Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Lần đầu thấy trăng

Lần đầu thấy trăng - tiểu thuyết của nhà văn Võ Diệu Thanh. Bạn nào quan tâm đến lĩnh vực giáo dục hay chuyện học chữ của trẻ nghèo, một lát cắt của đời sống miền Tây nên đọc. Đây là lần thứ hai mình phỏng vấn chị Thanh. Làm việc với chị ấy rất vui và dễ chịu. 

Có một nhân vật mình thích nhưng không nhắc đến trong bài (bản full) này. "Anh ý" tên Nhiều :)

Nhức nhối câu chuyện “trồng người”

Từ khi đoạt giải nhì Văn học tuổi 20 lần 4, hai năm qua, mỗi năm Võ Diệu Thanh đều đặn ra mắt một tập truyện ngắn, tập nào cũng có truyện làm người đọc ám ảnh. Và ai theo dõi bút lực của cô giáo ở An Giang này hẳn sẽ không bất ngờ khi chị lại vừa “chào sân tiểu thuyết” một cách ấn tượng với cuốn sách thứ năm: Lần đầu thấy trăng (NXB Phụ Nữ).

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với tác giả:

* Tiểu thuyết đầu tay mà chị viết không “gồng” một chút nào, tất cả như là rút ruột viết ra. Dường như chị đã “để dành” đề tài tâm huyết nhất – câu chuyện giáo dục và hệ quả của những đề án giáo dục quá nhiều sai lầm – cho cuốn sách “nặng ký” nhất này của mình?

Tôi không phải để dành đề tài này cho tiểu thuyết. Vốn dĩ tôi đã từng viết về nó ở những dạng ngắn. Nhưng đụng tới đề tài giáo dục nói ngắn không ra chuyện mà lại dễ bị hiểu lệch đi. Giống như một bài báo nào đó nói chương trình giáo dục quá tải. Thế là người ta thi nhau giảm tải. Nhưng lại giảm kiểu dỡ bao gạo khỏi lưng con lừa rồi chất lên con lừa cả người và gạo.

Trong đầu tôi luôn cuộn chảy những ý nghĩ về nền giáo dục. Vì sao nó lại đi đến điểm này, nó sẽ về đâu, có đường nào cho nó không. Đứng trên bục nhìn những dáng dấp, những gương mặt nhỏ nhoi tôi luôn nghĩ về thời gian. Rất mau chúng sẽ thành người lớn.  Sản phẩm của nền giáo dục hiện nay có thể thấy trên từng nẻo đường quê, trên những khu công nghiệp của những đô thị lớn. Những sản phẩm đó đang như thế nào? Ào ào tất bật với guồng máy của vật chất. Nội lực hiếm hoi và cứ ngày một hao mòn. Tôi phải làm gì để những lời giảng của mình có thể đồng hành với các em vào tương lai?

*“Sản phẩm” của nền giáo dục hiện nay đang như thế nào chị cũng đã dẫn ra trong tiểu thuyết này. Là những học trò cứ được đẩy lên lớp non rồi đẩy lên một cái ghế nào đó nhờ bằng cấp như “núi” ngoài kia, những học trò lớn lên không “tay trắng” thì cũng “hồn trống”, dặt dẹo sống hoặc chăm chăm thu vén cho mỗi cái “tổ” của mình... Chị mong mỏi điều gì khi bày ra một phần những sự thật nhức nhối đó?

Thầy cô giáo đang bị tước mất quyền làm thầy. Những quy chế chuyên môn được cho là pháp lệnh, nhưng cái pháp lệnh ấy có khi chỉ hôm trước hôm sau đã thay đổi một trăm tám mươi độ. Người thầy muốn trụ được phải là cái máy được lập trình chặt chẽ và tấy xóa liên tục. Họ giẫy giụa, bứt phá trong những trói buộc. Tôi nói thay tiếng nói của đồng nghiệp mình. Cải cách giáo dục trong thời gian qua thật đáng ngại. Càng sửa càng xa rời thực tế. Tôi mong giáo dục đừng tính toán tủn mủn như một người nội trợ ít tiền. Hãy trả thời gian cho thầy cô. Để thầy cô trở về vẻ điềm đạm cao quý, cho họ được thư thả ngồi nhìn, lắng nghe học trò mình, hiểu được tiếng học trò, được dạy nó bằng tiếng nói của nó. Tôi chỉ muốn đánh một tiếng trống để những tiếng nhốn nháo tranh cãi ngoài kia lắng xuống. Và dành thời gian cho người thầy được nói tiếng nói của mình.

* Hẳn chị đã dành nhiều thời gian “lắng nghe học trò” trong 20 năm gắn bó với nghề giáo. Nên có thể thấy chị là nhà văn đầu tiên đi sâu vào miêu tả tâm lý học trò ở bậc tiểu học - đặc biệt là những học trò cá biệt ở nông thôn hiện nay – thật sống động và đầy thấu hiểu. Chị có thể chia sẻ thêm về chuyện học chữ của những đứa trẻ nghèo?

Khi dạy tôi nghiên cứu từng em. Tôi thích trò chuyện với các em và với phụ huynh. Đó là cách tốt nhất để thấu hiểu. Tôi thích dạy những em cá biệt và có cách đưa chúng hòa nhập trở lại.

Học trò nghèo phần đông vất vả trong học hành. Học nhưng biết chắc là không có đủ tiền để đi xa trên con đường học vấn.  Quanh các em, gía trị của con người được định qua bề ngoài. Trí tuệ không được chú tâm rèn giũa.  Từ thời tiểu học, nhìn cách đối đãi của xã hội, các em sớm nhận ra cái xuất phát điểm thấp kém của mình là một trở ngại không tài nào vượt qua được. Chưa bước đã run chưa đi đã vấp. Các em ngồi học với tâm thế nhấp nhỏm. Chữ nghĩa vào đầu như gió vào nhà trống. Chỉ cần một lý do vụn vặt đã có thể kéo các em rời trường không luyến tiếc. Với những dây chuyền sản xuất công nghiệp, chỉ cần một chút cơ bắp cộng với tính cần cù chịu khó đã có thể kiếm được tiền, chữa cháy cho cái nghèo đang đeo đẳng. Rồi kiếm tiền kiểu ăn xổi ở thì nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Cứ như thế cái vòng lẩn quẩn ngày một dầy thêm.

* Nếu bỏ qua cách kể và văn phong của tiểu thuyết, đọc sách của chị đôi lúc có cảm giác như đang đọc một phóng sự đầy ắp những chi tiết từ đời sống thật, phận người thật, như khi đọc những trang về chuyện trẻ em nghèo đi bán vé số, chuyện một đứa bé 14 tuổi sa vào chuyện bán trinh như thế nào. Chị có hư cấu nhiều không, hay vì chị đã chứng kiến nhiều học trò của quê mình trầy trật mưu sinh đủ cách?

- Tôi mượn nhiều chi tiết từ cuộc sống. Nếu tôi đưa cuốn sách này cho những người từng biết những nguyên mẫu của Lưu manh tự, nhà trọ Tình, trường học Dương Đôi họ sẽ nói, ủa sao vụ này thấy quen quen. Mà không phải là quen hẳn, vì nó được được gói lại bằng một hình thức khác, mang màu chữ nghĩa rồi trộn vào cái khối chung của thế giới truyện. Chuyện vận chuyển gái lúc đêm khuya, vụ bán trinh giá rẻ mạt, bán vé số với đủ chiêu trò, thầy trò “đấu tố” nhau trong vô thức hay chuyện học trò nghèo nhấp nhổm trên ghế nhà trường rồi trầy trật mưu sinh đều là những hình ảnh lướt qua mắt tôi rồi để lại những vết cào xước.

Trước lúc tôi trả lời những dòng này mười phút tôi vẫn còn đang vật lộn với những tình huống mà nhân vật trong tiểu thuyết đã nếm trải. Đối với tôi văn là nơi người ta được bày tỏ đầy đủ sự thật nhất trong hư cấu.

* Còn điều gì ... đắng hơn quanh câu chuyện giáo dục mà chị sẽ viết?

- Giáo dục là một dòng chảy đồng hành cùng cuộc sống. Chính  vì dòng sống nên nó biến chuyển không ngừng. Lở bồi cũng không lường trước được. Tôi không vội bồi thêm cho bữa cơm giáo dục đang ngắc ngứ bằng những món ăn đắng chát. Còn viết gì về nó thì tôi phải coi nó đi tới đâu mới tính.

Box: 

Cuốn tiểu thuyết ba trăm trang – gai góc mà không thiếu dịu dàng - xoay quanh cuộc đời của Dẫu  trong bộ ba Dẫu – Dị - Hậu, từ những ngày đầu học chữ đến lúc bước vào đời. Sự chênh chao của những gia đình thiếu hơi ấm, cái bất cập của nền giáo dục chỉ chú trọng thành tích ở nhà trường ...đẩy cuộc đời người ta xuống hố nhầy nhụa, đẩy những chán ngán lên mức ráo hoảnh, bất cần...

Võ Diệu Thanh đặt câu chuyện “trồng người” đầy bi hài trong ba bối cảnh: trường tiểu học Dương Đôi với những thầy trò “siêu đối phó”, quăng và hốt “xác chữ”; bên phải là nhà trọ Tình – chốn mua bán thú vui xác thịt và bên trái là Lưu manh tự -  nơi người ta níu giữ lại những gì chực đổ nhào...

Ở đó, những cuộc đời buồn, tối cứ xoay mặt vào nhau. Vậy trăng đã ở đâu để Dẫu nhìn thấy lần đầu? Dẫu tìm thấy ở đâu cái hồn của chữ, ở đâu cái “đầm nước mắt” cho cô rón rén dựa vào xoa dịu vết thương? Người đọc sẽ tìm thấy, và sẽ còn nhớ lâu, khi đọc Lần đầu thấy trăng...

P.S: Bài đã in trên Tuổi Trẻ nhật báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét