Rating: | ★★★★ |
Category: | Other |
[...]
Nhạc Trịnh thực tế là một đại biểu chiết trung của nhiều giá trị. Ca khúc ngắn gọn theo cấu trúc hai đoạn nhạc có những sắc thái Á Đông rất nhẹ nhưng đủ để gây ấn tượng, những âm hưởng ca Huế thoảng qua như sương khói. Không cầu kỳ kỹ thuật nhưng cũng vẫn có độ sang trọng. Cảm xúc vừa mới nhú tinh khôi nhưng đã song hành ngay sự rã rời buồn nản. Chiều sâu của ca khúc Trịnh Công Sơn là một sự kết hợp kỳ dị cả sự sám hối Thánh kinh (Phúc Âm Buồn) lẫn tinh thần an nhiên Phật giáo (Đóa hoa vô thường).
Thêm vào đó, do xuất thân từ vùng đất miền Trung Việt Nam, nơi pha trộn nhiều ảnh hưởng văn hóa, lại là người thừa hưởng nền giáo dục Tây học cũng như xê dịch nhiều, Trịnh Công Sơn làm nhòe mờ những dấu vết ảnh hưởng một cách tinh tế. Khó nói ông nằm trong một vùng văn hóa nào, nhưng hoàn cảnh đất nước chiến tranh đứt rồi lại nối chắc đã khiến cho ông chọn lấy “vũ khí” là ca khúc ngắn như ballad, dễ hát lên mọi nơi, chỉ cần đệm bằng cây đàn ghita, dạo vài hợp âm là đủ vẽ nên một không khí đầy ám ảnh ma mị.
Nhạc Trịnh Công Sơn không bộc lộ rõ yếu tố giới trong mối quan hệ tình ái. Đa phần tình ca xưng “tôi - em”, rất ít bài có xưng “anh - em”. Sự trung dung đó khiến bài hát Trịnh có sự tương hợp với ý thức kín đáo trong biểu đạt tình cảm có phần ảnh hưởng bởi giáo lý truyền thống của người Việt. Một sự gián cách về chủ thể khiến người hát lên những ca khúc ấy dễ dàng hóa thân, giữ ở một trạng thái vừa độ, không đắm đuối cũng không gào thét bản năng. Sự chừng mực đó có thể khiến nhiều người nghe thời nay cảm giác “một màu” đơn điệu. Nhưng hơn rất nhiều người, và dường như cũng chỉ mới có Trịnh Công Sơn làm nên cả một khu rừng âm u kỳ dị, mỗi cây là một bài hát lạ lùng, mỗi hình tượng nở ra trên đó như những đóa hoa không thấy mọc nơi khác. Ta thấy em trong tiền kiếp, với cọng buồn cỏ khô. Ta thấy em đang ngồi hát, khi rừng chiều đổ mưa. Trịnh Công Sơn vẽ ra được những trạng thái đời, bài ca có khi chẳng kể lại một câu chuyện cụ thể nào, nhưng lời ca để ngỏ những dư âm tìm giải đáp...
(Trích Trịnh, rock: Đi tìm cái nguyên thủy)
****
[....] ...Không gì buồn với một người sáng tác là không sáng tác được, nhưng cũng không thể vui khi phải ở mãi một trạng thái, bất biến một phong cách, nhất là như người ta vẫn nói “vận vào người” những ám ảnh bi kịch thân phận quá nổi tiếng. Ông đã phải gánh bi kịch ấy cả thời tuổi trẻ của mình, gánh cho cả vài thế hệ chiến tranh. Chúng tôi sinh ra khi đã hòa bình, yêu cái âm u thuở nào của gió cát phù du bay về, nhưng chúng tôi cũng hạnh phúc vì Trịnh Công Sơn vẫn đồng hành với tuổi trẻ của mình, những bàn chân em đi nhè nhẹ… em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh…Chúng tôi vẫn nghĩ, “bọn mình cũng có Trịnh Công Sơn”.
[... ] Không nói quá, nhạc Trịnh Công Sơn đã là nguồn giải trí quan trọng đặc biệt trong cái thời tuổi lỡ nhỡ mười sáu, mười bảy của chúng tôi. Ca từ nhạc Trịnh đã cung cấp cho chúng tôi một khả năng diễn đạt khác, một nguồn từ chương tiếng Việt phong phú, và nhất là đẹp đẽ đầy kỳ ảo khơi gợi tưởng tượng, điều ít tác giả làm được.
Nhưng hình như chúng tôi yêu nhạc Trịnh còn với một cảm xúc như tình thương dành cho người có số phận thăng trầm. Với tư duy rất trường ốc của mình, chúng tôi tiểu thuyết hóa cuộc đời của nhạc sĩ lên, cuộc đời đi qua những gai góc, đảo điên, chết chóc, nhưng lúc nào cũng giữ cho mình một “đóa hoa hồng hôn lên môi”. Cái vẻ đẹp nhân bản ấy có lẽ chính là phẩm chất khiến chúng tôi đã từng là những khán giả vô cùng trung thành của nhạc Trịnh. Ông không vì đau đớn đầy đọa mà có những dấu vết tình yêu bẽ bàng, sỉ nhục, cũng không kể công hay đòi hỏi đầy sát phạt trong ca từ bao giờ.
[...]
Trịnh Công Sơn hồi còn trẻ, đã ước vọng “khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam”. Những năm tháng tuổi mới lớn của chúng tôi, Trịnh Công Sơn chính là hiện thân của một mơ ước đã thành, một người “của miền Nam” nhưng cũng là một người đã đến với chúng tôi từ trước rất lâu. Lúc viết Nối vòng tay lớn, chắc Trịnh Công Sơn không nghĩ đã làm cho hành trình của chính mình trở nên phi thường: Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo, từ quê nghèo đến phố lớn, nắm tay nối liền, biển xanh sông gấm, nối liền một vòng tử sinh… Lúc còn sống, ông có nói, bàn tay là phần thân thể ông nhắc đến nhiều nhất trong ca khúc, bởi trên đó có những đường chỉ ghi dấu số phận. Ông chắc không ngờ, bàn tay ông đã vượt qua được qua bao điều không viết thành lời thành nhạc.
(Trích Tay ta vượt đèo)
Nguồn: http://truongquy.blogspot.com/
hnay tớ đi hát với box Trịnh trên ttvn cậu ạ. bài Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời. haizz.
Trả lờiXóaÔi, Xixi ơi, hay thế, có hát cùng với Nguyệt Ca không? Quen nhau chứ? Tớ là bạn của Nguyệt Ca ý!
Trả lờiXóaChính là chương trình Này Em Có Nhớ do Nguyệt Ca chủ trì. Tớ nghe tên Nguyệt Ca lâu rồi nhưng chưa có dịp làm quen. Mãi hôm rồi mới xin hát ké 1 bài thì chị em mới gặp nhau đấy. Chẳng biết có ưng ý ban tổ chức không nữa. Tài năng mình có hạn. hehe :D
Trả lờiXóađể khi nào mình ra Hà Nội, 3 đứa cùng gặp nhé! ;)
Trả lờiXóa