
Nhớ hai giãy phố chạm vào nhau
Hai giãy phố chúng mình vẫn đi về
Em nhớ không?...

Em nhớ không, đã có một lần anh van em
Ðã có một lần lâu hơn cả ngày xưa
Em sợ thời gian buồn như mọt nhấm từng câu thơ
Em sợ thời gian ác như lửa thiêu từng thanh củi
Mắt e ngại như từng con chỉ rối
Em sợ những ngày trời nắng như hôm nay
Em sợ những đường tàu vướng víu như chỉ tay
Không dám chọn lấy một ga hò hẹn


Em nhớ không, anh đã van em
(và anh còn van em như ngày xưa...)
Em đừng buồn như những chiếc lá tre khô
Em đừng buồn như những nóc nhà thờ không có tuổi
Anh van em đừng nhìn anh và đừng cười gượng gạo
Em đừng cười như ngọn bấc gần hao
Những nụ cười vướng trên đôi gò má xanh xao
Những nụ cười vướng trên mắt nhìn trắng đục
Ðừng để anh nhìn em rồi nghẹn ngào chớp mắt
Như hai vì sao le lói trong đêm sương mù
Ðừng để thời gian dầy như trăm vạn lớp chấn song thưa
Về xen giữa hai bàn tay sầu tủi!...


Em nhớ không, anh đã van em đừng buồn
Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối
Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu
Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau
Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm!...

Em nhớ không cả một hôm trời mưa
Một hôm trời mưa tấm tức
Một hôm trời mưa không ướt cánh chuồn chuồn
Những hạt mưa không đan thành mắt áo len
Những hạt mưa không làm phai màu nước mắt
Em đã khóc, anh đã khóc và chúng mình đã khóc
Bước chân lê trên những hè phố không quen
Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai con chim
Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưới, lễ xin


Và em nhớ không, chúng mình đã hỏi nhau:
Tại sao phải làm lễ tơ hồng
Tại sao phải nhờ người ta buộc chỉ vào chân
Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh
Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em
Người ta làm thế nào cắt được
Bốn bàn tay chim khuyên!...
 

Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
Anh sẽ hôn đền em
Và anh bảo em soi gương
Nhìn vết môi anh trên má
Môi anh tròn lắm cơ
Tròn hơn cả chữ O
Tròn hơn cả chiếc nhẫn
Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay!...


Chúng mình lấy nhau
Cần gì phải ai hỏi...
Cả anh cũng không cần phải hỏi anh
"Có bằng lòng lấy em?..."
Vì anh đã trả lời anh
Cũng như em trả lời em
Và cũng nghẹn ngào nước mắt!...


Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!...


Em sẽ cười phải không em
Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau!...
Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
Với một chữ N
Với một chữ G
Và với một chữ A
Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
Người ta có thể không thích
(thì người ta không thích một mình)
Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh


(Nga, Nguyên Sa)


http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=8290


P/S: Sao mà nhiều hình ảnh đẹp thế, người thơ ơi! Yêu nặng từng lời nói!

Cái đẹp và nỗi trong lành ngày xưa ấy, khó mà tìm thấy lại trong thơ nay...

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Những Blog đọc mà thán phục!

Rating:★★★
Category:Other
Thế giới blog khiến người ta choáng váng vì sốc, vì scandal, nhưng có một loại choáng váng khác, ấy là trước tầm hiểu biết của những nhân vật mà không có blog chắc chẳng ai biết ngoài một thiểu số thân hữu. Chắc chắn rằng có vô số hot blog mà tôi chưa từng đọc, nhưng những blog tôi ấn tượng vẫn là sự miệt mài đến thán phục của các chủ nhân trong khát vọng hiểu đến cùng và tinh thần chia sẻ kiến thức, dù nhiều khi họ viết chỉ cho riêng họ.

Blog mọt triết - Rem hay Cà Rem: Thật bất ngờ khi được biết đây là một chàng trai 28 tuổi, kỹ sư cơ khí điện tử. Ấy vậy mà căn cứ vào các bài điểm sách cũng như bình luận về chữ nghĩa, người ta phải tự hỏi bằng cách nào anh ta thu nạp được nhiều thế? Nói là khoe kiến thức, nhưng có gì để khoe cũng đã là vấn đề! Từ những sách triết học đầu bảng của Bertrand Russell đến chú giải Phật học, radar của Rem nhắc người ta nhớ đến những trí thức ở đời có hai bồ chữ thì gã đã gánh một nửa. Có điều, gã chỉ viết trên blog để hả nỗi vui đọc sách và chia sẻ với... 25 người bạn kết nối.

Blog chữ - Khuê Việt: Một nhân vật từng khiến mọi người hoảng hốt vì khả năng dụng điển theo lối giễu nhại và ẩn ý cao siêu. Từng viết truyện ngắn, nhưng lại là dân học kỹ thuật, blog của Khuê Việt viết không nhiều và đều, nhưng là những lớp lang dưới góc nhìn ký hiệu học của câu chữ. Tôi đã rất muốn giới thiệu một câu của Khuê Việt lên đây nhưng cái khó là các câu đầy tính trật tự không tài nào chặt đứt được.

Anh có tài dẫn chuyện từ điếu văn Derrida đến băm chặt một câu tựa truyện Đêm ngủ ở tỉnh là khuôn sáo ra sao, là chi phối tưởng tượng thế nào... vắt qua chuyện tự trào mình lẩm cẩm chữ nghĩa. Ý thức của một người trong vòng vây của những khuôn mẫu xã hội, của mớ kiến thức áp đặt trường sở luôn cựa quậy mạnh mẽ. Một phong cách chữ rất đáng yêu, có gì đó như nhà văn Đỗ Kh., nhưng có lẽ u uẩn hơn.

Blog ca nhạc - TMH: Một tâm hồn lãng mạn yêu âm nhạc Việt Nam không có ranh giới. Hễ ai cần tìm bài hát nào, chỉ cần bảo “vào blog TMH” là có. Không có nghĩa là TMH biết hết các ca khúc Việt Nam, mà có lẽ là cách phân loại của anh chàng này rất có gu: mỗi entry là một tuyển chọn đi theo chủ đề, từ những bài hát kháng chiến sôi nổi một thời, cho đến những bài hát lãng mạn đắm đuối. Quan trọng nhất là người ta vào đây có thể được nghe những bài hát thành công nhất với các phiên bản khác nhau, và đặc biệt là chủ nhân blog rất ý thức về sản phẩm nguyên thủy với niềm hãnh diện không che giấu vì “của độc”. Tuy đa phần giới hạn trong số những bài hát đã lâu, nhưng ta như gặp lại những niềm hưng phấn mà chỉ những tác phẩm âm nhạc hay đem lại được.

Blog văn học cô đơn - Hải Ngọc: Xuất thân là một giảng viên đại học, nhưng qua những gì viết trên blog, Hải Ngọc không bao giờ bằng lòng với những khái niệm trường ốc. Cần mẫn đến khổ sở trong tìm tòi những dòng văn học ngoại biên, cũng như các khía cạnh sáng tạo trong văn học phương Tây và Việt Nam, là cảm nhận của tôi. Mặc dù tính khắc khổ “sư phạm” làm cho entry của Hải Ngọc không dễ đọc với người ưa giải trí, nhưng việc tác giả này mày mò các thi pháp văn bản học và diễn đạt bằng cách sáng sủa nhất, theo tôi là “mở mắt” cho rất nhiều người quan tâm. Điều trở đi trở lại trong blog này là tinh thần làm sao để mình không định kiến, điều ngỡ như là hiếm hoi trong thế giới blog.

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

P/S: Anh Trương Quý viết đúng ghê, với hai "trường hợp" trên, hai blog dưới mình chưa đọc (!).

Đọc Khuê Việt - cho dù thảng hoặc (mới) âm u như cành cây mùa thu đâm xuyên cổ, lúc nào mình cũng tủm tỉm cười, nhứt là với các comment bên dưới entry (chữ không - sáng - tác)

"Anh thợ giày" chắc sắp lấy vợ, lâu quá không "nói chuyện ký hiệu" cho giang hồ nghe chơi! ;)

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Có những điều ta không dự liệu

Nhớ em! Nhớ em! Nhớ em!....

Vô tình search một file khác trong máy mà mình nhìn thấy lại những lời cuối của A., những "nói cười như chuyện một đêm mơ" giữa hai đứa cùng lạc loài ở chốn này, nhưng đã không rủ nhau cùng đi...

Cái hồ nước anh đổ vào em chưa bao giờ cạn, nhưng em không thả con thuyền hay ném một hòn đá nào vào lòng hồ nữa. Chỉ còn vài chiếc lá mùa thu rơi rụng. Em để nó bình lặng, như niềm mong mỏi sự bình yên nơi anh.

Bình yên không đấy? Chỉ cần thế thôi, em sẵn sàng biến mất trong mọi hoài niệm...

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

buồn suông

Bởi vì em chẳng yêu ta
Buồn trăm năm cũng chỉ là buồn suông
 (A.)

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Nghìn trùng như vết sương

Ta đã ở đâu, những ngày tình yêu câm nín
Ta khóc hay cười, những hân hoan bên bờ vực
Ta bước qua hay dừng lại, một khe cửa mở ngập ngừng...