Tác giả Phùng Hi: Bỏ dạy thêm nên thử.... viết văn
Không chủ động in sách nếu NXB không gọi tới, dè dặt, ngại ngần
khi trả lời phỏng vấn của báo chí như một cây bút mới, vậy rồi, tác giả Phùng
Hi cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ đôi ba câu chuyện của một thầy giáo viết
văn nhân tập truyện Y không là y của ông vừa trình làng.
Nói là mới, nhưng cái tên Phùng Hi cũng đã kịp trở nên quen thuộc
với nhiều độc giả đọc truyện ngắn của Tuổi Trẻ. Nhiều bạn đọc nhớ đến
Phùng Hi là nhớ ngay đến sự hài hước, duyên dáng của tác giả trong truyện ngắn
Những mảnh vỡ tình đầu đăng trên báo Tuổi Trẻ Xuân 2013.
Trước đó và sau đó là nhiều truyện ngắn đáng nhớ khác như Bào tỷ ông nghị, Chuyện cô Bân, Thèm danh, Muốn làm giám
đốc...đã làm nên "nét riêng" của Phùng Hi: cái nhìn phản biện đầy tính thời
sự, cười cợt mà luôn dí dỏm và ẩn nét hồn hậu.
Phùng Hi là bút danh do tác giả nói lái từ tên gọi Nguyễn Phi
Hùng.
* Rất nhiều truyện ngắn trong tập sách đầu tay này liên quan
đến nghề giáo. Phải chăng chính những chuyện "cười ra nước mắt" của đời sống dạy
- học đã thôi thúc một thầy giáo như ông cầm bút viết văn ở tuổi 40?
- Thật ra tôi muốn tất cả các truyện trong tập đầu tiên này đều
nói về nghề giáo nhưng nghĩ sợ khô khan. Nếu tính số lượng người ăn lương nhà
nước thì giáo viên là đông nhất mà đông người chắc chắn sinh lắm chuyện. Tôi
cũng xác định bốn mươi tuổi mới đi viết văn thì khó lòng đi xa được nhưng có hề
gì, không mợ thì chợ vẫn cứ đông. Và cũng không ngờ mình lại đi viết về chính
cái nghề của mình chứ lúc đầu không có ý định thế.
* Vậy cơ duyên gì đã dẫn ông đến với văn chương?
- Tôi là giáo viên dạy toán, cũng có thử dạy thêm vì nghèo túng
quá nhưng đến cuối tháng tôi rất ngại đòi tiền, cầm tiền học trò đưa, vậy là bỏ
giữa chừng. Người ta chê tôi việc này lắm, nhất là vợ. Tôi nói tránh chắc là tôi
không có duyên dạy thêm. Chẳng biết làm gì nên thử viết văn chứ nghiên cứu
chuyên sâu về toán chẳng biết để làm gì. Tôi cũng từng nghĩ viết sách giải bài
tập toán nhưng làm sao cạnh tranh nổi đây trong khi mình ở tỉnh lẻ.
Mà tôi cũng không nghĩ mình viết được văn. Vậy mà rồi một ngày
lại có riêng một tập truyện. Có điều gì đó không chắc chắn lắm, bồng bềnh, chưa
định hình được. Có lẽ chính xác là tôi chưa đủ tự tin, thấy “nghề viết” hình như
chưa gắn vào mình, còn nghiệp dư và còn kiểu “văn nghệ cho vui”. Viết văn với
tôi hiện giờ mới là duyên, duyên kỳ ngộ chứ chưa phải nghiệp, mà duyên thì có
thể hết bất kỳ lúc nào. Tôi sợ chuyện viết ám vô mình như nhiều người từng
hăm.
* Trong truyện ngắn Y là thầy giáo, ông viết "tôi sẽ
viết đến râu dài đụng rún" vẫn chưa hết chuyện" về sự khổ sở của thầy giáo thời
nay. Vì đâu...nên nỗi?
- Quả là chuyện khổ của thầy cô giáo thời nay là chuyện dài tập.
Nhưng cái khổ nói ở đây ngoài tác động khách quan từ xã hội, từ chính sách giáo
dục, nó còn bị tác động bởi chính thầy cô giáo. Tham sân si hỉ nộ ái ố có đủ thì
không khổ sao được. Có vẻ như cả xã hội chối bỏ đức tính tốt đẹp của người thầy
trong quá khứ mà dân tộc đã đúc kết. Ví dụ câu: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" đã bị phụ huynh biến tướng chữ "yêu" đi.
Thấy thầy cô nghèo thì khinh là điều khá lạ, lẽ ra phải kính mới đúng chứ. Chỉ
một chi tiết này thôi đã làm cả ngành giáo dục nháo nhào.
* Những mảnh vỡ tình đầu, Như sương như khói hay
Tỵ và ngọ trong tập truyện này đều là những câu chuyện tình yêu đầy dư
vị. Ông nghĩ sao nếu có độc giả chờ đợi đọc Phùng Hi là chờ đợi đọc...chuyện
tình?
- Tôi nghĩ mấy cái truyện tình chắc là ăn may, nó không phải sở
trường của tôi.
* Vậy đề tài ông quan tâm nhất có lẽ vẫn là sự “nháo nhào”
của ngành giáo dục? Và như ông nói, nghề giáo “lắm chuyện”, chắc còn cả “kho” đề
tài để ông viết?
- Tôi rất may mắn là Tuổi Trẻ cũng như Báo Phú Yên quê nhà tạo
cho mình một "kênh viết báo" về giáo dục. Những tiêu cực, những khổ sở quá trần
trụi của nghề giáo đôi khi khó đưa vô văn hoặc tôi không đủ tài để đưa vô văn.
Cái "lắm chuyện" của nghề giáo, theo tôi thấy, nó dở dở ươn ươn; cái chân, cái
mỹ không đi đến tột cùng; cái xấu, cái ác cũng thế thành ra khó lôi cuốn bạn
đọc. Nên nếu còn tiếp tục viết về nghề giáo, tôi vẫn chọn cách tiếp cận nhẹ
nhàng, hài hước. Chuyện cả kho còn đó, nhưng nhào nặn ra thành phẩm thì không
dám nói trước.
* Truyện ngắn nào ông tâm đắc nhất sau bốn năm viết văn?
- Tôi thích nhất, có lẽ dùng từ khoái thì đúng hơn, truyện
Muốn làm giám đốc, nó đặc tả đúng một anh chàng người Việt với máu làm
quan chảy rần rật trong huyết quản nhưng khác mọi người, ngoài mặt làm như chẳng
thèm: "Quan ấy à, ôi quan nhất thời dân vạn đại. Làm quan chỉ tổ gánh trách
nhiệm chứ được gì", anh này biểu hiện ra mặt cho bõ ghét. Cho bỏ ghét những
thằng núp lén chạy đua giành chức.
Box: Tiếng cười dài và tiếng thở dài
Y không bi quan, sầu não, y còn biết cười, dù cái cười giấu cái khóc bên trong. Ấy là nhờ người kể chuyện y biết viết truyện có giọng cười để khỏa lấp cái không thể khỏa lấp, để níu kéo cái không thể níu kéo. Kể chuyện giọng cứ tưng tửng, có truyện như bài báo nhưng đọc ra vẫn là truyện nhờ giọng, truyện này kéo theo truyện khác như là một truyện dài có chung một nhân vật y, tập truyện như vậy là một tiếng cười dài và một tiếng thở dài. Đọc anh thấy vui ở cách kể chuyện dù chuyện kể không vui.
Trích lời tựa của Phạm Xuân Nguyên
P/S: Bài đã in trên Tuổi Trẻ nhật báo.
Nghe tác giả kể về việc không thể đòi tiền, cầm tiền học trò, sự túng thiếu của nghề giáo, sự mặc cảm, thiếu tự tin của thầy cô giáo...mà cay mắt, nhớ những người thầy giàu tự trọng mà thiếu niềm vui nghề nghiệp của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét