Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy
Và một bình đêm rót rất đầy
Trích lại mấy dòng Mai Thảo từng viết về Dương Nghiễm Mậu ở đây, cho các bằng hữu chưa đọc:
...Nụ cười tươi tắn, cái nhìn hỏm hỉnh. Đúng là Dương Nghiễm Mậu, độc lập một trời riêng, tách biệt một đường riêng, phản chiếu trong văn viết và trong một tấm hình nổi tiếng độc đáo của Trần Cao Lĩnh, Mậu nhắm mắt mỉm cười dưới một mặt kim đồng hồ kim phút kim giờ cùng ngộ nghĩnh rớt xuống.
....Một lần khác, gặp trên hè đường Tự Do, xế cửa nhà sách Xuân Thu. Mậu, một cây dù Tú Xương, tay kia xách một túi giấy, nói ở trong là một cái chăn len, đồ dùng quý nhất còn lại trong nhà, và Mậu đang trên đường ra chợ trời Tôn Thất Đạm bán lấy ít tiền đem về cho vợ mua gạo. Kể chuyện khốn quẫn mà cười thật vui, nét mặt sinh hoạt, ánh mắt riễu cợt.
Sau 1975, tôi đã nhìn thấy ở nghệ sĩ ta một số bản lĩnh chói loà. Những phong thái trầm tĩnh, những bản ngã dũng liệt, trong nghịch cảnh mới như một đường kiếm tuốt ra khỏi vỏ, mới lấp lánh hiện hình. Nhưng tươi tắn, vững vàng và trong sự trẻ trung đặc biệt, gần như không có tuổi, thì là Dương Nghiễm Mậu thôi. Chỗ này là chỗ nói đến võ công thâm hậu, đến tư duy đạt thành và kín thầm nhưng đoán thấy, sự kiêu hãnh tuyệt của người nhà văn nơi Dương Nghiễm Mậu.
...Bằng hữu văn nghệ ở Sài Gòn gần như trên hết thảy đã ngừng viết và đã phải đổi nghề. Để sống. Để có lao động, để được yên thân...Riêng nghe tin Dương Nghiễm Mậu bây giờ làm công nhân một xưởng sơn mài thành phố, không hiểu sao tôi lại thấy vui vui và muốn cười. Có lẽ vì Dương Nghiễm Mậu bao giờ cũng đến với tôi bằng khuôn mặt đó. Khuôn mặt một người nhắm cả hai mắt lại, cho cái nhìn trở thành cái nhìn bên trong, cái nhìn tâm hồn, và nụ cười tủm tỉm hóm hỉnh là chân dung Mậu ở tấm hình chân dung ngộ nghĩnh của Trần Cao Lĩnh. Cũng có lẽ vì tôi thấy Mậu vững chãi nhất, chẳng phải buồn phiền và xót xa cho hắn.
... Muốn hỏi Mậu ở Việt Nam nghìn dặm : "Những tấm sơn mài ấy có vẽ hình sông núi quê hương?" Chắc là có. Chắc là có. Không trên tranh thì trong tim, trong hồn, trong thức, trong ý. Và cái nền của sơn thì vẫn là một con đường. Con đường đi qua đời sống. Con đường đi qua văn chương. Con đường đẹp nhất, vì con đường thẳng tắp. Con đường đẹp nhất, vì là con đường một mình....
3.8.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét