Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Tự mình thắp đuốc


[...]

Ở thế kỷ 17, Pascal bị dằn vặt dữ dội giữa con người bác học của ông và con người sùng tín trong ông, giữa lý trí và lòng tin, vừa chống đối vừa bổ túc, vừa thù nghịch vừa bất khả phân ly. Cuối cùng thì ông phải thừa nhận sự hiện hữu của Thượng đế là không thể chứng minh được bằng lý tính, và “tôi tin vì đó là phi lý”.

[...] Đồng lõa với Pascal, tôi hạ bệ lý trí. Trưởng thành hơn, có chút kinh nghiệm sống, tôi mới biết sợ trái tim, không phải vì nó đã già - có bao giờ nó già đâu - mà vì đưa lên thiên đường là nó mà đưa xuống địa ngục cũng là nó. Nó biết thấy, nhưng nó cũng biết mù, mù mà cứ đòi dẫn đường, lại còn độc quyền lãnh đạo.

Trái tim không phải là chữ “tâm” trong đạo Phật. Niềm tin trong đạo Phật cũng không gửi đến một Đấng Cao Xa nào, mà gửi đến con người. Cứu cánh của một bên là Thượng Đế, của bên kia là giải thoát. Tự mình giải thoát. Tự mình thắp đuốc. Đuốc ấy là trí tuệ.

Trí tuệ dạy: Đừng tin vào những gì vì người khác nói, đừng tin một điều gì vì được tập quán lưu truyền, thậm chí đừng tin một điều gì vì nghĩ rằng đó là uy thế của kinh điển, thậm chí đừng tin một điều gì vì nghĩ rằng đó là do thầy mình nói ra. Ai bắt đầu học đạo Phật đều biết đó là lời Phật dạy trong kinh Kalama. 

Vậy thì tin vào cái gì? Cái gì, việc gì tự mình chứng nghiệm. Tư mình chứng nghiệm rằng việc đó là bất thiện và đưa đến đau khổ. Tự mình chứng nghiệm rằng việc đó là thiện và đưa đến hạnh phúc. Tham sân si, cứ chứng nghiệm đi rồi biết có đau khổ hay không. Bỏ tham, bỏ sân, bỏ si, chứng nghiệm đi rồi thấy có nhẹ nhàng hơn không. Chứng nghiệm trên sự việc, nên cái biết ấy của trí tuệ là biết xác thực. Đối tượng của trí tuệ là sự việc, là sự kiện, là cuộc đời, là con người, là chính ta, không phải là một Đấng siêu hình mà không ai dám nói mình biết rõ. Trên sự việc, cái biết của trí tuệ có thể phát triển đến tột cùng, bằng năng lực của quán, của định, của thiền.

[...] Đâu phải là chuyện cao xa. Tây Phương ngày nay, cái từ “mindfulness” đã thành phổ thông. Có gì đâu: đó là chánh niệm, chánh định, chánh tư duy áp dụng vào xã hội hỗn tạp ngày nay. Đó là công việc của trí tuệ. Một phút trước khi cuồng tín ném bom hoặc ném hận thù, biết lấy gì ngăn lại ngoài một tích tắc mindfulness? Nơi cái tích tắc ấy, địa ngục biến thành thiên đường. Phép lạ đến từ trí tuệ, không đâu khác. Trí tuệ là khó đạt, đạo Phật đòi hỏi cái khó, đúng vậy. Nhưng đi không phải là đến ngay, đi là chứng nghiệm, mỗi bước là mỗi thấy, rõ hơn, thấy rồi lại càng tin, chắc hơn, nhưng đó là tin ở mình. 

Cái khác giữa đạo Phật và các tôn giáo độc thần là cái vị thế chủ nhân của con người trí tuệ. Tôi mượn một câu trong quyển sách best - seller mà tôi đang đọc (*) vì tác giả, bà Barbara Taylor, là mục sư. Bà viết: “Trong đạo của tôi, đức tin là thiết yếu - đặc biệt là tin những điều khó tin. Trong đạo Phật lòng tin là một sự lựa chọn. Cứ thử đi rồi thấy, đức Phật nói thế. Cứ đi theo con đường ấy một thời gian rồi tự mình quyết định cái gì là thật. Lời mời gọi đó làm tôi rung động. So sánh với đạo của tôi, hình như truyền thống của tôi rất ít đặt tin tưởng trên khả năng của tôi để quyết định cái gì cho mình”.

[...]

Vậy thì, phải chăng trong đạo Phật không có niềm tin? Ô hay, không có niềm tin thì tại sao tôi lại lên chùa? Tại sao tôi lạy Phật, tại sao tôi tụng kinh, tại sao tôi niệm A Di Đà để cầu nguyện cho mẹ tôi? Con người, khi có mặt trên trái đất, đã đứng trước huyền bí. Đố ai chẳng từng có lúc cảm thấy rờn rợn trước im lặng của hoàng hôn hay trước cái chết. Đố ai gạt phăng được mọi linh thiêng trong mọi hoàn cảnh, đố ai đến cuối cuộc đời không đếm ngày tháng còn lại với một câu hỏi thấm chất tâm linh. 

Chỉ có điều là những huyền bí của con người tiền sử tan dần cùng với ánh sáng của trí tuệ, và riêng tôi, tôi chỉ còn giữ lại những linh thiêng gì giúp ích cho tôi trong đời sống ở đây và bây giờ mà tôi chứng nghiệm được. Bỏ tham, sân, si, tôi thấy nhẹ nhàng, làm sao tôi không tin lời Phật được? Càng bỏ, càng thấy nhẹ nhàng, càng nhẹ nhàng càng thấy giải thoát không phải là cái gì cao xa mà rất gần gũi, gần gũi như nghe lời Phật nói bên tai: từ đó mầu nhiệm tỏa ra như là có thật. Tôi thương mẹ tôi nên tôi cũng gửi đến cho mẹ tôi cái không khí mầu nhiệm mà tôi cảm thấy mỗi lần cầu nguyện cho mẹ. Như vậy có gì trái với trí tuệ? [...]

Cao Huy Thuần

P.S: Tựa bài ở blog do mình đặt, trích từ tản văn
Trí tuệ và lòng tin trong tập sách Sen thơm nắng hạ quê mình (Khai Tâm và NXB Tri Thức, 2020) của tác giả Cao Huy Thuần.

(*) Barbara Brown Taylor, Holy Envy. Finding God in the Faith of Others, HarperCollins Publishers, 2019.

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Chỉ còn 2 chữ hư không...





Gặp thi sĩ Nguyễn Đức Sơn lần đầu cách nay 9 năm ngay căn nhà gỗ nhỏ xíu trên Đại Lão sơn, lúc ấy ông còn khỏe, giọng khỏe, sang sảng đọc thơ cho tụi mình nghe, dạo chơi đồi thông Phương Bối và tiễn tụi mình đến tận chân đồi…Lần cuối thăm ông năm 2018, ông nằm bệnh, đã không thể có lại được hình ảnh "đám trẻ" ngồi quây quần nghe thơ ông giữa rừng thông.

Từ sau năm 2011, thi thoảng ông vẫn gọi điện cho mình để hỏi thăm báo Tuổi Trẻ - tờ báo ông vẫn đọc đều những ngày mắt còn sáng. Mấy mươi năm dài náu ở “rừng im” nhưng ông không hề lãng quên thế cuộc, vẫn luận bàn thời sự trong nước và quốc tế - dù giọng ông sau này nhiều lúc đứt quãng…

Ông thi thoảng cũng nhắn cả những bài thơ mới làm qua điện thoại…Nhiều lúc đang bận việc, mình vẫn gác lại để nghe ông, nghe lửa cháy và sự tịch mịch của một “rừng thơ” mang tên Nguyễn Đức Sơn.

Nghe tin ông mất, nhớ những ngày ấy, nghĩ thật biết ơn đời nếu ai đó còn có thể nhấc máy gọi cho nhau…

Mình thích nhất vẫn là cảm thức về vô thường trong thơ Nguyễn Đức Sơn. Thơ ông trình hiện kiếp nhân sinh là một cuộc “cắm đầu lao thẳng tới hư vô" "trước khi biến tan vào trong bụi cát". Phù du là thế, đi miệt mài trong cõi vô minh rồi về với hố thẳm, nhưng thế lại càng “bắt đầu thở là bắt đầu hạnh phúc”....

Mình cũng thích hình ảnh thiên nhiên tràn đầy trong thơ ông. Chữ của ông chỉ có thể là chữ của một người thật sự sống - với và hàm ơn thiên nhiên trong từng hơi thở phập phồng. Mình vẫn hay nhớ:

"Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh"; hay:

"Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên".

Nguyễn Đức Sơn từng có bút hiệu là Sao Trên Rừng. Thơ ông đầy hình ảnh các vì sao sáng - chiếu - rụng - rơi - trôi giữa "rừng phương Đông". Những đóa sao làm thi sĩ có thể hạnh phúc đến bật khóc, thắp lên bao mộng ước của đời sống hay làm rơi rụng mọi nỗi niềm, để chỉ còn hai chữ "hư không" đọng lại sau mỗi bài thơ.

Những ngày nằm bệnh, không biết ông còn nhớ nghĩ những câu thơ xưa:

"Mai kia tắt lửa mặt trời
Chuyện linh hồn với luân hồi có không"…; 

"Cưu mang oan nghiệp một trời
Anh nghe ngày rụng tiếng đời bay xa
Mai kia bóng thẳm huyệt tà
Ru anh em sẽ thật thà hơn em...";

"Còn một mình hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Từng trưa nằm nghỉ đất dài
Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên… "

Nhẹ một hình hài giữa trời thinh không ông Sơn nhé. Hẹn ông, mai “đám trẻ” sẽ về nghe lại thơ ông giữa hư không…

11.6.2020

P.S: Biên trong ngày này năm ngoái, lưu ở đây nhân tròn 1 năm ông Sơn Núi rời cõi tạm. Mình quên chưa nói: Nguyễn Đức Sơn là một trong những nghệ sĩ có tinh thần công dân mạnh mẽ nhất mà mình biết. 

Hôm nay nhớ chuyến xe ấm áp đưa tụi mình về Phương Bối viếng ông một ngày tháng sáu.

Nay cũng nhờ một ghi chép ở blog này năm 2014 mà nhớ lời ông từng nói với mình: "Này ranh con, thế giới này lạ lùng lắm. Lạ lùng lắm!. Sau này Sơn núi có đặt một chân xuống huyệt rồi thì chân còn lại cũng phải trồi lên". Mong/ tin là ông đã luân hồi trở lại kiếp người để mà lại thương say cái thế giới lạ lùng này...

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Bạn của đường khuya...


Cậu biết không A.N.,

Hôm trước kể với một người anh về một lời... tỏ tình, tớ ngạc nhiên sau chừng ấy năm - 17 năm có lẽ - tớ vẫn nhớ rành rọt từng từ của cậu: Cậu - có - cho - phép - tớ - yêu - cậu - không?

Và rồi, cũng lâu lắm rồi, hôm đó tớ nhớ về cậu, cậu của đôi mắt sâu, sống mũi cao và mái tóc xoăn bồng bềnh. Cậu của những đêm 1,2 g khuya vẫn đứng chờ tớ ngoài cổng toà soạn, chạy xe đạp song song hơn 10km với tớ, đưa tớ về tới cổng nhà mới quay đầu xe...

Ký ức đẹp quá, mà thời gian khiến mọi thứ bị ngàn lớp sương mờ che phủ, tớ không còn nhớ rõ những gì chúng ta đã trò chuyện các đêm đường thênh thang vắng ấy... Chắc là những tin bài tớ đã phải xử lý cho báo điện tử? Nhà của cậu ở đâu giữa lòng thành phố, tớ có biết không? Tớ có "cấm" cậu đừng tới nữa? Ba mẹ có la cậu bỏ nhà đi giữa khuya? Buồn thật, tớ không trả lời được. Chữ của cậu, còn lại trong tớ là cái câu khiến tớ bất ngờ đó, kể ra thì trí nhớ quá tệ hay tớ quả vô tình...:(

Những lúc dắt xe ra gặp cậu đứng đợi, tớ đã nghĩ đó là tấm lòng hào hiệp của người bạn nhỏ tuổi lo lắng cho tớ thân gái một mình khuya khoắt, tớ đã không biết đó là tình cảm gì nếu cậu không nói ra, dù mắt cậu rất ướt... Mà đoạn tuổi hoa niên ấy, chúng mình đều còn trẻ lắm, cũng có thể cậu lầm đấy thôi...

Giờ thì, tớ biết, mãi mãi, sẽ không có ai đưa tớ về như cách của cậu, không ai tỏ lòng như cách của cậu...Và cái trí nhớ bội bạc làm tớ nhận ra, có bất cần thế nào thì ta cũng ngã lòng trước chữ... yêu.

Cậu vẫn kiên trì con đường tu hành đó chứ? Cậu có hạnh phúc không? Mấy lời muộn ghi xuống này, để phòng trí nhớ có hao mòn thì tớ vẫn còn nhớ về cậu. Tạ ơn người đã giúp tớ an lòng những đường khuya. Tạ ơn Sài - Gòn - đêm có cậu. Nguyện cho cậu một đời sống thật an nhiên, A.N. nhé!...

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Nhường nhau từng chút vui...





Mình hay cafe với Aung Min ở đây, mỗi khi anh về Việt Nam.

Có bao nhiều "người trai" ta có thể ngồi cùng trong sự thân thiết ấm áp vô ngại? Không nhiều, và Min trong số ấy.

Tách khỏi đám đông, không chơi Facebook, luôn tìm kiếm sự vắng lặng mà anh muốn mình thuộc về, Min có nhiều chốn trọ đặc biệt, những chuyến đi luôn - luôn - một - mình. Anh thường kể mình nghe các câu chuyện về những tình yêu li ti đến lớn lao anh tìm thấy ở đời sống xê dịch. 

Nhưng trên tất cả, mình nhìn thấy ở Min niềm "hạnh phúc tự thân" ở người - biết - sống - một - mình. Những câu chuyện với anh vì thế luôn nhẹ nhàng an vui, như chuyện về một cái dây leo chọn đường đi thật đẹp, chuyện cánh bèo mới nở, chuyện về một vòm cây, một cơn mưa chưa tới...Và những "kỳ quan" - những người tốt anh gặp trên đường, chưa bao giờ vắng mặt...

"Bên trời nắng lên nghe bao cuộc đời vui mà lòng rất mới" (*). Đời sống nhiều lúc, tưởng chỉ có thiên nhiên hòa điệu ân tình, và còn người an hòa nhường nhau từng chút vui...

Và hạnh phúc của Min với mình trong những cuộc - ngồi là ngắm những mướt xanh này, ngắm bức tượng này, lặng im nghe niềm an nhiên chảy từ mắt ông Phật hiền vào tim nhỏ thênh thang...

13.7.2018


P.S: "Đây" mình nhắc trong bài là quán cafe The Fig - một trong những quán cafe mình yêu thích nhất ở Sài Gòn, nhưng quán đã dời đi sau khi mình chụp bức ảnh này không lâu. Cảnh cũ không còn, đường xưa thôi ghé, mình thi thoảng nhớ ông Bụt này, mong ngày gặp lại...