Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Lời đẹp của quê


Bạc tóc trở về quê / Bỡ ngỡ tìm đò bến mới / Nhìn dáng lạt bó rau / Nhận được người làng (Người làng). Mở ngay trang đầu của Xem đêm - tuyển tập thơ vừa ra mắt của Phùng Cung (1928-1997), đọc bài thơ ấy mà... giật mình rung động. Ấn tượng mà tác giả để lại trong người đọc bền chặt như tình làng trong thơ ông.

Và Phùng Cung, với những câu chữ thật hàm súc, cứ làm người đọc xao xuyến qua từng trang thơ. Như những ai đã qua những chuyến - đò - thiếu - nữ trong đời, giờ sông quê xa ngái, có thể thấy cả một thời tóc gió như gần lại khi đọc những câu giản dị này: Em về bên ấy / Thăm quê kẻo muộn / Mùa đang đẹp gió / Nón đội qua đò / Đừng để gió bay (Qua đò).

Mỗi bài thơ thường chỉ vài đôi câu, vậy mà khó một bức tranh nào, một thước phim nào có thể lột tả trọn vẹn được cảnh và tình thẳm sâu trong những câu thơ tự do đẹp và mới ấy. Chỉ có thể là những con chữ kỹ lưỡng của Phùng Cung. Cánh bèo, gà con, dế nâu, sáo diều, dòng sông, bến đò, và gió, và nắng, và mưa...; tất cả đều trở nên sống động, nhân bản và tinh tế đến bất ngờ qua đôi mắt của ông: Lênh đênh muôn dặm nước non / Dạt vào ao cạn / Vẫn còn lênh đênh (Bèo),...Gió bấc về / Gà con lên cơn sốt / Nhong nhóc đi, đứng / Chen nhau tìm chỗ ấm / Cẳng gầy lội gió... (Chùm gió bấc),...

Riêng “gió”, người đọc sẽ gặp rất nhiều gió. Gió không chỉ đẹp, gió trở thành những sinh thể có thần lạ lùng trong thế giới chữ của nhà thơ: Vườn thơm gió quẩn, gió đi (Bánh trôi), Sáo diều ai hóc - gió ven sông (Đêm ven sông), Tiếng tù và bết - gió (Bữa đẹp), Đom đóm bay ngang/Ngọn đèn gió - bẻ (Đêm xuân), Đường thiên lý gió khua (Giọt lụy)... Phùng Cung với thiên nhiên như một. Ông là gió để nghe “hương cau gió liệm” (Tang), nghe “nát - gió đường làng” (Đường làng). Là ao khuya để biết “nước thở thì thầm”, là lá để nghe mưa gõ trên mình, là chính đêm khi “trở giấc xem đêm / Cuối trời trăng - mỏi / Trái gấc chín - ngập ngừng / Tóc rụng trạt lối đi... (Xem đêm). Tình yêu thiên nhiên ấy bất tuyệt trong bất kỳ hoàn cảnh nào: Trên vai áo tù / Trăng vá lụa (Trăng ngục)...

“Như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động rất thấm sâu”, nói như vậy về thơ Phùng Cung, có lẽ nhà thơ Hoàng Cầm còn nói giùm cho nhiều độc giả khác nữa. Trà của ông là một “luồng điện” thật sự: Quất mãi nước sôi / Trà đau nát bã / Không đổi giọng Tân - Cương. Một chữ “quất”, mà đủ giật mình thương người thưởng trà vô cùng mẫn cảm. 13 chữ, mà đủ thấy khí tiết của người quân tử gặp nạn...

Đọc hết tập Xem đêm, nghĩ về Phùng Cung, bỗng dưng hình dung một ông già khăn áo tề chỉnh “quỳ dưới chân quê”, hít sâu vào hồn nhỏ cái “mùi lưu luyến” mà ông “nguyện mang theo/ đến ngày trăm tuổi”: mùi làng. Và quanh cái nhìn mênh mang của ông, là đường quan lay nắng, là sông đẹp dòng, là tiếng dế ru hoa nở, là bếp chùa nheo khóisao gài cửa sổ...

Tất cả chưa mất đi, nhưng khi cái gọi là “quê” đã nhạt nhòa trong lòng nhiều người bỏ quê lên phố, khi chính quê đang thu hẹp dần, còn ai đủ giàu có tình - yêu - quê để giữ được mùi làng và vô vàn nét quê yêu dấu ấy bằng những lời đẹp đến thế!

P/S: Bài đã in trên Tuổi Trẻ năm 2012.

Hai năm không dài, vậy mà đã đủ quên hết những gì đã viết, cho đến khi vô tình đọc lại trong sổ tay papa tỉ mẩn cắt dán mấy bài báo.  Nhiều lúc chán viết, nhưng đôi lúc lại muốn viết, có lẽ là vì ba. 

Và nghĩ, với trí nhớ thật tệ này, giá mà cuốn nào mình thích, mình cũng "làm siêng" note lại như vầy, cũng là một cách để "đọc lại" cuốn - sách - của -mình...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét